Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể (Phần 2)

Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể (Phần 2)

PHƯƠNG PHÁP LUẬN CÁ THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN TỔNG THỂ

Các khoa học xã hội nên theo một phương pháp luận “cá thể” hay “tổng thể” (tiếng Hy lạp holon có nghĩa là “toàn bộ”)? Trong trường hợp đầu, các hiện tượng xã hội xem như được giải thích từ những hành động cá nhân cấu thành chúng. Trong trường hợp thứ hai, các hiện tượng xã hội được xem như những “thể thống nhất” không quy giản được về các cá nhân. Về mặt lịch sử, phương pháp luận “cá thể” được trường phái xã hội học Đức mà đại diện là M. Weber và G. Simmel phát biểu vào cuối thế kỉ XIX, cho dù việc vận dụng nó đã diễn ra sớm hơn, ít nhất từ thế kỉ XVIII. Phương pháp luận “tổng thể” gắn với trường phái xã hội học Pháp do A. Comte rồi E. Durkheim đặt nền móng được ứng dụng mới đây hơn và thuộc về phong trào “thực chứng” mà kể từ thế kỉ XIX đã ảnh hưởng đến tất cả các khoa học chứ không chỉ xã hội học.

Những nguyên lí của phương pháp luận cá thể

Phương pháp luận “cá thể” dựa vào việc giải thích các hiện tượng xã hội bằng cách chỉ ra rằng chúng là kết quả của việc gộp những hành động “hiểu được”. Xét sự gia tăng rất mạnh của các vụ trộm ở Pháp hoặc ở Hoa Kì trong các thập niên 1960 và 1970: hiện tượng này được giải thích bằng sự nhân bội của việc nhân bội các hành động cá nhân (Cohen và Felson, 1979); các hành động này được nhân bội vì với thời gian những mục tiêu của chúng ngày càng hấp dẫn và ít được bảo vệ hơn: trang thiết bị của các hộ gia đình đã tăng lên rõ rệt trong các thời kì này nhưng lại thường ít được canh chừng đặc biệt do sự phát triển của lao động phụ nữ. Do đó ta “hiểu” rằng ngày càng có nhiều người quyết định lấy trộm với những tần suất ngày càng cao.

Trên nguyên tắc, có thể giải thích tất cả những hiện tượng xã hội theo cách trên (Boudon, 1984, 1986): những biến cố đặc biệt, những quy luật (tương quan thống kê, xu hướng), những tin tưởng tập thể (sự phổ biến các hệ tư tưởng, v.v.). Phương pháp được áp dụng cho việc nghiên cứu sự vận hành của các hệ thống xã hội lẫn cho những thay đổi xã hội.

Hai khái niệm cơ bản của phương pháp luận cá thể là hành động và gộp.

Hành động. - Các hệ thống xã hội được nghiên cứu gồm có những cá nhân hành động. Hành động của họ được giả định là “hiểu được” theo nghĩa của Weber. Bằng cách thử tự đặt mình “vào vị trí” của tác nhân, nhà xã hội học cố gắng tìm hiểu những lí do tác nhân tự viện ra để hành động cách này hay cách khác hay để chấp nhận niềm tin này hay niềm tin khác. Để tránh cho kiến giải của mình rơi vào sự tuỳ tiện, nhà xã hội học phải tìm hiểu thông tin về bối cảnh ra quyết định của các tác nhân. Những hành động như vậy là duy lí trong nghĩa là chúng dựa trên quan điểm của các tác nhân về các lí do. Có thể phân biệt hai nghĩa của thuật ngữ “duy lí”. Duy lí công cụ chỉ sự phù hợp của những mục đích nhắm đến với các phương tiện sẵn có. Trong phiên bản hẹp nhất, tính duy lí này là tính duy lí của homo economicus (con người kinh tế). Nhưng có thể mở rộng nó ra cho những cứu cánh vị tha và những phương tiện phi tiền tệ. Tính duy lí nhận thức nhằm giải thích bằng những lí do chính đáng - “chính đáng” theo quan điểm của tác nhân nhưng không nhất thiết là quan điểm của người quan sát - việc chấp nhận những niềm tin đủ kiểu (tin tưởng theo lí lẽ thông thường, tin tưởng khoa học, đạo đức, ý thức hệ, v.v.). Người ta phản bác rằng con người hành động chịu ảnh hưởng của những lực phi duy lí. Đó là một khả năng nhưng cực chẳng đã mới buộc phải chấp nhận, khi tất cả những nỗ lực kiến giải bằng những “lí do chính đáng” đều thất bại.

Gộp. - Sự kết hợp những hành động cá nhân có thể dẫn đến nhiều kiểu hiệu ứng gộp (Boudon, 1979): hiệu ứng cộng đơn giản, các phản ứng dây chuyền, hiệu ứng cộng dồn (với nhân quả tuần hoàn), hiệu ứng tái sản xuất, hiệu ứng mâu thuẫn, sự liệt kê này là không đầy đủ. Ví dụ về sự gia tăng các vụ trộm minh hoạ hiệu ứng gộp sơ đẳng bằng phép cộng đơn giản các hành động cá nhân. Tiến bộ kĩ thuật có thể khởi động những phản ứng dây chuyền. L. White (1962) đã chỉ ra bằng cách nào những sáng tạo như lưỡi cày hay hàm thiết ngựa đã kéo theo, thông qua vô số những nguyên nhân và hiệu ứng, nhưng đột biến kinh tế và xã hội vô cùng sâu sắc trong các xã hội thời Trung Cổ. Một hiệu ứng cộng dồn là một hiệu ứng tự củng cố qua trung gian của những hệ quả của chính nó. Khi, trong một đất nước, lượng tiền gia tăng thì sẽ có lạm phát, người dân tăng tốc mua sắm để đối phó với gia tăng của giá cả, nhưng làm như thế họ góp phần làm tăng giá cả (hiệu ứng tuần hoàn). “Nghịch lí Anderson” là một hiệu ứng tái sản xuất cổ điển: trong những thập niên qua, việc dân chủ hoá nền giáo dục đã không hay ít có ảnh hưởng đến tính cơ động xã hội: cho dù trình độ học vấn ảnh hưởng mạnh đến vị thế xã hội, và cho dù con công nhân có một xác suất ngày càng cao đạt được trình độ học vấn cao thì xác suất để chúng giữ được một vị trí tương đối cao hơn vị trí của cha mẹ chúng vẫn không mấy thay đổi. R. Boudon (1973) cho thấy là việc tái sản xuất cấu trúc xã hội là một hệ quả gộp của sự tương tác phức tạp giữa các tác nhân có liên quan. Trong một hiệu ứng mâu thuẫn, những hệ quả xã hội vĩ mô của những hành động cá nhân trái ngược với những hệ quả được các tác nhân mong đợi. Trong các nước nghèo, tỉ suất sinh con thường cao, cha mẹ trông vào con cái để giúp đỡ mình một khi về già. Thế mà gia tăng dân số do sinh sản cao này có thể khiến mọi người nghèo hơn.

Trong thực tế, có thể khó hay thậm chí không thể triển khai phương pháp luận cá thể, hoặc vì bối cảnh ra quyết định của các tác nhân không được biết rõ, hoặc vì các hiệu ứng gộp quá phức tạp. Mặt khác, trong thuật ngữ “phương pháp luận cá thể” từ “cá thể” có thể gây nhầm lẫn. Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng phương pháp này chỉ áp dụng cho các xã hội hiện đại “cá nhân chủ nghĩa” (theo từ ngữ của A. de Tocqueville): nó cũng cho phép giải thích những tin tưởng và hoạt động của những xã hội cổ truyền (Horton, 1967; Popkin, 1979). Cũng là hoàn toàn sai khi xem phương pháp luận cá thể như là một phương pháp “tự do” theo nghĩa chính trị. Phương pháp này được các nhà kinh tế cổ điển Anh hay các nhà kinh tế tự do thuộc trường phái Áo (von Mises, 1949; Hayek, 1952) và cả các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa vận dụng: K. Marx trong lí thuyết về sự tự diệt vong của hệ thống tư bản chủ nghĩa (mỗi nhà tư bản muốn tối đa hoá lợi nhuận của mình, và làm như vậy thì góp phần dẫn chủ nghĩa tư bản đến diệt vong) và O. R. Lange (1936) trong lí thuyết của ông về tính khả thi và duy lí của một kế hoạch hoá tập thể Nhà nước.

Các nguồn gốc của phương pháp luận cá thể

Từ lâu đời phương pháp luận cá thể được sử dụng trong các khoa học xã hội. Nó là nền tảng cho lí thuyết của Hume (1739-1740) về sự hình thành các chuẩn mực như luật sở hữu hay sự tôn trọng hợp đồng (Demeulanere, 1996, 39-51) cũng như cho lí thuyết khế ước xã hội của Rousseau (Boudon, 1919, 220-222). Trong kinh tế học, ta gặp lại phương pháp này trong tất cả các mô hình do các nhà kinh tế cổ điển, và đặc biệt là D. Ricardo, xây dựng: quy luật hiệu suất giảm dần, quy luật sắt về tiền lương, quy luật địa tô, quy luật san bằng tỉ suất lợi nhuận giữa các ngành sản xuất khác nhau, quy luật cung cầu, quy luật chi phí, lí thuyết định lượng về tiền tệ, quy luật lợi thế so sánh, v.v.. Trong xã hội học, Tocqueville vận dụng phương pháp luận cá thể trong các công trình của ông về xã hội học lịch sử về Cách mạng Pháp (1856) cũng như trong xã hội học về xã hội dân chủ (1848).

Trong những năm 1870, cuộc cách mạng cận biên (Jevons, 1871) đã cho ra đời kinh tế học được gọi là “tân cổ điển”. Cuộc cách mạng này quy lại là hình thức hoá các lựa chọn cá nhân, và do đó cho phép hiểu tốt hơn những hành động “duy lí” theo nghĩa công cụ của thuật ngữ này. Qua đó, phương pháp luận cá thể đã được củng cố.

Vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, trường phái xã hội học Đức đánh dấu một giai đoạn mới. Theo Weber, “xã hội học chỉ có thể bắt nguồn từ những hành động của một, vài hay nhiều cá nhân tách biệt nhau. Đó là lí do để bộ môn này nên chấp nhận một phương pháp luận “cá nhân chủ nghĩa” nghiêm ngặt. Như vậy, phương pháp luận cá thể hiện ra hoàn toàn như một phương pháp, và được công nhận như thế, cho phép mở rộng sang xã hội học phương pháp luận của các nhà kinh tế. Sự khái quát hoá này kéo theo là ta có thể phân tích một phổ rất rộng những hành động và tin tưởng phi công cụ. Do đó Weber đã phải đề xuất một tiêu chí rộng về tính duy lí dựa đặt cơ sở trên tiên đề về sự “thông hiểu”.

Kinh tế học không phải là bộ môn duy nhất tạo cảm hứng cho việc khái niệm hoá phương pháp luận cá thể: những suy tưởng của các nhà xã hội học Đức vào cuối thế kỉ XIX về triết lí lịch sử cũng đã có một vai trò quan trọng (Simmel, 1892).

Phương pháp luận tổng thể

Phương pháp luận tổng thể, trong phiên bản mạnh của nó, loại trừ hành động như là cội nguồn của nguyên nhân các hiện tượng xã hội. Phương pháp luận tổng thể bắt nguồn từ chủ nghĩa thực chứng của A. Comte, theo đó xã hội học chỉ có thể là một khoa học khi nhà xã hội học giữ một khoảng cách đối với các hiện tượng như nhà vật lí học hay nhà hoá học.

Phương pháp luận tổng thể được trường phái xã hội học Pháp xuất phát từ Comte phát triển. Durkheim (1895) cho rằng chính các hiện tượng xã hội có tác động ràng buộc nhân quả đến các cá nhân, chứ không phải ngược lại. Ông kết luận rằng những sự kiện xã hội được giải thích bởi những sự kiện xã hội khác, chứ không phải bởi những “trạng thái của ý thức cá nhân”. C. Lévi-Strauss (1978, 71-73) cho rằng ngôn ngữ là thể chế của con người thích hợp nhất cho nghiên cứu khoa học, các quy tắc ngôn ngữ học được các cá nhân áp dụng một cách vô ý thức, và tác động của nhà quan sát trên đối tượng được quan sát là không đáng kể. Các quy tắc “tổng thể luận” bắt nguồn từ chủ nghĩa thực chứng (gạt bỏ ý thức, nhà quan sát triệt để đứng ngoài) không tương thích với pha “hiểu biết” của phương pháp luận cá thể.

Hai hệ ý lớn gắn liền với phương pháp luận tổng thể là phân tích nhân quả và phân tích cấu trúc-chức năng.

Phân tích nhân quả được minh hoạ bằng nghiên cứu hiện tượng tự tử của Durkheim (1897). Những tương quan ông phát hiện đưa ông đến việc đặt giả thiết là tỉ suất tự tử tăng, hoặc khi sự hội nhập vào các nhóm xã hội là quá yếu, hoặc ngược lại, khi sự hội nhập này là quá mạnh.

Trong phân tích cấu trúc-chức năng, các thể chế xã hội được xem như những thành phần của một hệ thống: chúng đảm nhiệm những chức năng theo quan điểm của xã hội nói chung (khía cạnh chức năng) và có những quan hệ bổ sung nhau (khía cạnh cấu trúc). Hệ ý này do các nhà nhân học xây dựng: nghiên cứu các xã hội cổ truyền mà họ không biết lịch sử lâu dài, họ có thể cho là có lợi thế khi sử dụng một phương pháp đồng đại. Chẳng hạn, R. A. Radcliffe-Brown (1935) giải thích định chế thờ cúng ông bà trong các xã hội cổ truyền bằng chức năng của nó là củng cố tình đoàn kết; vì việc thờ cúng này cho phép hiểu rằng mình có thể dựa vào tác động thần diệu và có lợi của dòng dõi mình, với điều kiện là tuân thủ uy quyền của những quy tắc truyền thống.

Khi xã hội được quan niệm như một hệ thống chức năng những thể chế, ta chuyển dễ dàng sang việc phân tích cấu trúc xã hội thể hiện tính bổ sung của các thể chế này. Chẳng hạn, Parsons (1951), giải thích rằng, trong một xã hội công nghiệp, thị trường lao động khuyến khích tính cơ động của các tác nhân. Thế mà điều này đòi hỏi rằng các tác nhân không gắn bó quá chặt chẽ với các thân sinh của họ. Thể theo lập luận này, công nghiệp hoá không tương thích với những quan hệ rộng và mãnh liệt thuộc kiểu truyền thống với gia đình. Như vậy công nghiệp hoá và sự cắt đứt giữa gia đình sinh đẻ và gia đình định hướng là hai nhân tố bổ sung nhau, cấu thành một cấu trúc hài hoà.

Trong nhân học, với Lévi-Strauss (1958), nghiên cứu các cấu trúc xã hội đã khoác dạng của một chủ nghĩa cấu trúc lấy cảm hứng từ những công trình của các nhà ngữ học. Lévi-Strauss nhận ra rằng các quan hệ thân thuộc hay thông gia (anh/em) (vợ chồng)/(chú cháu) (cha/con) hợp thành, trong các xã hội khác nhau, những hệ thống đặc trưng bởi những quy luật đối lập. Các hệ thống quan hệ này được biểu trưng bằng bốn cấu trúc (thay vì mười sáu cấu trúc có thể), bất kể các xã hội được xem xét nào: + -/+ -, + -/- +, - +/+ - hay - +/- + (ví dụ, cấu trúc + -/+ - có nghĩa là các quan hệ anh/em là tốt, quan hệ vợ/chồng là xấu, quan hệ chú/cháu là tốt và quan hệ cha/con là xấu). Các quan hệ đối lập này tương tự với các quan hệ mà N. Troubetztkoy và R. Jacobson xác lập trong lĩnh vực âm vị học cấu trúc (ngôn ngữ, với tư cách là hệ thống thông báo dựa trên các âm vị).

Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể: đối lập hay bổ sung?

Dưới hình thức mà Durkheim và Lévi-Strauss khoác cho nó, phương pháp luận tổng thể đối lập với phương pháp luận cá thể. Nếu ta theo đúng từng chữ một những chỉ dẫn của họ thì những mảng lớn của xã hội học và phần lớn khoa học kinh tế sẽ biến mất.

Phương pháp luận tổng thể cũng có tính hiệu quả của nó. Nó cũng đã cho phép ra đời nhiều lí thuyết quan trọng trong những trường khác nhau của các khoa học xã hội. Đặc biệt, L. Dumont (1983) đã quy tính thống nhất của cuộc điều tra của mình bắt đầu vào năm 1953, bắt đầu với luận án của ông về một đẳng cấp ở miền nam Ấn Độ cho việc triển khai những nguyên lí của phương pháp luận tổng thể mà bao giờ ta cũng có thể bàn luận giá trị của nó (Vallade, 2001). Nhưng phương pháp luận cá thể thường có khả năng “thu dụng” các lí thuyết tổng thể. Những kết quả của một phân tích nhân quả (phương pháp tổng thể) thường được bổ sung bằng một lập luận bằng những khái niệm của phương pháp luận cá thể, như trong ví dụ sự bùng nổ của những vụ trộm trong các thập niên 1960 và 1970: ta hiểu rằng những kẻ phạm tội tiềm tàng quyết định trộm các căn hộ trong chừng mực là chúng ngày càng ít được canh giữ. Lí thuyết gia đình của Parsons giả định là các cá nhân tận dụng những cơ hội thăng tiến xã hội mà học vấn và khả năng di chuyển mở ra cho họ: chính những lựa chọn cá nhân này tạo nên, ở cấp độ xã hội vĩ mô, sự đứt quãng giữa “gia đình định hướng” và “gia đình sinh đẻ”.

(Còn nữa)

Nguồn: Dictionnaire critique de la sociologie, Raymond Boudon và François Bourricaud, Paris, PUF, 1982.

Nguồn dịch: Phân tích kinh tế 123: Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước