[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần 1)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần 1)

KINH TẾ HỌC VỀ RIO GRANDE

THÀNH PHỐ NOGALES bị chia cắt bởi một bờ rào. Nếu bạn đứng bên bờ rào ấy và nhìn về phương bắc, bạn sẽ thấy Nogales của bang Arizona thuộc địa phận hạt Santa Cruz. Thu nhập của một hộ gia đình bình quân ở đó vào khoảng 30 nghìn USD một năm. Hầu hết các thanh thiếu niên đều đến trường, và đa số người trưởng thành đều tốt nghiệp trung học phổ thông. Bất chấp mọi ý kiến về sự bất cập của hệ thống y tế Hoa Kỳ, dân chúng ở đây tương đối khỏe mạnh và có tuổi thọ cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nhiều người sống trên 65 tuổi và được tiếp cận với hệ thống bảo hiểm y tế Medicare. Đó mới chỉ là một trong nhiều dịch vụ được chính phủ cung cấp mà hầu hết mọi người xem là đương nhiên, như điện, điện thoại, hệ thống thoát nước, y tế công cộng, mạng lưới đường sá kết nối họ với các thành phố khác trong khu vực và phần còn lại của Hoa Kỳ, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, luật pháp và trật tự trị an. Người dân Nogales bang Arizona có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày mà không lo sợ về tính mạng hay an ninh và không e ngại về trộm cắp, tước đoạt hay những thứ khác có thể đe dọa việc đầu tư vào kinh doanh và nhà ở của họ. Quan trọng không kém, người dân Nogales bang Arizona đương nhiên cho rằng, với toàn bộ tính chất phi hiệu quả và tham nhũng đôi khi vẫn có, chính phủ là đại diện của họ. Họ có thể bỏ phiếu thay thế thị trưởng, các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ; họ đi bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống để xác định ai sẽ lãnh đạo đất nước. Nền dân chủ đã trở thành bản tính bẩm sinh của họ.

Đời sống ở phía nam bờ rào, tuy chỉ cách vài bước chân nhưng rất khác biệt. Mặc dù Nogales thuộc bang Sorona là một khu vực tương đối trù phú của Mexico, thu nhập hộ gia đình bình quân ở đây chỉ vào khoảng 1/3 so với Nogales thuộc bang Arizona. Hầu hết người trưởng thành ở Nogales bang Sorona không có bằng trung học phổ thông, và nhiều thanh thiếu niên không đến trường. Các bà mẹ phải lo lắng về tỷ lệ tử vong sơ sinh cao. Điều kiện y tế công cộng yếu kém có nghĩa là sẽ không ngạc nhiên khi thấy người dân Nogales bang Sorona không thọ như những người láng giềng phương bắc. Họ cũng không được tiếp cận nhiều tiện ích công cộng. Đường sá xuống cấp ở phía nam bờ rào. Luật pháp và trật tự lại còn tệ hơn. Tỷ lệ tội phạm cao, và thành lập doanh nghiệp là một hoạt động đầy rủi ro. Chẳng những bạn có nguy cơ bị cướp bóc, mà việc xin đủ các loại giấy phép và hối lộ đủ mọi cấp chỉ để thành lập doanh nghiệp không thôi đã là một nỗ lực chẳng dễ dàng. Người dân Nogales bang Sorona mỗi ngày phải sống với các chính khách tham nhũng và kém năng lực.

Trái với những người láng giềng phương bắc, nền dân chủ là một trải nghiệm mới đối với họ. Mãi đến những cuộc cải cách chính trị năm 2000, Nogales bang Sorona, cũng như phần còn lại của Mexico, vẫn chịu sự kiểm soát đầy tham nhũng của đảng Cách mạng thể chế (PRI).

Làm thế nào hai nửa của một vùng đất mà thực chất là cùng một thành phố lại có thể khác nhau đến thế? Chẳng có sự khác biệt gì về địa lý, khí hậu, hay các loại bệnh tật phổ biến trong vùng, vì không có gì ngăn cản mầm bệnh không qua lại giữa Hoa Kỳ và Mexico. Lẽ dĩ nhiên, điều kiện y tế rất khác nhau, nhưng điều này không liên quan gì đến môi trường bệnh tật; đó là vì người dân phía nam biên giới sống với điều kiện vệ sinh yếu kém và thiếu sự chăm sóc y tế tươm tất.

Nhưng biết đâu dân chúng rất khác nhau. Có thể nào người dân Nogales bang Arizona là con cháu của dân di cư từ châu Âu, trong khi người dân phía nam là hậu duệ của những người Aztec? Không phải vậy. Nguồn gốc của người dân ở hai bên biên giới khá giống nhau. Sau khi Mexico giành được độc lập từ Tây Ban Nha vào năm 1821, vùng đất xung quanh “Los dos Nogales” trở thành một phần của bang Vierja California thuộc Mexico và điều này được giữ nguyên ngay cả sau cuộc chiến tranh Mexico - Mỹ năm 1846-1848. Quả thật, mãi đến sau khi nước Mỹ mua đất của Mexico trong doanh vụ Gadsden Purchase năm 1853 thì biên giới Hoa Kỳ mới mở rộng đến vùng này. Chính viên trung úy N. Michler trong khi khảo sát biên giới đã lưu ý sự tồn tại của “thung lũng Los Nogales nho nhỏ”. Ở đây, ở hai bên biên giới, hai thành phố đã mọc lên. Người dân Nogales bang Arizona (Hoa Kỳ) và Nogales bang Sonora (Mexico) có chung tổ tiên, tận hưởng thực phẩm và âm nhạc như nhau, và ta sẽ mạnh dạn nói rằng, họ có cùng “văn hóa”.

Lẽ dĩ nhiên, có một cách giải thích hết sức đơn giản và hiển nhiên về sự khác biệt giữa hai nửa của Nogales mà bạn có thể dự đoán từ nãy đến giờ: chính là do đường biên giới phân chia hai vùng đất này. Nogales bang Arizona thuộc về Hoa Kỳ. Người dân nơi đây được tiếp cận với các thể chế kinh tế của nước Mỹ, cho phép họ tự do chọn lựa nghề nghiệp, hấp thu nền giáo dục và các kỹ năng, và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tốt nhất, nhờ vậy có tiền lương cao hơn. Họ cũng được tiếp cận các thể chế chính trị cho phép họ tham gia vào quá trình dân chủ bầu chọn người đại diện, và thay thế những người đại diện có hành vi sai trái. Đổi lại, các chính khách cung ứng những dịch vụ cơ bản (từ y tế công cộng cho đến đường sá, luật pháp và an ninh trật tự) mà người dân yêu cầu. Người dân Nogales bang Sorona không được may mắn như thế. Họ sống trong một thế giới khác được xác lập bởi những thể chế khác. Các thể chế khác nhau này tạo ra những động cơ hết sức khác nhau đối với người dân ở hai thành phố Nogales cũng như các nghiệp chủ và các nhà kinh doanh muốn đầu tư ở đó. Các động cơ hình thành bởi các thể chế khác nhau của hai thành phố Nogales và hai đất nước chính là lý do chủ yếu của những khác biệt về thịnh vượng kinh tế ở hai bên biên giới.

Tại sao các thể chế của Hoa Kỳ lại thuận lợi cho thành công kinh tế hơn hẳn so với các thể chế của Mexico hay phần còn lại của châu Mỹ La-tinh? Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở cách thức các xã hội khác nhau hình thành trong thời kỳ thuộc địa trước đây. Khi ấy, sự phân hóa về thể chế đã xảy ra với những hệ quả và tác động kéo dài cho đến tận ngày nay. Để tìm hiểu sự phân hóa này, ta phải bắt đầu ngay từ khi thành lập các thuộc địa ở Bắc Mỹ và châu Mỹ La-tinh.

SỰ RA ĐỜI CỦA BUENOS AIRES

Vào đầu năm 1516, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Juan Díaz de Solís giong buồm đến cửa sông phía bờ đông Nam Mỹ. Lội vào bờ, de Solís xác lập vùng đất này thuộc về Tây Ban Nha, đặt tên con sông là Río de la Plata, “Dòng sông bạc” là do người dân địa phương sở hữu nhiều bạc. Các thổ dân địa phương phía bên kia cửa sông - người Charrúas ở nơi mà hiện nay là đất nước Uruguay, và người Querandí ở vùng đồng bằng về sau được gọi là người Pampas ở đất nước Argentina hiện đại - tỏ thái độ thù địch với những người mới đến. Thổ dân địa phương vốn là những người săn bắn hái lượm sống thành từng nhóm nhỏ mà không có người nắm quyền chính trị tập trung. Thực tế là, chính một nhóm người Charrúas đã đánh de Solís bằng gậy cho đến chết khi ông thám hiểm lãnh địa mới mà ông ra sức chiếm về cho Tây Ban Nha.

Năm 1534, vẫn đầy lạc quan, người Tây Ban Nha đưa một nhóm di dân đầu tiên từ Tây Ban Nha đến dưới sự lãnh đạo của Pedro de Mendoza. Họ thành lập một thành phố nhỏ trên vùng đất thuộc Buenos Aires trong cùng năm đó. Nơi ấy lẽ ra là một miền đất lý tưởng cho người châu Âu. Buenos Aires, hiểu sát nghĩa là “không khí trong lành”, là nơi có khí hậu ôn hòa dễ chịu. Thế nhưng thời gian lưu lại nơi đây của những người Tây Ban Nha đầu tiên thật là ngắn ngủi. Họ không đến để tìm kiếm khí hậu trong lành, mà để khai thác tài nguyên và cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, thổ dân Charrúas và Querandí không gia ơn cho họ. Người dân bản xứ từ chối cung cấp lương thực cho người Tây Ban Nha và không chịu làm việc khi bị bắt. Họ tấn công những người mới định cư bằng cung tên. Người Tây Ban Nha đói khát, vì họ không dự trù sẽ phải tự cung cấp lương thực cho mình. Buenos Aires không phải như những gì họ hằng mơ tưởng. Họ không thể ép buộc thổ dân cung ứng sức lao động. Nơi đây không có vàng hay bạc để khai thác, và bạc mà de Solís nhìn thấy thật ra đến từ mọi ngõ ngách từ nhà nước Inca ở vùng núi Andes, xa mãi về phía tây.

Người Tây Ban Nha, trong lúc vật lộn để sống còn, cũng bắt đầu tổ chức những đoàn người thám hiểm nhằm tìm một vùng đất mới có thể mang lại tài nguyên phong phú hơn và người dân dễ chế ngự hơn. Năm 1537, một trong những đoàn thám hiểm này, dưới sự lãnh đạo của Juan de Ayolas, thâm nhập ngược lên thượng nguồn sông Paraná, tìm một lộ trình đến vùng đất của những người Inca. Trên đường đi, họ gặp thổ dân Guaraní với cuộc sống định cư tĩnh tại và một nền kinh tế nông nghiệp dựa vào ngô và sắn. De Ayolas ngay lập tức nhận ra rằng Guaraní là một cơ hội hoàn toàn khác so với người Charrúas và Querandí. Sau những xung đột ngắn ngủi, người Tây Ban Nha khống chế sự chống đối của thổ dân Guaraní và thành lập một thành phố nhỏ, Nuestra Señora de Santa María de la Asunción, mà ngày nay vẫn là thủ đô của Paraguay. Những người đi chinh phục kết hôn cùng các công nương Guaraní và nhanh chóng ổn định cuộc sống như một tầng lớp quý tộc mới. Họ điều chỉnh các hệ thống lao động cưỡng bức và cống nạp hiện hữu của Guaraní trong đó chính bản thân họ nắm quyền chỉ huy. Đây là một kiểu thuộc địa mà họ muốn thiết lập, và trong vòng bốn năm, Buenos Aires bị bỏ rơi khi toàn bộ người Tây Ban Nha từng định cư ở đó bỏ đến thành phố mới.

Mãi cho đến năm 1580, Buenos Aires, “Paris của Nam Mỹ”, một thành phố với các đại lộ rộng lớn theo kiểu châu Âu dựa vào tài sản nông nghiệp trù phú của người Pampas, mới được hình thành và có người định cư trở lại. Việc từ bỏ Buenos Aires và sự chinh phục thổ dân Guaraní phơi bày lôgic thuộc địa hóa châu Mỹ của người châu Âu. Những người Tây Ban Nha đầu tiên, và như ta sẽ thấy, cả thực dân Anh sau này, đều không hề quan tâm đến việc tự mình cày bừa trên mảnh đất ấy; họ muốn những người khác làm điều đó cho họ, còn họ chỉ muốn cướp bóc của cải, bạc vàng.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012) 

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh