Lưu tâm đến những hiểm họa của sự tiến bộ

Lưu tâm đến những hiểm họa của sự tiến bộ

Khủng hoảng Covid-19 là một lời nhắc nhở tàn khốc rằng, với tất cả của cải và khả năng làm chủ công nghệ, chúng ta vẫn dễ bị tổn thương với những rủi ro rất nhỏ nhưng thảm khốc. Để đảm bảo sự thinh vượng trong tương lai, chúng ta phải có một chiến lược tăng trưởng đặt trọng tâm và ưu tiên vào những rủi ro nhóm, hơn là chỉ coi chúng như sự đã rồi.

Có một điều đáng nhớ là chúng ta luôn may mắn trong các cuộc càn quét lớn của lịch sử. Cuộc sống như trong mô tả của Thomas Hobbes vốn "đơn độc, nghèo khó, bẩn thỉu, tàn bạo và đoản mệnh", thực ra chính là phần lớn lịch sử nhân loại. Nhưng mô tả này giờ đã không còn đúng nữa. Nạn đói ngày càng hiếm hơn, mức sống của hầu hết người dân đã tăng lên và tình trạng nghèo cùng cực đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua. Ngay cả ở những nơi kém sức khoẻ nhất trên thế giới, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh cũng là trên 60 tuổi, trong khi một người Anh sinh vào những năm 1820 cũng chỉ mong sống đến khoảng 40 tuổi.

Nhưng, những tiến bộ tuyệt vời này đi kèm với những rủi ro thảm khốc. Ngay cả khi Covid-19 đã làm lung lay sự tự mãn của con người, chúng ta vẫn chưa phải vật lộn với những nguy hiểm vẫn đang hiện hữu.

Những tiến bộ trong suốt 200 năm qua là thành quả của công nghiệp hóa, nhờ việc chúng ta tiếp thu kiến thức và làm chủ công nghệ. Nhưng quá trình này liên quan đến sự đánh đổi. Các công ty và chính phủ, được thúc đẩy bởi khát vọng giàu có, đã tìm cách giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận, thi thoảng dẫn đến những gián đoạn khiến hàng trăm triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và thất nghiệp.

Trong nhiều thập kỷ, công nhân trong các hầm mỏ và nhà máy bị ép buộc một cách tàn bạo để tạo ra/bổ sung/thêm vào ngày càng nhiều sản lượng, cho đến khi họ có thể tự tổ chức và đảm bảo một số quyền lực chính trị cho mình. Và tất nhiên, thời đại công nghiệp sơ khai đã khuyến khích chế độ nô lệ và việc truy lùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến các cuộc chiến tranh lớn và các hình thức cai trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc.

Những hành động cực đoan không phải là bất thường cũng không phải là không thể tránh khỏi. Rất nhiều sai lầm đã được sửa đổi thông qua kinh tế thị trường, cải cách quan hệ lao động, quy định của nhà nước và những thể chế mới (thường là dân chủ). Nhưng những hậu quả to lớn, không lường trước được của công nghiệp hóa vẫn chưa được giải quyết hết bởi vì không có tổ chức chính trị nào được bầu lên để giải quyết chúng. Mối quan tâm cấp bách nhất hiện nay chính là những thảm hoạ toàn cầu, mà rõ ràng nhất là biến đổi khí hậu do con người gây ra – đây là một ví dụ điển hình cho thấy cách thức mà quá trình làm giàu có thể gây ra một mối đe dọa hiện hữu.

Thứ hai, một vấn đề nữa có liên quan phần nào là sự mất đa dạng sinh học. Ngày nay, tỷ lệ tuyệt chủng của các loài ước tính cao gấp 100 đến 1000 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp, dẫu vậy nhận thức của chúng ta về các hiểm hoạ xuất phát từ sự bất ổn cực đoan của thiên nhiên vẫn còn rất hạn chế.

Mối hiểm hoạ toàn cầu thứ ba là chiến tranh hạt nhân. Việc chia tách nguyên tử chứng minh cho khả năng làm chủ thiên nhiên lẫn khả năng sử dụng khoa học và công nghệ sai mục đích của chúng ta. Mặc dù công nghệ hạt nhân có nhiều ứng dụng vì mục đích hòa bình (và có thể có vai trò ngắn hạn trong việc giải quyết biến đổi khí hậu), hệ quả quan trọng nhất của nó là mở đầu một kỷ nguyên hủy diệt lẫn nhau. Cũng giống với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng mức những rủi ro mà công nghệ hạt nhân gây ra cho nhân loại; trên thực tế, các quốc gia có kho vũ khí hạt nhân hiện đang tái xây dựng và mở rộng chúng.

Rủi ro lớn thứ tư là trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dẫn đến những công nghệ mà chúng ta không thể kiểm soát. Ngoài nguy cơ các thuật toán siêu thông minh quét sạch loài người, AI còn có khả năng được triển khai như một công cụ giám sát và đàn áp, mở đường cho một loại chế độ nô dịch mới. Và các chính phủ đã và đang phát triển AI và những vũ khí tự động có thể được sử dụng cho mọi mục đích bất chính, đặc biệt nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu.

Mặc dù không ai có thể phủ nhận những rủi ro này, nhưng bản năng đầu tiên của hầu hết mọi người là gạt bỏ phần lớn khả năng xảy ra một kịch bản thảm khốc. Nhưng điều này thật sai lầm. Trong thế kỷ 20, thế giới đã nhiều lần tiến gần đến chiến tranh hạt nhân. Hiện nay chúng ta cho rằng mức độ rủi ro không cao như tưởng tượng, chính bởi chúng ta đã may mắn không phải chứng kiến trận chiến hạt nhân thực sự nào trong quá khứ.

Nhưng hãy thử xem xét một kịch bản đối chứng. Chúng ta hiện sẽ ở đâu nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực không bị ngăn chặn bởi Phó Đô đốc Vasili Alexandrovich Arkhipov, người duy nhất đề nghị kiềm chế trong đỉnh điểm của Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, khi các chỉ huy khác trên tàu ngâm hạt nhân Liên Xô B-59 đều nhầm tưởng họ đang bị Mỹ tấn công? Chắc chắn chúng ta sẽ không đọc được những cuốn sách cho rằng bạo lực đang ngày càng suy giảm.

Mặt khác, những người nhận ra những nguy hiểm do biến đổi khí hậu và AI thường hay vội vã kết luận rằng chính tăng trưởng kinh tế mới là vấn đề. Họ cho rằng việc giảm phát thải, bảo tồn thiên nhiên và ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ đòi hỏi phải giảm tốc hoặc đảo ngược sản xuất, đầu tư và đổi mới.

Nhưng từ bỏ tăng trưởng và tiến bộ công nghệ là không thực tế và cũng không được khuyến khích. Thế giới vẫn còn một chặng đường dài để chấm dứt nghèo đói, và điều mà người dân ở cả các nước giàu và nghèo cần nhất lúc này là những công việc tốt, tận dụng công nghệ vì lợi ích của chính người lao động. Nếu chúng ta không thể đảm bảo được tăng trưởng thu nhập và việc làm thì Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ không phải là những kẻ mị dân cánh hữu cuối cùng đe dọa sự tồn tại của các nền dân chủ.

Lựa chọn có trách nhiệm duy nhất là kiến thiết một chiến lược tăng trưởng mới chú trọng vào các hình thức đổi mới công nghệ cần thiết để giải quyết các mối đe dọa toàn cầu. Mục tiêu phải là tạo ra một môi trường pháp lý khuyến khích các công ty và doanh nhân phát triển các công nghệ mà chúng ta thực sự cần, thay vì những công nghệ chỉ đơn thuần là tăng lợi nhuận và thị phần cho một số ít. Và dĩ nhiên, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào sự thịnh vượng chung, để không lặp lại sai lầm của bốn thập kỷ qua, khi sự tăng trưởng trở nên tách biệt khỏi trải nghiệm sống của hầu hết mọi người (ít nhất là trong thế giới Anglo-Saxon).

Mặc dù thành tích trong chống biến đổi khí hậu còn khiêm tốn, song chúng ta có thể đón nhận thực tế rằng các dạng năng lượng tái tạo từng bị coi là tốn kém hiện đang cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã không xảy ra vì chúng ta đã quay lưng lại với công nghệ. Thay vào đó, nó là kết quả của những tiến bộ công nghệ do nền kinh tế thị trường có điều tiết mang lại, tại đó các doanh nghiệp thay đổi để thích ứng với chính sách định giá carbon (đặc biệt là ở châu Âu), trợ cấp và yêu cầu của người tiêu dùng. Cách thức tương tự có thể chống lại những thảm hoạ khác. Nhưng bước đầu tiên là phải thừa nhận những rủi ro này là có thật. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bắt tay vào công việc xây dựng các thể chế tốt hơn và trao quyền lại cho nhà nước để định hình kết quả thị trường đồng thời lưu tâm đến lợi ích chung của nhân loại.

Nguồn: Daron Acemoglu, Minding the Perils of Progress, Project Syndicate, 5/8/2020

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh