![[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 3)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_11.3_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 3)
CUỘC CHƠI THỜI HẬU CỘNG SẢN
Dưới áp lực của quá trình gia nhập EU, trong tất cả các nước châu Âu hậu cộng sản, tòa án đã có vị trí độc lập hơn và các thiết chế của chế độ pháp quyền đã được cải thiện. Ví dụ, ở Romania, chỉ trong năm 2005, sau mấy năm bất động của cơ quan phòng chống tham nhũng trước đó, Cục phòng chống tham nhũng đã truy tố 744 người, kể cả các chính trị gia và các quan tòa cao cấp.Ở Bulgaria, các nhân viên thanh tra đã được quyền nghe khiếu nại và điều tra các tố cáo về tham nhũng, trong khi các đạo luật về đạo đức đã được siết chặt và Văn phòng kiểm toán quốc gia tăng cường theo dõi. Nhưng hầu như ở đâu quá trình cải cách (thậm chí ngay cả ở những chế độ dân chủ tự do nhất) cũng mang tính nửa vời và quá chậm – tiến theo từng bước một trong cuộc đấu tranh lâu dài nhằm chống lại những đặc quyền đặc lợi thâm căn cố đế và đã được củng cố trở lại. Lời thú nhận của thủ tướng Gyurcsány rằng trong quá trình vận động bầu cử ông ta đã nói dối về thành tích của nền kinh tế đã làm người ta tức giận về quá trình cải cách thời hậu cộng sản. Tham nhũng, cảm nhận về sự bất công cả trong lĩnh vực luật pháp lẫn kinh tế, thiếu tin tưởng vào các thiết chế chính trị là tai họa đối với các chế độ dân chủ châu Âu hậu cộng sản. Và khi nói đến những vấn đề này thì sự chia rẽ thời hậu cộng sản có giảm đi phần nào.
Trên thực tế, dân chúng tất cả các nước hậu cộng sản đều tỏ ra yếm thế và bất mãn – các nước Xô Viết cũ còn nặng nề hơn. Trong mười nước thành viên mới của EU, 72% nghĩ rằng “hơn một nửa” hay “hầu như tất cả” các quan chức của họ đều tham nhũng. Ở Belarus con số cũng tương đương như thế, trong khi ở Nga là 89%, còn ở Ukraine là 93%. Tương tự, trong mười nước mới tham gia EU, trung bình 71% người dân nghĩ rằng luật pháp của họ được thực thi thiếu công bằng, trong khi ở Nga và Ukraine có đến 85% người dân nghĩ như thế. Tám nước hậu cộng sản tham gia EU có nhận thức ít tiêu cực hơn về chế độ pháp quyền, hai nước Bulgaria và Romania có nhận thức tiêu cực hơn, Nga và Ukraine cũng có nhận thức tiêu cực như thế. Năm 2004, 57% dân chúng các nước mới tham gia EU cho rằng chính phủ của họ “có” hay “rất” tôn trọng nhân quyền, nhưng ở Romania, Bulgaria và Nga, chỉ có một phần ba nghĩ như thế, còn ở Ukraine chỉ có 27% nghĩ như thế mà thôi. Về sự hài lòng với chính thể dân chủ, tình hình cũng tương tự như thế. Năm 2004, chỉ có 25% dân Ukraine và 20% dân Nga cảm thấy hài lòng. Ở mười nước mới tham gia EU, tỉ lệ trung bình là 36%, cao hơn đáng kể so với Nga và Ukraine, nhưng vẫn còn khá thấp.
Ngoài ra, còn có một di sản chung, đấy là dân chúng các nước hậu cộng sản không tin vào các thiết chế chính trị. Gần một nửa người dân trong tám nước thành viên mới đầu tiên của EU và hơn một nửa dân chúng Romania, Bulgaria, Ukraine và Nga, không tin tòa án. Trong tất cả mười nước thành viên mới của EU, gần hai phần ba không tin quốc hội và ba phần tư không tin các đảng chính trị, tương tự như số liệu trung bình của Nga và Ukraine (mặc dù người Nga bao giờ cũng có thái độ nghi ngờ nhiều hơn.) Trong cuộc khảo sát gần đây hơn của của Gallup International, chỉ có một phần ba dân chúng trong khu vực nói rằng họ tin vào chế độ dân chủ, và chỉ có 22% cảm thấy rằng “tiếng nói của họ có ảnh hưởng.”
Một nguyên nhân nữa làm cho người dân ít tin vào và không thỏa mãn với chế độ dân chủ – và sự thay đổi quá nhanh thái độ của cử tri và sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa dân túy phi tự do – là gần hai thập kỷ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, người dân ở Đông Âu vẫn còn cảm thấy bị nhiều áp lực về kinh tế. Năm 2003, ở Ba Lan tỉ lệ thất nghiệp là 19%, ở Slovakia là 17%, ở Serbia và Montenegro là 28%, ở Bosnia là 44%, còn ở ba nước Baltic là hơn 10%. Năm 2004, chỉ khoảng 30% người dân Trung và Đông Âu cảm thấy nguồn thu nhập chính cung cấp cho họ khoản tiền đủ để “mua những thứ thực sự cần thiết”. Ở Ukraine và Belarus cũng tương tự; trong khi ở Nga chỉ có 14% được như vậy mà thôi. Hơn một nửa người dân trong mười nước hậu cộng sản mới tham gia EU thậm chí còn nói rằng tình hình kinh tế gia đình họ đã tốt hơn giai đoạn trước khi chuyển sang thị trường tư nhân, và số người không hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của gia đình họ cũng có tỉ lệ tương tự như thế. Nhiều người tin rằng tham nhũng có mặt khắp nơi, và người ta đặc biệt thất vọng khi tham nhũng làm cho nhiều cựu đảng viên cộng sản giàu lên trông thấy trong quá trình tư nhân hóa, càng kích động mạnh thêm cảm giác về và căng thẳng trước những khó khăn kinh tế. Sự ngóc đầu dậy của các lực lượng dân túy bài tự do và chống những kẻ ăn trên ngồi trốc là để tái khẳng định sự tham gia của nhà nước vào nền kinh tế trong khi làm rùm beng về “các mối đe dọa từ bên ngoài đối với chủ quyền quốc gia” và gia tăng sự hoài nghi về toàn cầu hóa và hội nhập với châu Âu. Do đó, “giả định... cho rằng việc tham gia EU sẽ giúp các nước Đông Âu củng cố chế độ dân chủ mới của họ dường như là quan điểm quá lạc quan.” Tuy nhiên, ngay cả Jacques Rupnik, một người Pháp có tư tưởng tự do, chuyên viết về chủ nghĩa dân túy phi tự do ở Đông Âu, cũng tự tin rằng thời gian và áp lực của Liên minh châu Âu “có thể chống lại những người dân túy.” Hơn nữa, thách thức chính ở Trung và Đông Âu là củng cố dân chủ và làm cho nó trở thành hợp pháp hơn, khoan dung hơn, có trách nhiệm giải trình cao hơn, và phản ứng nhanh hơn, trong hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ còn thô sơ và căn bản hơn. Mười hai nước thuộc Liên Xô cũ (không kể các nước thành viên EU dân chủ là Estonia, Latvia và Lithuania) hầu hết bị vướng vào những hình thức cai trị độc tài khác nhau hoặc chế độ độc tài trắng trợn. Georgia, Ukraine, Moldova là những dân chủ mong manh (trong trường hợp tốt nhất). Armenia và Kyrgyzstan có một số thành tố quan trọng của xã hội dân sự và cạnh tranh trong bầu cử, nhưng thiếu quyền tự do chính trị rộng hơn và sự công bằng của chế độ dân chủ bầu cử. Những nước thuộc Liên Xô cũ khác là những nước độc tài – Uzbekistan và Turkmenistan là những nước cực kì độc tài (hai nước này có điểm thấp nhất trên thước đo về các quyền chính trị và tự do dân sự của Freedom House), và Nga, Belarus, Azerbaijan, Kazakhstan và Tajikistan là những nước khá độc tài. Quá trình thu hẹp liên tục sân khấu chính trị, biến các đảng đối lập, các phong trào dân sự và các nhà báo độc lập thành nạn nhân đã và đang bóp nghẹt chế độ dân chủ ở Nga và biến Belarus thành chế độ độc tài, như chúng ta đã thấy trong chương 3. Những xu hướng áp bức đã bao vây các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ, mặc dù chưa có nước nào trong đó khởi sự với mức độ đa nguyên chính trị và dân chủ như Nga từng được hưởng trong những năm đầu thập niên 1990.
Bằng các cuộc cách mạng về bầu cử trong năm 2003 và 2004, Georgia và Ukraine đã tiến hành cải cách thể chế, làm cho những nước này trở thành dân chủ hơn và có trách nhiệm giải trình hơn. Nhưng ở cả hai nước, vẫn có đó những trở ngại đáng kể, cao hơn hẳn những trở ngại mà các chế độ dân chủ mới ở Trung và Đông Âu phải đối mặt. Ở Ukraine từ sau cuộc Cách mạng Cam, quyền tự do cho việc tổ chức xã hội dân sự và và các phương tiện truyền thông đại chúng đã tăng lên và trở thành hợp pháp hơn. Theo bản hiến pháp mới, quyền lực bao trùm của tổng thống đã bị giảm bớt để gia tăng quyền lực cho quốc hội dân cử, quốc hội có quyền độc lập trong việc bổ nhiệm thủ tướng (như trong các chế dân chủ ở những nước hậu cộng sản khác ở châu Âu). Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 3 năm 2006, phe đối lập, Đảng các Khu vực, thân Nga, một đảng độc tài, từng bị thất bại trong Cách mạng Cam, đã hồi sinh và giành được đa số phiếu rồi đứng ra thành lập chính phủ mới. Nhưng ở mức độ đáng kể, chính sự chia rẽ trong nội bộ những người ủng hộ dân chủ đã mở đường cho Đảng các Khu vực, chỉ giành được một phần ba số phiếu trong cuộc bầu cử “tự do nhất” trong “mười lăm năm sau khi đất nước giành được độc lập.” Người hùng của Cách mạng Cam, tổng thống Viktor Yushchenko, đã thể hiện là một nhà lãnh đạo rất không có hiệu quả, không thể đối phó với đối thủ chính của ông, thủ tướng Yulia Tymoshenko, trong liên minh ủng hộ cải cách.
Tháng 9 năm 2005, Yushchenko tức giận và đã giải tán chính phủ nằm trong tay lực lượng đối lập, và trong lúc tìm cách bù đắp cho việc quốc hội không ủng hộ mình, ông ta đã cố gắng mở rộng quyền lực tổng thống vượt quá giới hạn đã được quy định. Mặc dù dưới thời Yushchenko, đã có một số cải thiện trong ngành tư pháp nhưng hệ thống này vẫn còn yếu, còn bị ngành hành pháp chi phối và tham nhũng của các quan chức chính phủ vẫn là hiện tượng phổ biến.
Ở Georgia, tiến trình dân chủ không bị sự chia rẽ trong hàng ngũ những người tiến hành cuộc Cách mạng Hoa Hồng mà lại bị chiến thắng áp đảo của họ đe dọa. Kết quả là, “vẫn không có lực lượng đối lập đáng tin cậy trước Phong trào Dân tộc Thống nhất”, tức là đảng cầm quyền của tổng thống Mikheil Saakashvili, người đã nắm quyền khi vụ gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2003 bị vạch trần. Những tu chính hiến pháp được thực hiện ngay sau bầu cử “đã làm cho nghị viện yếu đi và đưa Georgia theo hướng tổng thống có quyền lực vô giới hạn, vượt qua cả quyền kiểm soát của lập pháp, hành pháp và tư pháp.Từ khi nắm quyền, Saakashvili đã sử dụng quyền lực to lớn của mình để tiến hành cải cách nhằm cải thiện hiệu quả quản lý của nhà nước, tăng lương cho các công chức, tăng cường tính minh bạch trong chi tiêu ngân sách, phòng chống tham nhũng chính trị và tệ quan liêu (với nhiều vụ bắt giữ các quan chức cao cấp), giảm nạn trốn thuế, phân cấp chính quyền, gia tăng sự độc lập của ngành tư pháp và ngăn chặn (thậm chí là truy tố) những vụ vi phạm nhân quyền của cảnh sát và của các cơ quan khác. Đầu năm 2007, tổng thống đã đưa cải cách hiến pháp về việc tước quyền tổng thống trong việc bổ nhiệm và cách chức các thẩm phán thành luật, và do đó gia tăng tính độc lập của ngành tư pháp. Kết quả là, quyền tự do, trách nhiệm giải trình và chất lượng nói chung của bộ máy quản lý đã gia tăng, thậm chí trong khi chính phủ đã phải đối phó với hai phong trào li khai được Nga hậu thuẫn ở Abkhazia và Nam Ossetia.
Hiện nay, lần đầu tiên trong giai đoạn lịch sử hậu Xô Viết, Georgia đã trở thành một nước dân chủ. Nhưng với đa số áp đảo ở quốc hội và chiến thắng với 90% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, quyền lực của Saakashvili tập trung trong văn phòng của cá nhân ông ta đến mức có thể cản trở hoặc đảo ngược quá trình phát triển dân chủ của đất nước này. Khoảng cách cần phải đi được xác định phần nào bởi sự kiện là trong cuộc thăm dò được tiến hành tháng 6 năm 2006, một nửa số người được hỏi nghĩ rằng Georgia không phải là nước dân chủ, trong khi chỉ có một phần tư nghĩ rằng nước mình là dân chủ mà thôi; và chưa đến 20% tin vào quốc hội, tòa án, và chính phủ mặc dù gần một nữa tin vào tổng thống.
Trong những nước khác ở Trung Á và vùng Caucasus, những hình thức độc tài khác nhau giữ thế thượng phong. Điều làm người ta kinh ngạc về khu vực này là, khác hẳn với các nước hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu, những nước này đã giữ nguyên ban lãnh đạo và cơ cấu cầm quyền của những kẻ ăn trên ngồi trốc từ thời Liên Xô. Lý do chính cho tiếp nối từ chế độ cộng sản là việc chuyển đổi các chế độ này không phải là do các lực lượng đối lập bên dưới thực hiện (như ở Nga hay Tiệp Khắc) hay đàm phán giữa trật tự cũ và mới (như ở Hungary và Ba Lan), mà bị các tổ chức của cộng sản áp đặt (hoặc bị cướp một cách nhanh chóng) từ trên xuống, sức mạnh của nó đã đè bẹp các lực lượng chính trị dân chủ hay đa nguyên vừa mới hình thành. “Sức mạnh vượt trội” của những nhà độc tài cũ thể hiện rõ nhất ở vùng Trung Á. Một thập kỉ rưỡi sau khi Liên Xô sụp đổ “ở ba trong năm quốc gia Trung Á, tầng lớp cai trị dưới thời Mikhail Gorbachev”, vẫn còn nắm quyền. Đầu năm 2007 Islam Karimov và Nursultan Nazarbayev vẫn là – mà không biết bao giờ mới thôi là – những người cai trị có quyền lực cá nhân tuyệt đối của Uzbekistan và Kazakhstan; trong khi ở Turkmenistan, cuối năm 2006, một cơn đau tim, giết chết Saparmurat Niyazov, mới loại bỏ được vị tổng thống độc tài và được sùng bái, “tổng thống suốt đời (hoặc như ông tự gọi mình, “Turkmenbashi” – “Cha già của tất cả người Turkmen”). Ngay cả ở Kyrgyzstan và Tajikistan, “các vị tổng thống hiện nay từng là những người có chức vụ cao trong thời cộng sản.”
Ở Azerbaijan, một nước thuộc vùng Caucasus, Heydar Aliyev, cựu lãnh đạo cộng sản trong khu vực dưới thời Liên Xô, đã trở lại nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1993 (lật đổ tổng thống được bầu một cách tự do) và tiếp tục cầm quyền cho đến khi sức khỏe buộc ông ta phải rút, nhường quyền cho con trai mình và năm 2003; ông này đã giành được chiến thắng “long trời lở đất” trong cuộc bầu cử tổng thống “bị vấy bẩn bởi gian lận tràn lan.” Tổng thống Armenia, Robert Kocharian, nhậm chức năm 1999, khi phần lớn ban lãnh đạo chính phủ bị ám sát ngay tại quốc hội. Ông ta nắm quyền trở lại vào năm 2003 trong cuộc bầu cử có nhiều khiếm khuyết làm cho đất nước bị chia rẽ một cách cay đắng và thúc đẩy phe đối lập đã trưởng thành tẩy chay quốc hội. Và trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Hoa Hồng, trong suốt mười một năm, Georgia đã nằm dưới quyền cai trị của Eduard Shevardnadze, một quan chức cộng sản thời Xô Viết (và là ngoại trưởng của Gorbachev).
Kyrgyzstan, nước tự do nhất trong phổ chính trị hậu Xô Viết, đã có các đảng và các phong trào đối lập và thậm chí là có một số đại diện quan trọng của phe đối lập trong quốc hội, cũng như mức độ tự do và đa nguyên nhất định trong xã hội dân sự. Năm 2005, sau khi cuộc Cách mạng hoa Tulip nhằm chống lại vụ gian lận trong kì bầu cử quốc hội đã lật đổ được vị tổng thống ngày càng độc đoán là Askar Akayev, đa nguyên chính trị và quyền tự do đã được cải thiện đáng kể. Nhưng, trong những năm đầu tiên, vị tổng thống mới, Kurmanbek Bakyev, nói chung đã không thể thực hiện được lời hứa về cải cách dân chủ.
Hiến pháp mới, năm 2006, đặt ra khả năng ngăn chặn bớt quyền tổng thống nhưng đã bị làm dịu đi khi quốc hội thông qua vào cuối năm 2006. Tuy nhiên, hiến pháp cho quốc hội quyền chấp thuận đề cử chức thủ tướng của tổng thống và thậm chí bác bỏ – như đã làm vào đầu năm 2007. Ngược lại với các nước lân bang độc tài hơn ở Trung Á, phe đối lập chính trị và những nhà hoạt động trong xã hội dân sự ở Kyrgyzstan thường không gặp những vụ đàn áp khốc liệt và giết người, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận một số cải tiến về nhân quyền trong năm 2006.Dưới thời Bakiyev, nước này dường đã quay lại thành chế độ tham nhũng, nhưng đây là chế độ chuyên chế đa nguyên ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, ở hầu hết các nước trong khu vực, tất cả phong trào đều đi theo hướng củng cố chế độ độc tài, ở Uzbekistan và Turkmenistan là chế độ độc tài trắng trợn. Không chế độ nào trong số đó muốn “sai lầm” của những cuộc cách mạng màu lặp lại trên mảnh đất của họ, và vì vậy, mọi dấu hiệu thách thức hay đe dọa chính trị có tổ chức đều bị đập tan ngay lập tức. Trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 12 năm 2005 ở Kazakhstan, chính phủ đã tăng cường sách nhiễu và tấn công nhắm vào các nhà hoạt động của phe đối lập và các nhà báo độc lập; họ áp dụng đạo luật đàn áp mới nhằm ngăn chặn các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhóm tôn giáo, các đảng chính trị; và Nursultan Nazarbayev đã tái cử với thắng lợi long trời lở đất, tới 91% phiếu bầu.Nhưng khác với hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ, chế độ ở Kazakhstan có tiền và sự khéo léo để có thể sử dụng những biện pháp tinh tế hơn trong việc cai trị. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Kazakhstan xuất hiện như nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn. Năm 2005 nước này mới đứng thứ 14 (với 1,1 triệu thùng mỗi ngày), nhưng người ta cho rằng năm 2020 Kazakhstan sẽ nằm trong năm nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới (với hơn 3 triệu thùng dầu được sản xuất mỗi ngày). Với các khoản đầu tư khoảng 25 tỉ USD từ các công ti phương Tây, thu nhập từ dầu đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 1999 lên hơn 8% một năm, tạo điều kiện cho Nazarbayev sử dụng một cách bừa bãi hiện tượng tham nhũng và bảo trợ để mua chuộc những người bất đồng chính kiến tiềm tàng. Kết quả là “những nhóm lợi ích trong lĩnh vực tài chính và các đảng chính trị ủng hộ chế độ kiểm soát toàn bộ quốc hội, cơ quan này không có một đại biểu đối lập hay độc lập nào”, trong khi, một trong hai đảng đối lập đã chia rẽ thành những phe phái hung hăng và những phe dễ thỏa hiệp hơn. Tổng thống cũng tìm cách bòn rút tất cả các khoản trời cho đó nhằm mua chuộc xã hội dân sự bằng những khoản trợ cấp của chính phủ, với hi vọng là sẽ biến các thiết chế của chính phủ – trong đó có tư pháp và chính quyền địa phương – thành những con tốt nằm dưới sự kiểm soát mang tính tập quyền, cũng như làm giàu cho mạng lưới rộng khắp của người thân và bạn bè của ông ta. Mạng lưới thân nhân và ô dù đã “thâu tóm được quyền lực chính trị cực kì to lớn, bằng cách lập ra hoặc tài trợ cho các đảng phái chính trị nắm quyền kiểm soát quốc hội, đồng thời chiếm trọn thị trường truyền thông của đất nước và loại khỏi cuộc chơi tất cả các kênh truyền thông độc lập.” Trên thực tế, cô con gái của tổng thống ngày càng gia tăng sự hiện diện của mình ở khắp mọi nơi cùng với chồng “kiểm soát và có ảnh hưởng trong toàn bộ lĩnh vực thông tin mà hầu như không bị ai cạnh tranh.” Hay ít nhất họ đã làm như thế cho đến khi Rakhat M. Alliyev, con rể của tổng thống, bị mất sự ủng hộ của xã hội vì đã công khai chỉ trích các tu chính hiến pháp tạo điều kiện cho “Nazarbayev trở thành tổng thống suốt đời”. Trong khi lưu vong ở Vienna, Aliyev đã bị con gái của tổng thống bỏ và bị truy tố về tội bắt cóc trẻ con, đúng vào lúc ông ta tung ra các cáo buộc chế độ độc tài và vụ gian lận lớn trong cuộc bầu cử của ông bố vợ cũ. Kết hợp của tài sản đang gia tăng từ lĩnh vực dầu khí, vị trí chiến lược quan trọng, sự hỗ trợ phương Tây và kĩ năng trong lĩnh vực chính trị làm cho Nazarbayev tự tin rằng ông đã không phải chờ đợi lâu sau khi tái đắc cử tuyên bố rằng ông đã lên kế hoạch tranh cử một nhiệm kì thứ bảy khác nữa, mặc dù hiến pháp quy định là mỗi người chỉ được giữ chức tổng thống hai nhiệm kì.
Trái ngược lại với việc đàn áp có chọn lọc của Nazarbayev, ở Uzbekistan tổng thống Islam Karimov theo đuổi chiến lược đốt sạch, tức là tìm cách tiêu diệt tất cả những lực lượng đối lập mà ông ta gặp.” Đến lượt mình, sự đàn áp tàn bạo, bừa bãi đã làm cho phe đối lập Hồi giáo trở thành cực đoan hơn và làm cho chế độ thậm chí trở thành kém an toàn hơn. Tháng 5 năm 2005, chính phủ của Karimov đã bắn vào đám đông và giết chết hàng trăm (và có thể gần một ngàn) người, phần lớn là tay không tấc sắt ở thành phố Andijan nhằm đàn áp cuộc biểu tình chống chính phủ hay chống điều mà chính quyền gọi là cuộc nổi dậy của “Hồi giáo cực đoan và lực lượng độc ác.”Sau đó chính phủ nước này quay sang đàn áp xã hội dân sự vốn đã bị đánh tơi bời, đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập và các tổ chức phi chính phủ, đồng thời trục xuất các phương tiện truyền thông nước ngoài và những sự trợ giúp của lực lượng dân chủ quốc tế.”2
Năm 2005, tình hình nhân quyền ở Uzbekistan xấu đến mức ngay cả thậm chí chính quyền của tổng thống Bush – tuyệt vọng vì các đồng minh Trung Á trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố – đã kêu gọi tiến hành điều tra độc lập về tình trạng bất ổn ở Andijan, làm cho chính phủ Uzbekistan đẩy quân đội Mỹ ra khỏi một căn cứ không quân quan trọng mà họ đã sử dụng từ sau vụ xâm lược Afghanistan năm 2001. Theo Human Rights Watch, những nỗ lực ở bên trong nhằm ghi chép và phản đối tình hình đang xấu đi ở Uzbekistan đã gặp phải những “biện pháp như hăm dọa, đe dọa, quấy rối và tấn công thân thể, bỏ tù và tra tấn. Nhiều nhà hoạt động, trong đó có những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo độc lập và thành viên của lực lượng đối lập về chính trị đã bị những kẻ tấn công không rõ nguồn gốc đánh đập, bị chính quyền địa phương đe dọa, bị đám đông cản trở và bị quản thúc tại gia.”Một số người có khi còn bị “biệt giam suốt mấy tháng trời.”
Về nhiều mặt, chế độ độc tài Uzbekistan là chế độ điển hình của vùng Trung Á, nhưng cực đoan hơn. Quyền lực của chính phủ bị tập trung cao độ, tham nhũng lan tràn và có tính cướp bóc, phá hủy hầu như tất cả ranh giới giữa văn phòng nhà nước và lợi ích tư nhân. Một người, với gốc gác chính trị từ chế độ cộng sản Xô Viết, đã lấn lướt cả hệ thống, kiểm soát tất cả các ngành và các cấp chính quyền, và dường như đã quyết định sẽ cai trị mãi mãi. Quyền lợi của gia đình, dòng họ và nhóm thân hữu đều xuất phát từ ông ta và trở nên giàu có vì ông ta. Người ta coi tất cả các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động nhân quyền, các phương tiện truyền thông độc lập, các phương tiện truyền thông và các nỗ lực trợ giúp quốc tế là đe dọa đối với an ninh quốc gia và bị soi xét với thái độ nghi ngờ cao nhất. Đằng sau sự kiểm soát độc quyền thông tin của nhà nước mà không ai có thể vượt qua được, tổng thống Karimov sống “một cách đặc biệt xa hoa”, tích cóp tài sản từ nguồn thu nhà nước và tịch thu các doanh nghiệp tư nhân đồng thời xây dựng – theo kiểu của Saddam Hussein – một loạt dinh thự sang trọng trong tất cả các thành phố lớn. Một trong những dinh thự như thế, ở một trong những thành phố nghèo nhất Uzbekistan – quốc gia nghèo thứ hai ở Trung Á – “có một thang máy bằng kính do Đức sản xuất để tổng thống không phải đi bằng cầu thang”. Khi một luật sư người Mỹ và cũng là chuyên viên của Freedom House, Robert Freedman, đi vòng quanh bên ngoài tòa nhà, ông thấy “những người thợ đang lát sàn bằng những phiến đá cẩm thạch mới, vì trong thời gian ở lại, dù chỉ một đêm, tổng thống tỏ ra không hài lòng với màu sắc những phiến đá cẩm thạch được lát trước đó.”
Kết hợp giữa đàn áp khốc liệt, nghèo đói triền miên và tham nhũng, suy đồi làm băng hoại nhân cách của một nhúm những kẻ ăn trên ngồi trốc đang nắm quyền ở Uzbekistan gây ra thách thức nghiêm trọng nhất trong khu vực, đấy là những nhóm người Hồi giáo cực đoan. Những nhóm cực đoan này ngày càng được nhiều người ủng hộ vì chính phủ ngày càng áp bức hơn và dễ bị mua chuộc hơn. Ở nước láng giềng Tajikistan, nơi mà một cán bộ cộng sản cũ, Imomali Rakhmonov, sau khi trở thành tổng thống liền phát động cuộc nội chiến đẫm máu, kéo dài năm năm, nhằm chống lại những người Hồi giáo có vũ trang, được cho là đã cướp đi sinh mạng của khoảng năm mươi ngàn người.
Chế độ này sau đó đã học được một bài học về những hạn chế của lực lượng quân sự. Sau năm năm đánh nhau, năm 1997 họ đã ký thỏa thuận hòa bình do Liên hiệp quốc làm trung gian. Hiệp ước này đã đưa phe đối lập vào chính phủ, cho phép cạnh tranh chính trị ở mức độ nào đó và đa nguyên trong các phương tiện truyền thông trong khuôn khổ hệ thống độc tài. Mức độ đa nguyên khiêm tốn này “đã làm cho chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và ý hệ cách mạng của Hồi giáo trở thành kém hấp dẫn hơn.”
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)