![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 1)
BẠN KHÔNG THỂ ĐÁP TÀU HỎA ĐẾN BO ĐƯỢC NỮA
TOÀN THỂ ĐẤT NƯỚC SIERRA LEONE ở Tây Phi trở thành thuộc địa Anh vào năm 1896. Thoạt đầu, thủ đô Freetown được thành lập vào cuối thế kỷ 18 như một mái nhà cho những người nô lệ được trả tự do và hồi hương. Khi Freetown trở thành thuộc địa Anh, vùng nội địa Sierra Leone vẫn bao gồm nhiều tiểu vương quốc châu Phi. Dần dần, vào nửa sau thế kỷ 19, người Anh mở rộng sự cai trị vào sâu trong nội địa thông qua hàng loạt hiệp ước với các quốc vương châu Phi. Ngày 31/8/1896, chính phủ Anh tuyên bố chế độ bảo hộ thuộc địa trên cơ sở các hiệp ước này. Người Anh nhận diện các vị vua bản xứ quan trọng và ban cho họ một chức danh mới: thủ lĩnh tối cao. Ví dụ như ở miền đông Sierra Leone thuộc quận Kono khai thác kim cương hiện nay, họ chạm trán vị vua chiến binh quyền lực Suluku. Vua Suluku được phong chức thủ lĩnh tối cao Suluku, và cương vị thủ lĩnh Sandor được tổ chức như một đơn vị hành chính của chế độ bảo hộ thuộc địa.
Mặc dù những vị vua như Suluku đã ký kết hiệp ước với người Anh, họ không hiểu rằng các hiệp ước này sẽ được lý giải là sự toàn quyền hành động để thiết lập thuộc địa. Tháng 1/1898, khi người Anh cố gắng thu thuế nhà - khoản thuế 5 shilling được thu từ mỗi căn nhà - các thủ lĩnh đã vùng lên trong một cuộc nội chiến, được gọi là Bạo loạn thuế nhà. Bạo loạn bắt đầu ở miền bắc, nhưng trở nên mạnh nhất và kéo dài hơn ở miền nam, nhất là ở vùng Mendeland dưới sự chi phối của dân tộc Mende. Bạo loạn thuế nhà chẳng bao lâu bị dập tắt, nhưng nó cảnh báo người Anh về những thách thức đối với việc kiểm soát các vùng nội địa Sierra Leone. Trước đó, người Anh bắt đầu xây dựng đường sắt từ Freetown vào sâu trong nội địa. Công trình bắt đầu vào tháng 3/1896 và tuyến đường sắt kéo dài đến thị trấn Songo vào tháng 12/1898, ngay giữa cuộc Bạo loạn thuế nhà. Tài liệu của Quốc hội Anh từ năm 1904 có ghi lại:
Trong trường hợp đường sắt Sierra Leone, bạo loạn của người bản xứ nổ ra vào tháng 2/1898 đã làm đình trệ hoàn toàn công trình và phá rối tổ chức nhân sự trong một thời gian. Quân phiến loạn đột ngột tấn công đường tàu, và hậu quả là toàn bộ nhân sự phải rút về Freetown… Lúc đó, Rotifunk nằm trên tuyến đường sắt cách Freetown 55 dặm đã hoàn toàn rơi vào tay quân phiến loạn.
Trên thực tế, Rotifunk không nằm trên tuyến đường sắt theo kế hoạch vào năm 1894. Lộ trình đã được thay đổi sau khi vụ bạo loạn bắt đầu, cho nên thay vì đi về phía đông bắc, nó đi về phía nam qua Rotifunk và đến Bo, vào vùng Mendeland. Người Anh muốn nhanh chóng tiếp cận Mendeland, trung tâm của cuộc nổi loạn, và các vùng có tiềm năng phá hoại khác sâu trong nội địa nếu các cuộc bạo loạn khác nổi lên.
Khi Sierra Leone giành độc lập vào năm 1961, người Anh bàn giao quyền lực cho ngài Milton Margai và Đảng Nhân dân Sierra Leone (SLPP); đảng này chủ yếu nhận được sự ủng hộ ở miền nam, nhất là vùng Mendeland, và miền đông. Tiếp bước ngài Milton là ngài Albert Margai, em trai ông, trên cương vị thủ tướng vào năm 1964. Năm 1967, Đảng SLPP thua sít sao trong một cuộc bầu cử cạnh tranh kịch liệt với đảng đối lập, Đảng Quốc hội toàn dân (APC), dưới sự lãnh đạo của Siaka Stevens. Stevens là người dân tộc Limba từ phía bắc, và đảng APC nhận được phần lớn sự ủng hộ từ các dân tộc phía bắc: Limba, Temne và Loko.
Mặc dù đường sắt đi về phía nam thoạt đầu do người Anh thiết kế để cai trị Sierra Leone, đến năm 1967, vai trò của nó liên quan đến kinh tế, giúp vận chuyển hầu hết hàng hóa xuất khẩu của đất nước: cà phê, ca cao và kim cương. Các nhà nông trồng cà phê và ca cao là người dân tộc Mende, và đường sắt là cánh cửa mở ra thế giới cho vùng Mendeland. Mendeland tích cực bỏ phiếu cho Albert Margai trong cuộc bầu cử năm 1967. Nhưng Stevens quan tâm đến việc củng cố quyền lực hơn là thúc đẩy xuất khẩu của Mendeland. Lập luận của ông thật đơn giản: bất kể điều gì tốt cho người Mende là tốt cho đảng SLPP và là xấu đối với Stevens. Vì thế ông cho tháo dỡ đoạn đường sắt đến Mendeland. Sau đó ông tiếp tục bán đường ray và đầu máy xe lửa để sự thay đổi này không thể cứu vãn được nữa. Giờ đây, khi bạn lái xe từ Freetown đến miền đông, bạn sẽ đi qua các nhà ga xe lửa đổ nát của vùng Hastings và Waterloo. Không còn xe lửa đến Bo nữa. Lẽ dĩ nhiên, hành động quyết liệt của Stevens đã tàn phá nghiêm trọng một số hoạt động kinh tế sôi nổi nhất của Sierra Leone. Nhưng cũng như nhiều nhà lãnh đạo châu Phi thời kỳ sau độc lập, khi chọn lựa của họ là giữa việc củng cố quyền lực và khuyến khích tăng trưởng kinh tế, Stevens đã chọn việc củng cố quyền lực, và ông không bao giờ hối tiếc. Ngày nay, bạn không còn có thể đáp tàu hỏa đến Bo được nữa, vì cũng hệt như Nga hoàng Nicholas I từng sợ rằng đường sắt sẽ mang cách mạng đến với nước Nga, Stevens cũng tin rằng đường sắt sẽ củng cố sức mạnh của phe đối lập. Cũng như nhiều nhà cai trị khác khi kiểm soát các thể chế chiếm đoạt, ông sợ những thách thức đối với quyền lực của mình và sẵn lòng hy sinh tăng trưởng kinh tế để đập tan những thách thức đó.
Thoạt nhìn, chiến lược của Stevens có vẻ tương phản với chiến lược của nước Anh. Nhưng thật ra, có một mức độ liên tục đáng kể giữa sự cai trị thuộc địa của Anh và chế độ của Stevens, giúp minh họa cho lôgic về vòng xoáy đi xuống. Stevens cai trị Sierra Leone bằng cách chiếm đoạt nguồn lực từ dân chúng bằng cách sử dụng các phương pháp tương tự. Ông vẫn cầm quyền vào năm 1985 không phải vì ông tái đắc cử trong một cuộc bầu cử phổ thông, mà vì sau năm 1967, ông thiết lập một chế độ độc tài bạo lực, giết hại và tấn công các đối thủ chính trị, nhất là các đảng viên SLPP. Ông tự xưng làm tổng thống vào năm 1971, và sau năm 1978, Sierra Leone chỉ có một đảng chính trị, đảng APC của Sierra Leone. Vì thế, Stevens đã củng cố quyền lực một cách thành công, thậm chí khi cái giá phải trả là làm bần cùng hóa phần lớn vùng nội địa.
Suốt thời kỳ thuộc địa, người Anh sử dụng một hệ thống cai trị gián tiếp để thống trị Sierra Leone, cũng như phần lớn các thuộc địa châu Phi khác. Cơ sở của hệ thống này là các vị thủ lĩnh tối cao, những người chịu trách nhiệm thu thuế, thực hiện công lý và duy trì trật tự. Đối với các nhà nông trồng ca cao và cà phê, người Anh không cô lập họ mà buộc họ bán toàn bộ sản lượng cho một ủy ban vật giá do bộ máy thực dân thiết lập, lấy danh nghĩa là để giúp đỡ nhà nông. Giá nông sản biến động mạnh theo thời gian. Giá ca cao năm nay có thể cao nhưng sang năm có thể thấp. Thu nhập của nhà nông cũng vì thế biến động theo. Lý lẽ biện hộ cho ủy ban vật giá là chính họ chứ không phải nhà nông sẽ gánh chịu tình trạng biến động giá. Khi giá thế giới cao, ủy ban sẽ trả cho nhà nông giá thấp hơn giá thế giới, nhưng khi giá thế giới thấp, họ sẽ làm điều ngược lại. Trên nguyên tắc, điều này nghe có vẻ tử tế. Tuy nhiên, thực tế thì rất khác. Ủy ban vật giá Sierra Leone ra đời năm 1949. Lẽ dĩ nhiên, ủy ban cần nguồn thu để hoạt động. Phương thức tự nhiên để có nguồn thu này là trả cho nhà nông hơi thấp hơn một chút so với mức giá lẽ ra họ có thể nhận được cả trong năm thuận lợi cũng như năm thất bát. Sau đó, số tiền này sẽ được sử dụng cho các chi phí gián tiếp và phí quản lý. Chẳng bao lâu sau, mức chênh lệch giá “hơi thấp” này ngày càng lớn. Nhà nước thuộc địa sử dụng ủy ban vật giá như một phương thức để thu thuế nặng đối với các nhà nông.
Nhiều người trông đợi những hoạt động tồi tệ nhất của chế độ thuộc địa ở vùng hạ Sahara châu Phi sẽ chấm dứt sau khi độc lập, và việc sử dụng ủy ban vật giá để đánh thuế nặng đối với nhà nông sẽ kết thúc. Nhưng cả hai điều này đều không xảy ra. Trên thực tế, việc tước đoạt đối với nhà nông thông qua các ủy ban vật giá thậm chí còn tệ hại hơn. Vào giữa thập niên 1960, nhà nông bán nhân cọ cho ủy ban vật giá với giá chỉ bằng 56% giá thế giới; bán ca cao với giá chỉ bằng 48%, và cà phê với giá chỉ bằng 49%. Đến lúc Stevens thôi cầm quyền vào năm 1985, nhường chức cho người kế tục được chọn là Joseph Momoh lên làm tổng thống, các con số này lần lượt là 37%, 19% và 27%. Mặc dù điều này nghe thật tội nghiệp, nó vẫn còn tốt hơn so với con số mà nhà nông nhận được dưới thời Stevens, vốn chỉ bằng 10% giá thế giới - nghĩa là 90% thu nhập của nhà nông đã bị chiếm đoạt bởi chính quyền Stevens, trong khi họ không được cung cấp các dịch vụ công cộng như đường sá hay giáo dục, mà chỉ để làm giàu cho bản thân Stevens cùng giới thân hữu và để mua chuộc sự ủng hộ chính trị.
Như một phần của sự cai trị gián tiếp, người Anh cũng quy định rằng chức vụ thủ lĩnh tối cao sẽ được nắm giữ trọn đời. Để đủ tư cách trở thành thủ lĩnh, người ta phải là thành viên của một “gia tộc cầm quyền” được công nhận. Nhân thân của các gia tộc cầm quyền trong cương vị thủ lĩnh phát triển theo thời gian, nhưng về cơ bản nó dựa vào dòng dõi của nhà vua trong một vùng nhất định và dòng dõi của các gia đình quyền thế đã ký hiệp ước với người Anh vào cuối thế kỷ 19. Các thủ lĩnh được bầu chọn, nhưng không có tính dân chủ. Cơ quan thẩm quyền bộ lạc (Tribal Authority - với thành viên là thủ lĩnh của các làng nhỏ hơn hay do thủ lĩnh tối cao chỉ định, các thủ lĩnh làng, hay người Anh có thẩm quyền), quyết định ai sẽ trở thành thủ lĩnh tối cao. Người ta hẳn đã tưởng rằng thể chế thuộc địa này sẽ bị xóa bỏ hay chí ít được cải cách sau khi đất nước giành độc lập. Thế nhưng, cũng hệt như ủy ban vật giá, thể chế này vẫn tiếp tục được giữ nguyên. Ngày nay, các thủ lĩnh tối cao vẫn tiếp tục phụ trách việc thu thuế. Không còn thuế nhà nữa, nhưng vẫn còn một loại thuế “hậu sinh” của nó: thuế thân. Năm 2005, Cơ quan thẩm quyền bộ lạc ở Sandor bầu cử thủ lĩnh tối cao mới. Chỉ có các ứng viên từ gia tộc cầm quyền Fasuluku, nhà cầm quyền duy nhất, mới được ứng cử. Người đắc cử là Sheku Fasuluku, dòng dõi của Vua Suluku.
Hành vi của các ủy ban vật giá và hệ thống sở hữu đất đai truyền thống giúp giải thích tại sao năng suất nông nghiệp lại thấp đến thế ở Sierra Leone và ở phần lớn vùng hạ Sahara châu Phi. Vào thập niên 1980, nhà khoa học chính trị Robert Bates bắt đầu tìm hiểu lý do khiến hoạt động nông nghiệp có năng suất thấp như thế ở châu Phi, mặc dù căn cứ theo các sách giáo khoa kinh tế, nó phải là khu vực kinh tế năng động nhất. Ông nhận thấy rằng, điều này không liên quan gì đến yếu tố địa lý hay những yếu tố khác như đã thảo luận trong chương 2, vốn được cho là những nguyên nhân cơ bản khiến năng suất nông nghiệp thấp. Một cách đúng đắn hơn, năng suất nông nghiệp thấp đơn thuần là do chính sách định giá của ủy ban vật giá đã triệt tiêu động cơ đầu tư, sử dụng phân bón hay bảo tồn đất đai của người nông dân.
Lý do khiến các chính sách của ủy ban vật giá đi ngược lại lợi ích của nông thôn là bởi vì những lợi ích này không được hậu thuẫn bởi quyền lực chính trị. Các chính sách định giá này tương tác với những yếu tố cơ bản khác làm cho việc chiếm dụng đất không bảo đảm, do vậy làm xói mòn hơn nữa động cơ đầu tư. Ở Sierra Leone, các thủ lĩnh tối cao không chỉ cung cấp luật pháp, trật tự, các dịch vụ pháp lý, và huy động thuế, mà họ còn là “người quản lý đất đai”. Cho dù các gia đình, thị tộc và các triều đại có quyền sử dụng đất và các quyền truyền thống khác đối với đất đai, nhưng thủ lĩnh vẫn là người có tiếng nói quyết định sau cùng về việc ai canh tác ở đâu. Quyền sở hữu đất của bạn chỉ bảo đảm nếu bạn có quan hệ với thủ lĩnh, có thể là từ cùng một gia đình cai trị. Đất đai không được mua bán hay sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn, và nếu bạn không chào đời trong một gia đình thủ lĩnh, bạn không thể trồng những cây lâu năm như cà phê, ca cao hay cọ, vì sợ rằng điều này sẽ cho phép bạn thiết lập một quyền sở hữu “thực tế”.
Sự tương phản giữa các thể chế chiếm đoạt mà người Anh đã thiết lập ở Sierra Leone và các thể chế dung hợp được thiết lập ở các thuộc địa khác như Úc thể hiện qua phương thức quản lý tài nguyên khoáng sản. Kim cương được khám phá ở Kono, miền đông Sierra Leone, vào tháng 1/1930. Mỏ kim cương là mỏ đất bồi, nghĩa là không ở sâu trong lòng đất. Vì thế, phương pháp khai thác cơ bản là giần đãi ở ven sông. Một số nhà khoa học xã hội gọi đây là “kim cương dân chủ”, vì nó cho phép nhiều người tham gia vào việc khai thác, tạo ra một cơ hội có tiềm năng dung hợp. Nhưng ở Sierra Leone thì không phải như thế. Thản nhiên bỏ qua bản chất dung hợp của việc giần đãi kim cương, chính phủ Anh thiết lập một thế lực độc quyền đối với toàn bộ thuộc địa, gọi là Tờ-rớt Tuyển quặng Sierra Leone, và trao độc quyền này cho De Beers, công ty Nam Phi khổng lồ chuyên khai thác kim cương. Năm 1936, De Beers cũng được trao quyền thành lập Lực lượng bảo vệ kim cương, lực lượng quân đội tư nhân mà sau này trở nên lớn hơn so với quân đội chính phủ thuộc địa ở Sierra Leone. Dù vậy, mỏ bồi kim cương phổ biến ở khắp nơi khiến cho tình hình trở nên khó kiểm soát. Đến thập niên 1950, Lực lượng bảo vệ kim cương bị áp đảo bởi hàng nghìn người dân khai thác kim cương trái phép, gây nên nguồn gốc xung đột và bạo loạn đáng kể. Năm 1955 chính phủ Anh mở cửa một vài khu khai thác kim cương cho những người khai thác không thuộc đơn vị Tờ-rớt Tuyển quặng Sierra Leone nhưng được chính quyền cấp phép, mặc dù công ty vẫn giữ lại những vùng giàu kim cương nhất ở Yengema và Koidu và khu khai thác Tongo. Sau khi giành độc lập, sự việc trở nên tồi tệ hơn. Năm 1970, Siaka Stevens quốc hữu hóa Tờ-rớt Tuyển quặng Sierra Leone, thành lập Công ty TNHH Khai thác kim cương quốc gia (Sierra Leone), trong đó chính phủ, mà thực chất là Stevens, có 51% cổ phần. Điều này mở màn cho kế hoạch thôn tính hoạt động khai thác kim cương của Stevens trên cả nước.
Ở nước Úc vào thế kỷ 19, khoáng sản thu hút sự chú ý của mọi người là vàng, được phát hiện vào năm 1851 ở New South Wales và bang Victoria mới thành lập, chứ không phải kim cương. Cũng như kim cương ở Sierra Leone, mỏ vàng là mỏ đất bồi, và người ta phải quyết định xem làm thế nào để khai thác nó. Một vài người như James Macarthur, con trai của John Macarthur, vị lãnh tụ nổi tiếng của những người định cư mà ta đã thảo luận trên đây (chương 10), đề xuất xây dựng hàng rào xung quanh các khu khai thác và tổ chức đấu giá quyền khai thác độc quyền. Họ muốn có một dạng độc quyền giống như Tờ-rớt Tuyển quặng Sierra Leone ở nước Úc. Thế nhưng nhiều người Úc muốn tự do tiếp cận các khu khai thác vàng. Mô hình dung hợp đã chiến thắng, và thay vì thành lập một đơn vị độc quyền, chính quyền Úc cho phép bất kỳ ai trả một khoản lệ phí giấy phép khai thác hàng năm đều được tìm kiếm và đào vàng. Chẳng mấy chốc, những người đào vàng trở thành một lực lượng hùng mạnh trong nền chính trị Úc, nhất là ở bang Victoria. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc lập ra một chương trình bầu cử phổ thông và bỏ phiếu kín.
Như ta đã thấy, sự bành trướng và cai trị thuộc địa của người châu Âu ở châu Phi có hai ảnh hưởng tai hại: việc du nhập hoạt động mua bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương đã khuyến khích sự phát triển các thể chế chính trị và kinh tế châu Phi theo chiều hướng chiếm đoạt; và việc sử dụng các thể chế và bộ máy lập pháp thuộc địa để xóa bỏ sự phát triển nông nghiệp thương mại châu Phi mà lẽ ra đã có thể cạnh tranh với châu Âu. Chế độ nô lệ chắc chắn là một áp lực ở Sierra Leone. Vào thời điểm thuộc địa hóa, không có một nhà nước tập quyền vững mạnh ở vùng nội địa, mà chỉ có nhiều tiểu vương quốc đối kháng nhau, liên tục cướp bóc lẫn nhau và bắt giữ người của các tiểu vương quốc khác. Chế độ nô lệ như một dịch bệnh địa phương, và có đến 50% dân số làm việc như nô lệ. Môi trường bệnh tật có nghĩa là người da trắng không thể định cư trên quy mô lớn ở Sierra Leone như ở Nam Phi. Vì thế, không có người da trắng cạnh tranh với người châu Phi. Hơn nữa, việc không có một nền kinh tế khai thác khoáng sản trên quy mô của Johannesburg có nghĩa là, chẳng những không có nhu cầu về người lao động châu Phi từ các trang trại của người da trắng, mà cũng không có động cơ tạo ra các thể chế thị trường lao động chiếm đoạt, vốn là đặc điểm của vùng Nam Phi phân biệt chủng tộc.
Nhưng các cơ chế khác cũng đã vận hành. Các nhà nông trồng ca cao và cà phê của Sierra Leone không cạnh tranh với người da trắng, nhưng thu nhập của họ vẫn bị tước đoạt thông qua thế lực độc quyền của nhà nước: ủy ban vật giá. Sierra Leone cũng khốn khổ vì sự cai trị gián tiếp. Ở nhiều vùng thuộc châu Phi, nơi chính quyền Anh muốn áp dụng sự cai trị gián tiếp, họ nhận thấy dân chúng không có một hệ thống thẩm quyền tập trung để họ có thể tiếp quản. Ví dụ như ở đông Nigeria, người Igbo không có thủ lĩnh khi người Anh chạm trán họ vào thế kỷ 19. Sau đó, người Anh đã lập ra các thủ lĩnh chiến binh. Ở Sierra Leone, người Anh tổ chức cai trị gián tiếp dựa vào các hệ thống thẩm quyền và thể chế bản xứ hiện hữu.
Tuy nhiên, bất kể nền tảng lịch sử của những cá nhân được công nhận là thủ lĩnh tối cao vào năm 1896 như thế nào, thì sự cai trị gián tiếp và quyền lực được đặt vào tay các thủ lĩnh tối cao đã làm thay đổi hoàn toàn nền chính trị hiện hữu của Sierra Leone. Lý do thứ nhất là nó du nhập một hệ thống phân chia giai cấp xã hội - các gia tộc cầm quyền - chưa từng tồn tại trước đây. Giới quý tộc cha truyền con nối đã thay thế cho tập quán trước đây, trong đó các thủ lĩnh phải có sự ủng hộ của quần chúng và dễ thay đổi hơn. Thay vào đó, đã nổi lên một hệ thống cứng nhắc với các thủ lĩnh cầm quyền trọn đời, chịu ơn các chức sắc ở Freetown hay ở Anh, và không có trách nhiệm giải trình trước người dân mà họ cai trị. Người Anh cũng hoan hỉ làm biến chất các thể chế bằng những cách khác, ví dụ như thay thế các thủ lĩnh chính thống bằng những người hợp tác với họ hơn. Thật vậy, gia đình Margai, sau này có đến hai thủ tướng đầu tiên ở Sierra Leone sau độc lập, đã nắm giữ cương vị thủ lĩnh vùng hạ Banta nhờ sát cánh với người Anh trong cuộc Bạo loạn thuế nhà chống lại vị thủ lĩnh đương thời Nyama. Nyama bị truất phế, người nhà Margai trở thành các vị thủ lĩnh và chiếm giữ cương vị này mãi đến năm 2010.
Điều đáng kể là mức độ liên tục giữa Sierra Leone dưới thời thuộc địa và Sierra Leone sau khi giành độc lập. Người Anh dựng lên các ủy ban vật giá để đánh thuế nhà nông. Chính phủ sau thuộc địa cũng tiếp tục chiếm đoạt tương tự với mức độ thậm chí còn nhiều hơn. Người Anh xây dựng hệ thống cai trị gián tiếp thông qua các thủ lĩnh tối cao. Chính phủ sau độc lập cũng không xóa bỏ thể chế thuộc địa này; thay vì thế, họ sử dụng nó để cai quản cả vùng nông thôn. Người Anh thành lập một đơn vị độc quyền khai thác kim cương và cố gắng loại trừ những người khai thác bản xứ. Chính phủ sau độc lập cũng hành động hệt như vậy. Quả thật, người Anh cho rằng việc xây dựng đường sắt là một phương thức hữu hiệu để cai trị Mendeland, trong khi Siaka Stevens suy nghĩ ngược lại. Người Anh tin vào quân đội của họ và biết họ có thể đem quân đến Mendeland nếu bạo loạn phát sinh. Mặt khác, Stevens không thể làm điều đó. Cũng như nhiều quốc gia châu Phi khác, quân đội hùng mạnh có thể trở thành mối đe dọa đối với sự cai trị của Stevens. Chính vì lý do này mà ông làm suy yếu và đốn cụt quân đội, biến vũ lực thành của riêng mình thông qua thành lập các đơn vị bán quân sự chỉ trung thành với ông, và trong quá trình đó, ông đẩy nhanh sự suy sụp của chút thẩm quyền nhà nước ít ỏi từng tồn tại ở Sierra Leone. Thay cho quân đội, trước tiên ông thành lập Đơn vị an ninh nội vụ (Internal Security Unit, gọi tắt là ISU), mà người dân Sierra Leone chịu đựng khốn khổ gọi là “I Shoot U” (“Tao bắn mày”). Kế đến là Sư đoàn an ninh đặc biệt (Special Security Division, gọi tắt là SSD), mà dân chúng gọi là “Siaka Stevens’s Dogs” (“Chó săn của Siaka Stevens”). Cuối cùng, không có quân đội yểm trợ chế độ cũng có nghĩa là chế độ sẽ sớm bị hủy diệt. Một nhóm binh lính chỉ có 30 người dưới sự cầm đầu của đại úy Valentine Strasser đã lật đổ chế độ cai trị APC vào ngày 29/4/1992.
Diễn biến phát triển của Sierra Leone có thể được xem là hậu quả của một vòng xoáy đi xuống. Thoạt đầu, chính quyền thuộc địa Anh xây dựng các thể chế chiếm đoạt, rồi các chính khách châu Phi thời sau độc lập hoan hỉ chiếm lấy quyền lực cho chính họ. Mô thức này cũng giống một cách kỳ lạ trong toàn bộ vùng hạ Sahara châu Phi. Đã có những niềm hy vọng tương tự đối với đất nước Ghana, Kenya, Zambia và nhiều quốc gia châu Phi khác sau khi giành độc lập. Thế nhưng trong tất cả các trường hợp này, các thể chế chiếm đoạt đã được tái lập theo một mô thức thể hiện qua một vòng xoáy đi xuống để ngày càng trở nên xấu đi theo thời gian. Ví dụ như ở tất cả những nước này, các ủy ban vật giá và sự cai trị gián tiếp mà người Anh thiết lập vẫn tiếp tục được duy trì.
Vòng xoáy đi xuống này tồn tại vì những nguyên nhân tự nhiên. Các thể chế chính trị chiếm đoạt dẫn đến các thể chế kinh tế chiếm đoạt, làm giàu cho một số ít người bằng tổn thất của nhiều người. Những người hưởng lợi từ các thể chế chiếm đoạt sẽ có nguồn lực để xây dựng quân đội riêng và lực lượng đánh thuê riêng của họ, mua chuộc các thẩm phán và gian lận bầu cử nhằm duy trì quyền lực. Họ cũng có mọi quyền lợi khi bảo vệ hệ thống. Do đó, các thể chế kinh tế chiếm đoạt tạo ra bệ đỡ, giúp cho các thể chế chính trị chiếm đoạt tồn tại dai dẳng. Quyền lực thật là quý giá trong những chế độ có các thể chế chính trị chiếm đoạt, vì quyền lực không bị kiểm soát và mang lại sự giàu có về kinh tế.
Các thể chế chính trị chiếm đoạt cũng không có cơ chế kiểm soát sự lạm dụng quyền lực. Vấn đề quyền lực có tha hóa hay không thì còn có thể tranh cãi, nhưng Lord Acton rõ ràng có lý khi ông lập luận rằng quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa một cách tuyệt đối. Chúng ta thấy trong chương trước rằng ngay cả khi Franklin Roosevelt muốn sử dụng quyền lực tổng thống của ông theo một cách thức mà ông cho là có lợi cho xã hội, không bị cản trở bởi các điều kiện ràng buộc do tòa án tối cao áp đặt, thì các thể chế chính trị dung hợp của Hoa Kỳ vẫn không cho phép ông gạt sang một bên các giới hạn đối với quyền lực của mình. Trong các thể chế chính trị chiếm đoạt, việc sử dụng quyền lực gần như không được kiểm soát, bất kể nó có thể trở nên méo mó và biến thái như thế nào. Năm 1980, Sam Bangura lúc bấy giờ là thống đốc ngân hàng trung ương Sierra Leone đã phê phán chính sách của Siaka Stevens là hoang phí. Chẳng bao lâu sau, ông bị ám sát và bị ném từ sân thượng của tòa nhà ngân hàng trung ương xuống một con đường vừa khéo mang tên Siaka Stevens. Các thể chế chính trị chiếm đoạt cũng có xu hướng tạo ra một vòng xoáy đi xuống vì chúng không tạo ra một trận tuyến phòng thủ chống lại những người mong muốn chiếm đoạt và lạm dụng quyền lực của nhà nước.
Lại còn một cơ chế khác của vòng xoáy đi xuống, đó là các thể chế chiếm đoạt, bằng cách tạo ra quyền lực vô hạn và cách biệt thu nhập, sẽ làm tăng giá trị đặt cược vào trò chơi chính trị. Vì bất kỳ ai kiểm soát nhà nước đều trở thành người hưởng lợi từ quyền lực vô biên này và những của cải mà nó tạo ra, các thể chế chiếm đoạt tạo ra động cơ đấu đá nội bộ nhằm kiểm soát quyền lực và lợi ích của nó, một cơ chế động học mà ta thấy đã xảy ra ở các thành bang Maya và La Mã thời cổ đại. Dưới ánh sáng này, ta không ngạc nhiên khi thấy các thể chế chiếm đoạt mà nhiều quốc gia châu Phi kế thừa từ các cường quốc thực dân đã gieo mầm cho sự tranh giành quyền lực và nội chiến. Đây là những xung đột rất khác so với cuộc nội chiến ở Anh và cuộc Cách mạng Vinh quang. Những xung đột này không nhằm mục đích thay đổi các thể chế chính trị, đặt ra các điều kiện ràng buộc đối với việc thực hiện quyền lực, hay tạo ra chủ nghĩa đa nguyên, mà chỉ tìm cách thâu tóm quyền lực và làm giàu cho một nhóm người này bằng tổn thất của những người còn lại. Ở Angola, Burundi, Chad, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Nigeria, Cộng hòa Congo Brazzaville, Rwanda, Somalia, Sudan, Uganda, và dĩ nhiên ở Sierra Leone, như ta sẽ thấy chi tiết hơn trong chương sau, các xung đột này chuyển thành những cuộc nội chiến đẫm máu, tàn phá kinh tế và gây ra nỗi khốn khổ không gì sánh nổi cho dân chúng, cũng như dẫn đến thất bại của nhà nước.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)