Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần 4)

Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần 4)

Ví dụ Wilt Chamberlain và ví dụ "người yêu hoàng hôn/du thuyền"

Nozick tạo ra một ví dụ tưởng tượng trong đó sử dụng một cựu cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp thực tế (Wilt Chamberlain) để chỉ trích điều mà ông gọi là các lý thuyết công bằng "khuôn mẫu". Các lý thuyết công bằng khuôn mẫu là những lý thuyết mà sự phân phối tài sản được coi là công bằng khi có một số mục đích hoặc mục tiêu cần đạt đến. Ví dụ, các nhà quân bình cấp tiến cho rằng sự phân phối công bằng nhất đối với tài sản và nguồn lực là sự phân phối trong đó các yếu tố này được chia đều cho toàn bộ xã hội. Thuyết công lợi là một ví dụ khác của lý thuyết khuôn mẫu vì tất cả các hàng hóa được phân phối một cách công bằng khi chúng tối đa hóa tổng lợi ích của một xã hội. Cuối cùng, lý thuyết về công bằng của John Rawls cũng sẽ được coi là một lý thuyết theo khuôn mẫu vì cho rằng tài sản chỉ có thể được phân phối trong trường hợp mang lại lợi ích cho các thành viên kém thuận lợi nhất của xã hội. Điều mà tất cả các lý thuyết này chia sẻ là sự phân phối tài sản sẽ chỉ được tuyên bố là công bằng khi chúng phù hợp với một khuôn mẫu.

Để lập luận chống lại các lý thuyết công bằng khuôn mẫu này, Nozick muốn cho thấy rằng các khuôn mẫu chỉ có thể được áp đặt bằng cách hoặc không cho phép các hành động mà phá vỡ khuôn mẫu (hoặc như Nozick gọi nó, "cấm hành vi tư bản (buôn bán, trao đổi) giữa hai người trưởng thành") hay liên tục tái phân phối tài sản để thiết lập lại mô hình. Nozick cố gắng chứng minh tính đúng đắn của hai mệnh đề. Đầu tiên là nếu cá nhân đạt được tài sản của họ một cách công bằng, thì sự trao đổi tự do của họ với người khác (miễn là không có liên quan đến hành vi trộm cắp, lừa đảo hay cưỡng chế) là công bằng. Mệnh đề thứ hai được cho là kết quả của mệnh đề thứ nhất. Nó cho rằng sự tự do trao đổi sẽ luôn kết thúc trong việc phá vỡ các mô hình phân phối công bằng được viện dẫn. Nhưng dường như nếu chúng ta có quyền sở hữu tài sản hợp pháp, thì chúng ta có thể sử dụng nó theo bất kỳ cách nào mà chúng ta muốn bất kể việc sử dụng đó có dẫn đến kết quả gì. Nozick chắc chắn nhận ra rằng việc cho phép các cá nhân trao đổi tài sản của họ không theo bất kỳ nguyên tắc khuôn mẫu nào sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng to lớn về tài sản. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng bất kỳ biện pháp để "sửa chữa" cho một sự bất bình đẳng như vậy từ sự can thiệp của chính quyền là không công bằng.

Trong ví dụ Wilt Chamberlain, Nozick bảo chúng ta hãy tưởng tượng một xã hội có sự phân phối các nguồn lực theo sở thích của độc giả. Vì mục tiêu của sự lập luận, chúng ta sẽ nói rằng có một triệu người và một thành viên và tất cả đều có những phần bằng nhau - chúng ta sẽ gọi sự phân phối này là D1. Chúng ta cũng sẽ tưởng tượng rằng Wilt ký hợp đồng với một đội bóng với những qui định mà cho mỗi buổi chơi bóng anh nhận được 25 cent từ giá của mỗi vé bán ra. Khi mùa giải diễn ra, tưởng tượng rằng mỗi người trong xã hội đều vui vẻ góp 25 cent để xem Wilt thi đấu. Sau khi một triệu người hâm mộ đến xem anh ta chơi, anh ta kiếm được 250,000 $. Vì vậy, sẽ có một phân phối mới, D2, trong đó Wilt có tài sản ban đầu của mình cộng với $ 250,000. Bỏ qua tất cả các giao dịch khác, chúng ta có thể giả định rằng tất cả những người khác trong xã hội có ít tài sản hơn nhiều so với những gì Wilt có. Nozick hỏi liệu có bất cứ điều gì bất công về ví dụ này và nếu có bất cứ điều gì bất công, thì lý do là như thế nào? Vì mỗi người đồng ý với D1, mỗi người phải có quyền đối với phần của mình. Điều này cũng có nghĩa là mỗi cá nhân có làm với các nguồn lực của mình những gì anh ta muốn và nhiều người đã quyết định đưa một số cho Wilt. Rõ ràng là D1 và D2 là không giống nhau. Tuy nhiên, D2 đến từ những gì chúng ta đã đồng ý, đó là một phân phối công bằng cộng với một sự trao đổi tự do. Vì vậy, D2 là công bằng, nhưng D2 vi phạm mô hình D1, trong đó mỗi người có cùng nguồn lực như nhau.

Quan điểm đầu tiên của Nozick là, việc cho phép các cá nhân tự do trao đổi tài sản của họ như họ muốn, miễn là họ hoàn toàn đồng ý với những người trao đổi, rõ ràng (và liên tục) phá vỡ mô hình sở hữu ban đầu. Chú ý rằng nếu bạn đồng ý với Nozick rằng không có bất công nào được thực hiện trong các bước hình thành D2, thì không có gì là bất công về D2. Nhưng còn nếu ai đó muốn thiết lập lại D1? Chú ý những gì Nozick nghĩ sẽ phải xảy ra trong trường hợp này. Để tổ chức lại mô hình sở hữu, một số thực thể (nhiều khả năng nhất là nhà nước) sẽ cần phải can thiệp. Đó là, nếu D1 là tất cả sở hữu bằng nhau và bây giờ ở D2, chúng ta thừa nhận rằng chúng ta muốn trở lại D1, chúng ta sẽ phải lấy một phần tài sản từ những người có nhiều hơn để cung cấp cho những người có ít hơn. Nhưng, vấn đề ở đây là: điều gì xảy ra nếu những người có nhiều tài sản hơn trong D2 không muốn từ bỏ tài sản  của họ, phản đối rằng họ đã đạt được chúng một cách công bằng? Nếu nhà nước lấy đi một phần tài sản, thì điều này khác như thế nào với nhưng gì Robin Hood đã làm? Đó không phải là một hình thức trộm cắp?

Ví dụ Wilt Chamberlain cung cấp cho Nozick cơ hội để củng cố lập luận của mình chống lại các lý thuyết khuôn mẫu. Ông nhấn mạnh quan điểm rằng, việc duy trì khuôn mẫu thường sẽ đòi hỏi tái phân phối tái sản thông qua thuế từ những người có tài sản sản tới những người không có, và rằng đây không phải là một hệ quả vô thưởng vô phạt. Trong thực tế, kết quả của sự tái phân bố này là lao động cưỡng bức. Nozick cho rằng "chiếm đoạt thành quả lao động của một ai đó là tương đương với việc tóm lấy thời gian từ anh ta và bắt anh ta phải thực hiện các hoạt động khác nhau." Về bản chất, Nozick nghĩ rằng điều này là tương tự như buộc một ai đó để làm việc cho các mục đích mà anh ta không được chọn. Các nguyên tắc khuôn mẫu cho phép cho một số người đòi hỏi thành quả lao động của người khác. Nozick tin điều này sẽ dẫn đến một sự vi phạm quyền tự sở hữu tự, vì việc đòi hỏi một số thành quả lao động của người khác thực chất là đòi hỏi sở hữu một phần đối với người đó.

Còn một vấn đề khác ở đây. Nozick cũng lo lắng rằng mức độ can thiệp vào cuộc sống của người dân sẽ thay đổi phụ thuộc vào lối sống khác nhau mà họ lựa chọn, và theo cách mà phân biệt đối xử chống lại một số người nào đó. Ông tự hỏi tại sao mọi người không nên có quyền chọn lối sống riêng của mình khi mà họ không làm cho người khác khốn khổ hơn so với hoàn cảnh của họ từng là trong một trạng thái tự nhiên? Nozick bác bỏ đòi hỏi rằng, những cá nhân quan tâm đến lợi ích vật chất nhiều hơn phải làm việc nhiều giờ hơn so với những người có lối sống thẩm mỹ hơn. Ông đặt câu hỏi tại sao những người muốn "xem một bộ phim" bị yêu cầu (vì anh ta phải kiếm tiền cho các vé xem phim) cung cấp "tiền cho những người nghèo", trong khi những người thích nhìn cảnh hoàng hôn (người không cần kiếm tiền để thưởng thức chúng) lại không phải làm như vậy? Điều mà Nozick đã cố gắng nêu lên là: nếu việc sở hữu một chiếc du thuyền sang trọng là những gì làm cho tôi hạnh phúc, thì tôi sẽ phải làm việc lâu hơn nhiều so với những người chỉ đơn giản là thích cảnh hoàng hôn. Những người thích hoàng hôn không cần tiền để thưởng thức chúng – anh ta có thể theo đuổi hạnh phúc của mình và đáp ứng các nghĩa vụ thuế của mình cho nhà nước trong một thời gian lao động rất ít. Tuy nhiên, tôi có thể cần phải làm việc thêm sáu tháng để có đủ tiền để mua chiếc du thuyền và đáp ứng các nghĩa vụ thuế của nhà nước. Tôi không chỉ cần số lượng tiền chính cho việc mua, tôi cũng bị đánh thuế để cung cấp cho các chương trình xã hội. Trong viễn cảnh này, Nozick tự hỏi tại sao những người yêu du thuyền, chỉ đơn giản là vì lối sống của mình, phải làm việc sáu tháng để có được những gì mình muốn và nộp thuế của mình, trái ngược với những người yêu hoàng hôn, chỉ phải làm việc ít hơn nhiều để đạt được những mục tiêu này.

Máy kinh nghiệm

Trong khi các ví dụ Wilt Chamberlain và người yêu hoàng hôn/du thuyền có thể nhắm vào bất kỳ loại lý thuyết khuôn mẫu nào (mặc dù hầu như nó nhắm vào lý thuyết về công lý của Rawls), Nozick sử dụng một ví dụ sáng tạo để lập luận chống lại thuyết công lợi cổ điển. Ông bảo chúng ta tưởng tượng một cái máy được phát triển bởi “super duper neuropsychologist” trong đó ta có thể đăng nhập vào và có bất kỳ loại kinh nghiệm nào mà mình mong muốn. Não của một người có thể được kích thích để anh ta suy nghĩ và cảm thấy rằng anh ta đang đọc sách, viết một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, hoặc leo lên đỉnh Everest. Nhưng tất cả thời gian người đó sẽ chỉ đơn giản là được thả nổi trong một bể với các điện cực gắn vào đầu. Nozick hỏi người đọc rằng anh ta có muốn đăng nhập vào chiếc máy hay không.

Nozick nghĩ rằng chúng ta sẽ không tham gia, và kết luận rằng mọi người sẽ theo sau trực giác của mình rằng các kinh nghiệm lập trình như vậy là không có thật. Ông cho rằng mọi người không chỉ đơn thuần là muốn kinh nghiệm các hành động nhất định, mà họ thực sự muốn thực hiện chúng. Ví dụ, tôi không chỉ đơn thuần muốn trải nghiệm rằng tôi là một tiểu thuyết gia vĩ đại, mà tôi mốn trở thành một tiểu thuyết gia vĩ đại thực sự.

Theo cách này chúng ta tin rằng đã đạt được từ ví dụ chiếc máy kinh nghiệm một sự chỉ trích đối với thuyết công lợi cổ điển? Ý tưởng vốn là giá trị căn bản làm nền tảng cho thuyết công lợi cổ điển được mô tả bởi Jeremy Bentham và John Stuart Mill là: hạnh phúc là sự tốt lành tối cao nhât và nội tại duy nhất. Nghĩa là, hạnh phúc là cái tốt, và là mục tiêu mà mọi cái tốt khác theo đuổi. Có lẽ sức hấp dẫn ban đầu của việc nhập vào chiếc máy của Nozick sẽ là sự hứa hẹn của việc đạt được sự khoái lạc. Tuy nhiên, kì cùng thì sự không sẵn lòng để đăng nhập dường như cho thất rằng chúng ta muốn điều gì đó khác ngoài hạnh phúc (hiểu ở đáy là sự khoái lạc) trong cuộc sống của chúng ta, dù đó có thể là tính thực tế hay tính xác thực. Do đó, rõ ràng rằng hạnh phúc không phải là sự thiện tối cao. Mặc dù điều này dường như là một đòn tấn công đáng kể vào thuyết công lợi cổ điển, song dường như  không ảnh hưởng đến các hình thức khác thuyết công lợi như thuyết công lợi sở thích. Các nhà công lợi sở thích có thể tuyên bố rằng mọi người có thể không đi vào chiếc máy không phải vì họ quan tâm đến giá trị khác hơn hạnh phúc, nhưng vì họ thích trải nghiệm hạnh phúc chỉ thông qua một số phương tiện liên quan đến việc theo đuổi tích cực hạnh phúc và không chỉ đơn thuần là trải nghiệm nó. Ngoài ra, họ có thể nhìn hạnh phúc theo một cách phức tạp nhờ đó mà họ không chỉ đơn thuần là mong muốn sự hài lòng"thô thiển", mà muốn một dạng hạnh phúc sâu sắc.

Điều kiện của Locke

Có những giới hạn nào đối với số lượng các nguồn lực mà một số có thể sở hữu nhiều hơn so với những người khác, mà đảm bảo rằng sự phân bố về tài sản là cách công bằng, ngay cả theo sự phân phối của Nozick? Có một sự ràng buộc – đó là điều kiện của Locke. Trong khi Nozick không chấp nhận toàn  bộ lý thuyết về sở hữu của Locke, ông sử dụng các bộ phận của nó điều chỉnh chúng cho phù hợp với lý thuyết của ông về quyền. Một trong những hạn chế nổi tiếng về sự tích lũy tài sản do Locke đặt ra đó là ta có thể sở hữu tài sản bao lâu mà còn để lại "đủ và tốt" cho người khác. Điều này ngăn cản sự độc quyền các hàng hóa cần thiết cho cuộc sống. Ví dụ, việc sở hữu các giếng nước duy nhất còn lại sẽ không được cho phép theo các điều khoản này.

Tuy nhiên, Nozick tái diễn giải các điều kiện để chỉ ra rằng nếu việc chiếm hữu đầu tiên không làm cho bất cứ ai tồi tệ hơn so với sự sử dụng các nguồn lực trước đó, thì đó là một sự chiếm hữu công bằng. Nghĩa là, theo giải thích của Nozick về điều kiện, thì hoàn cảnh của người khác sau việc chiếm hữu sẽ không tồi tệ hơn hoàn cảnh của họ khi tài sản không được chiếm hữu.

Sự giải thích thay thế này cho điều kiện của Locke chỉ để lại một sự giới hạn rất hạn chế đối với việc tích lũy tài sản. Do đó, dường như ngay cả với điều kiện sửa đổi của Locke đã bổ sung một số điều kiện đối với việc chiếm hữu các nguồn lực, thì lý thuyết quyền Nozick vẫn sẽ cho phép sự bất bình đẳng rất lớn trong một xã hội tự do.

(Còn nữa)

Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Robert Nozick: Political Philosophy 

Nguồn dịch: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó

Dịch giả:
Minh Anh

Tác giả liên quan