Giới thiệu sách The Calculus of Consent của Buchanan và Tullock

Giới thiệu sách The Calculus of Consent của Buchanan và Tullock

THE CALCULUS OF CONSENT: LOGICAL FOUNDATIONS OF CONSTITUTIONAL DEMOCRACY

(Ann Arbor, The University of Michigan Press, 1962)

The Calculus of Consent, xuất bản năm 1962, là một cuốn sách bản lề kết thúc một giai đoạn tiên phong và mở ra một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn ở tiếp giáp của kinh tế học và khoa học chính trị. Thật vậy, vào năm 1962, khoa học kinh tế đã không mấy chú ý đến public choice và kinh tế chính trị học hợp hiến, ngoại trừ vài nhà kinh tế lớn từng để lại dấu ấn trên nghiên cứu chính trị-kinh tế trong nửa sau của thế kỉ XIX. Chẳng hạn Joseph Schumpeter lần đầu tiên đề xuất một định nghĩa sáng tạo của nền dân chủ. Trong sơ đồ của ông, các chính trị gia rõ ràng nắm được quyền lực ra quyết định bằng một cuộc cạnh tranh mà đối tượng là lá phiếu của người dân (Schumpeter, 1943). Vả lại, theo hướng của Condorcet và Borda, việc nghiên cứu quy tắc ra quyết định đã nhanh chóng phát triển: năm 1958, Black tiến hành một phân tích chặt chẽ về quy tắc đa số và những quyết định của các uỷ ban để làm rõ ưu đãi của cử tri trung vị (Duncan Black, 1958). Trào lưu này được những đóng góp của Kenneth Arrow (1951) và môn đồ của ông là Anthony Downs (1957) làm cho phong phú. Arrow, người sẽ được giải Nobel năm 1972, chứng minh và hoàn chỉnh “định lí bất khả tổng quát” theo đó dân chủ không có khả năng phát triển trên cơ sở một quy tắc tổng gộp những sở thích cá nhân tôn trọng những điều kiện đơn giản của tính chặt chẽ logic và chính trị. Downs công bố cuốn sách đầu tiên có hệ thống về một lí thuyết kinh tế của nền dân chủ, một hệ thống trong đó cử tri ra những quyết định bầu cử trên cương vị là những tác nhân duy lí. Trên cái nền này, The Calculus of Consent sẽ khai trương một trào lưu mới không ngừng được các nhà kinh tế phát triển trong những năm 1960 và 1970. Ngoài tầm quan trọng của riêng nó, trào lưu này còn ảnh hưởng đến trào lưu public choice và được dùng làm điểm tham chiếu cơ bản cho tạp chí cùng tên do chính Gordon Tullock lãnh đạo.

Buchanan 43 tuổi khi cuốn sách được xuất bản. Sinh năm 1919 tại Murfreesboro, bang Tennessee, ông học tại đại học Chicago rồi giảng dạy tại đại học Virginia từ năm 1956 đến năm 1968: chính ở đây ông đã tạo dựng những suy nghĩ mà sau này sẽ được biến cách dưới nhiều khía cạnh. Hơn nữa ông cũng sẽ lãnh đạo trung tâm Thomas Jefferson Center tại đại học này. Tiếp đó, mang theo một tính độc đáo có hệ thống, ông tham gia nghiên cứu tại nhiều đại học, trong số đó có University of California, trước khi quay trở lại Virginia, nhưng lần này tại viện Virginia Political Institute. Tullock, lúc bấy giờ 40 tuổi, chứng tỏ có một undisplined originality (tính độc đáo vô kỉ luật) như nhận định của đồng nghiệp ông. Sinh năm 1922 ở Rockford, bang Illinois, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách nhân viên ngoại giao ở Trung Quốc, điều sẽ để lại dấu ấn hiển nhiên trong các công trình sau này của ông. Từ năm 1962 đến năm 1967, ông cùng làm việc với Buchanan ở đại học Virginia, giai đoạn này họ sẽ hoàn chỉnh nhiều luận điểm được họ phát triển và sau đó công bố dưới tên hai người hoặc đứng tên riêng. Sau này, cả hai tiếp tục sự nghiệp của mình trong ba đại học của bang Virginia và hai đồng tác giả vẫn trung thành với dự án được xác định trong cuốn The Calculus of Consent. Trong tác phẩm này, họ phát triển nhiều chủ đề phân tích, trong một cuộc đối thoại thường trực, chứa đựng nhiều thành quả phong phú và trực giác. Năm 1986, James M. Buchanan nhận giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì “sự phát triển những cơ sở hiến pháp và khế ước cho lí thuyết ra quyết định chính trị và kinh tế”. Kể từ đó, ông đã phát triển nhiều đóng góp làm phong phú cho lí thuyết những hiệu ứng ngoại lai, lí thuyết câu lạc bộ và những sản phẩm công, lí thuyết hiến pháp. Nhiều tác phẩm của ông ngày nay được thừa nhận trên toàn thế giới: The Limits of Liberty: Between Anarchy and Leviathan (1975); Democracy in Deficit: The Political Legacy of Lord Keynes, cùng với Richard E. Wagner (1977); The Power to Tax: Analytical Foundations of a Fiscal Constitution, cùng với Joeffrey Brennan (1980). Sự nghiệp hàn lâm rất tích cực của Gordon Tullock được điểm xuyết bằng nhiều giải thưởng, như Adam Smith Award năm 1993. Là nhà sáng lập Public Choice Society, ông tham gia ban lãnh đạo của nhiều hiệp hội, và trong nhiều công trình ông nêu bật những ứng dụng có thể của trường phái Public Choice, như The Politics of Bureaucracy (1965), The Logic of Law (1971), The Economics of War and Revolution (1974), Autocracy (1987), Rent Seeking (1993).

Một lí thuyết kinh tế về quy tắc ra quyết định chính trị

Cuốn sách này được dùng cho việc tổ chức chính trị một xã hội của những con người tự do”. Đó là những chữ đầu của Buchanan và Tullock thông báo tức thì lựa chọn phương pháp luận của họ: sử dụng kinh tế học vi mô các tổ chức để tìm hiểu hoạt động của tổ chức chính trị. Giữa kinh tế học và chính trị học, ta đứng ở trên lề huyền thoại của kinh tế chính trị học.

Cách tiếp cận đặc thù này, sẽ trở thành điểm quy chiếu cơ bản của trường phái public choice, đặt những sở thích cá nhân, chính trị hay kinh tế ở trung tâm của một thao tác tri thức thiết kế lại (re-design) diện trường chính trị: “Chúng tôi thử phân tích tính toán của một cá nhân duy lí khi phải ra một quyết định hiến định”. Như Downs đã từng xác lập Nhà nước tồn tại vì những cá nhân duy lí nằm ở trung tâm Nhà nước và làm cho nó sinh động. Do đó thị trường chính trị là dân chủ vì không còn nằm dưới sự kiểm soát độc nhất của giới tinh hoa. Nhưng do thị trường và các định chế của nền chính trị hoạt động không hoàn hảo nên tất cả vấn đề kinh tế là tìm hiểu cách hoạt động thực sự của các định chế này và làm thế nào đề xuất cho chúng những quy tắc ra quyết định vừa hiệu quả nhất vừa chú ý nhất đến những sở thích cá nhân của các công dân/cử tri.

Từ hệ ý khoa học này, Buchanan và Tullock tập trung chính xác hơn vào việc nghiên cứu những quy tắc của trò chơi chính trị. Như vậy, họ phát triển hai phân tích đáng chú ý về quy tắc của đa số tối ưu và về logrolling.

Biểu đồ 1: Tìm kiếm một đa số tối ưu

Liên quan đến những quy tắc của việc ra quyết định dân chủ, làm thế nào trả lời câu hỏi: “Có thể nhận diện một đa số tối ưu không?”. Đối với phương pháp luận cá thể, nền dân chủ lí tưởng là nền dân chủ tôn trọng những sở thích cá nhân nhận được sự nhất trí của tất cả các thành viên. Do đó một nền dân chủ đầy đủ đòi hỏi sự đồng thuận tuyệt đối, theo kiểu Wicksell, về những quyết định cơ bản cho dù phải tiến hành điều này thông qua một quá trình dò dẫm và trong thực tế dẫn đến hầu như một sự nhất trí. Sự nhất trí, tương đương với quyền phủ quyết, trên nguyên tắc tương ứng với nguyên lí tối ưu Pareto. Tuy nhiên sự nhất trí hay tựa nhất trí kéo theo những chi phí ra quyết định cao và có tính làm tê liệt. Trên nguyên tắc, khuynh hướng chuộng một quy trình nhất trí tương đối là chấp nhận được, nhưng trong thực tiễn là không hiệu quả và viễn vông.

Mọi quy tắc ra quyết định chính trị không đòi hỏi nguyên tắc nhất trí kéo theo hai loại chi phí. Một mặt, có những chi phí bên ngoài (C) gắn với rủi ro mà mỗi người gánh chịu nếu bị áp đặt một quyết định trái với quyền lợi của mình hay nếu mình rơi vào nhóm thiểu số: “Các chi phí này là hiệu giữa mức lợi ích đạt được với mức lợi ích có thể đạt được bằng quy tắc nhất trí” (Mueller, 1989, trang 28). Các chi phí bên ngoài của việc ra quyết định do những người thua cuộc gánh chịu nhưng chúng càng thấp khi đa số cần thiết càng cao và sẽ bị triệt tiêu với quy tắc N/N, tức là sự nhất trí. Mặt khác, phải nhận thức rằng thời gian để tìm kiếm một thoả thuận, thành lập một liên minh, khắc phục những hành vi chiến lược của các tác nhân, thuyết phục những ai không được thông tin tốt, đòi hỏi quá trình ra quyết định phải gánh chịu những chi phí (D). Các chi phí này là tối thiểu nếu quyết định có tính độc tài, nghĩa là chỉ có một người duy nhất quyết định, nhưng chúng tăng dần với số người cần thiết để quyết định được thông qua và tăng đến vô cực khi đến gần sự nhất trí. Biểu đồ 1 cho thấy là hàm tính đến việc gộp hai chi phí này (C + D) đi qua một cực tiểu ở K: đây chính là quy tắc đa số tối ưu vì nó tối thiểu hoá tổng của những chi phí bên ngoài và bên trong của việc ra quyết định. Ta thấy là sự chứng minh gợi lên một số nhận định: việc tính những chi phí loại trừ đòi hỏi một môi trường đặc thù, bản chất của các chi phí phụ thuộc những vấn đề được xem xét; có thể hình dung là trong một số trường hợp đa số tối ưu trở thành nhỏ hơn đa số bình thường, và điều này khơi mào cho một sự bất ổn định trong hoạt động của hệ thống (Greffe, 1999, trang 289).

Logrolling hay sự trao đổi các lá phiếu

Trong mọi trường hợp, sơ đồ trên không tương ứng hoàn toàn với hiện thực vì còn phải tính đến hiện tượng logrolling hay những khả năng trao đổi lá phiếu, và đây là một đóng góp quan trọng khác của Buchanan và Tullock. Trong truyền thống của quốc hội Mĩ, logrolling được cảm nhận như một thủ tục lobby (vận động hành lang) tiêu cực vì nó cho phép vài bên tham gia vào quá trình chính trị đảo ngược kết quả được chờ đợi của một quyết định của đa số. Nhưng tiếp sau Buchanan và Tullock, cơ chế này được đánh giá là cho phép tính đến cường độ của những sở thích cá nhân trong quá trình ra quyết định tập thể. Theo Buchanan và Tullock, có thể cải thiện phúc lợi của mình bằng cách chấp nhận một quyết định đi ngược với những sở thích của bản thân trong một lĩnh vực mà cường độ của chúng là thấp đổi lấy một quyết định thuận lợi cho quyền lợi của mình trong một lĩnh vực mà cường độ sở thích của mình là cao hơn. Do đó các cuộc thương lượng và trao đổi lá phiếu phát sinh những lợi thế đối ứng. Nhưng các lợi thế tổng gộp còn phải cao hơn tổng các chi phí của việc ra quyết định. Vì thế, nhiều điều kiện là cần thiết để có được một logrolling tốt: phải bỏ phiếu đồng thời cho hai hay nhiều đề xuất; những người bỏ phiếu có những sở thích với cường độ khác nhau đối với các đề xuất; khi không có trao đổi, mỗi người tham gia đều thua thiệt; mỗi người bầu phiếu đều có thông tin đầy đủ về hành vi của những người bầu khác; chi phí giao dịch bằng không hoặc đủ thấp. Một ví dụ bằng số giúp minh hoạ quá trình và những hiệu ứng của logrolling. Xét ba cá nhân A, B và C phải bầu cho các đề xuất x và y. Trong ví dụ này (xem biểu đồ 2), có thể xem những giá trị mà các đề xuất nhận được từ các cá nhân khác nhau như những độ đo bản số của lợi ích.

Người bầu phiếu

Đề xuất

 

x

y

x + y

A

B

C

- 20

+ 40

+ 40

- 20

- 20

+ 40

- 20

+ 40

+ 40

Liên minh thắng cuộc theo quy tắc đa số

A, C

A, B

B, C

Biểu đồ 2: Ví dụ về hai đề xuất và ba người bầu phiếu

Nếu ta xét một cách tách biệt cuộc bầu đối với đề xuất x và đề xuất y, liên minh thắng cuộc (A, C cho đề xuất x, A, B cho đề xuất y) là khác với liên minh B, C khi cả hai đề xuất được bầu đồng thời (cột x + y). Trong trường hợp này, B và C sẽ trao đổi các phiếu bầu ủng hộ của họ cho x và y để hợp thành liên minh thắng cuộc.

Trong kinh văn, logrolling được xem như một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng của chi tiêu công, và nói chung của quy mô khổng lồ của khu vực công trong các nền dân chủ đại diện. Các chính khách có thể có được sự đồng thuận của những nhóm khác nhau bằng cách cung ứng những chính sách công đảm bảo cho các nhóm này lợi ích ròng và dễ thấy, nhưng đồng thời họ cũng có thể phân phối chi phí của các chương trình này trên đa số công dân (hay trên toàn cộng đồng) thông qua các khoản thuế. Để điều này không xảy ra, các công dân ở cương vị người đóng thuế phải nhạy cảm hơn là ở cương vị người thụ hưởng và họ phải có thể tự tổ chức để cho liên minh chống việc gia tăng thuế lấn át liên minh ủng hộ chi tiêu công. Đây chủ yếu là những kết luận Stigler rút ra vài năm sau với một nội dung hoàn chỉnh hơn.

The Calculus of Consent là một tác phẩm kinh tế đã cải tiến hiểu biết về các hệ thống chính trị và ảnh hưởng đến các thế hệ nhà kinh tế hay ngay cả các luật gia và nhà xã hội học bị mê hoặc bởi cách phân tích mới sự hoạt động của quá trình và các quy tắc chính trị từ việc hạch toán kinh tế của những tác nhân duy lí. Trong những năm 1970, việc nghiên cứu các quá trình ra quyết định công (nhất trí, đa số tối ưu, trao đổi lá phiếu) và những hành vi duy lí của các tác nhân trong nền dân chủ (cử tri, chính khách, và quốc hội) đã được dùng làm cơ sở để giải thích gia tăng có vẻ không cưỡng được của vai trò kinh tế của Nhà nước, sự hình thành nợ công và thâm hụt ngân sách. Nhưng những ai gắn bó với những chủ đề công bằng hay nội dung cộng hoà của một nền dân chủ, đồng thời với việc chấp nhận logic thị trường, đã không ngần ngại tố cáo các lí thuyết của Buchanan và Tullock là bảo thủ, cho dù họ chấp nhận nguyên tắc của kinh tế thị trường và tính xác đáng của hạch toán kinh tế để phân tích ít nhất một phần những hành vi cá nhân trong lĩnh vực kinh tế.

Trong những năm 1980, cuộc tranh luận về những tính hiến định đã lấn át các cuộc tranh luận trước đó nhưng không vì thế mà đẩy chúng ra bên lề. Đó là thời kì của sự trượt dài ý thức hệ từ hành động công cộng và tập thể sang chiều kích tư nhân và cá thể. Cuộc tranh luận về kiến tạo luận của các tính hiến định (tài chính và tiền tệ) cố gắng xác định những chuẩn có thể áp dụng cho nhà cầm quyền trong lĩnh vực chi tiêu và thuế khoá. Theo tầm nhìn của Buchanan và Tullock, các sở thích của cử tri được tôn trọng tối đa khi đưa vào những chuẩn hiến định ngăn cản các chính trị gia tuỳ nghi hành xử quyền lực của họ. Nhiều tiểu luận đặt vấn đề những cơ chế hiến định có khả năng ràng buộc sự gia tăng của ngân sách Nhà nước, thâm hụt công cộng; trói tay những người chịu trách nhiệm chính sách tiền tệ được xem là quá bành trướng và do đó áp đặt lên các công dân một sắc thuế thông qua tỉ suất lạm phát. Nhưng cuộc tranh luận này về các quy tắc hiến định còn có những phát triển khác trong sự tiếp nối các công trình của John Rawls.

Cuối cùng trong những năm 1990, ta thấy xuất hiện những tổng hợp mới về các quyết định chính trị và các vấn đề kinh tế mà các quyết định này được cho là phải giải quyết. Kinh tế chính trị học mới, đặc biệt là sau các công trình của Alisa, đặt lại các công trình của Buchanan và Tullock trong logic của các chính sách kinh tế và triển khai lại quan điểm của các chính sách này.

Như ta thấy, The Calculus of Consent vẫn là một tác phẩm tham chiếu chưa bị lão hoá. Nó đã tạo ra một trào lưu lớn và nếu ngày nay ta nhận thấy một số mặt đã bị vượt qua thì đó là do sự phong phú của các phân tích hơn là do chúng bị đẩy ra ngoài lề. Quan trọng hơn nữa, The Calculus of Consent vẫn còn đây để nhắc nhở chúng ta những giới hạn của nền dân chủ và chỉ ra một vài cách để củng cố nó.

Thư mục

Arrow K. J. (1951), Social Choice and Individual Values, Paris, New York, Wiley.

Black D. (1958), The Theory of Committees and Elections, Cambridge (Mass.), Harvard University Press.

Downs D. (1957), An Economic Theory of Democracy, New York, Macmillan.

Greffe X. (1999), Économie des politiques publiques, 2e édition, Paris, Dalloz.

Mueller D. (1989), Public Choice II, Cambridge (Mass.), Harvard University Press.

Stigler G. J. (1975), The Citizen and the State, Chicago, The University of Chicago Press.

Schumpeter J. (1942), Capitalism, Socialism and Democracy, New York, Wiley.

Nguồn: Xavier Greffe, Jérome Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 73-80.

Nguồn bản dịch: Phân tích kinh tế: Buchanan-Tullock: The Calculus of Consent

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước

Tác giả liên quan