[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 4)

[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 4)

NHỮNG BẤT CẬP CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ MỸ LATIN

Ở Trung Mỹ, có một loài kiến nổi tiếng về khả năng giết chóc, gọi là marabunta hay maras – chúng đi thành những đoàn khổng lồ và tiêu diệt tất cả mọi thứ trên đường đi. Thuật ngữ này hiện cũng được sử dụng cho các băng đảng gồm toàn thanh niên chuyên giết người, “sinh ra trong khu ổ chuột ở Los Angeles và các thành phố khác của Mỹ”, đang lây lan như một bệnh dịch trên khắp khu vực Trung Mỹ và lên đến tận Mexico và Hoa Kỳ. Do sự bùng nổ về dân số và tệ nạn xã hội của khu vực, các băng nhóm không chỉ đe dọa trực tiếp chế độ dân chủ, mà còn được sử dụng như một ẩn dụ đầy sức mạnh để nói về tình trạng vô luật pháp đến mức có thể coi là khủng hoảng ở Mỹ Latin.

Chế độ dân chủ ở Mỹ Latin tiếp tục bị suy thoái và biến dạng trước hết là do chế độ pháp quyền còn yếu. Chắc chắn là, khu vực này đã đi được một chặng đường dài, từ giai đoạn của chế độ độc tài quân sự tàn bạo và quá trình chuyển đổi thể chế ngập ngừng. Cùng với việc chấm dứt các cuộc nội chiến ở Trung Mỹ và việc đè bẹp cuộc bạo loạn của lực lượng Con Đường Sáng ở Peru, những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn như thảm sát hàng loạt, các đội hành quyết và tra tấn đã không còn hoặc chí ít là đã giảm rất nhanh. Nhưng, hội chứng của bạo lực, tội phạm và vi phạm nhân quyền, do nạn nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng, sự yếu kém và tham nhũng trong các lĩnh vực dịch vụ xã hội do nhà nước cung cấp và hệ thống tư pháp có nhiều thành phần tội phạm, làm người ta bất an. Những lời lên án sau đây do nhà nghiên cứu chính trị của Brazil, Paulo Sérgio Pinheiro (một trong những nhà nghiên cứu về bạo lực có uy tín nhất khu vực và là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ) vẫn còn có giá trị mặc dù được chấp bút năm 1999.

Từ ngày chế độ dân chủ quay lại với nhiều nước Mỹ Latin, tính chất của các mối quan hệ giữa chính phủ và xã hội, đặc biệt là những người nghèo khổ và bị đẩy ra bên lề của xã hội, là sử dụng bạo lực một cách bất hợp pháp và tùy tiện...Vi phạm nhân quyền diễn ra mỗi ngày và đa số thủ phạm đều không bị trừng phạt hoặc phải chịu trách nhiệm về những tội ác ghê tởm của họ...

Tội phạm gia tăng không chỉ xói mòn những kì vọng về dân chủ (như nhiều cuộc khảo sát ở châu lục này đã cho thấy) mà còn khuyến khích bạo lực tràn lan, làm suy yếu tính chính danh của hệ thống chính trị. Có những khu vực rộng lớn, chủ yếu là ở các vùng nông thôn, nơi mà giới cầm quyền địa phương tiếp tục thao túng các thiết chế nhà nước, trong đó có cả tòa án và cảnh sát...

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về xã hội dân sự và quản trị theo lối dân chủ, người nghèo tiếp tục là nạn nhân của bạo lực, tội phạm hình sự và các vụ vi phạm nhân quyền…

Cảnh sát và các thiết chế khác trong hệ thống hình sự có xu hướng hành động như “lực lượng biên phòng”, bảo vệ tầng lớp ăn trên ngồi trốc khỏi người nghèo. Những hành động bạo lực của cảnh sát vẫn không bị trừng phạt vì thường là nhằm chống lại “những giai cấp nguy hiểm đó” và ít khi động chạm tới đời sống của những kẻ đặc quyền đặc lợi... Tội lỗi của tầng lớp trung lưu và của những kẻ ăn trên ngồi trốc – như tham nhũng, gian lận tài chính, trốn thuế, bóc lột lao động của trẻ con hay nô lệ – không được coi là những mối đe dọa, làm thay đổi hiện trạng. Cũng có thể nói như thế về tội phạm có tổ chức, trong đó có buôn bán ma túy, rửa tiền, buôn lậu, và thậm chí là buôn bán vũ khí mang lại nhiều lợi nhuận…

Ngay cả sau khi đã tiến hành chuyển hóa về chính trị, tra tấn và điều kiện kinh tởm của các nhà tù là tình trạng phổ biến ở hầu hết các nước Mỹ Latin...

[Ngoài ra], hành hình tại chỗ những người bị tình nghi và tội phạm hình sự vẫn thường xảy ra ở nhiều nước... Nạn nhân thường là những người thuộc những nhóm dễ bị tổn thương nhất – người nghèo, người vô gia cư, và người gốc Phi.

Hiện nay Pinheiro vẫn khẳng định rằng, “tình trạng vô luật pháp tiếp tục là hiện thực hàng ngày đối với hàng triệu người dân trên khắp Mỹ Latin.” Tỉ lệ tội phạm ở khu vực này cao gấp đôi mức trung bình trên thế giới và “Ngân hàng. Phát triển Liên Mỹ cho rằng GDP trên đầu người ở Mỹ Latin sẽ tăng thêm 25% nếu tỉ lệ tội phạm của khu vực ngang với tỉ lệ trung bình trên thế giới.”

Trong suốt thập kỉ qua, mối liên hệ giữa đói nghèo, tội ác, bạo lực, buôn bán ma túy và lạm quyền của nhà nước đã và đang gia tăng, đấy là do các băng đảng thanh niên, xuất phát trước hết từ những người thất nghiệp và ít học. Tỉ lệ người bị giết nhảy lên hàng cao nhất thế giới, trong khi cảnh sát tham nhũng và trang bị tồi tìm cách ngăn chặn. Khi mạng lưới tội phạm có tổ chức cắm rễ vào ngành buôn bán ma túy vẫn mang lại nhiều lợi nhuận, “việc chia tách giữa bạo lực của các băng đảng thanh niên và tội phạm ma túy có tổ chức ngày càng trở thành mơ hồ hơn.” Các nước Mỹ Latin còn phải vật lộn với nạn nghiện ma túy đang ngày càng gia tăng.

Sức mạnh của mạng lưới tội phạm có tổ chức khẳng định rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với dân chủ – và khả năng quản lý – không phải là giao quá nhiều quyền lực cho nhà nước mà là nhà nước không có khả năng và kém hiệu quả. Ở Brazil,“bọn găng-xtơ kiểm soát phần lớn trong số gần 700 fevelas (khu nhà ổ chuột) ở Rio. Các ông trùm ma túy là người quyết định có cho công ty điện lực lắp đường dây mới hay không, họ cũng là người quyết định trường mẫu giáo đóng cửa vào lúc nào và ai được tới chăm các cố đạo. Họ dựng lên các chính quyền song hành – như trong các nhà tù ở Sao Paulo, các khu ổ chuột ở Caracas và Medellin và trên đường phố ở Acapulco và thành phố Mexico.”

Ở El Salvador, hơn một chục khu vực tự trị “được cho là đang bị các maras cai trị.” Ngay cả trong những nước dân chủ lâu đời ở vùng Caribbe, buôn bán ma túy, “rửa tiền và nạn tham nhũng đi kèm cũng đang gặm nhấm dần chất lượng của dân chủ.” Theo lời một quan chức chính phủ thì ở Mexico, tại một số khu vực, bọn buôn bán ma túy “đã thay thế chính quyền địa phương”, chúng đã tạo ra những thách thức đối với quyền lực của nhà nước đến mức tổng thống Felipe Calderón đã phải huy động lực lượng quân sự quốc gia để đánh lại chúng.” Dễ dàng tiếp cận với vũ khí nhỏ và sự lan tràn những loại vũ khí tự động ngày càng có uy lực hơn cũng là những tác nhân góp phần kéo dài tình trạng tồi tệ này.

Bất bình đẳng lớn về thu nhập, thiếu việc làm, kì thị chủng tộc, cho rằng mình không được hưởng những lợi ích của quá trình toàn cầu hóa đã làm cho các thanh niên thuộc tầng lớp nghèo đói “thi vị hóa” hành động tội phạm.1 Cũng như ở Hoa Kỳ, những cộng đồng nghèo khổ là nạn nhân chính. Điều này đòi hỏi phải có nền tư pháp có tinh thần cảnh giác, và dư luận xã hội cũng như áp lực của các phương tiện truyền thông đòi phải có chính sách kiểm soát cứng rắn trước hiện tượng chà đạp các quyền tự do dân sự và bỏ tù ngày càng nhiều các thanh niên nghèo túng và đầy bạo lực và những nhà tù quá đông đúc và bất bình thường, chẳng khác gì “các trường đào tạo giang hồ.” Những người bị giam thường bị ngược đãi, bị tấn công tình dục và tra tấn. Hơn nữa, cảnh sát và công tố viên thường điều tra rất sơ sài, cũng như những hiện tượng ngược đãi của nhà nước và nhà nước thậm chí còn tệ hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho những người yếu đuối và bị cáo tiếp cận với công lí, trong đó có người đại diện về mặt pháp lí. Vì vậy, theo Pinheiro, “khu vực này phải tiếp tục chiến đấu với những vấn đề dường như khó sửa chữa trong lĩnh vực hình sự: lạm dụng lực lượng giết người của cảnh sát, giết người mà không cần xét xử, hành hình theo kiểu linsơ, tra tấn, điều kiện tù đày không thể chấp nhận được và nạn tham nhũng tràn lan.”Ở tất cả các nước trong khu vực đều có những vấn đề như thế, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là Brazil, Mexico, Colombia, Venezuela, Trung Mỹ và Jamaica. Nhưng đây không phải là những vấn đề của riêng Mỹ Latin. Vấn đề băng đảng ở Trung Mỹ đã tràn sang Hoa Kì với mức độ dữ dội hơn. Một băng đảng của Salvador – MS-13 – (Mara Salvatrucha), một trong những băng đảng lớn nhất và tàn bạo nhất khu vực – được cho là có mười ngàn thành viên, hoạt động ở 31 bang ở Hoa Kỳ (trên toàn thế giới băng này có tới năm mươi ngàn thành viên.)

Hai thập kỉ sau khi quay lại với chính phủ dân sự, ở Guatemala, những thách thức này vẫn còn rất rõ. Các nhóm nhân quyền, những người hoạt động ở nông thôn và công đoàn (cũng như tất cả những người đang tìm công lí cho những bất công trong quá khứ) thường trở thành mục tiêu của những vụ tấn công đầy bạo lực, giết chóc và đe dọa bị giết.Bạo lực do các băng đảng gây ra bên trong cũng như bên ngoài nhà tù đều rất khủng khiếp. Tỉ lệ số vụ giết người ở Guatemala cao nhất Tây Bán Cầu, gần gấp tám lần Hoa Kỳ.Theo một công trình nghiên cứu so sánh, “phải quay lại London hồi thế kỉ XIV, giai đoạn trước khi có lực lượng cảnh sát thường trực thì ở đây mới có tỉ lệ giết người cao như Guatemala hiện nay.” (Ở El Salvador và Honduras, các chuyên gia sợ rằng tỉ lệ có thể còn cao hơn). Vấn đề còn tồi tệ thêm vì hệ thống tòa án hầu như không hoạt động, “bị tê liệt vì tham nhũng, thiếu hiệu quả, không đủ năng lực và các quan tòa, công tố viên và nhân chứng bị đe dọa.”Do sự chậm chạp của hệ thống tư pháp và các quyền không được bảo vệ, “Viện bảo vệ xã hội cho rằng có tới 65% tù nhân chưa bị kết án là tội phạm.” Trong cuộc nội chiến kéo dài 36 năm, kết thúc năm 1996, khoảng hai trăm ngàn người đã bị giết – phần lớn là do lực lượng của chính phủ giết hại. Mặc dù Ủy ban Sự thật do Liên hiệp quốc tài trợ có thể xác định được số người bị giết, nhưng những cố gắng nhằm buộc những người gây ra phải chịu trách nhiệm pháp luật lại bị tình trạng bất lực, thiếu nguồn lực, gây rối và trả thù của các nhóm bí mật cản trở. Do đó, trong số 626 vụ giết người hàng loạt mà Ủy ban Sự thật tìm được, chỉ có hai vụ bị tòa án Guatemala xét xử mà thôi.”Những tội ác “thông thường” hơn cũng ít bị trừng phạt. “Ví dụ, văn phòng Ombudsman về nhân quyền của Guatemala cho rằng chỉ có 3% những vụ giết phụ nữ và các cô gái là bị bắt giam.” Sự yếu kém của hệ thống tư pháp tạo ra hàng chục vụ hành hình theo kiểu linsơ mỗi năm.

Nạn nghèo đói, thiếu an toàn và bất bình đẳng quá mức là mảnh đất màu mỡ cho những căn bệnh như thế về thiết chế và chính trị sinh sôi nẩy nở. Trung bình 10% số người có thu nhập cao nhất ở Mỹ Latin giành được 40% thu nhập quốc dân, trong khi 20% số người có thu nhập thấp nhất chỉ mang về nhà có 4% thu nhập quốc dân. Ngược lại, ở Ấn Độ, Indonesia và Ghana, 10% số người trên cùng thu được 30%, trong khi 20% dưới cùng nhận được từ 6% đến 9% thu nhập quốc dân. Tỉ lệ trung bình của 10% trên cùng so với 20% dưới cùng ở Mỹ Latin là 11:1 - –ở Brazil, Chile, Colombia và Panama là 15:1 hoặc còn tệ hơn, tương đương với Nam Phi với di sản phân biệt chủng tộc khủng khiếp của nước này.Trong khi tỉ lệ thu nhập ở Hàn Quốc, Đức và Slovenia chưa tới 3:1, ở Ấn Độ và Indonesia chưa tới 4:1, ở Thổ Nhĩ Kì và Philippines – hai nước nổi tiếng về bất bình đẳng – chưa tới 7:1. Bất bình đẳng quá đáng như ở Mỹ Latin “làm lan truyền mô hình quan hệ mang tính độc tài giữa những kẻ đặc quyền đặc lợi và những nhóm người khác.” Người giàu cho rằng mình đương nhiên là có quyền lực, trong khi người nghèo bị coi là hạ đẳng bẩm sinh và không được cung cấp các phương tiện để thực hiện các quyền công dân của mình. Vấn đề còn bị hiện tượng kì thị chủng tộc đối với người bản địa và người gốc Phi làm trầm trọng thêm. Ở Guatemala, tỉ lệ nghèo trong dân chúng bản địa (chiếm 75% dân số) cao gấp đôi, tỉ lệ cực nghèo cao gấp bốn lần và tỉ lệ người đi học chỉ bằng một nửa người nói tiếng Tây Ban Nha.

Cùng với bất bình đẳng là nạn nghèo đói tràn lan. Ở nhiều nước Mỹ Latin, đặc biệt là ở Trung Mỹ và khu vực Andes, người nghèo chiếm từ 40 đến 50%, hoặc hơn. Ở Ecuador, mặc dù vụ bùng nổ về thu nhập từ dầu khí, “số liệu chính thức về tỉ lệ người không có việc làm và có việc làm bán thời gian của toàn bộ lực lượng lao động vẫn là 58%.”Hơn nữa, phần lớn dân chúng Mỹ Latin tự coi mình là người nghèo. Năm 2005, khi được đề nghị tự xếp hạng theo thang 10 bậc (1 là nghèo nhất, còn 10 là giàu nhất), người dân của 13 trong 17 nước Mỹ Latin tự xếp vị trí trung bình dưới 4. Cũng trong năm đó, 56% người dân trong toàn khu vực nói rằng thu nhập của họ không đủ chi dùng cho nhu cầu hàng ngày.Trong năm 2006 – tăng trưởng liên tiếp bốn năm liền – những lo lắng về kinh tế có giảm bớt, nhưng thất nghiệp vẫn là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất và được coi là vấn đề lớn nhất mà đất nước đang phải đối mặt, và đáng ngạc nhiên là hai phần ba người Mỹ Latin nói rằng họ sẽ trở thành thất nghiệp và mất việc trong vòng 12 tháng tới. Nhưng lúc đó sự lo lắng của họ là có cơ sở: năm 2005, cứ 5 gia đình thì có 3 gia đình trong đất nước Mỹ Latin điển hình nói rằng ít nhất có một người trưởng thành không có việc làm trong vòng 12 tháng trước đó. Điểm sáng là, từ năm 2003, người dân Mỹ Latin ngày càng lạc quan hơn về tương lai kinh tế của cá nhân họ, trung bình, 50% hi vọng rằng sẽ được cải thiện.

Và sau một thập kỉ, trong đó chưa đến 10% người Mỹ Latin cho rằng tình hình kinh tế của đất nước họ là tốt hay rất tốt, năm 2006 con số này đã tăng lên thành 18%. (Số người cho rằng tình hình kinh tế là xấu hoặc rất xấu cao gấp đôi). Và, mặc dù tỉ lệ người cho rằng tình hình kinh tế của gia đình họ gia tăng trong ba năm liên tục, kể từ năm 2004, năm 2006 con số này cũng chỉ là 30% mà thôi.

Nghèo đói và bất bình đẳng, tương tự như tội phạm và bạo lực, tự tái tạo trong những vòng luẩn quẩn, vòng này củng cố vòng kia. Những kẻ ăn trên ngồi trốc giàu có tìm cách trốn thuế và làm méo mó những ưu tiên về chi tiêu của chính phủ, cản trở các khoản đầu tư giúp giảm nghèo trong ngắn hạn và thông qua những khoản chi tiêu cho giáo dục và y tế, có tác dụng giảm nghèo trong dài hạn. Tình trạng nghèo đói, vô luật pháp, và tội phạm mang tính bạo lực làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài và do đó cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế – mà đấy lại là điều kiện cực kì cần thiết để làm cho người nghèo thoát nghèo.

Tất cả những vấn đề này còn bị nạn tham nhũng – quyết định mọi khía cạnh của quản trị – làm cho trầm trọng thêm. Tham nhũng làm cho việc sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực cho nhu cầu xã hội trở thành khó khăn hơn. Tham nhũng làm giảm hiệu quả của các khoản đầu tư công. Nó làm méo mó các ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư, làm nản lòng các nhà đầu tư, họ không dám mạo hiểm đồng vốn vì những khoản tiền thưởng gian lận cho các hợp đồng, vì phải đút lót và pháp luật chưa chắc đã bảo vệ quyền sở hữu. Trên vũ đài chính trị, nó có thể tạo ra những vụ thỏa thuận đáng ngờ giữa các đảng phái khác nhau để được miễn tố vì những việc làm sai trái trong quá khứ, ví dụ như ở Nicaragua.

Kết quả là, nhiều người ở Mỹ Latin tỏ ra nghi ngờ các đảng phái và các chính trị gia, và nghi ngờ càng làm gia tăng sự chia rẽ và thiếu kiên định của hệ thống đảng phái. Sự kết hợp của cá tính bực bội, yếu và bất mãn với xã hội – bị hệ thống đảng phái lèo lái làm cho việc hình thành liên minh cần thiết cho việc tiến hành những cuộc cải cách nhà nước và nền kinh tế trở thành cực kì khó khăn và có thể nhanh chóng hạ bệ các vị tổng thống. Trong giai đoạn từ năm 1985 đến năm 2004, hơn một chục vị tổng thống ở Mỹ Latin đã phải kết thúc sớm nhiệm kì vì bị buộc tội hay phải từ chức vì những vụ biểu tình phản đối của quần chúng. Từ đó trở đi, các vị tổng thống của Bolivia (ba lần trong 20 năm) và ở Ecuador (lần thứ ba trong vòng một thập kỉ) “đã bị các cuộc biểu tình của quần chúng buộc phải từ chức.” Khi Néstor Kirchenr nhậm chức vào tháng 5 năm 2003, ông là vị tổng thống thứ sáu ở Argentina trong vòng có 18 tháng. Nhiều vị tổng thống là những kẻ tham nhũng hay bất tài và đáng phải ra đi, nhưng chính sự năng động về chính trị và xã hội đặc biệt của Mỹ Latin đã có đóng góp, làm cho một loạt tổng thống gặp thất bại.

Hệ thống đại nghị có thể hoạt động tốt hơn, có thể quản lý được những vụ căng thẳng đó và động viên sự ủng hộ của nhánh lập pháp đối với nhánh hành pháp và cổ vũ cho những vụ chuyển giao lãnh đạo một cách êm thấm hơn trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng ở Mỹ Latin, chế độ tổng thống đã ăn sâu bén rễ đến mức điều tốt đẹp nhất mà người ta có thể hi vọng là những cuộc cải cách hạn chế của họ có thể thúc đẩy sự ổn định, ví dụ như tiến hành bầu cử đồng thời cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp (có thể làm gia tăng khả năng ủng hộ đảng của tổng thống bên trong nghị viện.)

GIỮ GÌN CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ Ở MỸ LATIN

Về mặt chính thức, chế độ dân chủ ở Mỹ Latin đã thu được tiến bộ đáng kể, nhưng nếu chúng ta nhìn vào các thiết chế đang hoạt động trên thực tế và cách thức người dân đánh giá những thiết chế này thì phải công nhận rằng còn phải làm rất nhiều việc trước khi dân chủ được coi là đã đứng vững. Chế độ độc tài đang len lỏi vào Venezuela và những vụ lạm dụng quyền lực dưới chế độ mị dân cánh tả khác ở Bolivia cho thấy không có phát triển về kinh tế, thiếu tự do chính trị và chế độ quản trị tốt thì dân chủ dễ bị tổn thương đến mức nào.

Muốn củng cố chế độ dân chủ ở Mỹ Latin thì phải làm cho các thiết chế ăn sâu bén rễ và tạo ra được tiến bộ về vật chất và được phân bố một cách rộng rãi. Điều này hàm ý một chương trình nghị sự mà Alejandro Toledo gọi là “con đường ba nhánh song song”. Thứ nhất, chế độ dân chủ phải có những quy tắc căn bản của sự đúng đắn trong chính sách kinh tế, như Toledo đã làm, như chính phủ tả khuynh của tổng thống Brazil, Lula da Silva đã làm và các chính phủ nối tiếp nhau ở Chile đã và đang làm, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Chỉ có làm như thế mới tạo được bối cảnh cho các cuộc cải cách xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng. Nhưng, thứ hai, những cuộc cải cách này không thể chờ đợi những khoản đầu tư dài hạn để có thể tạo ra những kết quả tiệm tiến. Phải tiến hành những chương trình có mục tiêu để giải quyết tình trạng cực nghèo, như những khoản tín dụng nhỏ cho các doanh nghiệp nhỏ và phát triển thị trường dành cho sản phẩm của những người cực kì nghèo. Thứ ba, phải thực hiện những cố gắng đặc biệt nhằm củng cố các thiết chế dân chủ về trách nhiệm giải trình và đại diện, trong đó có hệ thống tư pháp độc lập, bộ máy theo dõi và kiểm soát tham nhũng một cách hiệu quả, hệ thống báo chí độc lập và đa nguyên, và chính quyền địa phương và khu vực do dân cử.Như chúng ta sẽ thấy trong các chương sau, những công việc cần làm trước ở Mỹ Latin cũng không khác với những việc cần làm ngay ở những nơi khác trên thế giới.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường