[Rothbard Tinh hoa] Quan điểm của Rothbard về tiền tệ: Minh oan cho vàng

[Rothbard Tinh hoa] Quan điểm của Rothbard về tiền tệ: Minh oan cho vàng

Rothbard rất quan tâm đến lý thuyết tiền tệ. Ông nhấn mạnh các ưu điểm của chế độ bản vị vàng cổ điển và ủng hộ quy định dự trữ ngân hàng 100%. Theo ông, hệ thống này sẽ ngăn chặn việc mở rộng tín dụng mà theo Trường phái kinh tế học Áo về chu kỳ kinh doanh, do Mises và Friedrich Hayek phát triển, nhất dịnh dẫn đến suy thoái kinh tế. Quan điểm của ông về tiền tệ đã được nêu rõ trong cuốn sách Man, Economy, and State [Con người, Nền kinh tế và Nhà nước]. Ông tóm tắt quan điểm của mình cho độc giả phổ thông trong cuốn sách mỏng đã được tái bản nhiều lần What Has Government Done to Our Money? [Chính phủ đã làm gì tiền của chúng ta?] (1963)1 và cũng viết một cuốn giáo trình, The Mystery of Banking [Bí ẩn hoạt động ngân hàng] (1983);2. Ông còn viết một số tiểu luận trong cuốn Making Economic Sense [Kinh tế học đời thường] cũng bàn luận về chính sách tiền tệ.3 Cuốn sách The Case Against the Fed [Bản án chống Cục Dự trữ Liên bang] (1994)4 là lời giải thích nổi tiếng của ông về quan điểm của chính mình. Những tiểu luận lý thuyết quan trọng nhất của ông về chủ đề này nằm trong tập đầu tiên của cuốn sách The Logic of Action [Logic hành động].

Ông giải thích rõ ràng và mạch lạc những nét chính trong lý thuyết tiền tệ của Mises. Lý thuyết tiền tệ, đối với Mises và những người theo trường phái Áo, không đứng biệt lập với phần còn lại của kinh tế học. Thông qua định lý hồi quy, Mises (tiếp nối Menger) đã chỉ ra quá trình hình thành tiền từ quan hệ hàng đổi hàng. Tiền là một loại hàng hóa, mà giá trị của nó, giống như bất kỳ loại hàng hóa nào khác, là do thị trường quyết định. Một số hàng hóa dễ mua bán hơn và “nếu bất kỳ hàng hóa cụ thể nào bắt đầu được sử dụng như vật trung gian thì quá trình này sẽ tạo ra hiệu ứng xoắn ốc hay hiệu ứng hòn tuyết lăn.”5 Rất nhanh chóng, một hoặc hai hàng hóa  sớm được sử dụng như phương tiện trao đổi. Và đó chính xác là tiền. Vàng và bạc luôn chiến thắng trong cạnh tranh về khả năng tiếp thị. “Theo đó, mọi đơn vị tiền tệ hiện đại đều có nguồn gốc từ một đơn vị vàng hoặc bạc nào đó.”6

Quá trình này không xảy ra một cách ngẫu nhiên; theo định lý hồi quy, tiền không thể có nguồn gốc từ sắc lệnh của chính phủ. Không có cách nào xác định sức mua của tiền nếu ban đầu tiền không phải là hàng hóa.

Một trong những thành tựu quan trọng của lý thuyết hồi quy là đã phát hiện ra sự thật rằng tiền phải . . . xuất phát từ một hàng hóa đã có nhu cầu sử dụng trực tiếp, hàng hóa ấy sau đó được sử dụng như một phương tiện trao đổi phổ biến hơn. Nhu cầu đối với một hàng hóa trở thành phương tiện trao đổi phải được đoán trước dựa trên giá cả đã có của các hàng hóa khác.7

Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi: lượng tiền tối ưu là bao nhiêu? Nếu hiểu được những lời giải thích về nguồn gốc của tiền thì câu trả lời đã rõ ràng. Cung tiền tăng không có nghĩa là tài sản thực tăng, vì tiền chỉ được sử dụng để trao đổi.8Bất kỳ lượng tiền nào trong xã hội cũng đều ‘tối ưu’.”9 Câu trả lời ấy vẫn không đổi khi tiền giấy xuất hiện.

Một vấn đề nảy sinh trong quá trình phân tích. Nếu cung tiền tăng không làm tăng tài sản thực, tại sao chính phủ liên tục dùng đến lạm phát? Câu trả lời của Rothbard liên quan đến một quan điểm sâu sa khác về kinh tế học Áo. Tác động của lạm phát đến mỗi người là khác nhau: những người nhận tiền trước sẽ có lợi thế hơn, vì họ có thể mua hàng hóa và dịch vụ trước khi mọi người nhận ra sức mua của tiền giảm. Các chính trị gia sử dụng lạm phát để trục lợi cho mình và những người ủng hộ mình.

Một thông lệ tiền tệ không đáng tin cậy khác đã nảy sinh từ việc gửi tiền tại ngân hàng. Vì sự bất tiện khi mang theo vàng bạc nên mọi người thường gửi tiền vào ngân hàng và nhận về biên lai. Những tờ biên lai này, với lời hứa là sẽ thanh toán bằng vàng và bạc, chẳng bao lâu sau đã được lưu hành như vật thay thế tiền. Tuy nhiên, các ông chủ nhà băng đứng trước cám dỗ. Biên lai thường không ghi rõ đồng vàng hoặc bạc cụ thể sẽ được trả lại cho người gửi tiền.10 Vì chỉ được yêu cầu trả lại số tiền được chỉ định trong biên lai nên các các ông chủ ngân hàng có thể phát ra nhiều biên lai hơn so với số vàng bạc mà họ có trong tay, với niềm tin rằng không phải tất cả những người gửi tiền sẽ yêu cầu rút tiền cùng lúc. Đối với những ông chủ ngân hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro này, triển vọng về lợi nhuận khổng lồ thật hấp dẫn.

Nhưng thông lệ này không phải là một hình thức lừa đảo trắng trợn hay sao? Thế nên, Rothbard chắc chắn phản đối. Thật không may, một số quyết định pháp lý của Anh lại theo hướng khác, và các tòa án Mỹ cũng đã làm theo các phán quyết này.

Ai đó có thể cho rằng  kẻ giả mạo chủ ngân hàng giờ đây có thể vui vẻ sải bước trên con đường bất chính. Nhưng thực ra hắn cũng gặp trở ngại: nếu hắn phát hành nhiều biên lai hơn số tiền có thể đổi, khách hàng của ngân hàng khác có thể cho hắn tiêu đời bởi những yêu cầu thanh toán không thể thực hiện được. Do đó, những ông chủ ngân hàng đã thiết lập một hệ thống ngân hàng trung ương. Qua hệ thống tập trung, rủi ro của việc rút tiền sẽ giảm đi. Nếu Rothbard đúng, toàn bộ cơ sở của hoạt động ngân hàng hiện đại, hệ thống dự trữ một phần, là một kiểu làm giả cần phải bị xóa bỏ. Theo bộ máy tổ chức hiện tại, “Cục Dự trữ Liên bang có quyền tuyệt đối trong việc xác định cung tiền theo ý muốn.”11 Để đáp lại khiếm khuyết này, Hệ thống Dự trữ Liên bang phải được bãi bỏ và chế độ bản vị vàng cần được khôi phục lại “ngay lập tức.”12

Trong quá trình trình bày luận điểm của mình, Rothbard tuyên bố: “Lý thuyết tiền tệ của Trường phái Áo gần như bắt đầu và kết thúc bởi tác phẩm The Theory of Money and Credit [Lý thuyết tiền tệ và tín dụng] của Mises,13 được công bố năm 1912.”14 Rothbard tự đánh giá thấp bản thân dù đã tạo nên những bước tiến lớn trong lý thuyết tiền tệ. Đặc biệt, ông ủng hộ một định nghĩa rộng hơn về cung tiền - tiền bao gồm bất cứ thứ gì có thể quy đổi ngang bằng với tiền tiêu chuẩn.

Rothbard kiên định với quan điểm cần phải dựa trên khái niệm chính xác, đối nghịch với quan điểm thực dụng, “bất cứ thứ gì cũng được” của Trường phái Chicago. Trong bài tiểu luận “Austrian Definitions of the Supply of Money” [Các định nghĩa của trường phái Áo về cung tiền] (1978), ông chỉ trích “mong muốn tránh né các quan điểm mang tính bản chất” của trường phái đó.15 Đối với những người theo trường phái Chicago, “Tiền là gì?” là một câu hỏi học thuật khô khan. Họ gọi tiền là bất cứ thứ gì liên quan đến thu nhập quốc dân. Sự không rõ ràng như vậy khiến Rothbard phải thảng thốt.

Rothbard luôn theo đuổi sự rõ ràng trong lý luận gắn với thực tiễn. Ngay cả khi dựa trên lý thuyết đúng đắn, các đề xuất cải cách tiền tệ vẫn có thể bị coi là sai lầm. Do đó, trong “The Case for a Genuine Gold Dollar” [Cách nhìn về một đô la vàng thật] (1985),16 Rothbard phản đối lời kêu gọi của Hayek về việc phi quốc gia hóa tiền tệ. Lời kêu gọi của Hayek về vô số các loại tiền do tư nhân phát hành đã bỏ qua ý nghĩa của định lý hồi quy. Với những thế mạnh của một phương tiện trung gian, trao đổi hàng hóa dẫn đến sự hình thành của tiền; Đề xuất của Hayek sẽ đảo ngược quá trình phát triển đó.

Rothbard bác bỏ chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi hoàn toàn bằng một luận điểm đơn giản. Trong cuốn “Gold vs. Fluctuating Fiat Exchange Rates” [Vàng và Tỷ giá hối đoái thả nổi” (1975),17 của ông, “thị trường tiền tệ tự do,”18 được đề xuất bởi Milton Friedman, là một đề xuất vô nghĩa, đứng từ góc độ  lý thuyết tiền tệ đúng đắn. Theo quan điểm của trường phái Áo, tiền là một loại hàng hóa: khi đó, một lượng tiền xác định là một lượng hàng hóa, với đơn vị được đo theo khối lượng, thường là “pound”. Vì lẽ đó, nội dung đơn vị tiền tệ sẽ không trở thành vấn đề trong thương lượng trên thị trường.

Đối với Rothbard, kinh tế học trường phái Keynesian có trách nhiệm với phần lớn những sai lầm trong chính sách tiền tệ đương thời, và ông thường tranh đấu vì điều đó. Lord Keynes và các học trò của ông này đã bác bỏ bản vị vàng, chế độ mà Rothbard coi là cơ sở duy nhất cho một loại tiền tệ hợp pháp. Thay vào đó, những người theo trường phái Keynesian đã cố gắng thiết lập một loại tiền pháp định cho toàn thế giới, dưới sự kiểm soát của một ngân hàng quốc tế. Để đạt được điều này, những người theo trường phái Keynesian cần phải loại bỏ một trở ngại chính đối với các kế hoạch kinh tế của họ.

Như mọi người đều biết, hệ thống tiền tệ Keynesian chấp nhận kê đơn lạm phát. Nhưng nếu một quốc gia lạm phát và những quốc gia khác không như vậy, hoặc chỉ ở mức độ thấp hơn, thì dưới chế độ bản vị vàng, quốc gia đó sẽ mất vàng vào tay quốc gia khác. Ngân hàng Thế giới theo trường phái Keynesian cho phép tất cả các quốc gia cùng lạm phát: phải loại bỏ những hệ thống tiền tệ độc lập, vốn là rào cản kiểm soát đối với chủ nghĩa Keynesian cực đoan.

Tất nhiên, có một vấn đề nhỏ là hệ thống tiền tệ theo trường phái Keynesian sẽ gây ra thảm họa. “Ở cuối con đường sẽ là một cuộc siêu lạm phát không có lối thoát trên toàn thế giới.”19 May mắn thay, những người theo Trường phái Keynesian đã không thể tự tung tự tác biến kế hoạch thành hành động: nhưng thất bại hiển nhiên trong hệ thống của họ không làm họ nản lòng, và cần phải tiếp tục chiến đấu với họ. Sự kết hợp độc đáo của Rothbard giữa phân tích chính trị và kinh tế là một vũ khí không thể thiếu trong đấu tranh.

Nhưng nếu trường phái Keynesian dẫn đến thảm họa, thì sự cứu rỗi nằm ở đâu? Một con đường sai lầm, vốn dĩ thu hút nhiều người, là việc loại bỏ hoàn toàn lý thuyết. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Hoa Kỳ) đã nỗ lực nghiên cứu chu kỳ kinh tế hoàn toàn dựa trên thực tế; và thầy của Rothbard là Arthur Burns, người có mối quan hệ gắn bó với Cục, là người ủng hộ phương pháp đó. “Phương pháp luận [được Cục] công bố mang tên Baconian: nghĩa là, Cục cổ vũ quan điểm cho rằng nó không dựa trên lý thuyết nào cả, nó chỉ dựa vào thực tế và thống kê, và những kết luận được đưa ra qua nghiên cứu cẩn thận từ dữ liệu đang dần dần tăng lên.”20

Rothbard phản đối phương pháp nghiên cứu khoa học của Cục. Mặc dù quan điểm hoàn toàn gắn bó với kinh tế học Áo, nhưng ông có kiến thức sâu rộng về thống kê, chuyên ngành học của ông; và ông có thể gặp gỡ những người đam mê thống kê trên chính giảng đường của mình.

Chú thích:

(1) What Has Government Done to Our Money? (Colorado Springs, Colo.: Pine Tree Press, 1963).

(2) The Mystery of Banking (New York: Richardson and Snyder, 1983).

(3) Making Economic Sense (Auburn, Ala.: Ludwig von Mises Institute, 1995).

(4) The Case Against the Fed (Auburn, Ala.: Ludwig von Mises Institute, 1994).

(5) Ibid., p. 13.

(6) Ibid., p. 17; emphasis in the original.

(7) Man, Economy, and State with Power and Market, pp. 274–75.

(8) Trường hợp vàng và bạc không được sử dụng với vai trò tiền tệ có thể coi là ngoại lệ và bỏ qua.

(9) Case Against the Fed [Vụ kiện chống lại Cục Dự trữ Liên bang], tr. 20; sự nhấn mạnh có trong bản gốc.

(10) Rothbard đưa ra lưu ý về sự cảnh báo liên quan đến bảo đảm tiền gửi nói chung" của nhà kinh tế học vĩ đại của thế kỷ 19 William Stanley Jevons.

(11) The Case Against the Fed, p. 144.

(12) Ibid., p. 146.

(13) Logic of Action I, p. 297.

14) Ludwig von Mises, The Theory of Money and Credit (Indianapolis: Liberty Classics, 1980).

(15) Logic of Action I, p. 337.

(16) Ibid., pp. 364–83.

(17 Ibid., pp. 350–63.

(18) Ibid., p. 389

(19) Making Economic Sense, p. 254.

(20) Ibid., p. 232.

Nguồn: David Gordon, The Essential Rothbard, Mises Institute

 

Dịch giả:
Lê Thị Hồng Nhung