[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 7)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 7)

ĐÂU LÀ NHỮNG CƠ MAY TRƯỜNG TỒN CỦA LIÊN BANG HOA KÌ? NHỮNG NGUY CƠ NÀO ĐE DOẠ NÓ? (3/4)

Chúng ta đã biết là chế độ nô lệ đã bị xoá bỏ ở miền Bắc, song nó vẫn còn tồn tại ở miền Nam, và tôi đã chỉ ra cái ảnh hưởng tai hoạ của nó đối với ấm no hạnh phúc của bản thân người chủ nô lệ.

Miền Bắc như vậy là phải giỏi giao thương và giỏi công nghiệp hơn miền Nam. Điều tự nhiên là dân cư và tài phú ở đó gia tăng nhanh hơn.

Những bang nằm trên bờ Đại Tây Dương đều đã có một nửa số người đến ở. Ở đây phần lớn đất đai đều có chủ. Vậy là vùng này không thể nhận số lượng di dân tương tự như các bang miền Tây là nơi vãn còn đất đến vô tận cho ngành công nghiệp. Vùng lưu vực sông Mississippi phì nhiêu vô cùng so với vùng đất bên bờ Đại Tây Dương. Lí do này, cộng thêm với mọi lí do khác nữa, đã khiến cho người châu Âu mạnh dạn đổ xô về miền Tây. Điều này được chứng minh mạnh mẽ bằng những con số.

Nếu nhìn chung toàn bộ Hoa Kì, ta thấy rằng kể từ bốn chục năm qua, số dân ở đây đã tăng gần gấp ba lần. Nhưng nếu chỉ nhìn riêng vùng lưu vực sông Mississippi, ta thấy rằng, trong cùng thời gian đó, dân cư ở đây cao lên gấp ba mươi mốt lần.

Mỗi ngày lại chứng kiến trung tâm sức mạnh của liên bang dịch chuyển đi một bước. Bốn mươi năm trước, đa số công dân Liên bang còn ở bên bờ Đại Tây Dương, quanh quẩn vùng bây giờ xây dựng lên thành phố Washington. Bây giờ, những con người đó nằm sâu hơn nhiều vào vùng nội địa và nhích cao lên miền Bắc. Chẳng còn hồ nghi gì nữa, chỉ chừng hai mươi năm nữa thôi, họ sẽ dịch qua bên kia dãy núi Alléghanys. Một khi Liên bang vẫn tồn tại, lưu vực sông Mississippi, do độ phì nhiêu và độ rộng lớn của nó, tất yếu sẽ trở thành trung tâm thường trực của sức mạnh liên bang. Trong vòng ba mươi hoặc bốn mươi năm, lưu vực sông Mississippi sẽ trở lại thế phát triển bình thường. Dễ tính toán thấy là khi đó dân số vùng này so với dân số các vùng bên bờ Đại Tây Dương sẽ theo tỉ lệ 40 so với 11 hoặc gần gần như thế. Chỉ vài năm nữa thôi, việc điều hành công việc Liên bang sẽ tuột hoàn toàn khỏi tay các bang đã lập nên liên bang này, và dân số các vùng thung lũng sông Mississippi sẽ thống trị tại các hội đồng liên bang.

Cứ mười năm một lần lại thấy cái lực hấp dẫn thường xuyên này hút các thế lực và ảnh hưởng của Liên bang về miền Tây Bắc, và sau khi tổng kiểm kê dân số thì người ta phải ấn định lại số lượng đại biểu của từng bang tại Hạ viện.

Năm 1790, bang Virginia có mười chín đại biểu tại Hạ viện. Số lượng đó tiếp tục tăng cho tới năm 1813 là hai mươi ba. Kể từ thời kì đó, nó bắt đầu giảm. Đến năm 1833 nó chỉ còn là hai mươi mốt. Cũng trong thời kì đó, bang New York phát triển theo một hướng ngược lại: năm 1790 nó có mười đại biểu ở Hạ viện; năm 1813, hai mươi bảy; năm 1823, ba mươi tư; năm 1833, bốn mươi. Bang Ohio chỉ có một đại biểu vào năm 1803; năm 1833 có mười chín vị.

Khó mà quan niệm có được một liên bang lâu bền giữa hai quốc gia mà một anh thì nghèo và yếu, còn anh kia thì giàu và mạnh, trong khi lại phải chứng minh được là sức mạnh và sự giàu sang của anh này không hề là nguyên nhân sự yếu kém và nghèo khó của anh kia. Còn khó nữa cho Liên bang khi phải duy trì sự lâu bền trong lúc một anh thì mất sức mạnh đi và anh kia thì đang có thêm sức mạnh.

Sự gia tăng nhanh chóng và mất cân đối của một số bang là mối đe doạ tính độc lập của các bang khác. Nếu New York, với hai triệu dân và bốn chục đại biểu ở Hạ viện muốn “làm luật” tại Hạ viện, thì nó có khả năng đó lắm. Nhưng ngay cả khi các bang loại mạnh nhất cũng không tìm cách áp bức các bang yếu hơn, thì nguy cơ vẫn cứ còn đó, bởi vì khả năng tạo ra sự kiện cũng có giá trị gần như chính sự kiện đã được tạo ra.

Kẻ yếu hiếm khi tin vào công lí và lí lẽ của kẻ mạnh. Vì thế, các bang phát triển kém nhanh so với những Bang khác sẽ nhìn những bang đang được số phận ưu ái bằng con mắt nghi ngờ và ganh ghét. Từ đó mà có sự khó chịu sâu xa và mối âu lo mơ hồ tại một bộ phận Liên bang, ngược hẳn lại với sự hạnh phúc và yên tâm ở bộ phận kia. Tôi cho rằng cái thái độ thù địch của miền Nam không có nguyên nhân nào khác thế.

Trong tất cả những người Mĩ, thì người miền Nam phải bám lấy Liên bang hơn cả, vì chính họ sẽ là những người chịu thiệt hơn cả nếu họ bị bỏ mặc. Thế mà chính họ lại là những người duy nhất đe doạ phá vỡ Liên bang. Do đâu mà có chuyện như vậy? Thật dễ hiểu hết sức: miền Nam, là nơi cung cấp bốn đời tổng thống cho Liên bang; ngày nay, miền Nam biết là sức mạnh Liên bang đã tuột khỏi tay họ; miền Nam mỗi năm lại nhìn thấy số lượng đại biểu của mình giảm đi tại Hạ viện và thấy số đại biểu các vùng miền Tây và miền Bắc tăng lên; miền Nam, nơi sinh sống của những con người nhiệt thành và dễ nổi cáu, nó cảm thấy lo âu và bứt rứt là dễ hiểu. Nó đau lòng nhìn lại bản thân; nó tra hỏi quá khứ, và mỗi ngày nó lại tự vấn xem có phải nó bị áp bức không. Thế nên, khi nó thấy một đạo luật nào đó của Liên bang mà lại không có lợi rõ rệt cho nó, nó liền la to lên là người ta lạm dụng sức mạnh chống lại nó; nó nhiệt thành đòi hỏi và một khi nó nói mà không được ai nghe, thì nó nổi giận và đe doạ rút ra khỏi một cái xã hội mà nó có biết bao trách nhiệm song lại chẳng có lợi lộc gì.

Người dân Carolina nói vào năm 1832, “Các đạo luật giá cả làm giàu cho miền Bắc và làm phá sản miền Nam; bởi vì, nếu không có các bộ luật đó, làm sao miền Bắc với khí hậu khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi như vậy, lại có thể gia tăng không ngừng tài phú và quyền hành, trong khi miền Nam, có khác gì cái vườn tốt tươi của nước Mĩ, lại nhanh chóng rơi vào suy thoái?”

Nếu những biến chuyển như tôi vừa mới kể được diễn ra dần dần từng bước, sao cho mỗi thế hệ ít ra cũng có đủ thời gian quen với hệ thống sự vật mới mẻ diễn ra trước mắt mình, như vậy thì mối hiểm nguy sẽ bớt đi. Đằng này, trong bước tiến của xã hội nước Mĩ, mọi chuyện diễn ra cứ vội vội vàng vàng, tôi dám nói chúng diễn ra như thể “cách mạng” vậy. Cùng một công dân được chứng kiến bang của mình dẫn đầu Liên bang thì ngay sau đó đã trở thành kẻ bất lực tại các hội đồng Liên bang. Có nước cộng hoà của người Mĩ gốc Anh cứ lớn như thổi, chỉ ba chục năm là từ đứa sơ sinh đã thành kẻ trưởng thành.

Song ta chớ nên hình dung là các bang bị yếu thế thì dân số sẽ vãn đi hoặc tàn lụi đi. Cảnh thịnh vượng của họ không hề ngừng lại. Họ lớn mạnh lên thậm chí còn nhanh hơn nhiều so với bất kì vương quốc nào ở châu Âu. Nhưng hình như họ nghèo đi, bởi vì họ không giàu lên với tốc độ nhanh như các ông hàng xóm, và các bang này ngỡ rằng mình mất đi thế mạnh bởi vì bỗng dưng họ phải quan hệ với một thế lực mạnh hơn của họ: vấn đề là tình cảm và đam mê của họ bị thương tổn chứ không phải là lợi ích bị tổn thương. Nhưng như vậy đã đủ chưa để Liên bang đứng trước nguy cơ tan vỡ? Nếu như, kể từ khi khai thiên lập địa, trước mắt các quốc gia và các bậc quân vương chỉ có tính thực dụng thôi, thì ta thật khó hình dung được chiến tranh giữa người với người xảy ra như thế nào.

Vậy thì cái mối hiểm nguy lớn nhất đe doạ Hoa Kì lại được sinh ra từ chính sự thịnh vượng của nó. Sự thịnh vượng này có xu thế tạo ra ở nhiều bang trong Liên bang một sự ngây ngất đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng sản nghiệp, và, ở các bang khác thì gia tăng sự ghen tuông, nghi ngại và tiếc nuối thường vẫn diễn ra sau khi mất mát.

Người Mĩ cảm thấy vui mừng khi ngắm nghía cuộc chuyển vần kì lạ kia. Tôi cảm thấy họ sẽ phải nhìn tình hình một cách tiếc rẻ và e ngại. Bất kể họ làm gì, người Mĩ ở Hoa Kì rồi sẽ trở thành một trong những quốc gia lớn nhất thế giới. Con cháu họ sẽ sống khắp vùng Bắc Mĩ. Lục địa họ đang sinh sống là lãnh địa của họ, chẳng sợ gì bị tuột khỏi tay họ cả. Vậy thì cái gì thúc giục họ ngay từ hôm nay lao đi tìm kiếm sở hữu sản nghiệp? Rồi một ngày nào đó, họ sẽ chẳng thiếu gì, cả giàu sang, sức mạnh và vinh quang. Vậy mà họ vẫn lao đi kiếm tìm sản nghiệp hệt như đời họ chỉ còn một lát giây này thôi để mà sở hữu mọi thứ đó.

Nghĩ rằng tôi đã chứng minh được vấn đề là sự sống còn hiện thời của Liên bang Hoa Kì hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhất trí muốn đoàn kết thống nhất của các bang trong liên minh. Và, xuất phát từ dữ kiện này, tôi tìm xem đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng các bang lại muốn tách nhau ra. Với Liên bang thì có hai cách làm nó tan vỡ: một trong những bang nằm trong liên minh có thể muốn rút ra khỏi khế ước và bằng cách đó bẻ gãy một cách tàn bạo mối dây gắn bó. Những nhận xét từ trước đây của tôi đều dính dáng tới trường hợp này. Chính quyền Liên bang có thể bị mất dần sức mạnh do khuynh hướng của các nước cộng hoà thống nhất với nhau đòi lại quyền độc lập của họ. Chính quyền trung ương, lần lượt bị mất đi mọi đặc quyền, trở nên vụng về trong việc hoàn thành mục tiêu, và một sự bất lực ngu xuẩn sẽ làm cho Liên bang có lập đi lập lại thì cũng vẫn tan vỡ.

Vả chăng, sự yếu kém toàn diện của mối dây liên minh mà cuối cùng sẽ dẫn tới sự xoá sổ Liên bang, tự bản thân nó là một sự kiện riêng rẽ đủ sức dẫn tới vô số hệ quả bớt triệt để trước khi tạo ra sự tan vỡ này. Liên bang tuy vẫn đang còn tồn tại song sự yếu kém của chính quyền có thể dẫn dân tộc đến chỗ bất lực, tạo ra nạn vô chính phủ trong nội bộ và làm giảm sự thịnh vượng chung của đất nước.

Sau khi xem xét điều gì khiến cho người Mĩ gốc Anh không đoàn kết được với nhau, vấn đề quan trọng bây giờ là xem xét nếu như Liên bang vẫn tồn tại thì chính quyền Liên bang sẽ mở rộng phạm vi hành động hay là thu hẹp lại, liệu nó cứng rắn hơn lên hay mềm yếu đi.

Hiển nhiên là người Mĩ đang rất lo lắng. Họ nhận thấy tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng tập trung hoá việc thực thi chủ quyền vào một vài con người, và họ lo sợ nghĩ chuyện đó rồi có khả năng xảy ra ở nước mình. Ngay các chính khách cũng cảm nhận được những điều kinh hoàng đó, hoặc ít ra cũng làm ra vẻ thấy. Vì ở nước Mĩ sự tập trung hoá không được mọi người ưa, và ở đây muốn khéo léo lôi kéo được phe đa số thì chỉ có cách lên tiếng phản đối cung cách làm việc có vẻ như lấn sân của chính quyền trung ương. Người Mĩ từ chối nhìn nhận sự thật này: ở những xứ sở đang diễn ra khuynh hướng tập trung hoá khiến họ e sợ, ở đó chỉ có một quốc gia, trong khi Liên bang là một liên minh của nhiều quốc gia khác nhau. Đó là một sự kiện đủ để làm ngáng trở mọi tiên đoán dựa trên phép suy luận tương đồng.

Xin thú thật là tôi coi những e ngại đó của số đông người Mĩ như là chuyện hoang đường. Còn xa tôi mới chia sẻ với họ nỗi lo chủ quyền đang được củng cố trong tay Liên bang, mà tôi lại tin rằng chính quyền Liên bang đang yếu kém đi rõ rệt.

Để chứng minh điều tôi vừa đưa ra, tôi chẳng cần cầu viện tới những sự kiện cũ, mà chỉ cần những sự kiện tôi tận mắt chứng kiến, hoặc những cái đang xảy ra bây giờ.

Khi ta quan sát kĩ lưỡng những gì đang diễn ra ở Hoa Kì, ta dễ dàng nhận thấy sự tồn tại của hai khuynh hướng trái ngược nhau; đó như thể hai dòng nước cùng chảy trong một lòng sông nhưng theo hai hướng ngược nhau.

Trải bốn mươi lăm năm tồn tại của Liên bang, thời gian đã trả lại công lí cho vô vàn định kiến của các địa phương thoạt đầu đi theo hướng chống lại Liên bang. Tình cảm ái quốc gắn bó mỗi con người Mĩ với bang của mình đã trở nên bớt tuyệt đối. Khi hiểu biết lẫn nhau kĩ càng hơn, các bộ phận khác nhau trong Liên bang xích lại gần nhau hơn. Bưu điện, cái mối dây to lớn tinh thần tư tưởng con người, giờ đây thâm nhập vào tận hang cùng ngõ hẻm nơi hoang mạc. Những con tàu chạy bằng hơi nước nối liền hàng ngày tới mọi điểm đỗ. Dòng thương mại ngược xuôi các con sông nội địa với tốc độ chưa từng thấy. Cộng thêm vào những thuận lợi do thiên nhiên và tài khéo con người làm ra đó, ấy là những ham muốn không bao giờ chịu yên vị, tinh thần luôn luôn lo âu, nỗi khát khao giàu có, những thứ không ngừng đẩy người Mĩ ra khỏi ngôi nhà riêng để đưa anh ta giao tiếp với số rất đông công dân đồng bào. Anh ta đi ngang dọc đất nước. Anh ta thăm thú tất cả các cư dân sống trên đất nước ấy. Ta không sao bắt gặp được ở một tỉnh của Pháp cảnh mọi người hiểu biết nhau kĩ càng như ở 13 triệu con người phủ kín bề mặt toàn đất nước Hoa Kì.

Người Mĩ sống lẫn với nhau, và đồng thời họ cũng hoà đồng lẫn nhau. Những khác biệt do khí hậu, nguồn gốc và thiết chế ngăn cách họ giảm bớt đi. Họ càng ngày càng xích lại với nhau hơn thành một kiểu người chung. Mỗi năm, có hàng nghìn người xuất phát từ miền Bắc toả đi khắp các vùng của Liên bang: họ mang theo các tín ngưỡng, các ý tưởng, các tập tục và do chỗ họ thông tuệ hơn những con người họ sẽ đến ở chung, sớm muộn họ cũng chiếm lấy được công việc và thay đổi xã hội có lợi cho họ. Cuộc di dân liên tục này từ Bắc xuống Nam đặc biệt có lợi cho sự hoà trộn mọi tính cách địa phương thành tính cách quốc gia duy nhất. Nền văn minh miền Bắc dường như sinh ra để trở thành thước đo chung để các vùng sẽ cùng ướm cho mình.

Nền công nghiệp của người Mĩ càng tiến bộ lên, lại càng thấy những mối dây liên hệ thương mại được thắt chặt hơn làm cho các bang của Liên bang đoàn kết thống nhất hơn, và sau khi đã có chung tư tưởng thì cũng đoàn kết được cả trong những thói quen nữa. Thời gian trôi đi hoàn tất nốt việc làm tiêu ma vô số điều kinh hoàng trong tưởng tượng từng dày vò những con người thời 1789. Quyền lực Liên bang không hề trở thành chính quyền áp bức một ai; nó chẳng hề thủ tiêu nền độc lập của bất cứ bang nào; nó không dẫn các nước trong Liên bang đến nền quân chủ chuyên chế; trong Liên bang, các bang bé nhỏ không bị rơi vào cảnh phụ thuộc vào những bang lớn. Liên bang tiếp tục lớn mạnh không ngừng về dân số, về tài phú và sức mạnh.

Tôi hoàn toàn tin rằng ngày nay người Mĩ bớt đi nhiều khác biệt tự nhiên để có thể sống đoàn kết hơn hồi năm 1789 nhiều. Liên bang cũng ít kẻ thù hơn hồi đó.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn