[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 3)

[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 3)

TIẾN BỘ CHẬM CHẠP

Ở Mỹ Latin, việc thể chế hóa chế độ dân chủ bầu cử là thành tích quan trọng trong ba thập kỉ qua. Trong phần lớn các nước dân chủ trong khu vực, quyền lực được luân chuyển giữa các đảng và các nhóm xã hội có những khác biệt khá lớn về ý hệ. Từ cuối những năm 1990, các đảng và ứng viên cánh tả đã giành được quyền lực ở Venezuela (1998), Chile (2000 và 2006), Brazil (2002 và 2006), Argentina (2003), Uruguay (2005), Bolivia (2006), Peru (2006), Ecuador (2006), và Nicaragua (2006). Thường thì các ứng cử viên tổng thống phải vượt qua sự chênh lệch kéo dài từ lâu, ở Brazil chỉ thành công sau nhiều lần thất bại trong các kì tuyển cử, ở Ecuador phải chống lại những khoản tài trợ từ các doanh nhân giàu có nhất, ở Bolivia phải chống lại gần năm thế kỉ khi mà đa số dân bản địa bị loại khỏi hoạt động chính trị, còn ở Chile thì phải chống lại truyền thống trọng nam khinh nữ. Những cuộc tuyển cử đó đã mở ra khả năng cho thay đổi thực sự; ở Brazil, nó đã mang lại quyền lực cho lãnh tụ nghiệp đoàn từng có quan điểm cấp tiến (Luiz Inácio Lula da Silva); ở Bolivia, nó đã mang lại quyền lực cho lãnh đạo của những người nông dân trồng cây coca (Morales) và ở Chile, “lần đầu tiên một người phụ nữ Mỹ Latin không có người thân là đàn ông hoạt động trong lĩnh vực chính trị được bầu lên làm tổng thống” (Michelle Bachelet).1 Quyền lực cũng được luân chuyển (như ở Mexico năm 2000), và không nghi ngờ gì rằng một lần nữa sẽ chuyển sang cánh hữu. Mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng kết quả của các cuộc bầu cử ngày càng không chắc chắn hơn, mức độ công bằng và minh bạch đã được thể chế hóa – thậm chí ở cả Guatemala, một nước dân chủ phi tự do nhất Mỹ Latin.Ở một số nước như Brazil và Mexico, các đảng phái và hệ thống đảng phái cũng đang trưởng thành và phát triển thành cơ chế của chế độ đại diện và trách nhiệm giải trình hiệu quả.3

Nhiều vị tổng thống cánh tả đã quản lý đất nước một cách thực dụng và mang lại hiệu quả chấp nhận được, họ áp dụng kỉ luật tài chính và nền tảng kinh tế vững chắc trong khi vẫn tăng các khoản chi trong lĩnh vực xã hội. Không chỉ các vị tổng thống theo lối dân chủ xã hội như Toledo ở Peru và Fernando Henrique Cardoso ở Brazil, mà các vị tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa, những đảng cánh tả có lịch sử lâu đời hơn như Ricardo Lagos ở Chile (2000-2006), Lula ở Brazil và Tabaré Vázquez ở Uruguay (được bầu năm 2005). Tám năm cầm quyền của Cardoso ở Brazil – một chế độ dân chủ được coi là gần như bất trị khi ông nắm quyền năm 1995, là sự kiện lịch sử; đã chia đất cho hơn sáu trăm ngàn nông dân không có đất ở (gấp ba lần số lượng người được định cư trong suốt ba mươi năm trước đó) và gia tăng số trẻ em được đến trường, hầu hết trẻ em đều được học tiểu học (tăng 20%) trong khi đã kiềm chế được lạm phát và tham nhũng và bắt đầu củng cố các thiết chế dân chủ đang còn lung lay.4

Một số tiến bộ là kết quả của một việc tái định hướng một cách căn bản của các đảng phái và nhóm cánh tả ở Mỹ Latin, những tổ chức này đã trở thành ôn hòa hơn sau khi từ bỏ chủ nghĩa Marx và các hệ tư tưởng cách mạng, để trở thành dân chủ hơn bằng cách chấp nhận nền chính trị dân cử và từ bỏ “bạo lực, cách mạng hay những phương pháp bài hệ thống khác nhằm giải quyết những vấn đề công bằng xã hội."5 Công cuộc chuyển hóa chưa thể gọi là phổ quát, bằng chứng là sự bóp nghẹt chủ nghĩa đa nguyên dân chủ do Hugo Chavez tiến hành ở Venezuela và chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa (trong đó có quốc hữu hóa những ngành công nghiệp chính) do Evo Morales tiến hành ở Bolivia. Nhưng ở phần lớn nước trong khu vực, phe tả đã và đang chuyển theo hướng trung dung và cai trị theo hướng thực dụng.

Tương tự như vậy, phái hữu cũng trở nên ôn hòa hơn. Ở Mexico, Vicente Fox đã khắc phục được hình ảnh mang tính hữu khuynh của đảng Hành động Quốc gia (PAN) bằng cách bổ nhiệm nội các với một số trí thức cánh tả và sau đó cai trị với mức độ minh bạch cao hơn hẳn những gì nhà nước độc tài Mexico đã trải qua trong quá khứ. Nếu Fox chưa tạo được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo, chống tham nhũng, tội phạm, và nạn thất nghiệp như xã hội đòi hỏi thì ông cũng đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và chế độ quản lý tử tế đủ sức (sát sao) làm cho đảng của ông lại giành được chức tổng thống vào năm 2006. Ở El Salvador, đảng Arena, từng có thời theo phái hữu hiếu chiến, năm 1992 đã áp dụng chính sách hòa giải, tăng tỉ lệ chi tiêu về mặt xã hội và giảm đáng kể số người nghèo. Đảng này cũng chấp nhận những hạn chế của hệ thống dân chủ, trong đó các đảng cánh tả do các du kích quân trước đây lập ra đã nắm được đa số trong cơ quan lập pháp và một số chính quyền địa phương, kể cả thủ đô.6

Các chính phủ dân chủ cũng đã thực hiện được một số cuộc cải cách quan trọng. Khắp khu vực Mỹ Latin, đặc biệt là trong các cộng đồng chính trị bị chia rẽ sâu sắc ở Trung Mỹ và vùng núi Andes, quá trình chính trị đã được mở ra cho những nhóm người mà trước đây từng bị tước quyền công dân và thậm chí là mở cửa với cả những nhóm người từng bị đối xử một cách tàn bạo. Những dân tộc bản địa – chiếm đa số hay gần như đa số ở Bolivia, Guatemala, Peru và Ecuador và thuộc nhóm thiểu số đông đảo ở Mexico, Honduras, Chile, El Salvador và Colombia – đã nâng cao được ý thức nhóm và tổ chức được các vụ phản đối mang tính xã hội cũng như khuyến khích được sự tham gia chính trị. Việc mở rộng các quyền tự do và tăng cường dân chủ đã và đang tạo điều kiện cho các dân tộc bản địa giành được những cuộc cải cách về xã hội và luật pháp, trong đó có tiếp cận với nền giáo dục song ngữ, tiếng bản địa giành được địa vị chính thức, bảo vệ quyền sở hữu tập thể và công nhận về mặt pháp lí luật tục của người bản địa.7 Một trong những tác nhân làm cho việc trao quyền lực cho các đảng phái của người bản địa trở thành dễ dàng hơn là quá trình phi tập quyền hóa một cách từ từ chính quyền trung ương, tương tự như ở Ấn Độ, quá trình này đã tạo ra nhiều chính quyền dân cử ở địa phương, bang và khu vực hơn trước. Cùng với việc các đảng của người bản địa giành được quyền kiểm soát các chính quyền địa phương, đôi khi họ mang theo “truyền thống tự quản của người bản địa, một truyền thống nhấn mạnh sự đồng thuận, tham gia của cộng đồng, luân chuyển lãnh đạo và nhân nhượng lẫn nhau” làm cho dân chủ ngày càng có chất lượng cao hơn.8 Việc động viên người bản địa tham gia còn tạo ra ảnh hưởng tích cực khác, đấy là ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lập pháp xuất thân từ các nhóm người bản địa, đặc biệt là ở Bolivia,được bầu trên nền tảng cương lĩnh rộng lớn hơn của các chính đảng.

Dần dần, các chế độ dân chủ ở Mỹ Latin cũng đã đạt được tiến bộ trong việc áp đặt trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền trong quá khứ (sau giai đoạn không bị trừng phạt kéo dài). Sau khi nhậm chức tổng thống Argentina năm 2003, Néstor Kirchner coi đây là vấn đề ưu tiên đặc biệt. Quốc hội Argentina đã hủy bỏ (năm 2003) và Tòa án tối cao đã tuyên bố (năm 2005) rằng hai luật ân xá được thông qua vào cuối những năm 1980 về việc miễn trừ đối với những người chịu trách nhiệm về những vụ tra tấn, giết người vì động cơ chính trị và mất tích dưới chính quyền quân sự là vi hiến. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Kirchner, sau thời gian gián đoạn gần hai thập kỉ, nhiều người đã bị khởi tố. Trong một vụ án có ý nghĩa quan trọng, năm 2006, hai quan chức cảnh sát bị kết án vì những vụ tra tấn và mất tích và bị kết án theo những điều khoản tăng nặng. Sau thời gian bị ngăn chặn, Chile đã kiên quyết truy tố các cựu quan chức quân sự, bị cáo buộc về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dưới thời chính quyền độc tài của tướng Augusto Pinochet. Tính đến tháng 10 năm 2006, “tòa án Chile đã kết án 109 người [trong đó có các cựu tướng lĩnh] vì những tội như “mất tích”, tử hình không qua xét xử và tra tấn dưới chính quyền quân sự.”9 Tháng 10 năm 2006, tổng thống mới, Dachelet, công bố dự định sửa đổi luật ân xá cho những vụ vi phạm mà các quan chức đã phạm trong giai đoạn 1973-1978.

Việc giảm dần ảnh hưởng chính trị và vai trò của giới quân nhân ở Mỹ Latin và việc họ bị các quan chức dân sự kiểm soát cũng quan trọng không kém. Quá trình diễn ra mạnh nhất ở khu vực cực nam của Nam Mỹ từng có thời nằm dưới chế độ độc tài quân sự – Argentina, Brazil và Chile; tuy nhiên, trên khắp khu vực này, quyền tự trị và đặc quyền đặc lợi của quân đội (trong đó có việc họ tham gia vào lĩnh vực kinh tế và tự chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ) đã được đưa dần vào khuôn phép. Ở nhiều nước, ngân sách quân sự và quy mô của các lực lượng vũ trang cũng được thu nhỏ hơn trước. Ở Chile, những điều khoản hiến pháp độc tài do Pinochet đưa vào bị loại bỏ dần, và tháng 8 năm 2005 gói cải cách hiến pháp – sau cuộc tranh cãi kéo dài hơn một thập kỉ – đã có hiệu lực, loại bỏ các thượng nghị sĩ được chỉ định và khôi phục lại quyền của tổng thống trong việc bãi nhiệm tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang và cảnh sát.10 Những cuộc cải cách như thế cũng được thực hiện ở Trung Mỹ – khu vực mà giới quân nhân có quyền lực mạnh nhất – cũng là khu vực mà giới quân nhân gây ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền nhất. Trong thập kỉ vừa qua, áp lực trong nước và và quốc tế – ảnh hưởng mang tính tích lũy từ các cuộc bầu cử dân chủ, Chiến tranh Lạnh kết thúc và những vụ nổi dậy của lực lượng vũ trang cánh tả – “nói chung đã buộc giới quân nhân phải nằm dưới sự kiểm soát của các quan chức dân sự và góp phần hạn chế ảnh hưởng của quân đội trong lĩnh vực chính trị” ở El Salvador, Honduras, Nicaragua và ngay cả ở Guatemala nữa. Ở khu vực này, cũng như trên khắp Mỹ Latin, tinh thần cảnh giác của OAS, nhằm ngăn chặn đảo chính quân sự làm cho các lực lượng vũ trang khó có khả năng phản đối những cuộc cải cách của chính quyền dân sự dân cử. Nhưng giới chức quân sự ở Trung Mỹ vẫn được hưởng (nhất là ở Guatemala) mức độ tự hiến định, không bị chế độ dân chủ giám sát, không bị trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, và có vai trò quan trọng nhất trong việc thu thập thông tin tình báo, làm giảm nghiêm trọng chất lượng và sự ổn định của chế độ dân chủ.11

Chú thích: 

(1) Arturo Valenzuela and Lucia Dammert, “Problems of Success In Chlle”, Journal of Democracy 17 (October 2006): 65.

(2) Anita Isaacs, “Guatemala”, in Freedom House, Countries at the Crossroads, 2006 (New York: Rowman and littlefield, 2006), pp. 146-47.

(3) Muốn tìm hiểu xu hướng này ở Brazil, xin mời đọc Frances Hagopian, trong Larry Diamond and Leonardo Morlino, eds., Assessing the Quality of Democracy (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2005), pp. 123-62.

(4) Ibid., p. 137, and World Bank, World Development Indicators, http://publications.worldbank.org/Subscriptionst/WDI/Old-default.htm.

(5) Matthew R. Cleary, “Explaining the Left’s Resurgence”, Journal of Democracy 17 (October 2006): 41.

(6) David Holiday, “EI Salvador’s ‘Model’ Democracy”, Current History 104 (February 2005), 77-82.

(7) Donna Lee Van Cott, “Indigenous Peoples and Democralization in Latin America”, Journal of Democracy 18 (October 2007): 127-41. Van Cott nhận xét rằng ở Colombia, Ecuador, Panama, và Venezuela các cuộc cải cách công nhận các quyền văn hóa và xã hội của người dân bản địa tiến xa hơn, còn ở Argentina, Bolivia, Brazil, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Paraguay, và Peru thì “khiêm tốn” hơn. Xin mời đọc thêm Van Colt, “Broadening Democracy: Latin America’s Indigenous Peoples’ Movements”, Current History 103 (February 2004): 80-85.

(8) Van Cott, “Indigenous Peoples and Democratization in Latin America”, p. 135.

(9) Human Rights Watch, World Report, 2007, http://hrw.org/englishwr2k7/docs/2007/01/11/Chile14883.htm.

(10) Human Rights Watch, World Report, 2006 (New York: Human Rights Watch, 2006), p. 178.

(11) J. Mark Ruhl, “Curbing Central America’s Militaries”, Journal of Democracy 15 (July 2004): 137-51. Đoạn trích trên trang 137.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường