[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VII: Về tính toàn quyền của phe đa số ở Hoa Kì và những tác động của nó (Phần 2)
BẠO QUYỀN CỦA PHE ĐA SỐ
Vì sao cần phải thống nhất cách hiểu về nguyên tắc nhân dân tối thượng. − Không thể nào quan niệm được một chính quyền hỗn hợp. − Quyền lực tuyệt đối phải nằm ở đâu đó. Cần có những biện pháp dự phòng để tiết chế hành động của nó. − Đã không có những biện pháp dự phòng đó ở Hoa Kì. − Kết quả ra sao.
Có một châm ngôn mà tôi coi là vô đạo và đáng ghét, nói rằng trong việc cầm quyền thì phe đa số của một quốc gia có quyền làm mọi điều, mặc dù tôi vẫn coi ý chí của phe đa số là gốc của mọi quyền lực. Liệu có phải là tôi mâu thuẫn với chính mình không?
Còn một điều luật chung đã được thực hiện hoặc ít ra là cũng được chấp nhận không chỉ bởi phe đa số của quốc gia này, mà còn được phe đa số của mọi con người chấp nhận. Điều luật đó là sự công bằng.
Vậy, công bằng là cột mốc giới hạn quyền của mỗi dân tộc.
Một quốc gia cũng như một bồi thẩm đoàn được giao thay mặt toàn xã hội và áp dụng điều luật công lí của mình. Bồi thẩm đoàn, người thay mặt xã hội, có phải là khi nào cũng có nhiều quyền lực hơn là bản thân cái xã hội đang được áp dụng luật pháp đó?
Vậy là, khi ta từ chối thực hiện một đạo luật bất công, điều đó không có nghĩa là ta khước từ quyền chỉ huy của phe đa số. Tôi coi đó chỉ là sự phục tùng của quyền nhân dân tối thượng đối với quyền nhân loại tối thượng.
Có những người không biết sợ khi nói rằng một quốc gia, đối với những mục tiêu chỉ liên quan đến riêng nó thôi, thì không sao hoàn toàn không thoát ra khỏi những giới hạn của công lí và lí tính, và vì vậy ta chẳng nên e ngại gì việc trao toàn quyền lực cho phe đa số đại diện cho quốc gia đó. Nhưng nói lối đó là nói giọng của kẻ nô lệ.
Phe đa số gộp chung lại là cái gì nếu không phải là một cá thể có những ý kiến và rất nhiều khi có những lợi ích trái ngược với cá thể khác mà ta gọi bằng phe thiểu số? Vậy mà, nếu ta thừa nhận một con người có đầy đủ mọi quyền lực có thể lạm dụng quyền lực đó để chống lại kẻ đối nghịch với mình, thì tại sao ta không thừa nhận cũng có chuyện đó xảy ra đối với phe đa số? Con người khi quần tụ lại liệu có thay đổi tính nết không? Liệu khi họ mạnh hơn trước các trở lực thì họ có trở nên kiên nhẫn hơn không? Phần tôi, tôi chẳng tin như vậy; và cái quyền được làm tất cả mà tôi từ chối không trao cho một người duy nhất trong đồng loại, tôi sẽ chẳng khi nào trao nó cho nhiều người.
Không phải vì nhằm duy trì tự do mà tôi tin rằng có thể hoà trộn nhiều nguyên tắc trong một chính quyền đặng cho chúng thực sự chống chọi lại nhau.
Tôi vẫn coi cái gọi là chính quyền hỗn hợp là một thứ hão huyền. Không thể có chính quyền hỗn hợp (theo nghĩa dùng cho từ đó) bởi vì trong mỗi xã hội cuối cùng thì ai ai cũng thấy có một nguyên tắc hành động chế ngự tất cả các nguyên tắc khác.
Nước Anh hồi thế kỉ trước, vẫn được dẫn như một tấm gương của kiểu chính quyền hỗn hợp đó, là một nhà nước quý tộc trị về căn bản, mặc dù trong lòng nó có những yếu tố dân chủ. Bởi vì luật pháp và tập tục ở đó đã được xác lập sao cho giới quý tộc về lâu về dài bao giờ cũng phải có vị trí thống trị và điều hành việc công theo nguyện ý của nó.
Sai lầm là do chỗ, vì không ngừng thấy lợi ích của các ông bà lớn va chạm với lợi ích của nhân dân, con người chỉ nghĩ tới đấu tranh thay vì quan tâm đến kết quả của chuyện đấu đá nhau đó, mà đấy mới là điểm quan trọng. Khi một xã hội đi tới chỗ thực sự có một chính quyền hỗn hợp, nghĩa là một chính quyền thực sự chung nhau những nguyên tắc đối nghịch, khi đó hoặc là nó xoay chuyển tất thảy hoặc là nó tự thủ tiêu.
Vì thế tôi cho rằng bao giờ ta cũng phải đặt một quyền lực xã hội nào đó cao hơn mọi quyền lực xã hội khác, nhưng tôi cũng cho rằng tự do sẽ bị thủ tiêu khi cái quyền lực được đặt lên cao kia chẳng thấy nổi trước mắt mình có trở lực nào khả dĩ cầm chân mình lại và cho nó có thời giờ tự kiềm chế mình lại.
Tôi cho rằng bản thân quyền lực vô hạn là một điều xấu xa và nguy hiểm. Tôi thấy con người không thể làm nổi việc thực thi quyền lực vô hạn, chỉ có Chúa Trời là có được quyền lực vô hạn mà không gây nguy biến, vì sự khôn ngoan, sự công bằng của Người luôn luôn cân bằng với quyền lực. Trên đời này không có quyền lực nào đáng trọng vì bản thân nó hoặc vì nó có được cái quyền năng thiêng liêng nào đó khiến ta có thể để nó hoạt động mà không cần kiểm soát và có chế ngự nó cũng dễ dàng. Nếu như tôi thấy có ai đó trao quyền và khả năng làm mọi việc cho một quyền lực nào đó, có thể là nhà vua hoặc có thể là nhân dân, có thể là dân trị hoặc quý tộc trị, thực thi trong một chế độ quân chủ hoặc cộng hoà, tôi nói đó chính là mầm của bạo quyền, và tôi tìm cách đi tìm nơi có luật pháp khác mà ở thôi.
Điều tôi trách cứ nhất ở chính quyền dân trị như hình thái Hoa Kì của nó, ấy không phải là sự yếu kém của nó như người ta vẫn nói ở châu Âu, mà là sức mạnh không gì cưỡng lại nổi của nó. Và cái khiến tôi khó chịu nhất ở nước Mĩ không phải là sự tự do đến cực độ, mà là ở đó còn ít bảo đảm để cưỡng lại được nạn bạo quyền.
Khi ở Hoa Kì một người hoặc một đảng gặp phải một điều bất công, bạn cho rằng họ sẽ kêu tới đâu? Kêu tới công luận ư? Thì chính công luận nằm trong phe đa số. Kêu tới tổ chức lập pháp ư? Thì nó là đại diện cho phe đa số và nó phục tùng mù quáng phe đa số. Kêu tới ngành hành pháp ư? Thì nó do phe đa số cắt cử ra và phục vụ phe đó như một công cụ thụ động. Kêu tới lực lượng công cộng ư? Lực lượng công cộng chẳng là gì hơn là phe đa số mang vũ khí. Kêu tới bồi thẩm đoàn ư? Bồi thẩm đoàn chính là phe đa số với quyền hạn được ra các quyết định: bản thân các quan toà ở một số bang là do phe đa số chọn ra. Dù có bị đánh bất công và vô lí tới đâu, bạn vẫn phải chịu thôi.
Ngược lại, ta hãy giả định có được một tổ chức lập pháp đại diện cho phe đa số mà vẫn không bị nô lệ vào những đam mê của phe đa số; giả sử có một quyền lực hành pháp có lực lượng riêng và một thế lực tư pháp độc lập với hai quyền lực kia; khi đó ta vẫn có một chính quyền dân trị nhưng lại hầu như không còn bao nhiêu khả năng cho bạo quyền.
Tôi không nói là bây giờ ở nước Mĩ chuyện bạo quyền là thường tình, tôi chỉ nói là ở bên đó chẳng thấy những bảo đảm chống lại bạo quyền, và ta cần đi tìm nguyên nhân trong sự mềm yếu của chính quyền trong những hoàn cảnh riêng và trong tập tục hơn là trong luật pháp.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)