![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 3)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 3)
NHÀ NƯỚC LÀ AI?
Trường hợp của Zimbabwe, Somalia và Sierra Leone, cho dù là điển hình của các nước nghèo ở châu Phi và có lẽ của một vài nước ở châu Á, xem ra có tính chất khá cực đoan. Có chắc là các nước châu Mỹ La-tinh không có những nhà nước thất bại? Có chắc là các tổng thống ở đó không đủ trơ tráo để trúng số?
Ở Colombia, rặng núi Andes hòa dần vào miền bắc với một đồng bằng ven biển mênh mông tiếp giáp biển Caribê. Người Colombia gọi đây là tierra caliente, “vùng đất nóng”, so với vùng núi Andes mà họ gọi là tierra fria, “vùng đất lạnh”. Trong 50 năm qua, hầu hết các nhà khoa học chính trị và chính phủ các nước đều xem Colombia là một nền dân chủ. Hoa Kỳ vui vẻ đàm phán hiệp định thương mại tự do với đất nước này và rót đủ loại viện trợ vào đó, nhất là viện trợ quân sự. Sau một chính phủ quân sự chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và chấm dứt vào năm 1958, các cuộc bầu cử đã được tổ chức thường xuyên, mặc dù đến năm 1974, một hiệp ước đã luân phiên quyền lực chính trị và cương vị tổng thống giữa hai đảng chính trị truyền thống, đảng Bảo thủ và đảng Tự do. Tuy nhiên, hiệp ước này, được gọi là Mặt trận quốc gia, do người dân Colombia thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý và điều đó dường như là có đủ tính dân chủ.
Thế nhưng, trong khi Colombia có một lịch sử bầu cử dân chủ lâu dài, đất nước vẫn không có các thể chế dung hợp. Thay vào đó, trong lịch sử của Colombia đầy rẫy những vụ xâm phạm quyền tự do cơ bản của công dân, những vụ hành quyết không cần tố tụng, bạo lực chống lại dân thường và nội chiến. Đó không phải loại kết quả mà ta trông đợi từ một nền dân chủ. Nội chiến ở Colombia khác với nội chiến ở Sierra Leone, tại đó nhà nước và xã hội sụp đổ và bạo loạn lan tràn. Nhưng nó cũng là nội chiến và còn gây ra nhiều thương vong hơn. Chính sự thống trị của quân đội trong thập niên 1950 một phần là sự phản ứng trước cuộc nội chiến mà tiếng Tây Ban Nha gọi là “La Violencia”, nghĩa là bạo lực. Kể từ đó đã có nhiều nhóm nổi dậy, lan tràn khắp các vùng nông thôn, bắt cóc và thảm sát. Để tránh những viễn cảnh không may này ở nông thôn Colombia, bạn phải trả tiền vacuna, hiểu sát nghĩa là “tiêm phòng”, nghĩa là bạn phải tự tiêm phòng cho mình để không bị bắt cóc hay giết hại bằng cách nộp tiền mỗi tháng cho một nhóm côn đồ có vũ trang.
Không phải mọi nhóm vũ trang ở Colombia đều là cộng sản. Năm 1981, các thành viên của nhóm du kích cộng sản chính ở Colombia, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia, hay FARC) bắt cóc một chủ trại bò sữa, Jesus Castaño, ở một thị trấn nhỏ gọi là Amalfi thuộc “vùng đất nóng” miền đông bắc địa phận Atioquia. FARC đòi khoản tiền chuộc 7.500 USD, một số tiền lớn ở nông thôn Colombia. Gia đình ông huy động số tiền bằng cách cầm cố trang trại, nhưng dù vậy, họ chỉ nhận được thi hài người chủ trại bị buộc vào một gốc cây. Thế là quá đủ đối với ba người con trai của Castaño: Carlos, Fidel và Vicente. Họ thành lập một nhóm bán quân sự gọi là Los Tangueros để săn lùng thành viên của FARC và báo thù. Ba anh em có tài tổ chức, rồi chẳng bao lâu nhóm của họ tăng trưởng và bắt đầu tìm thấy quyền lợi chung với các nhóm bán quân sự tương tự từng được gây dựng vì những nguyên nhân tương tự. Người Colombia ở nhiều nơi khốn khổ trong tay của các nhóm du kích cánh tả, và các nhóm bán quân sự cánh hữu ra đời để chống lại. Các nhóm bán quân sự được các chủ sở hữu đất sử dụng nhằm bảo vệ họ chống lại các nhóm du kích, nhưng chính họ cũng tham gia vào các vụ buôn lậu ma túy, tống tiền, bắt cóc và giết hại thường dân.
Năm 1997, các nhóm bán quân sự dưới sự lãnh đạo của anh em Castaño đã xoay sở để thành lập một tổ chức bán quân sự quốc gia gọi là Lực lượng tự vệ thống nhất Colombia (Autodefensas Unidas de Colombia, AUC). AUC bành trướng ra nhiều nơi trên cả nước, nhất là “vùng đất nóng” thuộc địa phận Córdoba, Sucre, Magdalena và César. Năm 2001, lực lượng AUC có lẽ đã lên đến 30 nghìn người có vũ trang, tùy ý hành động và được tổ chức thành các khối khác nhau. Ở Córdoba, nhóm bán quân sự Bloque Catatumbo do Salvatore Mancuso lãnh đạo. Khi sức mạnh tiếp tục gia tăng, AUC ra một quyết định chiến lược là tham gia vào chính trị. Các nhóm bán quân sự và các chính khách tìm hiểu lẫn nhau. Một vài nhà lãnh đạo AUC tổ chức một cuộc họp với các chính khách nổi tiếng ở thị trấn Santa Fé de Ralito ở Córdoba. Một hiệp ước kêu gọi “xây dựng lại đất nước” được ban hành và ký kết bởi các thành viên đứng đầu AUC như “Jorge 40” (biệt hiệu của Rodrigo Tovar Pupo), Adolfo Paz (bí danh của Diego Fernando “Don Berna” Murillo), và Diego Vecino (tên thật là Edwar Cobo Téllez) cùng với các chính khách, bao gồm các thượng nghị sĩ William Montes và Miguel de la Espriella. Vào thời điểm này, AUC đang điều hành những vùng đất rộng lớn của Colombia, và họ dễ dàng bố trí ai sẽ được bầu trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Thượng viện. Ví dụ, ở đô thị San Onofre thuộc địa phận Sucre, cuộc bầu cử do lãnh tụ bán quân sự Cadena thu xếp. Một nhân chứng mô tả như sau về những điều đã xảy ra:
Những chiếc xe tải do Cadena phái đến chạy vòng quanh các khu dân cư và các vùng nông thôn San Onofre để bắt người. Theo một số người dân… trong cuộc bầu cử năm 2002, hàng trăm nông dân đã được đưa đến Plan Parejo để họ có thể thấy mặt các ứng cử viên mà họ phải bỏ phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội: Jairo Merlano được bầu vào Thượng viện và Muriel Benito Rebollo được bầu vào Quốc hội.
Cadena bỏ tên của các thành viên hội đồng đô thị vào một chiếc túi, bốc ra hai tên và nói ông sẽ giết họ và những người được chọn ngẫu nhiên khác nếu Muriel không trúng cử.
Sự đe dọa xem ra đã có tác dụng: mỗi ứng cử viên nhận được 40 nghìn phiếu bầu trên toàn thể địa phận Sucre. Người ta không ngạc nhiên khi thấy thị trưởng San Onofre ký kết hiệp ước Santa Fé de Ralito. Có khoảng 1/3 hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ trong cuộc bầu cử năm 2002 trúng cử nhờ vào sự hỗ trợ bán quân sự, và bản đồ 20 trình bày những vùng thuộc sự kiểm soát bán quân sự, cho thấy quyền lực của họ bao trùm rộng lớn đến mức nào. Chính Salvatore Mancuso từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn như sau:
35% Quốc hội được bầu ở những nơi có nhà nước thuộc Lực lượng tự vệ; trong các nhà nước này, chúng tôi là người thu thuế, chúng tôi mang lại công lý, chúng tôi kiểm soát quân đội và lãnh thổ, và tất cả những ai muốn tham gia chính trị phải đến thương lượng với đại diện chính trị của chúng tôi ở đó.
Bản đồ 20: Sự hiện diện của lực lượng bán quân sự ở Colombia, 1997-2005 (p. 494)
Không khó hình dung ảnh hưởng của mức độ kiểm soát bán quân sự về chính trị và xã hội đối với các thể chế kinh tế và chính sách công. Sự bành trướng của AUC không phải là một hiện tượng hòa bình. Họ không chỉ chiến đấu chống lại FARC, mà còn giết hại thường dân vô tội, khủng bố và trục xuất hàng trăm nghìn người ra khỏi nhà mình. Theo Trung tâm giám sát tản cư nội địa (IDMC) thuộc Hội đồng Tị nạn Na Uy, vào đầu năm 2010, có khoảng 10% dân số Colombia, gần 4,5 triệu người, đã phải tản cư đi nơi khác. Như phát biểu của Mancuso cho thấy, Lực lượng bán quân sự cũng thâu tóm chính phủ và tất cả các chức năng nhà nước; chỉ có điều, tiền thuế họ thu là sự chiếm đoạt tư túi. Một hiệp ước lạ thường giữa lãnh tụ bán quân sự Martín Llanos (tên thật là Héctor Germán Buitrago) và các thị trưởng đô thị Tauramena, Aguazul, Maní, Villanueva, Monterrey và Sabanalarga ở địa phận Casanare thuộc miền đông Colombia, liệt kê các quy tắc sau đây mà các thị trưởng phải chấp hành theo lệnh của các “Hội Nông dân bán quân sự Casanare”:
9) Dành riêng 50% ngân sách đô thị cho sự quản lý của Hội Nông dân bán quân sự Casanare.
10) Dành riêng 10% của mọi hợp đồng đô thị cho Hội Nông dân bán quân sự Casanare
11) Hỗ trợ theo lệnh đối với mọi cuộc họp do Hội Nông dân bán quân sự triệu tập.
12) Hội Nông dân bán quân sự được tham gia vào mọi dự án cơ sở hạ tầng.
13) Công nhận đảng chính trị mới do Hội Nông dân bán quân sự thành lập.
14) Thực hiện chương trình cai quản của Hội Nông dân bán quân sự.
Casanare không phải là một địa phận nghèo. Trái lại, đó là nơi có mức thu nhập trên đầu người cao nhất trong các địa phận Colombia nhờ các mỏ dầu, loại tài nguyên hấp dẫn đối với lực lượng bán quân sự. Trên thực tế, sau khi chiếm được quyền lực, lực lượng bán quân sự đã tăng cường chiếm đoạt tài sản một cách có hệ thống. Bản thân Mancuso nghe nói đã tích lũy tài sản ở nông thôn và thành thị trị giá 25 triệu USD. Ước lượng đất đai bị lực lượng bán quân sự chiếm đoạt ở Colombia lên đến 10% diện tích đất nông thôn.
Colombia không phải là trường hợp một nhà nước thất bại sắp sụp đổ. Nhưng đó là một nhà nước không đủ tập quyền và không có thẩm quyền hoàn chỉnh đối với toàn thể lãnh thổ. Mặc dù nhà nước có thể mang lại an ninh và cung cấp dịch vụ công cộng ở những vùng đô thị lớn như Bogotá và Barranquilla, vẫn còn những vùng đất rộng lớn không được cung cấp dịch vụ công và gần như không có luật pháp và trật tự. Thay vào đó, các nhóm khác nhau và dân chúng, như Mancuso, kiểm soát chính trị và nguồn lực. Ở một số nơi, các thể chế kinh tế vận hành khá tốt, nền kinh tế có trình độ vốn nhân lực và kỹ năng kinh doanh cao; ở những nơi khác, các thể chế có tính chiếm đoạt cao độ, thậm chí không cung cấp được một mức độ thẩm quyền nhà nước tối thiểu.
Xem ra thật khó hiểu làm thế nào tình trạng này lại có thể tồn tại trong nhiều thập niên, thậm chí trong nhiều thế kỷ. Nhưng trên thực tế, tình trạng này có một lôgic riêng, như một kiểu vòng xoáy đi xuống. Bạo lực và tình trạng thiếu thể chế nhà nước tập quyền thuộc loại này có quan hệ cộng sinh với những chính khách điều hành các bộ phận chức năng của xã hội. Mối quan hệ cộng sinh này phát sinh do các chính khách lợi dụng tình trạng vô luật pháp ở các vùng ngoại vi của đất nước, đồng thời chính quyền quốc gia để mặc cho các nhóm bán quân sự tự tung tự tác.
Diễn biến này bộc lộ rõ rệt vào thập niên 2000. Năm 2002, Álvaro Uribe đắc cử tổng thống. Uribe có một điểm chung với anh em nhà Castaño: cha ông bị phe FARC giết hại. Uribe vận động một chiến dịch phản đối nỗ lực hòa giải với FARC của chính quyền trước đây. Năm 2002, tỷ lệ phiếu bầu của ông ở những vùng có lực lượng bán quân sự cao hơn 3 điểm phần trăm so với những vùng không có họ. Năm 2006, khi ông tái ứng cử, tỷ lệ phiếu bầu của ông ở những vùng đó cao hơn 11 điểm phần trăm. Nếu Mancuso và các đối tác của ông có thể mang lại phiếu bầu cho Quốc hội và Thượng viện, thì họ cũng có thể làm như thế trong các cuộc bầu cử tổng thống, nhất là đối với một vị tổng thống có cùng thế giới quan và khoan dung đối với họ. Như tuyên bố của Jairo Angarita, cấp phó của Salvatore Mancuso và nguyên lãnh đạo AUC ở Sinú và San Jorge vào tháng 9/2005, ông tự hào ủng hộ “việc tái bầu cử vị tổng thống tốt nhất mà chúng ta từng có”.
Sau khi được bầu, các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của phe bán quân sự sẽ bỏ phiếu cho những gì Uribe muốn, cụ thể là sự thay đổi hiến pháp để ông có thể tái đắc cử vào năm 2006, vốn là điều không được phép trong cuộc bầu cử đầu tiên của ông năm 2002. Đổi lại, tổng thống Uribe ban hành một bộ luật vô cùng khoan dung, cho phép lực lượng bán quân sự phục viên. Phục viên ở đây không có nghĩa là chấm dứt hoạt động bán quân sự, mà chỉ đơn thuần là hoạt động này được hợp pháp hóa trên phần lớn đất nước Colombia và trong nhà nước Colombia, nơi lực lượng bán quân sự đã tiếp quản và được phép duy trì.
Ở Colombia, nhiều khía cạnh của các thể chế kinh tế và chính trị đã trở nên dung hợp hơn theo thời gian. Nhưng các yếu tố chiếm đoạt cốt lõi vẫn tồn tại. Tình trạng vô luật pháp và quyền sở hữu không bảo đảm là dịch bệnh phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước, và đây là hậu quả của tình trạng thiếu kiểm soát của nhà nước trung ương ở nhiều nơi, và là hình thức cụ thể của tình trạng thiếu tập trung hóa nhà nước ở Colombia. Nhưng tình trạng này không phải là một kết quả không thể tránh khỏi. Nó là một hệ lụy của sự thay đổi động học phản ánh vòng xoáy đi xuống: các thể chế chính trị ở Colombia không tạo ra động cơ khuyến khích các chính khách cung cấp các dịch vụ công cũng như luật pháp và trật tự cho phần lớn đất nước và không đủ mức độ ràng buộc để ngăn ngừa họ tham gia vào các thỏa thuận ngầm hay công khai với lực lượng bán quân sự và bọn côn đồ.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)