[Cuộc cách mạng thị trường xanh] Chủ nghĩa môi trường thân thị trường: Cách tốt nhất để bảo vệ hành tinh của chúng ta

[Cuộc cách mạng thị trường xanh] Chủ nghĩa môi trường thân thị trường: Cách tốt nhất để bảo vệ hành tinh của chúng ta

Chủ nghĩa môi trường thân thị trường không tự mâu thuẫn. Sở hữu tư nhân, tự do thương mại và khởi tạo kinh doanh là những phương pháp tốt nhất để bảo vệ môi trường.

Chương trước đã chứng minh rằng sự can thiệp của chính phủ thường tạo ra các kết quả phản tác dụng về môi trường. Nhưng còn đó một giải pháp thay thế. Chương này sẽ trình bày về học thuyết chủ nghĩa môi trường thân thị trường. Những người theo chủ nghĩa môi trường thân thị trường tìm cách khai thác sự khéo léo của loài người để giải quyết những thách thức về môi trường. Đây là một hình thức lạc quan của chủ nghĩa môi trường, bác bỏ quan điểm tuyệt vọng đang thống trị các cuộc tranh luận công khai về chủ đề này (xem chương 16). Chủ nghĩa môi trường thân thị trường tìm cách khai thác thế mạnh của việc ra quyết định phi tập trung, thị trường, giá cả, quyền tài sản và sự khéo léo của con người để cải thiện thế giới. Nó tôn vinh nhà khoa học từng đạt giải Nobel Norman Borlaug, người đã cứu hơn một tỷ người khỏi nạn đói bằng cách phát triển và chuyển giao công nghệ giúp tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp trong Cách mạng Xanh1. Khi diễn đạt lại cách tiếp cận của Norman Borlaug, nhà báo khoa học Charles C. Mann cho rằng “Chỉ bằng cách trở nên giàu có hơn, thông minh hơn và hiểu biết hơn, loài người mới có thể tạo ra nền khoa học nhằm giải quyết những tình thế tiến thoái lưỡng nan về môi trường”.2 Chủ nghĩa này hào hứng với những công nghệ như thu giữ và lưu trữ cacbon, thực phẩm biến đổi gen, thịt được chế tạo trong phòng thí nghiệm, ô tô điện, nhựa phân hủy, năng lượng hạt nhân và địa khai hóa (terraforming). Chủ nghĩa môi trường thân thị trường chấp nhận một vài sự can thiệp của chính phủ, chủ yếu là trong phân bổ và bảo đảm quyền tài sản, từ đó làm giảm chi phí giao dịch bằng cách cung cấp những nền tảng để các thị trường hoạt động tốt.3 Nhưng nó hướng tới việc giảm vai trò của nhà nước đến mức tối thiểu, tập trung vào cách cho phép thị trường hoạt động hiệu quả.

Cách tiếp cận thị trường đối lập với chủ nghĩa môi trường chỉ huy và kiểm soát đã được mô tả trong chương trước, vốn thường được xây dựng dựa trên những tuyên bố trái với bằng chứng thực nghiệm, hiểu sai cơ bản về kinh tế học, bỏ qua tình trạng môi trường tồi tệ trước đây, và thiếu hiểu viết về tiến bộ môi trường.4

Sự thật là, đa phần các tiến bộ nổi bật nhất về môi trường được ghi nhận ở các quốc gia giàu có và phát triển, như giảm ô nhiễm không khí, làm sạch những dòng sông đã từng bị ô nhiễm nặng nề như sông Thames và mở ra không gian xanh cho công chúng hưởng thụ. Sự giàu có, gắn liền với các nền kinh tế cởi mở hơn và nhiều chính sách công theo tư tưởng tự do hơn, cung cấp những nguồn lực cần thiết và thúc đẩy mối quan tâm của công chúng để giải quyết các thách thức về môi trường.5 Đây còn được gọi là Đường cong Kuznets về môi trường (xem hình bên dưới), thể hiện mối quan hệ hình chữ U ngược giữa ô nhiễm và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, ô nhiễm tăng lên, nhưng trong giai đoạn thứ hai, do sự sung túc, đổi mới sáng tạo và áp lực xã hội, ô nhiễm giảm dần.6

Property and Environment Research Center, “Environmental Kuznets Curves”, p.3. Figure 1, at http://www.perc.org/ pdf/rs02_1a.pdf zit. in: https://thf_media.s3.amazonaws.com/index/pdf/2011/Index2011_Chapter4.pdf p. 56

Nguyên nhân của điều này không chỉ do tiến bộ và sự thịnh vượng kinh tế khiến mọi người ý thức hơn về môi trường, mà nói chung, thị trường tự do và các giải pháp thị trường chứ không phải chủ nghĩa xã hội là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường. Chương này sẽ xem xét hai cấu phần chính của chủ nghĩa môi trường lấy thị trường làm trung tâm: (1) gỡ các nút thắt cho thị trường tự do để thúc đẩy đổi mới sáng tạo (chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do) và (2) thúc đẩy thị trường theo hướng thân thiện với môi trường (chủ nghĩa môi trường dựa trên thị trường). Mối liên hệ của hai cách tiếp cận khác biệt nhưng có liên quan này là những gì chúng ta gọi là chủ nghĩa môi trường thân thị trường xuyên suốt cuốn sách này.

