P/v ông Nguyễn Đình Cung: “Chúng ta mở cửa chậm hơn thế giới là gay go”

P/v ông Nguyễn Đình Cung: “Chúng ta mở cửa chậm hơn thế giới là gay go”

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm khi nói về các động cơ tăng trưởng trong thời gian tới.

- Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, chưa thay đổi mục tiêu phát triển đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2). Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi đồng tình với quyết định này. Điều chúng ta cần làm lúc này không chỉ là có đạt được mục tiêu hay không, mà là thấy rõ khó khăn là gì, cần thay đổi gì, theo hướng nào, từ đó tạo áp lực để vượt qua. Đây cũng sẽ là cách gia tăng động lực tăng trưởng kinh tế.

Thực tế 6 tháng qua cho thấy, nhiều vấn đề đang đòi hỏi cách điều hành, phương án giải quyết khác so với năm ngoái. Ví dụ, với đầu tư công, chỉ đốc thúc tiến độ là không đủ. Biến động giá cả nguyên vật liệu đã khiến tổng mức đầu tư nhiều dự án thay đổi, nhà thầu không dám thực hiện. Hệ quả là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 2 quý đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lúc này, cần các bộ, ngành, địa phương đồng hành với các chủ đầu tư, nhà thầu để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục. Nếu không, dự án sẽ không chạy, không đạt được mục tiêu là thúc đẩy giải ngân.

Trong các giải pháp phòng chống dịch cũng vậy, cần tiếp tục có sự chỉ đạo nhất quán trên phạm vi toàn quốc, không để tái diễn mỗi địa phương làm một kiểu, khiến hàng hóa thông thương khó khăn, chi phí cao.

Khi bàn về bối cảnh hiện tại, chúng ta nhắc đến sự trở lại của các thị trường lớn trên thế giới, tới dư địa của tăng trưởng xuất khẩu, nhưng câu hỏi là năng lực sản xuất của doanh nghiệp thế nào nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, các giải pháp giãn cách vẫn được thực hiện...

- Vậy theo ông, động cơ cho tăng trưởng các tháng cuối năm nằm ở đâu?

- Theo tôi, vẫn phải là đầu tư công và doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp hồi phục, đầu tiên phải nói đến sự chia sẻ của ngân hàng. Còn nhớ, giai đoạn 2011-2015, khi ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp, dân chúng đã chịu thiệt thòi khá nhiều để cùng với ngân hàng vượt qua khủng hoảng. Việc chia sẻ lúc này là đạo lý kinh doanh.

Thứ hai, cần có chính sách kéo vốn vào sản xuất, kinh doanh, thay vì đổ vào thị trường chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Để làm được, các kế hoạch mở cửa cần được thiết lập, cùng với các kịch bản kiểm soát dịch bệnh, tốc độ tiêm chủng. Kịch bản này phải được kết nối với tốc độ mở cửa của thế giới. Đây là lúc các ứng dụng công nghệ thông tin cần được triển khai mạnh mẽ, trên diện rộng.

Đặc biệt, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư kinh doanh phải được thay đổi ngay, theo kịp xu thế phát triển mới. Ví dụ, cần có cơ chế khuyến khích chuyển dịch sản xuất thâm dụng lao động ra khỏi khu vực TP.HCM.

Đợt dịch hiện tại ở khu vực TP.HCM cho thấy, các khu công nghiệp của Thành phố vẫn chủ yếu gồm các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong khi đáng ra đây phải là đất dành cho doanh nghiệp, dự án công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển… Lúc này, cần cơ chế về chuyển đổi quyền sử dụng đất, về chính sách ưu đãi thuế…, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính.

Thứ ba, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc lựa chọn ngành nghề, cách thức làm mới. Có thể những ngành nghề tạo ra tăng trưởng cho Việt Nam hơn 30 năm qua, như gia công xuất khẩu… không còn là bệ đỡ của tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Hay doanh nghiệp nhà nước, với nguồn lực lớn, sẽ phải tham gia quá trình phục hồi kinh tế như thế nào… Các câu hỏi này phải được trả lời rõ ràng.

Phải nói thêm, tốc độ tăng trưởng 5,64% của nửa năm qua không phải là cao, không chỉ đứng ở góc độ nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, mà còn so với tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đó là chưa kể tác động của dịch bệnh trong tháng 5, tháng 6 chưa thể hiện trong các chỉ số kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm.

Điều làm tôi lo lắng lúc này là các nước đã có kế hoạch mở cửa, mình mà chậm là gay go.

- Đang có nhiều khuyến nghị từ doanh nghiệp về việc mở cửa trở lại, như thí điểm visa vắc-xin với chuyên gia, khách du lịch…

- Sẽ có những khó khăn, nhưng quan điểm của tôi là, chúng ta không thể chậm hơn tốc độ mở cửa của thế giới. Điều này đòi hỏi Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực sự vào cuộc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, chứ không thể chờ hết dịch mới làm. Có thể nói, trạng thái chờ đợi, tâm lý có chỉ đạo mới làm chính là cản trở lớn nhất cho tăng trưởng của Việt Nam lúc này.

Ví dụ, Bộ Giao thông - Vận tải không thể trả lời Công ty cổ phần IPP Air Cargo là đợi thị trường hàng không phục hồi, dự kiến sau năm 2022, mới xem xét thành lập hãng hàng không mới. Đây là hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa, nếu được bay sớm vào lúc cả thị trường thế giới đang hồi phục nhanh, nhu cầu lớn, cơ hội thành công không chỉ của doanh nghiệp mà chính là của nền kinh tế vì có mặt trên thị trường thế giới đúng thời điểm.

Việc hoàn thiện chính sách cũng cần phải theo hướng cùng bàn với doanh nghiệp để có phương án phù hợp, chứ không thể cứ doanh nghiệp kêu mới đề xuất giãn thời gian thực hiện, như việc lắp camera, thu phí hạ tầng cảng biển…

Trong lúc này, các kế hoạch kinh doanh mới, phương thức kinh doanh mới cần được khuyến khích, không chỉ theo nghĩa bù đắp cho những sụt giảm của các mô hình truyền thống, mà còn chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tới.

Nhìn vào các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng qua, động cơ chính nằm ở các ngành công nghệ, tăng năng suất lao động do ứng dụng công nghệ… Họ không chờ, mà bắt tay vào thúc đẩy sự thay đổi.

Nguồn: Khánh An, TS. Nguyễn Đình Cung: “Chúng ta mở cửa chậm hơn thế giới là gay go”, Báo điện tử Đầu tư, 5/7/2021