Triết gia Trung Quốc mà tất cả những người theo Chủ nghĩa Tự do cá nhân nên biết

Triết gia Trung Quốc mà tất cả những người theo Chủ nghĩa Tự do cá nhân nên biết

Hoàng Tông Hy (Huang Zongxi) ủng hộ một mô hình chính phủ hiến định được thiết kế nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người thay vì chỉ tầng lớp thống trị, ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền sở hữu tư nhân.

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ngưỡng mộ thời kỳ Khai sáng như một thời kỳ mà những người theo chủ nghĩa tự do đầu tiên đã đặt nền móng trí tuệ để xây dựng thế giới hiện đại hưng thịnh của chúng ta. Đôi khi, điều này có thể khiến một số người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng chỉ có thể đạt được một hệ thống chú trọng đến thị trường tự do, chính phủ hiến định và tự do cá nhân thông qua cái được gọi là “các giá trị phương Tây”. Tuy nhiên, sự thật phức tạp hơn thế. Các khái niệm về tự do cá nhân và chính trị không chỉ xuất hiện ở châu Âu thời kỳ Khai sáng. Các dân tộc ở khắp nơi trên thế giới, với tôn giáo đa dạng và qua nhiều thời đại đã lý luận về giá trị của tự do và cách bảo vệ tốt nhất các những lợi ích của nó.

Một nhà tư tưởng thuộc danh sách dài những người không thuộc phương Tây là triết gia Trung Quốc Hoàng Tông Hy. Ông ủng hộ một mô hình chính phủ hiến định được thiết kế nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người thay vì chỉ tầng lớp thống trị, ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền sở hữu tư nhân.

Cuộc đời của Hoàng Tông Hy

Hoàng Tông Hy sinh năm 1610 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cha của ông, Hoàng Tôn Tố (Huang Zunsu) là một quan có phẩm hàm cao của nhà Minh. Nhờ địa vị cao của cha mình, Hoàng Tông Hy đã có điều kiện nghiên cứu sâu rộng về lịch sử và triết học. Ông được giới thiệu với học giả Lưu Tông Chu (Liu Tsung-chou), người mà ông đã theo học trong nhiều năm. Các tác phẩm của Hoàng Tông Hy cho thấy ông rất thông thạo các vấn đề triết học và không hoàn toàn theo đuổi bất kỳ trường phái cụ thể nào một cách giáo điều. Thay vào đó, ông chắt lọc từ những trường phái khác nhau những ý tưởng ông thấy phù hợp.

Cha của Hoàng Tông Hy, Hoàng Tông Tố, đã phản đối sự lộng hành của các hoạn quan trong triều đình Trung Quốc. Năm 1626, Tông Tố qua đời sau khi bị các đối thủ chính trị của mình bắt giam. Tại kinh thành nhà Minh, Tông Hy đã dũng cảm tố cáo về cái chết của cha mình, sau đó, ông trở về nhà chuyên tâm vào việc học của mình.

Đến năm 1644, triều đại Mãn Thanh đã trỗi dậy nắm quyền kiểm soát các lãnh thổ từng thuộc về nhà Minh. Tông Hy đã bỏ ra nhiều năm để tham gia cuộc chiến du kích chống lại triều đình Mãn Thanh mà ông coi là kẻ xâm lược ngoại bang. Cuối cùng, Tông Hy từ bỏ cuộc chiến chống lại triều đại nhà Thanh, mặc dù sau đó ông từ chối hợp tác hoặc đảm nhiệm bất kỳ chức quan nào mà ông được đề nghị. Thay vào đó, Tông Hy dành phần còn lại của cuộc đời mình để nghiên cứu lịch sử, chính trị và triết học. Trong thời gian sống ẩn dật, Tông Hy cho ra đời tác phẩm xuất sắc nhất của mình vào năm 1663, Minh di đãi phỏng lục: Kế hoạch cho quân vương, một cuốn sách phê phán bao quát chế độ nhà Minh và một loạt các đề xuất cải cách toàn diện.

Những nhà cầm quyền đầu tiên

Hoàng Tông Hy tin rằng trước khi có bất kỳ một chính phủ nào, mọi người thường chỉ quan tâm đến việc của mình mà không màng đến lợi ích chung. Đây không phải là một trạng thái tự nhiên được lý tưởng hóa, nhưng cũng không phải là tình trạng vô chính phủ hoàn toàn. Theo Tông Hy, việc quan tâm đến lợi ích cá nhân là điều hoàn toàn tự nhiên và ông coi vị tha là một đức tính hiếm có và dễ thay đổi.

Đối với Tông Hy, vấn đề chính gây khó khăn cho triều đại nhà Minh là lòng tham quá mức của những người cầm quyền. Để cai trị, cần tính đến lợi ích của người dân, hết mình theo đuổi những gì mà người dân mong muốn; tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thử thách vì “thích nhàn hạ và không thích lao động vất vả luôn là khuynh hướng tự nhiên của con người”. Những người cầm quyền đầu tiên đã làm như vậy trong sự miễn cưỡng tột độ khi biết rằng việc cai trị vì lợi ích chung của tất cả mọi người sẽ khó khăn như thế nào. Một số thậm chí đã cố bỏ cuộc nhưng bị buộc phải tiếp tục. Những người cầm quyền đầu tiên hiểu rằng để cai trị một cách nghiêm chỉnh là một nỗ lực to lớn, mà phần lớn, là một công việc không lợi lộc gì cả.

Tuy nhiên, dần dần, những người cai trị mới quyết định rằng vì họ đã làm rất nhiều cho dân, nên việc cai trị vì lợi ích của riêng họ là hoàn toàn chính đáng. Họ bắt đầu lợi dụng địa vị để làm lợi cho bản thân, và vì lòng ích kỷ, những kẻ cai trị này đã khiến thần dân của họ khốn khổ và lầm than. Vì vậy, theo Tông Hy, "Kẻ gây hại lớn nhất trên thế gian không ai khác chính là quân vương". Giải pháp cho tình trạng khốn khổ này là làm thế nào để buộc các vị quân vương phải cai trị công bằng dựa trên luật pháp chân chính.

Luật pháp là gì?

Tông Hy cho rằng kể từ cuối thời Tam Quốc, trong khoảng hơn một nghìn năm trước [thời nhà Minh], chưa hề có luật pháp thực sự. Trong khoảng thời gian đó, tất cả những người cai trị chỉ quan tâm đến việc bảo vệ vương triều của họ mà từ chối hướng đến lợi ích chung của người dân. Tông Hy gọi các luật được thiết lập sau thời Tam quốc là “luật triều đình”. Nhưng ông không tin rằng “luật triều đình” có thể thật sự được gọi là luật vì nó chỉ dựa trên lợi ích của những người cai trị, rằng “cái mà họ gọi là “Luật” đại diện cho những luật phục vụ lợi ích của một gia tộc”. Để bất kỳ luật nào trở thành luật chân chính, nó phải tuân theo mệnh lệnh của “thiên hạ” (hoặc có thể hiểu là ý chí của nhân dân). Hoàng Tông Hy viết rằng "trong thời cổ đại, thiên hạ (nhân dân) được coi là chủ và vua chỉ là khách". Bộ máy nhà nước tồn tại là để phục vụ nhân dân chứ không phải ngược lại. Đối với Tông Hy, luật pháp chân chính không được thiên vị bất kỳ bộ phận xã hội cụ thể nào hơn bộ phận khác. Thay vào đó, luật pháp phải tuân theo một tiêu chuẩn công lý cao hơn, thứ đã tạo nên hình tượng của các vị vua hiền triết trong quá khứ. Luật pháp không công bằng, đơn giản bởi vì một người cai trị đã thiết lập ra chúng. Nếu luật pháp không tuân theo một tiêu chuẩn công lý cao hơn, nó khó có thể được gọi là luật pháp chân chính.

Cai trị theo pháp luật

Tông Hy tin rằng chúng ta cần luật pháp trước khi cần các Hoàng đế. Ngược lại, các triết gia trước đó như Tuân Tử vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên thì viết: "Chỉ có sự cai trị của con người, không phải sự cai trị của luật pháp". Tông Hy đã đáp lại: "Chỉ khi có sự cai quản của luật pháp thì mới có sự cai trị của con người". Tuy nhiên, luật pháp thôi là không đủ; Tông Hy đã từng chứng kiến ​​những người hiểu biết như cha mình bị phế bỏ khỏi các vị trí trong Triều đình do quyền lực cố hữu và không được kiểm soát như thế nào. Chúng ta không thể chỉ trông cậy vào những nhà cai trị tiết hạnh để lãnh đạo chúng ta và giữ gìn luật pháp chân chính. Do đó, Tông Hy tin rằng chúng ta cần các cơ quan để kiểm soát quyền lực và ngăn chặn bất kỳ cá nhân nào chi phối tất cả những người khác.

Hoàng Tông Hy không đồng tình với quan điểm cai trị thần thánh, ông đã chất vấn những người mà ông gọi là “những học giả tiểu nhân”, những người khẳng định rằng phục tùng quân vương là một lẽ thường tình. “Các vị vua hiền triết trong quá khứ đáng được ca ngợi và kính trọng, nhưng các vị quân vương ngày nay chẳng đáng được khen ngợi chút nào”, Hoàng Tông Hy lập luận và đặt ra câu hỏi, “Phải chăng trên Trời và dưới đất, dưới sự chăm sóc của đấng toàn năng, chỉ dành sự ưu ái cho một người đàn ông và một gia tộc trong số hàng triệu người và vô số gia đình?” Hoàng Tông Hy không muốn bãi bỏ hoàn toàn sự cai trị của hoàng đế, ông chỉ muốn phi tập trung hóa vương triều. Nhà nước không phải là thần thánh cũng như không nên chỉ đạo và bắt dân chúng phải hoàn toàn phục tùng. Như chúng ta đã thấy, đối với Hoàng Tông Hy, mối quan hệ giữa “vua - dân” thực sự bị đảo ngược; nhân dân là chủ, và vua là khách.

Đề xuất phục hồi chức quan thừa tướng

Về lý thuyết, triều đại nhà Minh được cai trị bởi một vị Hoàng đế và được hỗ trợ bởi một triều đình bao gồm các quan lại và thành viên phụ trách các vấn đề dân sự. Thực tế, lý tưởng này không mang đến khởi đầu suôn sẻ. Các vị vua thường phẫn nộ và chống lại mọi sự kiểm soát quyền lực từ triều đình. Để củng cố vị thế của mình, các vị hoàng đế có xu hướng chỉ thăng chức cho những vị quan hoàn toàn phục tùng, đặc biệt là thái giám, những người từ lâu đã trở thành một bộ phận quan trọng của triều đình Trung Quốc. Những người được thăng chức có xu hướng hầu hạ cho hoàng tộc và các nhu cầu cá nhân của hoàng đế, những người phục tùng này được ban cho quyền hành to lớn vì họ rất thân cận với vua, và kết quả là họ ngày càng can dự vào việc triều chính.

Về vấn đề này, Hoàng Tông Hy lập luận rằng cần khôi phục chức vụ Thừa tướng đã bị bãi bỏ trước đây. Khi một người lên làm Thừa tướng, ông ta sẽ có nhiều quan văn-võ, tất cả đều là những người mà ông ta sẽ tham khảo ý kiến. Tông Hy đưa ra ba lý do quan trọng để ủng hộ việc phục hồi chức vụ Thừa tướng.

Thứ nhất, dù khôn ngoan hay nỗ lực đến đâu thì, không ai có thể tự mình cai trị. Mặc dù ban đầu các vị Quân vương có thể được suy tôn lên để trị vì, nhưng “Thiên hạ không thể do một người cai trị”. Để khắc phục điều này, thừa tướng sẽ hỗ trợ quân vương.

Thứ hai, ngôi vị hoàng đế được sự kế vị theo hình thức cha truyền con nối. Tông Hy nói rằng trong thời cổ đại “việc nối ngôi được truyền lại, không phải từ cha sang con trai, mà từ người đàn ông xứng đáng này sang người đàn ông xứng đáng khác”. Một người được giao phó một vị trí dựa trên dòng dõi của họ không đồng nghĩa với việc họ sẽ cai trị một cách nghiêm chỉnh”. Mặc dù Tông Hy không nói rõ chính xác thừa tướng sẽ được tuyển chọn như thế nào, nhưng ông tin rằng chức vụ này sẽ đóng vai trò dự bị trong trường hợp hoàng đế không phải là một nhà cai trị tốt vì quyền lực của thừa tướng sẽ ngang bằng với quyền lực của hoàng đế.

Thứ ba, thông qua việc khôi phục vị trí thừa tướng, triều đình khẳng định nguyên tắc rằng không một người đàn ông nào được phép nắm quyền tối cao và thay vào đó, quyền lực phải được phân chia và chia sẻ để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Những cải cách của Hoàng Tông Hy không chỉ nhằm mục đích làm cho triều đình hiệu quả hơn bằng cách đưa những người có đủ năng lực lên nắm quyền, nó còn giúp kiềm chế quyền lực của hoàng đế, người sẽ dễ trở nên độc đoán một khi không có ràng buộc nào. Do đó, về bản chất, cách tiếp cận của Tông Hy có thể được coi là hiến định. Chủ nghĩa hiến định, theo nghĩa rộng, là một tập hợp các quy tắc, nguyên tắc và chuẩn mực nhằm xác định các giới hạn về quyền lực của thẩm quyền nhà nước để tránh chế độ chuyên quyền độc đoán.

Hoàng Tông Hy và sở hữu tư

Đối với Tông Hy, điều quan trọng là triều đình không xâm phạm quyền sở hữu của người dân. Theo ông, trong thời cổ đại không có tài sản riêng. Các vị vua hiền triết đã phân chia đất đai thông qua chế độ tỉnh điền. Tông Hy giải thích rằng trong thời kỳ này “đất đai đã được Hoàng đế ban cho dân chúng. Do vậy, vùng đất đó có thể được gọi là đất của hoàng đế”.

Tuy nhiên, sau thời kỳ các vị vua hiền triết, những nhà cai trị tiếp theo không còn phân chia ruộng đất cho dân chúng nữa. Thay vào đó, người dân có được đất thông qua mua bán. Đến thế kỷ thứ hai, tài sản tư nhân ra đời. Bởi vì đất được người dân mua chứ không được vua cấp, Hoàng Tông Hy kết luận rằng “đất là của người dân chứ không phải của vua”. Đối với ông, “tất cả đất đai đều là hoặc đất chính quyền hoặc đất tư”. Sự khác biệt giữa hai thứ này là đất chính quyền thuộc sở hữu của nhà nước và không thể mua bán, trong khi đất tư nhân có thể được mua bán và thuộc về cá nhân.

Hoàng Tông Hy lập luận rằng tài sản tư phải được bảo vệ vì mọi người có quyền giữ những gì họ sở hữu. Tuy nhiên, Tông Hy không dừng lại ở đó. Ông cũng lập luận thêm rằng quyền tài sản đặt ra giới hạn đối với quyền lực của triều đình. Bằng cách bảo vệ tài sản, người dân củng cố nguyên tắc rằng các hoàng đế không nên xem “Thiên hạ như một tài sản khổng lồ để truyền lại cho con cháu của họ, để phục vụ niềm vui và hạnh phúc vĩnh viễn của họ”. Thay vào đó, hoàng đế nên tôn trọng quyền của thần dân và ngừng chiếm đoạt tài sản.

Phản đối chính sách tái phân phối

Trong lịch sử không phải tất cả các nhà cầm quyền đều cố gắng chiếm đoạt tài sản một cách ích kỷ. Nhiều người thực lòng mong muốn tái phân phối của cải để giúp đỡ người nghèo. Để làm được điều đó, một số người tin rằng cần hạn chế sở hữu hoặc làm cho của cải được phân phối công bằng. Về vấn đề này, theo Hoàng Tông Hy thì tuyệt đối không được phép “làm dù chỉ một hành động sai trái”. Vì ông cho là mọi người đều có quyền đối với tài sản của họ và quyền này không bị vi phạm ngay cả khi viện cớ giúp đỡ những người gặp khó khăn. Hoàng Tông Hy tự hỏi tại sao “có nên làm một việc khó khăn không cần thiết chỉ để khiến người khá giả phải chịu thiệt hại?”. Thay vào đó, ông đề xuất rằng triều đình nên phân phối lại những tài sản của triều đình, tài sản đã được ấn định cho hoàng tộc và những người thân cận, rồi trao chúng cho người nghèo. Đối với Hoàng Tông Hy, việc theo đuổi lợi ích cá nhân và tích lũy tài sản là điều hoàn toàn tự nhiên. Ông ủng hộ các cá nhân tự chủ theo đuổi lợi ích của mình.

Những điểm tương đồng giữa Hoàng Tông Hy và John Locke

Tư tưởng chính trị của Tông Hy có nét tương đồng với triết gia người Anh có ảnh hưởng John Locke trong “Khảo luận Chính quyền thứ hai” (Second Treatise on Government). Locke được coi là Cha đẻ của Chủ nghĩa Tự do, tư tưởng chính trị của ông tập trung vào các lập luận về các quyền tự nhiên, xây dựng chính quyền theo sự đồng thuận của người dân và lý thuyết về tài sản tư của ông đã có ảnh hưởng lớn đến chủ nghĩa tự do cổ điển.

Như chúng ta đã thấy, Hoàng Tông Hy đã hoài nghi về những quan điểm thần thánh mà các hoàng đế đã đưa ra trong suốt lịch sử. Mãi sau này, Locke mới lập luận chống lại chế độ quân chủ thần thánh bằng cách nói rằng ngay cả khi Chúa đã trao quyền cai trị cho một người nào đó, chẳng hạn như Adam trong Kinh thánh, sẽ không có cách nào xác định ai là con cháu chính tông của ông ấy. Vì vậy, Locke kết luận, “rằng trong các chủng tộc của loài người và các gia tộc trên thế giới, không có ai có thể viện cớ mình là gia tộc lớn nhất và có quyền thừa kế hơn người khác”.

Tông Hy tin rằng luật chân chính phục vụ lợi ích chung và không thiên vị bất kỳ bộ phận xã hội cụ thể nào. Tương tự, Locke lập luận rằng nguyên tắc “phúc lợi của người dân là quy luật tối thượng” là quy tắc cơ bản đến mức “một người, nếu một mực chân thành tuân theo nó, không thể mắc sai lầm một cách nguy hiểm”. Cả Tông Hy và Locke đều cho rằng tính chính đáng của luật pháp phụ thuộc vào việc nó phục vụ lợi ích của những người bị trị chứ không phải của những người cai trị.

Tông Hy mong muốn được thấy vị trí thừa tướng được phục hồi để kìm hãm quyền lực của hoàng đế. Locke đề xuất rằng bộ máy nhà nước phải bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và liên bang. Sự tách biệt quyền lực này không chỉ cho phép chính phủ hoạt động hiệu quả hơn mà còn cho phép chính phủ tránh rơi vào chế độ chuyên chế.

Cuối cùng, Tông Hy và Locke đều lập luận rằng chính phủ phải bảo vệ tài sản tư. Locke, giống như Tông Hy, tin rằng tài sản đã từng thuộc sở hữu chung nhưng khi con người hòa công lao động của họ với đất đai, họ đã chiếm đoạt những gì thuộc về tự nhiên và biến nó thành của riêng mình. Mặc dù lập luận của Tông Hy về việc đất đai trở thành sở hữu tư không thực sự chặt chẽ, nhưng rõ ràng là, giống với Locke, ông tin rằng mọi người, về mặt đạo đức, có quyền nắm giữ những gì thuộc về họ một cách chính đáng.

Mặc dù sống ở hai cực thế giới, Tông Hy và Locke đã đưa ra những kết luận rất giống nhau về các mục đích thực sự của nhà nước. Có thể là do cả hai đều có cha là những người đã chiến đấu chống lại các chế độ đương nhiệm và cả hai ông đều sống qua các cuộc nội chiến dẫn đến thay đổi chế độ.

Hoàng Tông Hy là một ví dụ xuất sắc về việc các trường phái triết học hoàn toàn khác nhau đều hướng đến những ý tưởng tự do cổ điển rộng rãi mà không thuộc cùng một cái gọi là “truyền thống phương Tây” hay “giá trị phương Tây”.

Có nhiều điều đáng ngưỡng mộ từ trường phái triết học phương Tây, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không ca ngợi và kết hợp với các trường phái khác. Những nhà tư tưởng như Hoàng Tông Hy nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các nền văn hóa, tôn giáo và dân tộc đều có truyền thống ủng hộ quyền tự do của cá nhân.

Nguồn: Paul Meany, The Chinese philosopher all libertarians should know, Libertarianism, 9/12/2019

 

Dịch giả:
Nguyễn Nga
Hiệu đính:
Hoàng Văn Trung