Vai trò của đầu cơ trong nền kinh tế - Phần 2

Vai trò của đầu cơ trong nền kinh tế - Phần 2

Blog của Lê Hồng Giang có bàn đến vấn đề đầu cơ dưới tiêu đề "Greed" và "Greed 2". Theo ý kiến cá nhân của tôi thì việc bàn về lòng tham của con người trong nền kinh tế thị trường là bàn đến khía cạnh đạo đức. Về chủ đề này Phạm Nguyên Trường và tôi đã dịch khá nhiều bài của các tác giả khác nhau. Các bạn có thể tham khảo series dịch thuật của Phạm Nguyên Trường trên blog của tác giả. Với cá nhân tôi, thì tôi cho rằng đây là một bản năng tuyệt vời nhất mà loài người có được để duy trì sự tồn tại. Dẹp lòng tham đi thì chắc loài người vẫn còn đang luẩn quẩn ở mấy dãy núi Kenya chứ không sinh sôi nảy nở được nhiều như hiện nay. Sự khác nhau của các cá nhân là người này tham nhiều về khía cạnh này hay khía cạnh khác hơn người kia mà thôi.

Bây giờ tôi quay sang bàn về vấn đề đầu cơ trên khía cạnh thuần túy kinh tế, không dính dáng gì đến lòng tham hay đức hạnh. Những định nghĩa phổ biến nhất về đầu cơ như trên wiki, trên investopedia, đều có ý cho rằng hành động đầu cơ là hành động đầu tư vào những thị trường/hoạt động có mức rủi ro cao hơn mức trung bình để có thể thu được lợi nhuận ở mức cao hơn mức trung bình của thị trường.

Như vậy để xác định hành động nào là hành động đầu cơ theo nghĩa phổ biến hiện nay thì ta phải bắt đầu từ việc liệt kê các hành động có tính rủi ro. Như trong post trước của tôi, thì về cơ bản các hành động của con người đều gắn với các yếu tố rủi ro và do vậy đều có tính đầu cơ. Sự khác biệt của nhà đầu cơ chuyên nghiệp là ở chỗ họ take risk cho người khác để kiếm lợi.

Dưới đây tôi liệt kê một số hành động kinh doanh có tính rủi ro tiêu biểu:

1- Hành động khởi nghiệp/sản xuất (entrepreneurship): tập hợp các yếu tố sản xuất để tạo ra hàng hoá và bán lấy lợi nhuận.

2- Hành động buôn bán (arbitrage): mua hàng hoá ở chỗ này bán sang chỗ khác để hưởng chênh lệch giá. 

3- Hành động mua bán cổ phiếu để tham gia điều hành doanh nghiệp nhằm hưởng cổ tức.

4- Hành động mua bán cổ phiếu hoặc các loại tài sản chứng khoán hoá (commodities, tỷ giá,...)  để hưởng chênh lệch giá tài sản.

5. Hành động thuộc nhóm 4 nhưng với leverage cao để hưởng lợi nhuận lớn.

6- Hành động bán khống cổ phiếu hoặc tài sản chứng khoán hoá (short-selling) để hưởng chênh lệch giá.

Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước đây rõ ràng không chấp nhận tất cả các hành động trên. Các nhà kế hoạch hoá tập trung là những người take toàn bộ risk cho nền kinh tế quốc gia để đảm bảo cho dân chúng an hưởng cuộc sống thái bình. Cái giá phải trả thì chúng ta biết cả rồi.

Trong nền kinh tế thị trường thì chắc không ai phàn nàn gì về nhóm 1, 2, và 3. Phê phán hoặc lên án chủ yếu nhằm vào nhóm 4, 5 và 6. Và những đối tượng này bị gọi là speculator. Anh Lê Hồng Giang có ý cho rằng hành động của nhóm 4 là okay nhưng của nhóm 5 và 6 thì phải kiểm soát đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng, hỗn loạn. Nhiều bạn cực đoan hơn thì cho rằng phải cấm tiệt các hành động thuộc nhóm 5 và 6 này. Vì lẽ đó nên tôi sẽ tập trung phân tích về vai trò của các nhóm hành động này trong nền kinh tế trong bài viết này.

Bắt đầu bằng hành động nhóm 4 vì đây là hành động cơ bản nhất để hình thành hành động nhóm 5 và 6 hoặc cao hơn nữa. Ý nghĩa của việc mua bán cổ phiếu phiếu để hưởng chênh lệch giá tài sản không đơn thuần chỉ là việc tạo ra thanh khoản cao cho thị trường như bác Giang nói. Ý nghĩa chính của hành động này là ở chỗ những người mua bán giấy tờ có giá là những người tham gia vào rất nhiều thị trường. Họ là những người truyền thông tin về tín hiệu giá cả và qua đó là tín hiệu hiệu quả từ thị trường này sang thị trường khác. Chẳng hạn một người rút vốn khỏi nhóm các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang nhóm các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ thông tin thì đó là một tín hiệu cho thấy rằng họ nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường thông tin tốt hơn. Tương tự, khi họ rút tiền ra khỏi một loại đồng tiền nào đó và chuyển sang đồng tiền khác hoặc từ thị trường tiền tệ sang thị trường hàng hóa hay thị trường chứng khoán v.v. thì đều là những tín hiệu phản ánh quan điểm tiêu cực hoặc tích cực của họ về thị trường này hoặc thị trường kia một cách tương ứng.

Nếu không có những người này thì phản ứng của nền kinh tế trước một biến động nào đó trên thế giới sẽ rất chậm chạp. Làm thế nào để tác động của biến động trên thị trường địa ốc ở Tây Ban Nha được cân nhắc trong các quyết định kinh tế Việt Nam ngay tức thì? Đó là nhờ có những speculator trong nhóm 4. Một số người sẽ bán cổ phiếu bất động sản ở TBN; một số người sẽ rút vốn đầu tư khỏi TBN và chuyển sang quốc gia khác; một số người sẽ bán bớt đồng EUR và chuyển sang đồng tiền khác; một số người sẽ bán dầu thô (hợp đồng tương lai) v.v. và tất cả ngay lập tức phản ánh vào hành vi của những nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam, qua đó tác động đến hành vi của các nhà đầu tư trong nước v.v. một dây chuyền giá cả thay đổi như vậy làm sao có thể xảy ra gần như ngay tức thì nếu như không có các speculator này?

Bây giờ ta chuyển sang nhóm 5 và 6. Hành động của hai nhóm này tồn tại là nhờ nhu cầu của nhóm 4. Bản chất của chúng tương tự nhu cầu của nhóm 1 (hành động khởi nghiệp/sản xuất) đối với nhóm 2 (hành động buôn bán). Để hàng hoá sản xuất nhanh chóng đến tay người tiêu dùng và nhận được phản hồi từ người tiêu dùng thì nhà sản xuất không thể tự đứng ra bán hàng mà phải thông qua hệ thống những người buôn bán. Với nhóm 4, để cho giá cả nhanh chóng thay đổi để phản ánh hiệu quả của thị trường này sang thị trường khác thì cần phải có một lượng tiền khổng lồ dịch chuyển thì chỗ này sang chỗ kia. Hành động leverage đơn giản là để huy động lượng tiền lớn hơn trong một thời gian ngắn nhất để chuyển sang cho thị trường được đánh giá tốt hơn. Tương tự hành động short-selling nhằm mục đích chuyển nhanh tài sản từ thị trường được đánh giá là xấu sang thị trường kia.

Để hình dung, bạn hãy tưởng tượng thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu giả sử tất cả mọi người tham gia chỉ được chơi tiền "thật" (tức tiền tiết kiệm của mình). Khi có tin tức tốt cho toàn bộ thị trường (ví dụ lạm phát đột ngột giảm xuống 0,1% trong tháng 1 thay vì 1%) thì nếu như với lượng tiết kiệm hiện thời người mua chỉ có thể mua được 1000 tỷ là hết tiền và khi đó thị trường chỉ có thể tăng được 5% trong 1 tháng và để tăng được 20% thì cần phải 5 tháng mới có đủ lượng tiền "thật" tham gia. Nhưng nếu như cho chơi margin thì với tin tức tốt đó chỉ trong 1 tháng thị trường đã tăng đủ 20% thay vì phải chờ 5 tháng. Với tôi thì rõ ràng cho chơi margin phản ánh được sự thay đổi của nền kinh tế tốt hơn nhiều so với không cho.

Well, như vậy nếu các bạn đồng ý với lập luận của tôi ở trên thì problem ở đây không phải là các hành vi speculative trên là không tốt cho nền kinh tế. Chúng rất cần thiết để làm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả trong thời đại toàn cầu hoá. Còn hai vấn đề khác phải trao đổi: cheating và mối quan hệ của nó với khủng hoảng.

Vấn đề đầu thì không phải tranh luận nhiều. Cheating, tức vi phạm rule of the game để trục lợi, xét trên mọi phương diện, là một hành vi cần phải ngăn chặn trên thị trường. Chính phủ như là một agent được thị trường thuê để duy trì luật chơi cần phải phát hiện, ngăn chặn, và trừng phạt các hành vi này. Nếu mà làm không được chức năng đó ra hồn thì giải tán lập chính phủ mới ;).

Về vấn đề thứ 2, mối quan hệ của speculative action với khủng hoảng kinh tế. Ở đây cần tách ra làm hai ý: speculation có phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế hay không? và ý thứ hai: khi khủng hoảng xảy ra thì speculation có làm cho tình hình tồi tệ hay không?

Về ý thứ nhất thì tôi đã trả lời trong bài trước: hành vi speculation chắc chắn không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự can thiệp của nhà nước. Anh tạo ra tín hiệu tập trung và tín hiệu đó sai dẫn đến hành vi của nhiều người đồng thời sai và gây ra suy thoái, khủng hoảng.

Về ý thứ 2 cũng cần chia làm 2 ý. Ý thứ nhất là đứng trước một tình huống có vẻ cực xấu thì hoặc (i) tình huống đó xấu thật và (ii) do thiếu thông tin nên khi một số người tưởng là xấu nên khiến cho đa số đều nghĩ là xấu và "chạy".

Rõ ràng là ở thời điểm xảy ra một tình huống có vẻ cực xấu (như WTC ở NW bị sụp, Lehmann brothers bị phá sản v.v.) thì không thể phân biệt được là liệu tình huống đó là xấu thật hay là có vẻ xấu. Nhưng nếu là xấu thật thì các hành vi short-selling để nhanh chóng đưa thị trường về một tình trạng mới phản ánh chính xác mức độ tồi tệ đó rõ ràng là có ích thay vì để từ từ vài tháng.

Với trường hợp có vẻ xấu nhưng không hẳn thế thì rõ ràng cần rule để ngăn chặn hiện tượng này vì nó tốt cho thị trường.  Về khía cạnh này các thị trường chứng khoán như Mỹ đều có quy ước ngừng giao dịch trong một thời gian khi giá cổ phiếu đồng loạt rơi mạnh (hình như lớn là 10%) để các nhà đầu tư update thông tin và tính toán lại.

Tôi nghĩ rằng nếu như thị trường liên tục rơi mạnh trong một thời gian (e.g. 50% trong 1 tuần hay gì đó) thì có thể thêm rule là dừng các hoạt động "short selling" trong thời gian, ví dụ 1 tuần, để mọi người update thông tin và tính toán lại.

Tuy nhiên, rõ ràng đây chỉ là vấn đề rule of the game chứ không phải vì hành vi "extremely" speculative là tốt hay xấu cho thị trường, dù là trong giai đoạn khủng hoảng. Nền kinh tế thị trường vận hành tốt được được là vì nó luôn đòi hỏi điều chỉnh rule để nó hoạt động hiệu quả.

Nguồn: Đinh Tuấn Minh, Vai trò của đầu cơ trong nền kinh tế - Phần 2, Thị trường & Tự do, 19/3/2015

Phần 1