[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 1)
NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN VIỆC DUY TRÌ NỀN CỘNG HOÀ DÂN CHỦ Ở HOA KÌ
Chế độ dân chủ cộng hoà trụ lại được ở Hoa Kì. Mục đích chính của cuốn sách này là tìm hiểu vì sao lại có hiện tượng đó.
Trong nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân không chính yếu mà tôi vô tình bị cuốn theo và tôi cũng chỉ nói tới sơ qua thôi. Lại có những nguyên nhân khác mà tôi không thể kham hết; còn những nguyên nhân mà tôi có thể đào vào thì bị bỏ rớt lại sau tôi như là bị vùi lấp dưới vô vàn chi tiết.
Vậy nên tôi nghĩ rằng, trước khi đi xa hơn và bàn đến tương lai, cần phải thu lại trong một phạm vi hạn hẹp mọi nguyên nhân đủ diễn giải tình hình thực tại.
Trong cung cách vắn tắt đó tôi sẽ viết ngắn gọn, vì tôi sẽ chú ý chỉ nhắc rất sơ sài cho bạn đọc những gì bạn đã biết rồi, và trong những sự việc chưa có dịp tường trình, tôi sẽ chỉ chọn ra những cái gì là chính yếu.
Tôi cho rằng mọi nguyên nhân dẫn đến việc duy trì nền dân chủ cộng hoà ở Hoa Kì có thể thu về ba mối:
Một là từ cái hoàn cảnh đặc biệt và ngẫu nhiên ông Trời đã đặt người Mĩ vào;
Hai là từ luật pháp;
Ba là từ thói quen và tập tục của con người.
VỀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN NGẪU NHIÊN HOẶC THIÊN ĐỊNH GÓP VÀO VIỆC DUY TRÌ NỀN DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Ở HOA KÌ
Liên bang không có láng giềng. − Không có thủ phủ lớn. − Người Mĩ ra đời một cách ngẫu nhiên. − Nước Mĩ là một xứ sở rỗng. − Vì sao mà hoàn cảnh đó lại vô cùng thuận lợi cho việc duy trì nền cộng hoà dân chủ. − Cách thức các cư dân đến ở các vùng hoang mạc nước Mĩ. − Cơn thèm thuồng của người Mĩ gốc Anh trong việc chiếm lĩnh các vùng hoang sơ của Tân thế giới. − Ảnh hưởng của cuộc sống hạnh phúc ấm êm đến quan điểm chính trị của người Mĩ.
Có cả ngàn điều kiện hoàn cảnh chẳng ăn nhập gì cả tới ý chí những con người mà lại làm cho chế độ dân chủ cộng hoà trở nên dễ chịu ở đất Hoa Kì này. Có những điều ta đã biết, còn có những điều khác lại dễ tìm ra: tôi sẽ chỉ trình bày ở đây những điều căn bản hơn cả thôi.
Người Mĩ không có láng giềng, hệ quả của điều đó là không có các cuộc chiến tranh lớn, không có khủng hoảng tài chính, không có tàn phá, cũng chẳng lo bị chinh phạt. Người Mĩ chẳng cần đến thuế má to tát, quân đội đông đúc cùng tướng lĩnh vĩ đại. Họ hầu như chẳng có gì phải lo ngay ngáy một thứ tai ương khủng khiếp nhất đối với các nước cộng hoà bằng cả ba thứ vừa kể trên cộng lại, đó là vinh quang quân sự.
Làm sao có thể không tính đến ảnh hưởng không tưởng tượng nổi của vinh quang quân sự đến tinh thần quốc gia? Ông tướng Jackson mà người Mĩ chọn hai lần cho đứng đầu họ, là một con người tính tình hung bạo và năng lực trung bình; trong suốt sự nghiệp của đời mình, ông này chẳng có gì chứng tỏ ông có những phẩm chất cần có để cai trị một quốc gia tự do: vì thế mà đa số các tầng lớp sáng láng của liên bang luôn luôn đối địch với ông. Vậy thì ai là người đã đặt ông lên ghế tổng thống và đến giờ vẫn cứ giữ ông ta ngồi ghế đó? Phải chăng đó là vì nhờ đến một chiến công của ông từ hai chục năm trước trong vụ vây hãm thành New Orleans? Thế nhưng cái chiến công ở New Orleans đó là một sự kiện quân sự khá bình thường chỉ còn lưu lại trong kí ức con người ở một xứ sở không còn trận nào mà đánh nữa. Vậy những con người để mình bị lôi cuốn vì sự say sưa vinh quang đó hẳn phải là những con người lạnh lùng nhất, tính toán nhất, ít phẩm chất quân sự nhất, và xin cho tôi nói thẳng, những con người tầm thường nhất hạng trong mọi quốc gia trên thế giới.
Nước Mĩ chẳng có thủ phủ nào lớn có thể tạo được ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến toàn bộ lãnh thổ, điều này được tôi coi là một trong những nguyên nhân cơ bản của sự duy trì các thiết chế cộng hoà ở Hoa Kì. Tại các thành phố, khó mà ngăn cản con người tụ hội, cùng nhau nổi nóng lên rồi cùng nhau ra những quyết định bốc đồng và đầy đam mê. Thành phố tạo thành những đại hội nghị mà thành viên là toàn thể dân cư. Nhân dân ở thành phố có ảnh hưởng ghê gớm đến các pháp quan và thường khi quyết định trực tiếp đến ý chí các pháp quan đó.
Để cho các địa phương phải chịu khuất phục các thành thị, đó không chỉ là đặt số phận toàn liên bang vào tay một bộ phận nhân dân, đó là điều bất công, mà hơn nữa lại còn đặt vào tay những con người chỉ biết hành động theo ý mình, đó là điều càng nguy hại. Vậy là, sự ưu thắng của thành thị gây tai hại nghiêm trọng đến chế độ đại diện. Nó làm cho các nước cộng hoà hiện đại rơi vào khuyết tật của các nước cộng hoà thời cổ, những nền cộng hoà đều đã tuyệt diệt chỉ vì không biết tới chế độ đại diện đó.
Hẳn là sẽ dễ dàng cho tôi khi kể ra đây vô số nguyên nhân thứ yếu khác đã tạo thuận lợi cho việc thiết lập và bảo đảm việc duy trì nền dân chủ cộng hoà ở Hoa Kì. Nhưng giữa vô vàn điều kiện may mắn này, tôi nhận ra hai điều chính yếu, và tôi phải kể ngay ra đây thôi.
Trên kia tôi đã nói rằng, để có thể hiểu vì sao có sự thịnh vượng như ngày nay của Hoa Kì, thì trong tất cả các nguyên nhân, cái nguồn gốc của người Mĩ, hoặc cái tôi gọi bằng xuất phát điểm của người Mĩ, là nguyên nhân cơ bản và hữu hiệu nhất. Người Mĩ có được cái ngẫu nhiên của sự sinh thành: cha ông họ xưa kia đã du nhập vào mảnh đất họ đang sinh sống sự bình đẳng của các điều kiện và sự bình đẳng của trí tuệ, nhờ đó mà nền cộng hoà dân chủ một ngày nào đó tất phải ra đời như sinh ra từ cái mạch tự nhiên của nó vậy. Vẫn chưa hết. Với một trạng thái xã hội mang tính cộng hoà, họ truyền lại cho con cháu các thói quen, các tư tưởng và tập tục thích hợp nhất để cho nền cộng hoà được sinh sôi nảy nở. Khi nào tôi nghĩ đến những gì được cái sự kiện độc đáo ấy tạo ra, tôi dường như nhìn thấy toàn bộ số phận nước Mĩ gói lại trong con người Thanh giáo đầu tiên đã đặt chân lên bến bờ xứ sở này, giống như toàn bộ loài người được gửi thân trong một con người đầu tiên.
Trong số những điều kiện hoàn cảnh may mắn vẫn còn đang tạo thuận lợi cho việc xây dựng và bảo đảm việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kì, điều kiện quan trọng cơ bản chính là sự lựa chọn cái xứ sở người Mĩ đang ở. Cha ông họ đã mang lại cho họ lòng yêu quý bình đẳng và tự do, nhưng chính Chúa Trời khi trao cho họ cả một lục địa mênh mông thì cũng đã trao cho họ những phương tiện để tồn tại lâu bền trong bình đẳng và tự do.
Cuộc sống hạnh phúc ấm no tạo thuận lợi cho việc ổn định mọi chính quyền, nhưng đặc biệt giúp cho chính quyền dân chủ, là thứ chính quyền có nền tảng là của phe đại đa số, đặc biệt là của những con người chịu thiếu thốn hơn cả. Khi nhân dân cầm quyền, điều cần thiết là họ phải hạnh phúc để họ không làm đảo lộn nhà nước. Sự khốn cùng tạo ra trong nhân dân cái do tham vọng tạo ra với các ông vua. Vậy mà, ở nước Mĩ có vô số những nguyên nhân chẳng dính dáng gì đến luật pháp mà lại mang được hạnh phúc ấm no cho con người, như chưa từng thấy ở bất cứ nước nào trên thế giới, trong bất kì giai đoạn lịch sử nào của con người.
Ở Hoa Kì, không chỉ việc lập pháp là vì dân, bản thân thiên nhiên cũng ủng hộ nhân dân.
Giữa vô vàn kỉ niệm về con người, có ở nơi đâu ta bắt gặp chút gì tương tự như những điều đang diễn ra ngay trước mắt ta ở Bắc Mĩ?
Các xã hội nổi tiếng thời cổ nhất nhất đều được dựng nên giữa vòng vây các quốc gia thù địch mà mình phải thắng họ để xây dựng quốc gia vào địa điểm ấy. Chính những con người hiện đại cũng bắt gặp ở đôi ba nơi trên vùng Nam Mĩ những vùng đất mênh mông cư trú bởi các dân tộc ít sáng láng bằng họ, song lại đã thuần phục được đất đai ở đó nhờ công việc canh tác. Để lập ra các nhà nước mới cho mình, họ đã phải tiêu diệt hoặc nô dịch vô số cư dân, và các chiến tích của họ đã làm cho nền văn minh phải hổ thẹn.
Nhưng Bắc Mĩ vốn chỉ là nơi ở của những bộ lạc sống lang thang chẳng hề nghĩ gì đến việc sử dụng các tài phú tự nhiên của đất đai. Nói cho đúng thì Bắc Mĩ vẫn còn là một lục địa rỗng, một miền đất trống trơn đang đợi chờ con người đến cư ngụ.
Mọi thứ đều đặc biệt với người Mĩ, trạng thái xã hội của họ và luật pháp của họ, nhưng đặc biệt hơn nữa ấy là cái mảnh đất nâng bàn chân họ.
Khi đấng Tạo hoá trao đất cho con người, đất thì măng tơ và vô tận, nhưng con người khi ấy lại yếu kém và dốt nát. Thế rồi khi con người học được cách khai thác có lợi các kho báu chứa đựng trong lòng đất, khi ấy con người đã đông đúc kín cả mặt đất rồi, và liền đó con người đã phải đấu tranh để giành giật lấy cái quyền có một chốn nương thân và nơi tự do ngơi nghỉ.
Chính là khi đó Bắc Mĩ lật bỏ tấm mạng che, tựa hồ như Chúa Trời vẫn giữ sẵn cho và miền đất này ngoi lên từ tầng dưới những trận mưa hồng hoang.
Tựa hồ như những ngày đầu Sáng thế, Bắc Mĩ hiện ra với những dòng sông nước không hề cạn kiệt, những miền rừng hoang xanh tươi và ẩm ướt, những cánh đồng không có bờ chưa từng được lưỡi cày người nông dân đụng đến. Trong trạng thái ấy, miền đất này không phải là món quà để trao vào tay con người đơn độc, dốt nát và mông muội thời tiền sử, mà là để trao vào tay những con người đã làm chủ được những bí ẩn quan trọng nhất của thiên nhiên, con người đoàn kết với đồng loại, và con người có sự hiểu biết của năm chục thế kỉ trải nghiệm.
Vào lúc tôi đang nói đây, có mười ba triệu người châu Âu văn minh đang yên lành sống trải rộng khắp các miền hoang vu phì nhiêu mà chính họ cũng chưa biết rõ chúng rộng bao nhiêu và phong phú đến chừng nào. Ba hoặc bốn nghìn lính xua đẩy trước mặt họ những người bản địa sống lang thang; theo sau những người mang vũ khí là những thợ rừng xuyên vào miền cây, đẩy lui các con vật hung dữ, khám phá các dòng sông và chuẩn bị cho cuộc hành trình tưng bừng của nền văn minh xuyên qua hoang mạc.
Lắm khi trong quá trình viết công trình này, tôi có ám chỉ tới hạnh phúc ấm no vật chất người Mĩ được thụ hưởng; tôi từng coi đó như là một trong những nguyên nhân to lớn của sự thành công nhờ luật pháp của họ. Có cả nghìn người trước tôi từng nói đến cái nguyên nhân đó, cái nguyên nhân như thể là duy nhất theo cách cảm nhận của người châu Âu và bây giờ thì trong chúng ta ai ai cũng nghĩ thế. Tôi sẽ không nói thêm nữa vào cái đề tài được xem xét rất nhiều và đã được hiểu kĩ càng ấy. Tôi chỉ xin thêm thắt đôi ba sự kiện mới.
Ta thường hình dung chung chung rằng dân cư các hoang mạc nước Mĩ là những người di dân châu Âu hàng năm cập bờ bến Tân thế giới, còn dân cư nước Mĩ gia tăng và sinh sôi trên mảnh đất cha ông họ đã chiếm được: hiểu như thế là rất sai. Người châu Âu ở Hoa Kì đã tới miền đất này đơn độc, không bạn bè và lắm khi không nguồn sống. Để sống, họ bị buộc phải thuê mướn các dịch vụ và hiếm khi thấy họ đi khỏi cái miền đất công nghiệp hoá to lớn trải dọc bờ đại dương. Ta không thể nào khai phá hoang mạc mà lại thiếu vốn sẵn có hoặc vốn đi vay; trước khi liều lĩnh đi vào giữa rừng trước hết cơ thể mình phải quen với khí hậu mới khốc liệt đã. Vì thế mà chính là những người Mĩ mỗi ngày lại từ bỏ nơi mình ra đời để đi lập nghiệp ở xa khỏi những cơ ngơi rộng lớn đã có. Vậy là người châu Âu thì từ bỏ túp nhà tranh để đi sinh sống tại những bến bờ bên kia Đại Tây Dương, còn người Mĩ ra đời ở chính những bến bờ ấy đến lượt mình lại đi sâu vào những miền hoang vu Trung Mĩ. Cuộc di trú kép đó không khi nào ngừng lại: nó bắt đầu từ trong lòng châu Âu, nó tiếp tục trên đại dương, nó tiếp tục ở những vùng hoang vu của Tân thế giới. Hàng triệu con người cùng bước đi tới một điểm ở phương trời xa: họ khác nhau về ngôn ngữ, tín ngưỡng và tập tục, họ chung nhau một mục tiêu. Người ta bảo với họ rằng vận hội cơ nghiệp đang chờ đợi họ đâu đó ở miền Tây, và họ vội vàng đi về phía ấy.
Không gì có thể đem ra so sánh nổi với cuộc chuyển dời liên tục của giống người như vậy, may chăng chỉ có thể so sánh với cuộc suy sụp của đế chế La Mã. Khi ấy, người ta chứng kiến cũng như ngày nay những con người hàng đàn hàng lũ chạy tới cùng một điểm và gặp nhau ồn ào tại những chốn chung nhau. Có điều là ý đồ của Thượng đế lại mỗi lần một khác. Khi xưa, mỗi người mới tới kéo theo sau họ sự huỷ diệt và cái chết; thời bây giờ mỗi con người đem theo tới một cái mầm hưng thịnh và sự sống.
Những hệ quả xa của cuộc di trú này của người Mĩ tới miền Tây vẫn còn nằm ở phía tương lai mà ta chưa thấy hết, song những kết quả tức thời thì dễ nhận ra: một phần những cư dân cũ hàng năm bỏ đi xa dần khỏi các bang nơi họ sinh ra, dân cư các bang này chỉ được bù vào rất chậm. Vì thế mà ở bang Connecticut, giờ đây vẫn chỉ có năm mươi chín đầu người trên mỗi nghìn mét vuông, trong vòng bốn chục năm dân số chỉ tăng thêm có một phần tư, trong khi ở nước Anh dân số tăng một phần ba trong cùng thời kì. Người di dân châu Âu luôn luôn đặt chân đến một vùng dân số không dư thừa, đến một nơi nền công nghiệp đang thiếu người làm. Anh ta trở thành một ông thợ đàng hoàng; con anh ta đi tìm vận hội ở một xứ sở trống trơ, và anh ta thành một ông chủ cơ nghiệp giàu có. Thế hệ người cha tích cóp tiền làm vốn để thế hệ người con đem đi sinh lợi, và không có cảnh khốn cùng cả với người “lạ” lẫn với người “bản địa”.
Ở Hoa Kì, công việc lập pháp tạo thuận lợi hết sức cho việc chia tài sản; nhưng có một nguyên nhân còn mạnh hơn nữa ấy là luật lệ cấm chia tài sản quá khổ[240]. Ta thấy rõ điều đó tại những bang mà cư dân bắt đầu đông dần lên, Massachusetts là bang có cư dân đông nhất trong liên bang; ở đó có tám mươi đầu người trên một nghìn mét vuông, so với ở Pháp với một trăm sáu mươi hai dân trên cùng diện tích, thì thật là thua xa.
Thế mà ở Massachusetts hiếm khi thấy chia những dinh cơ nhỏ: nói chung đất đai để lại cho người con trưởng, còn các con thứ thì đi vào hoang mạc lập nghiệp.
Luật pháp đã xoá bỏ quyền con trưởng, nhưng có thể nói là Chúa Trời đã phục hồi lệ đó mà chẳng ai than phiền hết, và lần này ít ra nó cũng không làm cho luật pháp bị xúc phạm.
Đủ để ta phán xét chỉ bằng duy nhất một sự kiện số lượng cao ngất trời những cá nhân rời New England như thế để mang tổ ấm của mình vào nơi hoang mạc. Chúng tôi có con số rất đáng tin cậy hồi năm 1830 là, trong số thành viên Hạ viện Mĩ, có ba mươi sáu vị đã sinh ra tại bang Connecticut nhỏ bé. Vậy là dân số Connecticut chỉ xếp hạng thứ bốn mươi ba dân số toàn Hoa Kì lại cung cấp một phần tám số đại biểu Hạ viện.
Thế nhưng bang Connecticut chỉ cử có năm đại biểu vào Hạ viện, số ba mươi mốt người kia đến Hạ viện trong tư cách đại diện các bang mới của miền Tây Hoa Kì. Nếu cả ba mươi mốt vị đại biểu kia đều sống ở Connecticut, chắc họ chẳng thể nào là những chủ sở hữu giàu có, họ sẽ chỉ là những nông gia nhỏ bé sống âm thầm trong bóng tối mà chẳng thể nào ngoi lên được con đường hoạt động chính trị, và còn xa mới trở thành những nhà lập pháp hữu ích, họ rất có thể lại là những công dân nguy hiểm nữa.
Đánh giá như vậy là không xa với đầu óc người Mĩ cũng như đầu óc chúng ta.
Vị đại thần Kent trong cuốn Khảo luận về luật của Mĩ (Traité sur le droit américain) tập IV trang 380, viết: “Nhiều người vẫn nghĩ việc chia dinh cơ đất đai nếu làm một cách cực đoan − tức là phân chia sao cho mỗi miếng đất không còn đủ chu cấp nữa cho một gia đình − chắc là phải gây ra những chuyện tệ hại; thế nhưng chẳng ai bao giờ cảm nhận thấy có những điều bất ưng nào ở Hoa Kì, và vô số thế hệ đã qua đi trước khi mọi người cảm nhận được những điều khó chịu đó. Độ lớn của vùng lãnh thổ không người ở của chúng ta, sự phong túc về đất đai ở cận kề với ta và dòng di dân liên tục từ bờ bên kia Đại Tây Dương không ngừng đổ về vùng miền trung đất nước ta, (đất đai như thế) là đủ thoả mãn và sẽ còn thoả mãn lâu dài, và chẳng gì ngăn cản ta chia thật nhỏ các di sản ra.”
Hẳn là khó mà phác hoạ được lòng thèm thuồng của người Mĩ khi họ lao về cái miếng mồi mênh mông được vận hội mang tới kia. Để theo được con mồi, người Mĩ chẳng còn biết sợ mũi tên của người Anh điêng bản địa và những bệnh tật trong vùng hoang vu. Vẻ im phăng phắc của rừng chẳng có gì để họ ngạc nhiên hết, thú dữ đến gần cũng chẳng khiến họ mảy may xúc động: một nỗi đam mê còn mạnh hơn là lòng yêu đời không ngừng mài giũa cho sắc nhọn sự thèm khát của người Mĩ. Trước mặt họ là một lục địa hầu như không bến bờ, và như thể họ sợ rồi sẽ thiếu chỗ, người Mĩ vội vã lên như thế sợ mình sẽ quá chậm chân. Tôi đã nói tới cuộc di dân của các bang đầu tiên của Hoa Kì. Nhưng với các bang còn trẻ thì thế nào? Bang Ohio thành lập chưa tròn năm chục năm. Đại bộ phận cư dân bang này không chào đời trên lãnh thổ bang. Thủ phủ của bang chưa đủ ba chục tuổi, và những cánh đồng mênh mông bỏ hoang vẫn còn phủ khắp lãnh thổ. Ấy vậy mà những người dân Ohio lại đã bắt đầu cuộc Tây tiến: phần lớn những người xuôi xuống đồng cỏ tốt tươi của Illinois là dân Ohio. Những con người đó đã từ bỏ tổ quốc đầu tiên của mình để được sống tốt, và từ bỏ tổ quốc thứ hai để được sống còn tốt hơn. Đi khắp nơi họ đều gặp được vận may, nhưng họ chưa bắt gặp được hạnh phúc. Với họ, cái ước vọng hạnh phúc trở thành một đam mê day dứt và nóng bỏng mà càng được thoả mãn lại càng trồi lên. Xưa kia, họ đã phá vỡ những mối dây rợ níu kéo họ vào mảnh đất quê; từ đó, họ không tạo ra bất kì miền quê nào khác nữa. Với họ, công việc di cư đã trở thành một thứ nhu cầu. Ngày nay trước mắt họ đó là một canh bạc may rủi mà họ thích thú những phập phồng cũng ngang bằng với những được thua.
Đôi khi bà con nhà ta đi nhanh quá đến độ ngoảnh mặt quay lại thì vẫn thấy hoang mạc còn nằm phía sau. Rừng chỉ còn một cách là ngả rạp xuống dưới bước tiến của người; người đi qua rồi, rừng lại vươn đứng dậy. Khi đi dọc các bang miền Tây, không hiếm trường hợp ta bắt gặp những khu cư trú bỏ không giữa những cánh rừng thưa. Lắm khi ta bắt gặp những di vật của một túp lều giữa rừng thẳm sâu, và ta ngạc nhiên khi đi ngang những khu đã khai hoang rồi bỏ đó, nó chứng minh cả sức mạnh lẫn sự thiếu kiên định của con người. Giữa những cánh đồng bị bỏ rơi đó, trên những phế tích có tuổi thọ một ngày đó, không trù trừ gì hết trên cánh rừng nguyên sơ ấy lại đã mọc lên những cây hoang mới, động vật quay lại chốn tung hoành xưa; thiên nhiên tươi cười che phủ những dấu tích người bằng những chồi nhánh xanh tươi và hoa, và vội vàng tìm cách giấu biến đi những vết tích phù du của con người.
Tôi nhớ lại khi đi ngang một trong những tổng hoang vu vẫn còn che phủ bang New York, tôi đặt chân tới bờ một hồ nước xung quanh là rừng, cảnh hệt như thời khai thiên lập địa. Một hòn đảo nhỏ mọc lên giữa hồ nước. Rừng che phủ hòn đảo, xoè tán lá ra che khuất viền hòn đảo nơi bờ nước. Trên bờ hồ, chẳng có gì cho thấy sự hiện diện của con người ở chốn này; chỉ thấy ở chân trời xa một cột khói bốc thẳng đứng từ ngọn cây lên tận mây trời, tưởng như cột khói được thả từ trên trời xuống chứ không phải từ dưới bay lên nữa.
Một con thuyền độc mộc của người Anh điêng bản địa kéo lên nằm trên bờ cát. Tôi xuống thuyền bơi ra thăm thú hòn đảo mà thoạt nhìn đã thấy hấp dẫn mắt mình, và chẳng mấy chốc tôi đã cặp bờ đảo. Toàn bộ hòn đảo là một trong những chốn hoang vắng kì thú của Tân thế giới khiến con người văn minh dường như phải tiếc nuối cuộc sống mông muội. Thực vật hùng mạnh kì diệu hứa hẹn bên trong lòng đất ẩn chứa những điều chẳng gì sánh nổi. Cũng giống như ở mọi hoang mạc Bắc Mĩ, ở hòn đảo này là sự yên tĩnh sâu lắng chỉ bị phá đám bởi tiếng cành lá xạc xào đơn điệu hoặc tiếng con gõ kiến đụng mỏ vào vỏ cây. Khó mà có thể nghĩ nơi đây xưa kia từng có người ở, vì thiên nhiên ở đó vẫn như thế chưa có ai đụng tới, ấy thế mà khi vào đến giữa đảo tôi ngỡ mình bắt gặp những vật mà con người để sót lại. Tôi bắt đầu xem xét kĩ lưỡng mọi vật xung quanh, và không còn hồ nghi gì nữa, đã có một anh chàng người châu Âu nào đó tới đây rồi. Nhưng công trình của anh ta nơi đây đã biến dạng biết bao! Gỗ lạt anh ta chặt vội xưa kia để làm nơi tạm trú nay đã mọc lên biết bao cành nhánh; lớp cây quây quanh nhà xưa kia nay đã thành lớp hàng rào đầy màu sắc và túp lều xưa nay đã thành một lùm cây con. Giữa đám cây con ấy, vẫn còn thấy những viên đá bị lửa đốt cháy xém tản mát quanh một đống tro nhỏ. Hẳn đây chính là bếp lửa ấm trong ngôi lều xưa: ống khói khi sụt xuống đã che phủ cái lò sưởi đổ vụn. Trong lát giây tôi lặng ngắm những nguồn lực của thiên nhiên và nỗi yếu hèn của con người. Và khi rồi tôi phải đi khỏi chốn mê hoặc ấy, tôi vẫn còn u sầu nói đi nói lại: Ô hay! Đã thành phế tích rồi!
Ở châu Âu, chúng ta đã quen coi sự âu lo trong tâm hôn, ước vọng giàu sang quá độ, tình yêu sự độc lập đến độ cực đoan như một đại hoạ xã hội. Nhưng chính những thứ đó lại bảo đảm cho các nước cộng hoà bên Mĩ có một tương lai lâu bền và thanh bình. Không có những đam mê ám ảnh con người như thế, cư dân hẳn là sẽ tập trung quanh một vài địa điểm và cũng giống như chúng ta, rồi sẽ thấy mình phải có những nhu cầu khó mà thoả mãn cho được. May mắn thay cái xứ sở Tân thế giới nơi các tật xấu của con người hầu như lại trở thành hữu ích cho xã hội cũng như đạo đức của họ vậy!
Điều này tác động mạnh đến cung cách người ta phán xét hành động của con người ở hai bán cầu. Thường khi, cái chúng ta đặt tên là máu tham kiếm tiền, thì người Mĩ gọi là tài khéo đáng khen, và họ coi những gì chúng ta gọi bằng sự kiềm chế ước vọng như là sự đớn hèn của tình cảm.
Ở Pháp, chúng ta coi thị hiếu giản dị, tập tục yên bình, đầu óc gia đình và tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn như là những bảo đảm to tát cho sự yên bình và hạnh phúc của nhà nước; nhưng ở Mĩ, những thứ đức tính ấy được coi như là những định kiến có hại cho xã hội. Người Pháp ở Canada vốn vẫn giữ được các truyền thống tập tục xưa cũ, thấy họ bắt đầu khó sống trên lãnh thổ (mới) của mình, và cái quốc gia bé nhỏ vừa mới ra đời kia sẽ sớm bị các quốc gia già nua quấy phá cho đến khốn cùng. Ở Canada, những con người sáng láng nhất, yêu nước nhất và nhân đạo nhất, đều hành động với những nỗ lực cực kì to lớn cốt làm sao cho nhân dân ghê tởm cái thứ hạnh phúc giản dị vẫn còn đang thoả mãn họ. Họ xưng tụng những ưu thế của sự giàu sang, hệt như ở nước ta, chúng ta ca tụng những vẻ hấp dẫn của một chủ nghĩa trung bình lương thiện, và họ chăm lo nhiều vào việc mài giũa những đam mê mang tính người chứ không như ở chỗ khác chỉ chăm lo làm xẹp chúng đi. Đem những thú vui trong sáng và yên tĩnh mà tổ quốc đem lại cho ngay cả người nghèo để đánh đổi lấy những hưởng thụ khô cằn của một thứ hạnh phúc ấm no dưới bầu trời xa lạ; chạy trốn khỏi mái ấm gia đình và những cánh đồng có mồ mả cha ông, bỏ cả người sống lẫn người chết để chạy đuổi theo vận may nghiệp lớn, dưới con mắt họ thật chẳng có gì đáng ca tụng hơn.
Ngày nay, nước Mĩ đem lại cho con người một nền tảng luôn luôn to rộng hơn khả năng hiểu cho kì hết giá trị của cái nền tảng đó.
Ở Mĩ, người ta khó mà coi là mình đã hiểu biết đầy đủ; vì mọi nguồn sáng cùng lúc có thể có ích cho chính người mang nó trong lòng, thì cũng vẫn được những ai chưa có chút gì sáng láng thụ hưởng. Những nhu cầu mới chẳng có gì đáng sợ vì mọi nhu cầu ở đó đều được dễ dàng thoả mãn: người ta không e ngại việc tạo ra quá nhiều đam mê, vì mọi đam mê đều có nguồn nuôi dưỡng sẵn sàng và trong lành; ở đó người ta không còn cách gì để làm cho con người được tự do hơn nữa, vì con người chẳng khi nào bị lôi kéo vào chuyện sử dụng tự do sai lệch.
Ngày nay các nước cộng hoà Mĩ giống như là những công ti thương nhân được tổ chức ra để cùng khai thác những miền đất hoang vu của Tân thế giới và để lo cho công chuyện mậu dịch đổi trao đang thịnh vượng lên.
Những đam mê làm rung chuyển sâu sắc nhất đến người Mĩ là những đam mê thương mại chứ không phải là những đam mê chính trị, hoặc cũng có thể nói là họ đem vào chính trường những thói quen của thương thảo mậu dịch. Họ yêu trật tự vì nếu không có trật tự thì mọi chuyện không thể phát đạt lên, và họ đặc biệt thích làm cho tập tục thành cuộc sống chính quy là cơ sở cho những gia đình tử tế ngăn nắp. Họ thích trí khôn thông thường tạo ra những sản nghiệp lớn thay vì thích thiên tài lắm khi lại phá tan cơ nghiệp. Họ e ngại những ý tưởng chung chung xa lạ với đầu óc đã quen với những tính toán tích cực, và trong cuộc sống với nhau, thực tiễn được vinh danh nhiều hơn là lí thuyết.
Chính là phải đến nước Mĩ để hiểu cái hạnh phúc ấm no vật chất tác động mạnh mẽ đến đâu vào các hành động chính trị và tác động thẳng đến ý kiến và dư luận mọi người, những điều lẽ ra chỉ chịu tuân theo lí trí. Khi ta sống giữa những người xa lạ, ta chủ yếu nhận ra được chân lí này. Phần lớn những người di dân châu Âu đều đem theo đến Tân thế giới cái tình yêu hoang dã đối với độc lập và đổi thay, là những thứ thường khi được sinh ra giữa cảnh khốn cùng của chúng ta. Đôi khi tôi gặp ở Hoa Kì những người châu Âu đó, những người xưa kia bị buộc phải trốn chạy khỏi đất nước chỉ vì những ý kiến về chính trị của họ. Tất cả đều làm tôi ngạc nhiên về cách nói năng của họ, nhưng một người trong số đó khiến tôi ngạc nhiên hơn cả. Khi ấy, tôi đang đi ngang một trong những tiểu khu ở xa lắc trong bang Pennsylvania thì trời ập tối, tôi gõ cửa một chủ đồn điền giàu có; ông ta người Pháp. Ông mời tôi ngồi gần lò sưởi, và hai chúng tôi trò chuyện thoải mái, điều thường gặp khi mọi người gặp nhau trong rừng thẳm cách quê hương bản quán hai nghìn dặm. Tôi không phải là không biết ông chú nhà này xưa kia là một người đấu tranh cho quyền bình đẳng và một người mị dân nhiệt thành. Tên tuổi ông còn lưu lại trong lịch sử.
Và tôi kinh ngạc nghe ông bàn cãi về quyền có tài sản riêng hệt như cách trình bày của một nhà kinh tế học, tôi gần như muốn bảo đó là một ông chủ sở hữu. Ông nói về thứ bậc cao thấp của con người tất yếu do sản nghiệp tạo ra, ông nói về sự phục tùng luật pháp đã có, về ảnh hưởng của tập tục lành mạnh tại các nước cộng hoà, ông nói cả những tư tưởng tôn giáo giúp ích ra sao cho trật tự và tự do: có lúc như thể ông buột miệng trích dẫn về quyền uy của đấng Jesus-Christ để trụ đỡ cho quan điểm chính trị của mình.
Lắng nghe ông nói, tôi chiêm ngưỡng sự ngu ngốc của lí trí con người. Đây là điều tôi không khẳng định, có thể đúng có thể sai: làm sao ta có thể tìm thấy lí trí giữa vô vàn điều vô định của khoa học và trong những bài học đủ kiểu của kinh nghiệm? Nay bỗng xuất hiện một sự kiện mới khiến mọi nỗi hoài nghi lại vùng dậy trong tôi. Xưa kia tôi nghèo, nay tôi bổng thành giàu có: mong sao cái hạnh phúc ấm no, nếu như một khi tác động đến hành vi của tôi, vấn đề cho năng lực suy lí của tôi được tự do! Nhưng không, những suy nghĩ của tôi đều thay đổi theo đà thay đổi sản nghiệp của tôi, và tôi lợi dụng được điều may mắn là cuộc gặp gỡ hôm nay, tôi thực sự khám phá ra cái lí lẽ quyết định mà tới lúc đó tôi vẫn còn chưa có.
Ảnh hưởng của hạnh phúc ấm no tác động còn tự do hơn nữa đến người Mĩ so với người nước khác. Người Mĩ bao giờ cũng nhìn thấy trước mắt họ cái trật tự và sự thịnh vượng công cộng gắn bó xoắn xuýt với nhau và cùng đi theo một nhịp bước. Người Mĩ không sao hình dung nổi hai yếu tố đó có thể tách rời nhau: cũng giống như vô vàn người châu Âu, người Mĩ chẳng có gì để quên và cũng không có gì để mất mát từ nền giáo dục cơ sở họ được hưởng thụ.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)