[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 1: Xây dựng hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh thân thiện với thị trường và xã hội dân sự (Phần 1.5 - hết chương 1)

[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 1: Xây dựng hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh thân thiện với thị trường và xã hội dân sự (Phần 1.5 - hết chương 1)

1.5. THẢO LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Quá trình Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 cho tới nay là một minh chứng rõ nét cho mô hình lý thuyết của Acemoglu và Robinson (2012). Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần vào năm 1985, và với việc đội ngũ lãnh đạo lão thành lúc bấy giờ như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Chí Công... quyết định nhường lại các vị trí chính trị quan trọng cho thế hệ sau, cán cân quyền lực chính trị trong nội bộ ĐCSVN đã có sự chuyển dịch nhất định cho nhóm có tinh thần đổi mới (như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách...). Kết quả là Việt Nam đã có những thay đổi từ từ các thể chế kinh tế theo hướng ngày càng dung hợp hơn. Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam về cơ bản đã có một nền kinh tế thị trường ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực Đông Á và trên thế giới. Hệ thống chính trị của Việt Nam trên thực tế đã có một số điều chỉnh từ mô hình chuyên chính vô sản, tức từ bỏ “quyền lực tuyệt đối”, sang mô hình một đảng thống lĩnh. Tuy nhiên, như những phân tích ở trên chỉ ra, mô hình chính trị một đảng thống lĩnh của Việt Nam hiện nay còn có rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục nếu muốn tránh các nguy cơ chuyển sang các chế độ chính trị đi ngược lại với mong muốn xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển.

Thực ra những vấn đề và nguy cơ nêu trên của hệ thống chính trị Việt Nam tựu chung nằm ở nút thắt ĐCSVN hiện trên danh nghĩa là một đảng chuyên chính vô sản lãnh đạo hệ thống chính trị chứ không phải là một đảng thống lĩnh theo đúng nghĩa của nó (tức vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh từ các lực lượng chính trị khác ngay cả khi khả năng duy trì quyền lực trong nhiệm kỳ tiếp theo là rất cao). Khi trên danh nghĩa còn là một đảng chuyên chính thì ĐCSVN, hoặc một bộ phận đảng viên, vẫn nghiễm nhiên cho mình quyền đứng trên tất cả, không muốn trói mình vào trong những giới hạn pháp luật, vì vẫn nghĩ rằng mình vẫn còn “quyền lực tuyệt đối”. Đảng sẽ vẫn tiếp tục can thiệp và chính trị hoá bộ máy nhà nước và tiếp tục vẫn muốn kiểm soát trực tiếp các hoạt động kinh tế, vì Nhà nước là công cụ chính để Đảng lãnh đạo đất nước, và kinh tế là phương tiện quyết định ý thức và hành vi của mọi người dân. Đảng vẫn muốn áp dụng những quy tắc pháp luật khác nhau cho những thành phần xã hội khác nhau, tức đảng viên cao cấp được đối xử theo một khung pháp luật khác với đảng viên bình thường, khác với dân chúng nói chung, và khác với các “thế lực thù địch”, vì nếu để cho hệ thống tư pháp thực sự độc lập thì ĐCSVN sẽ mất đi công cụ để bảo vệ lợi ích của mình cũng như những nhóm người ủng hộ mình. Và cuối cùng, ĐCSVN sẽ rất khó từ bỏ phương cách hoạt động “bí mật” kiểu thời chiến để buộc các cơ quan Nhà nước, bản thân Đảng, và các tổ chức chính trị - xã hội ngoại vi của Đảng phải công khai và tăng trách nhiệm giải trình những hoạt động của mình trước dân chúng, vì nếu làm điều này thì những đặc quyền, đặc lợi mà một bộ phận đảng viên “thu vén” riêng cho mình có thể sẽ bị lộ ra và ảnh hưởng chung đến uy tín của Đảng.

Vì vậy gỡ nút thắt trên phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng một hệ thống chính trị thân thiện với thị trường và xã hội dân sự tại Việt Nam. Chỉ sau khi giải quyết xong nút thắt này, ĐCSVN mới có thể giải quyết được triệt để các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ giữa đảng thống lĩnh với Nhà nước, giữa Nhà nước với nền kinh tế, giữa đảng thống lĩnh với hệ thống tư pháp và nâng cao trách nhiệm giải trình giữa các nhánh quyền lực của Nhà nước với nhau và giữa Nhà nước với xã hội dân sự. Dưới đây là khuyến nghị chi tiết các giải pháp.

Khuyến nghị 1 - ĐCSVN nên chuyển từ tư duy lý luận nhà nước chuyên chính vô sản sang lý luận về hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh.

Trong những năm vừa qua, “trên bình diện chung, đổi mới chính trị quan trọng nhất là chúng ta [ĐCSVN] chuyển từ tư duy lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản sang lý luận về hệ thống chính trị... Việc chuyển từ lý luận chuyên chính vô sản sang lý luận về hệ thống chính trị thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận của Đảng ta” (Nguyễn Văn Giang và Đinh Ngọc Giang, 2011, chương 2). Tức là, ĐCSVN đã tự nguyện từ bỏ “quyền lực tuyệt đối”, xác định lại mình chỉ là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên, đã đến lúc ĐCSVN cần xác định rõ loại hệ thống chính trị mà Đảng theo đuổi là hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh (dominant party system) chứ không phải là một hệ thống chính trị một đảng độc quyền lãnh đạo (one-party system). Việc tiếp tục tuyên bố theo đuổi xây dựng một hệ thống chính trị một đảng độc quyền lãnh đạo trong khi trên thực tế lại vận hành như là một đảng thống lĩnh sẽ khiến cho ĐCSVN không thể giải quyết được các vấn đề nêu ở trên và khó có thể xây dựng được một nhà nước kiến tạo phát triển. Các nguy cơ như độc tài, dân tuý hoặc tư bản thân hữu rất dễ xảy ra, và khi đó, mọi đè nén trong xã hội sẽ đổ dồn lên đảng cầm quyền duy nhất.ĐCSVN

Trong khi đó, chiến lược xây dựng một đảng thống lĩnh sẽ giúp ĐCSVN tiếp nhận được phản biện, thậm chí cạnh tranh ở một số lĩnh vực, từ những lực lượng chính trị khác, và từ đó cải thiện các điểm yếu của mình để nâng cao khả năng tiếp tục nắm quyền lực trong những nhiệm kỳ sắp tới. Nếu làm được điều này thì ĐCSVN sẽ có cơ hội rất lớn là đảng nắm quyền thống lĩnh hệ thống chính trị lâu dài trên thực tế vì đã có những đóng góp thiết thực cho việc hình thành nhà nước kiến tạo phát triển.

Khuyến nghị 2 - Mối quan hệ giữa đảng thống lĩnh, cụ thể là ĐCSVN, với Nhà nước và xã hội cần được luật hoá.

Kể từ năm 1992, ĐCSVN đã nhận thức được sự cần thiết phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, các giải pháp mà ĐCSVN đưa ra vẫn chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao nhận thức của đảng viên và các cấp ủy, các hoạt động xây dựng và chỉnh đốn Đảng về việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Có thể thấy, những giải pháp này chưa thành công trong việc ngăn chặn vấn nạn tham nhũng của các công chức nhà nước, trong đó phần lớn là đảng viên, tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Để có thể tạo dựng được nhà nước kiến tạo phát triển thì vai trò của đảng thống lĩnh cần được luật hoá cụ thể, nhằm tránh việc quyền lực của đảng không được giám sát, dễ tạo ra tình trạng suy thoái trong nội bộ của Đảng như ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Luật hoá vai trò của Đảng cũng sẽ giúp đảm bảo Hiến pháp được thực thi tốt hơn, đảm bảo nguồn ngân sách để nuôi dưỡng hệ thống Đảng, đoàn từ trung ương đến địa phương được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả hơn.

Khuyến nghị 3 - Cần cho phép hệ thống tư pháp của Việt Nam thực sự độc lập với đảng thống lĩnh và các nhánh quyền lực nhà nước khác.

Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, ngay cả khi nhà nước được lãnh đạo bởi một đảng thống lĩnh trong thời gian dài thì hệ thống tư pháp cần phải được giữ độc lập với các cơ quan quyền lực khác của nhà nước và miễn nhiễm hoàn toàn khỏi mọi sự can thiệp chính trị. Hệ thống tư pháp cần chịu trách nhiệm về tính công minh trực tiếp với người dân. Với một hệ thống tư pháp như vậy, đảng thống lĩnh sẽ chịu áp lực luôn phải hành xử trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật vì lợi ích của nhân dân.

ĐCSVN cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cải cách tư pháp theo kinh nghiệm của Nhật Bản và Đài Loan, cho phép hệ thống tư pháp hoạt động độc lập với hệ thống chính trị. Nếu làm được điều này thì các hoạt động chống tham nhũng trong Đảng mới thực sự hiệu quả và không hình thức.

Khuyến nghị 4 - Cần cho phép nhiều hơn nữa những người không thuộc đảng thống lĩnh tham gia nắm giữ các chức vụ trong hệ thống hành chính nhà nước và trở thành đại biểu quốc hội.

Bộ máy nhà nước luôn cần một lực lượng kỹ trị đông đảo. Để thu hút được những người có trình độ tham gia vào bộ máy nhà nước thì việc thăng tiến của họ trong hệ thống bộ máy nhà nước cần không phụ thuộc vào việc họ có phải là đảng viên hay không. Đây là chính sách đã được thực hiện trong giai đoạn một đảng thống lĩnh ở Nhật Bản, Đài Loan (thời kỳ 1949 - 1990), và hiện nay được Trung Quốc thực hiện với quy mô nhỏ. Cụ thể, Bộ trưởng Y tế Chen Zhu (2007 - 2013) và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Wan Gang (2007 - thời điểm hiện tại, 2015) của nước này là hai thành viên nội các không thuộc đảng cầm quyền (Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Khuyến nghị 5 - Cần tinh giản bộ máy hành chính nhà nước và giảm sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế.

Đặc trưng của mô thức quản lý truyền thống là việc tập trung quyền lực trong tay nhà nước, nhà nước khống chế toàn bộ hoạt động của xã hội, mối quan hệ với người dân mang tính ban phát nhiều hơn là dịch vụ. Quan điểm mới về bộ máy nhà nước là phi tập trung hóa quyền lực, định hướng theo kết quả đầu ra, coi người nộp thuế là khách hàng của mình để phục vụ hiệu quả. Nhà nước cũng không nên can thiệp quá nhiều vào hoạt động của thị trường, mà cần chủ trương tinh giản bộ máy cũng như chủ trương thị trường hóa, xã hội hóa các loại dịch vụ công cộng mà có thể nhượng quyền cho khu vực tư nhân hoạt động.

Đã đến lúc bộ máy nhà nước Việt Nam cần được sắp xếp lại theo hướng Nhà nước điều hành và quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng luật thay vì trực tiếp tham gia. Ở những nơi mà thị trường không thực hiện được chức năng cung cấp một số hàng hoá và dịch vụ công ích thì Nhà nước cũng không nên tham gia cung cấp trực tiếp các loại hình hàng hoá và dịch vụ đó, mà nên tham gia với tư cách người mua các loại hàng hoá và dịch vụ đó để phân phối lại cho người dân. Để thực hiện chủ trương này, trước mắt cần xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các DNNN. Các cơ quan quản lý nhà nước với các DNNN phải độc lập với các cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu trong các DNNN.

Khuyến nghị 6 - Cần phải vận động và tạo điều kiện cho sự tham gia nhiều hơn nữa của xã hội dân sự vào việc xây dựng xã hội, nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

Xã hội dân sự được coi là một trong ba trụ cột cho sự phát triển của Việt Nam, bao gồm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển xã hội dân sự, và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Nghị định số 53/2008/NĐ-CP 2008). Tuy nhiên, hiện các ràng buộc về đường lối và chính sách vẫn còn gây cản trở cho sự phát triển tự nhiên của xã hội dân sự Việt Nam.

Đã đến lúc Nhà nước cần trao quyền nhiều hơn cho xã hội dân sự. Một chính quyền hoạt động hiệu quả khi biết tạo điều kiện cho cộng đồng tự giải quyết công việc của mình, thay vì trực tiếp làm thay. Thêm vào đó, việc trao quyền nhiều hơn cho xã hội dân sự cũng sẽ giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn bởi nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình của nhà nước sẽ cao hơn. Để điều này trở thành hiện thực, chính quyền cần cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về đảm quyền cá nhân, xây dựng luật trưng cầu dân ý, minh bạch thông tin, và luật về hội một cách kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1.  Acemoglu, D. và J.A. Robinson, 2012. Why nations fail: the origins of power, prosperity and poverty. New York: Crown Business.
  2. Amsden, A.H., 1979. “Taiwan's Economic History: A Case of Etatisme and a Challenge to Dependency Theory”, Modern China, 5 (3), Symposium on Taiwan: Society and Economy, pp. 341-379.
  3. Arian, A., và S.H. Barnes, 1974. “The dominant party system: a neglected model of democratic stability”. The Journal of Politics, 36(03), 592-614.
  4. Barros, R., 2003. “Dictatorship and the rule of law: rules and military power in Pinochet's Chile”. Democracy and the Rule of Law, 5, 188.
  5. Bertelsmann Stiftung (ed.), 2014. Transformation Index BTI 2014.
  6. Bogaards, M., 2004. “Counting parties and identifying dominant party systems in Africa”. European Journal of Political Research, 43(2), 173-197.
  7. Bureau of Economic and Business Affairs, 2014. 2014Investment Climate Statement Russia.
  8. Carothers, T., 2002. “The end of the transition paradigm”. Journal of democracy, 13(1), 5-21.
  9. Dahl, R., 1971.  Polyarchy: Participation and Opposition. New Haven, CT: Yale University.
  10. De Tocqueville, A., 2006[1835]. Nền Dân trị Mỹ [Democracy in America] (Phạm Toàn dịch). NXB Tri Thức.
  11. Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996. Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTƯ khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia.
  12. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2007. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị Quốc gia.
  13. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2010. Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011), NXBChính trị Quốc gia.
  14. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị Quốc gia.
  15. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2015. Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế.
  16. Đậu Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Trang, Đinh Tuấn Minh, Phạm Ngọc Thạch, 2015. “Xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế thân thiện thị trường”.  Trong Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên), Báo cáo Phát triển nền Kinh tế Thị trường Việt Nam 2014. NXB Tri Thức.
  17. Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh, 2015,. “Dẫn Nhập”. Trong Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên), Báo cáo Phát triển nền Kinh tế Thị trường Việt Nam 2014. NXB Tri Thức.
  18. Economist Intelligent Unit, 2015. Democracy Index 2015.
  19. European Bank for Reconstruction and Development và World Bank (EBRD và WB), 2011. Life in Transition Survey II.
  20. Fukuyama, F., 2011. The origins of political order: from prehuman times to the French Revolution. Profile books.
  21. Fukuyama, F., 2014. Political order and political decay: From the industrial revolution to the globalization of democracy. Macmillan.
  22. Ginsburg, T., 2010. “Judicial Independence in East Asia: Implications for China”. TrongPeerenboom, R. (ed.), Judicial Independence in China, Cambridge University Press, 2010.
  23. The Guardian, 2012. “Singapore snip: prime minister takes big pay cut”. http://www.theguardian.com/world/2012/jan/04/singapore-prime-minister-lee-loong
  24. Guriev, S., 2013. “Why I am not returning to Russia”. New York Times. http://www.nytimes.com/2013/06/06/opinion/global/sergei-guriev-why-i-am-not-returning-to-russia.html?_r=0
  25. Gorud, C. J. 2011. Economic Development Under Dominant-Party Regimes.
  26. Haley, J.O., 2002. “The Japanese Judiciary: Maintaining Integrity, Autonomy and the Public Trust”. Paper originally presented at a symposium held at Seattle, Washington, August 22-24, 2002, honoring the late Dan Fenno Henderson.
  27. Hayek, F. A., 2012. Law, legislation and liberty: a new statement of the liberal principles of justice and political economy. Routledge.
  28. Hayek, F.A., 2015. Tự do kinh tế và chính thể đại diện [Economic Freedom and Representative Government] (Đinh Tuấn Minh dịch). NXB Tri Thức.
  29. Herring, R., 1999. “Embedded Particularism: India’s Failed Developmental State”, The Developmental State ed. Woo-Cummings, Cornell University Press.
  30. Howard, M.M.,  2003. The weakness of civil  society  in post-communist Europe. Cambridge: Cambridge University Press.
  31. Johnson, C., 1995. Japan: Who Governs?, W.W. Norton.
  32. Kadomatsu, N., 2011. “Accountability of Administration in Japan after the Mid-1990s”, Journal of Japanese Law, No. 31.
  33. Keohane, R. O., 2002. “Global  Governance  and  Democratic  Accountability”, Miliband Lecture at the London School of Economics, May 17, 2002, pp. 1-35.
  34. Kim Thanh, 2015. “Những thành tựu của Quốc hội trong hoạt động lập pháp”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 21/12/2015. http://dangcongsan.vn/tieu-diem/nhung-thanh-tuu-cua-quoc-hoi-trong-hoat-dong-lap-phap-362318.html 
  35. Lau, L.J., 2002. “Taiwan As a Model for Economic Development”, Lecture in Stanford University, Oct. 2002.
  36. Lê Thu Hà, 2015. “Quyền tư pháp và cơ quan tư pháp ở Việt Nam”, Dân chủ và pháp luật, tháng 10/2015, http://moj.gov.vn/tcdcpl/tintuc/Lists/ThiHanhPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=552
  37. Lin, T., J. Liao, và A. Field, 2005. “Transforming State-Society Relations: The Challenge, Dilemma and Prospect of Civil Society in Taiwan”. Working Paper of Center for International NGO Studies National Sun Yat-sen University Kaohsiung, Taiwan.
  38. Lý Hiển Long, 2014. Speech by Prime Minister Lee Hsien Loong at CPIB's 60th Anniversary Celebrations. Văn phòng Chính phủ Singapore.
  39. Marshall. M.G. và B.R. Cole, 2015. Global Report 2014: Conflict, Governance and State Fragility. Centre for Systematic Peace.
  40. Matsumoto, M., 2002. Political Democratization and KMT Party‐Owned Enterprises in Taiwan. The Developing Economies40(3), 359-380.
  41. Mandrinath, D.S., 2015. Judicial Activism in Post-Emergency Era. Notion Press.
  42. Mill, J. S. (2005[1859]). Bàn về tự do [On liberty](Nguyễn Văn Trọng dịch). NXB Tri Thức.
  43. Mulgan, R. G., 2003. Holding power to account: accountability in modern democracies. Palgrave Macmillan.
  44. Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Tú Anh, Đinh Tuấn Minh và Lê Hương Linh, 2015. “Xây dựng bộ máy quản trị nhà nước theo hướng hỗ trợ thị trường”. Trong Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên), Báo cáo Phát triển nền kinh tế  thị trường Việt Nam 2014, NXB Tri Thức.
  45. Nguyễn Đức Thành, Đinh Tuấn Minh, Ngô Quốc Thái, Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Minh Long, 2014. “Đánh giá tổng quan quá trình phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam”. Trong Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên), Báo cáo Phát triển nền Kinh tế Thị trường Việt Nam 2014. NXB Tri Thức.
  46. Nguyễn Văn Giang và Đinh Ngọc Giang, 2011, Thực hiện nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, NXB Chính trị quốc gia.
  47. North, D.C., 1990. Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge University Press.
  48. North, D. C., 1993. “Institutional change: a framework of analysis”. Institutional change: Theory and empirical findings, 35-46.
  49. O'Donnell, G. A., 2004. “Why the rule of law matters”. Journal of Democracy, 15(4), 32-46.
  50. Okimoto, D. I., 1989. Between MITI and the Market: Japanese Industrial Policy for High Technology. Stanford University Press.
  51. Phạm Hồng Quang, 2012. Cải cách thể chế hành chính - tiếp cận dưới góc độ lý luận và kinh nghiệm Nhật Bản.
  52. Przeworski, A., S.C. Stokes, và B. Manin, 1999. Democracy, accountability, and representation (Vol. 2). Cambridge University Press.
  53. Przeworski, A.và J.M. Maravall, 2003. Democracy and the Rule of Law (Vol. 5). Cambridge University Press.
  54. Reporters Without Borders, 2013. 2013 World Press Freedom Index.
  55. Reporters Without Borders, 2015. 2015 World Press Freedom Index.
  56. Sahoo, S., 2013. Civil society and democratization in India: institutions, ideologies and interests. Routledge.
  57. Shevtsova, L. F. và M.H. Eckert, 2001. “Russia's hybrid regime”. Journal of Democracy, 12(4), 65-70.
  58. Schuman, M., 2010. The miracle: the epic story of Asia's quest for wealth. Harper Collins.
  59. Schumpeter, J., 1942. Socialism, Capitalism and Democracy.
  60. Tamanaha, B. Z., 2004. On the rule of law: History, politics, theory. Cambridge University Press.
  61. Templeman, K., 2014. “The origins of dominant parties”. Paper presented at The Dominant Party Systems Conference, May 9-10, 2014, University of Michigan.
  62. Thorbecke, E., & Wan, H. (Eds.), 2012. Taiwan’s Development Experience: Lessons on Roles of Government and Market. Springer Science & Business Media.
  63. Transparency International, 2013. Global Corruption Barometer 2013: Report.
  64. Transparency International, 2015. Corruption Perceptions Index 2015.
  65. Trantidis, A., 2012. The dominant party system: clientelism, pluralism and limited contestability (Doctoral dissertation, The London School of Economics and Political Science (LSE)
  66. United States Federal Election Commission, 2015. Election contribution limit chart. http://www.fec.gov/info/contriblimitschart1516.pdf
  67. VCCI, 2013. Báo cáo 2013 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
  68. Vosse, W., 1999. “The emergence of a civil society in Japan”. Deutsches Institut für Japanstudien (Hg.): Jahrbuch des Deutschen Instituts für Japanstudien, 11, pp. 31-53.
  69. World Justice Project, 2015. Rule of Law Index 2015.
  70. Worldwide Governance Indicators (WGI), 2015. Worldwide Governance Indicators 2014: Rule of law.
  71. Wu, C. L. và C. Huang, 2004. “Politics and judiciary verdicts on vote-buying litigation in Taiwan”. Asian Survey, 44(5), 755-770.

Nguồn: Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên) (2017). Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển . NXB Tri Thức. (Báo cáo được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu: CIEM, VIE, VEPR, VCCI).