Khát vọng 4.0 và thực tế muốn “quản”

Khát vọng 4.0 và thực tế muốn “quản”

Tại buổi lễ khai giảng khóa mới của trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright vào đầu tuần này, TS Vũ Thành Tự Anh đã đưa ra nhận định: “Đa số chúng ta như những cổ động viên, đứng trên bến cảng hò reo và cổ vũ đoàn tầu 4.0 lướt sóng ra khơi, nhưng lại nhất định không chịu lên tàu”. Đó là cách ông đối chọi giữa sự xôn xao của cả nước về cách mạng công nghiệp 4.0 với thói quen của người Việt Nam: nói nhiều hơn làm.

Khác với cách hiểu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở các nước, đặc biệt tại Đức nơi xuất phát khái niệm này chỉ xem đây là cách các nhà máy phải cải tiến để có thể tăng năng suất nhờ vào sự kết nối mọi thành phần trong dây chuyền, Việt Nam hiểu cách mạng công nghiệp 4.0 như một sự tổng hòa khi vạn vật kết nối tạo ra sự thông minh trong quản lý sản xuất, khi trí tuệ thông minh nhân tạo, rô-bốt làm thay cho con người trong nhiều hoạt động và khi dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thuật toán ẩn đằng sau sự vận hành của xã hội…

Cách hiểu như vậy cũng có thể tạo ra một khát vọng không chịu tụt hậu một lần nữa như thời ông ta từng tụt hậu vì chính sách “bế quan, tỏa cảng” và nhờ thế khát vọng này tạo ra động lực thiết kế các chính sách thích ứng với thời đại đang có nhiều biến đổi.

Đáng tiếc, khát vọng thì có – dẫn tới sự hò reo và cổ vũ nhưng hành động thì tréo ngoe như những bước chân rụt rè, thối lui, không chịu lên tàu. Sự giằng co đó nhìn ở đâu cũng thấy.

Dự thảo nghị định mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải ngó lơ loại hình “taxi điện tử”, bắt Grab, Go-Viet hay Uber nếu doanh nghiệp này còn hiện diện ở đây chịu chung những quy định kinh doanh như taxi truyền thống. Một dự thảo khác của Bộ Thông tin Truyền thông muốn các nơi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Netflix, Spotify phải chịu các ràng buộc như doanh nghiệp trong nước.

Cả hai dự thảo này đều có xuất phát điểm là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị các loại hình dịch vụ xuyên biên giới đè bẹp. Sự trăn trở của người làm chính sách là có thật nhưng chỉ đáng ghi nhận khi sự trăn trở đó nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sự cố họ từng gặp phải khi sử dụng Uber hay Grab. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nỗ lực chính sách như thế chẳng khác nào chuyện “bế quan, tỏa cảng” ngày xưa. Cơn sóng mô hình kinh doanh mới sẽ còn dội vào và xô đẩy nhiều doanh nghiệp khác; phải để họ làm quen với sóng dữ và tự lớn mạnh; càng che chắn chỉ càng làm họ suy yếu mà thôi.

Ở những diễn biến khác, khát vọng 4.0 nếu có cũng bị triệt tiêu bởi tầm nhìn ngắn hạn. Những cá nhân khởi nghiệp sử dụng nền tảng của Facebook, Google, YouTube để thu tiền của người dùng khắp thế giới – hãy khoan chăm chăm vào việc thu cho được thuế từ họ. Họ đã và sẽ nộp thuế nhưng họ cần những chính sách động viên để nhiều người có khát vọng như thế làm được điều họ làm. Amazon đang kêu gọi và tạo điều kiện cho người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam lên nền tảng này bán hàng cho khách khắp thế giới. Chúng ta đã làm được gì để khuyến khích họ ngoại trừ những tính toán thu thuế?

Mô hình kinh doanh mới dựa vào công nghệ không hẳn toàn màu hồng. Tiền ảo chưa được ứng dụng gì nhiều, lừa đảo đã nở rộ; cho vay ngang hàng chưa tiết kiệm cho nền kinh tế bao nhiêu, rất nhiều gia đình tán gia bại sản vì nó; thanh toán qua điện thoại di động chưa thâm nhập được bao nhiêu người thì dân du lịch Trung Quốc đã lợi dụng nó để trốn thuế. Nhưng nên nhớ không vì các mặt trái này mà các nước cấm đoán những mô hình kinh doanh mới. Giới ngân hàng các nước qua Trung Quốc học cách thanh toán không dùng tiền mặt của WeChat và AliPay. Trung Quốc siết cho vay ngang hàng bằng các quy định ngặt nghèo nhưng vẫn để các nền tảng này hoạt động. Chính phủ nhiều nước vẫn bỏ công sức, tiền bạc để nghiên cứu tiền ảo và công nghệ blockchain.

Nếu chỉ reo hò và cổ vũ, chúng ta sẽ không thấy được mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cũng tại buổi lễ khai giảng vào đầu tuần này TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét: “Những đột phá có tính cách mạng trong thập kỷ vừa qua về khoa học và công nghệ một mặt đem lại vô vàn cơ hội, song đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức mới như chiến tranh và an ninh mạng, bất bình đẳng trong thời đại kỹ thuật số, hay nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng của lao động kỹ năng thấp do những đột phá về tự động hóa và rô-bốt hóa”.

Nhưng nếu rụt chân không chịu lên tàu bằng cách đẻ ra các chính sách như thể chúng ta vô can thì tốt hơn hết là đừng nói gì thêm về cách mạng công nghiệp, kể cả thụt về 3.0.

Nguồn: Nguyễn Vạn Phú, Khát vọng 4.0 và thực tế muốn “quản”, NVP Blogspot, 25/10/2018