[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 4)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 4)

Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Foreign Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

8. Tự do đi lại

Chủ nghĩa tự do đôi khi bị phê phán với lí do là cương lĩnh của nó chủ yếu là mang tính tiêu cực. Người ta còn khẳng định rằng đấy là do chính bản chất của tự do, nó chỉ có thể được hiểu là tự do khỏi một điều gì đó, vì đòi hỏi tự do thực chất là từ chối một yêu cầu nào đó. Mặt khác, người ta cho rằng cương lĩnh của các đảng độc tài lại có tính chất tích cực. Vì các thuật ngữ "tiêu cực" và "tích cực" đã hàm ý đánh giá về giá trị cho nên nói như thế là đã có ẩn ý bôi nhọ cương lĩnh chính trị của chủ nghĩa tự do.

Không cần phải nhắc lại ở đây rằng cương lĩnh của chủ nghĩa tự do - xã hội đặt nền tảng trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất - là cương lĩnh không kém phần tích cực hơn bất cứ cương lĩnh chính trị nào khác. Cái tiêu cực trong cương lĩnh của chủ nghĩa tự do là phủ nhận, bác bỏ và đấu tranh chống lại mọi hiện tượng trái ngược với cương lĩnh mang tính tích cực này. Trong tư thế phòng thủ như thế - mọi phong trào đều như thế - cương lĩnh của chủ nghĩa tự do phụ thuộc vào thái độ của các đối thủ của nó. Chỗ nào có lực lượng đối kháng mạnh nhất thì chủ nghĩa tự do cũng phải đáp trả một cách mạnh mẽ nhất, còn ở đâu lực lượng phản kháng yếu hoặc hoàn toàn không đối kháng thì chỉ cần vài lời là đủ, tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh. Vì trong tiến trình lịch sử, lực lượng đối kháng mà chủ nghĩa tự do từng gặp đã có thay đổi cho nên khía cạnh phòng thủ của cương lĩnh tự do cũng có nhiều thay đổi.

Rõ ràng nhất là quan điểm của nó trong vấn đề tự do đi lại. Người theo trường phái tự do đòi hỏi rằng mỗi người đều có quyền sống ở nơi người đó muốn. Đây không phải là đòi hỏi "tiêu cực". Mỗi người có thể làm và sử dụng thu nhập của mình ở nơi mà mình cho là tốt nhất, đấy chính là bản chất của xã hội đặt nền tảng trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Nguyên tắc này chỉ có tính chất tiêu cực nếu nó xung đột với những lực lượng ngăn chặn quyền tự do đi lại. Về mặt này, trong suốt chiều dài lịch sử, quyền tự do đi lại đã có nhiều thay đổi. Khi chủ nghĩa tự do mới xuất hiện, trong thế kỉ XVIII-XIX, nó đã phải đấu tranh đòi quyền được xuất ngoại. Hiện nay đấy là cuộc đấu tranh đòi quyền nhập cư. Đồng thời nó còn phải đấu tranh chống lại những điều luật gây khó khăn cho việc di chuyển vào thành phố, và chống lại những biện pháp trừng phạt nặng nề những người bỏ nước ra đi nhằm tìm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Nhưng việc nhập cư nói chung là tự do và không gặp trở ngại.

Hiện nay, như mọi người đều biết, tình hình đã thay đổi hẳn. Xu hướng mới với những điều luật chống việc nhập cư của những người cu li Trung Quốc đã xuất hiện trong mấy thập niên gần đây. Hiện nay, trong tất cả các nước có vẻ hấp dẫn đối với người nhập cư đều có những điều luật cấm đoán hoàn toàn hoặc ít nhất là cũng tạo ra những hạn chế đáng kể đối với việc nhập cư.

Chính sách này cần được xem xét từ hai quan điểm: thứ nhất, chính sách của các công đoàn và thứ hai, chính sách bảo hộ của nhà nước.

Ngoài những biện pháp có tính bạo lực như đóng cửa cơ sở sản xuất, đình công bắt buộc và dùng vũ lực ngăn cản những người muốn làm việc, tổ chức công đoàn còn một cách gây ảnh hưởng đến thị trường lao động nữa: giới hạn khả năng cung ứng sức lao động. Nhưng vì công đoàn không thể giảm được số người lao động trên thế giới cho nên cách duy nhất là ngăn không cho người ta tìm việc làm, và bằng cách đó giảm được số người làm trong một ngành hay một nước nào đó, gây thiệt hại cho những người làm việc trong các ngành khác hoặc sống ở những nước khác. Vì những lí do chính trị thực tế, những người làm trong một ngành đặc biệt nào đó khó có thể ngăn cản được công nhân trong nước xâm nhập vào ngành của mình. Nhưng ngăn chặn lao động nước ngoài thì không có khó khăn gì.

Ở Mĩ, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn và đồng thời năng suất lao động cũng cao hơn, cho nên lương của người lao động cũng cao hơn so với phần lớn khu vực ở châu Âu. Nếu không có những rào cản trong việc nhập cư thì nhiều người lao động châu Âu đã di cư đến Mĩ để tìm việc làm. Luật nhập cư của Mĩ làm cho việc đó trở nên đặc biệt khó khăn. Như vậy nghĩa là, tiền lương ở Mĩ được giữ ở mức cao hơn là đáng lẽ nó có thể đạt được nếu người ta được quyền tự do di cư, trong khi ở châu Âu tiền lương lại bị giữ ở mức thấp. Thế là công nhân Mĩ được lợi, còn công nhân châu Âu lại bị thiệt.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ xem xét hậu quả của những rào cản của việc nhập cư từ quan điểm là nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương. Hậu quả sâu rộng hơn nhiều. Dư thừa lao động ở những khu vực có điều kiện sản xuất kém thuận lợi, và thiếu hụt lao động ở những khu vực có điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi hơn dẫn đến kết quả là sản xuất được mở rộng hơn ở những nơi không thuận lợi, và thu hẹp hơn ở những nơi thuận lợi hơn là đáng lẽ phải có trong trường hợp được hoàn toàn tự do di cư. Không được tự do di cư cũng gây ra những hậu quả tương tự như những biểu thuế có tính chất bảo hộ. Khu vực có cơ hội sản xuất tương đối thuận lợi hơn thì bị bỏ phí, trong khi khu vực có điều kiện sản xuất bất lợi lại được sử dụng. Nếu nhìn từ quan điểm toàn nhân loại thì sẽ thấy kết quả là năng suất lao động giảm đi và số hàng hóa mà loài người có thể sở hữu cũng giảm theo.

Vì vậy, những cố gắng nhằm dùng lí do kinh tế để biện hộ cho chính sách cản trở nhập cư chắc chắn sẽ thất bại. Không nghi ngờ gì rằng các rào cản nhập cư sẽ làm giảm năng suất lao động trên toàn thế giới. Bằng hành động ngăn cản nhập cư nhằm bảo vệ đặc quyền của mình, những tổ chức công đoàn ở Mĩ hoặc ở Australia đang chiến đấu chống lại không chỉ quyền lợi của những người công nhân các nước khác trên thế giới mà còn chống lại quyền lợi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn còn chưa rõ là liệu sự gia tăng năng suất lao động do chế độ tự do di cư tạo ra có đủ sức bù đắp những thiệt hại do những người công nhân ngoại quốc nhập cư gây ra cho các tổ chức công đoàn Mĩ và Australia hay không.

Công nhân Mĩ và Australia đã không thể thu được thành công trong việc áp đặt những hạn chế đối với việc di cư nếu không có luận cứ khác chống lưng cho chính sách của họ. Dù thế nào thì ngày hôm nay một số nguyên tắc và tư tưởng tự do cũng mạnh đến nỗi không ai có thể chống lại được nếu người ta không đưa ra những lí lẽ được cho là cao hơn và quan trọng hơn là mục tiêu phải đạt năng suất lao động cao nhất. Chúng ta đã thấy người ta viện dẫn "quyền lợi quốc gia" để biện hộ cho biểu thuế có tính chất bảo hộ như thế nào. Những lí lẽ như thế cũng được nêu ra nhằm bảo vệ cho những hạn chế trong việc di cư.

Người ta khẳng định rằng nếu không có những rào cản đối với quá trình di dân thì người nhập cư từ những vùng quá đông dân của châu Âu sẽ tràn ngập Mĩ và Australia. Người nhập cư sẽ nhiều đến nỗi chẳng thể nào đồng hóa được nữa. Trước đây, những người nhập cư vào Mĩ đã nhanh chóng chấp nhận tiếng Anh và lối sống Mĩ một phần vì họ không đến ngay một lúc đông như thế. Các nhóm người nhập cư không đông lắm, lại được phân ra trên những khu vực rộng lớn, đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường sống của người dân Mĩ. Người nhập cư mới tới khi những người nhập cư trước đã bị đồng hóa được một nửa rồi. Một trọng những lí do căn bản của việc đồng hóa là không có quá đông người nhập cư từ các nước khác. Người ta tin rằng hiện nay tình hình đã khác, và có nguy cơ là uy thế - hay nói đúng hơn là thế thượng phong - của những người Anglo-Saxon ở Mĩ sẽ không còn. Đặc biệt đáng sợ nếu đấy lại là làn sóng di dân của những người gốc Mông Cổ ở châu Á.

Có vẻ như đối với Mĩ, nỗi sợ hãi đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Còn đối với Australia thì không. Australia chỉ có số dân tương đương số dân Áo mà thôi, nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên thì giàu có hơn rất nhiều. Nếu Australia mà để ngỏ cho người nhập cư thì chỉ sau vài năm dân cư sẽ bao gồm chủ yếu là người Nhật, người Trung Quốc và người Mã Lai.

Rõ ràng là nhiều người hiện nay có thái độ ác cảm đối với dân ngoại quốc, mà đặc biệt là đối với dân các chủng tộc khác, đến mức khó có thể đưa ra được giải pháp hòa bình cho những mâu thuẫn một mất một còn như thế. Khó có thể hi vọng rằng người Australia sẽ tự nguyện đồng ý cho người châu Âu không phải gốc Anh nhập cư, và hoàn toàn loại trừ khả năng họ sẽ cho phép người châu Á tìm kiếm công ăn việc làm và định cư ở trên lục địa này. Người Australia gốc Anh khăng khăng rằng vì người Anh là những người đầu tiên mở ra các khu định cư ở châu lục này cho nên trong tương lai dân Anh vẫn có toàn quyền sở hữu toàn bộ châu lục. Nhưng người của các dân tộc khác trên thế giới không bao giờ muốn thách thức quyền chiếm hữu của người Australia trên những vùng đất mà họ đã canh tác ở Australia. Người ta chỉ nghĩ rằng việc cấm sử dụng những khu vực có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn mà hiện đang bị bỏ hoang, và buộc họ phải tiến hành sản xuất ở những khu vực có điều kiện kém thuận lợi ở quê hương họ là việc làm bất công.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất đối với tương lai của thế giới. Thực vậy, số phận của nền văn minh phụ thuộc vào giải pháp thỏa đáng cho vẫn đề đó. Một bên là rất nhiều người, thậm chí hàng triệu người châu Âu và châu Á, buộc phải làm việc trong những điều kiện sản xuất kém thuận lợi hơn là họ có thể tìm được trên những vùng đất mà họ không được bén mảng tới. Họ yêu cầu mở cửa "thiên đường bị cấm đoán" để họ có thể gia tăng năng suất lao động và có mực sống cao hơn. Bên kia là những người gặp may vì đã được sinh ra và sống ở vùng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn. Họ không muốn - đấy là nói những người công nhân chứ không phải những người sở hữu tư liệu sản xuất - từ bỏ đồng lương cao hơn mà họ đang được hưởng. Trong khi đó toàn thể dân tộc đều tỏ ra sợ hãi trước làn sóng di dân của người ngoại quốc. Người dân sống trong những vùng đất phì nhiêu sợ rằng một ngày nào đó họ có thể trở thành người thiểu số ngay trong đất nước của mình và chịu những cảnh săn đuổi kinh hoàng mà, ví dụ như, người Đức ở Tiệp Khắc, ở Ý và Ba Lan đang phải chịu.

Không thể phủ nhận rằng những nỗi sợ hãi như thế là có lí do. Vì hiện nay nhà nước nắm trong tay quyền lực rất lớn cho nên dân tộc thiểu số chắc chắn sẽ phải chịu những hành động tồi tệ nhất từ phía dân tộc đa số. Khi nhà nước còn được giao nhiều quyền lực như hiện nay, và khi dư luận xã hội còn cho là nó đúng thì chỉ nghĩ đến việc phải sống trong một nước mà chính phủ nằm trong tay người của dân tộc khác đã làm người ta phát hoảng rồi. Thật kinh khủng khi phải sống trong một đất nước mà ở đâu người ta cũng bị đa số cầm quyền bức hại - nhưng lại được núp dưới chiêu bài bảo vệ công lí. Một đứa trẻ trong trường học bị thiệt thòi vì là người dân tộc thiểu số, một người dân bị chính quyền hoặc tòa án cho là sai chỉ vì mình là người dân tộc thiểu số, tất cả đều là những hiện tượng đáng sợ.

Nếu chỉ xem xét vấn đề từ quan điểm như thế thì sẽ chẳng còn giải pháp nào ngoài giải pháp chiến tranh. Trong trường hợp đó, có lẽ dân tộc có ít người hơn sẽ thua, ví dụ như các dân tộc Á châu có hàng trăm triệu người sẽ đẩy được hậu duệ của dân da trắng ra khỏi Australia. Nhưng chúng tôi không muốn đưa ra những đề nghị như thế. Vì chắc chắn là những cuộc chiến tranh như thế - chúng ta phải giả định là vấn đề toàn cầu to lớn như thế không thể được giải quyết một lần và vĩnh viễn bằng một cuộc chiến tranh - sẽ dẫn nền văn minh đến những tai họa khủng khiếp nhất.

Rõ ràng là không thể giải quyết được vấn đề nhập cư nếu người ta cứ bám lấy những lí tưởng về nhà nước can thiệp, tức là nhà nước can thiệp vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người hay bám lấy những lí tưởng về nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chỉ có áp dụng cương lĩnh của chủ nghĩa tự do thì mới xóa được vấn đề di dân - một vấn đề không thể giải quyết được hiện nay - khỏi chương trình nghị sự. Nếu Australia được cai trị theo những nguyên tắc tự do thì liệu còn những khó khăn nào có thể xuất hiện từ thực tế rằng ở đâu đó trên châu lục người Nhật chiếm đa số, còn ở những vùng khác người Anh lại chiếm đa số?

9. Hợp chủng quốc châu Âu

Hợp chủng quốc Hoa Kì là nước giàu nhất và mạnh nhất thế giới. Đây là nơi chủ nghĩa tư bản có thể phát triển một cách tự do nhất và ít bị nhà nước can thiệp nhất trên thế giới. Vì vậy mà công dân Hợp chủng quốc Hoa Kì cũng là những người giàu nhất thế giới. Nước này không dính líu vào bất cứ cuộc chiến tranh nào trong suốt hơn sáu mươi năm qua. Nếu họ không tiến hành chiến tranh hủy diệt người bản xứ, nếu họ không đánh nhau với Tây Ban Nha vào năm 1898, và nếu họ không tham gia vào cuộc Thế chiến vừa qua thì hiện nay chỉ còn một ít người cao tuổi có thể trực tiếp kể lại cho con cháu nghe chiến tranh nghĩa là gì. Chưa chắc chính người Mĩ đã đánh giá được hết ý nghĩa của việc họ là quốc gia thực thi chính sách của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản một cách cẩn thận và đầy đủ hơn bất kì nước nào khác trên thế giới. Ngay cả người ngoại quốc cũng không biết điều gì đã làm cho một nước mà họ ghen tị trở thành giàu có và hùng mạnh đến như thế. Nhưng trừ một ít những người oán hận và khinh ghét "chủ nghĩa vật chất" của nền văn hóa Mĩ, tất cả mọi người đều chẳng muốn gì hơn là nước họ cũng trở thành giàu có và hùng mạnh như Hợp chủng quốc Hoa Kì.

Đã có người nói rằng muốn đạt được mục tiêu như thế thì biện pháp đơn giản nhất là thành lập "Hợp chủng quốc châu Âu". Từng nước một trên lục địa châu Âu thì có quá ít dân và ít đất, không đủ sức bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ nhằm chống lại thế lực đang lên của Hợp chủng quốc, chống lại nước Nga, chống lại đế chế Anh, chống lại Trung Quốc và những thế lực có sức mạnh tương tự có thể được hình thành trong tương lai, ví dụ như ở lục địa Nam Mĩ. Vì vậy, họ phải hợp nhất vào một liên minh chính trị và quân sự, hợp nhất vào một khối tấn công và phòng thủ, tức là một thực thể mà trong tương lai có đủ sức bảo đảm cho châu Âu vai trò quan trọng như châu lục này đã từng giữ trong quá khứ. Mỗi người ngày càng nhận thức được rằng không có gì xuẩn ngốc hơn là chính sách thuế bảo hộ mà các nước châu Âu đang theo đuổi hiện nay, đấy chính là sự cổ vũ đặc biệt đối với ý tưởng Liên minh châu Âu. Phát triển hơn nữa quá trình phân công lao động quốc tế thì mới gia tăng được phúc lợi và sản xuất được nhiều hàng hóa cần thiết cho việc gia tăng mức sống của người dân, và bằng cách đó nâng cao được trình độ văn hóa cho quần chúng. Nhưng chính sách kinh tế của các nước, đặc biệt là các nước nhỏ ở châu Âu, lại nhằm phá hoại quá trình phân công lao động trên bình diện quốc tế. Nếu so sánh những điều kiện hoạt động của nền công nghiệp Mĩ - với thị trường tiềm năng là hơn một trăm hai mươi triệu người tiêu dùng giàu có mà không có những rào cản thuế khóa và những rào cản khác - với những điều kiện hoạt động của nền công nghiệp các nước như Đức, Tiệp Khắc hay Hungary thì ta càng thấy rõ những cố gắng nhằm thành lập những lĩnh vực với nền kinh tế tự cấp tự túc là hoàn toàn vô lí.

Chắc chắn là có những điều xấu xa mà những người ủng hộ ý tưởng Hợp chủng quốc châu Âu muốn đấu tranh để loại bỏ, sớm chừng nào tốt chừng ấy. Nhưng thành lập hợp chủng quốc châu Âu không phải là biện pháp phù hợp nhất cho mục tiêu này.

Bất kì cuộc cải cách quan hệ quốc tế nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu là loại bỏ tình trạng, trong đó mỗi nước đều tìm mọi cách chiếm đất của nước khác nhằm mở mang lãnh thổ của mình. Vấn đề biên giới quốc tế, một vấn đề có vai trò cực kì quan trọng hiện nay, phải biến mất khỏi chương trình nghị sự. Các nước phải nhận thức được rằng vấn đề quan trọng nhất của chính sách đối ngoại là thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu, và họ phải hiểu rằng hòa bình trên toàn thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu chính phủ chỉ được phép hoạt động trong những khuôn khổ cực kì hạn chế. Đến lúc đó thì diện tích và quy mô của vùng lãnh thổ nằm dưới quyền cai trị của quốc gia sẽ không còn ý nghĩa quan trọng tuyệt đối đối với đời sống của từng cá nhân như hiện nay, cũng như trong quá khứ nữa, đến nỗi máu đã đổ thành sông trong những cuộc tranh chấp về biên giới. Đầu óc thiển cận, không nhìn thấy gì ngoài quốc gia và dân tộc của mình, phải được thay thế bằng quan điểm toàn cầu. Nhưng điều này chỉ có thể trở thành khả thi nếu cộng đồng các dân tộc, siêu nhà nước quốc tế được thiết lập sao cho không có sự áp chế bất cứ dân tộc hay cá nhân nào chỉ vì thành phần dân tộc hay đặc trưng dân tộc của họ.

Chính sách dân tộc chủ nghĩa, bao giờ cũng bắt đầu bằng mục đích tiêu diệt dân tộc láng giềng, cuối cùng nhất định sẽ dẫn nhân loại tới diệt vong. Muốn vượt qua được chủ nghĩa địa phương và thay thế nó bằng chính sách toàn cầu thực sự thì trước hết các dân tộc trên thế giới phải hiểu rằng quyền lợi của họ không chống báng lẫn nhau, và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các dân tộc chính là biện pháp phục vụ tốt nhất sự nghiệp của mình, và phải rất thận trọng, tránh sử dụng vũ lực chống lại các dân tộc khác hay chống lại một số người thuộc dân tộc khác. Như vậy nghĩa là không được thay đổi chủ nghĩa sô vanh dân tộc bằng một chủ nghĩa sô vanh siêu dân tộc mà phải hiểu rằng mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh đều là sai lầm. Những biện pháp đối ngoại quân phiệt xưa cũ phải nhường chỗ cho những biện pháp hòa hoãn với mục tiêu là hợp tác chứ không phải là sử dụng vũ lực chống lại nhau.

Chính sách dân tộc chủ nghĩa, bao giờ cũng bắt đầu bằng mục đích tiêu diệt dân tộc láng giềng, cuối cùng nhất định sẽ dẫn nhân loại tới diệt vong. Muốn vượt qua được chủ nghĩa địa phương và thay thế nó bằng chính sách toàn cầu thực sự thì trước hết các dân tộc trên thế giới phải hiểu rằng quyền lợi của họ không chống báng lẫn nhau, và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các dân tộc chính là biện pháp phục vụ tốt nhất sự nghiệp của mình, và phải rất thận trọng, tránh sử dụng vũ lực chống lại các dân tộc khác hay chống lại một số người thuộc dân tộc khác. Như vậy nghĩa là không được thay đổi chủ nghĩa sô vanh dân tộc bằng một chủ nghĩa sô vanh siêu dân tộc mà phải hiểu rằng mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh đều là sai lầm. Những biện pháp đối ngoại quân phiệt xưa cũ phải nhường chỗ cho những biện pháp hòa hoãn với mục tiêu là hợp tác chứ không phải là sử dụng vũ lực chống lại nhau.

Hiện nay người ta chỉ có thể tạo ra nhận thức chính trị mang tính sô vanh và chính sách quân sự sô vanh trên cơ sở dân tộc chứ không phải cơ sở địa lí. Ngôn ngữ chung buộc những người cùng một dân tộc đoàn kết lại, trong khi sự khác biệt về ngôn ngữ làm người ta xa cách nhau. Nếu không có sự khác biệt như thế - bất chấp những hệ tư tưởng khác nhau - thì tư tưởng sô vanh không thể nào phát triển được. Không nghi ngờ gì rằng một nhà địa lí học, với tấm bản đồ trong tay, có thể nhìn thấy ngay rằng châu Âu (trừ Nga ra) là một thực thể thống nhất, nhưng điều đó sẽ không tạo ra trong dân chúng khu vực đó tình cảm cộng đồng hay tình đoàn kết mà nhà hoạt động chính trị có thể dựa vào để xây dựng kế hoạch của ông ta. Có thể nhồi vào sọ người dân sống ở vùng sông Rhine rằng chiến đấu cho người Đức vùng Đông Phổ là anh ta đang bảo vệ sự nghiệp của chính mình. Cũng có thể làm cho anh ta tin rằng sự nghiệp của toàn thể loài người cũng là sự nghiệp của anh ta. Nhưng anh ta sẽ không bao giờ hiểu được rằng khi anh chiến đấu bên cạnh người Bồ Đào Nha vì họ cũng là dân lục địa châu Âu, còn công việc của Anh quốc là công việc của kẻ thù hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ là công việc của bọn người xa lạ. Không thể nào xóa được khỏi đầu óc người ta dấu ấn của quá trình phát triển lịch sử kéo dài (nhân tiện xin nói rằng chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có ý định làm việc đó), một quá trình đã làm cho trái tim người Đức đập nhanh hơn khi có ai đó nhắc đến nước Đức, đến dân Đức hay bất cứ điều gì liên quan đến Đức. Tình cảm dân tộc như thế đã tồn tại trước khi người ta có ý định dựa vào nó để tạo ra ý tưởng về nhà nước Đức, chính sách Đức và chủ nghĩa sô vanh Đức. Tất cả những lược đồ có mục đích tốt nhằm thay thế các quốc gia dân tộc, dù là Trung Âu, Đại Âu, Đại Mĩ, hoặc trên cơ sở nhân tạo tương tự đều mắc chung khuyết điểm căn bản như thế. Các lược đồ này không tính đến việc những từ như "châu Âu" hay "Đại Âu" và "người châu Âu" hay "người Đại Âu" không có ý nghĩa về mặt tình cảm, vì vậy không thể tạo ra được trong lòng người những tình cảm như những từ "nước Đức" hay "người Đức".

Có thể thấy sự kiện này một cách rõ ràng nhất nếu chúng ta xem xét vấn đề thỏa thuận chính sách thương mại, tức là vấn đề có vai trò quan trọng nhất trong tất cả các dự án về một liên bang quốc gia như thế. Trong những điều kiện hiện nay, có thế thuyết phục một người Bavaria rằng việc bảo vệ lao động người Đức - ví dụ như ở vùng Saxony - là đủ để áp dụng biểu thuế khiến cho anh ta, tức là anh người Bavaria, phải mua một món hàng nào đó với giá cao hơn. Chúng ta có thể hi vọng một ngày nào đó có thể làm cho anh ta quay lại với nhận thức rằng tất cả những biện pháp chính trị nhằm tạo ra nền kinh tế tự cấp tự túc, tức là tất cả những biểu thuế mang tính cách bảo hộ, đều vô nghĩa và tự chuốc lấy thất bại, và vì vậy cần phải bãi bỏ. Nhưng không bao giờ có thể thuyết phục được người Ba Lan hay người Hungary rằng để cho công bằng thì anh ta phải trả giá cao hơn giá thị trường thế giới cho một món hàng nào đó nhằm giúp cho người Pháp, người Đức hay người Ý được tiếp tục sản xuất món hàng đó trong nước họ. Chắc chắn người ta có thể giành được sự ủng hộ cho chính sách bảo hộ bằng cách gợi lên tình đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa dân tộc với ý tưởng cho rằng quyền lợi của các dân tộc là không thể dung hòa. Nhưng hệ thống bảo hộ của liên bang các quốc gia không thể sử dụng một cái gì tương tự làm nền tảng ý thức hệ. Chia nền kinh tế thế giới đang ngày càng thống nhất hơn thành những vùng lãnh thổ quốc gia nhỏ bé, mỗi vùng càng có khả năng tự cấp tự túc càng tốt, là việc làm hoàn toàn phi lí. Thay chính sách bế quan tỏa cảng về kinh tế trên bình diện dân tộc bằng chính sách như thế trên bình diện của một cộng đồng chính trị bao gồm nhiều dân tộc cũng là việc làm vô nghĩa. Phương pháp hữu hiệu duy nhất là công nhận rằng chủ nghĩa bảo hộ và kinh tế tự cấp tự túc là có hại, và phải coi trọng sự hài hòa về quyền lợi của tất cả các dân tộc trên thế giới. Như đã chứng minh ở trên, sự phân rã của nền kinh tế thế giới thành một loạt những vùng lãnh thổ tự cấp tự túc sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực cho tất cả các dân tộc. Tóm lại: cần phải ủng hộ thương mại tự do. Muốn chứng minh rằng khu vực tự cấp tự túc Đại Âu cần phải có cái ô biểu thuế có tính chất bảo hộ thì trước hết phải chứng minh rằng quyền lợi của người Bồ Đào Nha và người Rumania, mặc dù hài hòa với nhau nhưng lại xung đột với quyền lợi của người Nga và người Brazil. Còn phải chứng minh rằng người Hungary sẽ được lợi nếu họ từ bỏ ngành công nghiệp dệt để giúp người Đức, người Pháp, người Bỉ, nhưng nhập khẩu hàng dệt may của Anh hay Mĩ sẽ làm thiệt hại đến quyền lợi của người Hungary.

Phong trào ủng hộ liên bang các nước châu Âu nảy sinh từ nhận thức đúng đắn rằng tất cả các hình thức của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc sô vanh đều là sai lầm và có hại. Nhưng điều mà những người ủng hộ phong trào này muốn thành lập để thế chỗ cho nó lại bất khả thi vì ý tưởng này chưa ăn sâu bén rễ vào trong nhận thức của người dân. Nhưng ngay cả nếu như phong trào Đại Âu có đạt được mục tiêu của mình thì tình hình thế giới cũng chẳng vì thế mà tốt đẹp hơn. Cuộc chiến đấu của lục địa châu Âu thống nhất nhằm chống lại những cường quốc khác cũng sẽ mang đến những cảnh đổ nát chẳng kém gì cuộc chiến đấu giữa các nước châu Âu hiện nay.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức).

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan