Tại sao không có độc quyền khai thác trong thị trường tự do?

Tại sao không có độc quyền khai thác trong thị trường tự do?

Tôi bắt đầu tin rằng điều tồi tệ nhất chính là quan điểm thị trường dẫn đến độc quyền và tích lũy của cải trong tay số ít. Tại sao tôi lại nghĩ như vậy? Bởi vì tuyên bố này hoàn toàn không có ý nghĩa gì và không có lời giải thích thỏa đáng nào cho nó, cho thấy dấu hiệu của sự nhầm lẫn và hiểu lầm nghiêm trọng.

Phải nói rằng, nhiều nhà tư tưởng vĩ đại đã bị ảo tưởng bởi điều này, bao gồm cả Joseph Schumpeter (khi ông già và bi quan chứ không phải thời trẻ, lạc quan). Tuy nhiên, đó là một sai lầm cơ bản. Sai lầm không phải vì trên thực tế có một số hoặc thậm chí rất nhiều doanh nhân phấn đấu để có một đế chế doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền hay vì họ muốn kiếm càng nhiều lợi nhuận càng tốt, mà vì nhầm lẫn giữa các mục tiêu của cá nhân với cơ chế hành động tập thể của họ. Điều này giống như tìm hiểu chức năng của tiền trong nền kinh tế bằng cách nghiên cứu một tờ đô la. Sẽ chẳng tìm được gì hoặc hoạ hoằn một ít vì một ví dụ đơn lẻ như một tờ đô la thì không phải là công thức chung của tiền tệ.

Sự khác biệt này được ghi lại trong các khẩu hiệu có ý nghĩa tương tự như "ủng hộ thị trường, không ủng hộ doanh nghiệp" hoặc "chủ nghĩa thị trường tự do chống tư bản". Cốt lõi của thị trường là các trao đổi tự nguyện vì lợi ích riêng. Tuy nhiên trong trao đổi tự nguyện (không gian lận) không chỉ một mà cả hai bên trao đổi đều kỳ vọng sẽ được hưởng lợi. Ở đó của cải không phải chuyển giao mà đã tăng lên cho cả hai bên.

Thị trường bao gồm bất kỳ và tất cả các giao dịch tự nguyện, và không có rào cản gia nhập nào khác ngoài sự khan hiếm: rõ ràng bạn không thể trao đổi những gì bạn không có.

Thị trường giảm bớt gánh nặng khan hiếm đối với xã hội bằng cách xác định giá trị tương đối (giá cả) và thông qua đó phân bổ nguồn lực cho những người có năng suất cao nhất (từ quan điểm của người tiêu dùng; tức là tạo ra giá trị). Trong trường hợp này, người ta chỉ có thể tích lũy của cải thông qua sản xuất, theo đó là việc trao đổi với kỳ vọng có lợi cho người tiêu dùng - những người phán quyết giá trị cuối cùng. Ngay cả khi người ta muốn độc quyền một số tài nguyên có giá trị, nó chỉ có giá trị khi được sử dụng trong sản xuất. Nếu tôi độc quyền về thịt, tôi chỉ có thể sử dụng quyền này vì lợi ích của mình bằng cách bán thịt.

Lập luận đối lập điển hình là một số nguồn lực cần thiết cho một số hình thức sản xuất, theo đó nhà độc quyền nguồn lực đó có thể thu tô lợi từ phần còn lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong thế giới tĩnh. Trong một thế giới mà chúng ta luôn học hỏi, khám phá và đổi mới thì không có những nguồn lực như vậy.

Trên thực tế, sự độc quyền dài hạn của một người nào đó đối với một nguồn tài nguyên quý giá có hai ý nghĩa: thứ nhất, đó là động lực tuyệt vời cho các doanh nhân tập trung nỗ lực và trí tưởng tượng của họ vào việc tìm kiếm các giải pháp thay thế (luôn khả thi vì không có gì trên thế giới này là hoàn toàn đặc thù), và thứ hai, nó làm cho nhà độc quyền nghèo đi một cách tương đối nếu họ không đưa tài nguyên vào sử dụng.

Chỉ thông qua việc sử dụng tài nguyên (tức là sử dụng nó để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng) thì nó mới trở nên có giá trị và có thể tạo ra thu nhập cho chủ sở hữu. Nói cách khác, chủ sở hữu có lợi nhất khi họ tự phá thế độc quyền của mình. Cũng thông qua việc sử dụng (và do đó, chia sẻ) tài nguyên mà có thể hạn chế những đổi mới làm giảm giá trị của nó.

Trên thực tế, tài nguyên càng được sử dụng hiệu quả để làm hài lòng người tiêu dùng thì tài nguyên đó càng có giá trị. Thêm vào đó, sự độc quyền càng ít gây phản cảm, có nghĩa là các nỗ lực đổi mới được hướng đến nơi khác, thì càng tốt cho nó.

Thị trường đơn giản là không tạo ra cơ chế để các nhà độc quyền bóc lột người tiêu dùng. Giá trị của bất kỳ nguồn lực nào đều bắt nguồn từ sự đóng góp có giá trị mà nó mang lại cho người tiêu dùng, có nghĩa là vốn và nguồn lực đều có giá trị bởi vì người tiêu dùng xác định rằng chúng là như vậy. Chủ sở hữu là đầy tớ của người tiêu dùng, không phải ngược lại.

Vậy tại sao chúng ta lại thấy có sự độc quyền trong “nền kinh tế thị trường”?

Tại sao chúng ta thấy sự bất bình đẳng khủng khiếp như vậy?

Đó không phải là kết quả của trao đổi tự nguyện, bởi vì cơ chế đó mang lại lợi ích cho tất cả những người tham gia bằng cách cải thiện vị trí của họ — và xã hội nói chung bằng cách tạo ra sự phân bổ nguồn lực có lợi hơn. Lời giải thích hợp lý và logic duy nhất là có một cái gì đó đã bóp méo sự trao đổi tự nguyện. Điển hình, đó thường là gánh nặng các quy định mà hầu như chỉ áp đặt chi phí và hạn chế gia nhập ngành đối với các đối thủ cạnh tranh và do đó gián tiếp bảo vệ các công ty tồn tại trước, chính là những công ty đã không còn đáp ứng tốt những nhu cầu thị trường của người tiêu dùng.

Nói cách khác, cơ chế thị trường bị mất tác dụng một phần, và do đó kết quả cũng bị bóp méo. Vì cơ chế thị trường không được hoạt động một cách toàn vẹn, một số trao đổi có lợi nhất không được diễn ra và do đó gây thiệt hại cho các bên. Kết quả là, một số tài nguyên — đặc biệt là những tài nguyên được bảo vệ khỏi cạnh tranh — bị định giá quá cao và mang lại cho chủ sở hữu của chúng nhiều lợi ích hơn lợi ích mà người tiêu dùng đảm bảo mang lại. Miễn là nhà độc quyền vẫn được bảo kê khỏi (chứ không phải hưởng lợi từ) cơ chế thị trường, họ sẽ lợi dụng vị thế đó.

Đây mới là vấn đề thực sự của độc quyền — không phải ai đó là người bán hoặc nhà cung cấp tài nguyên duy nhất, mà các nhà độc quyền được bảo vệ một cách giả tạo và do đó không còn thu lợi nhuận nhờ làm lợi cho người tiêu dùng nữa. Logic thị trường không còn được áp dụng nữa, đó là lý do xảy ra những vấn đề này. Một thị trường không cần phải bị quốc hữu hóa hoàn toàn hoặc được kiểm soát bởi chính phủ thì mới xảy ra tình trạng này.

Nó là đủ để mô tả cơ chế thị trường, và do đó hướng các doanh nhân đến các hoạt động mà lẽ ra không phải là lựa chọn đầu tiên của họ và gây ra những kết quả rất méo mó. Chỉ cần hạn chế cơ chế thị trường, và qua đó hướng các nghiệp chủ tới các hoạt động đúng ra không phải lựa chọn đầu tiên của họ, để có thể gây ra những kết quả bóp méo. Càng nhiều hạn chế ảnh hưởng đến cơ chế thị trường và hạn chế lĩnh vực trao đổi tự nguyện, thì gánh nặng cho người tiêu dùng càng lớn.

Quan niệm sai lầm phổ biến rằng trao đổi tự nguyện dẫn đến độc quyền và tích lũy của cải, do đó, hoàn toàn trái ngược với những gì theo logic của thị trường.

Ban hành nhiều quy định hơn không giải quyết được vấn đề, bởi vì quy định chính là vấn đề.

Rất tiếc là nhiều người không hình dung ra được cơ chế nguyên nhân đã gây ra những vấn đề họ quan sát thấy. Chẳng có cách nào khả dĩ trong các giao dịch tự nguyện có thể giúp một nhà sản xuất có được “sức mạnh thị trường” bởi vì sản xuất chỉ có giá trị nếu người tiêu dùng nghĩ như vậy — và điều này dựa trên chi phí cơ hội của họ: so sánh giá trị thu được với giá trị thay thế khác. Một nhà độc quyền nếu tăng giá bán sẽ đẩy khách hàng đến nơi khác, hướng họ xem xét các lựa chọn khác và khuyến khích các nghiệp chủ khác các động lực tăng lợi nhuận để tìm cách phục vụ người tiêu dùng mà không liên quan đến nhà độc quyền.

Chỉ bằng cách hạn chế những kết quả hợp lý này, nhà độc quyền mới có thể giành được quyền lực thị trường. Những hạn chế như vậy được áp đặt lên thị trường thường là bởi chính phủ, nhưng chúng không phải là một phần của thị trường.

* Per Bylund là Phó giáo sư về khởi nghiệp & giáo sư Records-Johnston về Doanh nghiệp Tự do tại Trường Doanh nhân tại Đại học Bang Oklahoma. Trang web: PerBylund.com

Nguồn: Per Bylund, Why There is No Such Thing as an Exploitative Monopoly in a Free Market, MISES INSTITUTE, 26/10/2020

Dịch giả:
Phạm Lan Hương
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh