[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 4)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 4)

GIẢI PHÁP CỦA THỊ TRƯỜNG TỰ DO

Cấm đoán không thể mang lại hiệu quả theo nghĩa kinh tế. Nhũng chính sách thay thế, ví dụ như những chương trình cung cấp ma túy do chính phủ tài trợ, cũng có những vấn đề nhưng dù sao cũng tốt hơn là cấm đoán. Giải pháp của thị trường tự do khác với những chính sách thay thế ở chỗ không có sự can thiệp của chính phủ.

Từ trước đến nay người ta vẫn coi thị trường tự do là nguyên nhân chứ không phải giải pháp cho những vấn đề mà lạm dụng ma túy gây ra. Tôi cho rằng giải pháp của thị trường tự do bao gồm sự lựa chọn tự nguyện của các cá nhân trong điều kiện khi người ta có thể tự do bước vào thương trường, có quyền sở hữu và hệ thống pháp luật. Các doanh nhân thuê lao động và mua các nguồn tài nguyên để sản xuất, quảng cáo và bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm khác nhau nhằm tối đa hóa độ thỏa dụng của mình. Trao đổi làm lợi cho cả hai bên và giúp phân bổ một cách hiệu quả các nguồn lực. Các nhóm từ thiện và tương trợ được thành lập để giải quyết những vấn đề xã hội.

Tất nhiên những người ủng hộ cấm đoán sẽ chế giễu cách trình bày như thế, nếu như áp dụng nó cho thị trường ma túy1. Thật vậy, thị trường, như được trình bày ở đây, không phải là hoàn hảo. Tính chất của nó là rủi ro và không chắc chắn. Những sai lầm, ví dụ như nghiện ngập hoặc dùng quá liều lượng, chắc chắn là sẽ xảy ra trong mọi hệ thống. Cạnh tranh và quá trình khám phá là đặc điểm của quá trình phát triển của thị trường sẽ khuyến khích những giải pháp cho những vấn đề lạm dụng ma túy mà cấm đoán tìm cách giải quyết.

Các giải pháp của thị trường tự do mang lại nhiều lợi ích:

1. Giá cả cạnh tranh sẽ giải phóng một cách triệt để những nguồn tài nguyên cho việc tiêu thụ những món hàng hóa như thực phẩm, quần áo, chỗ ở và chăm sóc y tế.

2. Động cơ lợi nhuận sẽ kích thích các nhà sản xuất để họ làm ra những món hàng hóa với những tính chất làm gia tăng sự hài lòng của người tiêu dùng. Sản phẩm làm chết người trong thị trường chợ đen sẽ bị loại bỏ.Các nhà sản xuất sẽ cạnh tranh bằng cách cải tiến sản phẩm của họ nhằm đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng. Thị trường cho những loại ma túy đặc biệt, ví dụ, rượu, cần sa, hoặc thuốc giảm đau sẽ có đặc điểm là các sản phẩm rất đa dạng.

3. Cũng như với bất kì sản phẩm nguy hiểm nào khác, nhà cung cấp thích những khách hàng thường xuyên hơn, những người này đã quen với sản phẩm, do đó làm giảm chi phí về tiếp thị và không bị rắc rối với luật trách nhiệm. Các nhà cung cấp sẽ không còn sử dụng trẻ vị thành niên trong việc bán lẻ sản phẩm của họ nữa.

4. Thông tin về sản phẩm đang có bán, giá cả và chất lượng sản phẩm luôn sẵn sàng. Quảng cáo sẽ đưa đến người tiêu dùng thông tin về những tính chất độc đáo của một thương hiệu cụ thể.

5. Các nhà sản xuất sẽ tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm, dán nhãn thương hiệu, hướng dẫn sử dụng thông tin về sự an toàn của sản phẩm, v.v.

6. Tội phạm và tham nhũng do cấm đoán, thuế khóa, qui định và những chính sách khác sẽ không còn.

7. Những khoản chi tiêu của chính phủ cho việc thực thi pháp luật, nhà tù, và toà án có thể sẽ giảm đi. Toà án sẽ không bị quá tải, nhà tù sẽ ít tù nhân hơn và cảnh sát có thể tập trung nguồn lực vào những loại tội phạm truyền thống, như giết người, hiếp dâm và cướp của. Những thay đổi như thế có thể giúp nâng cao tinh thần tôn trọng pháp luật và trật tự.

8. Từng người sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về việc họ sử dụng hoặc không sử dụng các loại ma túy. Công chúng có thể sẽ chú ý và sẽ dành nhiều nguồn lực cho công tác giáo dục, chữa bệnh, cung cấp ma túy và phục hồi chức năng.

9. Người tiêu dùng sẽ có thể tiếp xúc với hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ họ trong cuộc đấu tranh chống lại những hành động gian lận và lơ là của người sản xuất. Người sản xuất sẽ không còn phải sử dụng bạo lực nhằm thực thi hợp đồng và buộc người mua phải thanh toán nữa. Khu vực buôn bán sẽ được bảo vệ bằng thỏa thuận tự nguyện chứ không phải bằng bạo lực.

10. Nhiều sản phẩm đã bị cấm sẽ được sử dụng “một cách hợp pháp” và là sản phẩm quan trọng trong sự phát triển của nền văn minh hiện đại. Hợp pháp hoá sẽ tạo điều kiện cho người ta sử dụng chúng trong những khu vực này và cả những khu vực khác, và sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.

Danh sách này liệt kê khá nhiều lợi ích chính của giải pháp của thị trường tự do. Có thể tóm tắt những lợi ích này là giải phóng những nguồn lực có giá trị, tạo động lực cho cải tiến, và loại bỏ các chi phí (cả trực tiếp lẫn không mong muốn) của những biện pháp cấm đoán.

GIẢI PHÁP MỞ RỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG TỰ DO

Giải pháp của thị trường tự do được áp dụng cho một loại ma túy hay cho tất cả các loại ma túy sẽ không thể nào đạt được kết quả lí tưởng. Những điều chỉnh ngắn hạn cho phù hợp với điều kiện của thị trường tự do sẽ kéo theo những khoản chi phí đáng kể. Việc khám phá những kỹ thuật nhằm tránh bị nghiện và cai nghiện và phát triển những thiết chế mới và sản phẩm an toàn đều đòi hỏi thời gian. Trên thực tế, không phải mấy tháng hay mấy năm mà có thể phải mất nhiều thế hệ chúng ta mới tìm được “giải pháp” cho việc sử dụng các chất gây nghiện.

Khuếch trương những giải pháp của thị trường tự do sang những lĩnh vực khác chứ không chỉ trên thị trường ma túy có thể giúp phát triển những giải pháp đó. Những hoàn cảnh như chiến tranh, nghèo đói, phân biệt đối xử, và mất các cơ hội kinh tế có liên quan với nạn lạm dụng ma túy và nghiện ngập. Áp dụng các giải pháp của thị trường trong toàn bộ nền kinh tế, hoặc đối với những thị trường đặc thù như bảo hiểm, y tế, nhà ở và lao động, cũng giúp cải thiện các cơ hội. Dưới đây là một số lợi ích mà giải pháp đã được mở rộng của thị trường tự do có thể đem lại cho xã hội.

1. Các nền kinh tế thị trường sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và tạo ra mức sống cao hơn. Nền kinh tế thị trường mang những đặc điểm là sự tích lũy vốn và ít sốt ruột hơn (thời gian dự tính thực hiện các kế hoạch và dự án dài hơi hơn).

2. Loại bỏ những rào cản, ngăn chặn người ta tham gia vào ngành y sẽ làm giảm chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe và cai nghiện. Loại bỏ các dịch vụ chăm sóc y tế do chính phủ tài trợ sẽ buộc những người lạm dụng ma túy phải chịu toàn bộ chi phí chứ không trợ cấp cho việc lạm dụng ma túy.

3. Các công ty bảo hiểm và người sử dụng lao động có thể kiểm soát và phân biệt đối xử đối với những người lạm dụng ma túy, làm cho người sử dụng hoặc lạm dụng ma túy phải chịu những khoản chi phí trực tiếp và có thể xác định được.

4. Các nhà kinh tế đã phát hiện ra rằng phân biệt đối xử về mặt kinh tế thường xảy ra hơn trong những ngành công nghiệp và nghề nghiệp đã bị quốc hữu hóa và chịu sự điều tiết của nhà nước. Loại bỏ những rào cản này sẽ tạo ra cơ hội kinh tế cho những người bị tước quyền công dân.

5. Người ta cũng phát hiện ra rằng chiến tranh có vai trò quan trọng trong việc tạo ra và khuyến khích những vấn đề lạm dụng ma túy (và cấm đoán). Hòa bình dường như có thể sẽ làm giảm khả năng xuất hiện những biện pháp cấm đoán.

Giải pháp mở rộng của thị trường tự do là phần bổ sung cho giải pháp thay thế những biện pháp cấm đoán bằng thị trường và là một thành tố quan trọng của giải pháp tối hậu cho vấn đề lạm dụng ma túy. Hai chính sách này đều có hai thiếu sót. Thứ nhất, không thể đưa ra giải pháp lí tưởng hay tức thời. Trên thực tế, sự thay đổi trong chính sách như thế không chỉ làm cho các quan chức và các nhóm lợi ích đau khổ, những người khác cũng phải chịu đau khổ: ví dụ, những người hoạt động trên thị trường chợ đen, một số chính trị gia và một số nhà nghiên cứu của chính phủ. Dĩ nhiên là cấm đoán còn lâu mới giải quyết được các vấn đề và tất cả những thay đổi trong chính sách sẽ kéo theo những điều chỉnh ngắn hạn. Thứ hai, triển vọng để có những chính sách như thế là khá hạn chế. Trong trường hợp thuận lợi nhất thì những thay đổi thực sự trong chính sách là công việc khó khăn và khi xảy ra thì hầu như bao giờ cũng là thay thế cho hình thức can thiệp này của chính phủ bằng một hình thức can thiệp khác. Nhưng triển vọng về mặt chính trị không phải là một tiêu chí trực tiếp của phân tích kinh tế hay khuyến nghị chính sách.

Sau một thế kỷ thử nghiệm với những biện pháp cấm đoán, những người lập chính sách của chúng ta vẫn chưa tìm ra được giải pháp cho vấn đề lạm dụng ma túy. Sư bất khả thi về mặt chính trị của giải pháp do thị trường tự do đưa ra hoặc bất kì chính sách nào khác, không làm nản chí một số nhà kinh tế trong việc đưa chính sách đó vào những phân tích của họ hoặc cuộc vận động cho cải cách của họ. Những thay đổi trong quan điểm của công chúng xảy ra trong những năm đầu 1990 cho thấy rằng việc bãi bỏ các biện pháp cấm đoán đối với ma túy là có thể thực hiện được và hợp pháp hóa ma túy là khả thi. Cũng như nhiều trường hợp khác, phải đi đến tận gốc rễ thì mới tìm được giải pháp thực sự cho những vấn đề nghiêm trọng và phải có một cuộc cách mạng về ý tưởng và thay đổi quyết liệt thì mới giải quyết được.C

Chú thích:

(1) Một số người phê phán thị trường xem nó là “quá thực tế”, họ chỉ tập trung vào lợi ích trực tiếp của người tiêu dùng hoặc người sản xuất, chứ không chú ý tới lợi ích chính trị (tức là lợi ích của của đa số). Những nhà phê bình khác thì lại cho rằng giải pháp thị trường là rất “không thực tế”, rằng không giải quyết những vấn đề của người tiêu dùng và người sản xuất, hoặc đây là giải pháp “bất khả thi về mặt chính trị”.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường