[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chương 2: Chính sách kinh tế tự do (Phần 3)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chương 2: Chính sách kinh tế tự do (Phần 3)

Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Economic Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

5. Chủ nghĩa can thiệp

Lí tưởng xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu mất dần người ủng hộ. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề của chủ nghĩa xã hội, cả về kinh tế học lẫn xã hội học, chứng tỏ tính bất khả thi của nó không phải là không tạo ra những hiệu quả nhất định, còn sự thất bại của những cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đang diễn ra khắp nơi đã làm cho ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất cũng phải lúng túng. Dần dần người ta cũng bắt đầu nhận ra rằng xã hội không thể sống thiếu sở hữu tư nhân. Song việc phê phán một cách đầy ác ý đối với hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất được tiến hành trong suốt hàng chục năm qua đã để lại trong lòng người ta định kiến chống lại hệ thống tư bản chủ nghĩa mạnh mẽ đến mức mặc dù người ta biết rằng chủ nghĩa xã hội là không phù hợp và bất khả thi nhưng người ta vẫn không thể công khai thú nhận rằng họ phải quay về với quan điểm tự do về sở hữu. Chắc chắn là người ta đã công nhận rằng chủ nghĩa xã hội, tức là sở hữu công cộng các tư liệu sản xuất, nói chung hoặc ít nhất là trong giai đoạn hiện nay là việc làm thiếu thực tế. Nhưng, mặt khác, họ lại quả quyết rằng sở hữu tư nhân vô hạn tư liệu sản xuất cũng là điều không hay. Như vậy là người ta muốn sáng tạo ra con đường thứ ba, tạo ra một hình thức xã hội ở giữa hai thái cực, một bên là chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, một bên là sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Sở hữu tư nhân được phép tồn tại, nhưng cách thức sử dụng tư liệu sản xuất bởi các nghiệp chủ, nhà tư sản và địa chủ thì lại được điều tiết, hướng dẫn và kiểm soát bằng những nghị định và cấm đoán do chính quyền đưa ra. Đấy là cách người ta tạo ra hình ảnh mang tính khái niệm về thì trường được điều tiết, về chủ nghĩa tư bản được bao bọc bởi các quy định của chính quyền, về sở hữu tư nhân đã bị lọc hết những tính chất được cho là có hại bằng sự can thiệp của chính quyền.

Ta có thể nhận thấy rõ nhất ý nghĩa và bản chất của hệ thống này sau khi xem xét một vài ví dụ về hậu quả sự can thiệp của chính phủ. Những biện pháp can thiệp có ý nghĩa quyết định nhất mà chúng ta cần xem xét chính là những quyết định nhằm ấn định giá cả hàng hóa và dịch vụ khác biệt với giá cả mà thị trường tự do có thể xác lập.

Khi các mức giá cả được hình thành trên thị trường tự do hoặc được xác lập mà không có sự can thiệp của chính quyền thì tiền thu được sau khi bán hàng sẽ bù lại hoàn toàn cho chi phí sản xuất. Nếu chính quyền áp đặt mức giá bán thấp hơn thì tiền bán hàng sẽ không bù lại được chi phí. Trong trường hợp đó, nếu việc lưu kho không làm giảm giá trị hàng hóa một cách nhanh chóng thì các nhà buôn và các nhà sản xuất sẽ rút hàng hóa đang lưu thông trên thị trường để chờ thời, chẳng hạn hi vọng là chính quyền sẽ hủy bỏ quyết định. Nếu chính quyền không muốn để cho mặt hàng đó do sự can thiệp của họ mà biến mất hoàn toàn thì họ sẽ không dừng lại ở biện pháp áp đặt giá bán mà sẽ phải ra sắc lệnh yêu cầu các nhà buôn và nhà sản xuất bán hết số hàng hóa có trong kho với giá quy định.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Nếu giá được thị trường tự do quyết định thì cung và cầu sẽ bằng nhau. Nhưng bây giờ, vì giá do nghị định của chính phủ xác định là thấp hơn nên cầu sẽ tăng trong khi cung vẫn không thay đổi. Hàng hóa chứa trong kho không đủ đáp ứng cho tất cả những người sẵn sàng mua với giá quy định. Một phần nhu cầu sẽ không được đáp ứng. Cơ chế thị trường - đấy là nói trong trường hợp không bị can thiệp - vốn giúp cung cầu cân bằng với nhau nhờ sự thăng giáng của giá cả không còn hoạt động được nữa. Bây giờ những người sẵn sàng mua với giá quy định đành phải ra về với hai bàn tay không. Những người đến sớm hoặc những người có thể lợi dụng quan hệ với người bán đã mua hết, còn những người khác thì chẳng mua được gì. Nếu chính phủ muốn tránh những hậu quả như thế - tức là những hậu quả trái ngược với ý định của họ - thì họ sẽ phải tiến thêm một bước nữa là phát hành tem phiếu bên cạnh việc kiểm soát giá cả và việc cưỡng ép bán hàng: bộ máy điều tiết của chính phủ sẽ phải quyết định mỗi người được mua bao nhiêu theo giá quy định.

Nhưng một khi nguồn cung hàng hóa đang có đúng vào lúc chính phủ can thiệp bị bán hết thì vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Vì phải bán hàng theo giá do chính phủ quy định nên sản xuất sẽ không có lãi nữa, hàng hóa sẽ ít đi hoặc biến mất hẳn. Nếu chính phủ muốn người ta tiếp tục sản xuất thì phải quy định cả giá nguyên vật liệu, giá bán thành phẩm và tiền công lao động nữa. Các nghị định về vấn đề này không thể chỉ giới hạn cho một hay một vài lĩnh vực sản xuất mà chính quyền cho là đặc biệt quan trọng, cần phải điều tiết. Việc điều tiết sẽ phải bao trùm lên mọi lĩnh vực. Sẽ phải điều tiết giá cả của tất cả các loại hàng hóa và lương của tất cả mọi người. Tóm lại, chính phủ sẽ phải kiểm soát hoạt động của tất cả nghiệp chủ, nhà tư sản, điền chủ và công nhân. Nếu một số lĩnh vực sản xuất được để cho tự do thì vốn và lao động sẽ chảy vào đấy, và chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu mà nó đề ra khi thực hiện hành động can thiệp đầu tiên. Nhưng mục đích của chính quyền là gia tăng sản xuất trong chính lĩnh vực mà nó cho là quan trọng, và vì vậy mà nó tiến hành điều tiết. Nhưng kết quả lại trái ngược hẳn với ý định, vì sự can thiệp của chính quyền mà lĩnh vực này rơi vào suy thoái.

Rõ ràng là sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của hệ thống kinh tế đặt căn bản trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra. Can thiệp không những là vô ích mà còn đưa tới những kết quả trái ngược với mục tiêu đề ra vì nó làm gia tăng đáng kể "cái xấu xa" mà nó định chống lại. Trước khi tiến hành kiểm soát giá cả, chính phủ cho rằng hàng hóa quá đắt đỏ; còn bây giờ thì không còn hàng hóa trên thị trường nữa. Nhưng đấy không phải là mục đích của chính phủ, chính phủ chỉ muốn người dân mua được hàng với giá rẻ hơn. Tình hình hóa ra ngược lại, và cũng theo quan điểm của chính phủ thì việc thiếu hàng hóa còn là tai họa lớn hơn nhiều. Theo ý nghĩa đó, ta có thể nói rằng việc can thiệp của chính phủ chẳng những vô ích mà còn đi ngược lại mục đích đặt ra, và chính sách kinh tế với những biện pháp can thiệp như thế là không thực tế và không thể tưởng tượng được vì nó mâu thuẫn với logic kinh tế.

Nếu chính phủ không thiết lập lại trật tự bằng cách từ bỏ việc can thiệp, nghĩa là bãi bỏ việc kiểm soát giá cả, thì nó sẽ phải đi những bước tiếp theo. Ngoài quy định cấm bán với giá cao hơn giá quy định, chính phủ không những phải đưa ra những biện pháp buộc người ta bán hết hàng hóa có trong kho theo hệ thống tem phiếu bắt buộc, mà còn phải quy định giá trần cho những loại hàng hóa thuộc công đoạn sản xuất cao hơn, kiểm soát tiền lương và cuối cùng là cưỡng ép lao động đối với cả nghiệp chủ và người lao động. Những biện pháp như thế không chỉ được áp dụng cho một hay một vài lĩnh vực sản xuất mà sẽ bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế. Đơn giản là chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc phải tránh can thiệp vào sân chơi của thị trường tự do hoặc phải trao toàn bộ bộ máy quản lí sản xuất vào tay chính phủ. Chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội: không có con đường thứ ba.

Những người từng chứng kiến những biện pháp của chính phủ nhằm ấn định giá cả bằng sắc lệnh trong thời gian chiến tranh cũng như trong những giai đoạn lạm phát đều biết rõ cơ chế của một loạt các sự kiện vừa được trình bày. Hiện nay mọi người đều biết rằng việc kiểm soát giá cả của chính phủ chỉ dẫn đến kết quả là những món hàng liên quan sẽ biến mất. Ở đâu kết quả cũng đều như thế. Ví dụ, khi chính phủ quy định giá trần cho việc thuê nhà thì nhà ở lập tức bị thiếu. Ở Áo, Đảng Dân chủ Xã hội gần như bãi bỏ tiền thuê nhà. Hậu quả là, ví dụ như ở thành phố Vienna, mặc dù từ đầu Thế chiến I số người sống trong thành phố đã giảm đáng kể, và chính quyền địa phương đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà mới nhưng hàng ngàn người vẫn không tìm được nhà ở.

Xin xem xét một ví dụ nữa: quy định tiền lương tối thiểu.

Khi những sắc luật của chính quyền hay những biện pháp quá khích của công đoàn không can thiệp vào quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, thì người sử dụng lao động sẽ trả cho mỗi loại công việc tiền lương đúng bằng sự gia tăng giá trị mà công việc đó tạo ra trong quá trình sản xuất. Tiền lương không thể cao hơn, vì nếu cao hơn thì người sử dụng lao động không thể có lời, và anh ta sẽ buộc phải ngừng dây chuyền sản xuất thua lỗ. Nhưng tiền lương cũng không thể xuống thấp hơn vì công nhân sẽ chuyển sang các ngành sản xuất khác, nơi họ được trả lương cao hơn, và người sử dụng cũng phải ngừng sản xuất vì thiếu nhân công.

Vì vậy mà trong nền kinh tế bao giờ cũng có một mức lương sao cho mỗi người lao động đều tìm được việc làm, và mỗi nghiệp chủ, người muốn giữ cho doanh nghiệp của mình có được lợi nhuận với mức lương như thế, có thể tìm được người lao động. Các nhà kinh tế học gọi đó là mức lương "tĩnh" hoặc "tự nhiên". Mức lương này sẽ tăng nếu số lao động giảm trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên, và sẽ giảm nếu lượng vốn tương ứng với lượng lao động cần thiết để sản xuất giảm trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng nói một cách đơn giản về "các mức lương" và "lao động" là không hoàn toàn chính xác. Lao động khác nhau rất nhiều về chất lượng và số lượng (tính theo đơn vị thời gian), các mức tiền lương cho lao động cũng thế.

Nếu nền kinh tế cứ giữ nguyên ở trạng thái dừng (stationary) thì trên thị trường lao động - nếu nó không bị chính phủ và tổ chức công đoàn can thiệp - sẽ không có người nào bị thất nghiệp. Nhưng trạng thái dừng của xã hội chỉ là một mẫu hình tưởng tượng của lí thuyết kinh tế, là một thủ thuật trí tuệ cần thiết đối với quá trình tư duy; nó giúp chúng ta hiểu rõ những quá trình kinh tế đang thực sự diễn ra quanh ta. Nhưng thật may là, phải nói ngay như thế, cuộc sống không bao giờ ngừng nghỉ. Không bao giờ có một nền kinh tế đứng yên; thay đổi, chuyển động, tạo mới diễn ra thường xuyên; những điều bất ngờ luôn xuất hiện. Bao giờ cũng có những ngành sản xuất bị đóng cửa hay giảm sản lượng vì nhu cầu sụt giảm, trong khi những ngành khác lại xuất hiện hoặc mở rộng sản xuất. Chỉ cần nghĩ đến vài chục năm gần đây chúng ta cũng có thể liệt kê được rất nhiều ngành công nghiệp mới như công nghiệp ô tô, máy bay, điện ảnh, sợi nhân tạo, đồ hộp, phát thanh. Những ngành công nghiệp này xuất hiện đang sử dụng hàng triệu lao động. Một số xuất phát từ những ngành bị đóng cửa, nhưng phần đông là từ những ngành mà sự cải tiến về công nghệ tạo điều kiện cho người ta giảm bớt nhu cầu về nhân lực.

Đôi khi sự thay đổi trong tương quan giữa các lĩnh vực sản xuất diễn ra chậm chạp đến nỗi không có người công nhân nào phải chuyển sang công việc mới; và chỉ có những người trẻ tuổi, những người mới bắt đầu lao vào kiếm sống, mới tìm công ăn việc làm trong những ngành nghề đang mở rộng hay vừa xuất hiện. Nhưng, nói chung, trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, với sự cải thiện nhanh chóng điều kiện sống của con người, sự tiến bộ diễn ra nhanh đến mức nó buộc người ta phải liên tục thích ứng. Hai trăm năm trước, sau khi học được một nghề gì đó, người thanh niên có thể hi vọng sống với nghề đó suốt đời mà không phải sợ thái độ bảo thủ như thế sẽ làm hại anh ta. Hiện nay mọi sự đã khác. Người công nhân cũng phải thích ứng với hoàn cảnh đang đổi thay, phải bổ sung kiến thức hoặc học thêm những điều mới. Anh ta buộc phải rời bỏ những ngành nghề không cần nhiều lao động như cũ nữa, và tham gia vào những ngành nghề mới xuất hiện hoặc cần nhiều công nhân hơn trước. Nhưng ngay cả khi anh ta vẫn làm công việc cũ thì khi hoàn cảnh đòi hỏi, anh ta cũng phải học thêm kĩ năng mới.

Tất cả những yếu tố trên tác động tới người lao động thông qua việc thay đổi tiền lương. Nếu xí nghiệp trong một ngành nào đó cần ít công nhân hơn thì nó sẽ sa thải một số người, những người bị sa thải sẽ khó tìm được công việc trong ngành sản xuất đó. Áp lực trên thị trường lao động do các công nhân bị sa thải tạo ra sẽ làm cho tiền lương trong ngành đó giảm đi. Đến lượt nó, điều này lại thúc đẩy công nhân tìm việc trong những ngành đang muốn tìm công nhân và vì vậy mà sẵn sàng trả lương cao hơn.

Người ta sẽ thấy ngay rằng muốn đáp ứng nguyện vọng vừa có việc làm vừa có mức lương cao của công nhân thì phải làm gì. Nói chung, không thể đẩy mức lương lên cao hơn mức mà nó có thể giữ trên thị trường, nếu thị trường không bị nhà nước và áp lực của các định chế khác can thiệp, để không tạo ra những hiệu ứng phụ không có lợi đối với người công nhân. Một lĩnh vực hoặc một nước chỉ có thể nâng lương nếu người ta không cho công nhân từ những lĩnh vực khác hay từ nước khác chuyển tới. Những người công nhân bị cấm di chuyển đã phải trả giá cho những lần tăng lương như thế. Lương của những người này sẽ thấp hơn mức mà đáng ra họ có thể lĩnh nếu họ được tự do đi lại. Như vậy là việc nâng lương cho nhóm người này đã buộc nhóm người khác phải trả giá. Chính sách ngăn cản quá trình dịch chuyển lao động chỉ làm lợi cho những người công nhân trong những nước và những ngành thiếu hụt lao động. Trong những ngành và những nước không bị thiếu hụt lao động thì chỉ có một cách tăng lương sau đây: nâng cao năng suất lao động, hoặc bằng cách tăng thêm vốn khả dụng hoặc thông qua quá trình cải tiến công nghệ.

Nhưng, nếu chính phủ quy định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tĩnh hoặc tự nhiên thì người sử dụng lao động sẽ thấy rằng họ không còn giữ được cho một loạt doanh nghiệp có lãi như thời mức lương còn thấp nữa. Họ sẽ phải thu hẹp sản xuất và sa thải công nhân. Kết quả của việc tăng lương một cách nhân tạo, nghĩa là mức lương được áp đặt cho thị trường, là số người thất nghiệp gia tăng.

Bây giờ dĩ nhiên là người ta không còn tìm cách quy định mức lương tối thiểu trên diện rộng nữa. Nhưng sức mạnh của công đoàn cho phép họ làm như thế ngay cả khi không có điều luật nào quy định như vậy. Khi công nhân thành lập tổ chức công đoàn để mặc cả với giới chủ thì bản thân điều này không nhất thiết dẫn tới sự rối loạn trong hoạt động của thị trường. Ngay cả việc họ tự cho mình quyền vi phạm hợp đồng mà họ đã kí và tuyên bố đình công cũng không làm rối loạn được thị trường lao động. Nhưng việc buộc người ta phải tham gia bãi công và buộc người ta phải tham gia công đoàn, như trong những nước công nghiệp phát triển nhất ở châu Âu, lại tạo ra một tình hình hoàn toàn mới. Vì những người công nhân tham gia công đoàn không cho những người không phải là thành viên công đoàn của họ vào làm việc, và trong thời gian bãi công đã sử dụng bạo lực ngăn cản những người khác đến thay thế cho những người bãi công nên đòi hỏi về lương bổng mà công đoàn đưa ra cho người sử dụng lao động cũng có sức mạnh chẳng khác gì mức lương tối thiểu do chính phủ quy định. Người sử dụng lao động buộc phải chấp nhận đề nghị của công đoàn nếu không muốn đóng cửa xí nghiệp. Người sử dụng lao động phải trả mức lương cao và thu hẹp sản xuất vì khi giá thành cao thì không thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm như khi giá thành thấp. Như vậy nghĩa là việc công đoàn đòi mức lương cao chính là nguyên nhân của nạn thất nghiệp.

Nạn thất nghiệp do nguyên nhân này gây ra khác hẳn về tầm mức và thời hạn so với nạn thất nghiệp diễn ra do sự thay đổi thường xuyên về chủng loại và chất lượng lao động mà thị trường đòi hỏi. Nếu nguyên nhân của nạn thất nghiệp chỉ là do sự tiến bộ diễn ra thường xuyên trong công nghiệp thì nó sẽ không thể kéo dài và không thể làm nhiều người mất việc cùng một lúc. Những người lao động mất việc trong một ngành nào đó cũng sẽ tìm được việc trong những ngành đang mở rộng hoặc vừa mới xuất hiện. Khi người lao động được quyền tự do đi lại, và luật pháp cũng như những trở ngại khác không gây khó khăn cho việc chuyển từ ngành này sang ngành khác thì sự thích nghi với điều kiện mới sẽ diễn ra một cách tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế trao đổi lao động cũng góp phần hạn chế tỉ lệ thất nghiệp kiểu này.

Nhưng thất nghiệp do sự can thiệp của những tác nhân mang tính cưỡng bức đối với hoạt động của thị trường lao động lại không phải là hiện tượng nhất thời, liên tục nổi lên rồi biến mất. Nó còn là căn bệnh nan y chừng nào nguyên nhân làm cho nó tồn tại vẫn xuất hiện, nghĩa là đến chừng nào luật pháp hay hoạt động bạo lực của công đoàn, vì áp lực của những người lao động không có việc làm, còn cản trở việc giảm lương đến một mức mà lẽ ra nó phải thế nếu không có sự can thiệp của chính phủ hay công đoàn, mà cụ thể là đến mức mà bất cứ ai muốn làm việc cũng sẽ tìm được việc làm.

Việc chính phủ hoặc công đoàn trợ giúp người thất nghiệp chỉ làm cho tình hình xấu thêm. Trong trường hợp thất nghiệp là bởi những thay đổi ngành diễn ra trong nền kinh tế, phúc lợi thất nghiệp chỉ làm cho quá trình thích nghi với điều kiện mới bị trì hoãn thêm. Người công nhân mất việc nhưng lại được nhận trợ cấp sẽ không thấy có nhu cầu phải tìm nghề mới nếu anh ta không tìm được việc trong nghề cũ nữa; ít nhất là anh ta sẽ để mất nhiều thì giờ trước khi quyết định chuyển sang nghề mới hoặc địa điểm mới hoặc trước khi anh ta giảm bớt đòi hỏi về đồng lương để có thể tìm được việc làm. Nếu các phúc lợi thất nghiệp không đủ thấp thì ta có thể mạnh dạn nói rằng chừng nào còn có trợ cấp thì sẽ còn thất nghiệp.

Nhưng nếu thất nghiệp là do việc tăng lương do sự can thiệp trực tiếp của chính phủ hoặc do chính phủ có thái độ nhu nhược trước các áp lực của công đoàn thì vấn đề chỉ còn là: ai phải gánh chịu các chi phí phụ trội, người sử dụng lao động hay người công nhân? Nhà nước, chính phủ, xã hội không bao giờ phải gánh chịu chi phí đó, họ sẽ đặt lên đầu lên cổ người sử dụng lao động hoặc người công nhân, hoặc lên cả hai. Nếu người công nhân phải gánh chịu thì họ sẽ bị mất toàn bộ hay một phần thành quả của việc tăng lương giả mà họ vừa nhận được, thậm chí họ sẽ phải trả giá nhiều hơn là sự tăng lương giả tạo mà họ vừa nhận được. Người sử dụng lao động cũng có thể phải gánh chịu chi phí cho việc trợ cấp thất nghiệp dưới dạng thuế tỉ lệ với tổng quỹ lương của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, bảo hiểm thất nghiệp làm cho giá nhân công tăng lên, và như vậy làm cho tiền lương cao hơn mức tự nhiên: lợi nhuận của người sử dụng lao động sẽ giảm, và số người lao động có thể được sử dụng để đảm bảo mức lợi nhuận mong muốn cũng sẽ giảm theo. Như vậy tức là số người thất nghiệp sẽ gia tăng, giống như một chiếc lò xo đang giãn ra vậy. Người sử dụng lao động còn có thể bị buộc phải trả chi phí cho việc trợ cấp thất nghiệp thông qua thuế lợi tức hoặc thuế đánh trên đồng vốn, không phụ thuộc vào số người lao động mà họ sử dụng. Nhưng biện pháp này cũng chỉ làm tăng thêm thất nghiệp. Vì khi đồng vốn bị thuế khóa làm cho suy kiệt hoặc quá trình hình thành đồng vốn mới ít nhất cũng bị chậm lại thì điều kiện sử dụng lao động ceteris paribus [trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên - ND] cũng sẽ không được thuận lợi.

Rõ ràng, những chương trình có tính xã hội nhằm loại bỏ hiện tượng thất nghiệp là những cố gắng vô ích. Nguồn lực cần cho những dự án như thế phải được lấy từ thuế khóa hoặc vay mượn mà đáng ra có thể được dùng cho những mục tiêu khác. Bằng cách làm như thế, người ta có thể giảm thất nghiệp trong ngành này nhưng lại làm gia tăng thất nghiệp trong ngành khác.

Dù nhìn chủ nghĩa can thiệp theo khía cạnh nào thì ta cũng thấy rõ ràng là hệ thống này chỉ dẫn đến những kết quả mà những người tạo ra và ủng hộ nó không muốn, và thậm chí theo quan điểm của họ thì đây là chính sách vô nghĩa, thất sách và phi lí.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác giả liên quan