![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 4)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 4)
QUY LUẬT SẮT CỦA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ ĐẦU SỎ
Triều đại Solomon ở Ethiopia kéo dài cho đến khi bị lật đổ trong một vụ đảo chính quân sự vào năm 1974. Vụ đảo chính được lãnh đạo bởi một nhóm sĩ quan quân đội Marxist, được gọi là Derg. Chế độ mà Derg lật đổ cứ như được kết đông lại từ một thế kỷ trước đó, một chế độ không phù hợp niên đại lịch sử. Hoàng đế Haile Selassie bắt đầu một ngày cai trị bằng cách ngự giá đến sân triều trong Đại hoàng cung từng được Hoàng đế Menelik II xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Bên ngoài sân triều là đám cận thần chực chờ hoàng thượng giá lâm, cúi rạp người và cố gắng một cách tuyệt vọng để hoàng thượng chú ý. Hoàng thượng sẽ ngồi trên ngai vàng trong ngự phòng. (Selassie là một người nhỏ thó; để cho chân ông không bị lơ lửng trong không trung, phải có một nô tỳ mang đến một chiếc gối đặc biệt bất kỳ khi nào ông muốn chắc chắn có chiếc gối phù hợp để đặt dưới chân. Nô tỳ này có một kho gồm 52 chiếc gối để ứng phó với mọi tình huống.) Selassi chủ trương một hệ thống thể chế chiếm đoạt tuyệt đối và điều hành đất nước như tài sản riêng của ông, ban phát cho những người ưng ý và trung thành, đồng thời trừng phạt tàn khốc những kẻ bất trung. Không có phát triển kinh tế ở Ethiopia dưới thời Solomon.
Thoạt đầu Derg hình thành từ 108 đại diện của các đơn vị quân đội khác nhau trên cả nước. Đại diện của sư đoàn 3 ở tỉnh Harar là một thiếu tá tên Mengistu Haile Mariam. Mặc dù trong tuyên bố ban đầu vào ngày 4/7/1974, các sĩ quan Derg tuyên bố trung thành với hoàng đế, chẳng bao lâu sau họ bắt đầu bắt giữ các thành viên chính phủ, kiểm tra xem điều đó sẽ gây ra sự chống đối đến mức nào. Khi họ trở nên tin chắc rằng sự tung hô dành cho chế độ Selassie chỉ là rỗng tuếch, họ chuyển sang chính hoàng đế, bắt giam ông vào ngày 12/9. Sau đó việc hành quyết bắt đầu. Nhiều chính khách chủ chốt trong chế độ cũ nhanh chóng bị giết. Vào tháng 12, Derg tuyên bố Ethiopia là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Selassie chết, có lẽ là bị ám sát, vào ngày 27/8/1975. Năm 1975, Derg bắt đầu quốc hữu hóa tài sản, bao gồm toàn bộ đất đai nông thôn và thành thị cùng với hầu hết các loại tài sản tư nhân. Các hành vi độc tài ngày càng tăng của chế độ làm dấy lên sự chống đối trên khắp đất nước. Các chính sách của hoàng đế Menelik II, người chiến thắng trong trận chiến Adowa mà chúng ta đã thấy trong chương 8, đã hợp nhất những vùng đất rộng lớn của Ethiopia trong quá trình bành trướng thuộc địa của châu Âu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Những vùng này bao gồm Eritrea và Tigray ở phía bắc và Ogaden ở phía đông. Các phong trào độc lập nhằm phản ứng trước chế độ hà khắc của Derg nổi lên ở Eritrea và Tigray, trong khi quân đội Somalia xâm lăng vùng Ogaden nói tiếng Somalia. Bản thân Derg cũng bắt đầu tan rã và chia rẽ thành các nhóm nhỏ. Thiếu tá Mengistu hóa ra là người tàn nhẫn và mưu mẹo nhất trong số đó. Đến giữa năm 1977, ông đã loại trừ được các đối thủ chính và thực sự giành quyền kiểm soát chế độ, vốn đã được cứu thoát khỏi sự sụp đổ nhờ vào dòng vũ khí và quân đội khổng lồ từ Liên Xô và Cuba vào tháng 11 năm đó.
Năm 1978, nhà nước tổ chức đại lễ quốc gia để kỷ niệm bốn năm ngày lật đổ Haile Selassie. Đến lúc này, Mengistu đã trở thành vị lãnh tụ vô song của Derg. Để làm nơi cư trú mà từ đó ông sẽ cai trị Ethiopia, ông chọn Đại hoàng cung của Selassie, từng bị bỏ trống từ khi chế độ quân chủ bị hủy bỏ. Vào ngày đại lễ, ông ngồi trong một chiếc ghế bành mạ vàng, trông hệt như các vị hoàng đế thời xưa để xem diễu binh. Các chức năng nhà nước giờ đây lại được tổ chức tại Đại hoàng cung, với Mengistu ngự trên ngai vàng cũ của Haile Selassie. Mengistu bắt đầu tự so sánh mình với Hoàng đế Tewodros, người tái lập vương triều Solomon vào giữa thế kỷ 19 sau một thời kỳ suy sụp.
Dawit Wolde Giorgis, một trong các bộ trưởng của ông, nhớ lại trong hồi ký của mình:
Vào lúc bắt đầu cách mạng, tất cả chúng tôi đều nôn nóng bác bỏ mọi thứ liên quan đến quá khứ. Chúng tôi không lái ô-tô hay mặc đồ vét; cà vạt bị xem là tội phạm. Bất kỳ thứ gì làm cho bạn trông có vẻ khá giả hay tư sản, bất kỳ thứ gì bốc mùi giàu có hay tinh tế, đều bị soi mói như một phần của trật tự xã hội cũ. Thế rồi, vào khoảng năm 1978, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Dần dần, chủ nghĩa vật chất bắt đầu được chấp nhận, rồi được đòi hỏi. Đồng phục của tất cả các quan chức chính phủ cao cấp và thành viên Hội đồng bộ trưởng đều là trang phục thiết kế từ những hiệu may châu Âu danh tiếng nhất. Chúng tôi có những thứ tốt nhất: nhà to đẹp nhất, ô-tô sang trọng nhất, rượu uýt-ki, sâm-banh và thực phẩm ngon nhất. Đó là sự đảo ngược hoàn toàn so với lý tưởng cách mạng.
Giorgis cũng mô tả sống động sự thay đổi của Mengistu khi ông trở thành người cai trị duy nhất:
Một Mengistu thực sự lộ rõ: đầy căm thù, thô bạo và độc tài… Nhiều người trong chúng tôi từng đút tay túi quần khi nói chuyện với ông như với một người bằng vai phải lứa, giờ đây chúng tôi phải đứng thẳng một cách trang nghiêm, thận trọng tôn kính sự hiện diện của ông. Khi nói với ông, trước kia chúng tôi luôn sử dụng cách xưng hô thân mật “cậu” (ante); giờ đây chúng tôi phải chuyển sang cách gọi trang trọng “ngài” (ersiwo). Ông chuyển sang một văn phòng xa hoa hoành tráng trong Lâu đài Menelik… Ông bắt đầu sử dụng ô-tô của Hoàng đế… Chúng tôi từng dự định làm một cuộc cách mạng về sự công bằng; giờ đây ông đã trở thành một vị hoàng đế mới.
Mô thức vòng xoáy đi xuống thể hiện qua sự chuyển tiếp từ Haile Selassie sang Mengistu, hay từ các thống sứ thực dân Anh ở Sierra Leone sang Siaka Stevens, có tính chất cực đoan và kỳ lạ đến mức nó xứng đáng có một tên gọi đặc biệt. Như chúng tôi đã đề cập trong chương 4, nhà xã hội học người Đức Robert Michels gọi đó là quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ. Michels lập luận, lôgic nội tại của các thể chế chính trị đầu sỏ, và trên thực tế là của tất cả các tổ chức tôn ti thứ bậc là, chúng sẽ tự tái sinh chẳng những khi cùng một nhóm người cũ nắm giữ quyền lực, mà ngay cả khi một nhóm khác hoàn toàn mới lên cầm quyền. Điều mà Michels không thấy trước có lẽ là sự đồng cảm với nhận xét của Karl Marx rằng lịch sử lặp lại chính nó - lần đầu tiên như một tấn thảm kịch, lần thứ hai như một định mệnh trớ trêu.
Sau khi giành được độc lập, chẳng những nhiều nhà lãnh đạo ở châu Phi đã chuyển đến ở cùng những dinh thự trước đây, sử dụng cùng những mạng lưới bổ nhiệm như cũ, và triển khai cùng những phương thức thao túng thị trường và khai thác nguồn lực như chế độ thuộc địa và các hoàng đế mà họ thay thế; mà họ còn làm cho mọi việc trở nên tệ hại hơn. Quả thật là định mệnh trớ trêu khi Stevens kiên quyết chống thực dân lại trở nên lo lắng kiểm soát cùng một dân tộc Mende mà người Anh từng tìm cách kiểm soát; khi ông cũng dựa vào chính các vị thủ lĩnh mà người Anh từng trao quyền rồi sử dụng họ để kiểm soát vùng nội địa; khi ông điều hành nền kinh tế theo cùng một cách thức như người Anh, chiếm đoạt của các nhà nông thông qua chính các ủy ban vật giá như vậy, và kiểm soát kim cương bằng một thế lực độc quyền tương tự. Quả thật là định mệnh trớ trêu, một định mệnh buồn, khi Laurent Kabila, người huy động quân đội chống lại chế độ độc tài của Mobutu với cam kết giải phóng dân tộc và chấm dứt sự bóp nghẹt, đàn áp, và tham nhũng làm bần cùng hóa đất nước Zaire của Mobutu, lại thiết lập một chế độ tham nhũng mà có lẽ còn thảm khốc hơn. Thật là trớ trêu khi ông cũng ra sức bắt đầu một hệ thống sùng bái cá nhân theo kiểu Mobutu với sự trợ giúp và tiếp tay của Dominique Sakombi Inongo, nguyên bộ trưởng thông tin của chế độ Mobutu trước đây, và chính chế độ Mobutu cũng tiêu biểu cho mô thức chiếm đoạt từ quần chúng nhân dân từng bắt đầu hơn một thế kỷ trước với Nhà nước tự do Congo của Vua Leopold. Thật là trớ trêu khi sĩ quan quân đội Marxist Mengistu cũng bắt đầu sống trong tòa lâu đài hoàng cung, tự xem mình là hoàng đế, làm giàu cho bản thân và cận thần cũng hệt như Haile Selassie và các hoàng đế khác trước ông.
Đó là một định mệnh trớ trêu, nhưng còn bi thảm hơn so với tấn thảm kịch ban đầu, và không chỉ là những niềm hy vọng bị tan vỡ. Stevens và Kabila, cũng như nhiều kẻ thống trị khác ở châu Phi, bắt đầu giết hại các đối thủ rồi đến những người dân thường vô tội. Mengistu và các chính sách của Derg mang lại nạn đói triền miên trên đất đai phì nhiêu của Ethiopia. Lịch sử tự lặp lại, nhưng dưới một hình thức vô cùng méo mó. Chính nạn đói ở tỉnh Wollo năm 1973 mà Haile Selassie từng dửng dưng bỏ mặc đã có tác động to lớn cuối cùng làm tăng cường sự chống đối chế độ của ông. Nhưng ít ra Selassie cũng chỉ thờ ơ bỏ mặc. Tệ hơn thế, Mengistu còn xem nạn đói là công cụ chính trị giúp làm xói mòn sức mạnh của đối thủ. Lịch sử không chỉ trớ trêu và bi thảm, mà còn độc ác đối với người dân Ethiopia và nhiều nơi ở vùng hạ Sahara châu Phi.
Bản chất của quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ, khía cạnh này của vòng xoáy đi xuống, là ở chỗ, các nhà lãnh đạo mới lật đổ các nhà lãnh đạo cũ với cam kết thay đổi triệt để nhưng không mang lại gì ngoài tình trạng tồi tệ hơn trước. Ở một mức độ nào đó, quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ khó hiểu hơn các hình thức khác của vòng xoáy đi xuống. Có một lôgic rõ ràng về sự tồn tại dai dẳng của các thể chế chiếm đoạt ở miền nam Hoa Kỳ và ở Guatemala. Chính những nhóm người cũ tiếp tục chi phối nền kinh tế và nền chính trị trong nhiều thế kỷ. Thậm chí khi bị thách thức, như các chủ đồn điền miền nam Hoa Kỳ sau nội chiến, quyền lực của họ vẫn nguyên vẹn và họ vẫn có thể duy trì và tái lập một hệ thống thể chế chiếm đoạt tương tự mà từ đó một lần nữa họ lại hưởng lợi. Nhưng làm sao ta hiểu được những người lên cầm quyền nhân danh sự thay đổi cấp tiến mà lại tái lập cùng một hệ thống như cũ? Câu trả lời cho câu hỏi này, một lần nữa, cho thấy rằng vòng xoáy đi xuống mạnh mẽ hơn so với bề ngoài của nó.
Không phải mọi thay đổi cấp tiến xem ra đều thất bại. Cuộc Cách mạng Vinh quang là một thay đổi cấp tiến, và kết quả của nó hóa ra lại là cuộc cách mạng chính trị quan trọng nhất trong hai thiên niên kỷ qua. Cuộc Cách mạng Pháp thậm chí còn cấp tiến hơn, với sự hỗn loạn, bạo lực dữ dội và sự vươn lên của Napoleon Bonaparte, nhưng nó không tái lập thể chế cũ.
Có ba yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự vươn lên của các thể chế chính trị dung hợp hơn sau cuộc Cách mạng Vinh quang và Cách mạng Pháp. Thứ nhất là các thương nhân và doanh nhân mới với mong muốn giải thoát sức mạnh của sự phá hủy sáng tạo mà từ đó chính họ sẽ được hưởng lợi; những con người mới này là những thành phần then chốt của liên minh cách mạng và không muốn nhìn thấy sự phát triển của một hệ thống thể chế chiếm đoạt khác sẽ giày xéo họ thêm một lần nữa.
Thứ hai là bản chất của những liên minh rộng rãi đã hình thành trong cả hai trường hợp. Ví dụ, cuộc Cách mạng Vinh quang không phải là một vụ đảo chính bởi một nhóm thiểu số hay một nhóm quyền lợi hạn hẹp cụ thể, mà là một phong trào với sự ủng hộ của các thương nhân, các nhà công nghiệp, giới chủ đất nhỏ, và các nhóm chính trị đa dạng. Điều này nói chung cũng đúng với cuộc Cách mạng Pháp.
Yếu tố thứ ba liên quan đến lịch sử thể chế chính trị của Anh và Pháp từ đó tạo thành nền tảng để các thể chế mới, có tính dung hợp hơn có thể phát triển. Ở cả hai nước đều có truyền thống Quốc hội hay sự chia sẻ quyền lực đã có từ thời Đại hiến chương Magna Carta ở Anh và Hội đồng Quý tộc ở Pháp. Hơn nữa, cả hai cuộc cách mạng đều xảy ra giữa một quá trình vốn đã làm suy yếu phạm vi quyền lực của các chế độ chuyên chế đầy tham vọng. Trong cả hai trường hợp, một hệ thống mới hay một nhóm thiểu số đều không thể dễ dàng giành lấy quyền kiểm soát nhà nước và chiếm đoạt của cải kinh tế hiện hữu, cũng như xây dựng quyền lực chính trị lâu dài và không bị kiểm soát. Sau cuộc Cách mạng Pháp, một nhóm thiểu số dưới sự lãnh đạo của Roberspierre và Saint-Just đã giành quyền kiểm soát, với các hậu quả thảm khốc, nhưng điều này chỉ là nhất thời và không làm sai lệch lộ trình hướng tới các thể chế dung hợp hơn. Tất cả những điều này tương phản với tình hình của những xã hội có lịch sử lâu dài của những thể chế kinh tế và chính trị mang tính chiếm đoạt cao độ và không có sự kiểm soát quyền lực đối với những kẻ cai trị. Các xã hội này không có giới thương nhân hay doanh nhân mới và hùng mạnh, ủng hộ và tài trợ cho việc chống lại chế độ hiện hữu, một phần để bảo đảm các thể chế kinh tế dung hợp hơn; không có những liên minh rộng lớn đặt ra giới hạn đối với quyền lực của từng thành viên; không có các thể chế chính trị cấm những kẻ cai trị mới không được dốc sức chiếm đoạt và lợi dụng quyền lực.
Vì thế, ở Sierra Leone, Ethiopia và Congo, vòng xoáy đi xuống sẽ khó cưỡng lại hơn, và các phong trào hướng tới các thể chế dung hợp hơn ít có khả năng xảy ra hơn. Cũng không có các thể chế lịch sử hay truyền thống để có thể kiểm soát quyền lực của những người đứng đầu nhà nước. Những thể chế này đã từng tồn tại ở một vài nơi của châu Phi, và ở một vài nơi như Botswana, chúng thậm chí còn sống sót qua thời kỳ thuộc địa. Nhưng những thể chế này ít thấy hơn nhiều trong lịch sử Sierra Leone, và trong chừng mực mà chúng có tồn tại, chúng cũng bị bẻ cong bởi sự cai trị gián tiếp. Điều này cũng xảy ra ở các thuộc địa khác của nước Anh ở châu Phi, như Kenya và Nigeria. Những thể chế này chưa từng tồn tại ở vương quốc Ethiopia chuyên chế. Ở Congo, các thể chế bản xứ bị triệt hạ bởi sự cai trị thuộc địa của Bỉ và các chính sách chuyên quyền của Mobutu. Trong tất cả các xã hội này, cũng không có các thương nhân, doanh nhân mới hay các nghiệp chủ ủng hộ chế độ mới và đòi hỏi phải đảm bảo quyền sở hữu và chấm dứt các thể chế chiếm đoạt trước đây. Thật ra, các thể chế kinh tế chiếm đoạt của thời kỳ thuộc địa cũng có nghĩa là không còn tinh thần nghiệp chủ hay hoạt động kinh doanh gì cả.
Cộng đồng quốc tế tưởng rằng nền độc lập của châu Phi sau thời kỳ thuộc địa sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế thông qua một quá trình kế hoạch hóa của nhà nước và mở mang khu vực tư nhân. Nhưng khu vực tư nhân không tồn tại - ngoại trừ ở các vùng nông thôn, vốn không được đại diện trong chính phủ mới và vì thế cũng là con mồi đầu tiên của chính phủ. Có lẽ quan trọng hơn cả, trong hầu hết các trường hợp này đều có lợi ích khổng lồ từ việc thâu tóm quyền lực. Lợi ích này thu hút những kẻ vô liêm sỉ nhất như Stevens, mong muốn độc quyền hóa quyền lực này, và làm lộ rõ những tính cách tồi tệ nhất của họ một khi họ đã nắm quyền lực. Không gì phá vỡ được vòng xoáy đi xuống.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)