![[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 9)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k24011.51_(1).jpg)
[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 9)
VỀ CÁC THIẾT CHẾ CỘNG HOÀ Ở HOA KÌ, ĐÂU LÀ NHỮNG CƠ MAY TRƯỜNG TỒN CỦA CHÚNG?
Liên bang chỉ là cái ngẫu nhiên. − Các thiết chế cộng hoà có nhiều tương lai hơn. − Còn bây giờ thì nền cộng hoà là trạng thái tự nhiên của người Mĩ gốc Anh. − Tại sao vậy. − Muốn thủ tiêu nó, cần phải cùng một lúc thay đổi toàn bộ luật pháp và sửa đổi toàn bộ tập tục. − Những khó khăn khi người Mĩ muốn tạo ra một giới quý tộc.
Sự phân liệt của Liên bang, khi tiến hành chiến tranh ngay trong lòng các bang giờ đây đã là thành viên Liên bang, và cùng với chiến tranh thì phải duy trì quân đội thường trực, tăng chuyên chính và tăng thuế khoá, về lâu về dài có thể gây nguy cơ cho số phận các thiết chế cộng hoà.
Song ta chớ nên lăn lộn tương lai nền cộng hoà và tương lai Liên bang.
Liên bang là một sự hình thành ngẫu nhiên sẽ chỉ tồn tại chừng nào có các điều kiện và hoàn cảnh có lợi cho nó, còn nền cộng hoà là trạng thái tồn tại tự nhiên của người Mĩ. Và chỉ có tác động liên tục của những nguyên nhân đối nghịch nhau và luôn luôn tác động theo cùng một hướng thì mới có khả năng đem chế độ quân chủ thế chân cho chế độ cộng hoà.
Liên bang tồn tại chủ yếu trong luật pháp đã tạo nên nó. Một cuộc cách mạng, một thay đổi trong tinh thần công chúng có thể làm nó tan vỡ hẳn. Nền cộng hoà có những gốc rễ sâu xa hơn nhiều.
Ở Hoa Kì, người ta quan niệm “cộng hoà” là sự tác động chậm và thanh bình của xã hội lên chính nó. Đó là một trạng thái chính thức được xây dựng có thật trên cơ sở ý nguyện sáng suốt của nhân dân.
Đó là một chính quyền hoà hợp, các quyết định của nó được chín muồi trong thời gian dài, được đem thảo luận một cách khoan thai và đem thực thi một cách chín chắn.
Ở Hoa Kì, những người cộng hoà chuộng tập tục, trọng tín ngưỡng, chấp nhận các quyền. Họ rao giảng quan điểm rằng một quốc gia càng tự do thì càng phải có đạo đức, có tín ngưỡng và có chừng mực. Cái người ta gọi là “cộng hoà” ở Hoa Kì, đó là triều đại trị vì êm ả của phe đa số. Sau khi có thời gian tự nhận ra mình và thử thách sự tồn tại của mình, phe đa số là nguồn chung của mọi quyền lực. Nhưng bản thân phe đa số không phải là mạnh toàn diện. Bên trên nó, trong miền đạo đức, còn có nhân loại, có công lí và lí tính; trong miền chính trị còn có các quyền đã được chiếm lĩnh. Phe đa số thừa nhận hai thanh chắn đó, và nếu xảy ra việc nó có vượt rào chắn, thì đó là vì nó có những đam mê cũng như mỗi con người, và giống như mọi con người, nó có thể làm cái xấu mà vẫn biết đâu là cái tốt.
Song chúng ta cũng đã tiến hành ở châu Âu nhiều điều mới mẻ lạ kì.
Theo một số người trong chúng ta, nền cộng hoà không phải là triều đại trị vì của phe đa số, như mọi người cho tới nay vẫn nghĩ thế, mà đó là triều đại trị vì của những con người đem sức mạnh ra làm việc cho phe đa số. Với những kiểu chính quyền này, không phải là nhân dân đang chỉ đạo mọi việc, mà kẻ lãnh đạo là những ai hiểu biết rõ hơn đâu là lợi ích to lớn của nhân dân: đây là một sự phân biệt tài tình, nó cho phép hoạt động vì nhân dân mà không cần hỏi ý kiến nhân dân, và có thể tuyên bố biết ơn nhân dân trong khi đang xéo nhân dân dưới chân. Vả chăng, chính quyền cộng hoà là chính quyền duy nhất ta nên thừa nhận ở họ cái quyền được làm mọi việc mà vẫn có thể coi khinh những gì cho tới nay con người kính trọng, kể từ những luật lệ đạo đức cao nhất cho tới những quy cách thô sơ của lương tri thông thường.
Mọi người vẫn nghĩ, mà cả đến chúng ta cũng nghĩ thế, rằng bạo quyền dưới bất kì hình thức nào đều là điều đáng ghê tởm. Nhưng thời nay người ta cũng khám phá ra rằng trên đời này có những nền bạo quyền được thừa nhận chính thức và có những sự bất công được phong thánh, miễn là phải nhân danh nhân dân mà thực hiện chúng.
Những gì người Mĩ nghĩ về nền cộng hoà đặc biệt giúp họ thực hiện nó dễ dàng và bảo đảm cho nó được trường tồn. Với người Mĩ, nếu thực tiễn chính quyền cộng hoà lắm khi tồi, nhưng ít ra thì nó tốt về lí thuyết, và cuối cùng nhân dân bao giờ cũng hành động theo đúng lí thuyết đó.
Ngay từ buổi ban đầu và trong tương lai cũng vẫn thế, không thể nào xây đựng nổi ở nước Mĩ một nền hành chính tập trung hoá. Con người sống tán phát trên một không gian quá to lớn và cách xa nhau bởi vô vàn trở ngại tự nhiên, nên một con người không tài nào đủ sức điều khiển chi tiết cuộc sinh tồn của những người Mĩ đó. Vì thế mà nước Mĩ thành một mẫu mực tuyệt vời của hình thức chính quyền cấp địa phương và cấp công xã.
Thêm vào nguyên nhân đó, mà tác động của nó ảnh hưởng đến tận từng người châu Âu nơi Tân thế giới, còn có những nguyên nhân khác nữa đặc trưng cho người Mĩ gốc Anh.
Khi các khẩn địa Bắc Mĩ mới được xây dựng, thì những quyền tự do về hành chính đã thâm nhập vào luật pháp cũng như vào tập tục của người Anh, và những di dân người Anh tiếp thu chúng không chỉ như một điều cần thiết, mà còn như một tài sản được họ biết rất rõ giá trị.
Hơn nữa, chúng ta đã thấy cách thức họ xây dựng nên các khẩn địa. Cư dân mỗi tỉnh, và có thể nói là mỗi khu, đều là những con người sống riêng rẽ và chẳng ai biết ai, và cũng chẳng có những liên hệ vì những mục đích khác nhau.
Vậy là người Anh ở Hoa Kì ngay từ thuở ban đầu đã bị chia sẻ thành vô số xã hội nhỏ khác biệt nhau không gắn bó gì cả vào với bất kì trung tâm chung nào, và mỗi tiểu xã hội đó phải tự mình lo toan công việc riêng của mình, vì chẳng dễ dàng gì và tự nhiên mà lại có được một cấp chính quyền trung ương nào cho họ.
Vì thế, thiên nhiên của xứ sở, ngay cả cách thức tạo lập các khẩn địa Anh, thói quen của những con người di dân ban đầu, tất cả hội lại tạo ra ở đất nước này những quyền tự do đặc biệt cao ở cấp làng xã và tỉnh.
Nếu như bây giờ có một đảng đứng ra xây dựng nền quân chủ ở Hoa Kì, đảng này sẽ ở vào tình thế khó khăn nhiều hơn là người nào định tuyên bố xây dựng ngay bây giờ một nền cộng hoà cho nước Pháp. Vương quyền chẳng có nổi hệ thống lập pháp chuẩn bị sẵn cho nó tại Mĩ, và khi đó sẽ thực sự có một nền quân chủ bị bao quanh bởi những thiết chế cộng hoà.
Nguyên lí quân chủ cũng khó thâm nhập được vào tập tục của người Mĩ.
Ở Hoa Kì, tín điều về chủ quyền của nhân dân không phải là một học thuyết cô lập không có dây mơ rễ má gì trong thói quen cũng như trong các tư tưởng ngự trị đầu óc con người. Ngược lại, ta có thể hình dung học thuyết đó như cái khâu cuối cùng của cả một chuỗi tư tưởng bao bọc lấy toàn bộ thế giới người Mĩ gốc Anh. Chúa Trời đã ban cho mỗi một cá nhân, bất kể anh ta ra sao, một mức độ lí tính cần thiết để có thể định hướng chính mình trong các vấn đề hoàn toàn liên quan đến anh ta. Đó chính là cái châm ngôn lớn ở Hoa Kì được làm nền cho xã hội dân sự và chính trị: người đàn ông chủ gia đình áp dụng châm ngôn đó cho các con, chủ cho đầy tớ, công xã cho dân trong phạm vi mình, tỉnh cho công xã, bang cho tỉnh, Liên bang cho các bang. Trải ra trên toàn bộ đất nước nó trở thành tín điều về chủ quyền của nhân dân − nhân dân là tối thượng.
Vậy là ở Hoa Kì, nguyên tắc sinh ra nền cộng hoà cũng là nguyên tắc chi phối phần lớn hành động của con người. Nên ta có thể nói nền cộng hoà thâm nhập vào tận tư tưởng, quan điểm, và trong mọi thói quen của người Mĩ cùng lúc nó đứng vững trong luật pháp của họ. Để có thể thay đổi được luật pháp ở nước này, thì trước đó cần phải làm cách nào để thay đổi tất tần tật đã. Ở Hoa Kì, cái tôn giáo của đại đa số con người cũng lại mang tính cộng hoà nốt. Nó để cho các chân lí của thế giới bên kia phụ thuộc vào lí tính cá nhân con người, chính trị cũng phó mặc cho lương tri mọi người lo toan cho lợi ích của cái thế giới này, và có sự đồng tình rằng mỗi con người được tự do lựa chọn con đường đi lên thiên đàng của mình, hệt như luật pháp thừa nhận cho mỗi công dân quyền lựa chọn chính quyền của mình.
Rõ rằng là chỉ có một loạt sự kiện diễn ra theo cùng một xu hướng, là đủ sức đem một tập hợp những tập tục, tư tưởng và luật lệ đối nghịch lại, để thay thế cho toàn bộ các luật lệ, các tư tưởng và tập tục đã hình thành kia.
Nếu những nguyên tắc cộng hoà sẽ phải tiêu vong ở nước Mĩ, chúng sẽ chỉ chịu thua sau một hồi tác động xã hội dài lâu, thường xuyên bị ngăn trở rồi lại thường xuyên nối lại hoạt động. Rất nhiều lần, chúng dường như tái sinh, và chúng sẽ chỉ tiêu ma vĩnh viễn khi một quốc gia hoàn toàn mới sẽ thế chân cho cái quốc gia đang hiện tồn. Song chẳng có dấu hiệu nào để cho ta tiên đoán sẽ xảy ra nổi một cuộc cách mạng tương tự, không một tín hiệu nào tiên báo chuyện đó.
Điều khiến ta kinh ngạc hơn cả ngay khi đặt chân đến Hoa Kì, ấy là cái thứ chuyển động xôn xao náo nhiệt mà bên trong nó là cuộc sống chính trị của đất nước này. Luật pháp không ngừng thay đổi, và thoạt nhìn dường như không tài nào một quốc gia ít tự tin vào ý chí của mình đến thế mà có lúc lại thay thế được một dạng thức chính quyền khác hoàn toàn mới cho dạng thức chính quyền hiện tồn. Lo lắng như thế hơi sớm quá đấy. Trong vấn đề thiết chế chính trị, có hai kiểu bất ổn định mà tôi nghĩ là ta không nên lẫn lộn: một kiểu bất ổn định liên quan đến các đạo luật thứ phát; kiểu bất ổn định này có thể ngự trị lâu dài trong lòng một xã hội khá ổn định; còn một kiểu bất ổn định kia làm lung lay ngay cả những nền tảng của hiến pháp, và công kích vào những nguyên tắc tạo sinh ra luật pháp; sự bất ổn định này bao giờ cũng kéo theo những hỗn độn và những đổi thay theo lối cách mạng; cái dân tộc phải chịu đựng kiểu bất ổn định này phải sống trong cảnh bạo lực và không có gì cố định lại được cả. Kinh nghiệm cho thấy là hai kiểu bất ổn định về lập pháp đó không có những liên hệ tất yếu với nhau, vì ta từng chứng kiến chúng diễn ra không “phối hợp” với nhau hoặc là diễn ra cách biệt với nhau cả về thời gian và địa điểm. Tại Hoa Kì ta chỉ bắt gặp kiểu bất ổn định thứ nhất, không thấy kiểu thứ hai. Người Mĩ thường xuyên thay đổi luật pháp, nhưng nền tảng hiến pháp bao giờ cũng vẫn được tôn trọng.
Ngày nay, nguyên tắc cộng hoà ngự trị ở nước Mĩ như nguyên tắc quân chủ từng ngự trị ở nước Pháp dưới thời Louis XIV. Người Pháp thời đó không chỉ ủng hộ nền quân chủ, mà họ còn tưởng tượng là chẳng có gì thay thế được chế độ ấy. Họ chấp nhận nó như con người chấp nhận sự tuần hoàn của mặt trời hoặc những lên xuống diễn ra trong bốn mùa. Với người Pháp khi đó, vương quyền chẳng lắm kẻ bênh cũng không nhiều người ghét.
Đó là cách thức tồn tại của nền cộng hoà ở Mĩ, không đánh nhau, không đối kháng, không cần bằng chứng gì hết, cứ sống chung và ngầm hiểu mọi điều, một thứ consensus universalis[347].
Dẫu sao, tôi nghĩ rằng cứ thay đổi xoành xoạch các phương tiện hành chính như người Mĩ vẫn làm, người dân Hoa Kì sẽ tạo nguy cơ cho chính quyền cộng hoà.
Luôn luôn bị gây phiền toái vì tính chất thay đổi liên tục của lập pháp khi tiến hành các dự án, điều đáng ngại là con người cuối cùng sẽ coi nền cộng hoà như một cách sống không thuận tiện trong xã hội. Điều tai hại sinh ra từ sự bất ổn định của các đạo luật thứ phát khi đó sẽ khiến cho người ta nghi ngờ sự đúng đắn của ngay cả những đạo luật cơ bản và sẽ gián tiếp dẫn tới cách mạng.
Nhưng thời điểm đó còn khá xa với chỗ chúng ta đang đứng lúc này.
Điều chúng ta có thể tiên đoán bây giờ là, một khi thoát ra khỏi chế độ cộng hoà, thì người Mĩ sẽ nhanh chóng chuyển sang một nền bạo quyền sau khi ngập ngừng đôi chút trong thể chế quân chủ. Montesquieu đã nói là sẽ chẳng có gì chuyên chế hơn quyền uy một vị quân vương tiếp quản một nền cộng hoà, những quyền năng vô tận được tin cậy trao vào tay một vị pháp quan do dân bầu ra khi đó lại được trao vào tay một viên thủ lĩnh cha truyền con nối. Nói chung điều này đúng, nhưng áp dụng cho một nền cộng hoà dân chủ lại càng đặc biệt đúng. Ở Hoa Kì, các pháp quan không do một tầng lớp công dân đặc biệt bầu ra, mà do đa số nhân dân bầu ra; các vị này đại điện tức thời cho những đam mê của số đông và hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của đám đông. Các vị này chẳng làm ai sợ hãi hoặc hận thù: vì thế mà tôi nhận thấy người Mĩ ít chăm lo vạch giới hạn hoạt động cho các pháp quan của mình, và dành phần thật to cho quyền phán xét của họ. Điều này đã tạo ra những thói quen tồn tại sau khi các pháp quan đó hết hạn phục vụ. Viên pháp quan Mĩ sẽ giữ lại cái thế lực vô tận của mình mà không phải chịu trách nhiệm gì nữa, và thật không thể nói được đâu là chỗ cho bạo quyền của họ dừng lại.
Trong chúng ta có những người trông đợi thấy nền quý tộc trị lại nảy sinh ra ở nước Mĩ, và họ đã tiên báo chính xác lúc nào tầng lớp quý tộc đó sẽ tiếm lấy quyền lực.
Tôi đã nói, và bây giờ nhắc lại, rằng tôi cảm thấy cuộc chuyển vần hiện thời của xã hội Mĩ càng lúc càng dân chủ hơn.
Song tôi vẫn chẳng muốn nói rằng một ngày nào đó người Mĩ lại không thu hẹp các quyền chính trị nước họ, hoặc tịch thu các quyền đó để trao vào tay một người. Nhưng tôi không thể nào tin nổi là lại có khi nào người Mĩ đem trao vào tay một tầng lớp công dân đặc biệt nào đó sử dụng các quyền chính trị kia, hoặc nói cách khác, để cho họ tạo dựng ra một tầng lớp quý tộc.
Một cơ thể quý tộc bao gồm một số lượng nhất định các công dân, những người tuy không đứng tách rất xa khỏi quần chúng, song lại vẫn thường xuyên ngoi lên cao hơn quần chúng. Ta có thể sờ thấy bọn này mà không đánh được vào chúng. Ta hoà vào với bọn chúng hàng ngày, song ta lại không thể nào trộn hẳn được vào với họ.
Không thể hình dung nổi cái gì trái ngược hơn với bản chất và những bản năng thầm kín của trái tim con người như là sự lệ thuộc kiểu này: thả lỏng ra cho chính họ, con người thường bao giờ cũng ưng thích cái quyền uy độc đoán của một ông vua hơn là cách cai quản chính quy của những nhà quý tộc.
Để trường tồn, một tầng lớp quý tộc cần phải tạo ra nguyên tắc bất bình đẳng, phải chính thức hoá sẵn cho nó, và du nhập nó vào trong gia đình cùng lúc với phát tán nó trong xã hội; đó là những điều thực sự “khó ngửi” đối với tính bình đẳng tự nhiên của con người mà chỉ có dùng cách bắt buộc thì con người mới chịu chấp nhận chúng.
Kể từ khi có tồn tại các xã hội người, tôi không tin là có thể có nổi một bài học từ một quốc gia duy nhất nào, tự nó với những nỗ lực của nó, lại đã tạo ra được trong lòng mình một tầng lớp quý tộc: tất cả các lớp người quý tộc thời Trung Thế kỉ đều là con đẻ của xâm lăng. Kẻ thắng trận thành nhà quý tộc, kẻ bại trận thành người nông nô. Cái sức mạnh khi đó áp đặt sự bất bình đẳng, một khi trở thành tập tục, tự nó sẽ đứng vững và tự nhiên đi vào luật pháp.
Ta từng chứng kiến những xã hội mà, sau những sự biến xảy ra trước khi chúng ra đời, đã được coi là quý tộc trị bẩm sinh, và mỗi thế kỉ trôi đi lại dẫn chúng đến dân chủ. Đó từng là số phận người La Mã cổ đại và số phận những tộc người mông muội theo họ tới sống ở Roma xưa. Nhưng một quốc gia, mà xuất phát điểm là văn minh và dân chủ, sẽ từng bước đến gần tới những bất bình đẳng về điều kiện, và cuối cùng lại lập nên trong lòng nó những đặc quyền bất khả vi phạm và những thứ hạng đặc biệt, đó có thể là chuyện lạ rồi sẽ xảy ra trên thế giới.
Chẳng có gì cho thấy số phận nước Mĩ là phải thành tấm gương đầu tiên cho cảnh tượng đó.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)