[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 3)

TỪ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ ĐẾN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC

Ở Guatemala, các thể chế chiếm đoạt tồn tại dai dẳng từ thời thuộc địa cho đến thời hiện đại với cùng một gia đình quyền thế kiểm soát. Bất kỳ sự thay đổi nào về thể chế cũng dẫn đến sự điều chỉnh thích nghi với môi trường thay đổi, như trường hợp thâu tóm đất đai của giới quyền thế được kích thích bởi thời kỳ phát triển nhanh chóng của cà phê. Các thể chế ở miền nam Hoa Kỳ cũng có tính chất chiếm đoạt tương tự mãi cho đến khi nội chiến nổ ra. Kinh tế và chính trị bị chi phối bởi giới quyền thế miền nam, các chủ sở hữu đồn điền với đất đai bạt ngàn và nô lệ đông đảo. Người nô lệ không có quyền kinh tế lẫn chính trị; quả thật, họ gần như không có bất cứ quyền hạn gì.

Các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt của miền nam làm cho vùng này nghèo hơn đáng kể so với miền bắc vào giữa thế kỷ 19. Miền nam không có hoạt động công nghiệp và đầu tư tương đối ít vào cơ sở hạ tầng. Vào năm 1860, tổng sản lượng công nghiệp của miền nam thấp hơn của Pennsylvania, New York hay Massachusetts. Chỉ có 9% dân số miền nam sống ở đô thị, so với 35% ở miền đông bắc. Mật độ đường sắt (nghĩa là số dặm đường chia cho diện tích đất) ở miền bắc cao gấp ba lần so với các bang miền nam. Mật độ kênh đào cũng tương tự.

Bản đồ 18: Chế độ nô lệ ở các địa hạt Hoa Kỳ vào năm 1840 (p. 460)

Bản đồ 18 trình bày quy mô chế độ nô lệ thể hiện qua tỷ lệ phần trăm dân số là nô lệ ở các địa hạt Hoa Kỳ vào năm 1840. Rõ ràng là chế độ nô lệ chi phối ở miền nam với một vài địa hạt như dọc theo sông Mississippi có đến 95% dân số là nô lệ. Tiếp đến, bản đồ 19 trình bày một trong những hệ lụy của điều này, tỷ lệ lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp vào năm 1880. Mặc dù những tỷ lệ này không hề cao theo tiêu chuẩn của thế kỷ 20, nhưng có sự chênh lệch rõ rệt giữa miền nam và miền bắc. Ở phần lớn miền đông bắc, hơn 10% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp. Trái lại, ở phần lớn miền nam, nhất là những vùng tập trung đông đảo nô lệ, tỷ lệ này gần như bằng không.

Bản đồ 19: Việc làm công nghiệp ở các địa hạt Hoa Kỳ vào năm 1880 (p. 461)

Miền nam thậm chí cũng không có phát minh đổi mới trong những ngành chuyên môn của họ: từ năm 1837 đến 1859, số lượng bằng phát minh được cấp mỗi năm liên quan đến ngô và lúa mì bình quân lần lượt là 12 và 10; chỉ có một bằng phát minh bình quân một năm đối với cây bông vải - loại hoa màu quan trọng nhất của miền nam. Không có biểu hiện cho thấy công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế sẽ sớm bắt đầu vào một lúc nào đó. Nhưng sự kiện miền nam bại trận trong cuộc nội chiến được tiếp nối bằng việc cải cách kinh tế và chính trị nhanh chóng. Chế độ nô lệ được bãi bỏ, và người da màu được quyền bỏ phiếu.

Những thay đổi to lớn này lẽ ra đã mở đường cho sự biến đổi triệt để của các thể chế chiếm đoạt ở miền nam thành các thể chế dung hợp, và đưa miền nam vào một lộ trình thịnh vượng kinh tế. Nhưng trong một biểu hiện khác của vòng xoáy đi xuống, không điều gì xảy ra theo chiều hướng này. Tính liên tục của các thể chế chiếm đoạt, lần này là sự kỳ thị người da màu chứ không phải chế độ nô lệ, đã xuất hiện ở miền nam. Cụm từ Jim Crow, được cho là xuất phát từ “Jump Jim Crow”, cách nói châm chọc của người da trắng về “gương mặt nhọ” của người da đen vào đầu thế kỷ 19, được sử dụng để nói tới toàn bộ những chính sách phân biệt chủng tộc đã được ban hành ở miền nam sau năm 1865. Những chính sách này tồn tại dai dẳng thêm một thế kỷ nữa, cho đến khi lại có một cuộc chính biến lớn khác xảy ra: phong trào dân quyền. Trong thời gian đó, người da màu tiếp tục bị đàn áp và tước quyền. Hoạt động nông nghiệp theo kiểu đồn điền dựa vào lao động không có trình độ học vấn và tiền lương thấp tiếp tục tồn tại và thu nhập ở miền nam giảm tương đối so với mức bình quân của nước Mỹ. Vòng xoáy đi xuống của các thể chế chiếm đoạt lúc bấy giờ trở nên mạnh hơn so với sự hình dung của nhiều người.

Lý do khiến quỹ đạo kinh tế và chính trị của miền nam không bao giờ thay đổi, cho dù chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ và người da màu đã được trao quyền bầu cử, là bởi vì sức mạnh chính trị và sự độc lập kinh tế của người da màu rất mỏng manh. Các chủ đồn điền miền nam đã thua trong thời chiến nhưng đã thắng trong thời bình. Họ vẫn có tổ chức và vẫn sở hữu đất đai. Trong chiến tranh, người ta hứa sẽ cấp cho những người nô lệ được trả tự do 40 mẫu đất và một con la khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, và một số người thật sự đã nhận được trong chiến dịch nổi tiếng của tướng William T. Sherman. Nhưng đến năm 1865, tổng thống Andrew Johnson thu hồi lệnh của Sherman và việc tái phân phối đất hằng trông đợi không bao giờ xảy ra. Trong một cuộc tranh luận về vấn đề này trong Quốc hội, nghị sĩ George Washington Julian đã biết trước điều này: “Một đạo luật Quốc hội bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ liệu có giúp ích được gì không nếu như nền tảng nông nghiệp trước đây của giới quyền thế quý tộc vẫn còn nguyên?” Đây là điểm khởi đầu của “thời kỳ cứu rỗi” của miền nam trước đây và sự tồn tại dai dẳng của giới quyền thế có đất ở miền nam.

Nhà xã hội học Jonathan Wiener nghiên cứu sự tồn tại dai dẳng của giới quyền thế chủ đồn điền ở năm địa hạt thuộc vùng trồng bông Black Belt ở nam Alabama. Tìm hiểu các gia đình từ điều tra dân số Hoa Kỳ và xem xét những gia đình có bất động sản trị giá ít nhất 10 nghìn USD, ông nhận thấy rằng trong số 236 thành viên của giới quyền thế chủ đồn điền vào năm 1850, có đến 101 thành viên vẫn duy trì vị thế của họ vào năm 1870. Điều thú vị là, tỷ lệ tồn tại dai dẳng này rất giống với tỷ lệ của thời kỳ trước nội chiến; trong số 236 gia đình chủ đồn điền giàu có nhất vào năm 1850, vẫn có 110 gia đình giữ nguyên hiện trạng sau một thập niên. Tuy nhiên, trong số 25 chủ đồn điền sở hữu đất đai rộng lớn nhất vào năm 1870, có 18 gia đình (72%) từng là những gia đình quyền thế vào năm 1860; có 16 gia đình từng thuộc nhóm quyền thế vào năm 1850. Trong khi hơn 600 nghìn người bị giết trong cuộc nội chiến, giới quyền thế chủ đồn điền chỉ gánh chịu thương vong không đáng kể. Luật lệ, được soạn thảo bởi các chủ đồn điền và dành cho các chủ đồn điền, quy định rằng chủ nô lệ có 20 nô lệ thì được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi hàng trăm nghìn người chết để bảo vệ nền kinh tế đồn điền miền nam, nhiều chủ nô lệ lớn và con cái họ vẫn đứng trên sân nhà, bên ngoài cuộc chiến và có thể bảo đảm sự tồn tại dai dẳng của nền kinh tế đồn điền.

Sau khi chiến tranh kết thúc, các chủ đồn điền quyền thế kiểm soát đất đai có thể tái lập sự kiểm soát của họ đối với lực lượng lao động. Mặc dù thể chế kinh tế về chế độ nô lệ đã được bãi bỏ, bằng chứng cho thấy sự tồn tại dai dẳng rõ ràng trong hệ thống kinh tế miền nam dựa vào hoạt động nông nghiệp theo kiểu đồn điền với lao động rẻ mạt. Hệ thống kinh tế này được duy trì thông qua nhiều kênh, bao gồm sự kiểm soát chính trị địa phương và việc sử dụng vũ lực. Hậu quả là, theo cách nói của học giả người Mỹ gốc Phi W.E.B Du Bois, miền nam trở thành “đơn thuần là một doanh trại có vũ trang để đe dọa người da màu”.

Năm 1865, lập pháp bang Alabama thông qua Luật Người da màu, một dấu mốc quan trọng hướng tới sự đàn áp lao động da màu. Tương tự như Nghị định 177 ở Guatemala, Luật Người da màu của bang Alabama bao gồm một luật về người không có việc làm thường xuyên và một luật chống lại việc “dụ dỗ” người lao động. Luật được soạn thảo để cấm cản việc lưu chuyển lao động và làm giảm cạnh tranh trên thị trường lao động, đồng thời bảo đảm rằng các chủ đồn điền miền nam vẫn có lao động rẻ mạt một cách đáng tin cậy.

Sau nội chiến là một thời kỳ được gọi là thời kỳ Tái thiết kéo dài từ năm 1865 đến 1877. Các chính khách miền bắc, với sự giúp đỡ của Quân đội Liên minh, thảo ra một số thay đổi xã hội cho miền nam. Nhưng phản ứng mạnh mẽ có hệ thống từ giới quyền thế miền nam dưới chiêu bài hỗ trợ “Những người cứu rỗi” tìm cách cứu giúp miền nam, đã tái lập hệ thống cũ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1877, Rutherford Hayes cần sự ủng hộ của miền nam trong cử tri đoàn. Cử tri đoàn này, vẫn còn sử dụng ngày nay, là trọng tâm của việc bầu cử tổng thống gián tiếp theo quy định của Quốc hội. Người dân không trực tiếp bầu ra tổng thống, mà thay vì thế, họ bầu ra các đại cử tri trong cử tri đoàn để thay mặt họ bầu tổng thống. Để đổi lấy sự ủng hộ của họ trong cử tri đoàn, người miền nam yêu cầu binh lính Liên minh phải rút khỏi miền nam và để mặc cho họ tự xoay sở lo liệu lấy. Hayes đồng ý. Với sự ủng hộ của miền nam, Hayes trở thành tổng thống và rút quân khỏi miền nam. Thời kỳ sau năm 1877 được xem là sự hồi sinh thật sự của giới quyền thế chủ đồn điền miền nam sau nội chiến. Sự cứu rỗi miền nam liên quan đến việc ban hành các loại thuế thân mới và việc kiểm tra trình độ biết chữ để được đi bầu, mà điều này thực chất là tước quyền bầu cử một cách có hệ thống đối với người da màu và ngay cả người da trắng nghèo. Các nỗ lực này đã thành công và tạo ra một chế độ đơn đảng dưới thời Đảng Dân chủ, với phần lớn quyền lực chính trị rơi vào tay giới quyền thế chủ đồn điền.

Các đạo luật phân biệt chủng tộc tạo ra những trường học riêng biệt và có thể dự đoán là kém đẳng cấp hơn. Ví dụ như bang Alabama đã soạn thảo lại hiến pháp bang vào năm 1901 để đạt được điều này. Sửng sốt hơn, thậm chí đến ngày nay điều 256 của hiến pháp bang Alabama, tuy không còn thực thi, vẫn cứ quy định:

Nhiệm vụ lập pháp để thiết lập và duy trì hệ thống trường công lập; phân bổ ngân sách giáo dục công lập; các trường học tách riêng cho con em người da trắng và da màu.

Ngành lập pháp sẽ thiết lập, tổ chức và duy trì một hệ thống trường công lập tự do trên khắp bang vì quyền lợi của trẻ em ở đó trong độ tuổi từ 7 đến 21. Ngân sách giáo dục công lập sẽ được phân bổ cho một số địa hạt tỷ lệ với số lượng học sinh trong độ tuổi đi học, và sẽ phân bổ cho những trường trong quận hay thị trấn thuộc các địa hạt để tổ chức các học kỳ có cùng thời gian ở các khu vực và thị trấn, như có thể thực hiện. Các trường học riêng biệt phải được tổ chức cho trẻ em da trắng và da màu, và không trẻ em nào thuộc sắc tộc này được nhận vào trường thuộc sắc tộc khác.

Việc sửa đổi luật để xóa bỏ điều 256 trong hiến pháp bị thua sít sao trong hoạt động lập pháp bang vào năm 2004.

Việc tước quyền công dân, các luật về người không có việc làm thường xuyên như Luật Người da màu của bang Alabama, các luật phân biệt chủng tộc khác nhau, và hành động của tổ chức Ku Klux Klan, thường được giới quyền thế tài trợ và ủng hộ, đã biến miền nam thời kỳ sau nội chiến thành một xã hội phân biệt chủng tộc hữu hiệu, trong đó cuộc sống của người da màu và người da trắng rất khác nhau. Cũng như ở Nam Phi, các luật lệ và thông lệ này nhằm mục đích kiểm soát dân số và lao động da màu.

Các chính khách miền nam ở Washington cũng hoạt động nhằm bảo đảm rằng các thể chế chiếm đoạt của miền nam có thể tồn tại dai dẳng. Ví dụ như, họ bảo đảm sao cho không thể thông qua bất kỳ một dự án liên bang hay công trình công cộng nào đe dọa sự kiểm soát của giới quyền thế miền nam đối với lực lượng lao động da màu. Vì thế, miền nam bước vào thế kỷ 20 như một xã hội nông thôn với trình độ học vấn thấp và công nghệ lạc hậu, vẫn tuyển dụng lao động thủ công và sử dụng sức la mà gần như không có sự hỗ trợ của máy móc cơ giới. Mặc dù tỷ lệ dân số thành thị có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với ở miền bắc. Ví dụ như vào năm 1900, chỉ có 13,5% dân số miền nam được đô thị hóa, so với 60% ở miền đông bắc.

Nhìn chung, các thể chế chiếm đoạt ở miền nam Hoa Kỳ, dựa vào quyền lực của giới quyền thế có đất, nông nghiệp đồn điền và lao động trình độ thấp với tiền lương rẻ mạt, tồn tại dai dẳng sang thế kỷ 20. Các thể chế này chỉ bắt đầu sụp đổ sau Thế chiến thứ hai rồi thật sự sụp đổ sau khi phong trào dân quyền phá hủy nền tảng chính trị của hệ thống. Và chỉ sau khi các thể chế này cáo chung vào thập niên 1950 và 1960 thì miền nam mới bắt đầu quá trình hội tụ nhanh chóng với miền bắc.

Miền nam Hoa Kỳ cho thấy một khía cạnh khác, có sức bền hơn của vòng xoáy đi xuống: cũng như ở Guatemala, giới quyền thế chủ đồn điền miền nam duy trì quyền lực và cơ cấu lại các thể chế kinh tế và chính trị nhằm bảo đảm tính liên tục quyền lực của họ. Nhưng khác với Guatemala, họ đứng trước những thách thức đáng kể sau khi bị đánh bại trong cuộc nội chiến, giúp bãi bỏ chế độ nô lệ và chấm dứt việc cấm đoán người da màu tham gia chính trị theo hiến pháp. Nhưng thua keo này bày keo khác, miễn là giới quyền thế chủ đồn điền vẫn còn kiểm soát diện tích đất đai bạt ngàn và vẫn còn có tổ chức, họ vẫn có thể xây dựng một hệ thống thể chế mới, các chính sách phân biệt chủng tộc thay cho chế độ nô lệ để đạt được cùng một mục tiêu. Vòng xoáy đi xuống hóa ra mạnh hơn so với nhiều người, trong đó có Abraham Lincoln, vẫn tưởng. Vòng xoáy đi xuống là dựa vào các thể chế chính trị chiếm đoạt tạo ra các thể chế kinh tế chiếm đoạt, rồi đến lượt chúng sẽ nâng đỡ cho các thể chế chính trị, vì của cải và quyền lực kinh tế sẽ mua được quyền lực chính trị. Không còn quy định về 40 mẫu đất và một con la, quyền lực kinh tế của giới quyền thế chủ đồn điền miền nam vẫn không suy suyển. Thật đáng tiếc và không có gì đáng ngạc nhiên, ý nghĩa đối với người dân da màu ở miền nam và sự phát triển kinh tế của miền nam vẫn như cũ.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh