Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 3/4)

Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 3/4)

Đây là phần trích đăng từ chương "The Foundations of Liberal Policy" (tr. 1-34) trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

Trong Phần 3 dưới đây, chúng tôi bỏ đi hai mục: mục 9 (Phê phán thuyết vũ lực) và mục 10 (Luận cứ của chủ nghĩa phát-xít), vì nhiều vấn đề cụ thể được nêu ra trong đó không còn tính thời sự nữa.

- Thị trường Tự do Academy

(Tiếp theo Phần 2)

8. Chế độ dân chủ

Như vậy là, chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có ý định phủ nhận sự cần thiết của bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật và chính phủ. Gắn kết nó, dù dưới bất kì hình thức nào, với tư tưởng của chủ nghĩa vô chính phủ là sai lầm nghiêm trọng. Đối với người theo trường phái tự do, nhà nước là bộ máy tuyệt đối cần thiết vì người ta giao cho nó những nhiệm vụ cực kì quan trọng: bảo vệ không chỉ sở hữu tư nhân mà còn bảo vệ hòa bình vì nếu không có hòa bình thì không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích mà sở hữu tư nhân mang đến cho người ta.

Chỉ cần những lí lẽ như thế cũng đủ để xác định những chức năng mà nhà nước phải thực hiện nhằm đáp ứng lí tưởng của chủ nghĩa tự do. Nhà nước phải không chỉ đủ sức bảo vệ sở hữu tư nhân mà còn phải được xây dựng như thế nào đó để tiến trình phát triển hòa bình và uyển chuyển của xã hội không bao giờ bị những cuộc nội chiến, cách mạng và bạo loạn làm cho gián đoạn.

Nhiều người vẫn còn bị ý tưởng, có từ thời tiền tự do, cho rằng làm quan là cao quý và đáng trọng. Cho đến mãi thời gian gần đây, và cả hiện nay, các quan chức ở Đức vẫn được người ta trọng vọng, thái độ trọng vọng như thể làm quan là địa vị cao quý hơn cả. Sự tôn trọng của xã hội đối một chức quan hạng bét hay anh trung uý quèn còn cao hơn gấp nhiều lần sự tôn trọng dành cho một doanh nhân hay một luật sư lão làng. Các nhà văn, các nhà bác học và các nghệ sĩ đã nổi tiếng và được vinh danh ở nước ngoài nhưng ở trong nước lại chỉ nhận được sự tôn trọng tương xứng với địa vị khiêm tốn mà họ giữ trong bộ máy thư lại của nhà nước mà thôi.

Đánh giá quá cao công việc trong các văn phòng của bộ máy quản lí như thế thật là một việc làm thiếu căn cứ. Đấy là một dạng lại tổ, dấu vết của những ngày xa xưa, khi mà người dân thường còn phải sợ vua chúa và các hiệp sĩ của ông ta vì lúc nào cũng có thể bị bọn họ cướp bóc. Trên thực tế, dùng thời giờ để ghi hồ sơ trong các công sở cũng chẳng có gì hay ho hơn, vinh dự hơn hay danh giá hơn, thí dụ như, làm trong phòng thiết kế của một nhà máy chế tạo nào đó. Nhân viên thuế vụ cũng có địa vị chẳng khác gì những người trực tiếp làm ra tài sản mà một phần của nó đã bị thu dưới dạng thuế khoá để trả cho chi phí của bộ máy của nhà nước.

Quan niệm về địa vị đặc biệt và phẩm giá của các quan chức nhà nước là cơ sở của lí thuyết giả dân chủ về nhà nước. Lí thuyết này nói rằng để cho người khác cai trị là đáng xấu hổ. Lí tưởng của nó là một thể chế, trong đó mọi người dân đều quản lí, đều chỉ huy. Dĩ nhiên là chuyện này chưa bao giờ, hiện không thể và sẽ chẳng bao giờ xảy ra hết, ngay cả trong một quốc gia bé tí. Có thời người ta đã nghĩ là lí tưởng đó đã được thực hiện ở các thành bang Hy Lạp thời Cổ đại và trong các bang nhỏ ở vùng núi của Thuỵ Sĩ. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Ở Hy Lạp, chỉ có một phần dân cư, tức là các công dân tự do, là có đóng góp phần nào vào việc cai trị; dân ngụ cư và nô lệ không có đóng góp gì. Ở các bang của Thuỵ Sĩ những vấn đề hoàn toàn mang tính địa phương đã và vẫn được giải quyết theo lối dân chủ trực tiếp, đấy là nguyên tắc đã được đưa vào hiến pháp. Còn tất cả các vấn đề vượt ra ngoài biên giới khu vực đều thuộc quyền tài phán của Liên bang, mà chính phủ Liên bang của nước này thì khác xa với lí tưởng về dân chủ trực tiếp.

Chẳng có gì phải xấu hổ khi để cho người khác cai trị mình. Chính phủ và bộ máy quản lí, cảnh sát và các cơ quan khác, cũng cần các nhà chuyên môn: các quan chức chuyên nghiệp và các chính khách chuyên nghiệp. Nguyên tắc phân công lao động cũng được áp dụng cho cả các chức năng của chính phủ. Không ai có thể vừa làm kĩ sư vừa làm cảnh sát cùng một lúc được. Nếu tôi không phải là công an thì phẩm giá của tôi, sự thịnh vượng của tôi, tự do của tôi cũng chẳng hề giảm đi chút nào. Nếu một ít người chịu trách nhiệm bảo vệ những người khác thì đấy cũng không hề phi dân chủ hơn là chỉ một số ít người sản xuất giày cho những người khác vậy. Nếu các thể chế của nhà nước là dân chủ thì chẳng có tí lí do gì để phản đối các chính khách và các quan chức dân sự chuyên nghiệp hết. Nhưng chế độ dân chủ là thể chế hoàn toàn khác với quan niệm của những kẻ mơ mộng hão huyền, chuyên tán nhảm về dân chủ trực tiếp.

Chính phủ là một nhóm người - số người cai trị bao giờ cũng ít hơn số người bị trị, chẳng khác gì số thợ giày so với số người mua giày vậy - phụ thuộc vào sự chấp thuận của những người mà họ cai quản, nghĩa là sự chấp nhận bộ máy quản lí hiện hữu. Họ có thể coi chính phủ là một cái ác không thể tránh được, nhưng họ cũng phải nghĩ rằng việc thay đổi hiện trạng chẳng đem lại cái gì cả. Nhưng nếu đa số những kẻ bị trị tin rằng cần phải và có thể thay đổi hình thức cai trị và thay chế độ cũ và các quan chức cũ bằng một chế độ mới và các quan chức mới thì ngày tàn của chế độ cũ đã điểm. Khối đa số sẽ có đủ lực lượng để thực hiện ước vọng của họ bằng vũ lực, ngay cả trong trường hợp phải chống lại ý chí của chế độ cũ. Về lâu dài, nếu dư luận không ủng hộ, nghĩa là nếu những người bị trị không tin rằng chính phủ của họ thuộc loại tốt, thì không chính phủ nào có thể đứng vững được. Sức mạnh mà chính phủ dùng để đàn áp tinh thần phản đối chỉ có hiệu quả khi đa số chưa tập hợp thành phe đối lập đoàn kết nhất trí mà thôi.

Như vậy nghĩa là trong bất kì thể chế nào cũng có những phương tiện để buộc chính phủ phải phụ thuộc vào ý chí của những người bị trị: đấy là nội chiến, cách mạng và bạo loạn. Nhưng đấy chính là những phương tiện mà chủ nghĩa tự do muốn tránh. Sự cải thiện về mặt kinh tế không thể kéo dài nếu những cuộc đấu đá nội bộ liên tục làm cho công việc bị gián đoạn. Tình hình chính trị rối loạn, tương tự như tình hình thời những cuộc chiến tranh hoa hồng ở nước Anh, trong vòng vài năm sẽ đẩy nước này vào hoàn cảnh nghèo đói, khốn quẫn nhất. Nếu người ta không tìm được biện pháp ngăn ngừa nội chiến thì kinh tế không thể nào phát triển được như ngày nay. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, tương tự như cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, phải trả giá bằng rất nhiều nhân mạng và của cải. Nền kinh tế hiện nay của chúng ta không thể chịu đựng nổi những cơn chấn động tương tự như thế. Dân chúng trong các thành phố thủ đô hiện đại sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì những cuộc nổi dậy, bạo loạn sẽ làm gián đoạn việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm, than đá và cắt đứt đường dây điện, đường dẫn khí đốt, dẫn nước, chỉ nội nỗi sợ trước những rối loạn như thế đã đủ làm tê liệt đời sống của đô thị rồi.

Đấy là lĩnh vực mà chế độ dân chủ có thể tìm thấy chức năng xã hội của mình. Chế độ dân chủ là thể chế có thể buộc chính phủ phải đáp ứng các ước nguyện của những người bị trị mà không cần tới những cuộc đấu tranh đầy bạo lực. Trong nhà nước dân chủ, nếu chính phủ không thực hiện chính sách được lòng đa số thì người ta có thể đưa những người làm vừa lòng đa số lên cầm quyền mà không cần gây ra nội chiến. Bằng những cuộc bầu cử và những dàn xếp trong quốc hội, việc thay đổi chính phủ được thực hiện một cách êm ả, không có va chạm, không có bạo lực và không còn cảnh đầu rơi máu chảy nữa.

11. Giới hạn hoạt động của chính phủ

Người theo trường phái tự do cho rằng nhiệm vụ của nhà nước chỉ và dứt khoát chỉ là bảo đảm việc giữ gìn đời sống, sức khỏe, tự do và sở hữu tư nhân khỏi những cuộc tấn công bằng bạo lực mà thôi. Ngoài những cái đó ra đều là không tốt. Chính phủ, thay vì thực hiện nhiệm vụ của mình, lại đi xa đến mức, thí dụ, như can thiệp vào sự an toàn về cuộc sống và sức khỏe, tự do và tài sản của cá nhân, dĩ nhiên là hoàn toàn không tốt.

Nhưng, như Jacob Burckhardt đã nói: quyền lực tự nó đã là xấu, ai sử dụng không quan trọng. Quyền lực có thể làm băng hoại người cầm quyền và dẫn đến lạm dụng. Không chỉ những ông vua và những nhà quý tộc nắm quyền tuyệt đối, mà quần chúng, khi chế độ dân chủ giao vào tay họ quyền lực tối cao của chính phủ, cũng rất dễ có xu hướng thái quá.

Ở Mỹ việc sản xuất và buôn bán rượu bị cấm đoán. [Ý nói đến điều luật gọi là “luật khô” ở Mỹ – chú thích của bản tiếng Nga – ND]. Những nước khác không đi xa đến như thế, nhưng hầu như ở đâu cũng có những hạn chế đối việc mua bán thuốc phiện, cocaine, và những loại ma tuý khác. Có vẻ như ở đâu người ta cũng cho rằng một trong những nhiệm vụ của ngành lập pháp và chính phủ là bảo vệ cá nhân khỏi chính anh ta. Ngay cả những người, mà trong những lĩnh vực khác thường lo ngại về sự mở rộng lĩnh vực hoạt động của chính phủ, cũng cho rằng về khía cạnh này, quyền tự do cá nhân bị ngăn chặn là đúng, thậm chí họ còn nghĩ rằng chỉ có những lí thuyết gia cố chấp ngu ngốc mới có thể phản đối những cấm đoán như thế. Trên thực tế, việc can thiệp kiểu như thế của chính quyền vào đời sống cá nhân được chấp nhận rộng rãi đến mức những người chống đối chủ nghĩa tự do có xu hướng xây dựng lí lẽ và rút ra kết luận rằng tự do tuyệt đối là không tốt và chính phủ, trong vai trò người bảo vệ hạnh phúc, cần phải có một số biện pháp ngăn chặn đối với quyền tự do cá nhân. Không nên đặt câu hỏi chính phủ có phải ngăn chặn quyền tự do cá nhân hay không mà là những biện pháp ngăn chặn có thể đi xa đến mức nào mà thôi.

Không cần phí lời để bàn về thực tế là tất cả các loại ma tuý đều có hại. Câu hỏi là một ít rượu có có hại hay không hay chỉ có hại khi rượu bị lạm dụng cũng không phải là vấn đề cần thảo luận ở đây. Thực tế cho thấy là nghiện rượu, nghiện cocaine, nghiện morphine rất có hại cho đời sống, sức khỏe, khả năng lao động và nghỉ ngơi và vì vậy mà những người theo chủ nghĩa công lợi phải coi đấy là những tệ nạn. Nhưng như thế không có nghĩa là chính phủ phải ngăn chặn những tệ nạn này bằng cách cấm buôn bán chúng. Chưa có gì chứng tỏ rằng sự can thiệp của chính phủ có thể ngăn chặn được những thói xấu đó, và ngay cả có ngăn chặn được thì điều đó cũng không có nghĩa là nó không mở cái hòm Pandora và từ đó không xuất hiện những mối hiểm nguy còn khủng khiếp hơn là tệ nghiện rượu và nghiện morphine.

Không ai cản trở những người tin rằng sử dụng hay lạm dụng những chất độc đó là có hại được sống một cách chừng mực và điều độ. Không nên coi vấn đề này chỉ liên quan đến tệ nghiện rượu, nghiện morphine và cocaine .v.v. mà ai cũng biết là không tốt rồi. Vì nếu về nguyên tắc, đa số các công dân có quyền áp đặt lối sống của mình cho thiểu số thì việc cấm đoán sẽ không dừng lại ở rượu, morphine, cocaine và những chất độc hại tương tự khác. Tại sao có thể cấm các chất đó mà không cấm nicotine, caffeine và những chất tương tự khác? Tại sao chính phủ lại không quy định có thể ăn loại thức ăn nào, không nên ăn loại thức ăn nào vì đấy là thức ăn có hại? Trong lĩnh vực thể thao nhiều người có xu hướng làm quá sức mình. Tại sao chính phủ không can thiệp trong lĩnh vực này? Ít người biết cách kiềm chế trong đời sống tình dục, và có vẻ như những người già yếu không chịu hiểu rằng họ nên chấm dứt hoàn toàn thú vui này hoặc chỉ nên vừa phải thôi. Chính phủ có cần can thiệp không? Một số người có thể nói rằng đọc sách báo độc hại còn nguy hiểm hơn những thứ đó nữa. Có nên cho phép xuất bản những loại sách báo chuyên thỏa mãn những bản năng thấp hèn của con người để rồi chúng sẽ làm băng hoại tâm hồn họ hay không? Có nên cấm tranh ảnh khiêu dâm, những vở kịch đồi trụy và tóm lại là tất cả những gì có thể lôi kéo người ta vào con đường vô đạo hay không? Và việc truyền bá những lí thuyết xã hội học sai lầm có làm bại hoại con người và các dân tộc hay không? Kích động nội chiến và chiến tranh giữa các dân tộc có bị cấm đoán hay không? Những tác phẩm báng bổ lỗ mãng và những câu chuyện hồ đồ làm hại đến thanh danh của Chúa và Nhà thờ có bị cấm hay không?

Như chúng ta đã thấy, chỉ cần từ bỏ nguyên tắc nói rằng chính phủ không được can thiệp vào bất cứ vấn đề nào liên quan đến cách sống của cá nhân là chúng ta sẽ tiến dần đến việc điều tiết và ngăn cấm cả những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất. Quyền tự do cá nhân sẽ bị huỷ bỏ. Cá nhân sẽ trở thành nô lệ của cộng đồng, sẽ phải tuân theo mệnh lệnh của đa số. Chẳng cần phải nói thêm nữa về cách thức mà những kẻ cầm quyền chẳng ra gì có thể lạm dụng quyền lực ở đây. Khi đã nắm được quyền lực như thế, ngay cả những người có những ý định tốt nhất cũng chắc chắn sẽ biến thế giới thành nghĩa địa của tâm hồn. Toàn bộ nền văn minh nhân loại là kết quả của những sáng kiến của thiểu số nhỏ bé, những người đầu tiên xa rời tư tưởng và tập quán của đa số, sau đó đa số mới chấp nhận sáng kiến của họ. Cho đa số quyền hạ lệnh cho thiểu số nghĩ gì, đọc gì và làm gì đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết, một lần và vĩnh viễn, cho sự tiến bộ.

Chớ nên nói rằng cuộc đấu tranh chống việc lạm dụng morphine và cuộc đấu tranh chống văn hoá phẩm “đồi trụy” là hai việc khác nhau. Khác biệt duy nhất giữa chúng là một số trong chính những người ủng hộ cuộc đấu tranh chống lạm dụng morphine không đồng ý chống văn hoá phẩm “đồi trụy”, chỉ có thế thôi. Ở Mỹ, những người theo trường phái giám lí và những người chính thống trong giáo hội Thiên chúa giáo, sau khi thông qua được luật chống sản xuất và buôn bán rượu đã tiếp tục đấu tranh nhằm đàn áp thuyết tiến hoá và đã đẩy được thuyết Darwin ra khỏi trường học trong một loạt tiểu bang. Ở nước Nga Xô Viết mọi biểu hiện của tự do phát biểu đều bị cấm đoán. Việc một cuốn sách nào đó có được xuất bản hay không phụ thuộc vào thái độ tuỳ tiện của một loạt những kẻ cuồng tín ít học và vô văn hoá được chính phủ giao cho trách nhiệm về vấn đề này.

Những người đương thời với chúng ta có xu hướng đòi chính phủ cấm đoán ngay lập tức những thứ không làm họ hài lòng và việc họ sẵn sàng chấp nhận những cấm đoán như thế ngay cả khi đấy là những thứ phù hợp với họ chứng tỏ rằng tinh thần nô lệ đã ăn sâu bén rễ trong lòng người ta đến mức nào. Cần phải nhiều năm tự học thì một người nô lệ mới có thể trở thành công dân tự do. Người tự do phải biết chịu đựng khi những người đồng bào của mình hành động và sống khác với cách mà anh ta cho là đúng đắn. Anh ta phải bỏ thói quen gọi cảnh sát mỗi khi thấy điều gì đó không vừa ý với mình.

(Xem tiếp Phần 4)

Nguồn: Ludwig von Mises, Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh