[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 2)

[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 2)

NHO GIÁO

Nho giáo ở bên Tàu truyền qua nước Nhật, vào khoảng Ứng Thần Thiên hoàng 応神天皇 [Oujin Tennou] năm thứ 16, chiếu theo Tây lịch, nhằm năm 285.

Ban đầu Nho giáo sang Nhật, xã hội Nhật chẳng hề bị xảy ra mảy may nhiễu loạn nào, không như lúc đầu của đạo Phật và đạo Gia Tô mới truyền bá, lòng người ngờ vực, mới cũ ganh nhau, đến đỗi đổ máu.

Tại sao?

Tại đạo Nho dạy những thuyết phần nhiều phù hợp với Thần đạo và tập tính của người Nhật.

Thiệt vậy, Thần đạo dạy người ta phải hiếu kính cha mẹ, thờ tưởng tổ tiên, phải trọng lễ nghĩa đạo đức, phải trung quân ái quốc… thì đạo Nho cũng vậy. Cho nên người Nhật đón rước đạo Nho một cách vui vẻ êm ái, để tô điểm thêm vẻ tốt đẹp cho nền văn hóa của họ.

Nguyên là đời Ứng Thần Thiên hoàng, có mấy vị sứ thần của nước Bách Tế (tức Cao Ly bây giờ) qua Nhật Bản, đem theo Ngũ kinh Tứ thư dạy cho người Nhật, đạo Nho truyền qua từ đó. Lần hồi nhà vua mở trường đại học ở kinh sư, và truyền lệnh mỗi nước chư hầu lập một quốc học, đặt ra những chức bác sĩ, trợ giáo để dạy Nho học cho dân. Nhờ vậy mà sức truyền bá của đạo Nho càng ngày càng thịnh.

Có một lúc Nho học ở Nhật đã suy vi, nhưng đến đầu thế kỷ XIII (theo Tây lịch) nhờ có mấy ông thầy chùa đem học thuyết Tống Nho truyền qua Nhật, bấy giờ Nho học ở Nhật lại bắt đầu phấn chấn. Nhờ họ Đức Xuyên lên làm tướng quân, thống nhất trong nước, là người trọng Nho, thành ra văn học và Nho giáo trở nên có thế lực.

Ở bên Tàu, khoảng giữa đời nhà Tùy, nhà Đường, Phật giáo thịnh hành quá, gần muốn làm tiêu Nho giáo. Sau nhờ Tống nho cứu vớt lại. Trong Tống Nho, lãnh tụ là Chu Tử (1130-1200), khéo lấy tinh thần của Phật giáo mà thay lông đổi cốt, xướng lên những thuyết lý khí tâm tính, khiến cho Nho giáo sắp nguy lại quật lên có thế lực. Thuở Hán Đường, nhà nho hay câu nệ với những câu nói của thánh nhân, thành ra Nho học thiếu mất khí sống; đến nhà nho đời Tống không vậy, cốt lấy tinh thần mà giải thích đạo Nho, nói rằng tấc lòng của thánh nhân mình không cần phải dò kiếm ở mấy ngàn năm trước làm gì; trái lại, chỉ nên dò kiếm ở ngay trong tim, trong óc mình là thấy. Nhờ Tống Nho phát minh cái thuyết tính lý như thế mà Nho giáo lại có hoạt khí, và Nhật Bản hoan nghênh Tống học là hoan nghênh thứ Tống học đó.

Học phái Chu Tử đẻ ra ở Nhật Bản có nhiều tay đại nho, có công to với nền giáo dục trong nước.

Song cũng có phái Cổ học nổi lên, chê Tống học xen lộn thuyết Phật vô, làm sái mất cái chân nghĩa của Khổng Tử đi, cho nên họ muốn tìm suốt đến nguồn Khổng giáo, để giữ hệ thống chính quyền. Phái này cũng nảy ra lắm bậc danh nho bác học.

Rồi có học phái Chiết trung, nghĩa là ở giữa hai phái trên đây.

Đến lúc bên Tàu có Vương Dương Minh 王陽明 [Ouyoumei] (1472-1528) xướng lên thuyết lương tri 良知 [Ryouchi], chính người Tàu không biết quý chuộng hoan nghênh, mà nhà nho ở Nhật lại đón rước một cách vui mừng nô nức. Đại khái học thuyết Dương Minh lấy lương tri làm gốc, hễ lương tri (tức là lương tâm) của con người ta tìm tòi suy xét một việc gì mà biết nó là hay, là phải, thì cứ việc mạnh bạo thực hành, không ngần ngại gì cả. Chính là một học thuyết chuộng sự thực hành, đào luyện cho người ta giàu về tinh thần thực hành vậy.

Người hoan nghênh học thuyết Dương Minh đầu hết ở Nhật Bản là Trung Giang Đằng Thụ 中江藤樹 [Nakae Touju] một bậc cự phách trong Chu Tử học phái. Đến lúc tuổi già ông ta mới biết học thuyết Dương Minh là hay, tức thời bỏ học thuyết Chu Tử rồi ở Cận Giang 近江 [Oumi] dạy học trò, hết sức xướng lên thuyết Lương tri, nói rằng con người ta chỉ học suông thì vô vị lắm, học phải lo chính mình thực hành mới là có ích, vậy thì chỉ duy có cái đức lương tri là có thể biết rõ năng tính của mỗi người và có thể thấy rõ sự thực tại của cõi đời.

Đằng Thụ nổi tiếng là Cận Giang thánh nhân 近江聖人 [Oumi Seijin], lôi kéo được số khá đông sĩ phu biết bỏ Chu học là cái học chỉ chuộng lý tưởng mà quay về Dương Minh học là cái học ganh đua thực hành.

Lúc Nhật Bản rục rịch khai quốc duy tân, đám chí sĩ trong nước xôn xao hoạt động, muốn mưu ích lợi cho quốc gia mà rủ nhau ra sức hô hào mở mang văn minh mới, trong đó nhà nho chiếm số rất nhiều. Nhà nho hào kiệt có tiếng lớn công to với cuộc duy tân, như Hoành Tỉnh Tiểu Nam 横井小楠 [Yokoi Shonan] (1809-1869), Tá Cửu Gian Tượng Sơn 佐久間像山 [Sakuma Shouzan] (1811-1864), Cát Điền Tùng Âm, Tây Hương Long Thịnh… đều là người của phái Dương Minh. Phái này tuy có số ít, nhưng đẻ ra được anh hùng hào kiệt nhiều hơn. Trong khi phái nho Chu học bo bo cố chấp và xướng lên những thuyết “tỏa quốc nhương di” (khóa các cửa biển lại, chống cự người Tây phương ra vô) thì phái nho Dương Minh biết sự mở cửa đón Tây, duy tân tự cường là sự cần dùng cấp bách. Vậy cho biết cùng là Nho giáo mà biết lựa chọn học thuyết hay dở, nó quan hệ đến cuộc mất còn suy thịnh của một quốc gia dân tộc lắm thay! Thiệt, dân tộc Nhật Bản biết đón rước văn hóa học thuật phương Tây, không phải không nhờ có chỗ dưỡng dục sẵn sàng từ trước; chỗ đó Nho giáo chiếm một phần rất lớn, nhất là Nho giáo theo thuyết Dương minh.

Ta lại nên nhìn biết trong khoảng một ngàn mấy trăm năm, Nhật theo Nho giáo, là chỉ ham chuộng nghiên cứu những cái tinh ba triết lý của Khổng Tử, chớ không rước lấy những cặn bã là hư văn khoa cử của bọn nho Đường Tống bày ra. Đã vậy mà họ lại biết nhân Hán tự để chế tạo ra một thứ văn tự riêng của mình, không chịu làm nô lệ Nho học Hán văn một cách tuyệt đối như các đệ tử khác. Đó là hai cái đặc sắc học Nho của họ, mà chính hai cái đặc sắc ấy dự phần công lao rất lớn vô cuộc duy tân vậy.

Đến đời duy tân trở đi, Nho giáo bị học thuật Tây phương lật đổ, làm cho tiêu mòn, nhưng đó chẳng qua chỉ là hình thể Nho giáo mất đi mà thôi, chớ tinh thần Nho giáo thì người Nhật họ còn giữ mãi trong tâm não và sự giáo dục của họ, lấy cái tinh thần ấy để bù chế vào chỗ thái quá của văn minh vật chất Tây phương. Vả lại, Nho giáo là một dấu tích văn minh cổ thời của Đông phương, và chính Nhật Bản có chịu ảnh hưởng sâu xa, thành ra không khi nào họ bỏ tinh thần Nho giáo. Ta xem trong chương trình đại học của Nhật Bản, vẫn có một khoa Nho học Hán văn, và trong xã hội vẫn có những tay học vấn chuyên môn nghiên cứu và tuyên truyền những triết lý của Khổng Tử; mỗi năm ở văn miếu thờ Khổng Tử vẫn giữ lễ tế tự long trọng như thường. Họ ra sức chủ trương và dẫn nhiều chứng cớ bày tỏ ra rằng Nho giáo có lắm chỗ đi đôi với khoa học đời nay, mà không chống chọi nhau gì hết.

PHẬT GIÁO

Phật giáo truyền sang Nhật Bản vào khoảng thế kỷ VI Tây lịch, tự Cao Ly truyền của Trung Quốc rồi đem qua Nhật.

Các tôn giáo khởi lên ở Ấn Độ, đại khái đều gốc ở quan niệm quốc gia và nhân dân; duy có Phật giáo là một tôn giáo rộng cả thế giới, tự phát lên một vẻ mới lạ tốt đẹp, thành ra nó dễ tràn lan truyền bá ra đến nửa phần thiên hạ.

Phật giáo truyền bá ra hai ngả khác nhau. Một là phái Tiểu thừa 小乗 [Shoujou] hay Hīnayāna, người ta cũng gọi là Nam tông 南宗 [Nanshuu], thịnh hành ở các xứ Tích Lan và Miến Điện. Một là phái Đại thừa 大乗 [Daijou] hay Mahāyāna, người ta cũng gọi là Bắc tông 北宗 [Hokushuu], thịnh hành ở nước Tàu và Trung bộ châu Á. Đại khái hai phái hơi khác nhau về chỗ tin tưởng niết bàn (nirvãna); Nam tông chủ trương rằng người ta có thể tới niết bàn do nơi công phu tu luyện và ý chí tự do của mình; nhưng Bắc tông chủ trương phải nhờ có sức thiêng liêng cứu độ giải thoát nhiều hơn là nhờ ý chí tự do.

Chính Phật giáo Đại thừa đó Cao Ly đem sang Nhật Bản hồi thế kỷ VI. Lúc mới truyền qua, Phật giáo bị Thần đạo chống chọi công kích dữ lắm. Nhưng sau những nhà thâu truyền Phật giáo khéo thay đổi một chút cho thích hợp và không động chạm tới lòng tín ngưỡng Thần đạo của người Nhật, bấy giờ Phật giáo mới thịnh hành truyền bá ở dân gian Nhật Bản.

Nhất là từ thế kỷ thứ IX trở đi, Phật giáo có ảnh hưởng sâu xa đến văn hóa Nhật Bản đủ các phương diện. Tư tưởng triết lý, chính trị, giáo dục, mỹ thuật, công nghệ, kiến trúc, công cuộc xã hội từ thiện… nhờ sức cảm hóa và sức thâu thập của Phật giáo mà mở mang tấn tới lạ thường.

Cho đến văn học thi ca cũng vậy. Thứ chữ riêng của Nhật Bản gọi là Phiến giả 仮名 [Kana], gồm có 50 âm, lấy gốc ở văn pháp của chữ Phạn; còn chữ mới là Bình giả 平仮 [Hiragana], sự sắp đặt có ngụ giáo lý của Phật giáo mà làm thành ra ca dao, tục ngữ, kịch bản, thi văn. Tóm lại, gọi là tinh túy của cổ văn học Nhật Bản đều nhờ đạo Phật cảm hóa mà ra.

Từ thế kỷ IX cho tới trước ngày duy tân 1868, Phật giáo rất có thế lực, hầu như quốc giáo của Nhật Bản; rồi sau đó Phật giáo mới tách riêng quốc gia và trở nên một Tôn giáo tự do quan hệ nhất ở xã hội Nhật Bản đến nay.

Phật giáo ngay từ khi mới vô nước Nhật trở đi, đã chia ra nhiều tôn phái, nhưng tôn phái nào cũng đóng góp vô cuộc xây dựng văn hóa tốt đẹp rất nhiều, và không nhiễm phải những cái lưu độc của bọn háo sự bày đặt ra như các nơi khác. Cũng như đón rước Nho giáo, người Nhật đón rước Phật giáo cũng chỉ cầu lấy cái chân tinh thần làm gốc, chính cái chân tinh thần đó phát huy ra văn hóa rực rỡ cho họ. Văn học bác sĩ Cao Nam Thuận Thứ Lang 高楠順次郎 [Takakusu Junjirou] đã nói không sai:

“Phật giáo qua Nhật không bao lâu mà phổ biến cả trên dưới, ai nấy đều hâm mộ quy hướng. Chẳng những Phật giáo cảm hóa đạo đức người Nhật mà thôi, lại có vang bóng rất sâu xa tới mọi việc chính trị, giáo dục, văn học, công nghệ, mỹ thuật. Tóm lại, nền văn hóa xưa của nước Nhật, do Phật giáo vun đắp mở mang cho phần nhiều.

Có một điều nên nói cho rõ, Phật giáo ở các nước trên đại lục kia, người ta đều quên sót cái tinh thần khởi nguyên của nó, chỉ vồ vập lấy những nọc đọc mối tệ là nhiều. Duy có Nhật Bản có cái tính riêng, đối với văn vật xứ ngoài truyền vào, biết lựa chọn tinh hoa, thảy bỏ cặn bã, rồi nhồi nắn lại, cho vừa hợp với quốc tình của mình. Thì tinh thần của Phật, gặp được sự lựa chọn nhồi nắn đó, mà nảy được chân tướng ra. Cho nên Phật giáo của Nhật không phải là Phật giáo của Ấn độ, cũng không như Phật giáo của các nước Trung Quốc, Miến điện, Xiêm La, Việt Nam. Các xứ này đều trúng độc, duy có Nhật là giữ được tinh thần khởi nguyên của Phật mà thôi”.

Nguồn: Đào Trinh Nhất (2012[1937]). Nhật Bản duy tân 30 năm. NXB Lao Động-Xã Hội.

Tác giả liên quan