[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 5)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 5)

Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Foreign Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

10. Hội quốc liên

Trong nhận thức của người theo trường phái tự do, nhà nước không phải là lí tưởng cao cả nhất, nó cũng chẳng phải là phương tiện cưỡng bức hữu hiệu nhất. Lí thuyết siêu hình về nhà nước, họ theo lối kiêu căng và tự phụ của những ông vua chuyên chế, tuyên bố rằng mọi nhà nước đều có chủ quyền, nghĩa là nhà nước là toà án cuối cùng và tối cao. Nhưng đối với người tự do thì thế giới không kết thúc ở đường biên giới quốc gia. Trong mắt anh ta, dù đường biên giới quốc gia có giá trị như thế nào đi chăng nữa thì đấy cũng chỉ là hiện tượng nhất thời và thứ yếu. Tư duy chính trị của người tự do bao trùm lên toàn thể loài người. Xuất phát điểm của toàn bộ triết lí chính trị của anh ta là: phân công lao động là hiện tượng quốc tế chứ không phải quốc gia. Ngay từ đầu anh ta đã nhận thức được rằng hòa bình trong một nước là chưa đủ, quan trọng hơn là tất cả các nước phải sống hòa bình với nhau. Vì vậy mà người theo trường phái tự do đòi hỏi rằng tổ chức chính trị của xã hội phải mở rộng cho đến khi nó đạt đến đỉnh điểm là nhà nước toàn cầu, liên kết tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng. Vì lí do này, anh ta cho rằng luật của từng quốc gia phải phụ thuộc vào luật pháp quốc tế, và đấy cũng là lí do để anh ta đòi hỏi phải thành lập hệ thống tòa án và bộ máy quản lí hành chính siêu quốc gia để đảm bảo nền hòa bình giữa các dân tộc, giống như bộ máy hành chính và tòa án mỗi nước có trách nhiệm gìn giữ hòa bình trong khu vực của mình vậy.

Trong một thời gian dài, yêu cầu thành lập một tổ chức siêu quốc gia như thế vẫn chỉ là chuyện trao đổi giữa một số ít nhà tư tưởng, vốn thậm chí còn bị coi là không tưởng và chẳng được ai chú ý tới. Chắc chắn là sau những cuộc chiến tranh của Napoleon, thế giới đã nhiều lần chứng kiến cảnh các chính khách của những cường quốc tụ họp quanh bàn hội nghị để tìm kiếm thỏa thuận chung, còn từ nửa sau thế kỉ XIX thì ngày càng xuất hiện nhiều thể chế siêu quốc gia, mà nổi bật nhất là tổ chức Chữ Thập Đỏ và Liên minh Bưu chính Quốc tế. Nhưng tất cả những điều này vẫn còn xa mới có thể gọi là tổ chức siêu quốc gia thực sự. Ngay cả Hội nghị Hòa bình ở La Hay (the Hague) cũng chưa đưa ra được bất kì dấu hiệu nào về sự tiến bộ. Chỉ vì e sợ cuộc Thế chiến nên ý tưởng về việc thành lập một tổ chức của tất cả các dân tộc, đủ sức ngăn chặn những cuộc xung đột trong tương lai mới giành được sự ủng hộ rộng rãi. Sau chiến tranh, các nước chiến thắng mới thực hiện những biện pháp nhằm thành lập một tổ chức mà họ gọi là Hội Quốc liên và được nhiều người trên thế giới coi là hạt nhân của một tổ chức quốc tế thực sự có hiệu quả trong tương lai.

Dù thế nào thì tổ chức đang tồn tại dưới tên gọi là Hội Quốc liên cũng không phải là hiện thân của lí tưởng về một tổ chức siêu quốc gia của trường phái tự do. Trước hết, một số nước mạnh nhất và quan trọng nhất không có chân trong tổ chức này. Mĩ, chưa nói đến các nước nhỏ hơn, vẫn đứng bên ngoài. Ngoài ra, hiệp định thành lập Hội Quốc liên có những điểm ngay từ đầu: nó chia các nước thành hai hạng; nhóm nước có đầy đủ quyền hành và nhóm những nước, vốn thất trận trong Thế chiến, không có đầy đủ quyền hành như những nước kia. Rõ ràng sự bất bình đẳng về địa vị như thế sẽ gieo mầm cho cuộc chiến tranh chẳng khác gì sự phân biệt đẳng cấp trong từng nước. Đáng tiếc là tất cả những khuyết điểm như thế đã làm cho Hội Quốc liên yếu đi một cách thảm hại, và làm cho nó trở thành bất lực trước những những vấn đề lớn lao mà nó đang phải đối diện. Chỉ cần nghĩ đến hành động của nó trong cuộc chiến tranh giữa Ý và Hi Lạp hay vấn đề Mosul, và đặc biệt là những trường hợp mà số phận của các dân tộc thiểu số bị đàn áp phụ thuộc vào phán quyết của Hội Quốc liên là sẽ rõ.

Trong tất cả các nước, đặc biệt là ở Đức và Anh, đều có những nhóm người cho rằng muốn thúc đẩy quá trình chuyển hóa Hội Quốc liên giả hiệu này thành một tổ chức thật sự - thành một nhà nước siêu quốc gia đúng nghĩa - thì phải tỏ ra khoan dung đối với những khuyết điểm và yếu kém của nó. Thái độ cơ hội như thế sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, dù có giải quyết vấn đề gì thì cũng thế mà thôi. Hội Quốc liên là một thiết chế chưa hoàn hảo, hoàn toàn không phù hợp với những đòi hỏi đối với một tổ chức tầm cỡ quốc tế - mọi người, trừ những quan chức và nhân viên làm việc trong bộ máy, đều thừa nhận như thế. Không được che giấu hoặc phớt lờ sự thực này, mà ngược lại phải thường xuyên và kiên trì nhắc nhở nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi người để người ta thực hiện tất cả những thay đổi ngõ hầu chuyển hóa nó thành một Hội Quốc liên thật sự. Tai hại nhất đối với ý tưởng về tổ chức siêu quốc gia là sự nhầm lẫn của giới tri thức, xuất phát từ niềm tin rằng Hội Quốc liên hiện nay là hiện thân đầy đủ hoặc gần như đầy đủ yêu cầu của những người theo trường phái tự do chân thành và trung thực. Dựa vào nguyên tắc cho rằng đường biên giới truyền thống đã được xác định trong lịch sử là bất di bất dịch, thì không thể xây dựng được Hội Quốc liên thực sự đủ sức bảo đảm một nền hòa bình vĩnh viễn trên toàn cầu. Hội Quốc liên vẫn còn chứa trong lòng nó khiếm khuyết căn bản của luật quốc tế hiện hành: trong khi lập ra những quy định mang tính thủ tục cho việc giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các nước, nó hoàn toàn không quan tâm đến việc tạo ra những tiêu chí giải quyết vấn đề mà mới chỉ giữ nguyên hiện trạng (status quo) và thi hành những hiệp ước đã kí. Trong tình hình như thế, nếu không quy giản toàn thế giới về một tình trạng bất động thì không ai có thể bảo đảm được hòa bình.

Chắc chắn Hội Quốc liên sẽ đưa ra, dù là rất thận trọng và dè dặt, viễn cảnh của một vài điều chỉnh đường biên giới trong tương lai nhằm thực thi công lí, đáp ứng yêu cầu của một số quốc gia và một số vùng trong một số quốc gia khác. Nó cũng sẽ hứa hẹn - vẫn với sự thận trọng và dè dặt như thế - bảo vệ những người thiểu số. Điều đó cho phép chúng ta hi vọng rằng từ những khởi đầu hoàn toàn không phù hợp như thế sẽ sinh ra một siêu quốc gia toàn cầu xứng đáng với tên gọi của nó và một ngày nào đó đủ sức đảm bảo cho các dân tộc một nền hòa bình mà họ đòi hỏi. Nhưng vấn đề này sẽ không thể được giải quyết trong những kì hội nghị ở Geneva của Hội Quốc liên hiện nay, và chắc chắn là cũng không được giải quyết tại quốc hội của các nước thành viên của nó. Vì vấn đề được đề cập ở đây không phải là vấn đề tổ chức hay biện pháp quản lí quốc tế, mà là vấn đề tư tưởng to lớn nhất của loài người từ trước đến nay. Vấn đề là liệu chúng ta có thể tạo ra trên toàn thế giới một khuôn khổ tư duy mà không có nó thì trong giờ phút quyết định, mọi hiệp ước về bảo vệ hòa bình và mọi quyết định của trọng tài đều chỉ là những tờ giấy vụn. Chấp nhận một cách hoàn toàn và vô điều kiện chủ nghĩa tự do chính là khuôn khổ của tư duy như thế. Tư tưởng tự do phải thấm vào tất cả các dân tộc và những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do phải thâm nhập vào tất cả các thiết chế chính trị thì mới có thể kiến tạo được những tiền đề cho hòa bình và loại bỏ những nguyên nhân của chiến tranh. Khi các dân tộc vẫn còn bám vào những biểu thuế có tính chất bảo hộ, bám vào những rào cản nhập cư, bám vào nền giáo dục bắt buộc, bám vào chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quốc gia thì những cuộc xung đột mới, có thể bùng nổ thành chiến tranh bất cứ lúc nào, vẫn sẽ thường xuyên xuất hiện và làm cho nhân loại mất ăn mất ngủ như cũ.

11. Nước Nga

Người công dân tôn trọng pháp luật, dùng lao động của mình để giúp mình và giúp người, mới là người có thể hội nhập một cách hòa bình vào trật tự xã hội. Ngược lại, kẻ trộm cướp thì không muốn lao động một cách trung thực mà muốn sử dụng bạo lực để tước đoạt thành quả lao động của người khác. Trong hàng ngàn năm, thế giới đã phải chịu ách nô dịch của những kẻ chinh phục và những lãnh chúa phong kiến, những kẻ coi việc tiêu thụ thành quả lao động của những người khác là đương nhiên. Sự tiến hóa của loài người theo hướng văn minh và việc tăng cường các mối liên kết xã hội đòi hỏi, trước hết, loại bỏ bằng được ảnh hưởng cả về vật chất lẫn tinh thần của tầng lớp phong kiến và quân nhân, tức là những giai tầng khao khát cai trị thế giới, và thay thế lí tưởng cha truyền con nối phong kiến bằng lí tưởng của giai cấp tư sản. Việc loại bỏ lí tưởng quân phiệt, tức là lí tưởng chỉ coi trọng người chiến binh và khinh thường lao động trung thực, chưa bao giờ đạt được thành công mĩ mãn. Dân tộc nào cũng có một số người chỉ nghĩ đến những tư tưởng và hình ảnh của thời đại quân phiệt. Lại có những dân tộc mà những xung đột mang tính bạo lực và cướp bóc, có từ thời quá khứ và tưởng như đã được chế ngự từ lâu, bỗng bùng lên và lại giành được uy quyền. Nhưng nói chung, có thể nói rằng trong những dân tộc da trắng hiện sống ở Trung và Tây Âu cũng như châu Mĩ, trạng thái tâm lí mà Herbert Spencer gọi là "quân phiệt" đã được thay thế bằng cái mà ông gọi là "công nghiệp". Hiện nay chỉ còn một dân tộc lớn vẫn còn bám víu vào lí tưởng quân phiệt, đấy chính là người Nga.

Dĩ nhiên là có một số người Nga không có thái độ như thế. Chỉ đáng tiếc là họ không giành được thế thượng phong. Ngay từ khi Nga bắt đầu gây được ảnh hưởng đối với nền chính trị châu Âu, nước này luôn hành động như kẻ cướp đang rình cơ hội để nhảy vào cướp bóc nạn nhân của nó. Đối với việc mở rộng lãnh thổ đế chế, các Sa hoàng chưa bao giờ chấp nhận bất kì giới hạn nào, chỉ có hoàn cảnh mới buộc họ phải làm như thế. Quan niệm của những người Bolshevik về vấn đề mở rộng lãnh thổ cũng chẳng khác gì. Họ đều chia sẻ một nguyên tắc là: đối với việc chinh phục các vùng đất mới thì nên, và đúng ra là phải, tiến càng xa càng tốt trong khả năng của mình. May là các dân tộc châu Âu đủ mạnh, đủ sức chống lại những cuộc tấn công của những đạo quân hoang dại của nước Nga, và chính điều đó đã cứu được nền văn minh phương Tây khỏi sự diệt vong. Kinh nghiệm của người Nga trong cuộc chiến tranh Napoleon, trong cuộc chiến tranh ở Crime và chiến dịch ở Thổ Nhĩ Kì những năm 1877-1878 chứng tỏ rằng dù có đông quân, họ cũng không đủ sức chiếm được châu Âu. Cuộc Thế chiến vừa qua càng khẳng định rõ điều đó.

Vũ khí của trí tuệ nguy hiểm hơn là súng gươm. Tất nhiên người ta sẽ đáp lại rằng những tư tưởng của người Nga đang xuất hiện ở châu Âu thực chất đã có sẵn trước khi chúng rời khỏi nước Nga. Thực ra nói rằng tư tưởng của người Nga không có nguồn gốc từ Nga, dù chúng có hợp với bản chất của Nga đến mức nào, mà là do người Nga vay mượn từ châu Âu, thì có lẽ đúng hơn. Nga là dân tộc cùn nhụt về trí tuệ đến mức chẳng thể nào phát biểu được một cách gãy gọn bản chất thầm kín nhất của chính dân tộc mình.

Chủ nghĩa tự do, một chủ nghĩa dựa hoàn toàn vào khoa học và chính sách của nó chính là sự áp dụng các kết quả của khoa học, cần phải thận trọng để không đưa ra những xét đoán phi khoa học. Xét đoán về giá trị thường nằm ngoài lĩnh vực khoa học và bao giờ cũng có tính chủ quan. Cho nên không thể phân loại các dân tộc và không thể nói rằng dân tộc nào tốt hơn, dân tộc nào xấu hơn.. Vì vậy, vấn đề là người Nga có phải là dân tộc hạ đẳng hay không hoàn toàn không thuộc phạm vi xem xét của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không nói như thế. Chúng ta chỉ khẳng định rằng họ không muốn tham gia vào hệ thống hợp tác xã hội của nhân loại mà thôi. Trong quan hệ với xã hội loài người và cộng đồng các dân tộc, thái độ của họ là thái độ của những người chỉ muốn ăn bằng hết những gì người khác tích lũy được. Những người mà sức sống là tư tưởng của Dostoyevsky, Tolstoy và Lenin là những kẻ không thể nào tạo được tổ chức xã hội bền vững. Họ sẽ phải quay về với thời ăn lông ở lỗ. Nước Nga được phú cho đất đai phì nhiêu và nguồn khoáng sản đủ mọi loại, hơn hẳn nước Mĩ. Nếu người Nga cũng áp dụng chính sách tư bản chủ nghĩa như Mĩ thì họ đã là dân tộc giàu có nhất thế giới rồi. Chế độ chuyên chế, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa Bolshevik đã biến họ thành những kẻ nghèo đói nhất. Bây giờ họ đang tìm kiếm tư bản và nguồn tín dụng trên khắp thế giới.

Nếu công nhận như thế ta sẽ thấy ngay kim chỉ nam cho chính sách của các dân tộc văn minh đối với nước Nga. Hãy để người Nga là người Nga. Trong nước, hãy để họ làm tất cả những gì họ muốn. Nhưng không được để họ vượt qua biên giới nhằm tàn phá nền văn minh châu Âu. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là phải cấm cả việc nhập và dịch sách báo của Nga. Những kẻ bị tâm thần có thể thích thú đọc văn chương của họ, còn người mạnh khỏe sẽ tránh xa. Điều đó cũng không có nghĩa là cấm người Nga tuyên truyền và đút lót trên khắp thế giới, trước đây Sa hoàng cũng đã làm như thế rồi. Nếu nền văn minh hiện đại không thể bảo vệ được mình trong cuộc chiến với những kẻ vay mượn kiến thức thì nó cũng không thể tồn tại được. Điều đó cũng không có nghĩa là người châu Âu và người Mĩ không được đến thăm Nga, nếu họ thấy hấp dẫn. Nếu họ dám liều và dám tự chịu trách nhiệm thì hãy để họ được ngắm nhìn vùng đất của những vụ giết người hàng loạt và đói kém lan tràn. Điều đó cũng không có nghĩa là cấm những nhà tư sản cho chính quyền Xô viết vay hay đầu tư vào nước Nga. Nếu họ ngu đến mức tin rằng rồi họ sẽ lại được nhìn thấy một phần tài sản của mình thì cứ để họ mạo hiểm.

Nhưng các chính phủ châu Âu và Mĩ phải chấm dứt việc khuyến khích chính sách phá hoại của chính quyền Xô viết bằng cách trả tiền bảo lãnh cho các hoạt động xuất khẩu vào nước Nga Xô viết, làm như thế thì chẳng khác gì đóng góp tài chính cho việc củng cố chế độ Xô viết. Hãy chấm dứt ngay việc tuyên truyền di dân và xuất khẩu tư bản vào nước Nga Xô viết.

Người Nga có phá bỏ hệ thống Xô viết hay không - đấy là việc của họ. Đất nước của roi da và trại tù đã không còn là mối đe dọa đối với thế giới. Dù có muốn chiến tranh và phá hoại đến đâu, người Nga cũng không còn là mối nguy hiểm nghiêm trọng với hòa bình ở châu Âu. Vì vậy có thể để nước Nga ở yên đó mà không cần lo ngại. Chỉ có một việc cần phải tránh, đấy là ý định ủng hộ và khuyến khích chính sách phá hoại của chính quyền Xô viết từ phái chúng ta.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: https://file.nhasachmienphi.com/pdf/nhasachmienphi-chu-nghia-tu-do-truyen-thong.pdf

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan