[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 5)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 5)

Gia đình

Gia đình là thiết chế cơ bản của xã hội dân sự, và những người đại diện cho tất cả các trường phái chính trị đều tỏ ra lo lắng về sự xuống cấp của các quan hệ gia đình. Khi nhà nước phình ra và thế chỗ cho cho những hiệp hội tự nguyện, tước đoạt quyền tự do và tinh thần trách nhiệm của người dân thì cũng là lúc nó đã tạo ra xã hội hạt nhân. Xã hội “hạt nhân” không phải là chủ nghĩa tự do cá nhân mà nhà nước phúc lợi.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú đã tăng vọt, năm 1960 chỉ có 5%, hiện nay là 30%. Những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội trong hai thập kỷ qua làm chúng ta nhớ lại kinh nghiệm đã có từ hàng ngàn năm: Trẻ em cần cả cha lẫn mẹ, vì hai lý do: tài chính và tình cảm. Những bà mẹ đơn thân - đặc biệt là các bà mẹ tuổi teen không có tay nghề - khó mà nuôi nổi gia đình, đó là lý do vì sao tỷ lệ trẻ em không cha thuộc diện nghèo lớn gấp 5 lần trẻ em có cả cha lẫn mẹ. Vấn đề nghiêm trọng hơn là các bà mẹ đơn thân khó kiểm soát – nghĩa là giáo dục những bé trai tuổi teen. Những thanh thiếu niên tuổi teen không có người kiểm soát đã biến các thành phố của chúng ta thành cơn ác mộng, thường xuyên có những vụ nổ súng từ những chiếc ô tô chạy ngang qua, đến mức trẻ con không dám ra ngoài đường chơi.

Chúng ta đã ít chú ý đến vấn đề ít kịch tính hơn, có liên quan đến việc nuôi dạy con cái - ảnh hưởng của ly hôn đối với trẻ em. Mỗi năm lại có thêm nhiều trẻ em chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn hoặc ly thân hơn là số trẻ em sinh ngoài giá thú. Những ông bố bà mẹ ly hôn nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn là sống với nhau, nhưng nhiều trẻ em bị đau khổ. Mười năm sau khi bố mẹ ly dị, hơn hai phần ba trẻ em suốt năm không gặp bố lần nào. Trẻ em từ các gia đình bị tan vỡ có tỷ lệ bỏ học nhiều gần gấp hai lần trẻ em có cả cha lẫn mẹ, tỷ lệ những thanh niên trưởng thành từ các gia đình bị tan vỡ cần trợ giúp về tâm lý lớn gần gấp đôi những thanh niên lớn lên trong các gia đình có cả cha lẫn mẹ.

Một số người theo phái cộng đồng và “những người gìn giữ nếp sống gia đình”, cả phái tả lẫn phái hữu, đều lên án chủ nghĩa tư bản vì cho rằng nó đã gây ra những vấn đề của gia đình, nhưng họ hoàn toàn sai. Tự do có nghĩa là người ta có thể tự lựa chọn cách sống của mình, còn sự sung túc lại làm cho nhiều người có đủ phương tiện để rời khỏi gia đình và sống tự lập. (Mặc dù, đừng quên rằng, áp bức và tình trạng nghèo đói ở châu Âu đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ gia đình và vượt Đại Tây Dương để tìm tự do và sung túc). Sự giàu có của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật kiểm soát sinh đẻ hiệu quả, giúp tạo ra cuộc cách mạng trong quan niệm về tình dục, và đến lượt nó, có thể dẫn đến hai hiện tượng: nhiều người kết hôn muộn và gia tăng tỷ lệ ly hôn. Tuy nhiên, gia đình hình thành và tồn tại, không phải chỉ vì người ta không có lựa chọn nào khác, mà bởi vì người ta cần và muốn những tiện nghi và sự ấm cúng của gia đình.

Trong thời đại của chúng ta, chính phủ đã làm suy yếu gia đình, cả bằng những biện pháp nhìn thấy được lẫn những biện pháp khó thấy hơn. Rõ ràng nhất là hệ thống phúc lợi xã hội, giúp cho những phụ nữ trẻ có thể có con ngoài giá thú và sống khá thoải mái. Trong các thế hệ trước, các bà mẹ thường dạy con gái của họ rằng có con ngoài giá thú là thảm họa. Việc lên án và coi thường những người có con ngoài giá thú chủ yếu là do sự kiện rất thực tế là gia đình hay cộng đồng nhỏ phải chịu gánh nặng rất lớn về mặt tài chính. Khi các khoản phúc lợi xã hội loại bỏ được gánh nặng thì sự kì thị cũng giảm đi một cách nhanh chóng và tỷ lệ trẻ em sinh ngoài giá thú tăng vọt.

Nhưng đó chỉ là tác động rõ rệt nhất của chính phủ đối với gia đình mà thôi. Năm 1950, một gia đình Mỹ trung bình đóng 5% thu nhập cho thuế thu nhập liên bang; hiện nay thuế thu nhập của gia đình trung bình vào khoảng 24%. Phụ nữ phải có quyền làm việc, nhưng thuế khóa cao buộc các bà mẹ thích ở nhà với con chứ không đi làm. Luật quy hoạch khó hiểu trong nhiều thành phố đã cấm những “căn hộ dành cho người già”, tức là những căn hộ riêng biệt, có lối đi riêng ở phía sau của ngôi nhà, một nơi ở tuyệt vời dành cho các ông bà muốn sống gần nhưng không muốn phụ thuộc vào con cháu. Tất nhiên, có lẽ một số người không muốn mẹ chồng hay mẹ vợ sống ngay đằng sau nhà: Nói cho cùng, chương trình lớn nhất của chính phủ - Qũy an sinh xã hội - chắc chắn đã làm cho những mối liên hệ trong gia đình ngày càng yếu đi. Trước khi có Quỹ an sinh xã hội, nhiều người già phải sống dựa vào con cái, vì vậy mà quan hệ gia đình trở thành mạnh mẽ hơn trong suốt cuộc đời. Hiện nay, chúng ta nghĩ rằng chính phủ sẽ giúp đỡ cha mẹ của chúng ta. Có lần, khi tôi nói về những khó khăn về mặt tài chính của Qũy an sinh xã hội, một người bạn cũ tôi đã bảo: “Nếu mỗi năm nhà nước phải chi 200 tỷ USD để mẹ tôi không sống cùng với tôi, thì mỗi ngày tôi phải bỏ ra một xu cũng không phải là vô ích”. Một số trường hợp có thể hiểu được, nhưng chính sách xã hội quả là đáng ngờ. Tất nhiên, chúng ta còn hy vọng rằng chính phủ sẽ xây nhà trẻ, sẽ giáo dục con cái của chúng ta và xây dựng những ngôi trường bán trú để con em mình có thể ở trường đến 6 giờ chiều. Chính quyền giành hết trách nhiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em và người già, hỏi sao quan hệ gia đình không suy giảm?

Người theo phái tự do cá nhân không nghĩ rằng chính phủ cần hỗ trợ và khuyến khích các gia đình truyền thống, như những người bảo thủ về mặt đạo đức đang kêu gọi. Chỉ cần chấm dứt việc phá hoại gia đình để mọi người có thể thiết lập những hình thức gia đình mà họ muốn. Lý tưởng là, những người theo phái tự do cá nhân mong muốn chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào vấn đề hôn nhân và gia đình. Tại sao chính phủ lại cấp giấy giá thú? Hôn nhân là thỏa thuận tự nguyện, đối với nhiều người, hợp đồng này có ý nghĩa tôn giáo sâu sắc. Chính phủ thì liên can gì? Chúng ta nên quay trở lại với quan niệm về hôn nhân: đối với tất cả mọi người, đây là hợp đồng dân sự, còn đối với người có đạo thì đây là hợp đồng mang tính tôn giáo.

Chính sách như thế thậm chí còn có thể củng cố được hôn nhân. Nhà nước đã quản lý chặt chẽ việc kết hôn, thực chất là nhà nước cung cấp cho tất cả các cặp uyên ương có một kiểu hợp đồng mà thôi. Khi tập tục xã hội đã thay đổi - gia đình nhỏ hơn và nhiều phụ nữ muốn đi làm – đối với nhiều gia đình, hợp đồng do nhà nước đưa ra đã không còn phù hợp nữa. Nên cho phép các cặp vợ chồng tự soạn hợp đồng của mình và tòa án phải tôn trọng những hợp đồng đó như những hợp đồng thương mại khác.

Khi còn cấp giấy giá thú, nhà nước phải cấp mà không có sự phân biệt nào. Các bang không chịu cấp giấy giá thú cho các cặp vợ chồng đa chủng là sai, và mãi đến năm 1967, Tòa án Tối cao mới cấm phân biệt đối xử như vậy, nghe chẳng khác gì nhạo báng công lý. Tương tự như vậy, hiện nay không cho các cặp chồng đồng tính kết hôn cũng là sai. Jonathan Rauch khẳng định rằng hôn nhân mang lại ba lợi ích xã hội lớn - ổn định trong việc nuôi dạy con cái, gắn người đàn ông với gia đình và vợ chồng cam kết sẽ chăm sóc khi bệnh tật và già yếu, và ít nhất hai khoản sau có thể được áp dụng cho quan hệ đồng tính nam, trong khi khoản ba và có thể là khoản một, có liên quan đến các cặp đồng tính nữ. Dĩ nhiên, tuyên bố một cách công khai tình yêu và lòng trung thành của mình cũng là phẩm giá cơ bản của con người. Khó tưởng tượng làm sao mà việc chấp nhận hôn nhân đồng tính lại có ảnh hưởng tiêu cực đến hôn nhân của người nào khác, như một số người bảo thủ tuyên bố; một việc mà các cặp đồng tính hiếm khi làm là sinh ra những đứa trẻ không cha và chắc chắn là càng nhiều người kết hôn thì càng tốt cho hôn nhân.

Giáo dục

Hiện nay, chắc chắn là mọi người đều biết rõ quan niệm về giáo dục của những người theo phái tự do cá nhân. Giáo dục là quá trình chuyển giao không chỉ kiến thức, mà còn chuyển giao những giá trị thiết yếu đối với nền văn minh của chúng ta. Vì giáo dục bao gồm việc dạy trẻ em về đúng và sai, về những điều quan trọng trong cuộc đời; gia đình chứ không các chính trị gia hay quan chức phải kiểm soát công tác giáo dục. Không hệ thống độc quyền nào có thể phản ánh đầy đủ giá trị của tất cả các bậc phụ huynh trong một xã hội đa dạng, và phải là người cực kỳ kiêu ngạo mới có thể nói rằng giới tinh hoa chính trị có quyền quyết định chương trình dạy học thay cho các vị phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, bộ máy độc quyền quan liêu rất kém hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ có giá trị. Nếu chúng ta không còn tin vào khả năng của nhà nước trong việc sản xuất thép, tại sao chúng ta lại nghĩ rằng nhà nước sẽ thành công trong việc giải quyết nhiệm vụ tinh tế và phức tạp hơn nhiều lần: Cung cấp kiến thức và giá trị cho hàng triệu trẻ em khác nhau? Chúng ta phải luôn luôn nhớ lời nhận xét chua cay của Mark Twain: “Tôi không bao giờ để cho việc dạy ở trường cản trở việc học của tôi”. Có thể học bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta không nên nghĩ rằng hệ thống dạy học hiện nay là nhất thành bất biến.

Đồ thị sau cho thấy khiếm khuyết cơ bản của hệ thống trường công ở Mỹ. Trong khi, trong ba mươi năm qua chi phí trên thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng gấp ba lần, kết quả kiểm tra lại giảm mạnh và giữ nguyên ở mức thấp như thế trong suốt nhiều năm. Kể từ Thế chiến II, trường học và khu vực nhà trường đã phình ra, ngày càng thoát khỏi sự kiểm soát của cộng đồng và trở thành quan liêu hơn bao giờ hết. Từ năm 1960 đến năm 1984, học sinh tại các trường công lập Mỹ chỉ tăng 9%, trong khi giáo viên tăng 57%, còn hiệu trưởng và giám thị thì tăng 79%. Trong khi đó, số lượng nhân viên, những người chẳng dạy cũng chẳng giám sát, lại tăng tới 500% - nhưng mỗi lẫn hệ thống trường học bị đe dọa cắt giảm ngân sách thì họ đều nói rằng sẽ phải sa thải giáo viên chứ không sa thải các cán bộ quản lý. Bộ máy quản lý các trường công lập ở thành phố New York có 6.000 quan chức, trong khi bộ máy quản lý hệ thống các trường Công giáo cũng của thành phố New York, với số học sinh bằng một phần tư (1/4) trường công lập, lại chỉ có 30 nhân viên mà thôi.

 Không chỉ kết quả kiểm tra giảm, các doanh nhân còn phàn nàn rằng học sinh tốt nghiệp các trường trung học Mỹ chưa được chuẩn bị để làm việc. Trong các cuộc khảo sát, học sinh Mỹ đều nói rằng họ đọc, viết và làm toán tốt, nhưng những người sử dụng lao động lại có quan điểm khác. Trong một cuộc khảo sát, chỉ có 22% người sử dụng lao cho rằng các học sinh vừa tốt nghiệp trung học được họ thuê có kỹ năng tính toán và chỉ có 30% hài lòng với khả năng đọc của những người được thuê. Công ty BellSouth tiến hành kiểm tra những người xin vào làm kỹ thuật viên, chỉ có 8% vượt quan được kỳ thi. Mỗi năm công ty Motorola chi cho một nhân viên 1.350 USD để họ những kỹ năng cơ bản. Nhiều công ty đang viết lại những bản hướng dẫn, làm cho những người đọc không thông cũng có thể hiểu được hoặc thiết kế công nghệ sao cho những kém toán và đọc không thạo cũng sử dụng được. Học sinh ra trường chưa được chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Trong 20 năm qua, trong tất cả các hình thức truyền thông và thông tin trong xã hội của chúng ta đã diễn ra những thay đổi mang tính cách mạng, nhưng trường học thì vẫn như cách đây 200 năm: thày giáo giảng bài, đứng trước 30 học sinh, ngày học và năm học gắn với nhịp điệu của xã hội nông nghiệp. Xin hãy tưởng tượng những cách tân năng động trong học tập mà các công ty tìm kiếm lợi nhuận có thể đã tạo ra, nếu họ tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

Những người theo phái tự do cá nhân muốn giải phóng hệ thống giáo dục ra khỏi bàn tay của bộ máy nhà nước quan liêu và buộc nó phải đáp ứng những đòi hỏi của học sinh và phụ huynh. Trường tư thục dạy tốt hơn, nhưng hầu hết các phụ huynh đều cảm thấy không có đủ tiền để trả cho cả trường công lẫn trường tư. Nếu không phải nộp thuế để thanh toán cho lĩnh vực giáo dục thì họ có thể đủ tiền để mua kiến thức trên thị trường. Hoặc nếu thuế khóa thấp, sẽ có thêm nhiều gia đình có thể để một người ở nhà dạy con.

Nhiều người sợ rằng nếu trường học không được miễn phí và không bắt buộc thì nhiều đứa trẻ sẽ không đi học. Bằng chứng lịch sử cho thấy ở Anh và Mỹ, phần lớn trẻ em đã đi học trước khi chính phủ nắm lĩnh vực giáo dục phổ thông. Ngay cả Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy, vốn không phải là người hâm mộ xã hội dân sự và vòng quay thị trường, cũng tuyên bố rằng khả năng đọc và viết, trước khi có hệ thống giáo dục công, là cao hơn so với hiện nay; điều này buộc người ta phải tự hỏi vì sao ông lại muốn đổ ngày càng nhiều tiền hơn vào hệ thống của chính phủ, khi hệ thống đó chỉ tạo ra được kết quả nghèo nàn đến như thế.

Đối với những người đồng ý với những luận cứ này, nhưng không thật sự tin rằng thị trường tự do hoàn toàn có thể cung cấp được một nền giáo dục đầy đủ, những người theo phái tự do cá nhân đề nghị một số bước trung gian trên con đường tiến tới một nền giáo dục tự do. Chúng ta có thể lấy khoản tiền hiện đang chi cho một học sinh trung học là 6.800 USD/một năm và phát trực tiếp cho các gia đình dưới hình thức học bổng hoặc phiếu, để họ trả cho trường công hay trường tư mà họ chọn cho con học. Trong trường hợp này, giáo dục sẽ vẫn được tài trợ bằng những khoản thuế mà người dân bắt buộc phải đóng, nhưng chí ít, phụ huynh có thể chọn loại trường mà họ muốn cho con em mình học. Sẽ tốt hơn nếu các gia đình giàu có và tầng lớp trung lưu phải trả cho việc học của con em mình - chắc chắn là giáo dục phải được coi là một trong những khoản chi tiêu chính trong việc nuôi dạy con cái - nhưng những gia đình nghèo sẽ được phát học bổng lấy từ tiền thuế. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể khoản thuế dành cho việc học hành, đến lượt nó, thuế thấp sẽ tạo điều kiện cho hầu hết các bậc phụ huynh bỏ tiền túi ra trả cho việc học tập của con em mình.

Tương tự như các nhà máy của Liên Xô cách đây vài năm, các trường học ở Mỹ hiện nay đã bị lạc hậu về mặt công nghệ, bộ máy quản lý phình to, thiếu linh hoạt, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và được quản lý nhằm bảo vệ lợi ích của các quan chức cao cấp. Cần phải mở cửa ngành giáo dục với ngân sách là 300 tỷ USD một năm và để thị trường tham gia vào lĩnh vực này. Xin hãy tưởng tượng những biện pháp mà các trường học đang cạnh tranh với nhau để giành cho bằng được những đồng tiền của phụ huynh học sinh sẽ bỏ ra nhằm đáp ứng nhu cầu của từng học sinh. Công nghệ giáo dục đang còn trong giai đoạn phôi thai, nhưng xin hãy tạo ra thị trường và chúng ta sẽ thấy hàng ngàn tỷ sẽ được chi cho nghiên cứu và phát triển công nghệ dạy học. Các trường sẽ tôn trọng những giá trị của phụ huynh và hoan nghênh sự tham gia của phụ huynh. Chúng ta sẽ thấy, như một nhà sư phạm có tài đã nói: “Không cần chuẩn bị cho trẻ đến trường, mà trường phải được chuẩn bị để đón trẻ em”. Đấy là điều sẽ xảy ra trên thương trường.

Bảo vệ các quyền tự do dân sự

Như đã nói bên trên, chủ nghĩa tự do là quan điểm cho rằng mỗi người có quyền sống cuộc sống của mình theo ý mình, với điều kiện là người đó tôn trọng những quyền tương tự như thế của những người khác. Như vậy nghĩa là, những người theo phái tự do cá nhân phản đối chính phủ ngăn cản hành động của cá nhân nếu hành động đó không vi phạm quyền của những người khác. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là đồng ý hay ủng hộ bất kỳ hành động cụ thể nào; nó chỉ có nghĩa là muốn bảo vệ các quyền của chúng ta thì sức mạnh mang tính cưỡng chế của nhà nước phải bị giới hạn. Không thể nào liệt kê được tất cả các quyền tự do dân sự mà chúng ta có, thường thì chúng ta chỉ xác định những quyền tự do dân sự cụ thể khi nhà nước tìm cách hạn chế chúng. Tuyên ngôn ngân quyền (The Bill of Rights) phản ánh trải nghiệm cụ thể của những người lập quốc Mỹ với những hạn chế của chính phủ Anh đối với các quyền cá nhân; nhưng, sau khi thừa nhận rằng không thể liệt kê được tất cả các quyền cá nhân, họ đã đưa thêm vào Tu Chính Án Thứ IX – tái khẳng định những quyền cá nhân khác chưa được liệt kê, và Tu Chính Án Thứ X – nhắc lại rằng chính phủ liên bang chỉ có những quyền đã ghi trong Hiến pháp.

Những người theo phái tự do cá nhân thường phát hiện ra rằng mình đang bảo vệ quyền của một người được làm những hành động mà chính người đó có thể cho là đáng trách. Như Hayek viết trong cuốn Hiến pháp của tự do (The Constitution of Liberty): “Tự do chắc chắn có nghĩa là người ta sẽ làm nhiều thứ mà chúng ta không thích”. Những điều kiện chung của tự do mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, không chỉ vì nó cho chúng ta quyền làm những việc chúng ta muốn, mà còn vì nền văn minh tiến lên thông qua thử và sai, thông qua những cách sống mới của các cá nhân. Hayek viết tiếp: “Quyền tự do mà chỉ có một trong số một triệu người sử dụng có thể còn có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho đa số người hơn bất kỳ quyền tự do nào mà tất cả chúng ta cùng sử dụng”.

Xã hội dân sự tạo điều kiện cho các cá nhân sống theo ý mình, ngay cả khi cách sống đó có thể làm cho đa số những người khác bực mình. Nhưng, nó cũng tạo cho người ta cơ hội hạn chế quyền tự do hành động của mình bằng cách ký kết các hợp đồng và tham gia các hiệp hội với những người khác và sử dụng tài sản của mình nhằm tạo ra môi trường phù hợp với mình. Ví dụ, người ta có quyền hút thuốc lá hay cần sa, ngay cả khi đa số cho rằng những thứ này nguy hiểm và kinh tởm. Nhưng những người khác có quyền cấm hút thuốc tại nhà riêng, tại nhà hàng hoặc cơ sở kinh doanh của mình. Người ta có quyền sơn nhà màu tím, nhưng họ không được làm thế nếu đã tự nguyện ký thỏa thuận với láng giềng, ví dụ, chỉ sơn nhà bằng sơn nhạt màu.

Những người theo phái tự do cá nhân bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do và phát sóng của cá nhân, ngay cả khi họ thực hiện những quyền tự do này bằng những biện pháp có thể làm người khác bực mình, ví dụ, dùng ngôn ngữ có tính khiêu dâm, những tạp chí phân biệt chủng tộc hay sách báo cộng sản. Công nghệ mới bao giờ cũng đi kèm với những yêu cầu mới về kiểm duyệt, thông tin điện tử không là ngoại lệ. May là, kiểm duyệt mạng Internet – mạng lưới quốc tế cực kỳ phức tạp – là công việc thiên nan vạn nan và chính phủ sẽ ngày càng khó ngăn chặn những thông tin mà họ không muốn công dân của mình biết.

Tình dục là một khía cạnh thầm kín khác của đời sống mà ngay từ thời xa xưa các chính phủ đã tìm cách can thiệp. Mãi đến những năm 1960, ở hầu hết các bang, quan hệ tình dục đồng giới vẫn bị coi là bất hợp pháp và bước vào thế kỷ XXI, những đạo luật đó vẫn còn hiệu lực trong khoảng hai mươi bang. Khi những đạo luật này là được thực thi một cách triệt để, những người đồng tính phải ẩn mình và chịu nhiều đau khổ. Ngay khi những người đồng tính đứng lên bảo vệ quyền của mình, chính phủ bắt buộc phải nới lỏng việc thi hành luật lệ. Nhưng năm 1986, Tòa án tối cao đưa ra phán quyết rằng không có quyền hiến định về việc hai bên đồng ý lựa chọn bạn tình là người đã trưởng thành và luật về quan hệ đồng tính vẫn còn có giá trị, ví dụ, không chấp nhận cho cha mẹ đồng tính quyền nuôi con. Cần phải bãi bỏ những đạo luật này vì tất cả người Mỹ đều phải có quyền như nhau.

Nhân danh bảo đảm an ninh cho chúng ta, chính phủ hạn chế quyền của chúng ta, không để cho chúng ta tự quyết định và chịu trách nhiệm về những hậu quả của những quyết định đó. Ví dụ, luật buộc phải thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô và đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không cho chúng ta quyền lựa chọn rủi ro mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm không cho chúng ta quyền lựa chọn các loại vitamin, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế mà chúng ta mong muốn. Chắc chắn là chọn biện pháp chữa bệnh cụ thể nào đó là lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân, tương tự như bất kỳ lựa chọn nào khác. Nhiều bác sĩ cho rằng cần sa có tác dụng chữa bệnh, giúp giảm nhãn áp (glaucoma), giảm đau và buồn nôn do bị AIDS, ung thư và hóa trị; các vị bác sĩ này có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng nên để cho bệnh nhân chứ không phải là cơ quan quản lý hành chính quan liêu ở Washington quyết định.

Một trong những xu hướng đáng ngại nhất trong lĩnh vực quyền tự do dân sự ở Mỹ là lực lượng thực thi pháp luật ngày càng bị quân sự hóa, thể hiện rõ nhất (tuy không phải chỉ trong lĩnh vực này) trong những cố gắng nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống ma túy, một cuộc chiến ngày càng tỏ ra vô nghĩa. Một lần nữa, thất bại của của biện pháp can thiệp nào đó lại dẫn đến những đòi hỏi phải can thiệp nhiều hơn nữa. Những biện pháp cấm đoán ma túy không ngăn chặn được nạn buôn bán ma túy, vì vậy, chính phủ liền coi thất bại là lý do để tăng cường lực lượng cảnh sát, để gây áp lực với chính phủ các nước khác, để gia tăng quyền hạn của mình trong việc khám xét và tịch thu, không cho những người tuân thủ pháp luật sử dụng điện thoại công cộng trong khu vực có nhiều người buôn bán ma túy, buộc tất cả các nhân viên phải kiểm tra nồng độ ma túy trong máu..v.v... Hiện nay, quan chức của 52 cơ quan liên bang có quyền mang súng và bắt giữ người. Có thể đấy chính là lý do vì sao ở Mỹ ngày càng có nhiều quan chức liên bang tấn công dã man thường dân, từ vụ hạ sát Vicki và Sammy Weaver ở Ruby Ridge, bang Idaho, đến vụ giết Donald Scott trong lần truy quét ma túy Malibu, đến cuộc tấn công bằng xe tăng và máy bay trực thăng những người theo đạo Davidians ở Waco, Texas, làm thiệt mạng hơn tám mươi người.

Thomas Jefferson từng nói: “Giá của tự do là luôn luôn cảnh giác”. Hiến pháp giúp bảo vệ tự do, nhưng trong dài hạn, chỉ có xã hội của những con người kiên quyết bảo vệ quyền tự do của mình trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại mọi sự xâm lấn, mới đủ sức chống lại xu hướng phình ra của quyền lực, bởi vì đấy là xu hướng tự nhiên của quyền lực.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan