Tiền mã hoá là vàng của kẻ ngu?

Tiền mã hoá là vàng của kẻ ngu?

Giá của Bitcoin tăng 600% sau 12 tháng và 1600% trong vòng 24 tháng. Nhưng lịch sử lâu dài của tiền tệ nói với chúng ta rằng với mọi cải tiến mà khu vực tư nhân tạo ra, nhà nước sớm muộn cũng sẽ điều tiết và chiếm đoạt - và không có lí do nào để kì vọng tiền điện tử có thể tránh được số phận tương tự.

Phải chăng tiền mã hóa Bitcoin là bong bóng lớn nhất trên thế giới hiện nay, hay là một khoản đầu tư lớn đặt cược vào công nghệ tài chính thời thượng? Theo dự đoán của tôi, trong dài hạn, công nghệ sẽ phát triển mạnh, nhưng giá của Bitcoin sẽ lao dốc.

Với những ai chưa từng theo dõi câu chuyện của Bitcoin, giá của nó đã tăng 600% sau 12 tháng và 1600% trong vòng 24 tháng. Với mức giá 4200 đô la (vào 5/10/2017), một đơn vị Bitcoin đáng giá gấp 3 lần một Ounce vàng. Vài người ủng hộ cho rằng nó sẽ còn tăng hơn nhiều trong vài năm tới.

Những điều sẽ xảy ra phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của các chính phủ. Liệu chính phủ sẽ khoan dung cho các hệ thống thanh toán ẩn danh vốn tạo điều kiện cho trốn thuế và tội phạm? Liệu họ có tạo ra những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình? Một câu hỏi quan trọng khác là liệu các đồng tiền thay thế (altcoin) cạnh tranh với bitcoin sẽ thành công như thế nào khi chúng gia nhập thị trường?

[Xem video "PS. Explain This: A Bitcoin Bubble?" tại đây]

Về nguyên lý, việc sao chép hay cải tiến công nghệ của Bitcoin là cực kì dễ dàng. Cái khó là nhân bản vị thế dẫn đầu của Bitcoin về uy tín và hệ sinh thái rộng lớn các ứng dụng đã được xây dựng xung quanh nó.

Cho đến nay, môi trường pháp lý vẫn là một cuộc đấu loạn. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc trước lo ngại về việc sử dụng Bitcoin để tháo chạy vốn hoặc trốn thuế đã cấm giao dịch Bitcoin. Ngược lại, Nhật Bản đã coi Bitcoin như tiền pháp định, trong một nỗ lực rõ ràng để trở thành trung tâm tài chính toàn cầu về Fintech.

Hoa Kì đang đi những bước thận trọng để theo sát Nhật Bản trong việc quy định chế tài cho Fintech, dù cho kết cục thì còn lâu mới ngã ngũ. Quan trọng là, Bitcoin không cần phải thắng trong mọi mặt trận để chứng tỏ mức giá cao ngất trời. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, có một tỷ lệ tiền tệ trên thu nhập cực cao (khoảng 20%), nên sự thành công của Bitcoin ở đó là một thắng lợi lớn.

Tại Thung lũng Silicon, các tay quản lý thèm khát đang vừa đầu tư vào Bitcoin, vừa đổ tiền vào những đối thủ cạnh tranh khác. Sau Bitcoin thì Ethereum là quan trọng nhất. Tham vọng lớn của Ethereum, giống như Amazon, là cho phép người dùng sử dụng công nghệ chung để đàm phán và ký “hợp đồng thông minh” cho bất kỳ điều gì.

Đến đầu tháng 10/2017, vốn hóa thị trường của Ethereum là 28 tỷ Đô la, so với mức 72 tỷ Đô la của Bitcoin. Ripple là một nền tảng được ủng bộ bởi hệ thống ngân hàng để cắt giảm chi phí giao dịch cho các giao dịch liên ngân hàng và xuyên biên giới. Đồng tiền này đứng thứ 3 với 9 tỷ Đô la vốn hóa thị trường. Xếp sau đó là hàng chục các đối thủ còn non trẻ khác.

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng công nghệ đằng sau các loại tiền điện tử có các ứng dụng rộng rãi cho an ninh mạng, điều hiện là thách thức lớn nhất đối với sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Đối với nhiều nhà phát triển, mục tiêu đạt được cơ chế thanh toán rẻ hơn, an toàn hơn đã thế chỗ cho tham vọng thay thế đồng Đô la của Bitcoin.

Nhưng cũng thật ngu ngốc nếu nghĩ rằng Bitcoin sẽ được phép thay thế cho đồng tiền được ngân hàng trung ương phát hành. Dù các chính phủ cho phép một lượng nhỏ giao dịch ẩn danh với các loại tiền điện tử, mà thực ra người ta có thể còn mong mỏi điều này, nhưng việc cho phép các khoản thanh toán ẩn danh với quy mô lớn lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Điều đó sẽ gây khó khăn cho thu thuế và phòng chống tội phạm. Dĩ nhiên, như được viết trong cuốn The Curse of Cash (Lời nguyền của tiền mặt - ND) về tiền tệ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, việc các chính phủ phát hành tiền với mệnh giá cao cũng gây nguy cơ có thể trợ giúp cho trốn thuế và tội phạm, nhưng ít nhất một khối lượng lớn tiền mặt cũng phải chất thành đống, không giống như tiền điện tử.

Thật thú vị khi xem xét thử nghiệm của Nhật Bản sẽ phát triển như thế nào. Chính phủ Nhật Bản đã buộc các sàn giao dịch Bitcoin phải cảnh giác với các hoạt động tội phạm và thu thập thông tin của người giữ tiền. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng những kẻ trốn thuế trên toàn cầu sẽ tìm cách mua Bitcoin ẩn danh ở nước ngoài và sau đó rửa tiền của họ thông qua các tài khoản Nhật Bản. Việc mang theo tiền giấy ở trong và ngoài một quốc gia là một chi phí lớn với những kẻ trốn thuế và tội phạm, nên bằng việc sử dụng tiền điện tử, Nhật Bản chấp nhận rủi ro trở thành thiên đường thuế giống như Thụy Sĩ khi luật bảo mật ngân hàng được gắn chặt với công nghệ.

Nếu không nhờ vào thuộc tính gần như ẩn danh, thì thật khó mà giải thích cho mức giá hiện tại của Bitcoin. Có lẽ các nhà đầu cơ Bitcoin đang đánh cược vào việc sẽ luôn có một nhóm các quốc gia bất hảo cho phép sử dụng Bitcoin ẩn danh, hoặc thậm chí các tổ chức nhà nước như Triều Tiên sẽ khai thác nó.

Liệu giá của Bitcoin có giảm về 0 nếu các chính phủ có thể quan sát một cách hoàn hảo các giao dịch? Có lẽ là không. Mặc dù các giao dịch Bitcoin đòi hỏi một lượng điện cực lớn, với một vài các cải tiến, thì chi phí giao dịch Bitcoin vẫn đánh bại mức phí 2% của các ngân hàng lớn áp trên thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Cuối cùng, thật khó để thấy điều gì sẽ ngăn được các ngân hàng trung ương tạo ra các loại tiền điện tử của riêng họ và sử dụng các quy định để xoay chuyển cuộc chơi đến khi họ giành chiến thắng. Lịch sử lâu dài của tiền tệ nói với chúng ta rằng với mọi cải tiến mà khu vực tư nhân tạo ra, nhà nước sớm muộn cũng sẽ điều tiết và chiếm đoạt. Tôi không biết giá Bitcoin sẽ đi về đâu trong vài năm tới, nhưng không có lý do gì để hi vọng tiền điện tử có thể tránh được số phận tương tự.

*Kenneth Rogoff: Giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Harvard; nhận giải thưởng Ngân hàng Đức Deutsche Bank năm 2011 về Kinh tế Tài chính; Kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế từ năm 2001 đến 2003. Ông là đồng tác giả của cuốn sách This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly (Thời thế đã khác: Tám thế kỉ dại dột trong tài chính - ND) và là tác giả của The Curse of Cash (Lời nguyền của tiền mặt - ND).

Nguồn: Kenneth Rogoff, Crypto – Fool’s Gold?, Project Syndicate, 9/10/2017

Dịch giả:
Nguyễn Đức Kiên
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh