Tại sao khi dùng điện thoại, chúng ta nên cảm ơn hai kinh tế gia đoạt giải Nobel?

Tại sao khi dùng điện thoại, chúng ta nên cảm ơn hai kinh tế gia đoạt giải Nobel?

Hai nhà kinh tế Paul Milgrom và Richard Wilson đã đoạt giải vì đã phát minh ra các cuộc đấu giá phổ tần số sóng điện từ.  

Vào thứ Hai, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel của Khoa học Kinh tế cho hai nhà kinh tế học người Mỹ tại Đại học Stanford là GS. Robert B. Wilson, 83 tuổi và GS. Paul R. Milgrom, 72 tuổi, cùng với tuyên bố: “[giải thưởng] dành cho sự cải thiện lý thuyết đấu giá và phát minh ra các hình thức đấu giá mới”.

Các thị trường đấu giá bao gồm từ việc bán các mặt hàng trên eBay đến việc bán các tài sản hàng tỷ đô la như giấy phép sử dụng sóng vô tuyến và phổ điện từ của Ủy ban Truyền thông Liên bang (UBTTLB). Các giáo sư Wilson và Milgrom đã thực hiện phần lớn các nghiên cứu lý thuyết về đấu giá từ những năm 1960 cho đến những năm 1980. Vào đầu những năm 1990, UBTTLB đã quyết định bán chứ không tặng phổ tần số đáng giá nữa. Một nhà kinh tế học của UBTTLB tên là Evan Kwerel đã làm việc với hai giáo sư Wilson và Milgrom để nhờ thiết kế một cuộc đấu giá cho cả giấy phép sử dụng và phổ tần.

Trong tài liệu kỹ thuật giải thích về giải thưởng, Hội đồng trao giải Nobel chỉ ra một vấn đề lớn khi sử dụng thuế để tài trợ các chương trình của chính phủ là ảnh hưởng bóp méo của thuế. Về vấn đề này, các nhà kinh tế học hay sử dụng thuật ngữ gọi là "sự mất không" tức là một khoản lỗ chung, mất toi mà không ai được bù đắp. Các nhà kinh tế đã ước tính rằng việc tăng 1 đô la tiền thuế không chỉ khiến xã hội mất 1 đô la mà sẽ mất từ 1,17 đến 1,56 đô la. Khoản tiền 17 đến 56 cent chính là khoản mất không. Hội đồng Nobel chỉ ra rằng chính phủ liên bang đã tránh phải tăng thuế nhờ cách bán đấu giá các tài sản điện từ quan trọng.  

Tuy vậy, cách đấu giá lý tưởng nhất không phải là tối đa hoá doanh thu của chính phủ. Cách tối đa hoá doanh thu đấu giá chính là để UBTTLB kinh doanh độc quyền trên thị trường phổ tần số. Song cái lợi nhất của đấu giá chính là khả năng phân bổ phổ tần số đến tay những người dùng hiệu quả nhất. Như cựu kinh tế trưởng của UBTTLB, ông Thomas Hazlett, hiện đang làm việc tại Đại học Clemson, và đồng tác giả là ông Roberto E. Muñoz của Đại học Técnica Federico Santa María đã chỉ ra, lợi ích từ việc phân bổ nguồn lực hiệu quả sẽ vượt trội so với lợi ích từ doanh thu của chính phủ. Ví dụ, cuộc đấu giá phổ tần số sóng điện từ năm 2017 đã chuyển hướng sử dụng phổ tần số từ các công ty truyền hình không dây sang các công ty điện thoại di động. Do đó, nếu bạn đang đọc nội dung này trên điện thoại di động, bạn nên cảm ơn hai giáo sư Milgrom và Wilson nhé.

GS. Ronald Coase, người đoạt giải Nobel năm 1991, cũng đã ủng hộ việc bán đấu giá phổ tần số sóng điện từ trong một bài báo từ năm 1959. Nhưng chính phủ thường thích cơ chế phân bổ [đối với các tài sản chung của quốc gia] hơn vì nó giúp cho họ trở nên quan trọng và mang lại quyền lực cho các quan chức. Một trong số những lợi ích ít ỏi của việc thâm hụt lớn ngân sách liên bang trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 là chính phủ liên bang bắt đầu tìm cách huy động nhiều tiền hơn. Và đấu giá là một trong những giải pháp đó.

Nhưng phải làm gì đây nếu một số chủ sở hữu giấy phép sử dụng phổ tần số cố tình găm giữ phổ tần để không ai được sử dụng hiệu quả hơn họ? UBTTLB đã yêu cầu GS. Milgrom và một nhóm các nhà kinh tế thiết kế một cuộc đấu giá để khiến các đài truyền hình không dây tự nguyện nhượng lại quyền sử dụng phổ tần số của họ. Sau đó UBTTLB đã bán lại quyền sử dụng đó. Phi vụ này mang lại lợi nhuận 9,7 tỷ đô la cho chính phủ liên bang. Lợi ích cho người tiêu dùng thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Hai nhà kinh tế đoạt giải sẽ chia nhau 10 triệu kronor Thụy Điển, tương đương khoảng 1,1 triệu đô la theo tỷ giá hối đoái hiện nay. Nhưng như nhà kinh tế học Alex Tabarrok của Đại học George Mason bình luận trên blog Marginal Revolution: “Số tiền đó không có nhiều ý nghĩa đối với hai người thắng giải, bởi họ đã kiếm được bộn tiền nhờ tư vấn cho các công ty về cách đặt giá trong các cuộc đấu giá do chính họ thiết kế”. GS. Milgrom quảng cáo rằng công ty của ông đã tiết kiệm cho công ty Comcast và tập đoàn của nó là SpectrumCo, gần 1,2 tỷ đô la. Đây có thể là một xung đột lợi ích tiềm ẩn.

Tuy nhiên, cuộc đấu giá mà Gs. Milgrom đã thiết kế vẫn tốt hơn so với một giải pháp thay thế khác do nhà kinh tế học Glen Weyl của Microsoft đề xuất. Trong một bài phê bình gần đây về vai trò của ông Milgrom trong các cuộc đấu giá của UBTTLB, ông Weyl lập luận rằng cách tốt hơn để phân bổ phổ điện từ "cũng tương tự như cách mà các khu vực đô thị giải quyết “vấn đề chồng chéo phức tạp” thông qua các quy tắc phân vùng để tránh tình trạng một toà nhà có thể chặn tầm nhìn của các toà nhà khác.

Ông Weyl thừa nhận, một phương pháp như vậy sẽ “liên quan tới một mạng lưới phức tạp và lộn xộn các chủ thể tham gia một cách bình đẳng trong quá trình phân vùng, các tranh chấp pháp lý với các trách nhiệm được tòa án phân xử và các mô hình bán-thị trường hoạt động ngầm dưới những ràng buộc pháp lý này”. Tuy thế, ông Weyl đã không chỉ ra rằng phương pháp của ông chẳng có khả năng thực sự để phân bổ nguồn lực tới nơi sử dụng tốt nhất. Và rất nhiều giá trị sẽ tan biến trong quá trình phân vùng đầy khó khăn và nhộn nhạo. Tôi đã mời ông Weyl đến California, nơi các nhà phát triển đô thị phải đối phó với “mạng lưới phức tạp và lộn xộn” này gần như hàng ngày. Kết quả là: có rất ít nhà ở được xây dựng mới, và những người có thu nhập trung bình không thể nào mua được nhà vì giá cao.

Giải Nobel đôi khi được trao cho những đóng góp thú vị về mặt kỹ thuật nhưng không có nhiều giá trị kinh tế. Tôi đã trình bày quan điểm vào năm ngoái rằng giải thưởng năm 2019 cho công trình nghiên cứu về nghèo đói thuộc vào hạng mục như vậy. Tuy nhiên, giải thưởng năm nay đã trực tiếp mang lại lợi ích to lớn cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và cả lợi ích gián tiếp cho những người đóng thuế.

Nguồn: Henderson, Thank These Nobel Laureates for Your Cellphone, Wall Street Journal, 2/20/2020

Dịch giả:
Nguyễn Văn Thịnh