[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VIII: Ở Hoa Kỳ, điều gì làm giảm bớt sự độc tài của phe đa số (Phần 2)
BỒI THẨM ĐOÀN Ở HOA KÌ ĐƯỢC COI NHƯ MỘT THIẾT CHẾ CHÍNH TRỊ
Bồi thẩm đoàn, một trong những phương thức chủ quyền của nhân dân, cũng phải được đặt trong mối tương quan với các bộ luật khác xác lập cái chủ quyền ấy. − Thành phần bồi thẩm đoàn ở Hoa Kì. − Tác động của bồi thẩm đoàn đến tính cách dân tộc. − Nền giáo dục mang lại cho nhân dân. − Làm cách gì để tạo ra ảnh hưởng của các pháp quan và mở rộng tinh thần luật pháp.
Một cách tự nhiên, đề tài dẫn tôi đến chỗ phải nói tới nền tư pháp ở Hoa Kì, nên tôi sẽ chẳng từ bỏ chủ đề này mà lại không nói gì hết về bồi thẩm đoàn.
Cần phân biệt hai điều ở bồi thẩm đoàn: đó là một thiết chế tư pháp và một thiết chế chính trị.
Nếu cần biết bồi thẩm đoàn, và nhất là bồi thẩm đoàn các vấn đề dân sự, phục vụ ra sao cho việc quản lí tốt nền tư pháp, tôi sẽ phải thú nhận là chúng ta có thể không thấy được sự ích lợi của tổ chức đó.
Tổ chức bồi thẩm đoàn ra đời trong một xã hội chưa tiến bộ lắm, khi đó người ta chỉ đưa ra toà án những chuyện đơn giản đã xảy ra rồi. Và việc làm cho tổ chức đó thích nghi với một quốc gia rất văn minh, khi các mối quan hệ người với người đã đặc biệt gia tăng và mang tính bác học và trí tuệ, thì đó chẳng phải là việc gì dễ dàng.
Lúc này đây, mục tiêu chính của tôi là hình dung phương diện chính trị của bồi thẩm đoàn; nếu đi theo con đường khác hẳn sẽ khiến tôi đi chệch khỏi đề tài mình đang xét. Còn về việc xem xét bồi thẩm đoàn như là phương tiện tư pháp, thì tôi chỉ nói đôi ba lời là đủ. Khi người Anh tiếp thu tổ chức bồi thẩm đoàn, lúc đó họ còn là một quốc gia bán khai; kể từ đó Anh đã trở thành một quốc gia sáng láng nhất địa cầu; và sự gắn bó của họ với hình thức bồi thẩm đoàn có vẻ như cũng gia tăng cùng với sự sáng láng của họ. Họ đã thoát ra khỏi lãnh thổ, và ta chứng kiến họ ngang dọc khắp bốn phương trời đất này: có những người lập ra các khẩn địa, có những người khác lập ra các quốc gia độc lập; đất nước chung vẫn giữ lại một ông vua, song vô số người di dân Anh lại đã lập ra những nước cộng hoà mạnh mẽ; nhưng ở đâu thì người Anh cũng đều suy tôn tổ chức bồi thẩm đoàn. Họ lập ra bồi thẩm đoàn khắp nơi, hoặc là họ vội vã thiết lập lại nó. Một thiết chế pháp lí được một quốc gia vĩ đại bỏ phiếu tán thành trong bấy nhiêu thế kỉ liên tiếp, lại được người ta nhiệt tình lập lại trong mọi thời kì của nền văn minh, dưới mọi điều kiện và mọi hình thức chính quyền, [một thiết chế như thế] hẳn là không thể đi ngược lại với tinh thần pháp luật cho được.
Nhưng thôi, ta hãy từ bỏ chủ đề này đi. Chỉ chăm chú vào việc hình dung bồi thẩm đoàn như một thiết chế tư pháp tức là thu hẹp hết sức tư duy của ta lại. Bởi lẽ là, nếu bồi thẩm đoàn có ảnh hưởng lớn tới số phận các vụ án, thì nó còn có ảnh hưởng lớn hơn nữa đến chính số phận của xã hội. Bồi thẩm đoàn như vậy trước hết là một thiết chế chính trị. Ta nên đứng trên chính quan điểm này để xét đoán bồi thẩm đoàn.
Tôi hiểu bồi thẩm đoàn là một số lượng nhất định các công dân được nhặt ra ngẫu nhiên và tạm thời được giao cho quyền xét xử (vụ án).
Tôi thấy việc dùng bồi thẩm đoàn vào công cuộc trấn áp các tội hình sự là du nhập vào chính quyền một thiết chế cực kì cộng hoà. Tôi hiểu điều này như sau:
Thiết chế bồi thẩm đoàn có thể mang tính quý tộc hoặc dân chủ tuỳ theo việc tìm chọn thành viên trong tầng lớp người nào. Nhưng nó vẫn duy trì được tính chất cộng hoà ở chỗ nó trao việc thực sự điều hành xã hội vào trong tay những người bị cai trị hoặc một bộ phận những người bị cai trị, chứ không trao vào tay những người cầm quyền.
Sức mạnh bao giờ cũng chỉ là một thành phần tạm thời của thành công: sau sức mạnh cần phải nghĩ ngay đến quyền. Một chính quyền bị đẩy tới chỗ chỉ có thể chạm trán kẻ thù ngoài chiến trường thế nào rồi chính quyền ấy cũng tiêu vong. Như vậy, sự phê chuẩn thực thụ các luật lệ chính trị lại nằm ở các luật lệ hình sự, và nếu không có sự phê chuẩn đó, sớm muộn thì luật pháp cũng mất hết sức mạnh. Cái người làm quan toà hình sự mới thực sự là chủ nhân của xã hội. Thế mà, thiết chế bồi thẩm đoàn đặt chính nhân dân hoặc ít ra là một bộ phận nhân dân vào ghế quan toà. Thiết chế bồi thẩm đoàn như vậy là đã thực sự trao quyền điều hành xã hội vào tay nhân dân hoặc vào cái tầng lớp đó (của nhân dân).
Ở nước Anh, thành viên bồi thẩm đoàn được tuyển từ bộ phận quý tộc trong nước. Tầng lớp quý tộc làm ra luật pháp, đem luật pháp ra thực hiện và xử những vi phạm luật pháp. (Xem B) Tất cả đều phải nhận được sự đồng tình: vì thế mà nước Anh đích thị là một nước cộng hoà quý tộc. Ở Hoa Kì, cũng hệ thống đó được đem áp dụng cho toàn thể nhân dân. Mỗi công dân Mĩ đều là cử tri, đều có tư cách ứng cử, đều là bồi thẩm viên. (Xem C) Tôi thấy rằng hệ thống bồi thẩm đoàn theo quan niệm Mĩ là một hệ quả cũng trực tiếp và cũng cực đoan của tín điều về chủ quyền của nhân dân như vấn đề phổ thông đầu phiếu vậy. Đó là hai phương tiện cầm quyền cùng có sức mạnh ngang nhau của phe đa số.
Tất cả những vị quân vương nào định dùng sức mạnh của bản thân mình mà điều hành xã hội thay vì để cho xã hội điều hành mình, thì đều thủ tiêu thiết chế bồi thẩm đoàn hoặc là làm cho tổ chức này bị chọc tức. Các vị vua dòng họ Tudor đã tống giam các bồi thẩm viên nào không muốn kết tội (theo ý nhà vua − ND) và Napoléon thì dùng người của mình đứng ra chọn bồi thẩm viên.
Những chân lí nói trên cho dù có rành rành đến bao nhiêu, thì chúng cũng vẫn không tác động tới mọi đầu óc con người, và thường khi dường như chúng ta mới chỉ có một ý niệm mơ hồ về tổ chức bồi thẩm đoàn. Khi muốn biết cần có những thành phần nào trong bồi thẩm đoàn, người ta chỉ bó hẹp trong việc thảo luận xem trình độ trí tuệ và năng lực của những người được mời tham gia đoàn ra sao, coi như tổ chức đó cũng chỉ là một tổ chức tư pháp nào đó. Thực ra theo tôi thì có thảo luận như thế cũng mới chỉ là quan tâm đến một phần rất nhỏ của vấn đề. Bồi thẩm đoàn trước hết là một thiết chế chính trị. Ta cần xem xét nó như một phương thức chủ quyền của nhân dân. Cần phải vứt bỏ hoàn toàn tổ chức đó một khi ta khước từ chủ quyền của nhân dân, hoặc là phải đặt tổ chức bồi thẩm đoàn trong mối tương quan với các bộ luật khác xác lập chủ quyền đó. Bồi thẩm đoàn là bộ phận của quốc gia đảm trách việc thực thi luật pháp, như các Viện là bộ phận của quốc gia đảm trách việc làm ra luật pháp. Và muốn cho xã hội được cai trị một cách cố định và đồng loạt, nhất thiết cái danh sách bồi thẩm viên phải mở rộng hoặc thu hẹp tương ứng với danh sách cử tri. Theo tôi chính quan điểm này mới luôn luôn cần phải là mối quan tâm chính yếu của nhà lập pháp. Những chuyện khác có thể coi là phụ.
Tôi thực sự tin rằng bồi thầm đoàn trước hết là một thiết chế chính trị, và tôi còn tiếp tục có cách nhìn như thế về nó khi đem áp dụng vào các vấn đề dân sự.
Luật pháp thì luôn luôn chao đảo chừng nào chúng không dựa trên tập tục. Tập tục là sức mạnh đề kháng và bền vững duy nhất của một quốc gia.
Khi bồi thẩm đoàn được chuyên dành cho các vụ việc hình sự, nhân dân chỉ thấy nó hoạt động ở tầm xa và trong những trường hợp riêng lẻ; khi đó nhân dân quen với việc không cần đến nó trong cuộc sống bình thường và coi nó như một phương tiện chứ không như một phương tiện duy nhất đi tới công lí.
Ngược lại khi công việc của bồi thẩm đoàn mở rộng sang phạm vi dân sự, nhân dân có thể lúc nào cũng tận mắt thấy hoạt động của nó. Khi đó nó đụng chạm tới mọi lợi ích. Từng con người đến hỗ trợ cho từng hoạt động của nó. Như vậy nó thâm nhập được vào từng ngóc ngách đời sống. Nó nhào nặn đầu óc con người theo các hình thù của nó và có thể nói là nhào nặn con người theo tinh thần luật pháp.
Tổ chức bồi thẩm đoàn một khi chỉ bó hẹp trong các vụ hình sự thì luôn luôn bị đe doạ thủ tiêu, nhưng một khi nhập vào với các vấn đề dân sự, nó sống lâu theo thời gian và với những nỗ lực của con người. Nếu như có thể tước đi cái bồi thẩm đoàn khỏi tập tục của người Anh cũng dễ dàng như thay đổi luật pháp của họ, thì bồi thẩm đoàn đã gục ngã dưới thời dòng họ Tudor rồi. Chính là bồi thẩm đoàn dân sự đã thực sự cứu vãn các quyền tự do của nước Anh.
Bất kể áp dụng tổ chức bồi thẩm đoàn theo cách gì, nó cũng vẫn cứ có ảnh hưởng lớn đến tính cách dân tộc; nhưng ảnh hưởng này còn gia tăng đến vô cùng chừng nào nó được áp dụng xa hơn nữa vào các vấn đề dân sự.
Bồi thẩm đoàn, nhất là bồi thẩm đoàn dân sự, tạo ra trong tinh thần mọi người một phần các thói quen tinh thần của viên quan toà. Cũng chính những thói quen đó đã chuẩn bị tốt hơn cả cho nhân dân sống trong tự do.
Bồi thẩm đoàn làm lan toả trong tất cả các tầng lớp nhân dân lòng kính trọng đối với điều gì đã được phán xét và tinh thần về quyền của con người. Tước bỏ hai thứ đó đi, thì tình yêu sự độc lập chỉ còn là một thứ đam mê mang tinh thần huỷ diệt.
Bồi thẩm đoàn dạy cho con người cách thực thi sự bình đẳng. Mỗi một người, khi phán xử kẻ bên cạnh mình, liền nghĩ là đến lượt mình cũng sẽ bị phán xử như thế. Điều này đúng nhất là trong các vấn đề dân sự: hầu như chẳng có một ai e ngại một bữa nào đó trở thành mục tiêu của một vụ kiện hình sự; nhưng tất cả mọi người đều có thể gặp một vụ án.
Bồi thẩm đoàn dạy cho mọi người không lui bước trước trách nhiệm đối với hành động của bản thân. Đó là một dự phòng đầy sức mạnh mà nếu thiếu đi thì sẽ không có nổi đức tính chính trị.
Bồi thẩm đoàn làm cho mỗi công dân có được một thứ quyền được làm pháp quan. Bồi thẩm đoàn làm cho mọi người cảm thấy họ có nghĩa vụ phải hoàn thành đối với xã hội, và mọi người đều tham gia vào công việc chính quyền cai quản chính mình. Bằng cách buộc mọi người quan tâm làm những việc khác với công việc của riêng thẩm đoàn dân sự đã thực sự cứu vãn các quyền tự do của nước Anh.
Bất kể áp dụng tổ chức bồi thẩm đoàn theo cách gì, nó cũng vẫn cứ có ảnh hưởng lớn đến tính cách dân tộc; nhưng ảnh hưởng này còn gia tăng đến vô cùng chừng nào nó được áp dụng xa hơn nữa vào các vấn đề dân sự.
Bồi thẩm đoàn, nhất là bồi thẩm đoàn dân sự, tạo ra trong tinh thần mọi người một phần các thói quen tinh thần của viên quan toà. Cũng chính những thói quen đó đã chuẩn bị tốt hơn cả cho nhân dân sống trong tự do.
Bồi thẩm đoàn làm lan toả trong tất cả các tầng lớp nhân dân lòng kính trọng đối với điều gì đã được phán xét và tinh thần về quyền của con người. Tước bỏ hai thứ đó đi, thì tình yêu sự độc lập chỉ còn là một thứ đam mê mang tinh thần huỷ diệt.
Bồi thẩm đoàn dạy cho con người cách thực thi sự bình đẳng. Mỗi một người, khi phán xử kẻ bên cạnh mình, liền nghĩ là đến lượt mình cũng sẽ bị phán xử như thế. Điều này đúng nhất là trong các vấn đề dân sự: hầu như chẳng có một ai e ngại một bữa nào đó trở thành mục tiêu của một vụ kiện hình sự; nhưng tất cả mọi người đều có thể gặp một vụ án.
Bồi thẩm đoàn dạy cho mọi người không lui bước trước trách nhiệm đối với hành động của bản thân. Đó là một dự phòng đầy sức mạnh mà nếu thiếu đi thì sẽ không có nổi đức tính chính trị.
Bồi thẩm đoàn làm cho mỗi công dân có được một thứ quyền được làm pháp quan. Bồi thẩm đoàn làm cho mọi người cảm thấy họ có nghĩa vụ phải hoàn thành đối với xã hội, và mọi người đều tham gia vào công việc chính quyền cai quản chính mình. Bằng cách buộc mọi người quan tâm làm những việc khác với công việc của riêng mình, bồi thẩm đoàn đấu tranh chống lại tính vị kỉ cá nhân, một thứ rỉ sét của các xã hội.
Thật quá sức tưởng tượng, việc bồi thẩm đoàn tạo ra cho nhân dân năng lực phán xét và làm gia tăng sự sáng láng tự nhiên của họ lên. Theo tôi, đó mới là ưu thế lớn của nó. Ta cần coi đó như một nhà trường miễn học phí và cửa luôn luôn mở, nơi từng thành viên bồi thẩm đoàn đến học về các quyền, nơi họ tiếp xúc với những thành viên có học vấn nhất và sáng láng nhất của các tầng lớp bên trên, nơi luật pháp được đem dạy cho họ qua thực hành, và qua các nỗ lực của các luật sư, những lời khuyên của quan toà cùng với những đam mê của các bên theo kiện cũng được đem trao vào đúng tầm trí tuệ của họ. Tôi nghĩ rằng ta cần thấy công lao chủ yếu tạo ra cái trí khôn thực hành và cái thiên lương chính trị của người Mĩ là ở chỗ họ sử dụng lâu dài hình thức bồi thẩm đoàn trong các công việc dân sự.
Tôi không dám chắc liệu bồi thẩm đoàn có lợi gì cho những người phải theo vụ án, nhưng tôi tin chắc là nó rất có ích cho những người phải đứng ra xét xử. Tôi coi đó như một trong những phương tiện hữu hiệu mà xã hội có thể dùng để giáo dục toàn thể nhân dân.
Những điều vừa nói trên vận dụng được cho tất cả các quốc gia. Nhưng đây là điều đặc biệt cho người Mĩ, và nói chung cho những quốc gia dân trị.
Tôi đã nói ở bên trên rằng tại các quốc gia dân trị, các luật gia và trong số đó là các pháp quan, tạo thành đội ngũ quý tộc duy nhất có khả năng làm hoà dịu các cuộc vận động của người dân. Cái giới quý tộc ấy chẳng hề có bất kì sức mạnh vật chất nào, nó chỉ dùng ảnh hưởng bảo thủ của mình để tác động lên đầu óc con người. Ấy thế mà nguồn lực sức mạnh chủ yếu của nó chính là ở trong thiết chế bồi thẩm đoàn dân sự.
Trong các vụ án hình sự nơi cả xã hội đấu tranh chống lại một người, bồi thẩm đoàn coi viên quan toà như là công cụ thụ động của quyền lực xã hội, và nó thách thức lại các ý kiến của quan toà. Hơn nữa, các vụ án hình sự hoàn toàn dựa trên những sự việc đơn giản mà chỉ với thiên lương cũng dễ dàng xét đoán được. Trên địa hạt này, quan toà và thành viên bồi thẩm đoàn ngang quyền nhau.
Chuyện không như vậy trong các vụ án dân sự. Ở đây quan toà xuất hiện như một ông trọng tài vô tư giữa các đam mê của đôi bên theo kiện. Các thành viên bồi thẩm đoàn nhìn ông ta với con mắt tin cậy và lắng nghe ông ta với sự kính trọng, vì ở đây trình độ trí tuệ của ông ta thống ngự trình độ trí tuệ của họ. Chính ông ta là người trải ra trước họ những lập luận khác nhau khiến trí nhớ họ phát mệt, và cũng là người cầm tay dắt họ đi quanh co giữa những nẻo đường tố tụng. Chính ông ta là người vạch cho họ thấy giới hạn của diễn biến vụ việc và bày cho họ cách trả lời khi nhận được câu hỏi buộc phải trả lời. Ảnh hưởng của ông ta tới bọn họ hầu như không bờ bến.
Liệu rồi có nên để tôi nói ra vì sao tôi thấy mủi lòng trước những lập luận bộc lộ sự thiếu năng lực của các thành viên bồi thẩm đoàn trong các vấn đề dân sự?
Trong các vụ án dân sự, bất cứ khi nào mà không gặp phải ít ra là những câu hỏi về sự việc đã diễn ra, bồi thẩm đoàn chỉ có được cái vẻ ngoài một tổ chức pháp lí thôi.
Các thành viên của bồi thẩm đoàn tuyên những quyết định có sẵn của quan toà. Họ đem lại cho quyết định đó cái uy quyền của xã hội do họ làm đại diện, còn quan toà lại đại diện cho lí trí và luật pháp. (Xem D)
Ở Anh và Mĩ, các quan toà tác động đến số phận các vụ án hình sự bằng một ảnh hưởng chưa từng biết đến với quan toà Pháp. Thật dễ dàng nhận thấy vì sao có sự khác nhau đó: vị pháp quan Anh và Mĩ đã tạo dựng được quyền lực của mình trong vấn đề dân sự, ông ta sau đó chỉ việc thực hiện tiếp trên một sân khấu khác, ông ta chẳng cần phải giành lấy quyền lực đó nữa.
Có những vụ, mà lại là những vụ quan trọng hơn cả, ông quan toà Mĩ có quyền tuyên án một mình. Khi đó, đôi khi ông quan toà Mĩ cũng ở trong cái tình huống thường vẫn hay xảy ra với ông quan toà Pháp. Nhưng quyền lực tinh thần của ông quan toà Mĩ thì vẫn to hơn nhiều: cả bồi thẩm đoàn mãi sau này vẫn còn phải dõi theo ông ta, và tiếng nói của ông ta dường như cũng mạnh bằng tiếng nói của cái xã hội trong đó có các thành viên của bồi thẩm đoàn.
Ảnh hưởng của viên quan toà Mĩ loang ra khỏi khuôn viên các toà án: trong những cuộc trà dư tửu hậu của đời tư cũng như trong các công trình của đời hoạt động chính trị, giữa chốn công cộng hay bên trong các phòng làm việc lập pháp, ông quan toà Mĩ không ngừng gặp lại quanh mình những con người đã quen nhận ra trong trí tuệ ông cái gì đó cao hơn hẳn trí tuệ của họ. Và sau những tác động lên các vụ án, quyền lực của ông ta còn lộ ra trong nếp nghĩ của mọi con người, thậm chí trong cả tâm hồn những kẻ từng tranh chấp với ông trong các vụ án đó.
Bồi thẩm đoàn dường như làm giảm bớt được các quyền của ngạch pháp quan lại thực sự gây dựng được cơ đồ, và không có ở nước nào mà các quan toà lại mạnh như ở những nước họ được nhân dân chia sẻ các đặc quyền với họ.
Chính là nhờ sự giúp đỡ của bồi thẩm đoàn trong vấn đề dân sự mà hệ thống pháp đình nước Mĩ làm cho cái tôi gọi bằng tinh thần pháp gia thâm nhập được vào tận những bậc cuối cùng của xã hội.
Vậy cho nên, bồi thẩm đoàn, là phương tiện mạnh mẽ nhất khiến nhân dân được nắm chính quyền, lại cũng là phương tiện hữu hiệu nhất để dạy nhân dân cách nắm chính quyền.
CHÚ THÍCH
(B)
Trước khi nghị quyết cải cách được thông qua năm 1832, muốn có quyền cử tri của quận (xét trên khả năng sở hữu đất đai), thì phải có tài sản riêng hoặc tài sản thuê vĩnh viễn với quỹ đất đem lại thu nhập thực 40 đồng shilling. Luật này làm dưới thời vua Henry VI khoảng năm 1450. Giá trị 40 đồng shilling thời Henry VI khi đó ước tính tương đương với 30 bảng Anh thời nay. Người ta đã cho kéo dài cơ sở tính toán từ thế kỉ XV đó tới mãi năm 1832, điều đó có nghĩa là bản hiến pháp nước Anh cùng với thời gian có mang tính dân chủ, ngay cả khi có vẻ như nó không nhúc nhích. Xem Delolme, xem thêm Blackstone, cuốn 1, chương IV.
Các thành viên bồi thẩm đoàn được ông sheriff của quận chọn ra (Delolme, tập I, chương XII). Nói chung, ông sheriff là một người có uy tín đáng kể ở quận, ông ta có chức năng về tư pháp và hành chính, ông ta thay mặt nhà vua và hàng năm được vua cắt cử lại (Blackstone, cuốn I, chương IX). Vị trí của ông sheriff khiến ông thoát khỏi mọi nghi ngờ bị các phe làm cho hủ hoá. Vả chăng, nếu tính chất vô tư của ông bị nghi ngờ, mọi người có quyền truất toàn bộ bồi thẩm đoàn do ông sheriff chọn, và khi đó một sĩ quan khác lại được giao trách nhiệm chọn các thành viên bồi thẩm đoàn mới. Xem Blackstone, cuốn III, chương XXIII.
Muốn được là thành viên của bồi thẩm đoàn, phải có quỹ đất với thu nhập ít nhất 10 đồng shilling. (Blackstone, cuốn III, chương XXIII). Ta thấy điều kiện này được đặt ra dưới thời vua Guillaume và Marie, tức là vào khoảng năm 1700, thời kì giá trị đồng tiền vô cùng cao so với bây giờ. Vậy là người Anh đã xây dựng hệ thống bồi thẩm đoàn của họ không dựa trên năng lực mà dựa trên sở hữu đất đai, giống như mọi cơ cấu chính trị khác.
Cuối cùng người ta đã phải chấp nhận người làm nông trại vào bồi thẩm đoàn, nhưng người ta đòi hỏi họ phải thuê mướn đất đai trong một thời gian rất dài và thu nhập thực phải là 20 đồng shilling, bất kể giá thuê mướn đất ra sao. (Blackstone, nt).
(C)
Bản biến pháp liên bang đưa bồi thẩm đoàn vào các toà án Liên bang theo cùng cách thức các bang đưa bồi thẩm đoàn vào các toà án bình thường của họ. Hơn nữa, hiến pháp đó không đưa ra các quy cách riêng để chọn ra các thành viên bồi thẩm đoàn. Các toà án liên bang rút các thành viên đó từ danh sách thành viên bồi thẩm đoàn từng bang đã có. Vì thế ta cần xem xét luật các bang để biết cơ sở lí thuyết về thành phần bồi thẩm đoàn ở nước Mĩ. Xem Story’s Commentaries on the Constitution (Bình luận của Story về hiến pháp) cuốn III, chương XXXVIII, trang 654-659; xem Sergeant’s constitutional law (Luật hiến pháp do Sergeant giải thích) trang 165. Xem các bộ luật liên bang năm 1789, 1800 và 1802 về vấn đề này.
Để hiểu kĩ các nguyên tắc của người Mĩ liên quan đến thành phần bồi thẩm đoàn, tôi lục trong các bộ luật những bang ở cách xa nhau. Đây là mấy ý tưởng chung có thể rút ra từ việc nghiên cứu đó.
Ở Mĩ, mọi công dân có quyền tuyển cử thì đều có quyền là thành viên bồi thẩm đoàn. Bang lớn như New York có quy định khác biệt một đôi chút giữa hai khả năng là cử tri và là thành viên bồi thẩm đoàn, nhưng lại theo hướng ngược lại với luật pháp của chúng ta, nghĩa là ở bang New York số thành viên bồi thẩm đoàn ít hơn (theo tỉ lệ so với) số cử tri. Nhìn chung, có thể nói là ở bang New York quyền được tham gia bồi thẩm đoàn, cũng như quyền được bầu đại biểu, là của mọi người, nhưng việc thực hiện quyền này không đến được với mọi người một cách rõ ràng.
Hàng năm, một đội quân pháp quan hàng quận hoặc hàng tổng, ở New England gọi là những selectmen, ở New York gọi là những supervisors, ở Ohio gọi là những trustee, ở giáo khu Louisiana gọi là những sheriff, tiến hành lựa chọn cho mỗi tổng một số lượng nhất định các công dân có quyền trở thành các thành viên bồi thẩm đoàn và được họ đánh giá là có khả năng đó. Các pháp quan này, vốn dĩ cũng là cán bộ dân cử, không gây ra thắc mắc cho ai cả. Quyền hành của họ rất rộng và khá tuỳ tiện, nói chung cũng giống như quyền hành của các pháp quan của bang, và họ thường sử dụng quyền hạn của mình, nhất là ở New England, để gạt bỏ các thành viên bồi thẩm đoàn nào không xứng đáng hoặc không có năng lục.
Tất cả tên tuổi của các thành viên bồi thẩm đoàn chọn ra như vậy sẽ được chuyển tới toà án quận, và người ta rút thăm từ toàn bộ danh sách đó lấy ra bồi thẩm đoàn chịu trách nhiệm từng vụ việc.
Làm như vậy, người Mĩ tìm mọi cách có thể để bồi thẩm đoàn nằm trong tầm tay nhân dân và làm cho mỗi bồi thẩm đoàn càng bớt việc càng tốt. Các thành viên bồi thẩm đoàn vốn có số lượng đông, nên ba năm mới tới lượt một người có việc tham gia xét xử. Các kì họp bồi thẩm đoàn diễn ra tại thủ phủ quận (quận gần bằng arrondissement bên Pháp chúng ta). Vậy là toà án đến gần với bồi thẩm đoàn, thay vì kéo bồi thẩm đoàn đến gần mình như ở bên Pháp. Sau nữa, các thành viên bồi thẩm đoàn đều có phụ cấp do Nhà nước hoặc do các bên kiện nhau chịu. Nói chung mỗi thành viên được nhận mỗi ngày 1 dollar (5,42 Fr) bất kể đi lại xa gần gì cũng thế. Ở Mĩ, bồi thẩm đoàn vẫn còn được coi như một gánh nặng, nhưng là một gánh nặng dễ vác, và không khó chịu đựng bao nhiêu.
Xem Brevard’s Digest of the public statute law of South Carolina (Sách phổ cập do Brevard soạn về quy chế luật công cộng bang Nam Carolina), tập 2, trang 338; nt tập I, trang 454 và 456; nt tập II, trang 218.
Xem The general laws of Massachusetts revised and published by authority of the legislature (Luật pháp chung của bang Massachusetts sửa đổi và xuất bản theo thẩm quyền của ngành lập pháp) tập II, trang 331, 187.
Xem The revised statutes of the state of New York (Các quy chế luật bang New York đã được sửa đổi) tập II. trang 720, 411, 717, 643.
Xem The statute law of the State of Tennesee (Quy chế luật bang Tennesee), tập I, trang 209.
Xem Acts of the State of Ohio (Các nghị định luật của bang Ohio) trang 95 và 210.
Xem Digeste général des actes de la législature de la Louisiane (Phổ cập chung các nghị định luật của bang Louisiana) tập II, trang 55.
(D)
Khi ta xem xét kĩ cấu tạo bồi thẩm đoàn dân sự của Anh, dễ dàng thấy ngay là các thành viên bồi thẩm đoàn không sao thoát khỏi sự kiểm soát của quan toà.
Đúng là bản án ban ra bởi bồi thẩm đoàn, dân sự hoặc hình sự cũng vậy, nói chung đều có phát biểu đơn giản về việc và quyền. Thí dụ: một ngôi nhà bị Pierre thưa kiện cho rằng anh ta đã mua nó rồi; đó là việc. Đối phương của Pierre đưa ra cái lí rằng người bán không có quyền bán nhà ấy; đó là quyền. Bồi thẩm đoàn chỉ giới hạn ở chỗ phán rằng nhà sẽ được trao cho Pierre: đó là quyết định cả về việc lẫn về quyền. Khi đưa bồi thẩm đoàn vào các vụ việc dân sự, người Anh không giữ lại quyền không bị coi là sai lầm trong các ý kiến của thành viên bồi thẩm đoàn khi xét xử hình sự, một khi bản án được tuyên xuôi chiều.
Nếu quan toà cho rằng bản án áp dụng sai luật, ông ta có quyền từ chối nó và đưa lại cho các thành viên bồi thẩm đoàn tranh tụng.
Nếu các thành viên bồi thẩm đoàn thông qua bản án không có ý kiến gì khác, vụ án vẫn chưa hoàn toàn kết thúc: vẫn còn mở ra rất nhiều con đường để chống lại quyết định đã ban. Điều chính yếu là đòi hỏi xoá bản án đã tuyên và mời một bồi thẩm đoàn khác. Đúng là yêu cầu như thế hiếm khi được chấp nhận, và có xảy ra cũng không nhiều hơn hai bận, may sao lại là xảy ra trước mắt tôi. Coi Blackstone, tập III, chương XXIV; nt, tập III, chương XXV.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)