Lý thuyết về sản xuất trong "Man, economy and state" của Murray Rothbard*

Giới thiệu

Murray Rothbard (1926-1995) là kinh tế gia trường phái Áo người Mỹ. Ông được xem như là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất của trường phái Áo nói riêng và chủ nghĩa tự do cá nhân nói chung, trên cả bình diện phát triển lý thuyết bên trong lẫn tầm ảnh hưởng ra công chúng bên ngoài.

Về phương diện phát triển lý thuyết, hai đóng góp quan trọng nhất của Rothbard cho trường phái Áo là lý thuyết về quyền tài sản và lý thuyết về sản xuất. Đóng góp thứ nhất đã được Rothbard trình bày một cách chi tiết, mạch lạc và chặt chẽ trong tác phẩm The Ethics of Liberty, trong khi đóng góp thứ hai được phát triển trong tác phẩm Man, Economy and State.

 

Mục đích ban đầu của Rothbard khi chắp bút Man, Economy and State là nhằm viết lại Human Action của Ludwig von Mises bằng một ngôn ngữ đơn giản hơn, như một cuốn sách giáo khoa kinh tế Áo cho sinh viên đại học. Tuy vậy, trong quá trình xây dựng Man, Economy and State, Rothbard đã nhìn ra những kẽ hở mà Mises chưa phát triển một cách đầy đủ, trong đó bao gồm lý thuyết về sản xuất. Dù vậy, như Rothbard từng chia sẻ, trong khoảng thời gian đầu viết tác phẩm này, ông không những không phát triển lý thuyết của Mises, mà tệ hơn lại sử dụng lý thuyết về sản xuất của kinh tế học tân cổ điển. Rothbard nhận ra rằng, mô hình của lý thuyết tân cổ điển vốn dĩ thiếu đi ba yếu tố then chốt của nền kinh tế thị trường: thời gian, tính bất trắc và nghiệp chức. Vì lẽ đó, theo mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò không gì hơn là một hàm sản xuất, và vấn đề được quy giản về việc giải một hệ phương trình để tìm nghiệm xem mức sản xuất nào là tối ưu.

Lý thuyết này của kinh tế học tân cổ điển đã sinh ra nhiều mô hình bất hợp lý như “cạnh tranh hoàn hảo”, kéo theo đó là sự dấy lên của nhiều quan điểm chống thị trường vốn dĩ “không hoàn hảo”. Nhiều nhà kinh tế, thuộc trường phái Áo lẫn bên ngoài, đã đưa ra những phê phán mạnh mẽ cho lý thuyết này, như Hayek (1948) và Knight (1937). Dù vậy, họ lại chưa đưa ra được một lý thuyết về sản xuất hoàn chỉnh khác để thay thế cho lý thuyết tân cổ điển. Vì lẽ đó, Rothbard đã hủy bỏ tất cả các ý tưởng trước đó của mình về sản xuất và quyết định viết lại chúng, mà thành quả là các chương từ 5-10 của tác phẩm Man, Economy and State mà ta đang đọc hiện nay.

Bài viết này sẽ chỉ ra các điểm bất hợp lý của lý thuyết về sản xuất tân cổ điển và tóm tắt một cách khái quát các ý tưởng của Rothbard nhằm thay thế thứ lý thuyết bất hợp lý đó. Để có một sự so sánh, đối chiếu chi tiết giữa hai lý thuyết về sản xuất trong Man, Economy and State (lý thuyết ban đầu và lý thuyết được Rothbard viết lại sau này), độc giả vui lòng tham khảo Rothbard (2009 [1962]) và Rothbard (2018) (phục chế và hiệu đính bởi Patrick Newman), cũng như Newman (2018).

Sự bất hợp lý của lý thuyết tân cổ điển

Với lý thuyết tân cổ điển, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chỉ thuần túy là một hàm tính toán thỏa mãn điều kiện tối ưu hóa lợi nhuận, hay chi phí biên bằng với doanh thu biên. Có thể thấy, lý thuyết này có ba đặc điểm chính: thứ nhất, nó là một phân tích tĩnh chỉ chú trọng vào điểm cân bằng, hay tại sản lượng và mức giá mà chi phí biên bằng với doanh thu biên; thứ nhì, vì lý thuyết tân cổ điển xem sản lượng chỉ thuần túy là một biến số toán học, là một nghiệm để thỏa mãn điều kiện chi phí biên bằng với doanh thu biên, nó đã bỏ qua cấu trúc sản xuất để hình thành nên sản phẩm; cuối cùng, vì rằng doanh nghiệp chỉ đơn thuần là một hàm tính toán, lý thuyết sản xuất sẽ được quy giản về các mối quan hệ toán học giữa các biến số và vấn đề chỉ là mức sản xuất nào sẽ là nghiệm tối ưu; ở đây, mối quan hệ giữa hoạt động của doanh nghiệp và mức sản xuất được quyết định bị bỏ qua.

Để khắc phục các đặc điểm phi thực tế của lý thuyết tân cổ điển, Rothbard đã kết hợp lý thuyết về giá trị chiết khấu của thời gian (time preference)1 của Mises – Frank Fetter và lý thuyết về cấu trúc sản xuất của Hayek – Knut Wicksell với các phân tích của mình về yếu tố nghiệp chức (Newman, 2018). Từ giác độ của trường phái Áo, khung phân tích của lý thuyết tân cổ điển là bất hợp lý vì nó không miêu tả đúng bản chất của nền kinh tế. Thứ nhất, vì quá chú trọng vào điểm cân bằng, lý thuyết này đã gạt đi quá trình mà các doanh nghiệp đạt tới điểm cân bằng đó (Rothbard, 2009 [1962]). Do đó, phân tích hoạt động doanh nghiệp phải là một phân tích động thay vì một phân tích tĩnh. Thứ nhì, khác với các biến số gộp trong lý thuyết tân cổ điển vốn coi các yếu tố sản xuất là đồng nhất (homogeneous) về cả bản chất lẫn ở mọi mốc thời gian khác nhau, cấu trúc sản xuất theo quan điểm của trường phái Áo mang tính liên thời gian (intertemporal), cùng với các yếu tố sản xuất phi đồng nhất (heterogeneous) (Garrison, 2001). Thứ ba, công việc của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tính toán cho mức sản lượng tối ưu, mà là một quá trình từ phân tích đến dự đoán thị trường trong một nền kinh tế đầy tính bất trắc (Rothbard, 2009 [1962]). Đây chính là đặc điểm của yếu tố nghiệp chức mà mô hình tân cổ điển đã bỏ qua.

Các đặc điểm trên trong khung phân tích của lý thuyết tân cổ điển đã kéo theo nhiều kết luận không hợp lý, bao gồm: sự hình thành giá cả đầu ra, hay sự tách bạch giữa giá cạnh tranh và giá độc quyền; sự hình thành giá cả đầu vào từ mô hình đặng lượng – đẳng phí; và cuối cùng, việc sử dụng một doanh nghiệp đơn lẻ làm đơn vị phân tích (Newman, 2018).

Lý thuyết về sản xuất của Rothbard

Theo lý thuyết tân cổ điển, trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo sẽ chỉ có duy nhất một mức giá cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp bán bán sản phẩm với bất kỳ mức giá nào cao hơn mức giá đó, thì tình huống này chỉ xảy ra trong một thị trường có tính độc quyền (cạnh tranh độc quyền, độc quyền hoàn toàn hoặc độc quyền nhóm). Mô hình cạnh tranh hoàn hảo được xây dựng trên nhiều giả định không hợp lý như thông tin hoàn hảo, tất cả các doanh nghiệp đều đồng nhất, hay không có chi phí để tham gia hay thoát ra khỏi thị trường, v.v. Tuy không đưa những giả định trên vào phân tích ban đầu của mình, Rothbard (2018) lại chấp nhận giả định rằng có vô số doanh nghiệp tham gia thị trường, do đó việc một doanh nghiệp đưa ra một mức giá khác với phần còn lại sẽ không ảnh hưởng đến mức giá thị trường, hay mức giá cạnh tranh. Nói cách khác, doanh nghiệp là những người chấp nhận giá (price-takers) trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Tính huống khả dĩ thứ hai cho một mức giá cạnh tranh trong phân tích ban đầu của Rothbard là khi doanh nghiệp sản xuất ở mức sản lượng tối đa mà mức sản xuất đó cũng đem lại cho doanh nghiệp doanh thu tối đa. Còn lại, giá độc quyền nằm ở những tình huống mà không phải là hai tình huống trên (Rothbard, 2018).

Dẫu vậy, sau khi đã suy nghĩ kĩ càng hơn, Rothbard (2009 [1962]) cho rằng giả định kia là không hợp lý, và do đó sự tách bạch giữa giá độc quyền và thị trường là hoàn toàn sai lầm. Dù ảnh hưởng của một doanh nghiệp lên giá thị trường là rất nhỏ, ảnh hưởng này là không thể bỏ qua trừ khi số lượng doanh nghiệp trên thị trường là vô cực, và đây rõ ràng là một điều phi lý trong thế giới thực. Do đó, đường cầu của bất kỳ doanh nghiệp nào đều phải có hệ số góc âm, nghĩa là mọi loại cạnh tranh đều là không hoàn hảo theo mô hình của kinh tế học tân cổ điển. Có thể nói, phân tích này được xây dựng từ ngụy biện Nirvana, rằng trừ khi tất cả các giả định hoàn hảo được thỏa mãn, ta không bao giờ có được thứ cạnh tranh hoàn hảo nào. Nhận thức được điều này, Rothbard đi đến kết luận rằng sự tách bạch giữa giá cạnh tranh và giá độc quyền là ngụy biện.

Trước hết, sự phân biệt giữa hai loại giá này đòi hỏi phải có một định nghĩa cho giá độc quyền. Dù vậy, tất cả các định nghĩa cho giá độc quyền mà dựa trên thị trường đều là sai lạc, vì rằng độc quyền đúng nghĩa chỉ có thể định nghĩa là độc quyền hành chính hay các doanh nghiệp được hưởng các đặc quyền đặc lợi từ chính phủ. Ngoài ra, quan điểm cho rằng hành động cắt giảm sản lượng để tăng lợi nhuận là hành động độc quyền cũng mơ hồ và không chính xác, vì muốn cắt giảm sản lượng, doanh nghiệp phải cắt bớt các yếu tố sản xuất đầu vào. Nếu các yếu tố này không phải là các yếu tố chuyên biệt, thì khi các yếu tố này khi bị cắt giảm, chúng có thể được sử dụng ở các nơi khác trong nền kinh tế để phục vụ lợi ích người tiêu dùng. Cuối cùng, dù là giá độc quyền hay là giá cạnh tranh, thì đó cũng là giá thị trường dựa trên cầu của người tiêu dùng. Do đó, sự hình thành giá cả không phải là từ các đường cầu hay đường chi phí như kinh tế tân cổ điển đề ra, mà là từ khả năng tính toán của các nghiệp chủ hay nhà tư bản khi họ đưa ra quyết định đầu tư vào một ngành sản xuất nào đó. Giá cả hình thành từ các tính toán lợi nhuận – thua lỗ của nghiệp chủ phải đối mặt với tính bất trắc của thị trường, và do vậy, tất cả giá cả đều là giá thị trường hay giá cạnh tranh.

Ở phương diện giá cả đầu vào, ban đầu, Rothbard sử dụng mô hình đẳng lượng – đẳng phí của lý thuyết tân cổ điển, thứ mà ngầm giả định là giá cả đầu vào được cho sẵn và cố định. Vì lẽ đó, giá cả đầu vào quyết định giá cả đầu ra. Theo lý thuyết về cấu trúc sản xuất của Hayek – Wicksell, đầu ra của ngành này lại được sử dụng làm đầu vào của một vài ngành khác. Do đó, khi nhìn vào mối quan hệ liên ngành, giá cả đầu vào không thể được giả định là cố định và cho sẵn, mối quan hệ giá đầu vào quyết định giá đầu ra do đó cũng không hợp lý. Theo lý thuyết của Hayek – Wicksell, mối quan hệ chính xác phải theo chiều ngược lại, rằng giá cả đầu ra quyết định giá cả đầu vào. Giá cả của một sản phẩm, theo lý thuyết tân cổ điển, là giá trị doanh thu biên của sản phẩm đó. Rothbard, bằng cách kết hợp lý thuyết về giá trị chiết khấu của Mises – Fetter với lý thuyết của Hayek – Wicksell, đã cho rằng giá cả không chỉ là giá trị doanh thu biên, mà còn bao gồm cả giá trị chiết khấu của thời gian, hay lợi nhuận, thuộc về người nghiệp chủ khi anh ta thành công trong việc đầu tư vào hàng hóa trong tương lai ở thời điểm hiện tại Rothbard (2009 [1962]). Không chỉ thế, điều này còn bao hàm việc người nghiệp chủ thành công trong việc đưa các yếu tố sản xuất ở các khu vực kém lợi nhuận sang các khu vực mà anh ta kỳ vọng là sẽ có lợi nhuận lớn hơn (Newman, 2018). Ở đây, rõ ràng giả định giá cả đầu vào cố định là phi lý.

Điểm đáng chú ý cuối cùng trong mô hình về sản xuất của Rothbard là phân tích của ông về nhà nghiệp chủ. Cần phải lưu ý rằng, với Rothbard, nhà nghiệp chủ và nhà tư bản là một. Vì nhà nghiệp chủ trước hay sau sẽ phải sử hữu tư bản, nên trong bất cứ trường hợp nào, dù là nhà nghiệp chủ sở hữu tư bản từ đầu, hay nhà nghiệp chủ bán ý tưởng của mình, hoặc nhà nghiệp chủ tìm đến các nguồn vay vốn cho ý tưởng của mình, anh ta phải là một nhà tư bản, hay nhà nghiệp chủ - tư bản (Rothbard, 2009 [1962]; Klein, 2010).

Trong phân tích của mình, lý thuyết tân cổ điển xoay quanh quá trình sản xuất duy chỉ một doanh nghiệp đơn lẻ. Điều này hàm ý rằng, một nhà nghiệp chủ - tư bản đầu tư vào chỉ một doanh nghiệp mà thôi. Điều này vốn dĩ không đúng trên thực tế, vì một nhà nghiệp chủ - tư bản có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng lúc. Khi nhìn vào duy chỉ một doanh nghiệp, hẳn nhiên doanh nghiệp đó, nếu muốn tối đa hóa lợi nhuận thu được, buộc phải sản xuất với mức sản lượng thỏa mãn điều kiện chi phí biên bằng doanh thu biên. Dù vậy, một nhà nghiệp chủ - tư bản có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, và vì rằng các mức lợi nhuận giữa các ngành khác nhau là không như nhau, cộng với việc lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp chưa chắc đã là lợi nhuận tối đa của nhà nghiệp chủ (với kinh tế học tân cổ điển, hai khái niệm này là như nhau vì thiếu đi yếu tố giá trị chiết khấu của thời gian), điều kiện sản xuất tại mức chi phí biên bằng doanh thu biên là không chính xác trên thực tế. Vì lẽ đó, trên thực tế, việc một nhà nghiệp chủ đầu tư ở mức mà doanh thu biên lớn hơn chi phí biên là hoàn toàn bình thường, vì với số tiền còn lại, anh ta có thể đầu tư ở các ngành khác để tối ưu hóa lợi nhuận của mình.

Do đó, theo Rothbard, việc tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp không chỉ là bài toán cho khoản thu nhập từ một khoản đầu tư cố định từ trước, mà bài toán này phải là cho thu nhập từ giá trị chiết khấu của thời gian từ đầu tư. Nhà nghiệp chủ sẽ đầu tư ở mức mà giá trị biên của thu nhập lớn hơn hoặc bằng giá trị chiết khấu biên của thời gian từ tất cả các khoản đầu tư. Trong trường hợp nhà nghiệp chủ đầu tư vào duy chỉ một doanh nghiệp như trong mô hình tân cổ điển, anh ta sẽ đầu tư ở mức mà giá trị biên của thu nhập lớn hơn hoặc bằng giá trị biên cho khoản thu nhập từ một khoản đầu tư cố định từ trước. Phải lưu ý rằng hai khái niệm này là như nhau trong mô hình tân cổ điển, nhưng khác nhau dưới giác độ của trường phái Áo.

Kết luận

Có thể thấy, từ các giả định phi thực tế của mình, lý thuyết kinh tế học tân cổ điển đi đến kết luận rằng trừ khi tất cả các giả định hoàn hảo được thỏa mãn, cạnh tranh trên thị trường sẽ không bao giờ là hoàn hảo. Khi nhìn vào bức tranh thực tế của nền kinh tế thị trường, như Peter Klein đã nói, kết luận này rõ ràng là một ngụy biện, ngụy biện Nirvana. Do đó, mô hình của Rothbard không chỉ đơn thuần là một sự phát triển các lý thuyết từ những tiền bối như Mises hay Hayek. Xa hơn, đóng góp của Rothbard, một mặt, là những viên đạn đại bác bắn vào những kết luận phi thực tế của kinh tế học dòng chính, mặt khác, còn là những lời bảo vệ đầy thuyết phục cho tính ưu việt của thị trường trước sự biện minh cho các hành động can thiệp tùy nghi, độc đoán của chính phủ vào nền kinh tế nhân danh việc sửa sai các khuyết tật nào đó của thị trường “không hoàn hảo”.

Tài liệu tham khảo:

Garrison, Roger. Time and Money: The Macroeconomics of Capital Structure. New York: Routledge, 2001.

Hayek, Friedrich A. von. The Meaning of Competition. In trong Individualism and Economic Order. The University of Chicago Press, 1948.

Klein, Peter G. The Capitalist and the Entrepreneur: Essays on Organizations and Markets. Ludwig von Mises Institute, 2010.

Knight, Frank H. Risk, Uncertainty and Profit. London School of Economics and Political Science, 1937.

Newman, Patrick. From Marshallian Partial Equilibrium to Austrian General Equilibrium: The Evolution of Rothbard’s Production Theory. In trong Matthew McCaffrey (edited). The Economic Theory of Costs: Foundations and New Directions. Routledge, 2018.

Rothbard, Murray N. 2009 [1962]. Man, Economy, and State with Power and Market. Auburn, AL: Ludwig von Mises Institute.

_______ . 2018 [1953]. “Chapter 5: Producer’s Activity”. In trong Matthew McCaffrey (edited). The Economic Theory of Costs: Foundations and New Directions. Routledge, 2018.

Nguồn: Nguyễn Việt Hải Triều, Lý thuyết về sản xuất trong Man, Economy and State của Murray Rothbard, F-GROUP’s Working Paper Series, 3 (6/2019), 1-8

Chú thích:

(1) Lý thuyết này cho rằng tiền có giá trị ở thời điểm hiện tại cao hơn ở tương lai. Khi một cá nhân ưu tiên việc sử dụng số tiền mình có ở hiện tại thay vì trong tương lai, anh ta thu được giá trị chiết khấu của thời gian, tức là giá trị chênh lệch của số tiền đó ở tương lai và hiện tại.