![[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_12.1_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 1)
Chưa có nước phi dân chủ nào giàu có và thành công bằng Singapore. Khi giành được độc lập từ tay Malaysia vào 1965, Singapore là một nước nghèo, bất ổn định về sắc tộc và là quốc gia-thành phố dễ bị tổn thương về mặt chiến lược, chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ nằm giữa Malaysia và Indonesia mà thôi. Kề từ đó, nước này là một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế bền vững và cao nhất, có dự trữ ngoại tệ trên đầu người cao nhất thế giới. Đây là một trong 25 quốc gia giàu nhất, một trong những nước có học nhất và được quản lý hiệu quả nhất, và theo quan điểm của cộng đồng doanh nhân quốc tế thì cũng là nước ít tham nhũng nhất mà không cần chế độ dân chủ.Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006, Đảng Nhân dân Hành động (PAP) đang cầm quyền nhận được 82 trong số 84 ghế.Thực tế, từ ngày giành được độc lập, trong mọi cuộc bầu cử PAP đều giành được ít nhất là 95% số ghế trong quốc hội.
Các nhà lãnh đạo Singapore, bắt đầu từ người sáng lập đất nước này, thủ tướng Lý Quang Diệu, đã và đang vẫn nói rằng PAP giữ được địa vị thống trị là do người dân đánh giá cao thành tích quản trị của nó. Có một phần sự thật trong đánh giá đó. Trong suốt bốn thập kỉ, đảng này đã tạo dựng được hệ thống cai trị độc tài tinh tế làm cho Singapore có diện mạo của một quốc gia công nghiệp tiên tiến. Lý [Quang Diệu], một người được nhân dân kính trọng, đang làm “cố vấn cấp cao” cho vị thủ tướng đương nhiệm, và cũng là con trai ông. Các cuộc bầu cử – bị các đảng đối lập không thừa nhận – được tổ chức theo định kì nhưng không thấy có bằng chứng về gian lận. Đất nước này đã trở thành địa chỉ thường trực của các cuộc hội nghị quốc tế, ví dụ như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF (năm 2006) và Hiệp hội Luật sư Quốc tế (International Bar Association – năm 2007). Một nhà phê bình nổi tiếng cho rằng, bí mật của sự ổn cố của chế độ là nó luôn “cởi mở và liên kết với cơ sở quần chúng mà nó luôn có trách nhiệm cao, với các tầng lớp ăn trên ngối trốc mà nó tìm mọi cách để thu phục, và với các lực lượng kinh tế toàn cầu bằng những chính sách hài hòa.”
Tuy nhiên, đằng sau mặt tiền đầy ấn tượng đó, nhà nước nhanh chóng đàn áp những kẻ thách thức và buộc giới ăn trên ngồi trốc bấp bênh của họ vào kỉ luật. Đàn áp thường có tính lựa chọn cao, được che dấu và mục tiêu được lựa chọn cẩn thận – đấy là điều mà nhà nghiên cứu và cũng là nhà báo Singapore, Cherian George, gọi là áp bức đã được hiệu chỉnh– và do đó làm cho công luận không chú ý tới và quốc tế cũng không biết.Tù nhân chính trị theo nghĩa cổ điển của từ này là hiện tượng hiếm có. Phổ biến hơn là cơ hội nghề nghiệp bị chặn đứng, các vụ kiện tụng, và thậm chí có một số cáo buộc là bị đưa vào bệnh viện tâm thần. “Họ đưa người ta vào bệnh viện tâm thần”, một nhà quan sát nước ngoài từng sống ở Singapore vài năm, nói như thế. “Một người bị phát hiện đang viết lên tường HDB [Hội đồng Phát triển Nhà ở] báo chữ to nói xấu Lý Quang Diệu đã bị đưa đi.” Với quyền lực êm ái nhưng không hề lay chuyển như thế, Singapore đã trở thành một mô hình dân chủ giả hiệu để cho các nhà độc tài trên khắp thế giới bắt chước.
Không phải ngẫu nhiên mà năm trong sáu cuộc bầu cử vừa qua, PAP đều giành được hầu như tất cả ghế đại biểu quốc hội, với chỉ khoảng hai phần ba phiếu bầu. Thông qua những công ty có liên hệ với chính phủ, chế độ này kiểm soát tất cả các đài truyền hình và gần như tất cả các đài phát thanh; “hai công ty nắm được tất cả các tờ báo trong thành phố-quốc gia này: một do chính phủ kiểm soát còn công ty kia thì có quan hệ gần gũi với chính phủ.” Cấm chiếu phim chính trị và trong cuộc bầu cử năm 2006, “đảng chính trị không được đưa cương lĩnh chính trị bằng video lên Internet” hoặc gửi nhiều e-mail một lúc và do đó củng cố thế thượng phong về truyền thông của PAP. Có những lo lắng (vô căn cứ nhưng vẫn có thể gây hậu quả) rằng phiếu – bầu cử là nghĩa vụ đối với tất cả cử tri đủ điều kiện – không phải là bí mật bởi vì mỗi phiếu đều có số. Ranh giới khu vực bầu cử thường chỉ được phân định ngay sát ngày bầu cử, và phần lớn là “các nhóm đại diện cử tri” trao tất cả sáu ghế của khu vực bầu cử cho đảng giành được đa số phiếu. Chính phủ luôn luôn khẳng định rằng các khu vực có nhiều đại biểu là để bảo đảm sự cân bằng về chủng tộc, vì danh sách ứng cử viên phải có ít nhất người dân tộc thiểu số như Malay hay Ấn Độ, nhưng các khu vực bầu cử cũng thường thổi phồng tính chất “thắng ăn cả” (đảng giành được đa số được tất cả số ghế đại biểu trong khu vực – ND) của cuộc bầu cử. Hơn nữa, đa số ghế ở ba trong bốn cuộc bầu cử gần đây nhất không có người cạnh tranh vì các ứng viên phải kí quỹ một khoản tiền lớn, họ lại không được tiếp cận với các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc bị đe dọa tẩy chay và khánh kiệt về tài chính.
Ba chính trị gia đối lập thẳng thắn, J. B. Jeyaretnam, Tang Liang Hong và Chee Soon Juan đã bị phá sản vì những vụ kiện tụng do những kẻ ăn trên ngồi trốc của PAP gây ra, họ tuyên bố rằng ba người này đã phỉ báng chính phủ Singapore cũng như cá nhân họ. Những người bị phá sản không được quyền vào quốc hội; điều khoản này đã buộc Jeyaretnam phải bỏ tư cách đại biểu, còn Chee thì không tiến hành những cuộc vận động tranh cử trong tương lai nữa. Họ cũng có thể bị cấm không được đi nước ngoài du lịch, năm 2006 Chee đã không được đi khi ông tìm cách tham gia hội nghị của Phong trào Dân chủ Thế giới ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kì. Sau cuộc bầu cử năm 1997, Tang phải ra nước ngoài sống lưu vong vì ông bị các bộ trưởng và các nghị sĩ của PAP kiện vì tội phỉ báng, sau khi ông gọi họ là những kẻ nói dối vì đã nói rằng ông là phần tử nguy hiểm, phần tử bài Kitô giáo và có tinh thần sô vanh đại Hán.
Nhưng Chee – một chuyên gia về các vấn đề sinh lý – não và tâm trí – đã kết thúc sự nghiệp ngay khi mới bước vào tuổi ba mươi vì chính quyền tìm cách đuổi ông ra khỏi Đại học Quốc gia Singapore – vẫn không chịu khuất phục. Mỗi lần bị bắt vì diễn thuyết trước công chúng mà chưa xin phép hoặc phân phối báo chí của đảng là ông lại bị giam giữ lâu hơn, trong những điều kiện tồi tệ – sau những phiên tòa (theo mô tả của ông) ngày càng khắc nghiệt và thiên vị hơn. “Tôi đã bị phá sản rồi”, ông nói với tôi trong căn hộ trên tầng hai ngôi nhà không có thang máy được dùng làm trụ sở đảng của ông. “Tôi không biết làm sao họ có thể làm cho tôi phá sản thêm lần nữa. Mỗi lần họ tìm cách chống lại tôi thì tôi lại càng quyết tâm hơn.” Tương tự như những người phê phán khác, Chee đã làm Lý [Quang Diệu] bực mình. Một nhà quan sát sắc sảo ở Singapore giải thích rằng Chee “là loại người mà họ rất muốn tuyển dụng. Anh ta là người ăn nói lưu loát và tập trung vào những vấn đề mà họ khó cãi, ví dụ như chênh lệch về thu nhập.” Ngoài ra, Chee trực tiếp thách thức hình ảnh về sự trung thực và cởi mở của chính phủ – vốn được nhiều người đánh giá cao – thúc đẩy người Singapore đứng lên phản đối những hạn chế về hội họp và phát biểu ở chỗ công cộng.
Đối với Lý Quang Diệu, người đã thắng nhiều vụ kiện vì tội phỉ báng mà bị đơn là Chee và Jeyaretnam, thế là quá đủ rồi. “Anh ta là một kẻ cơ hội. Anh ta là thằng điên”, năm 2006 ông “cố vấn cấp cao” đã nói với tôi như thế. “Nếu anh ta điên, tại sao còn mất thì giờ với anh ta làm gì”, tôi hỏi. Vì, Lý [Quang Diệu] nói, “Đây không phải là kiểu đối lập mà chúng tôi muốn khuyến khích”. Nhưng trong buổi nói chuyện tôi đã hiểu ra rằng có một chuyện gì đó quan trọng hơn, đấy là cách Chee liên tục tấn công vào đạo đức của chế độ trong việc quản lý công quỹ. Chee so sánh chế độ với Quỹ Thận Quốc gia – một tổ chức từ thiện, năm 2005 đã bị dính vào một vụ bê bối vì thiếu minh bạch và sử dụng sai những khoản quyên góp được. Nhắc đến những cáo buộc, Lý [Quang Diệu] bối rối nói: “Anh ta là người dối trá .... Chúng tôi bảo vệ uy tín của mình, những người liêm khiết, một cách quyết liệt. Có gì sai trong chuyện đó?”. Với giọng dịu dàng Lý [Quang Diệu] nhắc lại những ngày PAP đánh tan cả phái hữu lẫn cộng sản hồi giữa những năm 1960, “khi chúng tôi gặp phe đối lập hành xử như thế”. Ông tiếp tục: “Nếu anh hành xử như phe đối lập hạng nhất thì chúng tôi sẽ xứ lí anh như thế. Anh tìm cách phá hủy hệ thống, chúng tôi sẽ phản ứng tương tự.”
Quan điểm mang tính bảo hộ của Lý [Quang Diệu] đối với hệ thống cho thấy bản chất của chế độ ở Singapore: Sự gắn bó mang tính cận huyết giữa đảng và nhà nước, và nhà nước thâm nhập vào hầu như mọi ngõ ngách của xã hội. Mặc dù Singapore được ca ngợi như là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới, trên thực tế, những công ty có quan hệ với chính phủ kiểm soát phần lớn nền kinh tế nước này. Liên hiệp Công đoàn Toàn quốc (hầu như tất cả các công đoàn đều là thành viên của Liên hiệp) do một bộ trưởng làm chủ tịch. Mặc dù hầu hết người Singapore có căn hộ riêng, họ được nhà nước giúp đỡ những khoản tiền lớn khi mua nhà và đấy là cách tạo ra sự phụ thuộc khá hiệu quả về mặt chính trị của quần chúng. Những cử tri ủng hộ đảng cầm quyền trong giai đoạn bầu cử là tự thưởng cho mình vì “được nâng cấp về nhà ở”. Xã hội dân sự bị chèn ép và ngăn chặn. Thậm chí một số nhà phê bình đảng cầm quyền còn công nhận rằng tư tưởng cộng đồng của đảng này phù hợp với văn hóa Nho giáo đang giữ thế thượng phong, trong khi khả năng phản ứng của nó trước nhu cầu của xã hội tạo cho nó tính chính danh và tiếp tục nắm quyền.Kết quả là, “PAP không có mặt ở đâu, nhưng PAP hiện diện khắp nơi.” Đảng chính là hệ thống.
Trong nhiều khía cạnh, Singapore là bộ mặt của sự ngoại lệ mang tên châu Á, người biện hộ đầy tự tin và kiên trì nhất cho con đường phát triển khác với con đường của chế độ dân chủ tự do của “phương Tây”. Những hiện tượng sẽ xảy ra ở Singapore trong những năm sắp tới, khi ban lãnh đạo thời lập quốc rời khỏi vũ đài sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ – vượt ra khỏi quy mô của đất nước này – đối với tương lai của chế độ dân chủ ở châu Á. Sự ổn định về chính trị của Singapore có thể là tín hiệu về chế độ tư bản-độc tài đầy sức sống ở Trung Quốc, Việt Nam, và những nước khác ở châu Á. Tuy nhiên, sự ra đi vĩnh viễn của thế hệ lập quốc của Singapore đã và đang làm cho ngày càng nhiều người ngờ rằng chế độ độc tài khó có thể tồn tại được.
Và xuất hiện một câu hỏi lớn: Thành công trong quá trình phát triển của chế độ dân chủ giả hiệu ở quốc gia-thành phố nhỏ tí có thể tạo ra mô hình cho chế độ độc tài lớn nhất thế giới là nước Trung Quốc hay không?
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)