![[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 6)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_8.2_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 6)
GIỮ GÌN DÂN CHỦ TRONG CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
Sự tồn tại bền vững của dân chủ ở các nước đã phát triển không phải là điều thần bí. Như đã thấy trong chương 4, phát triển kinh tế đương nhiên sẽ làm thay đổi các giá trị của cá nhân và tạo ra chuyển hóa trong cơ cấu xã hội, thúc đẩy xã hội tiến về phía dân chủ và làm cho việc duy trì chính phủ phi dân chủ trở thành khó khăn hơn.Thực vậy, chế độ dân chủ trong các nước giàu chưa bao giờ bị sụp đổ. Nhưng chúng ta cũng không được thờ ơ.Con người có xu hướng tự nhiên là thâu tóm quyền lực và nắm độc quyền các nguồn lực, vì vậy mà dân chủ tiếp tục dễ bị tổn thương.Đối với các nước giàu. thành công của cải cách quyết định chất lượng và phạm vi của dân chủ. Còn đối với các nước nghèo, sự sống còn của dân chủ lại đang bị đe dọa.
Trong chương này chúng ta đã thấy những điều kiện làm cho Ấn Độ giữ được dân chủ hầu như không bị gián đoạn trong sáu mươi năm – và về mặt tiềm năng, bất cứ nước nào, cả giàu có nghèo, đều có thể đi theo con đường của Ấn Độ. Mặc dù có sự phát triển kinh tế trong thời gian gần đây, Ấn Độ chưa phải là nước giàu hay có học vấn cao, có phép lạ trong phát triển, hay đã diễn cuộc cách mạng trong quản trị. Tốc độ cải thiện có thể là khá tốt, nhưng đấy là điều chắc chắn phải xảy ra. Ở cấp độ chung nhất, hai điều kiện sau đây đã và đang giúp duy trì chế độ dân chủ ở Ấn Độ: dân chủ hoạt động tốt và ngày càng sâu sắc thêm và người dân ngày càng hy vọng rằng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với thời gian, chế độ dân chủ ở Ấn Độ hoạt động về cơ bản là để nhân dân lựa chọn người cầm quyền, luân chuyển những người nắm quyền, kiểm soát giới tinh hoa nắm quyền, phơi bày những vụ lạm dụng quyền lực, và giải quyết về pháp lý và chính trị những bất công trong xã hội. Kết quả không phải lúc nào cũng như nhau, nhưng ở những thời điểm có tính bước ngoặt về mặt lịch sử, thay đổi đã diễn ra và công lý đã chiến thắng. Những nhóm người bị thiệt hại nhận thấy rằng có thể buộc hệ thống hiến pháp làm việc vì họ và vì tất cả mọi người. Người công dân đã bắt đầu nhận ra rằng dân chủ không chỉ là những cuộc bầu cử thỉnh thoảng mới được tổ chức, mà nó cho người ta phương tiện để buộc những người cầm quyền phải có trách nhiệm giải trình và trả lời, và làm cho ban lãnh đạo chính trị ngày càng trở thành cơ quan đại diện rộng rãi hơn – “một thành tựu mà mà nhiều người Ấn Độ có quyền tự hào.”1
Đồng thời, chế độ dân chủ ở Ấn Độ còn hoạt động theo một nghĩa khác về chính trị, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với những xã hội bị chia rẽ ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, một số nước châu Âu và Mỹ Latin. Chế độ dân chủ cung cấp cho người ta những biện pháp hòa bình để quản lý và thích nghi với những khác biệt sâu sắc. Một lần nữa, những biện pháp này đã phát triển mà không có những cú giật lùi nghiêm trọng, những công cụ hiến định và pháp lý đã và đang ngăn chặn và giới hạn những vụ xung đột bạo lực trên diện rộng trong khi lại làm sâu sắc thêm giá trị của các nhóm người trong hệ thống dân chủ. Cơ cấu liên bang của Ấn Độ, hệ thống tuyển cử và đảng phái của nước này, những quy định về việc giao quyền hành cho các nhóm thiểu số đã và đang phát huy tác dụng vì chúng phù hợp với những hoàn cảnh đặc thù của đất nước và vì chúng có khả năng thích nghi với những hoàn cảnh đang thay đổi theo thời gian.
Cuối cùng, chế độ dân chủ Ấn Độ đứng vững được là do xã hội ngày càng thêm hy vọng vào thể chế này. Cho tới thập kỉ vừa qua, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ phải nói là thực sự bi thảm – bị kéo lùi lại vì lòng trung thành mang tính ý hệ với những nguyên tắc của xã hội chủ nghĩa về sự can thiệp của nhà nước và nền kinh tế tự cấp tự túc.Kể từ khi tự do hóa và mở cửa nền kinh tế năm 1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã cao hơn hẳn tốc độ rùa bò gọi là “tốc độ phát triển Ấn giáo” của đất nước này suốt bốn thập niên đầu tiên và cuối cùng, công cuộc chuyển hóa đã được khởi động. Nhưng ngay cả trong mấy thậpkỉ kém hiệu quả đó, đời sống của người dân đã được cải thiện. Từ năm 1970 đến năm 1992, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 50 lên 61, tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm gần một nửa, và tỉ lệ người lớn biết đọc biết viết tăng từ 34 lên 50%.2 Hơn nữa,“nền kinh tế đã có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, mặc dù chưa đến mức ngoạn mục; đã tái cơ cấu một phần nền nông nghiệp, kết quả là đã tự cung cấp được lương thực, thực phẩm; tiến hành công nghiệp hóa và đã sản xuất được hầu như tất cả các sản phẩm mà đất nước cần; đào tạo ngày càng nhiều công nhân có tay nghề và có học vấn; giảm liên tục tỉ lệ lạm phát xuống thành một trong những nước có mức độ lạm phát thấp nhất thế giới; và đảm bảo mức độ tự chủ và khả năng thanh toán, làm cho nước này thoát khỏi những cuộc khủng hoảng nợ lớn.”3 Đấy là thành tích mà không có nước châu Phi nào đạt được.
Nếu nước này không đưa được nhiều người thoát khỏi cảnh đói nghèo, thì ít nhất cũng đã tạo ra được sự tiến bộ và đã cho người dân hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn và cảm giác rằng phẩm giá của nhóm và lòng tự hào dân tộc đang ngày càng gia tăng. So sánh với những thách thức mà đất nước từng gặp hồi mới giành được độc độc lập và những thất bại trong quá trình phát triển của nhiều lân bang, đây là những thành tích không thể coi là nhỏ.
Nhận thức rõ hơn những chính sách kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển và những biện pháp kĩ thuật để chiến đấu với bệnh tật, gia tăng sản lượng nông nghiệp và cải thiện khả năng của con người, phần lớn các nước đang phát triển hiện nay có tiềm năng phát triển nhanh hơn Ấn Độ trong bốn thập kỉ đầu tiên của nước này. Nhưng bài học kinh nghiệm đáng chú ý của Ấn Độ là phát triển kinh tế thậm chí là khiêm tốn nhưng liên tục, kết hợp với các thiết chế dân chủ hoạt động tốt và ngày càng sâu sắc thêm, có thể giữ vững được hệ thống chính trị tự do ở bất cứ nước nào.
Chú thích:
(1) Jenkins, “Anti-Corruptinon Activism and the Deepening of Democracy”, p, 56.
(2) Larry Diamond, Juan J. Linz, and Seymour Martin Lipset, “What Makes for Democracy?” in Diamond, Linz, and Lipset, Politics in Developing Countries, table l.l, pp. 12-13.
(3) Das Gupta, “India”, p. 295. Bằng chứng thống kê cho thấy ngay cả tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa phải nhưng liên tục trong các nước nghèo cũng làm giảm đáng kể khả năng sụp đổ chế độ dân chủ, đấy là nói khi so sánh với kiểu phát triển bùng nổ-phá sản. “Cái chết của các chế độ dân chủ diễn ra theo sơ đồ sau: Chúng thường xảy ra khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế và trong đa số trường hợp chúng thường đi kèm với khủng hoảng kinh tế”. Ngoài ra, chế độ dân chủ ở các nước nghèo dễ thường sụp đổ trong giai đoạn khi mà thu nhập của đất nước giảm. Adam Przeworki, Michael E. Alvarez, José Antonio Cheibub, and Fernando Limongi, Democracy and Development: Political Institutions and Well-Bieng in the World, 1950-1990 (Cambridge: Cambridge University Press, 2000), p. 111.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)