[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 3)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 3)

NHỮNG CHÍNH SÁCH THAY THẾ CHO CẤM ĐOÁN

Hầu hết các cuộc tranh luận về cấm đoán đều bàn đến việc thực thi và chi phí cho việc thực thi. Tôi khẳng định rằng thực thi không thể đạt được các mục tiêu xã hội của cấm đoán và càng nhiều nguồn lực được dành cho thực thi thì tình hình càng tồi tệ thêm.

Những chính sách thay thế cho cấm đoán bao gồm phi hình sự hóa. Những lựa chọn trong chính sách như quốc hữu hóa (nhà thuốc của chính phủ), môn bài, kiểm soát giá cả, thuế, qui định, những chương trình cung cấp thuốc, cách li, giáo dục và phục hồi chức năng khác nhau sẽ tốt hơn là cấm đoán. Tuy nhiên, một số các cải cách như thế còn đang phải bàn cãi, về mặt hiệu quả, khả năng tạo ra những giải pháp dài hạn, và sự ổn định của chúng khi chúng trở thành chính sách công trong dài hạn. Những cuộc cải cách này có hạn chế là chỉ áp dụng cho một biện pháp cấm đoán cụ thể, chứ không phải là một phương thuốc chung cho tất cả các biện pháp cấm đoán. Hợp pháp hóa hoàn toàn là lựa chọn thay thế cho những biện pháp cải cách mang tính can thiệp này. Những vấn đề chính mà hợp pháp hóa đặt ra là tính khả thi và sự ổn định về mặt chính trị của nó.

Clague (1973) đã xem xét một số chiến lược nhằm đối phó với nạn nghiện heroine, trong đó có cấm đoán, cung thuốc methadone nghiêm ngặt và dễ dãi, cung cấp heroine cho người nghiện, và cách li. Sau đó ông đánh giá những chương trình theo bảy tiêu chí: số tội phạm, số người nghiện, sức khỏe của người nghiện, nạn tham nhũng của cảnh sát, vi phạm các quyền tự do dân sự, tước đoạt một cách hợp pháp những quyền tự do truyền thống, và tôn trọng pháp luật (nói chung). Dựa trên phân tích của mình, Clague xếp hạng hiệu suất của mỗi chương trình trên bảy tiêu chí với thang năm điểm1. Ông thấy rằng cấm đoán nằm ở nấc cuối cùng, còn cung cấp heroin giữ vị trí đầu bảng.2

Tạ Trong khi cung cấp heroin cho người nghiện chiếm được thứ hạng cao nhất trong số các chính sách được nghiên cứu, thì Clague cũng thừa nhận rằng vì nhiều lí do, đấy không phải là “giải pháp lí tưởng cho vấn đề heroin” (1973, 267). Ngoài việc duy trì tình trạng nghiện ngập và một số vấn đề thực tế khác, chính phủ tài trợ những chương trình cung cấp ma túy cho người nghiện dùng tiền của người đóng thuế để tài trợ cho người nghiện. Lựa chọn này gây ra sự bất bình của một số người đóng thuế có thái độ chống ma túy và vì vậy mà không ổn định về mặt chính trị3. John Kaplan (1983) cũng đã khảo sát một loạt lựa chọn chính sách khác nhau đối với heroin. Ông cũng phát hiện ra rằng cung cấp heroin cho người nghiện và những lựa chọn khác thường gặp những hạn chế trong hoạt động và cản trở về mặt chính trị4.

Moore (1973) cho rằng chính sách cung cấp heroin cho người nghiện kết hợp với những biện pháp cấm đoán sẽ tạo ra sự phân biệt về giá trên thị trường heroin. Cung cấp heroin sẽ làm giảm chi phí cho người nghiện và xã hội, trong khi cấm đoán sẽ làm cho giá heroin bất hợp pháp tăng lên rất nhiều (đối với cấm đoán nói chung) và do đó làm những người muốn thử heroin nản chí. “Thảo luận mang đầy tính tư biện” của Moore không nhằm chứng minh chính sách nào hấp dẫn hơn mà nhằm nghiên cứu những yếu tố quyết định giá cả thực tế và, mở rộng ra, là cầu đối với heroin. Theo ý này, đóng góp của Moore là quan trọng đối với quá trình đánh giá sơ bộ các chính sách khác nhau.

Tiền phạt đã được đề xuất như một biện pháp thay thế hiệu quả án phạt tù. Nếu cấm đoán có thể được xem như một hình thức kiểm soát giá cả thì tiền phạt có thể được coi như một răn đe, khỏi phải sử dụng những nguồn lực nhà tù. John R. Lott và Russel D. Roberts (1989) đã khảo sát câu hỏi này và phát hiện ra rằng cách tiếp cận theo lối hợp pháp hóa và kiểm soát giá với “những tội ác không có nạn nhân” truyền thống (ví dụ, cấm đoán) sẽ không tạo ra những động cơ cần thiết để người ta thực thi một cách hiệu quả. Ngoài ra, theo dõi tội phạm không có nhân là việc rất khó; đây là những loại hàng hoá di chuyển nhanh, xã hội vốn có thái độ kì thị với những loại hàng hóa này, thiếu hoặc thừa những loại hàng hóa này do kiểm soát giá gây ra sẽ tạo ra những vấn đề xã hội đặc biệt. Vì vậy, những biện pháp có tác dụng trong việc thực thi những đạo luật về tiền thuê nhà và mức lương tối thiểu không có tác dụng trong việc thực thi những biện pháp cấm đoán. Thuế khóa là biện pháp thay thế cho cấm đoán thường được nhiều người đề nghị. Đánh thuế cần sa được xem như là một lựa chọn rất khả thi, nhưng đánh thuế thuốc phiện thì lại không (Kaplan 1983, 150-51). Lợi ích của thuế là giảm tội phạm và ngăn chặn người mua vì giá cao hơn, nhưng lợi ích chính lại là về mặt chính trị. Tiền thu được sẽ làm cho việc phi hình sự hóa trở thành hấp dẫn hơn đối người đóng thuế và các chính trị gia. Trong khi đánh thuế có nhiều ưu điểm thì một số khía cạnh có lợi của nó sẽ bị giảm hoặc triệt tiêu nếu thuế suất cao5. Thuế suất cao sẽ làm cho thị trường chợ đen, buôn lậu, tội phạm và tham nhũng tiếp tục tồn tại và có rất ít tác động tích cực đối với hiện tượng lạm dụng ma túy và do đó sẽ tạo ra những điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng những biện pháp cấm đoán. Ngay cả thuế đánh theo hiệu lực của ma túy cũng có nhược điểm, ví dụ như đấy là tín hiệu gửi cho người tiêu dùng tiềm năng rằng các sản phẩm có hiệu lực thấp là an toàn và có thể tiêu thụ.

Việc bãi bỏ Luật cấm rượu vào năm 1933 tạo ra cơ sở cho việc thử nghiệm chính sách6. Một số tiểu bang vẫn cấm hoàn toàn, trong khi những bang khác đòi hỏi phải có môn bài hoặc nhà nước độc quyền bán rượu. Chính phủ liên bang áp dụng thuế, thuế nhập khẩu, các qui định và môn bài. Chính phủ các bang áp đặt thuế và những hạn chế đối với việc bán rượu. Có qui định về hiệu lực (nồng độ – ND) của sản phẩm. Ví dụ, ở một số bang, nồng độ của bia đã được giới hạn là 3,2 %, mặc dù các qui định này chủ yếu là để tính thuế. Những biện pháp can thiệp khác bao gồm giới hạn về tuổi tác, hạn chế về quảng cáo, nơi được bán hàng, hạn chế về giờ giấc bán hàng, và kiểm soát giá cả7. Mặc dù hợp pháp hóa đã là cải thiện so với cấm đoán, nhưng những biện pháp can thiệp này và việc cấm đoán những chất làm người ta say khác, như cần sa và cocaine, đã dẫn đến kết quả không cao, đấy là nói trong trường hợp tốt nhất (xem Sylbing, 1985, và Sylbing và Persoon, 1985). Một trong những lợi ích của hợp pháp hoá là sự phát triển của các thể chế xã hội chuyên xử lí, trực tiếp hoặc gián tiếp, những vấn đề về nghiện và lạm dụng ma túy, ví dụ như Hội những người nghiện rượu vô danh (Alcoholics Anonymous – thành lập vào giữa năm 1930), mà hiện nay tuyên bố là có hơn một triệu hội viên8.

Chú thích:

(1) Clague thừa nhận việc xếp hạng của mình là rất chủ quan và có hai trường hợp ông không thể xếp hạng. Bảng xếp hạng của ông dựa trên những tác động lâu dài của các chính sách và không xem xét điều chỉnh ngắn hạn hay sức nặng tương đối của từng tiêu chí.

(2) Ông phát hiện ra rằng các chương trình cách ly được xếp hạng cao trên một số tiêu chí nhưng những vấn đề nghiêm trọng về luật pháp, Hiến pháp, khái niệm về công lí, và gia tăng “sự oán giận và xa lánh tại nhiều khu vực” dẫn đến có thứ hạng thấp trong tiêu chí “tước đoạt một cách hợp pháp những quyền tự do truyền thống” và “tôn trọng pháp luật”. Do đó, người ta sẽ phải không coi các vấn đề công lí, tự do và tôn trọng pháp luật là quan trọng thì mới có thể xếp cách ly lên trên cung cấp heroin.

(3) Đối với một số người đóng thuế thì trợ cấp cho người nghiện ma túy là việc làm ghê tởm chẳng khác gì trợ cấp từ tiền thuế cho những vụ phá thai. Musto (1987, 64 và những trang khác) chỉ ra rằng các chương trình cung chấp chất ma túy cho người nghiện trước đây “rất cồng kềnh và không được lòng dân” và đã nhanh chóng kết thúc. Bên cạnh việc tạo ra sự oán giận và chi phí cho người nộp thuế, chính sách này có xu hướng tha thứ cho việc sử dụng heroin và làm giảm chi phí cả trong nhận thức lẫn trên thực tế cho người nghiện.

(4) Cần lưu ý rằng những khó khăn liên quan đến việc “hàng được bán một cách tự do” trên cơ sở “số người nghiện gia tăng nhanh chóng” và sức khỏe cộng đồng cũng như những khía cạnh của cá nhân liên quan đến số người nghiện gia tăng

(5) Xem Rodney T. Smith,1976, bàn về xu hướng của chính phủ nhằm tối đa hóa nguồn thu ròng và ảnh hưởng của nó đối với ngành sản xuất rượu.

(6) Muốn tìm hiểu lịch sử phong trào đòi bãi bỏ, tìm đọc Kyvig 1979. Muốn tìm hiểu quan điểm không đồng tình với phong trào đòi bãi bỏ, tìm đọc Dobyns 1940.

(7) Về lịch sử của rất nhiều chính sách được ban hành sau khi bãi bỏ, tìm đọc Harrison and Laine 1936.

(8) Nhiều thành tựu của tổ chức này phải được qui cho sự vô danh của các thành viên. Tổ chức này không ủng hộ những biện pháp cấm đoán hoặc chính sách hạn chế gắt gao từ phía chính phủ đối với những vấn đề do lạm dụng rượu gây ra.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường