Amartya Sen:

Amartya Sen: "Thế giới đang đối mặt với đại dịch của chủ nghĩa chuyên chế"

Trong bài phát biểu nhận Giải thưởng Hòa bình của Hiệp hội Thương mại Sách của Đức vào ngày 18 tháng 10, Sen nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình tranh luận và bày bỏ các bất đồng quan điểm.

Ngày 18 tháng 10 năm 2020, Amartya Sen, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel đã được Hiệp hội Thương mại Sách của Đức trao giải thưởng Hòa Bình. Buổi lễ diễn ra tại Frankfurt, Đức mà không có bất kỳ khách mời nào do đại dịch Covid-19. Sen tham gia buổi lễ đó qua video truyền hình trực tiếp từ Hoa Kỳ.

Trong bài phát biểu nhận giải, Sen nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận và tranh luận. Ông cho rằng đó là điều kiện tiên quyết cho hòa bình, tiến bộ và tự do, đồng thời lưu ý rằng những giá trị này ngày càng gặp nhiều đe dọa. Ông khẳng định sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa thảo luận và tranh luận với tinh thần dân chủ. "Việc đọc sách và bàn về sách có thể giải trí, kích thích và lôi cuốn ta trên nhiều phương diện. Sách cũng giúp ta tranh luận với nhau. Và tôi tin rằng không có gì quan trọng bằng cơ hội tranh luận về những vấn đề mà có thể ta không hoàn toàn đồng ý".

Trích từ bài phát biểu:  

Sách và tự do

Giải thưởng Hòa bình gắn kết mật thiết với việc đọc và viết, điều này khiến nó trở nên đặc biệt hấp dẫn với tôi. Cuộc sống của tôi sẽ nghèo nàn hơn rất nhiều nếu niềm đam mê đọc bất cứ gì có thể tìm thấy ngay từ thuở nhỏ, cũng như khao khát viết ra những suy nghĩ trong đầu bị những hoạt động khác che lấp mất, cho dù các hoạt động đó có dễ chịu đến đâu chăng nữa. Tôi rất vui vì hội đồng trao giải đã dành một góc nhỏ cho tôi trong thế giới sách.

Việc đọc sách và bàn về sách vừa có thể giải trí, vừa kích thích và lôi cuốn ta trên nhiều phương diện. Sách cũng giúp ta tranh luận với nhau. Và tôi tin rằng không có gì quan trọng bằng cơ hội tranh luận về những vấn đề mà có thể ta không hoàn toàn đồng ý. Thật không may, như Immanuel Kant đã lưu ý, cơ hội tranh luận thường bị xã hội hạn chế - đôi lúc ở mức rất nghiêm trọng. Nhà triết học vĩ đại này từng nói:

“Từ mọi phía, tôi nghe thấy tiếng kêu: Đừng tranh cãi! Viên sĩ quan nói: đừng tranh cãi, hãy lên đường! Cán bộ thuế thì bảo: Đừng tranh cãi, hãy trả tiền đi! Giáo sĩ: Đừng tranh cãi, hãy tin! Tất cả những điều này có nghĩa là tự do bị hạn chế ở mọi nơi.”

Kant thảo luận tại sao việc tranh luận lại quan trọng đến thế. Chúng ta chỉ có thể hiểu về cuộc sống của mình bằng cách xem xét điều gì khiến chúng trở nên đáng giá. Khi quyền tự do ngôn luận bị hạn chế và mọi người bị trừng phạt chỉ vì nói ra suy nghĩ của họ, cuộc sống của chúng ta có thể bị tổn hại ghê gớm.

Thật không may, việc hạn chế quyền tự do tranh luận không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngược lại, ngày càng có nhiều quốc gia, nơi những xu hướng độc tài đang phát triển và khiến quyền tự do bất đồng trở nên khó khăn hơn - thậm chí khó hơn nhiều - so với trước. Hiện nay, xu hướng đàn áp đang trở nên đáng báo động tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, Mỹ La Tinh, châu Phi và Mỹ.

Đàn áp bất đồng chính kiến ở Ấn Độ

Thật đáng tiếc là Ấn Độ, quê hương tôi, nằm trong nhóm đó. Trong quá khứ, sau khi dành được độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Anh, Ấn Độ đã có một thời kỳ lịch sử tốt đẹp với một nền dân chủ thế tục và không gian cho tự do cá nhân. Người dân thể hiện cam kết tự do và quyết tâm xóa bỏ chính quyền độc tài thông qua những hành động công khai dứt khoát và kiên quyết. Chẳng hạn, trong cuộc tổng tuyển cử năm 1977, những quy định chuyên chế của chính sách "Khẩn cấp" của Chính phủ đã bị người dân kiên quyết bác bỏ.

Tuy nhiên, gần đây mọi thứ thay đổi rất nhiều và có nhiều trường hợp bất đồng chính kiến bị đàn áp nghiêm trọng. Chính phủ cố gắng đàn áp những cuộc biểu tình chống chính quyền mà họ coi là những "cuộc kích động", lấy đó làm cơ sở bắt giữ và nhốt giam những lãnh đạo đối lập. Bên cạnh chủ nghĩa chuyên quyền tiềm ẩn trong các cuộc đàn áp này thì còn có một sự nhầm lẫn sâu sắc về tư tưởng ở đây, bởi sự bất đồng với chính phủ không nhất thiết phải là một cuộc nổi dậy bạo lực lật đổ nhà nước hoặc lật đổ quốc gia (là cơ sở buộc tội "hành vi kích động").

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất có những nhầm lẫn như vậy - trên thực tế việc lạm dụng này đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, với tư cách là một công dân Ấn Độ, đáng buồn thay, tôi tự cảm thấy phải có trách nhiệm thảo luận về việc chính quyền Ấn Độ đang ngày càng trở nên chuyên quyền ra sao.

Khi tôi còn học tại Ấn Độ thời bị thực dân Anh cai trị, nhiều người tôi quen biết đã đấu tranh phi bạo lực cho độc lập của Ấn Độ (lấy cảm hứng từ Mahatma Gandhi và những nhà đấu tranh tự do khác) đã bị giam trong nhà tù thực dân Anh dưới cái cớ là "giam giữ phòng ngừa", được cho là để ngăn chặn những hành động bạo lực dù trên thực tế họ chưa hề làm bất kỳ điều gì như vậy.

Sau khi Ấn Độ giành độc lập, giam giữ phòng ngừa đã bị tạm dừng song lại bị chính quyền đảng Quốc Đại khôi phục sau đó, dù ở mức độ nhẹ hơn. Bản thân điều này đã đủ tệ, nhưng dưới thời chính phủ của đảng Bharatiya Janata (BJP) thiên về chủ nghĩa dân tộc Hindu, thì nạn "giam giữ phòng ngừa" đóng vai trò ngày càng lớn hơn, tạo cớ để bắt giữ và bỏ tù các chính trị gia đối lập một cách dễ dàng mà không cần xét xử.

Thật vậy, từ năm ngoái, theo quy định của Đạo luật (Phòng ngừa) các Hành vi Bất hợp pháp (viết tắt là UAPA), nhà nước có thể đơn phương tuyên bố ai đó là "kẻ khủng bố", cho phép họ tống người bị cáo buộc là kẻ khủng bố này vào tù mà không cần xét xử. Một số nhà hoạt động nhân quyền đã bị chỉ định là khủng bố và đang bị bỏ tù theo đạo luật đó, còn nhiều người khác đã được cảnh báo rằng họ sẽ bị áp dụng UAPA trừ khi tuân phục chính quyền và ngừng chống chính phủ.

Khi một người nào đó được mô tả là “phản quốc”, tất nhiên, đây là một lời tố cáo lớn về mặt triết học, nhưng ở Ấn Độ ngày nay, điều đó có thể không có ý nghĩa gì hơn là người đó đã đưa ra một số nhận xét chỉ trích về chính phủ đương nhiệm. Ở đây có sự nhầm lẫn giữa “chống chính phủ” và “chống quốc gia”.

Các tòa án đôi khi có thể ngăn chặn một số hành vi lạm dụng này, nhưng với sự hoạt động chậm chạp của các tòa án và sự khác biệt về quan điểm trong Tòa án tối cao Ấn Độ thì đây không phải lúc nào cũng là biện pháp khắc phục hiệu quả. Tại Ấn Độ, quyền con người bị hạn chế theo nhiều cách khác nhau. Các tổ chức quốc gia và quốc tế đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ nhân quyền càng ngày càng gặp nhiều áp lực. Một trong những tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi bật nhất trên thế giới, Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã buộc phải rời Ấn Độ do sự can thiệp của chính phủ, bao gồm cả việc đóng tài khoản ngân hàng.

Bất bình đẳng kéo dài dai dẳng

Việc theo đuổi chủ nghĩa chuyên chế, nhìn chung đôi khi được kết hợp với việc đàn áp một nhóm người cụ thể của quốc gia đó. Sự đối xử bất bình đẳng đặc biệt thường liên quan đến sự phân chia về chủng tộc, màu da, đẳng cấp, tôn giáo hay tình trạng nhập cư.

Tuy người thuộc đẳng cấp thấp kém nhất (nay gọi là Dalits) vẫn đang nhận được các phúc lợi về việc làm và giáo dục từ chính sách hỗ trợ từ thời Ấn Độ giành độc lập, song nhìn chung cuộc sống của họ vẫn rất thiếu thốn. Về quan hệ xã hội, họ thường bị đối xử rất khắc nghiệt, và những vụ cưỡng hiếp hoặc giết người Dalits bởi những người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu, vốn đã trở thành sự kiện phổ biến, thường bị Chính phủ phớt lờ - hoặc che đậy - bất chấp sự phản đối của công chúng.

Phải nói rằng sự bất bình đẳng trầm trọng và dai dẳng này tuy không phải là duy nhất tại Ấn Độ nhưng đặc biệt không thể chấp nhận được khi xét đến lịch sử đấu tranh chống bất bình đẳng giai cấp mà Gandhi, Ambedkar hay các nhà lãnh đạo chính trị khác đã khởi xướng.

Tuy vậy hiện tượng này không phải là duy nhất. Chẳng hạn, trong khi Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về quyền cá nhân nói chung và quyền con người nói riêng, thì sự phân chia trắng - đen dai dẳng ở Mỹ, vốn có nguồn gốc từ thể chế nô lệ, đã góp phần khiến quyền lợi của người Mỹ gốc Phi bị suy giảm hay tước đoạt.

Một cuộc biểu tình Black Lives Matter ở London. Ảnh: Reuters

Một điều thú vị về sự phát triển gần đây của các phong trào đấu tranh ở Mỹ, chẳng hạn như phong trào “Mạng người da đen cũng quý trọng” (Black Lives Matter), không nằm ở chỗ họ nhận được ủng hộ (khó mà có thể không được ủng hộ), mà vấn đề nằm ở chỗ kể từ phong trào Dân Quyền sôi nổi những năm 50-60, việc công nhận quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi vẫn diễn ra rất chậm chạp.

Điều đáng mừng là nhu cầu bình đẳng chủng tộc cuối cùng cũng nhận được sự quan tâm đáng kể ở Mỹ, nhưng những kháng cự và phản đối ngầm ẩn hay lộ liễu đối với phong trào này cũng thật đáng ngạc nhiên.

Sự chia rẽ tôn giáo

Hãy quay trở lại trường hợp của Ấn Độ và xem xét một dạng bất bình đẳng khác. Hiện nay, các nhà chức trách rất nghiêm khắc đối với quyền của người Hồi Giáo, thậm chí hạn chế quyền công dân của họ so với những người không theo đạo Hồi. Bất chấp nhiều thế kỉ chung sống hòa bình giữa những người theo đạo Hindu và đạo Hồi, gần đây những nhóm chính trị cực đoan theo đạo Hindu đối xử với những người Hồi giáo bản địa như thể họ là những là những người nước ngoài bị buộc tội làm tổn hại quốc gia. Ấn Độ đã không như vậy cho đến khi các nhóm cực đoan Hindu giáo thâu tóm được quyền lực to lớn như thời gian gần đây.

Mahatma Gandhi và Rabindranath Tagore đều là những người theo đạo Hindu, và tôi nên nói thêm là chính tôi cũng vậy - nhưng với tư cách là người Ấn Độ, họ không chính trị hóa sự khác biệt về tôn giáo giữa đạo Hồi và đạo Hindu. Khi giới thiệu bản thân tại Oxford qua bài giảng Hibbert nổi tiếng của mình, Tagore đã chọn cách giới thiệu bản thân với tư cách là một người đến từ nơi hợp lưu của ba luồng văn hóa, bên cạnh ảnh hưởng của phương Tây - thì hai hợp lưu kia chính là Ấn Độ giáo và đạo Hồi.

Văn hóa Ấn Độ là sự kết hợp và thực sự là sản phẩm chung của những người thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Ta có thể thấy điều này trong các lĩnh vực văn hóa khác nhau - từ âm nhạc, văn học đến hội họa, kiến trúc. Ngay cả việc dịch và truyền bá văn bản triết học Hindu giáo đầu tiên - Upanishad - để sử dụng bên ngoài Ấn Độ cũng được thực hiện theo sáng kiến của hoàng tử Mughal, Dara Shikoh, con trai cả của Nữ hoàng Mumtaz - nhân vật gắn với đền Taj Mahal xinh đẹp do hoàng đế Shah Jahan xây dựng.

Những người theo Hindu giáo đã cố gắng hết sức để che mờ những sự kiện quan trọng về lịch sử chung của người theo đạo Hindu và đạo Hồi, và vì vậy khiến Ấn Độ kém đa dạng hơn về tổng thể. Ảnh hưởng bởi các ưu tiên ý thức hệ của chính phủ hiện tại, sách giáo khoa tại Ấn Độ hầu hết đang bị viết lại để trình bày lịch sử theo hướng xét lại - trong đó đóng góp của những người Hồi giáo bị giảm bớt hoặc bỏ qua hoàn toàn.

Tuy Chính phủ có thể kết án bất kỳ ai là khủng bố theo UAPA, song thực tế là những người bị buộc tội thường cam kết chống đối phi bạo lực theo hình thức mà Gandhi đã khởi xướng. Những nhà lãnh đạo các phong trào phản đối gần đây, đặc biệt là các lãnh đạo sinh viên thường đi theo hình thức phi bạo lực như vậy. Ví dụ, Umar Khalid, một học giả Hồi giáo từ Đại học Jawaharlal Nehru đồng thời là một thủ lĩnh sinh viên có tầm ảnh hưởng - được cả người theo đạo Hindu và Hồi giáo đánh giá cao, đã bị bắt và bỏ tù vì bị cáo buộc là "khủng bố" trên cơ sở UAPA. Anh đã hùng hồn bày tỏ cam kết chính trị với phong trào thế tục trên cơ sở biểu tình ôn hòa.

“Chúng ta sẽ không lấy bạo lực để đáp trả bạo lực, lấy căm ghét để đáp trả căm ghét. Nếu họ gieo rắc sự căm ghét, chúng ta sẽ đáp lại bằng cách lan tỏa tình yêu thương. Nếu chúng đánh ta bằng gậy thì ta sẽ giơ cao quốc kỳ. Nếu chúng bắn đạn thì ta sẽ giơ cao Hiến Pháp.”

Như các nhà bình luận cả trong và ngoài nước đã chỉ ra, các hoạt động chính trị của Khalid và các thủ lĩnh sinh viên khác không tạo nên cơ sở nào để chính phủ kết án họ là "những kẻ khủng bố", cho dù Chính phủ có tự cấp những văn bản hay giấy phép nào để kết án và bắt giữ những lãnh đạo như Khalid vào tù.

Umar Khalid tại một cuộc biểu tình chống lại Đạo luật sửa đổi quyền công dân ở Delhi vào tháng 12. Ảnh: PTI

Chủ nghĩa chuyên chế trên toàn thế giới

Khi còn là một cậu bé đang đi học, tôi nhớ mình đã từng hỏi chú mình, người lúc đó đang bị thực dân Anh "giam giữ phòng ngừa" rằng liệu sự bất công trong việc cầm tù tùy tiện này sẽ còn kéo dài tại Ấn Độ bao lâu nữa. Lúc đó, chú đã đưa ra một câu trả lời mà chú cho là bi quan: "Cho đến khi sự cai trị của thực dân Anh kết thúc". Than ôi, thực tế là chỉ riêng việc chấm dứt sự cai trị của thực dân Anh là chưa đủ. Hôm nay, khi đọc báo, tôi thấy Chính phủ đã quyết định sẽ ngay lập tức áp dụng "giam giữ phòng ngừa" khi có chống đối xảy ra.

Vừa rồi tôi chủ yếu nhắc đến một vài nước - chẳng hạn Ấn Độ và Hoa Kỳ - để minh họa cho sự tồn tại của chế độ chuyên quyền và sự bất bình đẳng trong thế giới hiện đại, nhưng tôi có thể đã nói về nhiều quốc gia khác - ít nhất là hai mươi hay ba mươi quốc gia như vậy. Chủ nghĩa chuyên chế hay những biện minh chuyên quyền ở các nước khác nhau có thể khác nhau về chi tiết, song kết quả cuối cùng tương đồng đáng kể.

Hãy bắt đầu bằng một ví dụ tại châu Á. Ở Philipines, chính phủ cầm quyền đã coi việc sử dụng sức mạnh chuyên quyền là cần thiết nhằm ngăn chặn việc buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm khác. Quyền lực đó được sử dụng rộng rãi để giết người mà không cần xét xử.

Ở Hungary, lấy cớ ngăn chặn luồng nhập cư từ ngoài châu Âu và thiết lập trật tự, chính phủ đã nắm lấy quyền lực chyên chế nhằm kiểm soát truyền thông và bịt miệng các đảng đối lập. Tại Ba Lan, một số quyền cá nhân bị tước bỏ để ưu tiên chính sách về đàn áp người đồng tính, thậm chí bao gồm cả việc thành lập các "khu vực không LGBT".

Hãy lấy một ví dụ khác ở Mỹ La Tinh. Tại Brazil, chính phủ không khoan nhượng đương nhiệm đã lên nắm quyền bằng cách vận động tăng lương trong quân đội (đồng minh mà chính quyền cần đến) và hứa hẹn cứu rỗi đất nước khỏi những cơn ác mộng của giới bảo thủ như hôn nhân đồng tính, đồng tính luyến ái, chính sách chống phân biệt đối xử, phá thai, hợp pháp hóa chất gây nghiện hay chủ nghĩa thế tục. Thực hành chính sách chuyên quyền, dưới những cái cớ đó, rõ ràng là một việc “thập toàn đại mỹ”.

Chủ nghĩa chuyên chế áp đặt những hình phạt trực tiếp lên con người, bao gồm cả việc vi phạm quyền tự do nói chung và quyền tự do chính trị nói riêng. Nhưng trên hết, tiến bộ xã hội phụ thuộc rất nhiều vào hợp tác của con người, và việc chia cắt xã hội thông qua đàn áp các nhóm kém ưu tiên khiến cho việc hợp tác cùng tiến bộ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Tôi không có ý lập luận rằng một chế độ chuyên chế thì không mang lại tiến bộ. Đôi khi có những ngoại lệ, song nhìn chung thì sẽ có nhiều trở ngại nghiêm trọng đối với sự tiến bộ nếu việc thảo luận và phản biện quan trọng bị cấm đoán, hay lợi ích của một số nhóm người liên tục bị phớt lờ. Như Coleridge (nhà thơ, nhà triết học Anh) đã từng nói, tuy ta có thể đọc Shakespeare "dưới ánh sáng của những tia chớp", nhưng nhìn chung sẽ tốt hơn nếu ta có thể đọc dưới ánh sáng bình thường.

Ngày nay, thế giới không chỉ phải đối mặt với một đại dịch sinh học mà còn phải chống chọi với đại dịch của chủ nghĩa chuyên chế - cả hai đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. Xét đến tầm quan trọng của nhân sinh và các mối liên kết quốc tế, thì chúng ta không chỉ nên quan tâm sâu sắc đến quốc gia của mình mà còn cần quan tâm đến những quốc gia khác, những vấn đề khác trên toàn thế giới.

Năm 1963, tiến sĩ Martin Luther King Jr,  trong bức thư gửi từ trại giam Birmingham (không lâu trước khi ông bị ám sát), đã viết: "bất công ở một nơi cũng là mối đe dọa với công lý ở mọi nơi". Ngày nay, thật khó để tìm thấy một nhu cầu xã hội cấp thiết hơn là sự phản kháng toàn cầu đối với chủ nghĩa chuyên chế đang gia tăng trên khắp thế giới.

Sự phản kháng cần thiết có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng việc đọc, thảo luận và tranh biện chắc chắn là "quyền tự do sử dụng lý trí xã hội vào mọi vấn đề" như triết gia Immanuel Kant đã nói.

Chính từ những cuốn sách mà con người được truyền cảm hứng đấu tranh chống lại chuyên chế chính trị. Đối với Martin Luther King, cũng như với các lãnh đạo sinh viên trẻ ngày nay thì đó phải là một quá trình bất bạo động. Đó cũng là hành trình để hướng đến hòa bình bền vững nhất.

Xem bài phát biểu đầy đủ tại đây

Nguồn: Amartya Sen, Amartya Sen: “World is facing pandemic of authoritarianism, Scroll.in, 1/11/2020

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh