[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chương 2: Chính sách kinh tế tự do (Phần 1)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chương 2: Chính sách kinh tế tự do (Phần 1)

Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Economic Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929.

- Thị trường Tự do Academy

1. Tổ chức kinh tế

Có thể phân biệt năm hệ thống tổ chức hợp tác giữa người với người trong xã hội đặt căn bản trên sự phân công lao động: hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, mà đến một giai đoạn phát triển nào đó ta gọi là chủ nghĩa tư bản; hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nhưng tài sản định kì lại bị tịch thu để đem phân phối lại; hệ thống theo chủ nghĩa công đoàn (syndicalism); hệ thống sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, được gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, và cuối cùng là hệ thống của chủ nghĩa can thiệp.

Lịch sử của quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất trùng hợp với lịch sử phát triển của nhân loại từ tình trạng bán khai, ăn lông ở lỗ, đến những tầm cao nhất của nền văn minh hiện đại. Những người phản đối sở hữu tư nhân đã mất rất nhiều tâm trí để chứng minh rằng trong thời nguyên thủy thể chế sở hữu tư nhân chưa đạt tới hình thức hoàn thiện vì một phần đất canh tác vẫn thường xuyên được mang ra chia lại. Từ luận điểm cho rằng sở hữu tư nhân chỉ là "phạm trù mang tính lịch sử", họ cố gắng rút ra kết luận rằng một lúc nào đó có thể không cần đến nó nữa. Sai lầm về mặt logic trong lập luận này rõ ràng đến nỗi chẳng cần phải thảo luận thêm. Sự hợp tác mang tính xã hội trong thời thượng cổ có thể tồn tại được ngay cả khi chưa có hệ thống sở hữu tư nhân hoàn bị chẳng cho ta một chút chứng cớ nào chứng tỏ rằng ở những giai đoạn phát triển cao nhất xã hội cũng không cần sở hữu tư nhân. Nếu lịch sử có thể chứng minh được một điều gì đó liên quan tới vấn đề này thì đấy chính là chưa ở đâu và chưa bao giờ có một dân tộc có thể thoát khỏi cảnh cơ cực và thiếu thốn chẳng khác gì súc vật mà lại không cần đến sở hữu tư nhân.

Những người phản đối hệ thống quyền sở hữu tư nhân phương tiện sản xuất thời kì đầu không tấn công thể chế sở hữu tư nhân mà chỉ tấn công sự bất bình đẳng trong việc phân phối thu nhập mà thôi. Họ đề nghị loại bỏ sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản bằng cách định kì phân phối lại toàn bộ hàng hóa, hoặc chí ít là phân chi lại ruộng đất, tức là phân chia lại yếu tố sản xuất duy nhất lúc đó. Trong những nước lạc hậu về mặt công nghệ, nơi mà sản xuất nông nghiệp thô sơ giữ vai trò chủ yếu, ý tưởng về việc phân chia một cách bình đẳng tài sản như thế vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Người ta thường gọi đấy là chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, mặc dù gọi như thế là hoàn toàn không đúng vì chẳng có gì chung với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Bolshevik ở Nga, bắt đầu là cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng đã không xây dựng được chủ nghĩa xã hội trong sản xuất nông nghiệp - tức là sở hữu tập thể đối với ruộng đất - mà là xây dựng chủ nghĩa xã hội nông nghiệp. Trên những khu vực rộng lớn trong phần còn lại của Đông Âu, việc chia những điền trang rộng lớn cho những trại nhỏ, gọi là cải cách ruộng đất, là lí tưởng được nhiều đảng chính trị có ảnh hưởng ủng hộ.

Chẳng cần phải mất thì giờ thảo luận thêm về hệ thống này. Chắc chắn năng suất lao động sẽ giảm, điều này thì khó mà phản đối được. Chỉ có những nơi vẫn còn canh tác bằng những phương pháp cổ sơ nhất thì người ta mới không nhận ra sự sụt giảm năng suất lao động sau khi chia ruộng. Ai cũng biết rằng việc chia nhỏ trang trại sản xuất sữa được trang bị máy móc hiện đại là việc làm cực kì vô lí. Còn đưa nguyên tắc chia nhỏ này vào công nghiệp và các công ty thương mại là chuyện hoàn toàn không thể tưởng tượng. Đường sắt, máy cán thép, nhà máy sản xuất máy công cụ là những thứ không thể nào đem chia. Người ta chỉ có thể định kì phân chia lại tài sản nếu trước đó người ta đã đập tan nền kinh tế đặt căn bản trên sự phân công lao động và thị trường tự do, và trở về với nền kinh tế trang trại tự cấp tự túc, mà dù gần nhau nhưng không trao đổi với nhau.

Tư tưởng của chủ nghĩa công đoàn chính là nỗ lực nhằm đưa lí tưởng phân chia đồng đều tài sản vào thời công nghiệp lớn hiện đại. Chủ nghĩa công đoàn không tìm cách giao tài sản vào tay tư nhân hãy xã hội mà giao cho các công nhân đang làm trong từng lĩnh vực hoặc từng ngành công nghiệp

Vì tỉ lệ kết hợp giữa nhân tố vật chất và nhân tố con người trong mỗi lĩnh vực sản xuất là khác nhau nên không thể chia đều tài sản theo cách đó. Nếu đem chia thì ngay từ đầu người công nhân trong một số ngành nghề sẽ nhận được nhiều hơn công nhân ở những ngành khác. Người ta buộc phải nghĩ tới những khó khăn chắc chắn sẽ xuất hiện vì phải thường xuyên chuyển vốn và lao động từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác. Liệu có thể rút vốn từ ngành công nghiệp này để trang bị cho ngành công nghiệp khác hay không? Liệu có thể đưa người công nhân từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác, sang nơi cần ít vốn đầu tư cho một chỗ làm hay không? Việc luân chuyển như thế là bất khả, cho nên cộng đồng thịnh vượng chung của chủ nghĩa công đoàn là sự lố bịch hoàn toàn, và hình thức tổ chức xã hội như thế là bất khả thi. Nhưng nếu chúng ta cho rằng bên cạnh các cá nhân, họ còn có chính quyền trung ương có nhiệm vụ thực hiện những sự luân chuyển như thế thì đấy không còn là chủ nghĩa công đoàn nữa mà là chủ nghĩa xã hội.

Trên thực tế, chủ nghĩa công đoàn là một lí tưởng xã hội ngớ ngẩn đến mức chỉ có những kẻ đần độn chẳng hề suy nghĩ mới có thể đứng ra biện hộ cho nó.

Chủ nghĩa xã hội hay là chủ nghĩa cộng sản là tổ chức xã hội, trong đó quyền sở hữu - tức quyền sử dụng tất cả các tư liệu sản xuất - được trao vào tay xã hội, nghĩa là trao vào tay nhà nước toàn trị. Để đánh giá một xã hội có phải là xã hội chủ nghĩa hay không thì vấn đề không phải là lợi tức xã hội được chia đều cho mọi người hay được chia theo bất cứ nguyên tắc nào khác. Cũng chẳng có ý nghĩa gì khi phân biệt việc chủ nghĩa xã hội xuất hiện bằng cách chuyển quyền sở hữu tất cả các tư liệu sản xuất vào tay nhà nước, tức là vào tay bộ máy cưỡng bức và đàn áp, hay dưới hình thức các chủ sở hữu tiếp tục giữ các tài sản đó, và việc xã hội hóa được thực hiện bằng cách tất cả những "người chủ" phải sử dụng những phương tiện nằm trong tay họ theo những quy định của nhà nước. Nếu nhà nước quy định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai, với giá bao nhiêu, thì sở hữu tư nhân chỉ còn là tên gọi; trên thực tế, toàn bộ tài sản đã được xã hội hóa vì động lực chính của hoạt động kinh tế không còn là hành vi tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nhân và các nhà tư sản nữa, mà là sự bắt buộc phải thực hiện những nhiệm vụ người ta giao cho và tuân theo những mệnh lệnh người ta ban hành.

Cuối cùng, cần phải nói về chủ nghĩa can thiệp. Theo ý kiến của nhiều người thì đây là biện pháp trung dung giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, là phương pháp tổ chức xã hội thứ ba: hệ thống sở hữu tư nhân được điều tiết, được kiểm soát và định hướng bằng những sắc lệnh của chính quyền (những hành động can thiệp).

Hệ thống phân chia lại tài sản theo định kì và hệ thống của chủ nghĩa công đoàn sẽ không được thảo luận ở đây. Hai hệ thống này nói chung không đáng để bàn luận. Không có ai, đấy là nói những người được coi là nghiêm túc, đứng ra bảo vệ những hệ thống này. Chúng ta chỉ cần quan tâm đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa tư bản.

2. Sở hữu tư nhân và những người phê phán nó

Cuộc sống của con người không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Trái đất không phải là thiên đường. Mặc dù đấy không phải là lỗi của các thể chế xã hội nhưng người ta lại có thói quen đổ trách nhiệm cho nó. Cơ sở của tất cả các nền văn minh, kể cả nền văn minh của chúng ta, là sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Vì vậy mà bất cứ người nào muốn chỉ trích nền văn minh hiện đại cũng đều bắt đầu bằng việc chỉ trích sở hữu tư nhân. Người phê phán có thể lên án hệ thống này gây ra tất cả những gì làm anh ta không vừa ý, ngay cả những cái xấu xa bắt nguồn từ việc sở hữu tư nhân bị ngăn trở về nhiều mặt khiến cho tiềm năng phục vụ xã hội của nó không thể phát huy một cách trọn ven.

Phương pháp mà những người phê phán hay dùng là nói rằng mọi thứ sẽ tuyệt vời đến mức nào nếu anh ta được làm theo cách của mình. Trong những giấc mơ của mình, anh ta thường giết chết những ý tưởng đối lập với ý tưởng của anh ta, bằng cách đưa anh ta hay là một người nào đó có ý tưởng giống hệt anh ta lên địa vị chủ nhân tuyệt đối của thế giới. Bất cứ người nào thuyết pháp về quyền lực của kẻ mạnh cũng đều tự coi mình là kẻ mạnh. Kẻ ủng hộ chế độ nô lệ thì không bao giờ hình dung mình cũng có thể rơi vào tình trạng nô lệ. Còn kẻ đòi hỏi hạn chế quyền tự do lương tâm thực ra chỉ hạn chế người khác chứ không hạn chế chính mình. Người ủng hộ chế độ chính trị đầu sỏ bao giờ cũng nghĩ rằng mình thuộc nhóm đầu sỏ, còn kẻ cảm thấy đê mê khi nghĩ đến chế độ chuyên chế hay độc tài thông thái thì trong những giấc mơ giữa ban ngày như thế, hắn sẽ chẳng cần khiêm tốn để không giao cho mình vai trò của kẻ chuyên chế hay nhà độc tài thông thái, hoặc chí ít thì cũng là một kẻ chuyên chế đứng trên một kẻ chuyên chế khác, nhà độc tài đứng trên một nhà độc tài khác. Chính vì không có ai muốn thấy mình ở địa vị của kẻ yếu hơn, của kẻ bị áp bức, của kẻ bị khuất phục, của kẻ bị trị, bị tước hết quyền lợi, cho nên trong chủ nghĩa toàn trị ai cũng chỉ muốn làm tổng chỉ huy hoặc là thầy dùi cho tổng chỉ huy. Đấy là cuộc đời duy nhất đáng sống trong những giấc mơ và trong trí tưởng tượng về chủ nghĩa toàn trị của họ.

Sách báo bài tư bản đã tạo ra khuôn mẫu cho trí tưởng tượng của những kẻ mộng mơ bằng cách đưa ra mâu thuẫn thường thấy giữa mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu năng suất. Trong suy nghĩ của họ, những chuyện diễn ra trong chủ nghĩa tư bản trái ngược với những điều, vốn dĩ là ước muốn của những người phê phán, sẽ được thực hiện trong chế độ xã hội chủ nghĩa lí tưởng. Tất cả những gì lệch khỏi hình ảnh lí tưởng này đều được coi là vô ích. Mục tiêu đạt được lợi nhuận lớn nhất của những cá nhân riêng lẻ, và mục tiêu năng suất lao động cao nhất của xã hội không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau, và đấy được coi là khuyết tật nghiêm trọng nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chỉ trong mấy năm gần đây người ta mới nhận thức được rằng trong phần lớn các trường hợp, xã hội xã hội chủ nghĩa cũng phải hành động chẳng khác gì các cá nhân riêng lẻ trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng ngay cả trong những trường hợp mà mâu thuẫn như thế quả thật là có thì ta cũng không thể giả định rằng xã hội chủ nghĩa chắc chắn sẽ luôn làm điều đúng, còn xã hội tư bản bao giờ cũng đáng phê phán nếu nó làm một điều gì đó khác đi. Khái niệm năng suất là một khái niệm có tính chủ quan và không thể là xuất phát điểm cho việc phê phán mang tính khách quan.

Như vậy, chẳng nên mất thì giờ với suy tưởng của những kẻ mộng-mơđộc-tài của chúng ta. Trong ảo mộng của hắn ta, mọi người đều nóng lòng, đều sẵn sàng thực hiện ngay lập tức và chính xác mệnh lệnh của hắn. Một câu hỏi đáng được đặt ra là sự việc sẽ hiện ra như thế nào trong một xã hội xã hội chủ nghĩa trên thực tế chứ không phải trong tưởng tượng. Giả định cho rằng việc phân phối một cách đồng đều tổng sản phẩm hàng năm của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cho tất cả các thành viên trong xã hội là đủ để đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho mỗi người, như những tính toán thống kê đơn giản thường chỉ ra, là một giả định hoàn toàn sai. Xã hội xã hội chủ nghĩa khó mà có thể gia tăng được mức sống của quảng đại quần chúng theo cách này. Hi vọng có một cuộc sống thịnh vượng, thậm chí giàu có cho tất cả mọi người chỉ có thể trở thành hiện thực nếu năng suất lao động trong chế độ xã hội chủ nghĩa cao hơn năng suất lao động trong chủ nghĩa tư bản, và hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tránh được những khoản chi tiêu lãng phí, không hiệu quả.

Về khả năng tránh được lãng phí, có người nghĩ đến việc bãi bỏ những chi phí liên quan đến việc tiêu thụ, cạnh tranh và quảng cáo sản phẩm. Rõ ràng là trong chủ nghĩa xã hội sẽ không còn những chi tiêu như thế. Nhưng không được quên rằng bộ máy phân phối xã hội chủ nghĩa cũng sẽ có chi phí không phải là nhỏ, thậm chí còn lớn hơn là bộ máy trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng vai trò của những chi phí như thế không phải là yếu tố quyết định trong việc thảo luận của chúng ta. Những người xã hội chủ nghĩa giả định, thậm chí coi là đương nhiên, rằng năng suất lao động trong chủ nghĩa xã hội ít nhất cũng bằng chủ nghĩa tư bản, và cố gắng chứng minh rằng năng suất lao động sẽ cao hơn. Nhưng giả định đầu tiên không thể là chuyện dĩ nhiên như những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội vẫn nghĩ. Số lượng sản phẩm được sản xuất trong xã hội tư bản không phải là độc lập với cách thức tổ chức quá trình sản xuất. Yếu tố then chốt ở đây là tại mỗi công đoạn trong từng lĩnh vực sản xuất, lợi ích của mỗi người tham gia vào đó đều phụ thuộc vào năng suất lao động của phần lao động cụ thể mà mình đóng góp. Mỗi người công nhân đều cố gắng hết sức vì tiền lương phụ thuộc vào kết quả lao động của anh ta, và mỗi doanh nhân đều cố gắng sản xuất với giá thành rẻ hơn, nghĩa là với chi phí về lao động và vốn thấp hơn người cạnh tranh với anh ta.

Chỉ nhờ những động cơ như thế mà chủ nghĩa tư bản mới có thể sản xuất được số lượng tài sản mà nó đang nắm trong tay. Phê phán hệ thống bán hàng của chủ nghĩa tư bản gây ra chi phí quá cao là quan điểm thiển cận. Những người phê phán chủ nghĩa tư bản là phung phí nguồn lực vì thấy trên những đường phố sầm uất có quá nhiều người bán đồ lót cạnh tranh với nhau, và thậm chí người bán thuốc lá còn nhiều hơn nữa, là những người không nhận thức được rằng việc tổ chức buôn bán như thế chỉ là kết quả của cơ chế sản xuất bảo đảm cho năng suất lao động cao nhất. Sản xuất đã đạt được tất cả những tiến bộ như thế vì bản chất của cơ chế này là liên tục tạo ra tiến bộ. Chỉ nhờ sự thực là tất cả các doanh nhân đều phải liên tục cạnh tranh, và liên tục bị đẩy ra khỏi thương trường không thương tiếc nếu họ không sản xuất một cách để đạt được lợi nhuận cao nhất mà các phương pháp sản xuất mới thường xuyên được cải tiến và hoàn thiện. Nếu động cơ đó không còn thì tiến bộ trong sản xuất cũng không còn, và người ta cũng không còn tiết kiệm chi phí. Cho nên câu hỏi sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nếu không còn quảng cáo là một câu hỏi hoàn toàn phi lí. Người ta nên hỏi sẽ sản xuất được bao nhiêu nếu không còn cạnh tranh. Câu trả lời chắc chắn đã rõ.

Tay làm hàm nhai, nghĩa là người ta chỉ có thể tiêu dùng những thứ mà mình làm ra. Đặc điểm căn bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa là nó tạo cho mỗi người động lực thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả nhất, và như vậy cũng có nghĩa là có năng suất lao động cao nhất. Trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, mối liên hiện trực tiếp giữa lao động của cá nhân với những món hàng và dịch vụ mà anh ta có thể được hưởng rõ ràng là không tồn tại. Động cơ lao động không nằm trong khả năng hưởng thụ thành quả lao động của anh ta mà là trong mệnh lệnh của các cơ quan giao việc và tinh thần trách nhiệm của chính anh ta. Việc chứng tỏ rằng cách tổ chức lao động như thế là bất khả thi sẽ được trình bày trong chương sau.

Hiện tượng thường xuyên bị người ta đem ra phê phán là trong hệ thống tư bản chủ nghĩa những người chủ sở hữu tư liệu sản xuất bao giờ cũng là những kẻ có đặc quyền đặc lợi. Họ có thể sống mà chẳng cần làm. Nếu xem xét chế độ xã hội từ quan điểm cá nhân chủ nghĩa thì ta phải công nhận rằng đây đúng là khiếm khuyết nghiêm trọng của chủ nghĩa tư bản. Tại sao người này lại có địa vị thuận lợi hơn người kia? Nhưng nếu ta không xem xét các sự vật từ quan điểm của một cá nhân mà từ quan điểm của toàn bộ trật tự xã hội, thì ta sẽ thấy rằng người nắm giữ tài sản sẽ chỉ giữ được địa vị của mình với điều kiện anh ta phải cung cấp những dịch vụ cực kì cần thiết đối với xã hội. Nhà tư sản chỉ có thể giữ được địa vị của mình với điều kiện là anh ta phải đưa những tư liệu sản xuất đó vào trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với xã hội. Nếu anh ta không làm được như thế - nếu anh ta đầu tư sai - anh ta sẽ bị lỗ, và nếu anh ta không kịp thời sửa chữa sai lầm thì chẳng bao lâu sau anh ta sẽ bị đẩy ra khỏi vị trí thuận lợi của mình. Anh ta sẽ không còn là nhà tư sản, những người khác, tức những người phù hợp hơn, sẽ chiếm được vị trí của anh ta. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, tư liệu sản xuất bao giờ cũng nằm trong tay những người phù hợp nhất, và dù muốn hay không họ cũng phải thường xuyên lo lắng nhằm sử dụng các phương tiện đó sao cho chúng có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác giả liên quan