Trong quá khứ, hai cách tiếp cận này đã từng bị cho là đối lập.7 Nội dung chương này thừa nhận rằng chúng không giống nhau, nhưng bổ sung cho nhau và cần thiết để giải quyết những thách thức của thế kỷ 21. Trong các tiếp cận đầu tiên, thị trường tự do, khi không bị kìm hãm bởi tính quan liêu cồng kềnh và những chỉ đạo tập trung, có thể thúc đẩy phát triển những công nghệ giúp giảm phát thải carbon và cải thiện môi trường của chúng ta. Với các tiếp cận thứ hai, các thể chế thị trường, cụ thể là quyền tài sản, có thể giải quyết vấn đề về sự đánh đổi giữa bảo vệ môi trường và nhu cầu kinh tế tức thời. Trong một số trường hợp, có thể cần nhà nước can thiệp để phân bổ quyền tài sản đối với những nguồn lực giới hạn, ủy quyền cho những người ra quyết định ở cấp địa phương và định giá những ngoại ứng tiêu cực, giảm bớt sự chi phối của các nguyên lý “thị trường tự do” thuần túy. Tuy nhiên, kiểu can thiệp này không nên bị các nhà ủng hộ thị trường tự do xa lánh mà phải được coi là một công cụ hữu hiệu để đảm bảo thị trường hoạt động bình thường, giống như cách mà sự can thiệp của nhà nước pháp quyền và tòa án nhằm đảm bảo rằng các hợp đồng được thực thi.

Sử dụng sức mạnh của thị trường và loại bỏ các rào cản để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Động cơ lợi nhuận là một thứ gì đó đầy bóng bẩy, chịu nhiều chỉ trích và ít được thấu hiểu. Đối với người theo chủ nghĩa Marx, lợi nhuận vốn có tính chất bóc lột vì rõ ràng là nó có được bằng cách trả lương thấp cho người lao động (lấy giá trị thặng dư của họ). Ngoài ra, việc lợi nhuận kinh doanh bị gắn mác là “ăn cắp” của người tiêu dùng như thể trong một trò chơi có tổng bằng không cũng không phải là điều hiếm gặp. Tuyên bố rằng lợi nhuận đạt được bằng phí tổn của môi trường đã trở thành xu hướng.8 Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Lợi nhuận là phần thưởng cho việc cung cấp giá trị cho người khác.9 Đó là những gì bạn nhận được khi tạo ra một sản phẩm có giá trị đối với người tiêu dùng cao hơn giá thành sản xuất. Đơn giản là khi có hiệu quả thì sẽ có lợi nhuận. Chìa khóa để đạt được lợi nhuận là sản xuất một sản phẩm hiệu quả và thường xuyên sáng tạo, giảm chi phí đầu vào và tối đa hóa giá trị cho khách hàng. Vì lao động là một yếu tố đầu vào tương đối đắt đỏ, nên hiệu quả thường có nghĩa là phải đổi mới mới sáng tạo: áp dụng và thích ứng với công nghệ làm tăng giá trị sức lao động của con người và sử dụng các nguồn lực hạn chế hiệu quả hơn. Nếu không có động cơ lợi nhuận, sẽ có rất ít lý do để sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả hoặc để đổi mới sáng tạo. Do đó, hệ thống thị trường không đối lập với môi trường tự nhiên; nó chính xác là thứ cho phép chúng ta thu được nhiều hơn từ hoạt động kinh tế của mình trong khi sử dụng ít hơn từ thế giới tự nhiên. Hệ thống thị trường giúp mang đến các công nghệ sản xuất vải từ nhựa đã qua sử dụng và năng lượng từ chất thải ở bãi chôn lấp, tận dụng tốt nhất các tài nguyên đã bị vứt bỏ. Sức mạnh vĩ đại của hệ thống thị trường là nó mang đến khả năng sản xuất nhiều hơn với ít nguồn lực hơn.

Tính hiệu quả của thị trường giải thích tại sao, bất chấp những dự báo về giá dầu tăng cao, thiếu hụt kim loại đất hiếm và sự sụp đổ sắp tới của nền nông nghiệp và hệ sinh thái, chúng ta vẫn chưa từng thấy những tài nguyên đó có vẻ sắp cạn kiệt. Khi giá dầu hoặc kim loại đất hiếm hay thậm chí là đất sử dụng tăng, người ta sẽ có động cơ để sử dụng chúng hiệu quả hơn, chẳng hạn, sản xuất ô tô sử dụng ít xăng hơn, ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp sản xuất nhiều lương thực hơn, hoặc tìm cách khai phá các nguồn tài nguyên khác. Đây là lý do tại sao theo thời gian, chúng ta có trữ lượng dầu, đồng, nhôm và chì nhiều hơn dù sử dụng ngày càng nhiều tài nguyên. Từ năm 1871 đến năm 2010, chỉ số giá hàng hóa công nghiệp của The Economist đã giảm gần một nửa (để biết thêm ví dụ về việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, xem thêm chương 6).10 Cuối cùng, giá cả tăng không chỉ khuyến khích các nhà khởi tạo kinh doanh tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới và triển khai các phương pháp khai thác tốt hơn, nhờ đó làm tăng cung và giảm giá; mà giá cả tăng còn khiến cho việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Con người phản ứng linh hoạt với sự khan hiếm. Chúng ta không dậm chân tại chỗ và bế tắc. Đổi mới sáng tạo cho phép chúng ta tạo ra nhiều hơn với ít nguồn lực hơn để cung cấp cho nhu cầu của dân số đang gia tăng.11 Như nhà kinh tế học Julian Simon giải thích: “Trí óc con người đã được chứng minh là nguồn tài nguyên vô hạn sau cùng”.12 Sự thiếu hiểu biết về điểm mấu chốt này là sai lầm của Malthus trong tác phẩm The Population Bomb [Bùng nổ dân số] và tác phẩm Limits to Growth [Những giới hạn của tăng trưởng] của Câu lạc bộ Rome: nếu dân số tiếp tục tăng trong khi sản lượng không đổi thì theo dự đoán của họ, hàng triệu người sẽ chết đói.13 Nhưng nhờ có sự khéo léo của con người, chúng ta giờ đã sản xuất được đủ đồ ăn cho 10 tỷ người – nhiều hơn khoảng 25% những gì chúng ta cần – và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc dự báo đến năm 2050, sản lượng sẽ tăng 30%.14

Như vậy, thị trường tự do với thuế thấp và với một số ít những quy định cần thiết tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Bất kể thứ gì gây tổn hại đến quá trình đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như đánh thuế quá mức và sự quan liêu hạn chế gia nhập (thị trường - ND) đều có hại cho môi trường, đơn giản vì nó ngăn cản các tác động tích cực, dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo của thị trường. Chúng ta có thể giúp môi trường bằng cách loại bỏ chứ không phải tăng thêm các rào cản. Nhưng điều này không có nghĩa là nhà nước không có vai trò nào trong việc mang đến các kết quả tích cực về môi trường mà thay vào đó, mục tiêu chính là đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả để phân bổ các nguồn lực khan hiếm.

Tầm quan trọng của quyền sở hữu tài sản

Các vấn đề môi trường thường bắt nguồn từ việc thiếu quyền sở hữu tài sản. Khái niệm Bi kịch tài nguyên chung (xem chương 6), như đã được thảo luận sơ bộ trong chương trước, mô tả điều này. Nếu một thứ gì đó thuộc sở hữu chung, chẳng hạn như các quần thể cá hoặc một khu đất canh tác, thì mỗi cá nhân sẽ có động cơ tiêu thụ tài nguyên quá mức dẫn đến thiệt hại cho người khác. Ngư dân đánh bắt quá nhiều khiến số cá còn lại không đủ để sinh sản và bền vững. Nông dân cho phép gia súc ăn cỏ quá mức, khiến đất mất giá trị sử dụng trong tương lai. Các tập đoàn thì phát thải quá nhiều khí nhà kính vào bầu khí quyển chung. Nếu vấn đề là không ai sở hữu tài nguyên chung dẫn đến việc sử dụng quá mức, vậy thì giải pháp hợp lý là đảm bảo phân bổ quyền tài sản với các nguồn tài nguyên khan hiếm.

Chủ nghĩa môi trường thân thị trường nhấn mạnh những lợi ích môi trường nhờ có quyền sở hữu, trách nhiệm giải trình và thương mại.15 Quyền sở hữu sẽ khiến mọi người để tâm hơn tới tài sản đó, giống như cách mọi người giữ gìn nhà cửa của chính họ tốt hơn so với đi thuê. Quyền sở hữu khiến mọi người quản lý tốt môi trường tự nhiên vì họ trực tiếp hưởng lợi từ giá trị tài sản cao hơn. Nếu không chăm sóc cẩn thận tài sản của mình thì nó sẽ giảm giá trị. Trên thực tế, khi tài sản thuộc sở hữu chung của nhà nước, người ta sẽ có ít động lực hơn để bảo vệ đất đai vì các cá nhân chịu trách nhiệm hiếm khi bị trừng phạt về mặt tài chính do quản lý yếu kém.

Trách nhiệm giải trình có nghĩa là buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của họ để khuyến khích hành vi tốt hơn, chẳng hạn như người lái xe trả phí bảo hiểm cao hơn sau một tai nạn xe máy. Với quyền tài sản, khi dòng sông bị ô nhiễm, người chịu trách nhiệm không phải là bộ máy quan liêu vốn trừu tượng và thường né tránh, mà là các cá nhân trong các doanh nghiệp. Trên thực tế, điều này có thể được coi là trách nhiệm pháp lý đối với những thiệt hại gây ra cho tài sản chung hoặc tài sản của người khác như dòng sông. Các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro do thiệt hại môi trường cũng có thể mua bảo hiểm hoặc bảo lãnh thay vì chỉ tuân theo các quy định, từ đó có động cơ để giảm thiểu thiệt hại môi trường.

Thương mại đảm bảo chủ sở hữu sử dụng tài nguyên của họ một cách tốt nhất. Một nhóm bảo tồn có thể mua một mảnh đất khi giá trị mang lại từ việc bảo vệ môi trường cao hơn giá trị đem lại từ các phương án sử dụng khác - hay còn được gọi là chi phí cơ hội. Việc họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho bất động sản nói trên cho thấy, trong số các phương án sử dụng khác nhau, phương án bảo vệ môi trường là tốt hơn cả. Điều này, như Holly Fretwell của PERC giải thích, có nghĩa là mọi người đều được hưởng lợi:

“Với chủ nghĩa môi trường chính trị, chúng ta thường chấp nhận các kiểu trò chơi có tổng bằng 0, hoặc người thắng được tất (winner-takes-all). Còn với chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do, chúng ta thực sự đang cố gắng tạo ra các giải pháp đổi mới sáng tạo tạo điều kiện để thương mại và đàm phán được diễn ra. Các giải pháp này thỏa mãn các nhu cầu hiện tại thông qua hoạt động thương mại, giúp bộc lộ giá trị của các phương án sử dụng tài nguyên khác nhau. Ngoài ra, ở một thời điểm nào đó, cần đưa ra quy định đối với một loại nhu cầu hoặc mong muốn nhất định mà ai đó đã nhận ra tại thời điểm đó".16

Ý tưởng một hệ thống dựa trên tự do kinh tế để bảo vệ môi trường tốt hơn các hệ thống khác không chỉ đơn giản là trên lý thuyết. Các quốc gia có nền kinh tế tự do nhất thể hiện tốt hơn 50% trên Chỉ số Hiệu quả Môi trường (EPI) của Đại học Yale và Columbia so với các quốc gia bị kìm kẹp hoặc hầu như không tự do.17 EPI xem xét 24 chỉ số, bao gồm đa dạng sinh học, nghề cá và ô nhiễm. Kết quả là rõ ràng: các nền kinh tế cạnh tranh và tự do có những kết quả về môi trường tốt hơn các nền kinh tế không cạnh tranh hoặc không tự do.

Hướng đi đúng đắn là thúc đẩy các cách tiếp cận dựa trên thị trường     

Trên cơ sở quyền tài sản và giảm bớt các rào cản tiếp cận và đổi mới sáng tạo, có thể thực hiện một số biện pháp để tránh bi kịch của chủ nghĩa môi trường chính trị (xem chương trước), ngay cả khi không có sở hữu tư nhân thuần túy. Chương này không phân tích đầy đủ về các bước, mà chỉ giới thiệu chung về nhiều khái niệm sẽ được phân tích thêm trong suốt cuốn sách này.

Điều phối cộng đồng

Nhà kinh tế học Elinor Ostrom đã giành giải Nobel vào năm 2009 cho công trình nghiên cứu định hình lại cách chúng ta hiểu về bi kịch tài nguyên chung.18 Ostrom phát hiện ra rằng, các cộng đồng nhỏ tự nguyện thiết lập các quy tắc để tránh khai thác quá mức nếu nhận thấy họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên chung.19 Từ năm 1517, một tập thể nông dân ở núi Alps Thụy Sỹ đã áp dụng các hệ thống xã hội phức tạp để đảm bảo việc duy trì và trách sử dụng quá mức đồng cỏ chăn thả chung. Cách tiếp cận cộng đồng từ dưới lên có thể có hiệu quả tương đương, nếu không muốn nói là hiệu quả hơn, so với việc định hướng từ trên xuống. Chương tiếp theo sẽ đi sâu hơn vào khía cạnh điều phối cộng đồng này.

Phân bổ quyền tài sản

Nếu việc sử dụng quá mức tài nguyên chung là lý do khai thác môi trường thì giải pháp đơn giản nhất là phân bổ quyền sở hữu tư nhân.20 Người nông dân sở hữu đất của riêng họ sẽ đảm bảo rằng sẽ không có chuyện chăn thả quá mức làm xói mòn giá trị sử dụng của mảnh đất đó cho các mùa vụ sau. Những ngư dân sở hữu biển hoặc sông sẽ không đánh bắt cá đến mức tuyệt chủng vì điều này sẽ làm giảm lợi nhuận trong tương lai. Còn chủ sở hữu bất động sản hiểu rằng cần cân bằng giữa nhu cầu của con người và tính bền vững lâu dài của môi trường; và điều này mang lại lợi ích cho họ. Phân bổ quyền tài sản là cách tiếp cận cổ điển của Đạo luật Phân bổ đất (Inclosure Acts), quy định quyền sở hữu 6,8 triệu mẫu Anh trên khắp nước Anh và xứ Wales từ năm 1604 đến năm 1914.21 Quyền sở hữu tư nhân đối với đất nông nghiệp cũng có liên quan đến việc hạn chế sử dụng quá mức, cũng như phát triển và áp dụng các phương thức sản xuất cây trồng hiện đại trong Cách mạng Nông nghiệp.22

Một quan niệm sai lầm phổ biến là nếu muốn bảo vệ không gian công cộng để sử dụng cho mục đích cảnh quan và môi trường thì cần có sở hữu và kiểm soát của nhà nước. Nhưng đã có hàng nghìn trường hợp bảo tồn thiên nhiên do tư nhân vận hành, thường là dưới hình thức phi lợi nhuận thông qua ủy thác đất đai (xem chương 8).23 Hơn nữa, nhiều không gian công cộng thành công, chẳng hạn như Detroit International Riverfront và High Line ở New York được tài trợ phần lớn bởi tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho việc sử dụng đất một cách thân thiện với môi trường trong hệ thống thị trường. Như Shawn Regan giải thích, hệ thống đấu thầu đất công của Hoa Kỳ yêu cầu người cho thuê phải thu hoạch, khai thác hoặc phải phát triển các nguồn tài nguyên.24 Điều này có nghĩa là các nhà môi trường không thể đấu thầu quyền sử dụng đất chỉ cho mục đích cảnh quan, trong khi bỏ qua ý tưởng chính yếu, đó là các tác nhân thị trường sẽ quyết định lựa chọn cách sử dụng tài nguyên tốt nhất dựa trên giá của nó. Các giải pháp chính sách cụ thể của Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề này được phân tích thêm trong chương 12.

Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc các giải pháp thiết lập các quyền tựa như quyền tài sản (quasi-property rights). Ví dụ, một hệ thống mua bán giấy phép cấp quyền hạn chế để thực hiện một số hành vi nhất định. Giải pháp này đã được áp dụng cho đánh bắt cá, khai mỏ, khai thác gỗ và sử dụng nước. Ban đầu, lượng tài nguyên có thể được sử dụng do nhà nước quyết định thông qua phân tích môi trường, nhưng sau đó, lựa chọn về cách phân bổ các nguồn lực hạn chế sẽ do các tác nhân thị trường quyết định. Terry Anderson và Donald Leal giải thích rằng, “Theo phương pháp này, quyền tài sản cho phép những người muốn có đất, nước hoặc không khí sạch hơn tính phí những người muốn sử dụng nó để xử lý chất thải và như vậy, những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm về chi phí mà họ tạo ra.”25 Khả năng giao dịch những giấy phép này cho phép việc sử dụng linh hoạt và hiệu quả theo thời gian, đảm bảo các quyền được phân bổ cho mục đích sử dụng tốt nhất. Các nhà bảo tồn tư nhân hoặc các doanh nhân môi trường thậm chí cũng có thể tham gia giao dịch, chẳng hạn như Liên minh Clark Fork ở Montana đã trả lại 25 tỷ gallon cho các dòng suối cạn nước bằng cách mua giấy phép này.26

Trường hợp điển hình về việc phân bổ thành công quyền tài sản là câu chuyện về nghề cá ở New Zealand.27 Trước đó, cá sống trong các quần thể chung và ngư dân không bị ràng buộc về số lượng cá có thể khai thác. Điều này khuyến khích họ đánh bắt quá mức theo kiểu bi kịch tài nguyên chung cổ điển. Năm 1986, New Zealand đã giới thiệu một hệ thống quản lý hạn ngạch (QMS) đầu tiên trên thế giới, theo đó chính phủ đặt ra giới hạn sản lượng cho mỗi loại cá và phân bổ số lượng này cho ngư dân thông qua Hạn ngạch có thể chuyển nhượng (ITQs). ITQ có thể được mua, bán hoặc cho thuê theo cách tương tự như tài sản truyền thống, cho phép chủ sở hữu quyền đánh bắt một số lượng hạn chế cá. Biện pháp này cùng với những cải cách tạo điều kiện cho thị trường khác trong nhiều thập kỷ đã giúp định hình lại nghề đánh bắt ven bờ đã cạn kiệt trước đây, đảm bảo rằng sản lượng đánh bắt được giới hạn ở mức có thể bền vững trong khi vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế liên tục cho đất nước. Một nghiên cứu rộng hơn về 11.135 bãi cá từ năm 1950 đến năm 2003 được công bố trên Science Magazine cho thấy quyền tựa tài sản “trong các chương trình chia sẻ sản lượng đánh bắt, nhìn chung đã thành công, nếu không muốn nói là đảo ngược tình trạng trữ lượng thủy sản đang cạn kiệt.”28 Họ phát hiện ra rằng nếu áp dụng một hệ thống quyền sở hữu đối với cá trên toàn cầu từ năm 1970 thì mức độ thu hẹp của ngành đánh bắt cá có lẽ đã giảm 2/3. Mặc dù chỉ hạn chế đánh bắt cá trong ngắn hạn, hệ thống quyền sở hữu đảm bảo rằng nguồn khai thác thủy sản không bị cạn kiệt, bảo vệ môi trường và đóng góp lâu dài cho nền kinh tế. Việc có gần 200 chương trình chia sẻ sản lượng đánh bắt trên toàn thế giới ngày nay là minh chứng cho sự thành công của cách tiếp cận này.29

Nội bộ hóa chi phí

Theo thuật ngữ kinh tế kinh điển, sản xuất có những ngoại ứng tiêu cực. Nghĩa là, không phải lúc nào người mua và người bán cũng nhận biết được chi phí xã hội ở phạm vi rộng hơn của việc sản xuất một hàng hóa. Giải pháp đối phó điển hình với ngoại ứng tiêu cực là chủ nghĩa môi trường chính trị, tức là, như đã đề cập, áp dụng rộng rãi các quy định và trợ cấp, lấy nhà nước làm trung tâm, để khuyến khích hoặc hạn chế các hành vi cụ thể. Nhưng đây chính là vấn đề. Nó khuyến khích hành vi tìm kiếm đặc lợi của những nhóm lợi ích thường che đậy các yêu cầu của họ bằng ngôn ngữ của chủ nghĩa môi trường trong khi cố gắng bòn rút các nguồn lực công cho chính họ.30 Điều này dẫn đến tình trạng dẫn đến tình trạng quan liêu, không rõ ràng, kém hiệu quả, và tốn chi phí, khiến cho các doanh nghiệp không giải quyết được các vấn đề môi trường sống dở chết dở.

Giải pháp thay thế cho chủ nghĩa môi trường chính trị là cách tiếp cận của các nhà môi trường thân thị trường nhằm tìm cách tận dụng sức mạnh của giá cả bằng cách yêu cầu các tác nhân thị trường nội bộ hóa các chi phí thiệt hại bên ngoài. Một khi họ nội bộ hóa chi phí, chúng sẽ được tính vào các yếu tố sản xuất. Sau đó, các tác nhân thị trường sẽ hưởng lợi từ việc thay thế các tài nguyên có vấn đề và đổi mới bằng cách phát triển các sản phẩm sử dụng ít tài nguyên hơn. Cần phải định giá những ngoại ứng này để chúng được tính đến trong các quyết định lựa chọn của những người tham gia thị trường.

Có một số cách để nội bộ hóa chi phí. Thứ nhất, như một phần của các cách tiếp cận môi trường thân thị trường, các chính phủ thường phải xác định và thực thi các quyền tài sản một cách hiệu quả hơn. Như chương 9 giải thích, luật xử lý các hành vi gây ảnh hướng xấu tới các cá nhân khác hoặc cộng đồng (nuisance law) là một hệ thống dựa trên quyền tài sản khuyến khích việc nội bộ hóa. Ngoài ra, nếu cách tiếp cận thị trường thuần túy không thành công, thì có thể xem xét việc định giá carbon dựa trên cơ chế mua bán khí phát thải (cap-and-trade) hoặc đánh thuế carbon. Ý tưởng đánh thuế các hoạt động có ngoại ứng tiêu cực được cho là bắt đầu từ chính sách đánh thuế nhiên liệu của Thủ tướng David Lloyd George đưa ra vào năm 1909. Đây được gọi là thuế Pigouvian, được đặt theo tên nhà kinh tế học đầu thế kỷ 20 Arthur Cecil Pigou.31 Ông đã có một ý tưởng đơn giản nhưng khéo léo là tập trung vào việc đánh thuế những thứ mà chúng ta không thích để đảm bảo chi phí của nó được tính đến trong quá trình sản xuất. Chương 10 xem xét những ưu điểm và nhược điểm của một chính sách như vậy.

Kết luận

Thị trường và quyền sở hữu tư nhân là một giải pháp thay thế khả thi cho cách tiếp cận từ trên xuống sai lầm của chính phủ vốn dĩ đã phổ biến trong các cuộc tranh luận về môi trường trong suốt thời gian dài. Thị trường đã được chứng minh là giải pháp cho những thách thức về môi trường, chứ không phải là nguyên nhân của vấn đề như người ta thường nghĩ. Nhưng điều này không có nghĩa là nhà nước không có vai trò nào hoặc thị trường có thể giải quyết mọi vấn đề. Ngược lại, vai trò của chính phủ là giảm chi phí giao dịch để thị trường hoạt động tốt và đảm bảo rằng các quyền tài sản được phân bổ và chi phí môi trường được nội bộ hóa trên thị trường. Cả hai điều trên đều không đòi hỏi sự chỉ đạo của nhà nước quá mức. Thay vào đó, chúng mang ý nghĩa loại bỏ các rào cản đối với đổi mới sáng tạo và tạo ra các động lực phù hợp để bảo vệ môi trường. Tóm lại, chủ nghĩa môi trường thân thị trường không hề mâu thuẫn.

Matthew Lesh là Trưởng phòng Nghiên cứu tại Viện Adam Smith

Chú thích:

(1) Easterbrook, Gregg (1997). Forgotten Benefactor of Humanity (tạm dịch: Nhà hảo tâm bị lãng quên của nhân loại). https://www.theatlantic.com/ magazine/archive/1997/01/forgotten-benefactor-of-humanity/306101/

(2) Mann, Charles C. (2018). The Wizard and the Prophet: Two Remarkable Scientists and Their Dueling Visions to Shape Tomorrow’s World (tạm dịch: Pháp sư và nhà tiên tri: Hai nhà khoa học khác thường và tầm nhìn đối lập để định hình thế giới ngày mai). New York: Knopf Publishing Group.

(3) Anderson Terry L. & Donald R. Leal (2001). Free Market Environmentalism (tạm dịch: Chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do). Tái bản. New York: Palgrave Macmillan; Anderson, Terry L. & Donald R. Leal (2015). Free Market Environmentalism for the Next Generation (tạm dịch: Chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do cho thế hệ tương lai). New York, NY: Palgrave Macmillan, 2015.

(4) Shellenberger, Michael (2019. Why Apocalyptic Claims About Climate Change Are Wrong (tạm dịch: Vì sao những tuyên bố về ngày tận thế của biến đổi khí hậu là sai lầm). https://www.forbes.com/sites/michaelshellenberger/2019/11/25/why-everything-they-sayabout-climate-change-is-wrong/

(5) Khi các quốc gia trở nên giàu có hơn thì các giá trị “ngoài vật chất” ưu tiên môi trường ở phương Tây ngày càng phổ biến hơn, xem Ronald Inglehart (2015). The Silent Revolution: Changing Values and Political Styles Among Western Publics (tạm dịch: Cách mạng thầm lặng: Thay đổi giá trị và phong cách chính chị trong xã hội phương Tây). Princeton: Princeton University Press. Điều này thể hiện ở các kết quả về môi trường, với sự khác biệt đáng kể về bảo vệ môi trường giữa các quốc gia giàu có hơn ở châu Âu và Bắc Mỹ và các quốc gia châu Phi cận Sahara nghèo hơn, xem Chỉ số Hiệu quả Môi trường 2018 (Environmental Performance Index). New Haven: Yale Center for Environmental Law & Policy. https://epi.envirocenter.yale.edu/

(6) Grossman, Gene M. & Alan B. Krueger (1991). Environmental Impacts of a North American Free Trade Agreement (tạm dịch: Tác động môi trường của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ). NBER Working Papers. https://ideas.repec.org/p/nbr/nberwo/3914. html

(7) Cordato, Roy E. (1997). “Market-Based Environmentalism and the Free Market: They’re Not the Same.” (tạm dịch: Chủ nghĩa môi trường thân thị trường và dựa vào thị trường không giống nhau). Trong The Independent Review I, no. 2: 371–386.

(8) Eisenstein, Charles (2014). Let’s Be Honest: Real Sustainability May Not Make Business Sense. (tạm dịch: Thành thực mà nói, tính bình vững thực sự chẳng có ý nghĩa gì trong kinh doanh). https://www.theguardian.com/sustainable-business/blog/sustainability-business-sense-proftpurpose

(9) Lesh, Matthew (2019). The Drive for Profit Has Raised Billions out of Poverty - Attack It at Your Peril (tạm dịch: Động cơ lợi nhuận đã giúp hàng tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói). https://capx.co/the-proft-motive-has-raised-billions-out-of-poverty-attack-it-at-yourperil/

(10) Thay đổi giá tài nguyên đã trở thành tâm điểm của một vụ cá cược khét tiếng, Paul Sabin (2013). The Bet: Paul Ehrlich, Julian Simon, and Our Gamble Over Earth’s Future (tạm dịch: Paul, Ehrlich, Julian Simon và Canh bạc trên về tương lai của trái đất). New Haven: Yale University Press

(11) Simon, Julian L. (1980). “Resources, Population, Environment: An Oversupply of False Bad News. (Tài nguyên, Dân số, Môi trường: Tràn ngập những tin tồi tệ giả”. In Science 208, no. 4451: 1431–37

(12) Simon, Julian L. (1981). The Ultimate Resource (tạm dịch: Tài nguyên cuối cùng), Ấn bản đầu tiên. Princeton: Princeton University Press.

(13) Ehrlich Paul (1997). Population Bomb (tạm dịch: Bùng nổ dân số), Bản in lại. Cutchogue: Buccaneer Books; Meadows, Donella H., et al. (1972). The Limits to Growth: A Report for the Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind. (tạm dịch: Giới hạn tăng trưởng: Báo cáo cho Dự án của CLB Rome về thực trạng khó khăn của nhân loại). New York: Universe Books.

(14) Property Environment Research Center (Trung tâm nghiên cứu môi trường bất động sản). Free Market Environmentalism (Chủ nghĩa môi trường thân thị trường). https://www.perc.org/ about-us/what-we-do/free-market-environmentalism-2/

(15) Property Environment Research Center (Trung tâm nghiên cứu môi trường bất động sản). Free Market Environmentalism (Chủ nghĩa môi trường thân thị trường). https://www.perc.org/ about-us/what-we-do/free-market-environmentalism-2/

(16) Fretwell, Holly & Kai Weiss (2019). How the Market Can Protect the Environment (tạm dịch: Thị trường có thể bảo vệ môi trường như thế nào). https://www. austriancenter.com/market-environment-fretwell/

(17) Weiss, Kai & Simon Sarevski (2019). Ikea’s New Plan to Rent Furniture Shows How the Market Can Protect the Environment (tạm dịch: Kế hoạch cho thuê đồ nội thất mới của Ikea cho thấy cách thị trường có thể bảo vệ môi trường) . https://fee.org/articles/ikeas-new-plan-to-rent-furniture-showshow-the-market-can-protect-the-environment

(18) The Nobel Prize (2009). Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2009. https://www.nobelprize.org/prizes/economic-sciences/2009/ostrom/facts/

(19) Ostrom, Elinor et al. (1999). “Revisiting the Commons: Local Lessons, Global Challenges. (tạm dịch: Xem lại tài nguyên chung: Bài học từ địa phương và những thách thức toàn cầu)”. Trong Science 284, no. 5412: 278–82.

(20) Smith, Robert J. (1981). “Resolving the Tragedy of the Commons by Creating Private Property Rights in Wildlife. (tạm dịch: Giải quyết bi kịch tài nguyên chung bằng cách tạo ra quyền tài sản cá nhân với động vật hoang dã”). Trong Cato Journal 1, no. 2: 439–68.

(21) UK Parliament. Enclosing the Land. https://www.parliament.uk/about/living-heritage/transformingsociety/towncountry/landscape/overview/enclosingland/. 

(22) McCloskey, Donald N. (1972). “The Enclosure of Open Fields: Preface to a Study of Its Impact on the Effciency of English Agriculture in the Eighteenth Century (tạm dịch: Rào các cánh đồng mở: Mở đầu cho một nghiên cứu về tác động của nó đối với hiệu quả của nông nghiệp Anh trong thế kỷ thứ mười tám”. Trong The Journal of Economic History 32, no. 1: 15–35; Olsson, Mats & Patrick Svensson (2010). “Agricultural Growth and Institutions: Sweden, 1700–1860. (tạm dịch: Tăng trưởng kinh tế và Thể chế ở Thụy Điển từ năm 1700-1860”. Trong European Review of Economic History 14, no. 2: 275–304.

(23) Land Trust Alliance (2015). National Land Trust Census (tạm dịch: Đồng thuận chuyển nhượng đất quốc gia). https://www.landtrustalliance.org/ about/national-land-trust-census.

(24) Regan, Shawn (2019). Why Don’t Environmentalists Just Buy the Land They Want To Protect? Because It’s Against the Rules (tạm dịch: Tại sao các nhà bảo vệ môi trường không mua đất mà họ muốn bảo vệ? Vì nó sai quy tắc).

https://reason.com/2019/11/18/why-dont-environmentalistsjust-buy-the-land-they-want-to-protect-because-its-against-the-rules/

(25) Anderson & Leal (2001), p. 8.

(26) Anderson, Terry (2015). Free Market Environmentalism (chủ nghĩa môi trường thân thị trường). https://www.hoover.org/research/ free-market-environmentalism-1

(27) Food and Agriculture Organization of the United Nations (2000). Use of Property Rights in Fisheries Management: Proceedings of the FishRights99 Conference (tạm dịch: Sử dụng các quyền tài sản trong quản lý nghề cá: Biên bản Hội nghị FishRights99), Fremantle, Western Australia, 11-19 November 1999; Connor, Robin (2001). Initial Allocation of Individual Transferable Quota in New Zealand Fisheries. (tạm dịch: Phân bổ ban đầu về Hạn ngạch chuyển nhượng trong nghề cá ở New Zealand) http://www.fao.org/3/y2684e/y2684e19.pdf

(28) Costello, Christopher, Steven D. Gaines & John Lynham (2008). “Can Catch Shares Prevent Fisheries Collapse? (Tạm dịch: Liệu chia sẻ sản lượng đánh bắt có thể ngăn ngừa sự biến mất của nghề cá)”. Trong Science 321, no. 5896: 1678–81.

(29) Environmental Defense Fund. Sustainable fisheries map (bản đồ nghề cá bền vững). http://fsherysolutionscenter.edf.org/ map

(30) The alliance of moral righteousness and self-interest has been explored in the Bootleggers and Baptists phenomenon (Sự liên minh của lẽ phải đạo đức và tư lợi đã được thể hiện trong hiện tượng Bootleggers và Baptists), xem Smith, Adam & Bruce Yandle (2014). Bootleggers and Baptists: How Economic Forces and Moral Persuasion Interact to Shape Regulatory Politics (tạm dịch: Các các lực lượng kinh tế và thuyết phục đạo đức tương tác để định hình chính trị với pháp luật điều chỉnh). Washington, D.C: Cato Institute.

(31) Pigou, A. C. (1932). The Economics of Welfare, Fourth Edition. London: Macmillan. https://oll.libertyfund.org/titles/pigou-the-economics-of-welfare.

Nguồn: Matthew Lesh, Green Market revolution (5. Market Environmentalism: The Best Way to Protect Our Planet), Austrian Economics Center and the British Conservation Alliance, 2020

 

 

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân