Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VII: Về tính toàn quyền của phe đa số ở Hoa Kì và những tác động của nó (Phần 3)
NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA SỰ TOÀN QUYỀN CỦA PHE ĐA SỐ ĐẾN TÍNH QUYẾT ĐOÁN TUỲ TIỆN CỦA CÁC CÔNG CHỨC MĨ
Quyền tự do được luật pháp dành cho người công chức trong phạm vi đã được vạch sẵn. − Sức mạnh của họ là ở chỗ nào.
Ta cần phân biệt sự quyết đoán tuỳ tiện với bạo quyền. Bạo quyền có thể thực thi nhờ luật pháp, khi đó nó không hề tuỳ tiện. Tính tuỳ tiện có thể đem thực thi vì lợi ích của những người bị cai trị, khi đó nó không hề mang tính bạo quyền.
Bạo quyền thường sử dụng sự tuỳ tiện, nhưng có khi nó cũng chẳng cần đến mấy thứ đó.
Ở Hoa Kì, tính toàn quyền của phe đa số đồng thời tạo ra bạo quyền bằng pháp lí của nhà lập pháp, thì cũng tạo ra tính quyết đoán tuỳ tiện của người thừa hành luật pháp. Vốn được làm chủ tuyệt đối trong việc làm luật và trông coi việc thực thi, trong tay có cả quyền kiểm soát nhà cầm quyền lẫn người bị cai trị, phe đa số coi các công chức như những nhân viên thụ động và hoàn toàn dựa vào họ để thực hiện mọi ý đồ của mình. Phe đa số không đi vào chi tiết các việc mà người công chức phải làm và cũng chẳng buồn xác định kĩ đâu là các quyền của họ. Nó đối đãi với công chức theo lối chủ nhà và đầy tớ, và thấy họ luôn luôn hoạt động trước mắt mình, chủ nhà lúc nào cũng có thể điều khiển hoặc sửa chữa hành vi của đầy tớ.
Nói chung, luật pháp phó mặc cho người công chức Mĩ được tự do hơn ở nước ta trong cái vòng phạm vi đã vạch sẵn cho họ. Đôi khi xảy ra chuyện phe đa số cho phép họ ra khỏi vòng. Được bảo đảm bằng ý kiến của đại đa số và mạnh vì được phe đa số ủng hộ, công chức Mĩ dám làm những điều mà người châu Âu nào vốn đã quen với sự quyết đoán tuỳ tiện cũng vẫn phải ngạc nhiên. Thế là nó tạo ra trong lòng của tự do những thói quen mà một ngày nào đó có thể trở nên tai hại.
QUYỀN LỰC CỦA PHE ĐA SỐ Ở MĨ TÁC ĐỘNG ĐẾN TINH THẦN VÀ TƯ TƯỞNG CON NGƯỜI
Ở Hoa Kì, khi phe đa số đã quyết định dứt khoát một vấn đê, thì không còn ai thảo luận nữa. − Vì sao. − Sức mạnh tinh thần của phe đa số đối với tinh thần và tư tưởng con người. − Các nước cộng hoà dân chủ làm cho bạo quyền thành vô hình.
Khi xem xét sang vấn đề hoạt động tinh thần và tư tưởng ở Hoa Kì, khi đó ta mới thấy thật rõ rệt tầm cỡ sức mạnh của phe đa số đã lấn vượt đến đâu mọi thế lực khác mà ta từng biết ở châu Âu.
Tinh thần và tư tưởng là một thế lực vô hình và hầu như không ai nắm bắt được mà các chế độ bạo quyền đều biết đem ra sử dụng. Ngày nay, các vương quyền chuyên chế nhất của châu Âu cũng khó mà ngăn cản được sự lưu hành âm thầm lặng lẽ trong đất nước họ và vào tận trong lòng vương triều của mấy tư tưởng thù nghịch với quyền uy của họ. Bên nước Mĩ thì không như vậy: chừng nào phe đa số còn có thể chưa hoàn toàn thắng thế, thì người ta còn nói. Nhưng một khi phe đa số chính thức tuyên bố dứt khoát thắng thế, khi đó mọi người đều im tiếng, và khi ấy cả bạn bè lẫn đối thủ hình như đều cùng bị trói vào cỗ xe của phe đó. Nguyên nhân thật đơn giản: không một ông vua nào chuyên chế tới mức đủ sức thâu tóm trong tay mình mọi sức mạnh xã hội và đánh bại những phe chống đối như phe đa số có thể làm được khi họ được giao cả quyền làm luật pháp và quyền thực thi luật pháp.
Vả chăng một ông vua cũng chỉ có một thứ sức mạnh vật chất tác động lên các hành động của mình và không thể trông mong gì ở ý chí của mọi người. Còn phe đa số lại có một thứ sức mạnh vừa vật chất vừa tinh thần, cái tác động được cả lên ý chí lẫn hành động, và đồng thời cái đó còn ngăn cản được cả hành động lẫn cái ý định muốn hành động nữa.
Nói chung, tôi chưa thấy có đất nước nào ở đó lại ít độc lập về tư tưởng và ít tự do thảo luận thực sự như là ở nước Mĩ.
Không có một lí thuyết chính trị hoặc tôn giáo nào lại được rao giảng tự do tại các nhà nước hiến định ở châu Âu mà lại không thâm nhập được sang các nhà nước khác. Bởi vì chẳng có nước nào ở châu Âu lại hoàn toàn nằm trong tay duy nhất một kiểu quyền lực, khiến cho người nào định tới đó phô bày chân lí cũng có được một chỗ dựa đủ sức làm cho người đó yên lòng rằng sự độc lập của mình phải có kết quả. Nếu vô phúc mà người đó phải sống dưới một chế độ chuyên chế, thì anh ta thường vẫn còn có nhân dân. Nếu người đó sống ở một nước tự do, thì khi cần anh ta vẫn có thể núp sau uy quyền nhà vua. Bộ phận quý tộc của xã hội ủng hộ anh ta tại các nước dân chủ, và bộ phận dân chủ ủng hộ anh ta tại các nơi khác. Nhưng trong lòng một nền dân trị được tổ chức như ở Hoa Kì, ta chỉ có thể bắt gặp duy nhất một kiểu quyền lực, một yếu tố sức mạnh và thành công, và ngoài ra chẳng có gì hết.
Ở nước Mĩ, phe đa số vạch ra một vòng tròn ghê sợ quanh tinh thần và tư tưởng con người. Bên trong vạch phấn đó, người viết văn có tự do, nhưng vô phúc cho anh ta nếu anh định lọt ra ngoài. Không phải vì anh ta sợ bị hoả hình, mà anh ta sẽ đụng phải đủ điều tởm lợm và bị xua đuổi hàng ngày. Con đường làm chính trị khép lại trước mắt anh ta, vì anh ta đã chọc tức cái thế lực duy nhất có khả năng mở vòng cho anh ta chui ra. Anh ta bị từ chối mọi điều, kể cả sự vinh quang. Trước khi cho công bố các ý kiến của mình, anh ta ngỡ mình có người ủng hộ. Bây giờ khi trơ khấc trước mọi người, anh ta thấy chẳng còn ai đi cùng mình hết. Bởi vì những ai lên án anh ta thì được dõng dạc lên tiếng, còn những ai suy nghĩ như anh ta mà không có cái dũng cảm như của anh ta, liền câm họng và lánh đi. Anh ta lui bước, rồi cuối cùng thì anh ta suy sụp vì ngày lại ngày cứ phải gắng sức, và rồi anh ta rút lui vào im lặng, tựa hồ anh thấy mình hối hận vì đã nói lên sự thật.
Xiềng xích và đao phủ, đó là những công cụ thô kệch xưa kia được bạo chúa đem dùng. Nhưng giờ đây nền văn minh đã tinh chế cho hoàn hảo cả tới nền bạo quyền, tưởng như nó chẳng còn điều gì phải học hỏi thêm nữa.
Có thể nói là các đấng quân vương đã làm cho bạo lực (từ trừu tượng) đã vật chất hoá được thành hành động. Ngày nay, các nước cộng hoà dân chủ cũng đã làm cho bạo lực mang được tính trí tuệ, cũng “trí tuệ” như là cái ý chí của con người mà bạo lực định đè bẹp. Dưới chính quyền chuyên chế của một người, để đạt tới phần tinh thần, nền chuyên chế đánh vào phần xác con người. Và khi thoát khỏi các roi đòn kia, vinh quang tinh thần được nâng cao hơn nền chuyên chế. Nhưng trong các nước cộng hoà dân chủ, bạo quyền lại không đi theo con đường đó. Nó bỏ mặc phần xác đấy và đi thẳng vào phần tinh thần. Ông chủ bây giờ không còn nói thế này nữa: “các người hãy tư duy theo cách của ta, hoặc các người sẽ chết.” Ông chủ nói: “các người đều được tự do chẳng cần tư duy như ta; mạng sống của các người, tài sản nữa, các người có tất tật. Nhưng kể từ hôm nay các người là kẻ xa lạ với chúng ta. Các người hãy giữ lấy đặc quyền của con người dân chủ, nhưng chúng sẽ thành vô ích. Vì nếu các người vi phạm sự lựa chọn của các công dân đồng bào, họ sẽ chẳng cho các người những đặc quyền ấy nữa, và nếu các người chỉ đòi hỏi họ tôn trọng thôi, thì họ cũng vẫn không thèm cho. Các người sống giữa nhân quần, các người tiếp cận đồng loại, và họ sẽ lẫn tránh các người như thể các người ô uế. Còn những kẻ nào tin rằng các người vô tội, rồi những kẻ đó cũng bỏ rơi các người nốt, vì đến lượt họ, họ cũng sẽ bị thiên hạ xa lánh. Hãy sống yên thân, ta cho các người được mạng sống, nhưng đó là mạng sống còn tồi tệ hơn cả cái chết.”
Các nền quân chủ chuyên chế đã làm cho nền độc trị mất mặt; nhưng hãy cẩn thận đấy, các nền dân chủ cộng hoà sẽ phục hồi danh dự cho nó và bằng cách làm cho nó nặng hơn với một đôi ba người này, trước con mắt thiên hạ nền độc trị sẽ thành ra bớt đi vẻ khả ố và tính cách bần tiện.
Tại các quốc gia kiêu hãnh nhất trong thế giới cũ, người ta xuất bản những tác phẩm nhằm phác hoạ trung thực những tật xấu cùng những điều lố bịch của người đương thời. Nhà văn La Bruyère sống trong cung điện của vua Louis XIV khi ông viết chương sách về những con người “vĩ đại” đương thời, và nhà viết kịch Molière đã phê phán triều đình trong những vở kịch đem diễn cho những người trong triều đình coi. Nhưng thế lực cầm quyền ở Hoa Kì thì không chấp nhận những trò như vậy. Chỉ khẽ trách móc là đã làm tổn thương họ. chỉ nói ra một sự thật cay độc là đủ cho họ nổi khùng. Và còn phải ca tụng đến cả cung cách nói năng cho tới những đức tính cục mịch nhất của họ. Bất kể nhà văn nào, dù danh tiếng tới đâu, đều không thoát khỏi việc bắt buộc phải tâng bốc các công dân đồng bào. Phe đa số như vậy là được sống trong không khí tự ngợi ca triền miên. Muốn đem vài ba chân lí đưa lọt vào tai người Mĩ thì chỉ có người nước ngoài đem vào hoặc lấy từ trải nghiệm của họ thì mới xong.
Nếu nước Mĩ vẫn chưa có những nhà văn lớn, ta chớ nên đi đâu xa tìm kiếm nguyên nhân: không thể nào có thiên tài văn chương nếu không có tự do tư tưởng. Thế mà ở nước Mĩ lại không có tự do tư tưởng.
Toà án pháp đình xưa ở Tây Ban Nha vẫn không ngăn cản nổi việc lưu hành tại nước này những cuốn sách trái với tôn giáo của đại đa số dân. Quyền lực của phe đa số ở Hoa Kì giỏi hơn thế nhiều: nó tước đi tới cả cái ý định xuất bản những cuốn sách đó. Ta bắt gặp ở nước Mĩ những con người không dễ cả tin, nhưng có thể nói là bệnh hoài nghi ở bên đó không có tổ chức.
Có những chính quyền đứng ra cố sức bảo vệ tập tục bằng cách kết án các tác giả của những cuốn sách cấm. Ở Hoa Kì, người ta không kết tội bất kì ai về chuyện viết ra những loại tác phẩm như thế; song chẳng có một ai dám cả gan viết chúng ra. Không phải là vì mọi công dân đều có tập tục lành mạnh, mà bởi vì phe đa số tỏ ra rất có quy tắc về tập tục của họ.
Ở nước Mĩ này, việc điều hành chính quyền hẳn là tốt: vì thế mà tôi chỉ nói tới chính quyền đơn thuần là chính quyền. Cái chính quyền bất khả kháng cự đó là một sự kiện liên tục, và việc điều hành nó chỉ là chuyện ngẫu nhiên.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)