[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách kinh tế tự do (Phần 5)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách kinh tế tự do (Phần 5)

Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Economic Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

8. Quan liêu hóa

Người ta cũng thường nói rằng điều kiện cần cho việc thực thi lí tưởng tự do của xã hội đã không còn trên một khía cạnh nữa. Đấy là, quá trình phân công lao động tất dẫn đến sự hình thành của những doanh nghiệp lớn, ngày càng đòi hỏi nhiều lao động hơn. Nghĩa là trong quá trình làm việc các doanh nghiệp này sẽ ngày càng giống bộ máy quan liêu của chính phủ, một bộ máy mà những người theo trường phái tự do coi là đối tượng phê phán của mình. Các doanh nghiệp này ngày càng trở nên cồng kềnh và kém sáng tạo. Việc lựa chọn người vào các vị trí lãnh đạo sẽ không còn được thực hiện trên cơ sở khả năng chuyên môn, được thể hiện trong công việc, mà sẽ tuân theo những tiêu chí hoàn toàn mang tính hình thức như trình độ học vấn hoặc thâm niên công tác, và nhiều khi chỉ là kết quả của thái độ thiên vị. Như vậy nghĩa là, cuối cùng, đặc điểm nổi bật, phân biệt giữa xí nghiệp tư nhân với xí nghiệp nhà nước đã biến mất. Nếu trong thời đại của chủ nghĩa tự do cổ điển, việc phản đối sở hữu nhà nước dựa trên cơ sở là nó làm tê liệt tất cả các sáng kiến và giết chết niềm vui trong lao động còn có lí thì hiện nay điều đó đã không còn đúng nữa vì doanh nghiệp tư nhân cũng quan liêu không kém, mô phạm không kém và hình thức không kém doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Muốn biết giá trị của những ý kiến phản bác như thế, trước hết ta phải làm rõ bộ máy thư lại và kiểu giải quyết công việc theo lối quan liêu thực chất là gì, và chúng khác với công ty kinh doanh và công việc kinh doanh của doanh nghiệp ở chỗ nào. Sự đối lập giữa não trạng kinh doanh và não trạng quan liêu cũng chính là mâu thuẫn trong lĩnh vực trí tuệ giữa chủ nghĩa tư bản - sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất - và chủ nghĩa xã hội - sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Người nào nắm trong tay các nhân tố sản xuất, dù đấy là của anh ta hay do anh ta thuê của người khác, cũng phải luôn tìm cách sử dụng chúng sao cho có thể đáp ứng được những nhu cầu, mà trong hoàn cảnh đã cho, được coi là khẩn thiết nhất của xã hội. Nếu không làm như thế, anh ta sẽ bị lỗ và trước tiên là, như một người chủ sở hữu của nhân tố sản xuất và một nghiệp chủ của doanh nghiệp, anh ta phải giảm bớt kinh doanh, và cuối cùng là bị đẩy ra khỏi thương trường. Anh ta sẽ không còn là chủ sở hữu nhân tố sản xuất, cũng chẳng còn là nghiệp chủ của doanh nghiệp nữa, anh ta sẽ trở về hàng ngũ của những người chỉ còn một thứ để bán, đấy là sức lao động. Anh ta cũng không còn trách nhiệm lèo lái sản xuất vào những hướng mà theo quan điểm của người tiêu dùng là đúng đắn nữa.

Tính toán lời lỗ thông qua công việc kế toán và sổ sách giúp cho nghiệp chủ và nhà tư sản kiểm tra mỗi bước đi với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, bằng độ chính xác cao nhất, và nhìn thấy hiệu ứng của mỗi thương vụ đối với kết quả tổng hợp của doanh nghiệp. Tính toán tiền nong và hạch toán giá thành là công cụ trí tuệ quan trọng nhất của nghiệp chủ trong xã hội tư bản, và chính Goethe chứ không phải ai khác đã tuyên bố rằng hệ thống kế toán kép là "một trong những phát minh tuyệt vời nhất của trí tuệ con người". Goethe có thể nói như thế vì ông không có thái độ ghen tị đối với doanh nhân như những người cầm bút nhỏ nhen khác, những kẻ tạo thành dàn đồng ca suốt ngày kêu gào rằng thường xuyên tính toán và lo lắng về lời lỗ là tội lỗi nhục nhã nhất.

Tính toán tiền nong, kế toán và thống kê về doanh thu và chi phí sản xuất cho phép ngay cả các doanh nghiệp lớn nhất và phức tạp nhất kiểm soát một cách chính xác kết quả công việc của từng bộ phận, và bằng cách đó, hình thành nhận thức về mức độ đóng góp của người đứng đầu mỗi bộ phận đối với thành tích chung của doanh nghiệp. Đấy là kim chỉ nam đáng tin cậy để đánh giá năng lực của những người lãnh đạo tại những bộ phận khác nhau. Ta có thể biết giá trị của họ và mức lương phải trả cho họ. Việc được thăng tiến lên những vị trí cao hơn và có trách nhiệm hơn là nhờ kết quả đã được thể hiện trên những vị trí thấp hơn. Khi có thể dùng hạch toán giá thành để kiểm tra được hoạt động của người lãnh đạo từng bộ phận thì ta có thể theo dõi một cách kĩ lưỡng hoạt động của doanh nghiệp trên từng lĩnh vực, cũng như hiệu quả của những biện pháp tổ chức cụ thể và những biện pháp khác.

Dĩ nhiên là mức độ chính xác của việc kiểm soát không phải là vô hạn. Khác với việc đánh giá người lãnh đạo, ta không thể xác định được thành công hay thất bại của từng người trong mỗi bộ phận. Ngoài ra, phương pháp tính toán cũng không xác định được đóng góp của một bộ phận vào thành quả chung: không thể đánh giá những việc mà bộ phận nghiên cứu, phòng luật, ban thư kí, phòng thống kê v.v. làm được theo cách, ví dụ như, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của bộ phận bán hàng hay bộ phần sản xuất. Kết quả của các bộ phận như nghiên cứu, phòng luật v.v. có thể giao cho trưởng các bộ phận đó đánh giá, còn kết quả của những bộ phận như sản xuất và bán hàng thì giao cho tổng giám đốc doanh nghiệp, vì những người có trách nhiệm đưa ra những đánh giá như thế (tổng giám đốc hoặc lãnh đạo các bộ phận) nhìn thấy rõ các điều kiện của thị trường và quan tâm đến sự chính xác của những đánh giá do họ đưa ra - thu nhập của họ phụ thuộc vào hiệu quả của công việc mà họ chịu trách nhiệm.

Trái ngược với các doanh nghiệp loại này, tức là những doanh nghiệp mà mỗi thương vụ đều được kiểm soát bằng cách tính lời lỗ, là bộ máy quản lí hành chính nhà nước. Tính toán không thể nào chỉ ra được rằng một vị quan tòa (cái gì đúng với một vị quan tòa thì cũng đúng với bất kì quan chức nào khác) đã hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn hay là tồi hơn. Không thể nào có được những tiêu chí khách quan để đánh giá một huyện hay một tỉnh được quản lí tốt hay kém, với chi phí cao hay chi phí thấp. Như vậy, đánh giá hoạt động của các quan chức là đánh giá mang tính chủ quan, và do đó có tính tùy tiện. Ngay cả vấn đề là một phòng ban nào đó có cần thiết hay không, nhân viên của nó quá nhiều hay quá ít, và liệu tổ chức của nó có phù hợp với mục đích đặt ra hay không cũng chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở những tính toán chứa một số yếu tố chủ quan.

Chiến tranh là lĩnh vực quản lí nhà nước duy nhất mà tiêu chí thành công hay thất bại là điều không cần bàn cãi. Nhưng ngay cả ở đây ta cũng chỉ có thể nói rằng chiến dịch đã thành công hay không mà thôi. Còn câu hỏi về việc bố trí lực lượng trước khi trận đánh diễn ra đã góp phần như thế nào vào kết quả của chiến dịch, năng lực hoặc sự thiếu năng lực của những người chỉ huy trong quá trình tiến hành chiến dịch đã ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc như thế nào, những biện pháp mà họ đưa ra chính xác đến mức nào, thì không thể nào trả lời dứt khoát và chính xác. Có những vị tướng được vinh danh vì những chiến công, nhưng trên thực tế họ đã làm tất cả mọi việc có lợi cho kẻ thù, họ đã chiến thắng chỉ vì hoàn cảnh thuận lợi đủ sức áp đảo được những sai lầm của họ. Và đôi khi người ta đã lên án những vị chỉ huy thua trận nhưng chính những người đó đã đưa ra những quyết định thiên tài nhằm cứu vãn cho thất bại không thể tránh khỏi.

Người quản lí doanh nghiệp tư nhân chỉ giao cho các nhân viên mà ông ta phân cho những nhiệm vụ độc lập một chỉ thị duy nhất: kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Tất cả những gì ông ta có thể nói với họ đều nằm trong mệnh lệnh duy nhất này, và chỉ cần theo dõi sổ sách kế toán là ông ta đã có thể kiểm tra một cách dễ dàng và chính xác mức độ hoàn thành của họ. Người lãnh đạo tổ chức hành chính có một vị thế hoàn toàn khác. Ông ta giao cho những người dưới quyền nhiệm vụ mà họ phải thực hiện, nhưng ông ta không thể biết chính xác là những phương tiện được sử dụng trong hoàn cảnh đó có thật sự phù hợp và tiết kiệm nhất hay không. Nếu ông ta không phải là một người toàn trí toàn năng trong tất cả các công sở và văn phòng trực thuộc, thì ông ta không thể nào biết được là có thể đạt được kết quả như thế với chi phí thấp hơn về lao động và vật tư hay không. Không cần thảo luận ở đây một thực tế là kết quả công việc không được thể hiện bằng những con số mà chỉ có thể đánh giá một cách gần đúng. Vì chúng ta không xem xét những biện pháp quản lí hành chính từ quan điểm những hiệu ứng phụ mà nó gây ra, mà chỉ xem xét từ ảnh hưởng mà nó tạo ra đối với hoạt động của bộ máy quản lí, nên chúng ta chỉ quan tâm tới kết quả nhận được trong tương quan với chi phí bỏ ra.

Vì không thể xác định được mối tương quan như thế theo kiểu hạch toán thương mại cho nên người lãnh đạo cơ quan quản lí hành chính phải cung cấp cho các nhân viên dưới quyền những chỉ dẫn mà họ buộc phải thực hiện. Trong những chỉ thị như thế người ta đã dự liệu, một cách chung nhất, biện pháp giải quyết công việc. Nhưng ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp, vẫn phải được cấp trên đồng ý thì mới có thể chi tiêu - thủ tục quả là rất rườm rà và kém hiệu quả, nhưng chẳng còn cách nào khác. Nếu mỗi đơn vị cấp dưới, mỗi người lãnh đạo các phòng ban, mỗi cơ quan quản lí ngành đều được quyền chi số tiền mà họ cho là cần, thì chẳng bao lâu chi phí cho bộ máy quản lí sẽ phình lên vô hạn. Không được quên rằng đấy là hệ thống có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng và hoạt động rất kém. Nhiều khoản chỉ tiêu lãng phí, nhưng nhiều khoản cần thiết lại không được chi vì khác với tổ chức thương mại, bộ máy hàng chính không thể tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh. Đấy là bản chất của nó.

Dấu ấn quá trình quan liêu hóa thể hiện rõ nhất ở các quan chức, tức là người đại diện của nó. Thuê lao động trong doanh nghiệp tư nhân không phải là hành động gia ơn mà là một thương vụ, cả hai bên - cả người lao động lẫn người sử dụng lao động - đều có lợi. Người sử dụng lao động phải cố gắng trả lương tương xứng với giá trị lao động bỏ ra. Nếu không làm như thế, ông ta có nguy cơ mất người - người lao động sẽ bỏ việc để đến làm cho doanh nghiệp cạnh tranh, trả lương cao hơn. Đến lượt mình, muốn không mất việc, người lao động cũng phải cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao sao cho tương xứng với đồng lương. Vì thuê mướn không phải là hành động gia ơn mà là một thương vụ cho nên người lao động không phải lo mất việc nếu bị chủ không ưa. Đuổi người lao động làm việc có hiệu quả trên cơ sở yêu ghét là người chủ tự làm hại mình chứ không phải làm hại người công nhân, vì anh ta sẽ dễ dàng tìm được công việc tương tự ở đâu đó.

Có thể dễ dàng giao cho người đứng đầu mỗi bộ phận quyền thuê mướn hoặc cho thôi việc vì dưới áp lực của việc kiểm tra hoạt động, do bộ phận kế toán và hạch toán thực hiện, anh ta sẽ phải lo lắng làm sao cho bộ phận của mình thu được lợi nhuận cao nhất vì vậy anh ta phải giữ cho bằng được những người lao động suất sắc nhất, đấy cũng là vì lợi ích của chính anh ta. Nếu vì tức giận mà anh ta cho nghỉ việc người không đáng phải nghỉ, nếu hành động của anh ta xuất phát từ những tính toán cá nhân chứ không phải tính toán khách quan thì chính anh ta sẽ là người gánh chịu hậu quả. Rốt cuộc anh ta sẽ bị thiệt nếu bộ phận do anh ta phụ trách không còn hoạt động tốt như xưa. Như vậy, việc đưa tác nhân giá trị của lao động - tác nhân phi vật chất - vào quá trình sản xuất đã diễn ra một cách trôi chảy.

Trong tổ chức hành chính vấn đề hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, vì không thể xác định được đóng góp của từng bộ phận, tức là không xác định được đóng góp của từng người, ngay cả khi người đó giữ vị trí lãnh đạo, cho nên hiện tượng thiên vị và thành kiến cá nhân cả trong việc đề bạt lẫn trả lương mới thịnh hành đến như thế. Sự can thiệp của những cá nhân đóng vai trò nhất định vào việc bổ nhiệm các chức vụ trong nhà nước không phải do những người có quyền bổ nhiệm thiếu nhân cách mà do ngay từ đầu đã không có những tiêu chí khách quan về việc xác định những phẩm chất cá nhân cho việc bổ nhiệm như thế. Dĩ nhiên là cần phải bổ nhiệm những người giỏi nhất, nhưng vấn đề là: Ai là người giỏi nhất? Nếu câu hỏi này cũng dễ trả lời như câu hỏi người công nhân luyện kim hay người thợ sắp chữ đáng nhận mức lương bao nhiêu thì sẽ không còn gì để bàn nữa. Nhưng vấn đề ở đây không dễ dàng như thế cho nên việc lựa chọn người mới có sự tùy tiện.

Nhằm giữ cho sự tùy tiện như thế không vượt quá những giới hạn nhất định, người ta cố gắng đặt ra một số điều kiện mang tính hình thức cho việc bổ nhiệm và thăng chức. Việc được bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó thường phụ thuộc vào bằng cấp, phải vượt qua một số kì thi và có thời gian công tác nhất định trong những vị trí khác; còn muốn thăng tiến thì phải có thâm niên công tác. Đương nhiên là những biện pháp này không thể thay thế cho việc tìm người phù hợp nhất bằng biện pháp tính toán lời lỗ. Sẽ là thừa khi cố tình nhấn mạnh rằng chẳng có gì bảo đảm là việc học hành, thi cử, và thâm niên của ứng cử viên sẽ giúp ta lựa chọn đúng. Ngược lại: hệ thống này ngăn chặn ngay từ đầu những người giỏi và nhiệt tình, không cho họ có cơ hội giữ những vị trí thích hợp với khả năng của họ. Chưa bao giờ và chưa có người nào thực sự có giá trị leo lên được những nấc thang cao nhất bằng cách đi theo con đường học hành theo đúng quy định và bước dần lên những nấc thang có sẵn. Ngay cả ở Đức, đất nước đặt trọn niềm tin vào các quan chức của mình, thì thuật ngữ "người quan chức hoàn hảo" cũng vẫn được sử dụng để chỉ một người nhu nhược và vô tích sự, dù trên thực tế là một người đầy thiện ý.

Như vậy nghĩa là, biểu hiện đặc thù của quản lí hành chính quan liêu là không thể dùng lời hay lỗ để đánh giá thành tích và hậu quả, buộc phải sử dụng những biện pháp hoàn toàn không thích hợp trong việc điều hành công việc và những quy định mang tính hình thức trọng việc thuê nhân viên. Tất cả những khuyết điểm được cho là của bộ máy quản lí hành chính quan liêu – cứng nhắc, thiếu năng động, và bất lực trước những vấn đề mà một doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng giải quyết – đều là kết quả của thiếu sót mang tính nền tảng này mà ra. Dù sao mặc lòng, khi mà hoạt động của nhà nước còn nằm trong lĩnh vực hẹp mà chủ nghĩa tự do dành cho nó thì sự hạn chế của bộ máy quản lí hành chính quan liêu chưa biểu lộ một cách rõ ràng. Những hạn chế như thế chỉ trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế của đất nước khi chính phủ - và dĩ nhiên là điều này cũng đúng đối với các chính quyền thành phố và các cơ quan hành chính địa phương khác – tìm cách xã hội hóa tư liệu sản xuất và tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, thậm chí là tham gia buôn bán nữa.

Dĩ nhiên là doanh nghiệp nhà nước, ý nói doanh nghiệp nhắm tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, có thể sử dụng các tính toán bằng tiền khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn nằm trong tay tư nhân, và vì vậy vẫn còn thị trường và giá cả thị trường. Trở ngại duy nhất đối với quá trình hoạt động và phát triển của nó là những người quản lí xí nghiệp – vốn là các quan chức nhà nước – không hết mình với công việc; khác hẳn với những người quản lí doanh nghiệp tư nhân, quyền lợi cá nhân của những người quản lí xí nghiệp nhà nước chẳng được cũng chẳng mất khi doanh nghiệp thành hay bại. Vì vậy mà giám đốc doanh nghiệp quốc doanh không được quyền đưa ra những quyết định quan trọng. Vì ông ta không phải gánh chịu những mất mát do chính sách của mình gây ra, cho nên trong một số trường hợp ông ta có thể dễ dàng mạo hiểm trong khi người giám đốc tư nhân thực sự có trách nhiệm không dám làm vì ông ta cũng phải chia sẻ thiệt hại. Vì vậy mà quyền lực của giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải bị hạn chế. Trong bất kì trường hợp nào, dù đấy có là những quy định cứng nhắc hay quyết định của ủy ban kiểm tra hay chấp thuận của cơ quan quản lí cấp trên thì quản lí theo lối hành chính quan liêu cũng cồng kềnh và không có khả năng tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, cho nên ở đâu doanh nghiệp nhà nước cũng mắc hết thất bại này đến thất bại khác.

Trên thực tế, hiếm khi nào doanh nghiệp nhà nước chỉ tìm kiếm mỗi lợi nhuận và để sang một bên các mục tiêu khác. Nói chung, thường thì doanh nghiệp nhà nước còn phải theo đuổi một số mục tiêu “quốc gia” và những mục tiêu khác nữa. Ví dụ, người ta tin rằng nó sẽ sử dụng vật tư và sản phẩm nội địa hơn là sản phẩm nhập khẩu. Người ta đòi ngành đường sắt phải thiết lập hệ thống giá cả nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của chính phủ, và xây dựng cũng như vận hành những tuyến đường không mang lại lợi nhuận nhưng góp phần vào việc phát triển kinh tế ở một số khu vực nhất định, đồng thời xây dựng những tuyến đường theo những tính toán chiến lược và những tính toán khác nữa.

Khi để cho những tác nhân như thế can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp thì tất cả những biện pháp kiểm soát dựa trên tính toán giá thành và lời lỗ sẽ không thể áp dụng được nữa. Cuối năm, khi đệ trình bản cân đối tài chính bất lợi, ngài giám đốc tuyến đường sắt quốc doanh có quyền nói: “Nếu theo quan điểm của doanh nghiệp tư nhân chuyên hướng vào lợi nhuận thì dĩ nhiên là tuyến đường sắt do tôi lãnh đạo đã bị lỗ. Nhưng nếu ta xem xét những tác nhân như chính sách kinh tế quốc gia và chính sách quốc phòng thì không được quên rằng tuyền đường này đã làm được nhiều việc giá trị, không thể đưa vào tính toán lời lỗ được”. Trong những hoàn cảnh như thế, việc tính toán lời lỗ sẽ mất hết giá trị trong việc đánh giá thành tích của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi không có những tác nhân khác với xu hướng tác động tương tự thì đường sắt cũng phải quản lí một cách quan liêu, hệt như quản lí trại giam hay sở thuế vụ vậy.

Khi còn chuyên tâm và chỉ hướng đến lợi nhuận thì không doanh nghiệp tư nhân nào, dù lớn hay nhỏ, lại có thể trở thành tổ chức quan liêu. Triệt để tuân theo nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận giúp cho ngay cả các công ty cực kì lớn cũng có thể xác định được một cách chính xác vai trò và đóng góp của từng thương vụ và mỗi phòng ban vào kết quả chung cuộc. Khi doanh nghiệp chỉ hướng đến lợi nhuận thì nó sẽ tránh được tất cả những khiếm khuyết của chủ nghĩa quan liêu.

Quá trình quan liêu hóa doanh nghiệp tư nhân mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay chính là kết quả của chính sách can thiệp, tức là chính sách buộc họ phải tính đến những tác nhân mà nếu được tự do quyết định chính sách thì những tác nhân đó sẽ không có bất cứ vai trò gì trong hoạt động kinh doanh của họ. Khi một công ty phải quan tâm đến những định kiến chính trị và những tình huống nhạy cảm đủ mọi loại mới mong tránh được phiền phức do các cơ quan khác nhau của nhà nước gây ra, thì chẳng bao lâu sau công ty đó sẽ thấy rằng họ không thể xây dựng những tính toán của mình trên cơ sở lời lỗ nữa. Ví dụ như một số doanh nghiệp công ích ở Mĩ, nhằm tránh xung đột với dư luận xã hội và xung đột với các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp nằm dưới ảnh hưởng của chính phủ, đã thực hiện chính sách không thuê những người Thiên Chúa giáo, người Do Thái, người vô thần, người theo thuyết tiến hóa của Darwin, người da đen, người Ireland, người Đức, người Ý, và tất cả dân mới nhập cư. Khi nhà nước thực hiện chính sách can thiệp thì muốn tránh rắc rối, tất cả các doanh nghiệp đều phải tìm cách thích ứng với ước muốn của chính quyền. Kết quả là những tác nhân như thế và những tác nhân khác, vốn xa lạ với nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận, ngày càng có vai trò lớn hơn trong hoạt động quản lí doanh nghiệp, trong khi việc tính toán chính xác và hạch toán giá thành lại có vai trò ngày càng giảm đi, và doanh nghiệp tư nhân ngày càng bắt chước mô hình quản lí của doanh nghiệp quốc doanh với một bộ máy cồng kềnh và những quy định đầy tính hình thức. Tóm lại, doanh nghiệp tư nhân đã quan liêu hóa.

Như vậy, quá trình quan liêu hóa các doanh nghiệp lớn không phải là kết quả của xu hướng vốn thuộc về bản chất quá trình phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nó chính là hậu quả tất yếu của chính sách can thiệp. Không có sự can thiệp của chính phủ thì ngay cả các công ty lớn nhất cũng có thể hoạt động hệt như các doanh nghiệp nhỏ, tức là thuần túy kinh doanh.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác giả liên quan