[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương V:

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương V: "Tôi đã nhìn thấy tương lai, và nó đang chạy tốt" - Tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt (Phần 3)

SỰ CHIẾM ĐOẠT KHÔNG ỔN ĐỊNH

Hoạt động canh tác xuất hiện một cách độc lập ở một vài nơi trên thế giới. Ở nơi hiện nay là đất nước Mexico hiện đại, các xã hội hình thành đã thiết lập nhà nước và các vùng định cư rồi chuyển sang hoạt động nông nghiệp. Hệt như với người Natufian ở Trung Đông, họ cũng đạt được một mức độ tăng trưởng kinh tế nhất định. Các thành bang Maya ở miền nam Mexico, Belize, Guatemala và Tây Honduras trên thực tế đã xây dựng được một nền văn minh khá tinh tế trong các thể chế chiếm đoạt riêng của họ. Kinh nghiệm Maya không chỉ minh họa khả năng tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt mà còn cho thấy một giới hạn cơ bản khác đối với kiểu tăng trưởng này: bất ổn chính trị nổi lên và cuối cùng dẫn đến sụp đổ cả xã hội lẫn nhà nước khi các nhóm khác nhau và dân chúng tranh giành để trở thành kẻ chiếm đoạt.

Các thành phố Maya bắt đầu phát triển vào khoảng năm 500 TCN. Những thành phố đầu tiên này cuối cùng đã lụi tàn vào khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên (SCN). Khi ấy, một mô hình chính trị mới ra đời, đặt nền móng cho thời kỳ cổ đại từ năm 250 đến 900 SCN. Thời kỳ này đánh dấu sự nở rộ của nền văn hóa và văn minh Maya. Nhưng nền văn minh tinh xảo hơn này rồi cũng sụp đổ theo dòng thời gian 600 năm sau. Cho đến lúc những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha xuất hiện vào đầu thế kỷ 16, các đền đài và thành quách vĩ đại của phần lớn khu vực người Maya như Tikal, Palenque và Calakmul xa mờ dần trong rừng thẳm, không được phục hồi mãi cho đến thế kỷ 19.

Các thành phố Maya chưa bao giờ thống nhất thành một đế chế, tuy nhiên một vài thành phố vẫn thuần phục những thành phố khác, và xem ra họ thường hợp tác với nhau, nhất là trong chiến tranh. Mối liên hệ chính giữa các thành bang trong khu vực, mà chúng ta có thể nhận ra 50 thành bang trong số đó thông qua ký tự riêng của họ, thể hiện qua việc dân chúng nói khoảng 31 ngôn ngữ Maya tuy khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau. Người Maya phát triển một hệ thống chữ viết, và có ít nhất 15 nghìn di cảo bút tích của họ còn để lại, mô tả nhiều khía cạnh trong cuộc sống giới quyền thế và của nền văn hóa cũng như tôn giáo. Họ cũng có lịch pháp tinh vi để tính ngày tháng, được gọi là lịch Long Count. Nó rất giống với lịch của chúng ta ngày nay ở chỗ năm được bắt đầu bằng một ngày cố định, và lịch này được tất cả các thành phố Maya sử dụng. Lịch Long Count bắt đầu vào năm 3114 TCN, dù vậy, ta không biết tầm quan trọng người Maya gán cho năm này là gì, vốn rất xa xưa trước khi xuất hiện bất kỳ xã hội nào tương tự như xã hội Maya.

Người Maya là những người thợ xây dựng khéo léo đã độc lập phát minh ra xi-măng. Các công trình kiến trúc và bút tích của họ cung cấp những thông tin quan trọng về quỹ đạo của các thành phố Maya, vì họ thường ghi lại các sự kiện theo niên đại căn cứ theo lịch Long Count. Tìm hiểu tất cả các thành phố Maya, các nhà khảo cổ có thể đếm xem có bao nhiêu công trình kiến trúc đã được hoàn thành vào những năm cụ thể. Chỉ có một vài đài kỷ niệm ghi niên đại ứng với năm 500 SCN. Ví dụ, năm theo lịch Long Count tương ứng với năm 514 SCN chỉ có 10 công trình kỷ niệm. Sau đó số lượng tăng dần, lên đến 20 đài kỷ niệm vào năm 672 SCN và 40 vào giữa thế kỷ thứ 8. Sau đó, số lượng đài kỷ niệm có ghi niên đại giảm mạnh. Cho đến thế kỷ thứ 9, chỉ còn 10 đài kỷ niệm mỗi năm, và đến thế kỷ thứ 10 thì không có đài kỷ niệm nào. Các bút tích ngày tháng này cho ta một bức tranh rõ ràng về sự bành trướng rồi suy sụp dần của các thành phố Maya từ cuối thế kỷ thứ 8.

Việc phân tích theo niên đại này có thể được bổ trợ thông qua việc xem xét danh sách các vị vua Maya được ghi lại trong lịch sử. Ở thành phố Maya Copán, hiện là Tây Honduras, có một đài kỷ niệm nổi tiếng được gọi là Điện thờ Q. Điện thờ Q ghi lại danh tính tất cả các vì vua, bắt đầu từ người sáng lập triều đại K’inich Yax K’uk’ Mo’, hay “Hoàng đế Thanh Nhật Đệ Nhất Quetzal Macaw”, với tước hiệu không chỉ được đặt theo mặt trời, mà còn theo tên hai loài chim xinh đẹp ở các khu rừng Trung Mỹ có lông sặc sỡ rất được người Maya ưa chuộng (quetzal là chim đuôi seo và macaw là vẹt đuôi dài). K’inich Yax K’uk’ Mo’ lên ngôi ở Copán vào năm 426 SCN, mà chúng ta biết được là nhờ vào ngày Long Count ghi trên Điện thờ Q. Ông sáng lập ra triều đại trị vì trong 400 năm. Một số người kế nhiệm của K’inich Yax cũng có tước hiệu sinh động tương tự. Tước hiệu của hoàng đế thứ 13 dịch ra là “18 Con Thỏ” tiếp đến là “Khỉ Bốc Khói” (Smoke Monkey) rồi đến “Vỏ Sò Bốc Khói” (Smoke Shell) qua đời vào năm 763 SCN. Tước hiệu cuối cùng trên Điện thờ này là Vua Yax Pasaj Chan Yoaat, hay “Thần Chiếu Sáng Bầu Trời Bình Minh Đệ Nhất,” người cai trị thứ 16 của triều đại này và lên ngôi sau khi vua Vỏ Sò Bốc Khói băng hà. Sau ông, chúng ta chỉ biết một vị vua nữa, Ukit Took (“Thần Hộ Mệnh Sắt Đá”), từ một mảnh vỡ của một điện thờ khác. Sau Yak Pasaj, các công trình kiến trúc và bút tích dừng lại, và xem ra triều đại này ngay sau đó đã bị lật đổ. Thậm chí Ukit Took có lẽ cũng không phải là người lên ngôi thực tế mà chỉ là kẻ tranh quyền đoạt vị.

Còn có một cách cuối cùng để xem xét các bằng chứng này ở Copán, do các nhà khảo cổ Ann Corinne Freter, Nancy Gonlin và David Webster thực hiện. Các nhà nghiên cứu này vẽ lại quá trình vươn lên rồi lụi tàn của Copán thông qua việc xem xét sự mở rộng vùng định cư ở thung lũng Copán trong khoảng thời gian 850 năm, từ năm 400 đến 1250 SCN, sử dụng một kỹ thuật gọi là hyđrát hóa đá khoáng obsidian vào ngày khai thác. Sau khi khai thác, hàm lượng nước tăng theo một tỷ lệ đã biết, cho phép các nhà khảo cổ tính được ngày khai thác mảnh đá obsidian. Sau đó, Freter, Gonlin và Webster có thể vẽ lại những nơi tìm thấy các mảnh đá ở thung lũng Copán và theo dõi cách thức thành phố được mở rộng rồi thu hẹp như thế nào. Vì người ta có thể dự đoán một cách hợp lý về số lượng nhà ở và vật kiến trúc trong một khu vực cụ thể, nên từ đó có thể ước lượng được tổng dân số của thành phố. Trong giai đoạn từ năm 400-447 SCN, dân số không đáng kể, ước lượng vào khoảng 600 người. Dân số tăng dần đạt đỉnh cao 28 nghìn người vào giai đoạn 750-799 SCN. Cho dù con số này không phải là lớn theo các tiêu chuẩn đô thị hiện đại, nhưng là dân số khổng lồ thời bấy giờ. Những con số này cho biết vào thời kỳ này, Copán có dân số đông hơn cả Luân Đôn và Paris. Các thành phố Maya khác như Tikal và Calakmul rõ ràng còn lớn hơn nhiều. Phù hợp với bằng chứng từ niên đại Long Count, dân số Copán đạt đỉnh điểm vào năm 800 SCN. Sau thời điểm này, dân số bắt đầu giảm, và đến năm 900 SCN còn lại khoảng 15 nghìn người. Từ đó dân số tiếp tục giảm, và đến năm 1200 SCN, quay về mức của 800 năm trước đó.

Nền tảng phát triển kinh tế của Maya thời cổ đại cũng giống như của Bushong và người Natufian: sự thành lập các thể chế chiếm đoạt với mức độ tập trung hóa nhà nước nhất định. Các thể chế này có một vài yếu tố chủ chốt. Khoảng năm 100 SCN, ở thành phố Tikal thuộc Guatemala, một triều đại mới ra đời. Tầng lớp cai trị dựa vào ajaw (chúa tể hay nhà cai trị) bắt đầu bén rễ với một vì vua được gọi là k’uhul ajaw (chúa tể thiêng liêng), và bên dưới ông là tầng lớp quý tộc. Chúa tể thiêng liêng tổ chức xã hội với sự hợp tác của giới quyền thế đồng thời giao lưu với thần thánh. Như những gì ta biết, hệ thống thể chế chính trị mới này không cho phép bất kỳ sự tham gia nào của quần chúng, nhưng vẫn mang lại sự ổn định. K'uhui ajaw thu nạp lễ vật từ nông dân và người lao động có tổ chức để xây dựng những đền đài hoành tráng, và việc củng cố các thể chế này đặt nền móng cho sự mở rộng kinh tế đầy ấn tượng. Nền kinh tế Maya dựa vào chuyên môn hóa nghề nghiệp sâu rộng, bao gồm những thợ gốm tinh xảo, thợ dệt, thợ mộc và những người chế tác công cụ và đồ trang sức. Họ cũng mua bán đá khoáng obsidian, da báo, vỏ ốc biển, ca-cao, muối, da thuộc giữa họ và các chính thể khác ở Mexico. Có lẽ họ cũng có tiền, và sử dụng hạt ca-cao làm đơn vị tiền tệ như người Aztec.

Cách xây dựng nền văn minh Maya thời cổ đại dựa trên việc thiết lập các thể chế chính trị chiếm đoạt hết sức giống với tình huống của người Bushong, trong đó Yax Ehb’ Xook ở Tikal đóng vai trò tương tự như vua Shyaam. Các thể chế chính trị mới dẫn đến sự gia tăng đáng kể thịnh vượng kinh tế, mà phần lớn bị chiếm đoạt bởi giới quyền thế mới xung quanh k’uhul ajaw. Tuy nhiên, sau khi hệ thống này được củng cố vào khoảng năm 300 SCN, gần như không có thay đổi công nghệ sâu hơn nữa. Cho dù có ít nhiều bằng chứng về cải tiến thủy lợi và các kỹ thuật quản lý nước, công nghệ nông nghiệp vẫn thô sơ và xem ra không thay đổi. Các kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trở nên tinh xảo hơn nhiều theo thời gian, nhưng nhìn chung không có nhiều đổi mới.

Không có sự phá hủy sáng tạo. Nhưng có những hình thức khác của sự phá hủy khi của cải mà các thể chế chiếm đoạt tạo ra cho k’uhul ajaw và giới quyền thế Maya dẫn đến chiến tranh liên miên mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hậu quả của xung đột được ghi lại trong di cảo của người Maya, với những ký tự đặc biệt cho thấy chiến tranh đã xảy ra vào một ngày cụ thể theo lịch Long Count. Hành tinh Venus (sao Kim) là thần chiến tranh và người Maya cho rằng một số thời kỳ nhất định trong quỹ đạo hành tinh này là điềm báo đặc biệt thuận lợi để tiến hành chiến tranh. Hình tượng biểu thị chiến tranh của người Maya, được các nhà khảo cổ gọi là “cuộc chiến giữa các vì sao”, có hình một ngôi sao đổ xuống trái đất một chất lỏng trông như nước hay máu. Bút tích của người Maya cũng cho biết mô thức của các liên minh hay kình địch. Đã có những trận chiến kéo dài để tranh giành quyền lực giữa những nước lớn hơn như Tikal, Calakmul, Copán và Palenque, và họ đã thuần phục những nước nhỏ hơn trở thành các nước chư hầu. Bằng chứng về điều này xuất phát từ các hình tượng đánh dấu những buổi thiết triều. Trong thời kỳ này, những hình tượng này bắt đầu cho thấy các nước nhỏ hơn giờ đây bị chi phối bởi những kẻ cai trị khác từ bên ngoài.

Bản đồ 10 biểu thị các thành phố Maya chính và diễn biến quan hệ giữa họ qua sự tái hiện của các nhà khảo cổ Nikolai Grube và Simon Martin. Diễn biến này cho thấy, cho dù các thành phố lớn như Calakmul, Dos Pilas, Pedras Negras và Yaxchilan đã có các quan hệ ngoại giao sâu rộng, một số thường bị chi phối bởi những thành phố khác và họ cũng giao tranh lẫn nhau.

Bản đồ 10: Các thành bang Maya, quan hệ và xung đột giữa các thành phố

Sự kiện nổi bật về sự sụp đổ của Maya là nó trùng hợp với sự lật đổ mô hình chính trị dựa vào k’uhul ajaw. Chúng ta đã thấy rằng ở Copán sau khi vua Yax Pasaj băng hà vào năm 810 SCN, nơi đây không có thêm vị vua nào nữa. Vào khoảng thời gian này, các lâu đài hoàng tộc bị bỏ phế. Ở thành phố Quiriguá cách Copán 20 dặm về phía bắc, vị hoàng đế cuối cùng tên là Bầu trời Ngọc bích (Jade Sky) trị vì từ năm 795 đến 800 SCN. Đài kỷ niệm cuối cùng có ghi niên đại là từ năm 810 SCN theo lịch Long Count, cùng năm vua Yax Pasaj băng hà. Điều tương tự cũng xảy ra trên khắp lãnh thổ Maya; các thể chế chính trị tạo thành bối cảnh cho sự mở mang thương mại, nông nghiệp và dân số đã lụi tàn. Không còn những buổi thiết triều, không còn chạm khắc đền đài, và cung điện trở nên hoang phế. Khi các thể chế chính trị và kinh tế bị xổ tung, quá trình tập trung hóa nhà nước bị đảo ngược, nền kinh tế thu hẹp dần và dân số giảm sút.

Trong một số trường hợp, các trung tâm lớn sụp đổ do bạo động lan rộng. Vùng Petexbatun thuộc Guatemala - nơi những đền đài vĩ đại bị kéo sập để lấy gạch đá xây dựng những bức tường phòng thủ lớn - cho ta một ví dụ sinh động. Như ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, điều này cũng tương tự như những gì xảy ra ở Đế quốc La Mã về sau. Sau này, ngay cả những nơi như Copán, nơi có ít dấu hiệu bạo loạn hơn vào thời điểm sụp đổ, nhiều đài tưởng niệm cũng bị xóa nhòa hay phá hủy. Ở một vài nơi, giới quyền thế vẫn tồn tại thậm chí sau khi k’uhul ajaw bị lật đổ lần đầu. Ở Copán, có bằng chứng cho thấy giới quyền thế tiếp tục dựng lên các công trình kiến trúc mới ít nhất thêm 200 năm nữa trước khi họ cũng biến mất. Giới quyền thế ở những nơi khác dường như đã ra đi cùng thời điểm với chúa tể thiêng liêng.

Bằng chứng khảo cổ hiện hữu không cho phép ta đi đến một kết luận dứt khoát về lý do khiến k'uhul ajaw cùng giới quyền thế xung quanh ông bị lật đổ và những thể chế từng tạo ra nền văn minh Maya cổ đại bị lụi tàn. Chúng ta biết điều này diễn ra trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc giữa các thành phố, và xem ra có thể là sự chống đối và nổi dậy trong nội bộ thành phố, có lẽ được lãnh đạo bởi các thành phần khác nhau của giới quyền thế, đã lật đổ thể chế.

Cho dù các thể chế chiếm đoạt mà người Maya thiết lập đã tạo ra của cải đủ để các thành phố phát triển một cách thịnh vượng và giới quyền thế trở nên giàu có, đồng thời xây dựng các đền đài hoành tráng và nghệ thuật vĩ đại, hệ thống này không ổn định. Giới quyền thế đã cai trị dựa trên các thể chế chiếm đoạt, dẫn đến tình trạng cách biệt giàu nghèo sâu sắc và tiềm năng xâu xé nội bộ giữa những người có thể hưởng lợi nhờ vào của cải chiếm đoạt từ dân chúng. Sự xung đột này đã đưa nền văn minh Maya đến chỗ lụi tàn.

ĐIỀU GÌ ĐÃ TRỞ NÊN SAI LẦM?

Các thể chế chiếm đoạt phổ biến trong lịch sử vì chúng có một lôgic vững chắc: chúng có thể tạo ra sự thịnh vượng có giới hạn, đồng thời phân phối sự thịnh vượng đó vào tay giới quyền thế thiểu số. Để sự tăng trưởng này diễn ra, phải có sự tập trung hóa chính trị. Một khi đã đạt được tập trung hóa chính trị, nhà nước - hay giới quyền thế kiểm soát nhà nước - thường có động cơ đầu tư và tạo ra của cải, khuyến khích những người khác đầu tư để nhà nước có thể chiếm đoạt nguồn lực từ họ, và thậm chí bắt chước một vài quá trình vận động thông thường thông qua các thị trường và các thể chế kinh tế dung hợp. Trong các nền kinh tế đồn điền Caribê, các thể chế chiếm đoạt có hình thức của giới quyền thế sử dụng vũ lực để cưỡng bức lao động sản xuất đường. Ở Liên Xô, các thể chế này biểu thị qua việc phân bổ nguồn lực từ nông nghiệp sang công nghiệp và bố trí một kiểu động cơ khuyến khích đối với các nhà quản lý và người lao động. Như chúng ta đã thấy, những động cơ này bị xói mòn bởi chính bản chất của hệ thống.

Tiềm năng tạo ra tăng trưởng chiếm đoạt mang lại động lực cho sự tập trung hóa chính trị và là lý do khiến vua Shyaam mong muốn thành lập Vương quốc Kuba, và có thể giải thích lý do khiến người Natufian ở Trung Đông thiết lập một hình thức sơ khai của luật pháp, trật tự, tôn ti và các thể chế chiếm đoạt cuối cùng dẫn đến cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới. Các quá trình tương tự cũng có thể làm cơ sở cho sự xuất hiện của các xã hội định cư và chuyển sang hoạt động nông nghiệp ở châu Mỹ và có thể được nhận thấy qua nền văn minh tinh xảo mà người Maya xây dựng trên nền tảng hình thành từ các thể chế chiếm đoạt cao độ, cưỡng bức đa số dân chúng vì lợi ích của giới quyền thế thiểu số.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng được tạo ra bởi các thể chế chiếm đoạt có bản chất khác với sự tăng trưởng trong các thể chế dung hợp. Quan trọng hơn cả là nó không bền vững. Theo đúng bản chất, các thể chế chiếm đoạt không thúc đẩy sự phá hủy sáng tạo, và trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ tạo ra sự tiến bộ công nghệ có hạn. Vì thế, sự tăng trưởng do các thể chế chiếm đoạt tạo ra chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Kinh nghiệm Xô viết cho ta một ví dụ minh họa sống động về giới hạn này. Liên Xô đã tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng khi họ nhanh chóng bắt kịp một số công nghệ tiên tiến trên thế giới, và nguồn lực được phân bổ từ nông nghiệp vô cùng kém hiệu quả sang công nghiệp. Nhưng cuối cùng, các động cơ khuyến khích trong mỗi lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghiệp, đều không thể kích thích tiến bộ công nghệ. Tiến bộ công nghệ chỉ diễn ra trong những mảng hoạt động được rót nguồn lực và sự phát minh đổi mới được ban thưởng mạnh mẽ do vai trò của nó trong sự cạnh tranh với phương Tây. Sự tăng trưởng của Liên Xô, cho dù nhanh đến mức nào, cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và cuối cùng kiệt sức vào thập niên 1970.

Thiếu sự phá hủy sáng tạo và phát minh đổi mới không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến giới hạn tăng trưởng nghiêm trọng trong các thể chế chiếm đoạt. Lịch sử các thành bang Maya minh họa cho một kết cục xấu, và than ôi, phổ biến hơn, một lần nữa bộc lộ qua lôgic nội tại của các thể chế chiếm đoạt. Khi các thể chế này tạo ra lợi lộc to lớn cho giới quyền thế, sẽ có động cơ mãnh liệt thôi thúc những người khác tranh đấu để chiếm chỗ của giới quyền thế hiện hành. Vì thế, xâu xé nội bộ và bất ổn là hai đặc điểm cố hữu của các thể chế chiếm đoạt, và chúng không chỉ gây ra tình trạng kém hiệu quả hơn nữa mà còn đảo ngược sự tập trung hóa chính trị, thậm chí đôi khi còn dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn luật pháp và trật tự, rơi vào hỗn loạn, như các thành bang Maya đã từng trải qua sau thành công tương đối của họ thời cổ đại.

Cho dù vốn dĩ có hạn, tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt xem ra vẫn phi thường khi chúng đang vận động. Nhiều người ở Liên Xô và còn nhiều người hơn nữa trong thế giới phương Tây từng kính sợ trước sự tăng trưởng của đất nước Xô viết trong những thập niên 1920 đến thập niên 1960 và thậm chí đến cuối những năm 1970, theo cùng một cách thức như họ đã bị mê hoặc bởi nhịp độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh của Trung Quốc ngày nay. Nhưng như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn trong chương 15, Trung Quốc là một ví dụ khác về xã hội đang tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt, và một cách tương tự, không chắc có thể tạo ra tăng trưởng bền vững trừ khi đất nước thực hiện sự chuyển đổi chính trị cơ bản hướng tới các thể chế chính trị dung hợp.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh