[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 11)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 11)

ĐÔI ĐIỀU XEM XÉT VỀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA NỀN ĐẠI THƯƠNG MẠI HOA KÌ (2/2)

Tôi khó có thể có cách diễn đạt ý mình rõ ràng hơn ngoài cách nói rằng người Mĩ đem hẳn một thứ chủ nghĩa anh hùng vào cách tiến hành thương mại của họ.

Với thương gia châu Âu thật rất khó khăn cùng ganh đua theo được nghiệp đó như ông bạn thương gia Mĩ. Khi hành động như tôi vừa mô tả, người Mĩ không chỉ theo một sự tính toán, chủ yếu là ông ta vâng theo bản chất mình nữa.

Những người sinh sống trên đất Hoa Kì đều có những nhu cầu và những ước vọng sinh ra từ một nền văn minh cao, và nó không bắt gặp quanh mình, như ở Pháp, một xã hội tổ chức tinh vi để họ được thoả mãn trong xã hội ấy. Vậy nên người Mĩ bị bắt buộc phải tạo ra cho mình các đối tượng khác nhau do giáo dục và thói quen đã trở thành cần thiết. Ở Mĩ, đôi khi cùng một con người, anh ta cày ruộng nhà mình, xây nhà mình ở, làm ra các công cụ cho mình dùng, đóng giày mà đi và tự tay mình dệt vải thô may quần áo mình mặc. Cung cách này làm hại cho sự hoàn thiện kĩ năng, nhưng lại vô cùng hữu ích để phát triển trí khôn người thợ. Không có gì tốt hơn là cuộc đại phân công lao động nhằm giúp con người thể hiện hết mình và tước bỏ khỏi sản phẩm cả tới dấu vết tâm hồn mình. Ở một nước như nước Mĩ, nơi rất hiếm những con người chuyên môn hoá, ta không thể đòi hỏi mỗi người đều có thời gian dài học lấy cái tay nghề mình đeo đuổi. Người Mĩ nhờ vậy lại thấy vô cùng dễ dàng thay đổi tình trạng tuỳ theo nhu cầu trước mắt, và họ lợi dụng luôn điều đó. Ta bắt gặp những người từng làm lần lượt nào luật gia, nông dân, thương nhân, cha đạo, thầy thuốc. Nếu như người Mĩ kém khéo léo so với người châu Âu trong từng nghề, thì lại hầu như không có nghề nào là hoàn toàn xa lạ với anh ta cả. Năng lực của anh ta bao quát hơn, phạm vi trí tuệ anh ta rộng hơn. Người dân Hoa Kì như vậy là không khi nào phải dừng chân vì bất kì điều luật võ đoán nào của cuộc sống. Anh ta thoát khỏi mọi định kiến nghề nghiệp. Anh ta không bị trói vào một hệ thống thao tác này nọ. Anh ta cũng không cảm thấy bị trói chặt vào một phương pháp cũ cũng như mới. Anh ta không tạo ra cho mình bất kì thói quen nào, và anh ta thoải mái tránh thoát sự thống trị của những thói quen từ bên ngoài có thể tác động tới đầu óc mình, bởi vì anh ta biết rằng đất nước mình không giống bất kì đất nước nào, và anh ta có vị trí mới mẻ trên thế giới.

Người Mĩ sống trên một miền đất đầy những điều thần kì, xung quanh mình mọi thứ đều không ngừng cựa quậy động đậy, và mỗi chuyển động hầu như lại là một bước tiến lên. Tư tưởng về cái mới như vậy là gắn bó chặt chẽ trong đầu óc con người đó với cái gì tốt hơn lên. Không ở đâu con người đó thấy có cọc tiêu thiên nhiên có thể đã đặt ra để chặn bước tiến con người. Trước con mắt người đó, cái gì chưa tồn tại là cái chưa được con người định bụng làm.

Sự chuyển động toàn diện ngự trị ở Hoa Kì đó, những cuộc đi tìm sản nghiệp làm đi làm lại đó, sự đổi chỗ bất ngờ các tài phú công cộng và tư nhân đó, tất cả được hội lại để duy trì tâm hồn con người trong một trạng thái run rẩy xúc động khiến con người sẵn sàng mang dùng mọi nỗ lực một cách tuyệt vời, và như thể duy trì con người ở vị trí cao hơn chỗ nhân loại đang đứng. Đối với một người Mĩ, cuộc đời trọn vẹn trôi đi như một phần cuộc chơi, như một thời cách mạng, như một ngày chiến trường.

Cùng những nguyên nhân đó tác động đồng thời lên tất cả các cá nhân, cuối cùng tạo nên một xung động không cưỡng nổi đến tính cách dân tộc. Người Mĩ mà ta ngẫu nhiên bắt gặp là một con người có ước vọng nhiệt thành, táo bạo, phiêu lưu, và nhất là đầy sáng tạo. Thực vậy, ta bắt gặp cái tinh thần đó trong mọi công trình người Mĩ làm ra; người Mĩ đưa cái tinh thần đó vào các luật lệ chính trị, vào các học thuyết tôn giáo, vào các lí thuyết kinh tế xã hội, vào doanh nghiệp riêng; người Mĩ đem cái tinh thần đó đi theo họ khắp nơi, vào tận giữa rừng cùng như vào trong lòng thành phố. Chính cái tinh thần đó, khi áp dụng vào thương mại hàng hải, đã khiến cho người Mĩ ngang dọc biển khơi nhanh hơn và rẻ hơn mọi thương gia trên thế giới.

Chừng nào mà các thuỷ thủ Hoa Kì còn duy trì được những ưu thế trí tuệ đó và cái tinh thần thực dụng có được từ cái trí tuệ đó, thì không những họ sẽ tiếp tục cung ứng cho nhu cầu của những nhà sản xuất và người tiêu dùng của đất nước mình, mà họ sẽ còn có xu thế càng ngày càng trở thành những nhân tố của các quốc gia khác nữa, cũng như người Anh vậy[352].

Điều này bắt đầu thể hiện cụ thể ngay trước mắt chúng ta. Ngay bây giờ chúng ta đã thấy những nhà viễn dương Mĩ, trong vai trò những tác nhân trung gian, thâm nhập vào nền thương mại của nhiều dân tộc châu Âu[353]; nước Mĩ sẽ còn cho họ một tương lai to lớn hơn nữa.

Người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha đều dựng lên ở Nam Mĩ nhiều khẩn địa to lớn rồi từ đó đã trở thành những quốc gia rộng lớn. Nội chiến và bạo quyền làm cho những xứ sở mênh mông đó thành hoang tàn. Cuộc chuyển động dân cư dừng lại ở đó, và những con người ít ỏi sống ở đó bị cuốn hút vào công việc tự phòng vệ, chật vật mãi không xong với việc làm sao cho cuộc đời họ khấm khá lên.

Nhưng cuộc sống không thể cứ như vậy mãi cho được, châu Âu bị bỏ mặc cho chính nó, đang tự lực chọc thủng những mảng u tối Trung Thế kỉ; Nam Mĩ cũng theo đạo Ki Tô như chúng ta; Nam Mĩ cũng làm ăn và có luật lệ như chúng ta; Nam Mĩ có đủ mọi mầm mống văn minh từng nở rộ trong lòng các dân tộc châu Âu và con cháu của họ; Nam Mĩ còn hơn chúng ta là có một tấm gương ở gần kề; nhưng tại sao họ vẫn cứ còn mông muội?

Hiển nhiên đây không chỉ là vấn dề thời gian; rồi sẽ tới một thời kì gần hoặc xa khi người dân Nam Mĩ trở thành những dân tộc nở rộ và sáng láng.

Nhưng khi những người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha ở Nam Mĩ bắt đầu cảm thấy phải có những nhu cầu của những quốc gia văn minh, thì vẫn sẽ còn xa họ mới đủ sức tự thoả mãn chính mình. Là những người con út của nền văn minh, họ sẽ phải chịu đựng cảnh bề trên của những người đàn anh. Họ sẽ còn là nhà nông lâu dài trước khi thành những nhà thủ công nghiệp hoặc những thương gia, và họ cần đến sự trung gian của những người nước ngoài để đi bán sản phẩm xa ra bên ngoài các biển rộng và đổi về những đồ vật theo đòi hỏi của nhu cầu mới của mình.

Ta khó mà không hoài nghi rằng người Bắc Mĩ một ngày nào đó sẽ không bị hấp dẫn vào việc cung ứng cho các nhu cầu của người Nam Mĩ. Thiên nhiên đã đặt người Bắc Mĩ gần với người Nam Mĩ. Thiên nhiên cung cấp cho người Bắc Mĩ những thuận lợi to tát để hiểu biết và đánh giá đúng những nhu cầu của người Nam Mĩ, để rồi sẽ gắn bó với các quốc gia đó bằng những mối dây liên hệ thường xuyên và dần dần chiếm lĩnh lấy thị trường nước họ. Ông thương gia Bắc Mĩ sẽ chỉ để tuột khỏi tay những thuận lợi tự nhiên đó nếu như ông ta thấp kém rất nhiều so với ông thương gia châu Âu, trong khi thực ra ông ta cao hơn ông này ở nhiều điểm. Người Mĩ ở Hoa Kì đã có một ảnh hưởng to lớn về tinh thần đối với tất cả các quốc gia Tân thế giới. Ánh sáng của họ lan toả đi. Tất cả các dân tộc cùng sống trên lục địa đều đã quen coi họ như là con cháu sáng láng nhất, mạnh mẽ nhất và giàu có nhất của đại gia đình Mĩ. Vậy nên họ không ngừng đưa mắt tìm kiếm về phía Liên bang, và trong chừng mức có thể, họ tự hấp thu vào với các quốc gia tạo thành Hoa Kì. Mỗi ngày họ lại đến bòn rút từ Hoa Kì những học thuyết chính trị và mượn của Hoa Kì các loại luật lệ.

Người Mĩ ở Hoa Kì có vị trí đối với các quốc gia Nam Mĩ hệt như vị trí của cha ông người Anh của họ đối với người Italia, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha và người của tất cả những quốc gia châu Âu mà do chỗ thấp hơn về văn minh và công nghiệp nên cũng nhận được từ tay Hoa Kì phần lớn sản vật tiêu thụ.

Nước Anh ngày nay là trung tâm thương mại tự nhiên của hầu hết các dân tộc nhích gần tới họ. Liên bang Mĩ được hấp dẫn vào việc thực hiện cũng vai trò đó ở bán cầu bên kia. Mỗi quốc gia sinh ra hoặc lớn lên nơi Tân thế giới thì gần như cũng được sinh ra và lớn lên ở đó vì lợi ích của người Mĩ gốc Anh.

Nếu Liên bang đi tới chỗ tan vỡ, nền thương mại của các bang tạo thành Liên bang hẳn là sẽ bị chậm phát triển mạnh trong một thời gian, nhưng gì thì gì cũng không bị ảnh hưởng mạnh như mọi người vẫn nghĩ. Bất kể có điều gì xảy ra, hiển nhiên là các bang giỏi thương mại vẫn sẽ cố kết với nhau. Họ ở rất gần kề nhau. Họ hoàn toàn giống nhau về tư tưởng, lợi ích và tập tục, và chỉ riêng họ thôi cũng đủ để thành một đại cường quốc hàng hải. Vậy nên ngay cả khi miền Nam Hoa Kì có trở nên quốc gia độc lập với miền Bắc, thì kết quả vẫn cứ là họ không thể phớt lờ được các bang miền Bắc. Tôi đã nói là miền Nam không phải là vùng phát triển thương mại; song chẳng có gì không chứng tỏ là nó sẽ phải trở thành vùng thương mại. Người Mĩ ở miền Nam Hoa Kì trong một thời gian dài nữa sẽ bị bắt buộc phải cậy nhờ vào nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm và mua về những thứ cần cho mình. Vậy mà, trong tất cả những ai có thể làm trung gian cho nó, chắc chắn là những người bạn láng giềng miền Bắc là đối tác có thể phục vụ họ với giá rất rẻ. Mà các bạn miền Bắc sẽ phục vụ, vì giá rẻ là bộ luật tối cao của thương mại. Không có nguyện vọng chủ quyền nào, cũng chẳng có định kiến quốc gia nào lại đủ sức chống chọi lâu dài với giá rẻ. Còn hằn thù nào cay độc hơn hằn thù giữa người Mĩ ở Hoa Kì với người Anh. Ấy thế mà mặc kệ tình cảm thù nghịch, người Anh vẫn cung cấp cho người Mĩ phần lớn đồ thủ công nghiệp, mà lí do duy nhất là họ làm ra với giá thấp hơn ở các nước khác. Người Mĩ muốn gì thì muốn, nhưng sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của nước Mĩ như vậy là đã trở thành mối lợi cho nền thủ công nghiệp của Anh quốc.

Lí tính chỉ dẫn và kinh nghiệm chứng minh rằng không có nền thương mại vĩ đại nào lại trường tồn nếu khi cần thiết nó lại không liên minh với một cường quốc quân sự.

Chân lí đó cũng được nhận thức rõ ở Hoa Kì hơn là ở nơi nào khác. Người Mĩ đã ở vào vị thế buộc thiên hạ tôn trọng màu cờ của họ (trên các tàu buôn); sắp tới sẽ là giai đoạn bắt thiên hạ e sợ màu cờ đó.

Tôi hoàn toàn tin rằng sự tan rã Liên bang Hoa Kì không những không làm suy giảm sức mạnh đường thuỷ của họ, lại có xu hướng kích thích nó gia tăng sức mạnh đó. Giờ đây các bang thương mại đều liên kết với những bang không thương mại, và các bang không thương mại này thường khi cũng miễn cưỡng tăng cường sức mạnh hàng hải mà họ chỉ có lợi gián tiếp thôi.

Nếu ngược lại tất cả các bang thương mại của Liên bang tạo thành một quốc gia duy nhất, nền thương mại đối với họ trở thành lợi ích quốc gia hàng đầu; họ sẽ sẵn sàng có những hi sinh to lớn để bảo vệ đoàn tàu buôn, và sẽ chẳng có gì ngăn cản họ theo đuổi các ước vọng về mặt này.

Tôi nghĩ rằng các dân tộc, cũng như con người, ngay từ tấm bé đã thấy hiện rõ những nét chính của số phận nó. Khi tôi thấy cái tinh thần người Mĩ gốc Anh tiến hành thương mại, nhìn cung cách họ làm ăn sao mà dễ dàng, nhìn những thành công của họ, tôi không thể nào không tin rằng một ngày nào đó họ sẽ trở thành cường quốc hàng hải hàng đầu của trái đất này. Họ sẽ bị đẩy vào cuộc xâm chiếm các vùng biển, như người La Mã thời cổ đã bị đẩy vào cuộc chinh phục thế giới.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn