[Rothbard Tinh hoa] Những tiến bộ khác trong lý thuyết kinh tế: Logic hành động (phần 4)

[Rothbard Tinh hoa] Những tiến bộ khác trong lý thuyết kinh tế: Logic hành động (phần 4)

Tuyệt tác Man, Economy và State [Con người, Nền kinh tế và Nhà nước], không phải là tác phẩm duy nhất thể hiện những đóng góp của ông về lý thuyết kinh tế. Có thể tìm những bài tiểu luận trọng yếu của Rothbard trong lĩnh vực này trong bộ sách hai tập The Logic of Action [Logic hành động]1 được xuất bản sau khi ông qua đời.

Một chủ đề xuyên suốt được Rothbard nhắc lại nhiều lần trong các bài tiểu luận của mình chính là cần phải phân tách cách tiếp cận đặc biệt của Trường phái Áo với kinh tế học và các cách tiếp cận khác, không ngoại trừ cả những trào lưu bên trong Trường phái kinh tế học Áo mà ông tin là đã đi sai đường. Một trong những động lực thúc đẩy công trình này chính là ở chỗ ông coi kinh tế học là một môn khoa học chặt chẽ; theo đó, kinh tế học phải được thanh lọc khỏi tất cả những gì không thuộc về nó. Cụ thể là, các phán xét luân lý không thuộc về phân tích kinh tế: “Ngay cả những phán xét luân lý được chấp nhận rộng rãi nhất trong kinh tế học cũng hoàn toàn không chính đáng.”2 Rothbard giữ quan điểm này không phải vì ông cho rằng luân lý là một vấn đề tùy hứng. Ngược lại, trong cuốn Praxeology: the Methodology of Austrian Economics [Pha-xô học: Phương pháp luận của Trường phái Kinh tế học Áo] (1976),3 ông tự nhận mình là một người theo Trường phái Tân Thomas của Aristote, trường phái thể hiện sự ủng hộ đối với luật tự nhiên. Nhưng dù luân lý có địa vị khoa học như thế nào đi nữa thì kinh tế học vẫn là một môn khoa học độc lập.

Và vấn đề không chỉ nằm ở tính kinh tế và vẻ đẹp mang tính khái niệm. Mặc dù luân lý không nhất thiết phải thường xuyên thay đổi, nhưng trên thực tế nhiều nhà kinh tế học thường không đưa ra được cơ sở hợp lý cho các quan điểm luân lý của mình. Việc đưa các quan điểm không có cơ sở vào các trước tác của mình đã làm mất tính khoa học trong các nghiên cứu của họ. “Trách nhiệm của bất kỳ nhà khoa học, hay đúng hơn là của bất kỳ người trí thức nào cũng là phải hạn chế mọi phán xét về giá trị trừ khi người đó có thể chống lưng cho đánh giá đó trên cơ sở một hệ thống đạo đức nhất quán và có thể bảo vệ được.”4

Bản thân tuyên bố này đã là phán xét mang tính giá trị rồi; nhưng vì tuyên bố này có thể được bảo vệ một cách nhất quán, cho nên Rothbard không mâu thuẫn với quan điểm của chính mình.

Nhưng, bằng cách nào mà các nhà kinh tế học lại có thể phạm phải một sai lầm thô thiển như vậy? Lẽ nào họ không nhận thức được rằng những tiền đề luân lý mà họ sử dụng đặt ra những nghi ngờ về tính khoa học đối với nghiên cứu của họ? Rothbard đưa ra một lý giải về hiện tượng này trong tiểu luận "Toward a Reconstruction of Utility and Welfare Economics" [Hướng tới việc xây dựng lại lý thuyết về thoả dụng và kinh tế học phúc lợi] (1956),5 một trong những bài luận xuất sắc nhất của ông. Các nhà kinh tế học phúc lợi đương đại thường lý luận rằng: họ thừa nhận những phán xét luân lý là tuỳ nghi, nhưng chắc chắn cũng tồn tại những phán xét không gây tranh cãi - những sự thật mà mọi người đều chấp nhận. Chẳng hạn, nếu chính sách có thể tối đa hóa phúc lợi, thì có nên bác bỏ chính sách đó hay không?

Tuy nhiên, như các nhà kinh tế học dòng chính đã thừa nhận, chẳng có giải pháp nào được đưa ra ở đây cả. Hầu hết đều đồng ý rằng không thể so sánh độ thỏa dụng giữa những cá nhân khác nhau. Vậy, làm thế nào để xác định liệu một biện pháp được đề xuất có thể cải thiện phúc lợi tốt hơn bất kỳ biện pháp nào khác sẵn có? Và mục tiêu tối đa hóa phúc lợi có thực sự không gây tranh cãi? Hầu như mọi chính sách đều sẽ có lợi cho người này nhưng lại có hại cho người khác. Ngay cả khi phúc lợi có thể đo lường được, dựa trên cơ sở khoa học nào để nói rằng người mất nên nhường chỗ cho kẻ được?

Lúc nào cũng giỏi xoay sở, những người được gọi là nhà kinh tế học phúc lợi mới nghĩ rằng họ đã tìm ra một giải pháp. Giả sử một chính sách đem lại lợi ích cho ít nhất một người trong khi chẳng ai bị thiệt hại, liệu ai đó có thể bác bỏ chính sách này mà không đưa ra bất kỳ phán xét chủ quan gây tranh cãi nào không? Tiêu chí Pareto, một quy tắc mà không ai có thể bàn cãi một cách lý trí, tạo ra một chỗ đứng vững chắc cho một bộ môn kinh tế học phúc lợi mang dáng vẻ khoa học.

Nhưng những kết luận của kinh tế học phúc lợi mới, cùng với chủ nghĩa can thiệp giữ thế thượng phong của khoa học xã hội thế kỷ XX, chẳng khiến những người ủng hộ thị trường tự do thoải mái chút nào. Những khiếm khuyết của thị trường, xuất phát từ những ngoại ứng tích cực và tiêu cực, đòi hỏi nhà nước phải liên tục can thiệp.

Rothbard không đồng tình với quan điểm này. Ông lập luận một cách khéo léo rằng, nếu được diễn giải một cách đúng đắn thì các giả định của kinh tế học phúc lợi sẽ hỗ trợ cho thị trường tự do. Một nhà kinh tế học dựa trên năng lực khoa học thuần túy của mình chỉ có thể cân nhắc những sở thích của người tiêu dùng được thể hiện bằng hành động. Nếu anh ta tuân theo hạn chế này, thì anh ta nhất định sẽ lên án mọi sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động thương mại tự nguyện.

Bài luận này cũng cho thấy, Rothbard không hề mặc định bất cứ thứ gì là điều hiển nhiên trong luân lý học. Phần lớn kinh tế học phúc lợi thông thường phụ thuộc vào việc tìm kiếm các ngoại ứng tích cực. Với tính cách thích đi sâu vào bản chất vấn đề, Rothbard đã đưa ra câu hỏi tại sao những ngoại ứng tích cực lại là một vấn đề xã hội?

A và B quyết định trả tiền cho việc xây dựng một con đập để sử dụng; C hưởng lợi mặc dù anh ta không trả tiền .... Đây là vấn đề Kẻ ăn không (Free Rider). Tuy nhiên, thật khó hiểu là làm toáng lên để làm gì. Liệu tôi có bị đánh thuế đặc biệt vì tôi thích ngắm khu vườn của hàng xóm mà không trả tiền cho việc đó không? Việc A và B mua bán một mặt hàng cho thấy họ sẵn sàng trả tiền cho việc đó; và nếu nó gián tiếp mang lại lợi ích cho C nữa thì cũng không có người nào bị thua thiệt.6

Trong bài tiểu luận "The Fallacy of the Public Sector" [Sai lầm của khu vực công] (1961),7 Rothbard đã có một cách diễn giải đáng nhớ về sai lầm trọng yếu trong lập luận về lợi ích ngoại sinh như sau:

A và B thường được hưởng lợi nếu họ có thể buộc C làm điều gì đó .... Không cần phải nói thêm gì nữa, bất kỳ luận cứ nào về quyền và lòng tốt của ba người hàng xóm, những người vì khao khát thành lập một tứ tấu đàn dây mà buộc người hàng xóm thứ tư phải học và chơi đàn violin đều là luận cứ không tỉnh táo.8

Hãy cùng tạm dừng để nhìn lại những ý tưởng cách mạng liên quan đến những câu hỏi của Rothbard. Các nhà kinh tế học trước ông thường đưa ra giả định những người hưởng lợi từ ngoại ứng tích cực phải chi trả cho việc đó. Do đó, khi Rothbard đưa ra thắc mắc của mình, chúng ta không khỏi băn khoăn tại sao giả định trên được đưa ra mà không vấp phải tranh cãi gì? Khi Robert Nozick đưa ra quan điểm tương tự trong tác phẩm Anarchy, State và Utopia [Tình trạng vô chính phủ, Nhà nước và Xã hội không tưởng]9, ngay lập tức, các triết gia đã phải chú ý đến. Nhưng Rothbard đã nghĩ đến điểm này trước đó khá lâu.

Một số người đáp lại quan điểm của Rothbard bằng lập luận rằng việc những người hưởng lợi từ ngoại ứng tích cực chi trả cho lợi ích được hưởng từ ngoại ứng đó sẽ tối đa hóa hiệu quả cho những người hưởng lợi. Rothbard chặn đứng hướng lập luận này bằng việc thách thức toàn bộ khái niệm về tính hiệu quả.

Chúng ta đều biết rằng thị trường tự do là hệ thống kinh tế hiệu quả nhất; Milton Friedman và nhiều học trò của ông xây dựng luận cứ ủng hộ thị trường của họ phần lớn dựa vào điều này. Rothbard - người không ai sánh kịp trong vai trò người ủng hộ thị trường - được kỳ vọng sẽ cùng tham gia ca ngợi hiệu quả của nó. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ, ông lại đặt câu hỏi cơ bản với khái niệm hiệu quả: thực sự khái niệm này có nghĩa gì hay không?

Hãy lấy ví dụ về một cá nhân cho sẵn. . . để người này hành động một cách hiệu quả, anh ta phải có hiểu biết hoàn hảo về tương lai .... Nhưng chẳng có người nào có thể có hiểu biết hoàn hảo về tương lai, nên không thể gọi hành động của bất kỳ người nào là hành động “hiệu quả”. ... Nếu kết quả thay đổi trong tiến trình của một hành động, khái niệm về hiệu quả - có thể được định nghĩa là sự kết hợp tốt nhất của các phương tiện để đạt được kết quả nhất định - lại càng trở nên vô nghĩa.10

Murray Rothbard từng cảnh giác với những người theo thuyết thực chứng logic; tuy nhiên ví dụ vừa đưa ra lại cho thấy ông đã sử dụng điêu luyện một chiến thuật yêu thích của họ. Câu hỏi Rothbard đưa ra là: định nghĩa có thể áp dụng được của khái niệm đang được thảo luận là gì? Nếu không ai đưa ra được câu trả lời cho thắc mắc này thì khái niệm - trong trường hợp này là khái niệm hiệu quả - phải bị loại bỏ khỏi khoa học.11

Rothbard không cho rằng mình đã bảo vệ thị trường một cách trung lập. Đúng hơn Rothbard đã dùng vũ khí của những kẻ can thiệp chống lại chính họ; bằng cách đó, ông cho thấy tầm quan trọng của việc cảnh giác đối với các phán xét luân lý được giả định mà không thông qua tranh luận. Nhưng nếu nói luân lý phải được tách rời khỏi kinh tế học thì dĩ nhiên vẫn để ngỏ một vấn đề lớn: phương pháp kinh tế học đúng đắn là gì?

Câu trả lời của Rothbard tất nhiên là kinh tế học bắt nguồn từ những tiên đề đơn giản, thông thường, cụ thể là “tiên đề về hành động”. Công trình của ông về phương pháp kinh tế học đã được Friedrich Hayek khen ngợi: “Các bài viết của GS. Rothbard chắc chắn là những đóng góp hữu ích nhất cho một truyền thống vĩ đại.”12

Phương pháp diễn dịch, vốn đã được thể hiện trong pha-xô học (praxeology) của Mises, phải chiến đấu với hai đối thủ chính. Đối thủ đầu tiên coi kinh tế học là bộ môn khoa học, nhưng lại có quan điểm quá hẹp hòi về phương pháp khoa học. Đối với những người theo chủ nghĩa thực chứng, vật lý là khoa học kiểu mẫu, và kinh tế học phải tuân theo kỷ luật sử dụng các giả thuyết có thể kiểm chứng được. Rothbard, trong bài luận kinh điển của mình "The Mantle of Science" [Lớp phủ khoa học] (1960), lên án cách tiếp cận này là “một nỗ lực phi khoa học đáng nể với mục đích chuyển một cách phi lý phương pháp luận của khoa học vật lý vào lĩnh vực nghiên cứu hành động con người.”13 Bằng cách gò ép kinh tế học vào nền tảng vật lý, theo quan niệm của những người theo chủ nghĩa thực chứng, những người ủng hộ thuyết duy khoa học đã bỏ qua ý chí tự do.

Dù thuyết duy khoa học có thể nguy hiểm đến mức nào, những lời lẽ tán tỉnh của nó cũng không thể lôi kéo được những người đồng cảm với Trường phái kinh tế học Áo. Rothbard kêu gọi trang bị nhằm chống lại một mối nguy khẩn cấp hơn trong bài luận "The Present State of Austrian Economics" [Tình trạng hiện tại của Trường phái kinh tế Áo] (1992).14 Chúng ta đều biết lý thuyết giá trị của Trường phái kinh tế học Áo mang tính chủ quan: Trường phái kinh tế Áo giải thích giá cả thông qua sở thích cá nhân và bác bỏ lý thuyết lao động của chủ nghĩa Mác về giá trị và các lý thuyết tương tự khác. Tuy nhiên, một số người thuộc trường phái này đã đi quá xa. Đối với họ, mọi thứ đều mang tính chủ quan và kinh tế học không còn là khoa học nữa. Theo sau Ludwig Lachmann, họ nhấn mạnh sự bất định triệt để của tương lai. Trường phái Kinh tế học Áo, như Rothbard giảng dạy, không thể bị đánh đồng với sự lặp lại bất tận các thuật ngữ “chủ nghĩa chủ quan” và “bất định”.

Như đã đề cập trong phần thảo luận về tác phẩm Con người, Nền kinh tế và Nhà nước, Rothbard đã có những đóng góp quan trọng trong tranh luận về tính toán kinh tế trong xã hội xã hội chủ nghĩa; và tập bài viết này bổ sung một số bài luận quan trọng về chủ đề đang nói tới ở đây. Trong bài tiểu luận "The End of Socialism and the Calculation Debate Revisited" [Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội và xem xét lại cuộc tranh luận về tính toán xã hội chủ nghĩa] (1991), ông lưu ý, ngược lại với quan điểm của Hayek và Kirzner, là “vấn đề trung tâm [của chủ nghĩa xã hội] không phải là vấn đề ‘tri thức’.”15 Không nghi ngờ gì rằng, như Hayek đã nhấn mạnh, tồn tại vấn đề về tri thức trong chủ nghĩa xã hội; một cơ quan kế hoạch tập trung không thể tích lũy những thông tin cực kỳ phức tạp, có độ tin cậy cao, cần thiết để vận hành nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên cần phải nhắc lại, vấn đề mấu chốt không phải làm thế nào để có được tri thức mà là bạn sẽ làm gì với tri thức mà bạn có? Và ở đây, tính toán kinh tế, và cùng với nó là thị trường, đóng vai trò không gì thay thế được.

Trong bài tiểu luận "Lange, Mises, and Praxeology: The Retreat from Marxism" [Lange, Mises và Pha-xô học: Sự thoái lui khỏi chủ nghĩa Mác] (1971)16, Rothbard bổ sung một chú thích thú vị vào cuộc tranh luận về tính toán xã hội chủ nghĩa. Nhà xã hội chủ nghĩa nổi tiếng nhất đối đầu với Mises và Hayek là nhà kinh tế học người Ba Lan Oskar Lange. Tuy nhiên, đến cuối đời, mặc dù kiên định với chủ nghĩa xã hội, Lange lại trở thành người ủng hộ nhiệt thành môn pha-xô học. Trong nỗ lực chia tách quan điểm của mình với quan điểm của đối thủ vĩ đại - Mises, Lange đã cố gắng kết hợp pha-xô học với chủ nghĩa Mác – hiển nhiên là một sự kết hợp bất ổn.

Độc giả của phần "Applications and Criticism from the Austrian School" [Những ứng dụng và phê bình từ Trường phái Áo], tập II của cuốn The Logic of Action, sẽ cảm thấy ấn tượng choáng ngợp về một loạt các chủ đề mà Rothbard quan tâm; chỉ một số tiểu luận trong đó được chọn ra để đề cập ở đây. Cũng như tập đầu tiên của cuốn sách, sự kiên định của Rothbard về việc phải rõ ràng về khái niệm được thể hiện ở khắp mọi nơi.

Trong bài "The Fallacy of the Public Sector" [Sai lầm của khu vực công], Rothbard đã bác bỏ luận chiến của John Kenneth Galbraith chống lại chủ nghĩa tư bản chỉ bằng một câu hỏi. Galbraith đã cố gắng đưa ra giải đáp cho luận điểm chủ nghĩa tư bản thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Ông thừa nhận thị trường tự do cung cấp lượng hàng hóa dồi dào, nhưng liệu đây có phải là vấn đề? Những hàng hóa này không đáp ứng được những nhu cầu thực sự của người tiêu dùng, nhưng sự khao khát đối với chúng lại được tạo ra một cách nhân tạo thông qua việc quảng cáo. Điều này khiến Rothbard băn khoăn “Có phải tất cả mọi thứ vượt quá nhu cầu thiết yếu đều là ‘nhân tạo’ không?”17

Tạm dừng với những bàn luận về Galbraith. Trong bài "The Myth of Tax 'Reform'" [Huyền thoại về cải cách thuế] (1981)18, Rothbard sử dụng các công cụ phân tích của mình để làm rõ vấn đề đang được quan tâm. Ông nhấn mạnh điểm cốt yếu về thuế là tính cưỡng chế: bòn rút theo lối cưỡng chế các nguồn lực từ những lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế học coi việc đánh thuế như một thỏa thuận tự nguyện để cung cấp cái gọi là “hàng hóa công”. Trở lại với quan điểm được đưa ra trong tiểu luận về kinh tế học phúc lợi, Rothbard từ chối tán thành một quan điểm trong khoa học kinh tế cho rằng các sở thích được cho là không thể biểu hiện trong thị trường tự do. Hành động thực sự tự nguyện - không phải là thứ giả mạo đánh thuế "tự nguyện" - có thể mang lại quốc phòng và an ninh.

Ông mở rộng những chỉ trích của mình về đánh thuế tự nguyện với tác phẩm The Calculus of Consent [Phép tính về sự đồng thuận]19 của hai tác giả James Buchanan và Gordon Tullock20. Để củng cố quan niệm kỳ lạ cho rằng nhà nước giống như một câu lạc bộ, các tác giả này ủng hộ hành động đồng thuận. Nếu tất cả mọi người đều đồng ý bị đánh thuế thì chẳng phải việc cưỡng bức thực thi thỏa thuận này phù hợp với ý chí chung sao? Rothbard xác định luận điểm này mắc lỗi nguỵ biện. Trên thực tế, Buchanan và Tullock rút bỏ ý tưởng về sự đồng thuận hoàn toàn đối với các yêu cầu hiến định của họ, viện dẫn đến sự hiện diện của chi phí giao dịch. Nếu thế, họ không thể ủng hộ sự đồng thuận mà họ mong muốn với nỗ lực biến sự cưỡng bức thành tự do. Rothbard đã chỉ ra lỗi nguỵ biện quan trọng này trong cuốn The Calculus of Consent trước khi nó được xuất bản, trong các bình luận về bản thảo.

Ông trình bày chi tiết lập luận phản bác của mình trong bài tiểu luận "Toward a Reconstruction of Utility and Welfare Economics". Nỗ lực của Buchanan nhằm

gán cho Nhà nước chức năng là một thiết chế tự nguyện… dựa trên phép biện chứng kỳ lạ cho rằng quy tắc đa số trong một nền dân chủ thực sự là một sự đồng thuận bởi đa số có thể và luôn luôn thay đổi! Điều này dẫn đến kết quả thúc đẩy tiến trình chính trị, vì rõ ràng không thể đảo ngược, nên sẽ mang lại sự đồng thuận xã hội. Học thuyết này….phải được xét đến như một loại hình của chủ nghĩa thần bí Hegel.21

Quy trình lập luận của Rothbard rất đơn giản. Ông đưa câu hỏi: nhà nước tự nguyện là gì? Và với cách mô tả của Buchanan, Rothbard tiếp tục hỏi: đây có phải là điều mà chúng ta thường hiểu khi nói về “tự nguyện” không? Rõ ràng là không, do đó quan niệm về nhà nước tự nguyện này không thể đứng vững được.

Là người luôn cảnh giác với việc trốn tránh ngữ nghĩa, Rothbard khẳng định rằng việc ám chỉ “những lỗ hổng” về thuế là không chính xác. Một “lỗ hổng [giả định] tất cả thu nhập của mọi người thực sự thuộc về chính phủ.”22 Nhiều người bị buộc tội sử dụng thủ đoạn để trốn tránh việc thanh toán, trong khi thực tế họ chỉ cố gắng bảo vệ những gì thuộc về mình. Trong một bình luận có liên quan, Rothbard lưu ý: “Thuế khoán (flat tax) sẽ tạo ra thiệt hại lớn cho mọi hộ gia đình ở Mỹ.”23

Trong tập sách này, Rothbard tiếp tục theo đuổi một câu hỏi mang tính cách mạng: Mọi người thường nhìn vấn đề theo một cách nhất định, thế nhưng tại sao chúng ta nên làm vậy?

Do vậy, một cách tiếp cận phổ biến đối với kinh tế học phúc lợi là cố gắng làm giảm chi phí giao dịch. Trong bài "The Myth of Neutral Taxation" [Huyền thoại về thuế trung lập] (1981), Rothbard đã sẵn sàng với một câu hỏi sáng tạo:

Chi phí giao dịch có gì mà khủng khiếp đến vậy? Dựa trên cơ sở nào chúng được coi như cái ác tối thượng, mà việc tối thiểu hóa chúng được đặt lên trên tất cả những khía cạnh khác như lựa chọn, tự do và công lý?24

Nếu một người trả lời rằng việc giảm thiểu những chi phí này là cần thiết, nhưng không phải quá quan trọng, thì câu hỏi của Rothbard buộc người đó phải xác định chính xác số tiền và lý do tính toán những chi phí đó.

May mắn cho xã hội vì sự ủng hộ của các nhà kinh tế học đối với thị trường tự do là rất phổ biến. Trong hầu hết trường hợp với bất kỳ dịch vụ nào của chính phủ, ta đều tìm được một nhà kinh tế học tin rằng thị trường sẽ cung cấp dịch vụ đó theo cách tốt hơn. Nhưng không có ai ngoại trừ Rothbard đưa ra câu hỏi tại sao chính phủ lại được phép thu thập thông tin?

Ông đưa ra một luận điểm đơn giản nhưng có sức hủy diệt lớn: nếu không có dữ liệu thống kê, chính phủ không thể can thiệp vào nền kinh tế:

Thống kê quan trọng đối với tất cả các hoạt động can thiệp và mang tính xã hội chủ nghĩa của chính phủ .... Thống kê là tai mắt của quan chức, chính trị gia, nhà cải cách xã hội chủ nghĩa. Chỉ dựa vào số liệu thống kê họ mới có thể biết, hoặc ít nhất là có bất kỳ ý tưởng nào về điều gì đang diễn ra trong nền kinh tế .... Chỉ cần loại bỏ những tai mắt đó, phá hủy những hướng dẫn quan trọng về tri thức thì toàn bộ mối đe dọa về sự can thiệp của chính phủ gần như hoàn toàn bị loại bỏ.25

Có lẽ bằng chứng rõ ràng nhất về sự nhạy bén trong phân tích của Rothbard thể hiện ở tiểu luận về Joseph Schumpeter. Schumpeter được biết đến là tác giả đã đưa ra  một cách nhìn đặc biệt về nhà khởi tạo kinh doanh. Ông coi các nhà khởi tạo kinh doanh vĩ đại như những lực lượng ảo của tự nhiên, không thể giải thích bằng khoa học. Rothbard cho thấy kinh tế học của Schumpeter đã gò ép ông ta vào quan điểm này như thế nào. Schumpeter “phủ nhận vai trò của thời gian trong sản xuất”26 và vận hành bằng các phương trình tĩnh. Không có chỗ cho sự đổi mới sáng tạo trong nhà tù bất biến theo mô hình Walrasian này: ông ta chỉ có thể đối mặt với sự thay đổi triệt để bằng cách thoát ra khỏi hệ thống này. Dù là người ủng hộ nhiệt thành phương pháp diễn dịch, Rothbard biết rằng một lý thuyết phải đúng với thực tế; và phân tích xuất sắc của ông về việc bộ công cụ khái niệm của Schumpeter đã dẫn ông ta đi chệch hướng thế nào là một đóng góp kinh điển cho lịch sử kinh tế học.

Rothbard không mấy ủng hộ chủ nghĩa giải cấu trúc. Các nhà giải cấu trúc cho rằng văn bản thiếu một ý nghĩa cố định: ý nghĩa rõ ràng của văn bản luôn đi kèm với các câu từ đối lập. Theo đó người đọc phải “giải cấu trúc” một văn bản thay vì nghĩ nó có ý nghĩa chặt chẽ, mạch lạc. Rothbard nêu ra điểm mấu chốt: tại sao phải bận tâm? “Nếu chúng ta không thể hiểu được ý nghĩa của bất kỳ văn bản nào, thì tại sao chúng ta lại bận tâm đến việc cố gắng hiểu hoặc xem xét một cách nghiêm túc các tác phẩm hoặc học thuyết của những tác giả hung hăng tuyên bố về sự khó hiểu của chính họ?”27

Chú thích:

(1) (The Logic of Action I: Method, Money, and the Austrian School (Cheltenham, U.K.: Edward Elgar, 1997). The Logic of Action II: Applications and Criticism from the Austrian School (Cheltenham, U.K.: Edward Elgar, 1997. Hai tập có trong loạt Các nhà kinh tế học của Thế kỷ XX của Edward Elgar. Phiên bản mới và bổ sung sẽ được Ludwig von Mises Institute xuất bản vào năm 2007).

(2) Logic of Action I, p. 22.

(3) Ibid., pp. 58–99.

(4) Ibid., p. 82.

(5) Ibid., pp. 211–54.

(6) Logic of Action I, p. 251.

(7) Logic of Action II, pp. 171–79.

(8) Ibid., p. 178.

(9) Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia (New York: Basic Books, 1974), pp. 93–94.

(10) Logic of Action I, pp. 266–67.

(11) Another instance of the same technique may be found in the search for an operational definition of monopoly price in Man, Economy, and State. I suspect, but cannot prove, the influence of his teacher Ernest Nagel for this technique.

(12) F.A. Hayek, “Foreword” to Rothbard’s, Individualism and the Philosophy of the Social Sciences (San Francisco: Cato Paper No. 4), p. x.

(13) Logic of Action I, p. 3.

(14) Ibid., pp. 111–72.

(15) Ibid., p. 425.

(16) Ibid., pp. 384–96.

(17) Logic of Action II, p. 177.

(18) Ibid., pp. 109–20.

(19) James M. Buchanan and Gordon Tullock, The Calculus of Consent: Logical Foundations of Constitutional Democracy (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1962).

(20) Logic of Action II, pp. 269–74.

(21) Logic of Action I, p. 252.

(22) Logic of Action II, p. 116.

(23) Ibid., p. 110.

(24) Ibid., p. 88.

(25) Ibid., pp. 182–83.

(26) Ibid., p. 230.

(27) Ibid., p. 277.

Nguồn: David Gordon, The Essential Rothbard, Mises Institute

Dịch giả:
Phạm Lan Hương

Tác giả liên quan