Phúc lợi ít hơn, từ thiện nhiều hơn

Phúc lợi ít hơn, từ thiện nhiều hơn

Phúc lợi ít hơn, từ thiện nhiều hơn

Năm 1985, George McDonald, một doanh nhân giàu có ở New York, đã xúc động trước cảnh ngộ khó khăn của người vô gia cư trong thành phố; ông đặc biệt ấn tượng bởi câu chuyện về một người phụ nữ chết cóng trên đường phố sau khi bị đẩy ra khỏi nhà ga Grand Central. Ban đầu, McDonald cung cấp bữa ăn miễn phí cho người vô gia cư, nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng lòng hảo tâm của mình không thể giúp những người thụ hưởng cải thiện hoàn cảnh của họ. Những người đó tiếp tục xuất hiện để kiếm thức ăn hết tháng này qua tháng khác. Ý tốt của ông có thể giúp mọi người ta không bị đói, nhưng chẳng thể giúp họ thoát nghèo.

Chính vì vậy, ông ấy đã suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình và tạo ra chương trình Sẵn sàng, Ưng thuận và Có khả năng (tên chính thức là Quỹ Doe), chương trình này tránh hình thức bố thí thay vào đó thúc đẩy “công việc có lương và trách nhiệm cá nhân”. Ngày nay, chương trình của McDonald’s hỗ trợ khoảng 700 người cùng một lúc, với bốn trung tâm ở Thành phố New York và một ở Philadelphia. Chương trình tập trung vào những người vô gia cư và những người mới ra tù, cung cấp thức ăn và chỗ ở, chỉ đổi lấy công việc. Những người tham gia phải làm một trong những hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận của chương trình ít nhất 30 giờ mỗi tuần, từ vệ sinh đường phố đến kiểm soát loài vật gây hại cho đến nghệ thuật ẩm thực. Người lao động ban đầu được trả nhiều hơn một chút so với mức lương tối thiểu và đủ điều kiện để được tăng lương, nhưng họ phải trả tiền cấp dưỡng nuôi con, nếu có, và tiết kiệm một phần tiền lương của họ. Sau 9 đến 12 tháng, chương trình giúp những người tham gia chuyển sang những việc làm bên ngoài và chuyển chỗ ở. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy tỷ lệ tái phạm của những người từng đi tù trong chương trình thấp hơn 60% so với nhóm đối chứng có cùng đặc điểm sau một năm.

Như khẩu hiệu của Quỹ Doe đưa ra, người nghèo cần "cần câu chứ không cần con cá."

Những chương trình của McDonald đặc biệt thành công, nhưng chương trình của ông không hề độc nhất. Ở mọi thành phố trên khắp đất nước này, các tổ chức từ thiện tư nhân, một số dựa trên tín ngưỡng, một số không, đang giúp đỡ người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn thành công. Và họ thực hiện mà không có sự tham gia của chính phủ.

Đây không phải là hiện tượng mới. Ví dụ, trong nửa đầu thế kỷ 20, khi người Mỹ gốc Phi thường xuyên bị loại khỏi các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ, các khu nhà trọ dành cho người da đen, chẳng hạn như Prince Hall Masons và các tổ chức khác đã thành lập một mạng lưới từ thiện rộng khắp và rất thành công. Họ xây dựng các trại trẻ mồ côi và những ngôi nhà dành cho người già, cung cấp thức ăn cho người đói và chỗ ở cho người vô gia cư và giúp những người thất nghiệp tìm việc làm. Các khu nhà trọ dành cho người đen cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, thuê thầy thuốc để cung cấp dịch vụ cho các người thuê và gia đình của họ. Mạng lưới mang tên “y tế tại lữ quán” phổ biến đến mức người Mỹ gốc Phi có nhiều loại bảo hiểm y tế hơn người da trắng trong những năm đầu của thế kỷ 20.

Thật không may, các mạng lưới từ thiện tư nhân như vậy đã bị bóp nghẹt bởi phân biệt chủng tộc và mô hình nhà nước phúc lợi đang gia tăng. Ngày nay, phần lớn chúng đã biến mất.

Những người ủng hộ nhà nước phúc lợi hiện đại không ngừng nói rằng nếu chúng ta không có TANF (Chương trình hỗ trợ tạm thời dành cho các gia đình nghèo khó), phiếu thực phẩm, phiếu mua nhà và một loạt các chương trình tái phân phối khác, sẽ không có ai chăm sóc cho người nghèo hoặc những người cần giúp đỡ. Thực tế là người Mỹ hào phóng một cách đáng kinh ngạc và luôn sẵn sàng hỗ trợ những người không thể tự lo cho bản thân của họ. Kể từ khi Cuộc chiến chống nghèo đói bắt đầu vào năm 1965, hoạt động từ thiện tư nhân đã đạt tổng cộng hơn 10,2 nghìn tỷ đô la (tính theo đô la năm 2014); trong đó khoảng 29%, tương đương 3 nghìn tỷ đô la dành cho các dịch vụ dành cho con người hoặc lợi ích xã hội công cộng. Và con số này không tính đến hàng trăm tỷ giờ mà người Mỹ dành để tình nguyện giúp đỡ người khác. Chỉ riêng năm ngoái, 64,5 triệu người Mỹ đã dành 7,9 tỷ giờ cho công việc tình nguyện.

Tất nhiên, số tiền quyên góp từ thiện ít hơn nhiều so với 19 nghìn tỷ đô la mà chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương đã chi để chống lại nghèo đói kể từ năm 1965. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy việc đóng góp từ thiện sẽ cao hơn nhiều nếu không có nhà nước phúc lợi. Có những nghiên cứu thậm chí từ những năm 1870 cho thấy, quyên góp từ phía tư nhân tăng lên khi các chương trình của chính phủ giảm, và ngược lại giảm khi các chương trình của chính phủ trở nên hào phóng hơn, dẫn đến tổng số tiền chi tiêu (cả công và tư) tương đối không đổi.

Quan trọng hơn, các tổ chức từ thiện tư nhân sẽ hiệu quả hơn trong việc cung cấp cho người nghèo những công cụ họ cần để thoát nghèo. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Cuộc chiến chống nghèo đói, đặc biệt là trong những năm đầu, đã giúp giảm bớt những thiếu thốn vật chất cùng cực nhất của nghèo đói. Tuy nhiên, trạng thái phúc lợi mà nó sinh ra đã đạt đến điểm hiệu suất giảm dần. Trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng chi nhiều tiền hơn cho ngày càng nhiều chương trình, trong khi nhận được rất ít, nếu có, lợi ích bổ sung. Quan trọng hơn, Cuộc chiến chống nghèo đói đã không làm cho người nghèo bớt phụ thuộc hoặc tăng dịch chuyển kinh tế giữa người nghèo và con cái của họ. Chúng ta có thể đã giảm bớt nỗi phiền muộn do nghèo đói, nhưng đã không thực sự đưa mọi người thoát khỏi nó.

Mặt khác, các nỗ lực từ thiện tư nhân có thể giải quyết các vấn đề cơ bản thực sự khiến mọi người rơi vào cảnh nghèo đói. Họ có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình và trách nhiệm. Họ cung cấp "cần câu chứ không phải con cá." Và, như “Sẵn sàng, Ưng thuận và Có khả năng” chứng minh, họ có thể nhấn mạnh tính ưu việt của làm việc như một con đường thoát nghèo.

Những thất bại của Cuộc chiến chống nghèo đói nên là một bài học kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay. Nếu tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, đó không phải là do chúng ta đã không phân phối lại đủ của cải. Thay vào đó, đó là do hệ thống phúc lợi không cung cấp các công cụ hoặc động cơ giúp người nghèo tự túc.

Có lẽ những gì chúng ta cần là phúc lợi ít hơn một chút và từ thiện nhiều hơn một chút.

Nguồn: Michael D. Tanner, Less Welfare, More Charity, CATO Institute, 20/8/2014

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Đỗ Tiến Đức