[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 6)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 6)

KINH TẾ HỌC VỀ NGHIỆN NGẬP

Lịch sử tư tưởng đầy rẫy những cuộc tấn công vào tính duy lí của cá nhân con người. Người tiêu dùng bị phê phán là tiêu thụ trên cơ sở thông tin không hoàn hảo cũng như không tiêu thụ vì có thông tin không hoàn hảo (đầu cơ, tích trữ). Người tiêu dùng bị phê bình là giữ mãi một kế hoạch tiêu dùng mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi, mặc cho những vấn đề và khó khăn gay gắt (thói quen, nghiện ngập) cũng như không giữ những kế hoạch tiêu dùng đã được thiết lập vì hoàn cảnh, thông tin và cách đánh giá (thích mua hàng, nhậu nhẹt) đã thay đổi. Theo Israel Kirzner, “Trong một thời gian dài, khái niệm về tính hợp lí trong hành vi của con người đã là đề tài của cuộc thảo luận trong sách báo bàn về phương pháp luận của môn kinh tế học. Lí thuyết kinh tế bị kết án là quá tin vào lí trí của con người, những cuộc tấn công vào thái độ tín nhiệm này cũng lâu đời như chính khái niệm về lí thuyết kinh tế vậy” (Kirzner 1976, 167).

Ít nhất là từ thời Vilfredo Pareto người ta đã khẳng định rằng con người có những hành động phi lí trước những món hàng gây nghiện như rượu và ma túy. Pareto phân biệt (tương tự như Fisher) giữa hành động logic, tức là những hành động hữu lí và có tính kinh tế, và những hành động phi logic, tức là những hành động phi lí và phi kinh tế. Hành động phi lí được phát hiện trong trường hợp một người lập kế hoạch chi tiêu mà không có khoản chi cho rượu, nhưng sau đó lại uống rượu say bí tỉ. Benedetto Croce giải thích rằng hành động này là một sai lầm về mặt kinh tế vì người đó đã đầu hàng ước muốn nhất thời, đi ngược lại kế hoạch đã được thiết lập của anh ta. Những khái niệm về tính logic và hữu lí là những lời biện minh mang tính lí thuyết quan trọng nhất cho với những biện pháp cấm đoán. Nhưng kiểu “phi lí” do Raul Fernandez (1969) trình bày lại tạo thành cơ sở cho cuộc tấn công chứ không phải là biện hộ cho cấm đoán.

Trong khi xác định quan điểm của trường phái Chicago về thị hiếu, George S. Stigler và Gary S. Becker (1977) còn nhận xét về bản chất của hiện tượng nghiện ngập nữa. Họ phát hiện ra rằng việc nghiện ngập có lợi và có hại phụ thuộc vào việc liệu rằng sử dụng một món hàng nào đó trong một khoảng thời gian dài có làm gia tăng hay giảm bớt khả năng sử dụng món hàng đó trong tương lai hay không. Nghiện có lợi bao gồm việc tiêu thụ những món hàng như nhạc cổ điển, càng ngày nó càng làm cho người ta hài lòng hơn và không gây cản ngại cho sự hưởng thụ những món hàng khác. Nghiện có hại làm giảm khả năng tiêu thụ trong tương lai. Rượu làm giảm sự thỏa mãn trong tương lai vì nó làm giảm sự thỏa mãn khi tiêu thụ cùng một số lượng như thế trong tương lai (càng ngày càng phải uống nhiều hơn – ND) cũng như làm giảm sự thỏa mãn từ những món hàng khác. Nghiện là thói quen hữu lí, đấy là thói quen phù hợp với sở thích và cơ hội, nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào hình thức ảnh hưởng chủ yếu mà món hàng đó gây ra cho người sử dụng.

Thomas A. Barthold và Harold M. Hochman (1988) không thừa nhận quan điểm của Stigler và Becker về người nghiện có lí trí. “Cho dù nghiện có là hành vi hữu lí hay không... dường như không nói trúng vấn đề” (90). Họ bắt đầu với giả thuyết rằng hành vi dẫn tới nghiện ngập là hành vi cực đoan, “không phải là hành vi bình thường hay điển hình.”

Họ phát hiện ra cảm giác mạnh là động lực nằm ở đằng sau hiện tượng nghiện ngập, nhưng cá nhân phải là người “tìm kiếm thái quá” cảm giác mạnh thì mới trở thành nghiện ngập. Việc tiêu thụ có thể có những ảnh hưởng toàn diện, dẫn tới tổn hại không thể đảo ngược được, đấy là nói nếu tổn hại đã vượt qua một ngưỡng nào đó.

Barthold và Hochman cố gắng xây dựng mô hình tiêu thụ đa giai đoạn, đa kế hoạch và đa giá cả, bằng cách đồng nhất nghiệp ngập với những đường bàng quan lõm (concave indifference curves) (tức là những sở thích không điển hình). Họ phát hiện ra rằng sự thay đổi trong giá so sánh có thể dẫn tới thay đổi quyết định (quyết định tiêu thụ cá biệt), rằng quyết định tiêu thụ “dính” với giá thấp và rằng tiêu thụ có thể dẫn tới tình trạng nghiện ngập.

Robert J. Michaels (1988) thiết lập mô hình hành vi tìm cảm giác mạnh (1988) bằng cách kết hợp sách báo tâm lí học viết về nạn nghiện ngập với mô hình tiêu thụ của Kelvin Lancaster (1966). Lòng tự trọng được đưa vào hàm thỏa dụng của người nghiện. Nhờ đó mà Michaels có thể giải thích được nhiều khuôn mẫu hành vi liên quan tới hiện tượng nghiện ngập, như sự thiếu hiệu quả của các chương trình chữa trị, những đau khổ khi cai nghiện, những thay đổi có tính cực đoan của người nghiện (thí dụ như cải đạo), sử dụng những chất thay thế và những mẫu hình nghiện ngập thường gặp, từ bỏ và tái nghiện.

Giải thích hành vi của người sử dụng theo mô hình của Lancaster tái khẳng định tính hữu lí trong việc lựa chọn của người nghiện. Ngoài ra, nó khẳng định điều đó mà không gia định thái độ ưa thích bất bình thường của người tiêu thụ hay tính chất bất bình thường của món hàng “gây nghiện”. Michaels thấy rằng cấm đoán là chính sách thiếu nhất quán đối với hành vi nghiện ngập theo nghĩa đấy là chính sách nhằm “thuyết phục người sử dụng rằng họ là những người không ra gì có nhiều khả năng là sẽ thất bại... và có thể dẫn tới mức [tiêu thụ cao hơn” (1988, 85). Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số thiếu sót. Mô Nó không xem xét phía cung của thị trường (hợp pháp và bất hợp pháp), cũng không xem xét những vấn đề như ảnh hưởng của hành vi nghiện ngập đối với xã hội.

Cuối cùng, Michaels xây dựng hàm thỏa dụng trên cơ sở tình trạng hiểu biết hiện tại về hành vi nghiện ngập, mà chính ông đã chỉ ra rằng cần phải thay đổi.

Gary S. Becker và Kevin M. Murphi (1988) tiếp tục phát triển lí thuyết về nghiện ngập hợp lí trên cơ sở đề xuất của Stigler và Becker, trong đó tính hữu lí có nghĩa là một kế hoạch nhất quán nhằm tối đa hóa thỏa dụng theo thời gian. Mô hình của họ được xây dựng trên “những trạng thái ổn định không bền” nhằm tìm hiểu nghiện ngập, chứ không dựa vào sự thay đổi kế hoạch cùng với thời gian. Họ sử dụng hiệu ứng vốn tiêu dùng, bên cạnh liên kết giữa tiêu dùng hiện tại và tương lai, sự thiếu kiên nhẫn, và ảnh hưởng của sự biến động giá thường xuyên và biến động tức thời nhằm giải thích hành vi không bình thường như nghiện ngập, nhậu nhẹt quá độ và cai nghiện một cách đột ngột và hoàn toàn những thứ như rượu, thuốc lá, ma túy.

Becker và Murphi lưu ý rằng “Nghiện là một thách thức lớn đối với lí thuyết về hành vi hữu lí” (1988, 695). Họ tuyên bố rằng nó thách thức cả cách tiếp cận đối với hành vi mang tính hữu lí của trường phái Chicago lẫn cách tiếp cận thường thấy với tính hữu lí, trong đó cá nhân luôn luôn tìm cách tối đa hóa thỏa dụng. Becker và Murphi bảo vệ thành công tính hữu lí của trường phái Chicago và, thông qua những thay đổi trong các biến số kinh tế, đã giải thích được hành vi liên quan tới hiện tượng nghiện ngập. Việc đưa vào những trạng thái ổn định không bền để bảo vệ hành vi mang tính hữu lí nhằm phản bác những lời phê bình độc đáo của Croce và thể hiện một sự dịch chuyển nhỏ sang phía khái niệm về tính hữu lí của trường phái Áo. Theo quan niệm của trường phái Áo thì kế hoạch được các cá nhân lập ra trong điều kiện thông tin hạn chế và bất định. Kế hoạch được lập ra tại một thời điểm, nhưng lựa chọn không thể độc lập với lựa chọn trên thực tế. Becker và Murphi đã điều chỉnh khái niệm của họ về tính hữu lí từ “một kế hoạch nhất quán nhằm tối đa hóa thỏa dụng trong một thời gian dài” (1988, 675) thành “hữu lí nghĩa là các các nhân tối đa hóa thỏa dụng phù hợp theo thời gian” (1988, 694).

Sách báo đã khảo sát vấn đề tính hữu lí liên quan tới hiện tượng nghiện ngập và các loại ma túy nguy hiểm. Nói chung nó có cùng quan điểm với di sản của trường phái Chicago. Tính hữu lí là vấn đề cốt lõi của cả cấm đoán lẫn lí thuyết kinh tế nói chung. Trong khi đó, nói chung, sách báo trong lĩnh vực này cũng đồng ý với Fernandez về những khó khăn của việc thi hành những biện pháp cấm đoán, nhưng kết luận của nó lại dựa trên tính hữu lí của người tiêu dùng chứ không phải là do họ thiếu tính hữu lí. Kết quả là đã phát hiện ra rằng cấm đoán là công việc tốn kém đầy mâu thuẫn, không đầy đủ và chẳng có mấy giá trị.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường