![[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 2)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_11.2_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 2)
DÂN CHỦ TỰ DO NHƯNG GẶP NHIỀU RẮC RỐI
Trong vòng chưa tới một thế hệ, các nước Trung và Đông Âu đã đạt được mức độ tự do chính trị, chủ nghĩa đa nguyên và cạnh tranh mà trong hàng thập kỉ nằm dưới sự cai trị của Liên Xô trước đó khó mà có thể tưởng tượng nổi. Nhưng chế độ dân chủ đầy sức sống trong khu vực lại song hành với thái độ hoài nghi của công chúng về các đảng phái và thiết chế chính trị – còn sót lại từ thời cộng sản. Ngoài ra, nạn tham nhũng mới xuất hiện và thường xuyên, cùng với những vụ giao dịch nội bộ càng củng cố thêm thái độ hoài nghi và gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa những người thắng và kẻ thua trong cái gọi là cải cách thị trường. Các phong trào dân túy “phi tự do” cả phái tả và phái hữu đều ngóc đầu dậy và đã giành được quyền kiểm soát chính phủ trong những cuộc bầu cử gần đây.
Về mặt tích cực, trong phần lớn các nước Trung và Đông Âu, đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử, các đảng phái đủ các xu hướng tư tưởng thay nhau nắm quyền. Các đảng phái mới xuất hiện, số khác trôi vào quên lãng hay biến mất hẳn, ví dụ như Đảng Solidarity Electoral Action của Ba Lan, một liên minh của các đảng trung tả đã giành được quyền lực năm 1997 nhưng sau đó bị rắc rối vì tranh chấp nội bộ và biến mất sau thất bại vì không vượt qua được ngưỡng cần thiết trong cuộc tuyển cử năm 2001.
Trong giai đoạn sau khi cộng sản sụp đổ, từ năm 1989 đến năm 2007, Ba Lan có tới mười ba thủ tướng thay nhau nắm quyền giữa lúc bức tranh chính trị của nước này biến đổi liên tục. Trong các nước khác, nền chính trị bầu cử được thiết lập cùng với phe đối lập tả khuynh thường thấy, với hai hoặc ba đảng giữ thế thượng phong, như ở Hungary, với Đảng Xã hội Chủ nghĩa Hungary (Hungarian Socialist Party) và Đảng bảo thủ (Fidesz-Magyar Polgâri Szölvetség) là những đối thủ chính của nhau; còn ở Cộng hòa Czech thì đảng cánh hữu Civic Democrats và đảng cánh tả Social Democrats giành được tới hai phần ba phiếu trong cuộc bầu cử năm 2006.
Trong phần lớn các nước, phái tả (hay chí ít là trong một thời gian) là do hậu duệ của các đảng Cộng sản cầm quyền trước đây nắm giữ. Nhiều đảng được xã hội ủng hộ, ví dụ, đảng Xã hội Chủ nghĩa Bulgaria (Bulgarian Socialist Party), đảng này đã giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử hậu cộng sản đầu tiên vào năm 1990, nhưng sau đó đã dao động và bị mất quyền.
Ở Ba Lan và Hungary, hậu duệ của các đảng Cộng sản lập tức trở thành các đảng về bản chất là dân chủ và dân chủ xã hội về ý hệ (tương tự như các đảng anh em của họ ở phương Tây).Liên minh cánh Tả Dân chủ (Democratic Left Alliance) ở Ba Lan cầm quyền cho đến năm 2005, khi đảng này bị cánh Hữu đánh bại. Cánh Hữu đã gia tăng và lan truyền ước muốn thay đổi “nền kinh tế yếu kém, tỉ lệ thất nghiệp cao, và thâm hụt ngân sách lớn” cũng như những cáo buộc thường trực về tham nhũng. Ở Romania, hậu duệ của đảng cánh tả là đảng Cộng sản chỉ được sửa sang chút ít, dưới quyền của cán bộ đảng cũ là Ion Iliescu đã nắm quyền suốt mười năm trong giai đoạn hậu Xô Viết kéo dài mười bốn năm, phần lớn là rất phi tự do và thường xuyên tung ra những “thông điệp bài thị trường và bài ngoại.”
Cùng với thời gian, căng thẳng, chia rẽ và bất mãn của xã hội thời hậu cộng sản đã thể hiện ra bằng cách ủng hộ các đảng và các ứng viên có tinh thần dân tộc chủ nghĩa và độc tài; và quay trở lại (gần đây thì gia tăng) xu hướng chính trị chủ đạo hay “hợp pháp hóa tinh thần bài ngoại.” Ví dụ xấu xa nhất là uy quyền của Slobodan Miloševič ở Serbia, kẻ đã sử dụng tinh thần dân tộc và nỗi sợ hãi của người Serbia để đẩy cả khu vực vào cuộc chiến tranh. Nhưng Miloševič không phải là người duy nhất. Trong ba nhiệm kì làm thủ tướng, Vladimir Mečiar đã ngăn chặn sự phát triển của phong trào dân chủ của Slovakia sau khi nước này tách khỏi Cộng hòa Czech (gọi là “vụ li dị nhung”) vào năm 1993.Đảng gọi là Greater Romania Party đã đưa Vadim Tudor, một người bài ngoại và bài dân chủ, ra tranh cử tổng thống vào năm 2000.
Nhiều đảng phái nhỏ hơn, cực đoan hơn và phân biệt chủng tộc rõ ràng hơn đã tìm cách tham gia liên minh cầm quyền. Tinh thần bài ngoại ở Romania đã được người ta sử dụng trong cuộc đấu tranh chống lại các nhóm dân thiểu số – thường là người Roma (Di Gan), nhưng đôi khi còn chống cả nhóm người Hungary – và những quốc gia láng giềng khác. Ở Ban Lan và Slovakia, các phong trào dân túy đã thành công trong việc đưa các đảng cực đoan vào các liên minh cầm quyền. Người lãnh đạo đảng Quốc gia Slovak (Slovak National Party) – có chân trong liên minh cầm quyền sau khi thu được 12% phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 – “nói ông ta không phản đối việc đưa nhóm dân thiểu số Hungary tới sao Hỏa ‘bằng tấm vé một chiều.” Ứng viên giữ vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống Bulgaria năm 2006, Videron Siderov thuộc đảng gọi là “National Union Attack”, “là một người thân phát xít và đã nói rằng ông ta căm thù người Thổ Nhĩ Kì, người Di Gan và người Do Thái.” Ông ta đã thua đậm một cựu đảng viên cộng sản và lúc đó đang giữ chức tổng thống, nhưng ông ta vẫn giành được tới 25% phiếu trong vòng hai. Ở Ba Lan, chính phủ dân túy tả khuynh đã bổ nhiệm Roman Giertych, 35 tuổi, lãnh tụ Liên minh các gia đình Ba Lan – một tổ chức Công giáo truyền thống cực đoan, bài châu Âu và dân tộc chủ nghĩa – làm bộ trưởng giáo dục và phó thủ tướng. Khi được hỏi về dự định rút học thuyết Darwin ra khỏi chương trình phổ thông, ông ta trả lời: “Chúng ta đã quản lý mà không cần lòng bao dung trong một thời gian dài. Và bây giờ chúng ta cũng sẽ quản lý như thế.”
Cương lĩnh chính xác và sắp xếp chính trị của các đảng và phong trào dân túy này có thể khác nhau, nhưng họ có chung một điều, đấy là thái độ bất dung: “Những người dân túy Đông Âu không hành động như thể họ đang gặp người đối lập về chính trị (hay thiểu số về dân tộc, tôn giáo hoặc tình dục) mà họ có thể thảo luận như thể đang gặp một kẻ thù mà họ phải tiêu diệt.” Đôi khi điều này còn thể hiện trong hệ thống quản lý được phân cấp cứng nhắc (hay độc đoán) trong nội bộ các đảng này.
Cũng như ở Tây Âu, sự phân chia đảng phái do hệ thống bầu cử đại diện theo tỉ lệ gây ra, tức là hệ thống cho mỗi đảng số ghế trong quốc hội tỉ lệ thuận với tỉ lệ phiếu bầu mà mỗi đảng nhận được, nếu các đảng này vượt qua ngưỡng bầu cử, thường là từ 3 tới 5% phiếu bầu. Hệ thống này cung cấp cơ hội cho các đảng nhỏ, bằng những thông điệp dân túy thể hiện sự tức giận và phản đối có thể lôi cuốn được những nhóm xã hội nhất định. Ví dụ, Đảng Phòng vệ Xã hội của Ba Lan (Polish party Samooborona), liên minh của các điền chủ nhỏ được thành lập năm 1992, đã tự cải tạo thành đảng bảo vệ những giá trị của nông thôn và giá trị truyền thống, có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, dân túy và nghi ngờ châu Âu. Ví dụ thứ hai là Liên đoàn các gia đình Ba Lan (League of Polish Families), lôi kéo được thế hệ già ở các thị trấn và làng quê. Sau cuộc bầu cử ở Ba Lan năm 2005, cả hai đảng này đều tham gia chính phủ theo lời mời của Đảng Pháp luật và Công Lí (Law and Justice Party), một đảng trung hữu, bảo thủ về mặt xã hội, vừa mới được thành lập cách đó có bốn năm. Đối với những nhà cải cách, liên minh dân túy này là phương án lựa chọn không hay so với liên minh mà họ kì vọng giữa Đảng Pháp luật và Công Lí và đối thủ chính của đảng này là đảng Cương lĩnh Dân sự (Civic Platform) trung dung, một tổ chức ủng hộ những cuộc cải cách thị trường và cũng như Đảng Pháp luật và Công lí, cùng có nguồn gốc từ phong trào Đoàn kết hồi những năm 1980.
Chiến thắng của Đảng Pháp luật và Công Lí, từ 44 ghế trong quốc hội năm 2001 lên 152 ghế năm 2005 (trong số 460 ghế ở Hạ viện Ba Lan) cho thấy sự mong manh về chính trị của các chế độ dân chủ ở Trung và Đông Âu. Hiện nay, trên khắp khu vực này, những cuộc bầu cử tự do và có tính cạnh tranh đã được thiết chế hóa, nhưng các đảng phái tiến hành cạnh tranh thì không có. Từ năm 1989, các đảng không chỉ nắm rồi mất quyền mà còn xuất hiện và biến mất hoàn toàn khỏi vũ đài chính trị nữa. Chiến thắng sít sao của Liên minh Sự thật và Công lí trong cuộc bầu cử năm 2004 ở Romania – một đảng trung hữu mới được thành lập – tức là đảng không cần liên minh với chính quyền trung hữu đầy chia rẽ và kém hiệu quả cầm quyền sau cuộc bầu cử năm 1996. Một mô hình của lực lượng chính trị mới, khởi sự như lực lượng chống tham nhũng, chống nền chính trị quyền uy, giành chiến thắng khi tình cảm chống những người đang nắm quyền dâng trào, và sau đó đánh mất sự ủng hộ của công chúng vì tham nhũng và thực thi chính sách gây nhiều thất vọng, nhất là về kinh tế. Năm 2001, cựu hoàng tử Bulgaria, Simeon II, xuất hiện từ hư không, đã giành được nửa số ghế trong quốc hội, loại bỏ được cả những người xã hội chủ nghĩa và Liên minh các Lực lượng Dân chủ (Union of Democratic Forces (UDP) –đang cầm quyền). Nhưng năm 2005, liên minh của ông này “đã không được dân chúng ủng hộ vì những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế và nạn tham nhũng.” Cuộc bầu cử tháng 6 năm đó là biểu tượng của sự không ổn định của đảng phái hậu cộng sản: Phong trào dân tộc ủng hộ Simeon II (việc chọn tên ông vua cũ đã nói lên sự hạn hẹp của phong trào) đã thua những người xã hội chủ nghĩa vừa hồi sinh, nhưng đã thành lập được chính phủ liên minh, thủ tướng là người xã hội chủ nghĩa và một đảng thứ ba, nhỏ hơn. Các cuộc đàm phán trở thành rắc rối vì không đảng nào trong hai đảng chính đồng ý tham gia liên minh với đảng dân tộc cực đoan vừa được thành lập (Attack – nghĩa là tấn công, ND), giành được 9% ghế và đảng UDP từng giữ thế thượng phong chỉ giành được có 8% phiếu bầu.
Tình hình ở Cộng hòa Czech cũng phức tạp và chia rẽ không kém, ở đây, đảng Dân chủ Công dân do tổng thống Vaslav Klaus lãnh đạo và Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả đều giành được đúng một nửa số ghế trong quốc hội có 200 đại biểu, tình hình trở thành bế tắc, trong suốt nửa năm trời không thể thành lập được chính phủ. Cuối cùng, tháng 1 năm 2007, Đảng Dân chủ Công dân thành lập được chính phủ bằng cách thuyết phục hai đại biểu quốc hội là thành viên đảng Dân chủ Xã hội không có mặt trong cuộc bầu cử thông qua thành phần chính phủ. Nhưng dư luận xã hội không ủng hộ cuộc mặc cả bất chấp đạo lí như thế, nhiều người thuộc phe Dân chủ Công dân (trong đó có Klaus) phản đối vai trò nổi bật của Đảng Xanh (Green Party) trong chính phủ mới. Đối với đảng Dân chủ Công dân, việc quay lại với vai trò lãnh đạo chính phủ – họ từng giữ thế thượng phong trong suốt những năm 1990, cho đến khi có những vụ bê bối về tư nhân hóa, làm cho đảng mất sự ủng hộ – là cú ngậm bồ hòn làm ngọt và dường như là do lịch sử của khu vực, cũng chẳng thọ được bao lâu. Như vậy là, châu Âu thời hậu cộng sản là bức tranh hỗn hợp giữa kiên định và dễ biến động. Một mặt, không nên đòi hỏi các chế độ dân chủ mới ở phía Đông phải có những tiêu chuẩn cao hơn là các đối tác ở Tây Âu, những chế độ cũng thường bị lên án – và thay thế – vì sự nhếch nhác, hối mại quyền thế, thủ đoạn chính trị vô liêm sỉ và tham nhũng. Đáng tiếc là một số hiện tượng này dường như là chắc chắn sẽ xảy ra với nền chính trị dân chủ và trở thành vấn đề lớn hơn nếu đảng cầm quyền nắm giữ quyền lực trong thời gian dài. Khó có thể sử dụng các tiêu chuẩn dân chủ để phàn nàn khi dân chúng tống khứ đảng hay liên minh các đảng cầm quyền ra khỏi quyền lực vì bất mãn với thành tích của nó. Nhưng có lý do để lo ngại khi cách làm như thế trở thành một thói quen, và khi việc bác bỏ thường xuyên các đảng cầm quyền phản ánh sự vỡ mộng về các thiết chế chính trị nói chung. Ví dụ, Ba Lan, Bulgaria và Romania dường như bị sa lầy trong vụ tìm kiếm không ngừng nghỉ lực lượng chính trị mới và xứng đáng hơn về mặt đạo đức. Ngay cả khi kết quả bầu cử có thay đổi thì chế độ dân chủ cũng cần sự ổn định về bản sắc và ủng hộ của những đảng phái chính trị tham gia để có thể quản trị một cách hiệu quả – từ giảm thâm hụt ngân sách đến tạo ra sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng nhất, khả thi của quốc gia. Một số chế độ dân chủ ở Trung và Đông Âu chưa đạt được sự ổn định đảng phái tối thiểu như thế.
Hiểu như thế thì phải cân nhắc trước việc tháo gỡ quá nhanh trật tự công cộng ở Hungary – một trong những chế độ dân chủ hậu cộng sản thành công và ổn định nhất ở Đông Âu. Trên một băng ghi âm bị rò rỉ vào tháng 9 năm 2006, thủ tướng tái đắc cử thuộc Đảng Xã hội Hungary, Ferenc Gyurcsány, đã thừa nhận rằng đảng đã “nói dối từ sáng đến tối” về tình hình tài chính quốc gia và đã đánh giá thấp thâm hụt ngân sách và đưa ra những lời hứa không có gì đảm bảo về chương trình phúc lợi xã hội nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 4 năm 2006. Sau lời thú nhận đó, hàng chục ngàn người đã đổ ra các đường phố và quảng trường ở Budapest để phản đối và họ đã làm như vậy một lần nữa vào tháng 12, nhân dịp kỉ niệm năm mươi năm cuộc khởi nghĩa chống Liên Xô ở Hungary. Một số người biểu tình mang theo cờ của chính phủ phát xít Hungary thời Thế chiến II, những lá cờ này thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn tại các cuộc biểu tình của đảng đối lập cánh hữu, tức là đảng Fidesz. Tinh thần đối lập mạnh mẽ đến mức nửa năm sau đó xung quanh tòa nhà quốc hội vẫn còn những hàng rào bằng thép “để bảo vệ các nhà lập pháp, không để những người biểu tình cực đoan, hung hãn tấn công.”
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)