[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương V:

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương V: "Tôi đã nhìn thấy tương lai, và nó đang chạy tốt" - Tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt (Phần 2)

MÙA HẠ DÀI

Khoảng 15 nghìn năm trước Công nguyên (TCN), Kỷ Băng hà kết thúc khi khí hậu trái đất ấm dần lên. Bằng chứng từ lõi băng ở Greenland cho thấy nhiệt độ bình quân tăng xấp xỉ 15°C trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này dường như trùng hợp với sự tăng nhanh dân số của loài người vì nó dẫn đến gia tăng số lượng động vật, đồng thời tạo ra nhiều thực vật và lương thực hơn. Quá trình này bị đảo ngược nhanh chóng vào khoảng 14 nghìn năm TCN qua một thời kỳ lạnh dần được gọi là Younger Dryas, nhưng sau năm 9600 TCN, nhiệt độ trái đất gia tăng trở lại, thêm khoảng 7°C trong chưa đến một thập niên, và từ đó nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao. Nhà khảo cổ học Brian Fagan gọi thời kỳ này là Mùa hạ dài (Long Summer). Tình trạng khí hậu ấm dần lên đánh dấu một thời điểm quyết định vĩ đại tạo thành bối cảnh cho cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới, trong đó xã hội loài người chuyển sang cuộc sống an cư lạc nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Thời kỳ này, cũng như phần còn lại trong lịch sử loài người sau đó, được tắm mình trong ánh nắng của Mùa hạ dài này.

Có sự khác biệt cơ bản giữa trồng trọt chăn nuôi và săn bắt hái lượm. Trồng trọt chăn nuôi dựa vào khai hóa thực vật và thuần hóa động vật, chủ động can thiệp vào chu kỳ sống, thay đổi các yếu tố di truyền để làm cho các giống loài này trở nên hữu ích hơn đối với con người. Khai hóa và thuần hóa là sự thay đổi công nghệ giúp con người tạo ra nhiều lương thực hơn từ các loài thực vật hoang dại và động vật hoang dã sẵn có. Ví dụ, việc trồng ngô bắt đầu khi con người thu thập teosinte, một giống cây dại vốn là thủy tổ của cây ngô. Quả teosinte rất nhỏ, chỉ dài vài cm, bé hơn nhiều so với một quả ngô hiện đại. Rồi dần dần, thông qua việc tuyển chọn những bông hoa teosinte lớn hơn và những cây không bị gãy hoa mà vẫn nguyên vẹn trên cây cho đến khi thu hoạch, con người tạo ra giống ngô hiện đại mang lại nhiều dinh dưỡng hơn trên cùng một mảnh đất.

Những bằng chứng cổ xưa nhất về trồng trọt chăn nuôi, khai hóa thực vật và thuần hóa động vật xuất phát từ Trung Đông, cụ thể là vùng đồi núi được gọi là Hilly Flanks, trải dài từ phía nam Israel ngày nay qua Palestine và bờ tây sông Jordan, băng qua Syria vào đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, bắc Iraq và tây Iran. Khoảng năm 9500 TCN, những cây trồng đầu tiên, lúa mì và lúa mạch hai hàng, được tìm thấy ở vùng Jericho bờ tây sông Jordan thuộc Palestine; và lúa mì, đậu, đậu lăng được tìm thấy ở Tell Aswad, cực bắc Syria. Cả hai nơi đều thuộc nền văn hóa Natufian và cả hai đều bao gồm những ngôi làng lớn; làng Jericho thời ấy có thể có dân số khoảng 500 người.

Tại sao những ngôi làng nông nghiệp đầu tiên xuất hiện ở đây chứ không phải ở nơi nào khác? Tại sao người Natufian chứ không phải bộ tộc nào khác đã trồng những cây đậu và đậu lăng đầu tiên? Phải chăng họ may mắn và chỉ tình cờ sống ở nơi có nhiều giống cây có tiềm năng được khai hóa sớm nhất? Tuy điều này là đúng, nhưng nhiều người khác cũng sống giữa những giống cây này mà không khai hóa chúng. Như ta đã thấy qua các bản đồ 4 và 5 trong chương 2, nghiên cứu của các nhà di truyền học và khảo cổ học nhằm tìm hiểu sự phân phối của tổ tiên hoang dã của các loài thực vật và động vật thuần hóa hiện đại cho thấy rằng thủy tổ của nhiều giống này mọc tràn lan khắp những vùng đất rộng hàng triệu km2. Tổ tiên hoang dã của các loài động vật thuần hóa sinh sống khắp lục địa Á- Âu. Mặc dù ở Hilly Flanks đặc biệt có nhiều loài hoa màu hoang dại, nhưng những loài cây này không chỉ mọc ở đó. Không phải người Natufian sống ở những nơi mà chỉ ở đó mới có những loài cây dại làm cho họ trở thành đặc biệt. Mà điểm mấu chốt là họ đã sống an cư trước khi lạc nghiệp bằng cách khai hóa cây trồng và thuần hóa thú hoang. Một bằng chứng được tìm thấy từ răng linh dương, bao gồm cementum, một chất mô kết nối xương mọc thành từng lớp. Vào mùa xuân và mùa hè, khi cementum tăng trưởng nhanh nhất, các lớp này có màu khác với những lớp hình thành vào mùa đông. Bằng cách cắt ra một mảnh răng, bạn có thể thấy màu của lớp sau cùng tạo ra trước khi con linh dương chết. Sử dụng kỹ thuật này, bạn có thể xác định xem con linh dương đã bị giết vào mùa hè hay mùa đông. Ở khu vực người Natufian sinh sống, người ta tìm thấy những con linh dương bị giết cả bốn mùa, cho thấy sự định cư quanh năm. Làng Abu Hureyra bên sông Euphrates là một trong những vùng định cư của người Natufian được nghiên cứu nhiều nhất. Trong gần 40 năm, các nhà khảo cổ đã xem xét các lớp đất của ngôi làng, cung cấp một trong những ví dụ xác thực nhất về cuộc sống định cư ổn định trước và sau khi chuyển sang canh tác nông nghiệp. Cuộc sống định cư có lẽ bắt đầu vào khoảng năm 9500 TCN, và bộ tộc tiếp tục lối sống săn bắt hái lượm thêm 500 năm nữa trước khi chuyển sang công việc đồng áng. Các nhà khảo cổ ước lượng rằng dân số của làng trước khi bắt đầu hoạt động nông nghiệp là từ 100 đến 300 người.

Bạn có thể suy nghĩ về đủ mọi lý do khiến một xã hội có thể có lợi hơn khi sống đời định cư. Nay đây mai đó thì tốn kém; trẻ em và người già phải được bồng bế, và không thể trữ lương thực phòng khi đói kém khi bạn đang du cư. Hơn nữa, những công cụ như đá mài và lưỡi hái thật hữu ích để chế biến thức ăn hoang dã, nhưng thật nặng nề khi mang theo. Có những bằng chứng cho thấy ngay cả những người săn bắt hái lượm du cư cũng cất trữ lương thực ở những nơi chọn lọc như hang động. Một điểm hấp dẫn của ngô là dễ dàng cất giữ, và đây là lý do chính khiến hoa màu này được trồng rộng rãi trên khắp châu Mỹ. Khả năng xử lý hữu hiệu hơn việc lưu trữ và tích lũy lương thực ắt phải là động cơ then chốt khuyến khích con người áp dụng lối sống định cư.

Mặc dù định cư tập thể có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng điều này không có nghĩa là sự định cư nhất thiết sẽ phải xảy ra. Một nhóm người săn bắt hái lượm du cư sẽ phải đồng ý áp dụng lối sống này, hay phải có một ai đó buộc họ phải thay đổi lối sống. Một vài nhà khảo cổ cho rằng mật độ dân số gia tăng và mức sống giảm là những yếu tố then chốt trong sự xuất hiện lối sống định cư, buộc những người du cư phải lưu lại một nơi. Thế nhưng mật độ tại những khu vực người Natufian sinh sống không cao hơn so với các nhóm trước đó, vì thế xem ra không có bằng chứng về sự gia tăng của mật độ dân số. Bằng chứng từ xương và răng cũng không cho thấy sự sa sút về sức khỏe. Ví dụ, tình trạng thiếu hụt lương thực có xu hướng tạo ra những vạch mỏng trong men răng con người, được gọi là giảm sản (hypoplasia). Các vạch này thật ra ít thấy ở người Natufian hơn so với ở những bộ tộc canh tác nông nghiệp sau này.

Quan trọng hơn, trong khi lối sống định cư có nhiều ưu điểm, nó cũng có nhược điểm. Việc giải quyết xung đột có lẽ khó hơn nhiều đối với những nhóm định cư, vì bất đồng có thể được giải quyết dễ dàng hơn nhiều khi con người hay các bộ tộc chỉ đơn thuần dời đi nơi khác. Một khi con người đã xây dựng nhà ở lâu dài và có nhiều tài sản hơn so với khả năng mang đi, thì việc di dời là một phương án kém hấp dẫn so với định cư. Vì thế, các làng cần những phương thức hữu hiệu hơn để giải quyết xung đột và có những khái niệm cụ thể hơn về sở hữu. Các quyết định phải được đưa ra về việc ai được tiếp cận với những mảnh đất nào gần làng, hay ai sẽ hái quả từ trên cây nào và bắt cá ở khúc suối nào. Luật lệ phải được xây dựng, và các thể chế để làm luật và thực thi luật phải được thiết lập.

Do đó, để hình thành lối sống định cư, những người săn bắn hái lượm ắt hẳn đã bị ép buộc phải dừng bước chân phiêu bạt, và điều này ắt phải xảy ra theo sau sự đổi mới thể chế, tập trung quyền lực vào tay một nhóm người sẽ trở thành giới quyền thế chính trị, thực thi các quyền sở hữu, duy trì trật tự, và hưởng lợi từ vị thế của họ thông qua chiếm đoạt nguồn lực từ phần còn lại của xã hội. Trên thực tế, một cuộc cách mạng chính trị tương tự như cách mạng của vua Shyaam, cho dù trên quy mô nhỏ hơn, có thể là bước đột phá dẫn đến lối sống định cư.

Bằng chứng khảo cổ quả thật cho thấy người Natufian đã phát triển một xã hội phức tạp có tôn ti, trật tự và cách biệt giàu nghèo - khởi nguồn của những gì mà ta nhìn nhận là các thể chế chiếm đoạt - một thời gian dài trước khi họ trở thành những nhà nông. Một bằng chứng thuyết phục về tôn ti trật tự xã hội và tình trạng cách biệt giàu nghèo này xuất phát từ những ngôi mộ của người Natufian. Một số người được chôn cất với nhiều loại đá khoáng obsidian và vỏ ốc dentalium xuất phát từ ven biển Địa Trung Hải gần núi Carmel. Những đồ trang sức khác bao gồm vòng cổ, bít-tất, vòng đeo tay làm từ răng nanh và xương hươu cũng như vỏ ốc. Những người khác được chôn cất mà không có những trang sức này. Vỏ ốc và đá khoáng obsidian được mua bán, và việc kiểm soát hoạt động mua bán này có thể là nguồn tích lũy quyền lực và bất bình đẳng. Bằng chứng sâu xa hơn về cách biệt giàu nghèo kinh tế và chính trị xuất phát từ khu vực người Natufian ở Ain Mallaha, ngay phía bắc biển Galilee. Nằm giữa một tập hợp khoảng 50 căn nhà gỗ và hố bẫy thú, rõ ràng được dùng để làm nhà kho lưu trữ, có một tòa nhà trát vữa nằm gần một khu trung tâm sáng sủa hơn. Tòa nhà này gần như chắc chắn là nhà của một vị thủ lĩnh. Trong những ngôi mộ ở khu khai quật, có một vài phần mộ được xây dựng công phu tỉ mỉ hơn, và cũng có bằng chứng về việc thờ cúng xương sọ, có thể biểu thị cho sự thờ cúng tổ tiên. Việc thờ cúng này phổ biến khắp khu vực người Natufian sinh sống, nhất là ở Jericho. Bằng chứng phổ biến từ khu vực người Natufian cho thấy rằng đây có thể là những xã hội có các thể chế tinh vi để quyết định sự kế thừa quyền lực. Họ tham gia vào hoạt động thương mại với những vùng đất xa xôi và có các hình thức tôn giáo phôi thai cũng như thứ bậc chính trị.

Sự xuất hiện của giới quyền thế chính trị có thể dẫn đến sự chuyển đổi sang lối sống định cư và sau đó là hoạt động nông nghiệp. Như các khu vực người Natufian sinh sống cho thấy, lối sống định cư không nhất thiết có nghĩa là trồng trọt và chăn nuôi. Dân chúng có thể an cư nhưng vẫn kiếm sống bằng cách săn bắn và hái lượm. Suy cho cùng, “Mùa hạ dài” làm cho những giống cây dại trở nên phong phú hơn, và việc săn bắt hái lượm có thể trở nên hấp dẫn hơn. Hầu hết mọi người có thể khá hài lòng với cuộc sống ở mức tối thiểu dựa vào săn bắt hái lượm không đòi hỏi nhiều công sức nỗ lực. Ngay cả đổi mới công nghệ cũng không nhất thiết dẫn đến gia tăng sản lượng nông nghiệp. Trên thực tế, chúng ta biết rằng một phát minh công nghệ lớn, việc áp dụng rìu thép của thổ dân châu Úc được gọi là Yir Yoront, đã không dẫn đến sản lượng gia tăng mà còn làm nó chựng lại, vì nó làm cho các yêu cầu tối thiểu được đáp ứng một cách dễ dàng, do vậy không tạo ra động cơ khuyến khích làm việc nhiều hơn.

Cách giải thích truyền thống dựa vào yếu tố địa lý về cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới - trọng tâm lập luận của Jared Diamond như ta đã thảo luận trong chương 2 - cho rằng, cuộc cách mạng này chịu ảnh hưởng của tình trạng sẵn có một cách ngẫu nhiên của nhiều loài thực vật và động vật có thể dễ dàng được thuần hóa. Điều này làm cho việc trồng trọt và chăn nuôi trở nên hấp dẫn và dẫn đến lối sống định cư. Sau khi các xã hội trở nên định cư và bắt đầu trồng trọt, họ bắt đầu phát triển tôn ti trật tự chính trị, tôn giáo và các thể chế phức tạp hơn. Cho dù được chấp nhận rộng rãi, bằng chứng từ người Natufian cho thấy rằng cách giải thích truyền thống này nghe như thể “đặt cái cày ra trước con trâu”. Sự thay đổi thể chế diễn ra trong các xã hội một thời gian trước khi họ chuyển sang hoạt động nông nghiệp và có thể là nguyên nhân dẫn đến lối sống định cư, giúp củng cố sự thay đổi thể chế, và tiếp theo, dẫn đến cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới. Diễn biến này không chỉ thể hiện qua bằng chứng từ vùng Hilly Flanks, nơi được nghiên cứu nhiều nhất, mà còn thể hiện qua nhiều bằng chứng từ châu Mỹ, vùng hạ Sahara châu Phi và Đông Á.

Chắc chắn việc chuyển sang nông nghiệp dẫn đến năng suất nông nghiệp cao hơn và giúp gia tăng dân số đáng kể. Ví dụ, ở những vùng như Jericho và Aby Hureyra, người ta thấy rằng các làng nông nghiệp đầu tiên lớn hơn những làng của thời kỳ tiền nông nghiệp. Nói chung, sau khi quá trình chuyển đổi này xảy ra, các ngôi làng tăng trưởng từ gấp đôi cho đến gấp sáu lần. Hơn nữa, nhiều điều thường được khẳng định như là những hệ quả của quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp này rõ ràng đã xảy ra. Có sự chuyên môn hóa nghề nghiệp cao hơn và tiến bộ công nghệ nhanh hơn, và có lẽ sự phát triển của các thể chế chính trị xem ra ít bình đẳng hơn và phức tạp hơn. Nhưng điều này xảy ra ở một nơi cụ thể nào đó không do sự sẵn có của các loài thực vật và động vật quyết định. Thay vào đó, nó xảy ra như một hệ quả của một xã hội đã có sự đổi mới về thể chế, về xã hội và chính trị, cho phép họ áp dụng lối sống định cư và rồi sau đó hoạt động nông nghiệp xuất hiện.

Mặc dù Mùa hạ dài và sự hiện diện của các loại thực vật và động vật cho phép điều này xảy ra, nó không quyết định chính xác ở đâu và khi nào điều này sẽ xảy ra sau khi khí hậu ấm dần lên. Đúng hơn, điều này được quyết định bởi sự tương tác của một thời điểm quyết định, Mùa hạ dài, và sự khác biệt thể chế nhỏ nhưng quan trọng. Khi khí hậu ấm dần, một vài xã hội, như người Natufian, đã phát triển các yếu tố thể chế tập trung và tôn ti trật tự, cho dù trên quy mô rất nhỏ so với các nhà nước hiện đại ngày nay. Cũng như người Bushong dưới thời vua Shyaam, các xã hội tự tổ chức lại để tranh thủ các cơ hội to lớn hơn hình thành từ sự dồi dào phong phú của các loài thực vật và động vật hoang dã, và rõ ràng, giới quyền thế chính trị là những người hưởng lợi chính từ những vận hội mới này và từ quá trình tập trung hóa chính trị. Những nơi khác, chỉ với một chút khác biệt về thể chế, đã không cho phép giới quyền thế chính trị của họ tranh thủ những lợi thế tương tự của thời điểm quyết định này đồng thời tụt lại phía sau trong quá trình tập trung hóa chính trị và tạo ra các xã hội an cư lạc nghiệp và phức tạp hơn. Điều này lát đường cho sự phân hóa tiếp tục như ta đã thấy trước đây. Một khi những điểm khác biệt này đã nổi lên, chúng lan sang một số nơi nhưng lại không lan sang những nơi khác. Ví dụ, hoạt động canh tác từ Trung Đông bắt đầu lan truyền sang châu Âu từ khoảng năm 6500 TCN, chủ yếu là hệ quả của hiện tượng di dân. Ở châu Âu, các thể chế phân hóa khác với các nơi khác trên thế giới như châu Phi, nơi mà các thể chế ban đầu vốn đã khác và sự đổi mới bắt đầu vận động do Mùa hạ dài ở Trung Đông xbảy ra muộn hơn nhiều, và thậm chí cũng dưới một hình thức khác.

SỰ ĐỔI MỚI THỂ CHẾ CỦA NGƯỜI NATUFIAN, cho dù rất có thể đã đặt nền móng cho cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới, đã không để lại một di sản đơn giản trong lịch sử thế giới và không dẫn đến thịnh vượng dài hạn trên quê hương họ ở đất nước Israel, Palestine và Syria ngày nay. Syria và Palestine vẫn là những vùng tương đối nghèo của thế giới hiện đại, và sự thịnh vượng của Israel chủ yếu được du nhập bởi sự định cư của người Do Thái sau Thế chiến thứ hai và trình độ học vấn cao của họ cũng như sự tiếp cận dễ dàng với các công nghệ tiên tiến. Sự tăng trưởng sớm của người Natufian không được duy trì bền vững bởi cùng một lý do hệt như sự tăng trưởng suy yếu dần của Liên Xô. Cho dù vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính cách mạng vào thời đó, đây là sự tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt. Đối với xã hội Natufian, cũng có thể kiểu tăng trưởng này đã tạo ra xung đột sâu sắc về việc ai sẽ kiểm soát thể chế và chiếm đoạt những của cải mà các thể chế đó tạo ra.

Đối với giới quyền thế hưởng lợi từ sự chiếm đoạt, sẽ có những người ngoài giới mong muốn thay thế họ. Đôi khi, sự đấu đá nội bộ chỉ đơn thuần thay thế một nhóm quyền thế này bằng một nhóm quyền thế khác. Đôi khi, nó phá hủy toàn bộ xã hội chiếm đoạt, châm ngòi cho một quá trình sụp đổ nhà nước và xã hội, như nền văn minh phi thường mà các thành bang Maya từng xây dựng hơn 1.000 năm trước đây đã trải qua.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh