[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 3: Các ràng buộc đạo đức và nhà nước (Hết chương 3)

[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 3: Các ràng buộc đạo đức và nhà nước (Hết chương 3)

NHỮNG RÀNG BUỘC ĐƯỢC ĐẶT RA TRÊN CƠ SỞ NÀO?

Những câu hỏi như vậy không (vẫn chưa?) tạo áp lực lên chúng ta như những vấn đề thực tế, nhưng chúng buộc chúng ta phải xem xét các vấn đề căn bản về nền tảng của các quan điểm đạo đức của chúng ta: thứ nhất, liệu quan điểm đạo đức của chúng ta có phải là quan điểm ràng buộc lề, hay đấy là một quan điểm cấu trúc thứ bậc phức tạp hơn; và thứ hai,  những ràng buộc về mặt đạo đức lên cách thức con người ứng xử với nhau hoặc bị người khác đối xử chính xác dựa trên những đặc tính nào của con người? Chúng ta cũng muốn hiểu tại sao những đặc tính này liên quan đến các ràng buộc. (Hơn nữa, có lẽ, chúng ta hy vọng rằng những đặc tính này không có ở động vật; hoặc nếu có thì cũng không cao cho lắm).  Dường như là các đặc tính của một người, thứ khiến những người khác bị chi phối trong cách đối xử với anh ta, bản thân chúng phải là những đặc tính có giá trị. Ngoài ra, làm thế nào chúng ta hiểu được tại sao những thứ rất có giá trị như vậy lại phát sinh từ chúng? (Giả định tự nhiên này đáng được xem xét kỹ lưỡng hơn nữa).

Về các đặc tính cá nhân quan trọng liên quan đến những ràng buộc về mặt đạo đức, ta có một số gợi ý truyền thống như sau: tri giác và tự nhận thức; duy lý (khả năng sử dụng các khái niệm trừu tượng, không bị giới hạn trong phạm vi gắn với những phản ứng với các kích thích trực tiếp); có ý chí tự do; là một chủ thể đạo đức có khả năng hướng dẫn hành động của mình theo các nguyên tắc đạo đức, và có khả năng  cùng nhau kiềm chế hành động; và có linh hồn. Chúng ta hãy bỏ qua những câu hỏi như nên hiểu chính xác những ý niệm này như thế nào, và liệu các đặc tính này có phải chỉ con người mới có, thay vào đó, chúng ta chỉ tìm kiếm mối liên kết giữa chúng với những ràng buộc đạo đức đối với người khác. Bỏ qua mục cuối cùng trong danh sách nêu trên, mỗi một đặc tính trong số chúng dường như không đủ để thiết lập nên mối liên kết cần thiết. Việc một sinh vật rất thông minh hoặc có tầm nhìn hoặc có chỉ số IQ cao hơn một ngưỡng nhất định, trên thực tế lại là lý do khiến chúng ta thiết lập cách thức đối xử riêng với sinh vật đó, tại sao vậy? Liệu những sinh vật thông minh hơn chúng ta có quyền không chịu bất kỳ hạn chế nào khi chúng tương tác với chúng ta? Hay, đâu là ý nghĩa của bất kỳ ngưỡng quan trọng nào? Nếu một sinh vật có khả năng tự chủ đưa ra lựa chọn giữa các lựa chọn khác nhau, thì liệu có lý do nào để nó làm như vậy? Những lựa chọn tự chủ, về bản chất, có tốt không? Nếu một sinh vật chỉ có thể đưa ra một lựa chọn tự chủ duy nhất một lần, ví dụ giữa những vị kem khác nhau trong một dịp cụ thể nào đó, và quên ngay sau đó, thì liệu có lý do chính đáng nào để lựa chọn không? Một sinh vật có thể đồng ý với các sinh vật khác về những hạn chế lên các hành động theo quy tắc, điều này cho thấy nó có thể tuân theo các giới hạn. Nhưng điều này không chỉ ra được đâu là những hạn chế mà nó nên tuân theo ("không kiêng dè việc giết nó"?), hoặc tại sao lại nên tuân theo bất kỳ hạn chế nào.

Cần phải có một biến trung gian M theo nghĩa (i) để có M thì từng đặc tính được liệt kê ở trên đều là cần thiết khi đứng riêng rẽ, và có lẽ là đủ khi chúng hội cùng nhau (chí ít chúng ta có thể nhận ra cần phải thêm những gì để đạt được M); và (ii) M có một mối liên kết rõ ràng và thuyết phục với các ràng buộc về mặt đạo đức lên hành vi của ai đó có M. Ngoài ra, với sự hiện diện của M, chúng ta sẽ được đặt vào vị trí có thể hiểu được tại sao người khác lại tập trung vào các đặc tính: tính duy lý, sự tự do ý chí, và chủ thể đạo đức. Sẽ dễ dàng hơn nếu các đặc tính này không chỉ là các điều kiện cần để có M, mà còn là các yếu tố cấu thành quan trọng của M hoặc là phương tiện quan trọng để đạt được M.

Nhưng có phải chúng ta đã không công bằng khi xem xét tính duy lý, sự tự do ý chí, và chủ thể đạo đức một cách riêng rẽ? Khi những đặc tính này được kết hợp với nhau, chẳng phải chúng không hợp thành một cái gì đó rõ ràng là có ý nghĩa: một sinh vật có thể đề ra các kế hoạch dài hạn cho cuộc sống của nó, có thể xem xét và quyết định dựa trên các nguyên tắc trừu tượng hoặc các suy xét mà nó đề ra cho bản thân, và do đó không chỉ đơn thuần phản ứng đối với các kích thích trực tiếp; một sinh vật có thể hạn chế hành động của chính nó cho phù hợp với một vài nguyên tắc nhất định hoặc phù hợp với hình dung của nó về một cuộc sống thích hợp cho chính nó và cho kẻ khác, và vân vân. Tuy nhiên, điều này vượt ra ngoài ba đặc tính đã liệt kê. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể phân biệt giữa một bên là việc lập kế hoạch dài hạn và quan niệm tổng quan về cuộc sống để định hướng chúng ta đưa ra những quyết định cụ thể, và bên kia là ba đặc tính làm nền tảng cho việc đưa ra các quyết định đó. Vì một sinh vật có thể sở hữu cả ba đặc tính này, song nó cũng tạo dựng cho mình một barie nào đó để ngăn cản nó hoạt động tuân theo quan niệm tổng quan về cuộc sống của nó và thứ mang lại ý nghĩa cho nó. Vì vậy, chúng ta hãy thêm một đặc tính bổ sung, một khả năng điều chỉnh và định hướng cuộc sống sao cho phù hợp với một quan niệm tổng quan nhất định mà nó lựa chọn và chấp nhận. Một quan niệm tổng quan như vậy, cùng với việc ý thức được rằng chúng ta sẽ hành động theo nó, là rất quan trọng để chúng ta đề ra các mục tiêu nhất định cho bản thân, và trở thành loại người nào. Hãy nghĩ xem chúng ta sẽ khác đi như thế nào (và cách đối xử chính đáng với chúng ta cũng sẽ khác đi) nếu tất cả chúng ta đều mắc chứng mất trí nhớ, mỗi buổi tối khi ngủ đi chúng ta sẽ quên hết những gì đã xảy ra trong ngày. Ngay cả khi trí nhớ của một người nào đó dừng lại vào ngày hôm trước và vô tình tiếp tục vào ngày hôm sau, và anh ta sống theo một quan niệm nhất quán tựa như một cá nhân có nhận thức đã lựa chọn, thì anh ta vẫn không thể sống cuộc đời của cá nhân có nhận thức ấy. Cuộc sống của anh ta sẽ song song với cuộc sống của người có nhận thức, nhưng nó sẽ không được hợp nhất theo cùng một con đường.

Khả năng bổ sung này có ý nghĩ đạo đức như thế nào trong việc tạo nên một bức tranh về đời sống tổng thể của một người (hay ít nhất là một phần quan trọng của đời sống ấy), và trong việc hành động theo một quan niệm tổng quan nào đó về cuộc đời mà một người muốn sống? Tại sao không can thiệp vào việc người khác định hình cuộc sống của chính anh ta? (Và còn cả những người không chủ động tự định hình cuộc sống của họ, nhưng lại bị cuốn theo các tác động bên ngoài?) Có lẽ nên lưu ý rằng bất cứ ai cũng có thể đề xuất một lối sống mà bạn sẵn sàng chấp nhận. Bởi không ai có thể dự đoán trước liệu người khác có chấp nhận lối sống được đề xuất hay không, bạn nên cho phép người khác theo đuổi quan niệm sống mà anh ta chọn; qua đó bạn có thể học hỏi (để bắt chước, hoặc tránh, hoặc sửa đổi) từ tiền lệ của anh ta. Lập luận thận trọng này dường như chưa đủ.

Tôi đoán rằng câu trả lời liên quan tới một ý niệm rất khó nắm bắt: ý nghĩa của cuộc đời. Việc một người định hình cuộc đời của anh ta theo một kế hoạch tổng quan nào đó chính là cách mà anh ta mang lại ý nghĩa cho cuộc đời mình; chỉ một sinh vật với khả năng định hình cuộc sống như vậy mới có thể có được hoặc cố gắng để có được một cuộc đời ý nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả khi giả sử rằng chúng ta có thể xác định và làm rõ ý niệm này đến mức độ thỏa đáng, chúng ta vẫn sẽ đối mặt với nhiều câu hỏi khó khăn. Liệu khả năng định hình cuộc đời có phải là khả năng để có được (hoặc cố gắng để có được?) một cuộc đời ý nghĩa chăng, hay là cần một thứ gì đó khác? (Về mặt đạo đức, phải chăng nội dung của đặc tính ‘có linh hồn’ chỉ đơn giản là việc sinh vật cố gắng, hoặc có khả năng cố gắng, để đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của nó?) Tại sao lại có những ràng buộc về những gì chúng ta có thể làm đối với những sinh vật có khả năng định hình cuộc đời của chúng? Phải chăng có một số hình thức đối xử không phù hợp với việc chúng sở hữu cuộc đời ý nghĩa? Và ngay cả như vậy, sao không phá hủy những cuộc đời ý nghĩa ấy đi? Hay, tại sao không thay thế "niềm hạnh phúc" bằng "ý nghĩa" trong thuyết công lợi, và tối đa hóa tổng "ý nghĩa" của mọi người trên thế giới? Phải chăng ý niệm về ý nghĩa của một cuộc đời nằm trong phạm trù đạo đức theo một kiểu nào đó khác? Chúng ta có thể nhận thấy rằng ý niệm này có lý do để được "cảm thấy" như một thứ gì đó có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa "cái đang là - cái phải là" (“is-ought” gap); nó dường như có thể xoay chuyển được cả hai phía. Chẳng hạn, giả định mọi người có thể chỉ ra rằng nếu một người hành động theo những cách thức nào đó thì cuộc đời anh ta sẽ là vô nghĩa. Đây nên được coi là một mệnh lệnh thức giả định hay là một mệnh lệnh thức tuyệt đối? Người ta có cần phải trả lời thêm câu hỏi: "Nhưng tại sao cuộc đời của tôi lại không nên trở nên vô nghĩa?" Hay, giả định rằng chính việc cư xử với người khác theo một cách nhất định là một cách thừa nhận rằng cuộc đời của người này (và những hành động nhất định này) là vô nghĩa. Chẳng lẽ điều này, tương tự như nghịch lý của chủ nghĩa thực dụng, dẫn đến chí ít kết luận trạng thái cấp bậc thứ 2 về những ràng buộc lề lên hành động đối với tất cả con người? Tôi hy vọng có thể thảo luận những vấn đề này và những vấn đề liên quan vào dịp khác.

NHÀ KHÔNG CHÍNH QUYỀN THEO CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

Chúng ta đã xem xét các vấn đề quan trọng làm nền tảng cho quan điểm rằng những ràng buộc lề về mặt đạo đức giới hạn cái cách mà người ta có thể cư xử với nhau, và giờ đây chúng ta có thể quay lại với vấn đề về hệ thống bảo vệ tư nhân. Ngay cả khi một đại lý bảo vệ thống lĩnh trong một lãnh thổ địa lý, thì có vẻ nó vẫn chưa phải là một nhà nước. Dường như nó không cung cấp sự bảo vệ cho tất cả mọi người trong lãnh thổ của nó giống như một nhà nước làm, và dường như nó không sở hữu hay tuyên bố độc quyền trong việc sử dụng vũ lực, vốn là điều cần thiết cho một nhà nước. Trong thuật ngữ chúng ta đã sử dụng ở phần trước, dường như nó không cấu thành một nhà nước tối thiểu, và thậm chí cũng không cấu thành một nhà nước cực tối thiểu.

Đại lý hay hội đoàn bảo vệ thống lĩnh trong một lãnh thổ dường như chưa hội đủ điều kiện để trở thành một nhà nước, và chính tình trạng này trở thành mục tiêu để các nhà không chính quyền theo chủ nghĩa cá nhân công kích chống lại nhà nước. Vì anh ta cho rằng khi nhà nước độc quyền sử dụng vũ lực trong một lãnh thổ và trừng phạt những ai xâm phạm sự độc quyền ấy, và khi nhà nước cung cấp sự bảo vệ cho tất cả mọi người bằng cách buộc một ai đó phải mua sự bảo vệ cho kẻ khác, thì nó đã vi phạm những ràng buộc lề về mặt đạo đức về cách mà các cá nhân nên được đối xử. Do đó, anh ta kết luận rằng, bản thân nhà nước về bản chất là trái đạo đức. Nhà nước thừa nhận rằng trong một số trường hợp, việc trừng phạt người nào đó xâm phạm các quyền của người khác là chính đáng, vì chính nó cũng làm điều đó. Như vậy, làm thế nào mà nó giành lấy cho chính nó cái quyền ngăn cấm các cá nhân đòi công lý cho họ, kể cả khi những cá nhân này bị xâm phạm quyền dù không hề gây hấn? Những người tự mình thực thi công lý đã xâm phạm quyền , thứ mà nhà nước lại không bị coi là xâm phạm khi nó tiến hành trừng phạt ai đó? Khi một nhóm cá nhân tự tạo thành một thứ giống như nhà nước và bắt đầu trừng phạt và ngăn cấm những người khác làm điều tương tự như vậy, liệu những người khác này có xâm phạm một quyền nào đó mà nhóm cá nhân kia lại không bị coi là xâm phạm? Vậy thì, dựa trên quyền nào mà nhà nước và các quan chức của nó có thể tuyên bố có quyền duy nhất (đặc quyền) đối với việc sử dụng vũ lực để cưỡng chế và thực thi sự độc quyền này? Nếu một người đòi hỏi công lý cho anh ta nhưng không xâm phạm quyền của bất cứ ai, thì việc trừng phạt anh ta vì các hành động của anh ta (các hành động mà các quan chức nhà nước cũng đang thực hiện) sẽ vi phạm quyền của anh ta, và do đó vi phạm những ràng buộc lề về mặt đạo đức. Do đó, theo quan điểm này, chính sự độc quyền sử dụng vũ lực là phi đạo đức, cũng giống như việc nhà nước thực hiện tái phân phối khi bắt buộc nộp thuế vậy. Việc các cá nhân ôn hòa chuyên tâm vào công việc của chính mình sẽ không xâm phạm quyền của người khác. Việc bạn không mua thứ gì đó để trao cho ai đó (nếu bạn không bị ràng buộc vào một nghĩa vụ đặc biệt) không cấu thành hành vi xâm phạm đối với quyền của một người nào đó. Do đó, ta có thể tiếp tục lập luận, khi nhà nước đe dọa trừng phạt một ai đó nếu anh ta không đóng góp tiền để nhà nước bảo vệ người khác, thì nhà nước (và các quan chức của nó) đã xâm phạm các quyền của anh ta. Khi đe dọa anh ta bằng một điều gì đó, nếu việc này do một công dân thực hiện, thì hành vi này xâm phạm quyền của anh ta, và vi phạm những ràng buộc về mặt đạo đức.

Để một thứ gì đó có thể được công nhận như một nhà nước, chúng ta phải chỉ ra rằng (1) bằng cách nào một nhà nước cực tối thiểu xuất hiện từ hệ thống các hội đoàn bảo vệ tư nhân; và (2) bằng cách nào nhà nước cực tối thiểu này được chuyển hoá thành nhà nước tối thiểu, tức là phải chỉ ra bằng cách nào sự "tái phân phối" cần thiết cho việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ phổ quát lại nảy sinh để khiến nó trở thành một nhà nước tối thiểu. Để chứng tỏ rằng nhà nước tối thiểu là chính đáng về mặt đạo đức, và để chứng tỏ rằng bản thân nó không trái đạo đức, chúng ta cũng phải chúng tỏ rằng mỗi một quá trình chuyển hoá ở (1) và (2) đều chính đáng về mặt đạo đức. Trong các chương còn lại ở Phần I của quyển sách này, chúng ta sẽ trình bày cách thức mà mỗi quá trình chuyển hoá này diễn ra và chính đáng về mặt đạo đức. Đầu tiên, chúng ta sẽ chứng minh rằng quá trình chuyển hoá thứ nhất, từ một hệ thống đại lý bảo vệ tư nhân sang một nhà nước cực tối thiểu, sẽ diễn ra theo một cách thức được cho phép về mặt đạo đức, thông qua một quá trình bàn tay vô hình, vốn không xâm phạm quyền của bất kỳ ai. Thứ hai, chúng ta sẽ chứng minh rằng sự chuyển hoá từ một nhà nước cực tối thiểu sang một nhà nước tối thiểu chắc chắn sẽ xảy ra xét từ góc độ đạo đức. Ở các nhà nước cực tối thiểu, việc người ta duy trì sự độc quyền mà không cung cấp dịch vụ bảo vệ cho tất cả mọi người là điều không được phép về mặt đạo đức, ngay cả khi điều này đòi hỏi sự "tái phân phối" đặc biệt. Những người điều hành nhà nước cực tối thiểu có nghĩa vụ đạo đức phải tạo ra nhà nước tối thiểu. Do đó, các chương còn lại của Phần I sẽ cố gắng biện minh cho nhà nước tối thiểu. Trong Phần II, chúng ta sẽ lập luận rằng không nhà nước nào, mà nắm nhiều quyền hạn hơn hay nhiều chức năng hơn nhà nước tối thiểu, là chính đáng hay biện minh được; do đó Phần I sẽ biện minh cho tất cả những gì có thể được biện minh. Trong Phần III, chúng ta sẽ lập luận rằng kết luận của Phần II không phải là một cái kết đáng tiếc nuối; nghĩa là bên cạnh việc là nhà nước đúng đắn duy nhất, nhà nước tối thiểu không hề kém phần hấp dẫn.

(Hết chương 3)